Ẩn dụ tri nhận trong một số bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tóm tắt Bài viết khảo sát một số bút ký của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường trên phương diện ngôn ngữ học tri nhận. Thông qua những ẩn dụ tri nhận, người viết đề cập đến hai nội dung cơ bản: - Các cách ý niệm về thiên nhiên trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. - Các cách ý niệm về nghiệm thân trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. Trên cơ sở đó, bước đầu tìm hiểu những đặc điểm về phong cách ngôn ngữ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ở góc độ ẩn dụ tri nhận.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 191 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ẩn dụ tri nhận trong một số bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 7 (32) - Thaùng 9/2015 95 Ẩn dụ tri nhận trong một số bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường Cognitive metaphors in Hoang Phu Ngoc Tuong’s literary memoirs ThS. Đậu Thành Vinh Trường THPT Dầu Giây – Đồng Nai M.A. Dau Thanh Vinh Dau Giay High School – Dong Nai Tóm tắt Bài viết khảo sát một số bút ký của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường trên phương diện ngôn ngữ học tri nhận. Thông qua những ẩn dụ tri nhận, người viết đề cập đến hai nội dung cơ bản: - Các cách ý niệm về thiên nhiên trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. - Các cách ý niệm về nghiệm thân trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. Trên cơ sở đó, bước đầu tìm hiểu những đặc điểm về phong cách ngôn ngữ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ở góc độ ẩn dụ tri nhận. Từ khóa: ẩn dụ tri nhận, Hoàng Phủ Ngọc Tường, ý niệm thiên nhiên, ý niệm nghiệm thân... Abstract The artical surveys some signing of the author Hoang Phu Ngoc Tuong based on the aspect of Cognitive linguistics. Through Cognitive Metaphors, the writer mentions two basic contents: - The concept of nature in the signing of Hoang Phu Ngoc Tuong. - The concept of humans in the pen signing of Hoang Phu Ngoc Tuong. On the ground, the first step is carried out to find out the characteristics of individual style of the author from the Cognitive angle. Keywords: cognitive metaphors, Hoang Phu Ngoc Tuong, the concept of nature, the concept of humans... 1. Ngôn ngữ học tri nhận ra đời với những cách nhìn, cách đánh giá hoàn toàn khác với ngôn ngữ học truyền thống, đã đưa bộ máy khái niệm ẩn dụ và các thao tác nghiên cứu hữu quan lên một tầm nhận thức mới. Ẩn dụ là hiện tượng không thể thiếu của con người, nếu con người còn muốn sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp quan trọng nhất. Nó giúp con người suy nghĩ với tất cả các vấn đề trong cuộc sống từ đơn giản đến phức tạp. Ẩn dụ không còn chỉ bó hẹp trong địa hạt văn chương mà là thuộc tính của tư duy. Xây dựng thuyết ẩn dụ, ngôn ngữ học tri nhận đã mang đến cho ngôn ngữ học một cách tiếp cận rất có triển vọng. Thành tựu của ngôn ngữ học tri nhận của thế giới đã được vận dụng để miêu tả ẨN DỤ TRI NHẬN TRONG MỘT SỐ BÚT KÝ CỦA HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG 96 một số trường ý niệm trong tiếng Việt như: định vị không gian; vai trò của sông nước, cỏ cây, thực phẩm trong việc ý niệm hóa, phạm trù hóa của người Việt. Thế nhưng cho đến nay chưa có công trình nào vận dụng lý thuyết ẩn dụ tri nhận của châu Âu để tìm hiểu đặc điểm ngôn ngữ như một hình thái phong cách cá nhân của một nhà văn cụ thể. Đã có những bài viết, những công trình nghiên cứu về giá trị các tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tuy nhiên có thể nói được rằng, các đúc kết ấy chỉ bó hẹp trong lĩnh vực văn học. Bài viết này thông qua việc khảo sát một số truyện ký, thử xác lập đặc điểm ngôn ngữ trong một số mô hình tri nhận nổi trội của tác giả này. 2. Mặc dù lý thuyết ngôn ngữ học nói chung, lý thuyết ẩn dụ tri nhận nói riêng chỉ mới ra đời cách nay gần nửa thế kỷ thế nhưng các đường hướng tiếp cận rất phức tạp. Liên quan đến vấn đề đang bàn, người ta hay đề cập đến bốn loại ẩn dụ sau: ẩn dụ cấu trúc, ẩn dụ bản thể, ẩn dụ định vị và ẩn dụ đường dẫn. Hiển nhiên, cùng một ngữ liệu dựa vào các tiêu chí khác nhau có thể có những cách phân loại khác nhau. Ngay cả G. Lakoff và M. Jonhnson (1980), những tác giả đã góp phần không nhỏ vào bức tranh phân loại ẩn dụ giai đoạn đầu, thế nhưng đến năm 2003 trong tác phẩm tái bản vừa dẫn, các tác giả này cũng tự phủ định mình và cho rằng: cách hình dung bên trên là không hợp lý. Do vậy, bài viết này không đi sâu vào việc phân loại mà cố gắng tập hợp miêu tả, phân tích một số ẩn dụ liên quan đến một số miền ý niệm quen thuộc trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. 3. Khảo sát bước đầu có thể ghi nhận chủ đề trong bút ký ảnh hưởng rất nhiều đến cơ chế tri nhận, cụ thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn các miền nguồn như những nền tảng cơ sở để phóng chiếu lên miền đích. Chẳng hạn, tác phẩm “Như con sông từ nguồn ra biển” miêu tả về quá trình mò mẫm đến với cách mạng của một tri thức miền Nam cho nên diễn ngôn xuất hiện nhiều ẩn dụ liên quan đến ý niệm ánh sáng (chân lý), đui mù, bóng tối (mê muội) và cả trở ngại trên hành trình (khó khăn). Thế nhưng “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, “Đời rừng”, “Hoa trái quanh tôi” lại thiên về chủ đề thiên nhiên Huế, con người Huế. Và dĩ nhiên như đã nói, chủ đề miêu tả không thể không ảnh hưởng đến sự lựa chọn ngôn từ của tác giả. 3.1. Về phương diện lý thuyết, trong quá trình cọ xát với tự nhiên, con người cho rằng hoặc có thể chinh phục được nó hoặc có thể phụ thuộc vào nó. Với chủ trương tri nhận là một quá trình tương tác, tri nhận luận thừa nhận, con người không thể không để lại dấu ấn lên hiện thực, đến lượt nó, hiện thực không thể không tác động lên con người. Đây là những nguyên lý có tính chất phổ quát cho toàn thể nhân loại. Có thể nói, bên cạnh các ẩn dụ tri nhận phổ biến thuộc nhiều cấp độ khác nhau như: Thiên nhiên là con người, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã địa phương hoá thành các ẩn dụ bậc dưới Thiên nhiên Huế là con người Huế, Cây vườn Huế là con người Huế. Ví dụ ẩn dụ khái quát: “Có lẽ thiên nhiên Việt Nam cũng có sức sống dẻo dai giống con người Việt Nam [1, tr.364]. Hãy quan sát hai ẩn dụ cụ thể sau: - Ẩn dụ cụ thể 1: “Vườn Huế, dù giàu hay nghèo thường vẫn có cổng gạch, mái khá rộng, phía ngoài trồng vài cây có quả, ấy là chỗ dừng chân qua cơn mưa, là chút bóng mát dành cho người đi đường, là chút lộc hoa dành cho trẻ con trong xóm, cổng nhìn ra nên luôn ngụ tấm lòng người thơm thảo” [1, tr.374]. - Ẩn dụ cụ thể 2: “Tôi bắt gặp cả những chiếc nón bài thơ mảnh khảnh bọc ni lông giữ gìn cẩn thận từ năm này qua năm khác mà lâu lâu người chủ nó lại đem ĐẬU THÀNH VINH 97 ra soi bên bếp lửa đánh vần từng chữ. Đường về xứ Huế xinh xinh, sông Hương núi ngự cảm tình xiết bao” [1, tr.22]. Dễ thấy, ẩn dụ tri nhận khái quát trừu tượng có thể bắt gặp trong nhiều ngôn ngữ, còn các ẩn dụ nguyên cấp dễ quan sát thường xuất hiện trong những ngôn ngữ cụ thể. Dựa vào đặc điểm này, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thổi vào trang viết của mình cái chất Huế, cái hồn Huế một cách tự nhiên mà người đọc không thấy gượng ép. 3.2. Trong tâm thức của người Việt, sông nước có một vai trò hết sức quan trọng, sông nước được hình dung như một con người, hành trình của dòng sông là hành trình của đời người, thậm chí con người sinh ra từ nước và khi chết cũng trở về với nước. Trên nền tảng ấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường một mặt, khai thác tối đa không gian tinh thần đã trở thành máu thịt của người Việt, mặt khác đã cố khắc họa cá tính của dòng sông Hương theo các kiểu ẩn dụ khác nhau. Có thể kể đến các ẩn dụ cụ thể như sau: Sông Hương là con người Huế hay thậm chí là những tầng lớp cụ thể của xã hội Huế như: người mẹ “cần cù, người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”, “người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cách đồng Châu Hóa”, “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”, “cô gái thành tiên trong truyện cổ tích thuỳ mị”. Có lẽ ẩn dụ sau đây đã tổng kết khá đầy đủ “tính tình” của sông Hương và cũng là đặc điểm của người Huế: “Trước khi về với vùng châu thổ êm đềm, nó (sông Hương) đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có những lúc nó trở nên dịu dàng say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. [1, tr.316]. 3.3. Với cách hình dung như 3.1 và 3.2, trong giới hạn các tác phẩm đã khảo sát, chúng ta có thể tổng kết mối quan hệ giữa ý niệm nguồn và ý niệm đích. Cần lưu ý, theo các nhà tri nhận luận, thường con người thông qua những sự vật, hiện tượng cụ thể có tính vật chất, hữu hình dễ quan sát, để nhận thức sự vật hiện tượng trừu tượng phi vật chất ít được trải nghiệm. Do vậy không có gì ngạc nhiên khi con người dùng ý niệm nguồn là thiên nhiên, là dòng sông để nhận thức về con người. Cách chọn lựa ngôn từ của Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn nằm trong quỹ đạo này, bên cạch đó, tác giả còn khắc hoạ thêm cá tính, đặc trưng của Huế thông qua các ẩn dụ cụ thể. Điều này một mặt làm cho những trang viết của ông dù là bút ký, một thể loại ghi chép nhưng vẫn mang đậm tính chất học thuật, mặt khác những phân tích về Huế thông qua các ẩn dụ đã tạo nên một bút pháp khó lẫn lộn. Có thể tóm tắt mối quan hệ giữa ý niệm nguồn và ý niệm đích trong bút ký của tác giả bằng bảng sau: STT Ý NIỆM NGUỒN Ý NIỆM ĐÍCH 1 Con ong Con người 2 Động vật Kẻ xâm lược 3 Thiên nhiên Con người 4 Rừng cây Sinh thể 5 Rừng cây Anh hùng ẨN DỤ TRI NHẬN TRONG MỘT SỐ BÚT KÝ CỦA HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG 98 6 Rừng cây Người mẹ 7 Rừng cây Người đẹp 8 Động vật Con người 9 Cây cối Nhân chứng 10 Dòng song Con người 11 Mặt đất Tâm hồn 12 Cây cối Nhân chứng 13 Hoa hồng Chiến thắng 14 Lửa Tình cảm, nhiệt tình 15 Con dốc Khó khăn 16 Núi non Con người Có thể thấy, trên nền tảng những đặc điểm do tương tác mà có, nói khác, Hoàng Phủ Ngọc Tường từ những trải nghiệm của chính mình đã gán cho sự vật hiện tượng trong một số trường hợp trên tất cả cho thấy tình cảm gắn bó với quê hương sâu đậm như thế nào của tác giả. Công bằng mà nói, thiên nhiên là con người, rừng cây là con người; có thể thấy cách hình dung này xuất hiện ở các tác giả khác nhưng để có được những ẩn dụ bậc dưới về Huế, về con người Huế thì sâu sắc nhất vẫn là ngòi bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường. 4. Một trong những vấn đề làm nên hạt nhân của ngôn ngữ học tri nhận là lý thuyết nghiệm thân. Nói rõ hơn, thông qua những kinh nghiệm với chính cơ thể mình, con người dùng nó như trải nghiệm cơ bản để nhận thức các sự vật hiện tượng khác. Chẳng hạn, tư thế thẳng đứng của con người trong lúc di chuyển, tư thế ngang trong lúc nằm, di chuyển một cách tách biệt trên mặt phẳng. Tất cả những trải nghiệm này đều được dùng để phóng chiếu lên hiện thực như: vui thì thường được hình dung là lên, buồn thì được hình dung là xuống, sống là lên, chết là xuống, tích cực là rộng, là sáng, tiêu cực là hẹp, là tối. Liên quan trực tiếp đến vấn đề đang bàn là giá trị biểu trưng của các bộ phận cơ thể con người. Tuy chưa có điều kiện khảo sát tất cả những tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng có thể ghi nhận bước đầu, bên cạnh việc dùng đầu biểu trưng cho lý trí, trí tuệ, trái tim biểu trưng cho tình cảm, cảm xúc, tùy theo ngữ cảnh ta thấy tác giả còn dùng các cơ quan nội tạng như: bụng, dạ, lòng, ruột, gan với cùng chức năng như hai bộ phận trước. Điều này, có thể giải thích được, cách phân chia có tính chất nhị nguyên: đầu/tim là ảnh hưởng của triết học phương Tây còn có cách lý giải bụng/dạ ảnh hưởng của tri thức dân gian phương Đông (11). Riêng về phương diện này phần nào cho thấy tính chất dung hợp như một quan điểm kế thừa trong bút pháp của ông. Theo quan sát của chúng tôi trong 100 ẩn dụ nghiệm thân, sự phân bố các bộ phận cơ thể trong bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể hình dung bằng bảng tổng kết như sau: ĐẬU THÀNH VINH 99 STT BỘ PHẬN CƠ THỂ GIÁ TRỊ BIỂU TRƯNG 1 Đầu Lý trí, trí tuệ 2 Tim Tình cảm, cảm xúc 3 Bụng Tính tình, cách ứng xử, tình cảm 4 Dạ Trí tuệ, trạng thái tâm lý 5 Ruột Tâm trạng, cảm xúc 6 Lòng Cảm xúc, tình cảm, trạng thái 7 Gan Ý chí, can đảm 8 Các bộ phận khác Nghĩa tuỳ thuộc vào ngữ cảnh Có thể ghi nhận bao trùm lên tất cả là ẩn dụ các bộ phận cơ thể con người là vật chứa có thể được định vị bên trong hay bên ngoài. Hình như Hoàng Phủ Ngọc Tường chưa có ý thức khai thác đặc trưng này, cho nên những mô tả của ông không có khác biệt gì nhiều so với không gian tinh thần của người Việt. 5. Ẩn dụ tri nhận là lĩnh vực khá mới mẻ trong ngành ngôn ngữ. Tuy vậy, đây là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ vượt ra ngoài phạm trù văn chương. Ẩn dụ tri nhận là sự mở rộng tri thức, cung cấp sự hiểu biết về một đối tượng này thông qua sự hiểu biết về một đối tượng khác. Bằng cách đó, con người tạo ra cho mình sự hiểu biết về một đối tượng khác đã biết. Phạm vi hành chức của ẩn dụ rất rộng: trong văn học, nghệ thuật và hầu hết các lĩnh vực đời sống thường nhật. Ẩn dụ không chỉ là phương tiện và cách thức biểu hiện của ngôn ngữ mà nó còn là phương thức tư duy. Nó là một quá trình thao tác của tư duy dẫn đến tri nhận thế giới, tạo ra nền tảng tri thức mới dựa trên nền tảng những cái đã biết. Xuất phát từ phương thức ẩn dụ mà con người có thể nhận biết thế giới, gồm thế giới vật chất, thế giới tinh thần, thế giới cảm xúc. Ẩn dụ gắn liền với đặc trưng văn hóa của người bản ngữ. Chúng ta không thể có được sự đánh giá cao về chức năng của tư duy ẩn dụ trong văn học hay trong đời sống con người, nếu không có kiến thức sơ bộ về ẩn dụ là gì và nó hình thành như thế nào. Những khám phá gần đây về mặt bản thể của nó đã cho thấy ẩn dụ sẽ không là gì cả nếu như nó ở ngoại vi đời sống tinh thần. Trái lại, ẩn dụ tri nhận là trung tâm đối với sự hiểu biết của chúng ta với chính bản thân mình và xã hội. Văn chương thông qua ẩn dụ, phát triển năng lực tinh thần, thể hiện cá tính sáng tạo dựa vào các lược đồ thường qui. Ẩn dụ tri nhận là một bộ phận hợp thành của sự sáng tạo ngôn ngữ và khả năng nhận thức của con người về thế giới khách quan. Ngôn ngữ học tri nhận với hệ lí thuyết ẩn dụ ý niệm, hiện nay được nhiều nhà nghiên cứu chú ý và được vận dụng nối kết hai miền ý niệm xảy ra trong quá trình tư duy của con người. Các nhà ngôn ngữ học tri nhận hi vọng tìm ra những điểm mới về bản chất của ẩn dụ mà những quan niệm truyền thống dường như chưa bao quát đầy đủ. Đó là chuyển tâm điểm của sự chú ý từ ẩn dụ trong ngôn ngữ sang ẩn dụ trong trí não, xem đó là chìa khóa mở ra sự hiểu biết những cơ sở của tư duy, là hoạt động của quá trình nhận thức. Bài ẨN DỤ TRI NHẬN TRONG MỘT SỐ BÚT KÝ CỦA HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG 100 viết ngắn này, chúng tôi khảo sát các ẩn dụ tri nhận về con người và thiên nhiên trong các truyện ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường theo quan niệm ẩn dụ tri nhận của Lakoff và Johnson. Bên cạnh đó, những khám phá mới về những đặc điểm của các yếu tố ngôn ngữ trên bình diện ẩn dụ trong ký của ông cũng được nhìn nhận và đánh giá lại. Có thể thấy, bản chất thiên nhiên và con người Huế đã được Hoàng Phủ Ngọc Tường mô tả một cách tài hoa. Nói khái quát, từ ẩn dụ thiên nhiên và con người, thậm chí là sông Hương và nói rộng ra là bối cảnh Huế, là con người Huế. Phải gắn bó máu thịt với Huế như thế nào mới có được những trang viết sâu nặng, mới có thể miêu tả, khắc họa sinh động được như thế. Zotan Kovecses có lý khi cho rằng, mọi sáng tạo có tính cá nhân của nhà văn đều dựa vào không gian tinh thần bản ngữ. Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng không phải là ngoại lệ, ông thường xây dựng ẩn dụ thông qua các phương thức khai thác sau: - Chi tiết hóa, tức thông qua một số ẩn dụ tri nhận có tính khái quát, nhà văn đã cụ thể hóa các ẩn dụ ấy bằng những cảm nhận riêng của mình, ví dụ: xuất phát từ ẩn dụ: đời người là cỏ cây, đời người là một năm, nói rõ hơn, các mùa xuân, hạ, thu, đông được ánh xạ như cuộc đời của một con người, mùa xuân là tuổi trẻ, mùa đông là tuổi già xế bóng, ánh sáng là sự sống, bóng tối là cái chết. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mô tả một cách chi tiết con người Huế thông qua cây cỏ như thế nào. Các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và những biểu hiện của con người Huế như thế nào và cuối cùng thời gian là quy luật của tạo hóa với những dấu ấn và đặc điểm được miêu tả qua không gian, thời gian Huế như thế nào. - Mở rộng nghĩa, phương thức này cho thấy sự chuyển nghĩa không những dựa vào ẩn dụ tri nhận mà còn dựa vào cả hoán dụ tri nhận. Ví dụ: Xuất phát từ cách tri nhận mặt thay thế cho con người, rừng cây là con người, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã rất nhiều lần đề cập đến bộ mặt của rừng cây. Hay như đã nói, từ ẩn dụ gần gũi vật chất là gần gũi con người, Hoàng phủ Ngọc Tường đã đề cập đến giá trị truyền thống của chiếc nón bài thơ Huế; nón bài thơ Huế chính là con người Huế. - Tổng hợp, đây là phương thức thông qua các ẩn dụ thường qui, cùng một lúc khai thác nhiều loại ẩn dụ như: ẩn dụ chi tiết hóa, ẩn dụ mở rộng nghĩa, ẩn dụ tra vấn, thậm chí kết hợp với các hoán dụ, nhân hoá, so sánh. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sử dụng một cách uyển chuyển tất cả các phương thức trên, chính điều này đã làm nên tính chất trí tuệ trong bút ký của ông và cũng chính điều này, từ phía người đọc, việc nhận hiểu và lý giải tác phẩm của ông một cách thấu đáo quả là điều không dễ dàng. Như vậy, xét cả trên bình diện các ẩn dụ thường quy khái quát và cả những ẩn dụ mang tính sáng tạo cá nhân, Hoàng Phủ Ngọc Tường đều sử dụng một cách đa dạng phong phú, bằng cách kết hợp nhiều loại ẩn dụ khác nhau. Rất tiếc, do điều kiện hạn chế của một bài báo ngắn, chúng tôi chưa có dịp khảo sát kỹ, chưa phân loại một cách chi tiết, mà ở đây chỉ có tính chất đặt vấn đề cho những nghiên cứu tiếp theo. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hoàng Phủ Ngọc Tường (2002), Tuyển tập, tập 2 – Bút ký, Nxb Trẻ. 2. Kövecses Z. (2005), Metaphor in Culture Universality and Variation, Cambridge University Press, Cambrige. 3. Lakoff G and Johnson M. (1980, 2003), Metaphors we live by, The university of Chicago, The United States of American. 4. Lakoff G. and Johnson M. (1989), More than cool reason: A field guide to poetic metaphor, The university of Chicago, Chicago. ĐẬU THÀNH VINH 101 5. Nguyễn Đức Tồn (2010), Đặc trưng Văn hoá – Dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, Nxb Từ điển Bách khoa. 6. Sharifian F. (2011), Cultural conceptualization, John Benjamins publishing company, Amsterdam/Philadelphia. 7. Trịnh Sâm (2011), “Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, (12), tr.1-15. 8. Trịnh Sâm (2011), “Dòng sông và cuộc đời”, Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, (10), tr.31-34. 9. Trịnh Sâm (2013), “Phong cách ngôn ngữ Hồ Chí Minh, nhìn từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận”, Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, (1, 2), tr.2-15. 10. Trịnh Sâm (2014), “Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Nam Bộ” trong “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập”, kỷ yếu Hội thảo quốc tế, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 11. Trịnh Sâm (2014), “Một vài nhận xét về ý niệm “Tim””, Tạp chí Từ điển học và bách khoa thư số 4. 12. Trịnh Sâm, (2015), “Hình thức và nội dung trong tri nhận luận” (một vài ghi nhận), Tạp chí ngôn ngữ số 7. Ngày nhận bài: 28/6/2015 Biên tập xong: 15/9/2015 Duyệt đăng: 20/9/2015