Những vấn đề cơ bản về pháp luật thị trường tiền tệ, ngoại hối

Để thực hiện hoạt động cung ứng tín dụng cho nền kinh tế trong một quốc gia cũng như hoạt động mang tính toàn cầu, sự ra đời của một môi trường đặc biệt để đảm bảo nhu cầu đó được hiểu như một tất yếu khách quan. Môi trường đặc biệt ở đây chính là thị trường tiền tệ.

doc11 trang | Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 1805 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những vấn đề cơ bản về pháp luật thị trường tiền tệ, ngoại hối, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
pháp luật thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối I. Những vấn đề cơ bản về thị trường tiền tệ 1. Khái niệm, đặc điểm thị trường tiền tệ. Để thực hiện hoạt động cung ứng tín dụng cho nền kinh tế trong một quốc gia cũng như hoạt động mang tính toàn cầu, sự ra đời của một môi trường đặc biệt để đảm bảo nhu cầu đó được hiểu như một tất yếu khách quan. Môi trường đặc biệt ở đây chính là thị trường tiền tệ. 1.1. Khái niệm: Thị trường tiền tệ là tên gọi chung nơi phát hành và mua lại các công cụ tài chính ngắn hạn. Trong nền kinh tế hàng hoá, đặc biệt là nền kinh tế thị trường, các giao dịch về vốn ngắn hạn có nhiều ưu điểm so với các giao dịch tín dụng ngắn hạn thông thường. Các ưu điểm đó là nguồn vốn rộng, phương thức linh hoạt, thủ tục đơn giản, có lợi cho việc giải quyết nhu cầu vốn cấp bách nhưng chỉ là tạm thời. Các giao dịch tại thị trường tiền tệ thường không cần áp dụng các biện pháp đảm bảo như thế chấp, cầm cố, không chịu sự ràng buộc trực tiếp của các quan hệ lưu thông hàng hoá, có thể thoả mãn nhiều yêu cầu của các bên. Là một bộ phận của thị trường tài chính, thị trường tiền tệ phản ánh những bước tiến của các công cụ tài chính, là môi trường thuận lợi điều chỉnh kịp thời kết cấu tài sản, giữ cân bằng tiền vốn trong xã hội. Đối tượng của thị trường tiền tệ là các công cụ tài chính ngắn hạn hoặc các khoản vay ngắn hạn nên thường ít biến động hơn so với so với các công cụ lưu thông ở các bộ phận thị trường tài chính khác khi lãi suất thị trường thay đổi. Với khả năng thanh toán cao và ít rủi ro, đối tượng của thị trường tiền tệ có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền. Vì vậy, các nhà đầu tư có thể tính được hiệu suất của vốn đầu tư. Mặt khác, chủ thể tham gia thị trường là các tổ chức có tiềm năng tài chính to lớn nên các giao dịch tại thị trường cũng là cơ sở, tiền đề cho việc tiến hành các giao dịch của thị trường còn lại. Công cụ phát hành, giao dịch tại thị trường tiền tệ là tài sản bảo đảm được ưu chuộng cho các giao dịch khác, đặc biệt là các giao dịch tín dụng thông thường. Lãi suất thị trường tiền tệ là tấm gương phản ánh tình hình cung cầu vốn ngắn hạn toàn xã hội, nó có thể cung cấp tin tức thị trường sớm và chính xác hơn các thị trường còn lại. Có hai loại phương thức giao dịch tại thị trường tiền tệ: giao dịch trực tiếp và giao dịch gián tiếp. Giao dịch trực tiếp được hiểu các bên có nhu cầu thực hiện tín dụng liên hệ trực tiếp, trao đổi mua bán; hình thức pháp lý xác định cam kết được thực hiện ngay tại thời điểm đó. Giao dịch gián tiếp được hiểu các bên thực hiện giao dịch thông qua khâu trung gian là các tổ chức tài chính hoặc thông qua các phương tiện thông tin nhất định; hình thức pháp lý của các cam kết có thể được xác nhận vào cùng thời điểm hoặc khác thời điểm cam kết. Đối tượng cung cầu và trung gian tín dụng là hai nhân tố cơ bản cấu thành thị trường tiền tệ. Nói chung, thị trường tiền tệ bao gồm nhiều loại chủ thể có tổ chức khác nhau. Xuất phát từ chức năng quản lý nhà nước và chức năng ngân hàng trung ương, dù có những qui định cụ thể và mức độ khác nhau nhưng đều có sự tham gia của Ngân hàng trung ương. Ngân hàng trung gian (ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư phát triển, ngân hàng chính sách) là chủ thể chủ yếu của thị trường tiền tệ. Các ngân hàng này tham gia thị trường nhằm duy trì khả năng thanh toán, khả năng trả nợ với chi phí thấp nhất đồng thời tận dụng vốn tạm thời nhàn rỗi để kiếm lời tối đa. Các tổ chức tài chính như tổ chức tín dụng phi ngân hàng, công ty bảo hiểm, quĩ đầu tư tham gia thị trường nhằm đầu tư vốn ngắn hạn đồng thời cũng giải quyết nhu cầu vốn ngắn hạn cho bản thân mình. Đây là đòi hỏi khách quan nhằm tăng cường khả năng cho các tổ chức tài chính phi ngân hàng điều hoà tiền vốn và kinh doanh, vận dụng tiền vốn với các hình thức khác nhau nhằm tránh tình trạng khan hiếm vốn cũng như "đóng băng"vốn. Các tổ chức kinh tế đủ mạnh cũng có khả năng tham gia vào thị trường tiền tệ, cụ thể là thị trường trái phiếu chính phủ ngắn hạn. Việc tham gia của các chủ thể này không những tạo điều kiện sử dụng vốn với hiệu suất tối đa mà còn giúp cân đối ngân sách nhà nước với chi phí thấp nhất. 1.2. Phân loại: Tuỳ thuộc vào mục đích, cơ sở phân định mà thị trường tiền tệ được phân định làm các loại thị trường khác nhau: thị trường liên ngân hàng (the inter-bank market), thị trường trái phiếu chính phủ (the government securitis market) và nghiệp vụ thị trường mở. Thị trường liên ngân hàng là thị trường thực hiện các khoản vay ngắn hạn giữa các ngân hàng. Tham gia thị trường này, các ngân hàng có cơ hội tìm nguồn tài chính để thoả mãn nhu cầu tạm thời thiếu vốn và kiếm lợi trên vốn tạm thời nhàn rỗi của mình. Tuỳ thuộc nhu cầu tín dụng và đặc điểm của nền kinh tế mà thị trường liên ngân hàng được thành lập vào những thời điểm phù hợp. Thị trường liên ngân hàng ở úc chính thức được thành lập 1972 Nguồn: Everett & Mc Cracken. Banking And Finacial Institutions Law. Fourth Edition. LBC Information Services 1997. , thị trường liên ngân hàng Trung Quốc thành lập 1986 Nguồn: Dương Hải Điền. Thị trường tài chính. Nhà xuất bản Thông tin lý luận 1991. , thị trường liên ngân hàng được thành lập 1994 ở Việt Nam. Ngày nay, thị trường liên ngân hàng các nước phản ánh rất rõ tính chất chất quốc tế của hoạt động ngân hàng. Thị trường liên ngân hàng là bộ phận hạt nhân của thị trường tiền tệ. Các giao dịch tại thị trường phần lớn là tính từng ngày hoặc vài ngày, chủ yếu để bù đắp thiếu hụt trong thanh toán. Do giao dịch tại thị trường được tiến hành giữa các ngân hàng nên các khoản tín dụng chuyển giao đều lớn và hầu như không có biện pháp đảm bảo. Thị trường trái phiếu chính phủ là thị trường phát hành và giao dịch trái phiếu ngắn hạn do Chính phủ hoặc ngân hàng trung ương phát hành. Đối tượng giao dịch của thị trường hình thành bộ phận tài sản đảm bảo cho giao dịch khác. Lãi suất tín phiếu là cơ sở để xác định lãi suất thị trường. Tín phiếu phát hành là tín phiếu kho bạc. Đối với thị trường này luôn mang dấu ấn của việc thực hiện chính sách tài chính, chính sách tiền tệ quốc gia; nó cũng phản ánh quan hệ ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý quĩ ngân sách nhà nước. ở một số quốc gia, tín phiếu được giao dịch tại thị trường này còn có thể bao gồm cả tín phiếu do các tổ chức bán chính phủ (semi-government) phát hành. Chẳng hạn, thị trường trái phiếu chính phủ ngắn hạn úc còn giao dịch cả các chứng khoán của Bộ nông nghiệp, Công ty phát triển công nghiệp úc. Tuy nhiên, những chứng khoán này có thể được mua bán theo chỉ định. Nghiệp vụ thị trường mở là nghiệp vụ mua bán các giấy tờ có giá ngắn hạn do Ngân hàng trung ương thực hiện trên thị trường tiền tệ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Nghiệp vụ thị trường mở được coi là biện pháp hữu hiệu mà ngân hàng trung ương các nước sử dụng để điều hành chính sách tiền tệ cùng với các biện pháp khác như chính sách lãi suất, chế độ tái cấp vốn. Luật về Ngân hàng Liên bang Đức qui định Ban giám đốc ngân hàng Liên bang chịu trách nhiệm thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở nhằm thực hiện chính sách tiền tệ Nguồn: Chương I-4 Luật về Ngân hàng Liên bang Đức. . Luật Ngân hàng Hàn Quốc qui định Ngân hàng Hàn Quốc thực hiện các hoạt động tại thị trường mở để thực hiện chính sách tín dụng và tiền tệ Nguồn: Chương IV Đạo luật ngân hàng Hàn Quốc. . Nghiệp vụ thị trường mở được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia, đặc biệt các nước phát triển. Nghiệp vụ thị trường mở là bộ phận quan trọng của thị trường tiền tệ, giúp cho ngân hàng Trung ương có thể điều chỉnh cơ số tiền tệ tuỳ theo nhu cầu. Nếu như các bộ phận khác của thị trường tiền tệ có thể hình thành thị trường khá rõ rệt thì thị trường mở chỉ tồn tại khi Ngân hàng trung ương có nhu cầu vì vậy các giao dịch được thực hiện thông qua các cơ quan hiện hữu của ngân hàng trung ương như Sở giao dịch, các Vụ chức năng. Ngoài cách phân loại trên, tuỳ theo mô hình tổ chức thị trường và sự quản lý nhà nước đối với thị trường, thị trường tiền tệ còn có thể chia thành thị trường chính thức (The official money market) và thị trường phi chính thức (The unofficial money market). Thị trường tiền tệ chính thức là nơi ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ. Chức năng chủ yếu của thị trường chính thức là tạo ra hoặc lãnh đạo thị trường trái phiếu chính phủ để hoạch định giá trị đồng tiền trên thị trường và lãi suất cơ bản. Thị trường phi chính thức là một bố phận thị trường tài chính hoạt động mạnh mẽ trong thực tế mặc dù nó chưa có những báo cáo chính thức từ phía Chính phủ và hiện chưa có cơ cấu tổ chức chính thức như các loại thị trường khác. Giao dịch tại thị trường này có thể là một số loại khoản vay, một số loại công cụ tài chính ngắn hạn nhất định, kể cả các khoản vay ngắn hạn của các doanh nghiệp, các thương phiếu, các giấy tờ có giá khác. Loại thị trường này có thể tồn tại, phát triển ở mức độ khác nhau ở các quốc gia khác nhau. 2. Khái niệm, đặc điểm thị trường ngoại hối. 2.1. Khái niệm: Hầu hết các nước trên thế giới đều có đồng tiền riêng của mình. Các nước có áp dụng đồng tiền khu vực cũng được hiểu tương tự. Giao lưu kinh tế giữa các nước hoặc vùng lãnh thổ dẫn đến việc trao đổi các đồng tiền khác nhau. Việc mua bán tiền và tiền gửi ghi bằng những đồng tiền riêng biệt hình thành thị trường ngoại hối. Thị trường ngoại hối là nơi diễn ra giao dịch các công cụ tài chính ngắn hạn được định giá bằng những đồng tiền khác nhau. Xuất phát từ đối tượng là các đồng tiền khác nhau nên tỷ giá hối đoái là yếu tố hạt nhân quyết định giao dịch thị trường. Có nhiều quan điểm khác nhau khi tiếp cận về hình thức cũng như nội dung của tỷ giá hối đoái. Chẳng hạn, theo C.Mác, về thực chất, tỷ giá hối đoái là tương quan giữa nội tệ và ngoại tệ được xác định bởi sức mua của chúng. Điều này có nghĩa, cơ sở để xác định tỷ giá là giá trị đại diện của các đồng tiền (sức mua). Trong khi đó, nhà kinh tế thị trường Stanley Fischer Nguồn: Kinh tế học. David Begg, Stanley Fischer & Rudiger Dornbusch. Nhà xuất bane giáo dục, 1992. lại cho rằng tỷ giá hối đoái là mức giá tại đó đồng tiền quốc gia này có thể chuyển đổi cho đồng tiền quốc gia khác. Điều này có nghĩa, cơ sở để xác định tỷ giá là số lượng tiền tệ trong lưu thông của các nước có đồng tiền đó. Tỷ giá hối đoái có thể biến động do nhiều yếu tố nhưng yếu tố nhà nước nhà nước luôn đóng vị trí quan trọng, điều này xuất phát từ nguyên nhân tỷ giá hối đoái là cơ sở để xác định cán cân thanh toán quốc tế. Nhà nước có thể tác động tới tỷ giá hối đoái thông qua ngân hàng trung ương hoặc thông qua chính sách tỷ giá. Tuỳ theo điều kiện cụ thể, một quốc gia có thể có cơ chế tỷ giá khác nhau mà đặc trưng là tỷ giá hối đoái cố định và tỷ giá hối đoái thả nổi. Tỷ giá hối đoái cố định được hiểu là tỷ giá do Chính phủ ấn định và duy trì khả năng chuyển đổi đồng tiền của họ so với các đồng tiền chuyển đổi khác. Ngoài việc ấn định tỷ giá hành chính, Chính phủ có thể tác động trực tiếp tới tỷ giá thông qua những giao dịch làm gia tăng hay giảm bớt lượng dự trữ ngoại hối. Tỷ giá hối đoái thả nổi có nghĩa tỷ giá đó được tự do biến động để đạt được mức cân bằng của thị trường tự do mà không cần có sự can thiệp của Chính phủ. Trong điều kiện thực tế của nền kinh tế toàn cầu, xu hướng áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi ngày càng rộng rãi mặc dù mức độ thả nổi cụ thể là khác nhau. Tỷ giá hối đoái tại thị trường ngoại hối Việt Nam cũng có sự thay đổi theo từng thời kỳ. Hiện nay, chế đố quản lý tỷ giá hối đoái đang theo xu hướng "thả nổi từng bước" nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như yêu cầu hội nhập. Thị trường ngoại hối có khả năng điều hoà vốn ngoại tệ, phục vụ cho nhu cầu thanh toán cũng như tạo cơ hội đảm bảo giá trị đồng tiền cho các tổ chức, cá nhân, Nhà nước. Thị trường ngoại hối có thể được tiến hành theo các phương thức trực tiếp hoặc gián tiếp như từng bộ phận của thị trường tiền tệ. Do nhu cầu ngoại tệ về thời gian, số lượng, đồng tiền phù hợp cho việc thanh toán của các bên mà giao dịch ngoại tệ tại thị trường ngoại tệ được thực hiện theo các loại khác nhau: giao dịch giao ngay, giao dịch có kỳ hạn, giao dịch hoán đổi. Giao dịch giao ngay (sport) được hiểu là việc mua bán ngoại tệ trả ngay, về mặt thủ tục các bên phải được xác lập và chuyển giao đồng tiền trong hai ngày. Giao dịch kỳ hạn (forwards) được hiểu giao dịch được thực hiện trong một thời gian nhất định. Tuy có thời gian chuyển giao đồng tiền với thời hạn tương đối dài, các bên phải xác lập hợp đồng với nội dung về loại ngoại tệ, số lượng cũng như tỷ giá giao dịch trước. Giao dịch hoán đổi (swaps) là giao dịch chuyển đổi các đồng ngoại tệ giữa các bên có nhu cầu. Với mục đích khác nhau, có nhiều loại chủ thể tham gia vào thị trường ngoại tê. Ngân hàng trung ương là người giám sát thị trường, điều hành chính sách tỷ giá và tham gia giao dịch mua bán nhằm ổn định thị trường khi cần thiết. Ngân hàng thương mại hoạt động tại thị trường ngoại tệ nhằm mục tiêu cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của mình, quản lý trạng thái ngoại hối và tìm kiếm lợi nhuận. Tham gia thị trường ngoại hối, ngân hàng thương mại có thể với tư cách là trung gian môi giới cho khách hàng hoặc giao dịch cho chính mình. Điều này thể hiện ở chỗ, trong quá trình giao dịch có thể xuất hiện trạng thái ngoại hối mới liên quan đến đồng tiền chuyển đổi đó. Trường hợp trạng thái ngoại hối bất lợi, ngân hàng phải thực hiện giao dịch cho chính mình để duy trì trạng thái ngoại hối ban đầu. Các tổ chức kinh tế hoặc phi kinh tế tham gia giao dịch trên thị trường ngoại hối do hoạt động thương mại có tính chất quốc tế hoặc do nhu cầu trang trải các chi phí phải trả khác. Cá nhân cũng có thể tham gia thị trường ngoại tệ khi có nhu cầu chi trả bằng ngoại tệ trong khuôn khổ cho phép. 2.2. Phân loại: Dựa vào đối tượng tham gia giao dịch, thị trường ngoại hối bao gồm thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, trung tâm giao dịch ngoại tệ và thị trường ngoại hối phổ thông. Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là nơi diễn ra giao dịch ngoại tệ giữa ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại, giữa các ngân hàng thương mại với nhau. Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là bộ phận hạt nhân của thị trường ngoại hối. Thông qua diễn biến thị trường, ngân hàng trung ương nhận thông tin cung cầu ngoại tệ tại thị trường phổ thông, đưa ra những biện pháp kịp thời để tổ chức và điều hành chính sách tiền tệ. Tham gia vào thị trường này chỉ có thể là các ngân hàng với các mục đích khác nhau nhưng đều nhằm hướng tới sự cân bằng cung cầu ngoại tệ của toàn bộ thị trường và tạo ra lợi nhuận với chi phí thấp nhất. Tùy theo từng điều kiện cụ thể khác nhau, sự quản lý nhà nước đối với thị trường ngoại tệ liên ngân hàng cũng ở mức độ và cách thức khác nhau. Về phương pháp giao dịch của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng cũng không nằm ngoài các phương pháp cơ bản của thị trường ngoại hối nói chung, có thể được tiến hành theo hình thức phi tập trung hoặc theo hình thức tập trung. Thị trường ngoại hối phổ thông là nơi diễn ra các giao dịch ngoại hối giữa các chủ thể được phép sở hữu và kinh doanh ngoại hối. Khác với thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, thị trường ngoại hối phổ thông có biểu hiện đa dạng hơn và chủ thể tham gia đông đảo hơn. Sự khác biệt này xuất phát từ mục đích tiến hành giao dịch và sự đa dạng hoá các quan hệ xã hội trong nền kinh tế. Thông thường, Chính phủ (thông qua ngân hàng trung ương) rất quan tâm tới các diễn biến của thị trường phổ thông nhưng lại chỉ can thiệp một cách gián tiếp tới thị trường. Một điểm dễ nhận thấy ở thị trường ngoại hối là thị trường này phản ánh trung thực và nhanh nhất biến động của nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong giai đoạn "toàn cầu hoá" hiện nay. ở Việt Nam, sự ra đời của thị trường ngoại hối đặc biệt là thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là biểu hiện cụ thể của việc hội nhập trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng tuy nhiên nó cần phải tuân thủ những bước tiến nhất định cho phù hợp với quá trình hội nhập chung của nền kinh tế. 3. Sự tham gia của Ngân hàng Trung ương đối với thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối. Cho dù có cơ cấu tổ chức và sở hữu thế nào, nhiệm vụ cơ bản của ngân hàng trung ương của quốc gia là thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, với mục tiêu cơ bản là ổn định giá trị đồng tiền. Điều này có nghĩa, thông qua những cách thức cơ bản như yêu cầu dự trữ, chính sách chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở. Tất cả những biện pháp trên, ngân hàng trung ương có thể thực hiện thông qua các quan hệ trực tiếp như chính sách tái cấp vốn, chính sách lãi suất cơ bản... nhưng không thể thiếu sự can thiệp của ngân hàng trung ương tại thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối. Thị trường tiền tệ nói chung thực sự cân bằng (đến thời điểm ngân hàng trung ương đã thực hiện nhiệm vụ của mình) khi lượng cung cầu tiền thực tế là cân bằng. Tuy nhiên, điều này chỉ tồn tại về lý thuyết bởi lẽ tiền tệ là đối tượng đặc biệt, không chỉ là đối tượng giao dịch của thị trường tiền tệ mà còn là phương tiện trao đổi, ghi thu ghi chi tại các thị trường khác. Nói khác đi, do các giao dịch thường xuyên trong nền kinh tế nên cung cầu tiền thực tế thường xuyên không cân bằng. Để tạo ra sự cân bằng tương đối, ngân hàng trung ương tham gia vào thị trường tiền tệ với nhiều tư cách khác nhau: là chủ thể quản lý, là một bên trong quan hệ tín dụng, chủ thể tiến hành hoạt động ngân hàng khác... Thực tế cho thấy rằng, hiện nay ngân hàng trung ương các nước tác động tới thị trường tiền tệ ngả theo mô hình tác động thông qua chính sách lãi suất và để mặc cho nhu cầu về tiền thực tế quyết định lượng tiền phải được cung ứng. Cũng chính qua thị trường tiền tệ, lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế có thể theo những "kênh" khác nhau, tạo ra sự đa dạng và tăng hiệu suất sử dụng vốn nói chung. Xuất phát từ nhiệm vụ ổn định sức mua đồng tiền, ngân hàng trung ương không thể không có can thiệp tới thị trường ngoại hối. Đối với các quốc gia áp dụng chế độ tỷ giá cố định, ngân hàng trung ương có thể can thiệp trực tiếp thông qua những biện pháp kinh tế hành chính. Đối với các nước áp dụng chế độ tỷ giá thả nối, có thể thả nổi từng phần hoặc hoàn toàn, sự can thiệp của ngân hàng trung ương đối với thị trường ngoại hối có những biểu hiện mềm dẻo hơn. Do hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi (với mức độ khác nhau) nên chúng ta nghiên cứu tác động của ngân hàng trung ương tới thị trường ngoại hối khi tỷ giá biến động. Việc ngân hàng trung ương tổ chức cho các chủ thể có nhu cầu mua bán ngoại hối tiến hành giao dịch với nhau và trực tiếp mua bán ngoại tệ với các chủ thể được phép giao dịch chính là sự can thiệp hữu hiệu của ngân hàng trung ương tới thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, sự tham gia trực tiếp chỉ có thể đạt được kết quả tốt nhất khi kết hợp với các biện pháp phi kinh tế hoặc phi hành chính khác. Về mặt lý thuyết, không thể phủ nhận vai trò của ngân hàng trung ương đối với thị trường tiền tệ và thị trường ngoaị hối, tuy nhiên ở mỗi quốc gia và trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể cũng có những sự khác nhau căn bản. ở các nước có nền kinh tế kế hoạch, vai trò và hình thức can thiệp của ngân hàng trung ương tới thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối khác so với các nước có nền kinh tế thị trường, thậm chí không tồn tại những bộ phận thị trường nhất định trong nền kinh tế kế hoạch. ở những quốc gia có điều kiện kinh tế phát triển tương đối bền vững, sự can thiệp của ngân hàng trung ương cũng khác so với các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển mặc dù đều có chung một cơ chế quản lý. Chẳng hạn, sự can thiệp của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có ảnh hưởng và mức độ can thiệp đối với thị trường khác so với ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển như Malaysia, Mexico, Ba Lan... Một yếu tố vô cùng quan trọng liên quan đến tác động của ngân hàng trung ương đối với thị trường là ngoài yếu tố kinh tế, xã hội thì việc can thiệp trong thực tế một cách hợp pháp của một chủ thể vào hoạt động của các chủ thể khác trong một lĩnh vực nhất định (thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối) chỉ được tiến hành khi đã được thể chế hoá sự can thiệp