Bài tập học kì hình sự

Vì thù tức, A lén bỏ thuốc diệt chuột vào nồi canh nhà B (hàng xóm) để giết người. Lần đầu và lần thứ hai A thực hiện hành vi đầu độc, cả gia đình hàng xóm (5 người) đều bị ngộ độc đau bụng được cấp cứu kịp thời nên không ai bị chết, tổn hại sức khỏe không đáng kể. Lần thứ ba, khi đang lén bỏ thuốc diệt chuột vào bình nước uống nhà B thì A bị bắt quả tang. Hành vi của A được xác định là phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 BLHS

doc12 trang | Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 2839 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập học kì hình sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC Đề bài 1. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS hãy phân loại tội phạm đối với tội giết người 1 2. Phân tích khách thể và đối tượng tác động của tội phạm trong vụ án 3 3. Xác định lỗi với hành vi phạm tội của A. Giải thích? 5 4. Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội nào? Vì sao? 6 5. Mức hình phạt cao nhất Tòa án có thể quyết định đối với A là bao nhiêu? Giải thích? 7 Danh mục tài liệu tham khảo DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ luật hình sự 1999 (đã sửa đổi bổ sung năm 2009). Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 12 tháng 5 năm 2006. TS. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 phần chung, Nxb TP.Hồ Chí Minh, năm 2000. TS. Uông Chu Lưu, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999, Nxb Chính trị quốc gia, năm 2001. Trịnh Tiến Việt, Về phạm tội chưa đạt và một số hình thức phạm tội khác trong quá trình thực hiện tội phạm, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học 25 (2009) 125- 133. danluat.thuvienphapluat.vn. Bài tập 1 Vì thù tức, A lén bỏ thuốc diệt chuột vào nồi canh nhà B (hàng xóm) để giết người. Lần đầu và lần thứ hai A thực hiện hành vi đầu độc, cả gia đình hàng xóm (5 người) đều bị ngộ độc đau bụng…được cấp cứu kịp thời nên không ai bị chết, tổn hại sức khỏe không đáng kể. Lần thứ ba, khi đang lén bỏ thuốc diệt chuột vào bình nước uống nhà B thì A bị bắt quả tang. Hành vi của A được xác định là phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 BLHS. Câu hỏi: Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS hãy phân loại tội phạm đối với tội giết người. Phân tích khách thể và đối tượng tác động của tội phạm trong vụ án. Xác định lỗi với hành vi phạm tội của A. Giải thích? Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội nào? Vì sao? Mức hình phạt cao nhất Tòa án có thể quyết định đối với A là bao nhiêu? Giải thích? Bài làm 1. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS hãy phân loại tội phạm đối với tội giết người. Tội phạm, hiểu theo nghĩa khái quát nhất là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt. Tội phạm tuy có chung các dấu hiệu như trên, nhưng nó là một hiện tượng có tính đa dạng thể hiện không chỉ ở các loại tội phạm khác nhau mà còn ở chỗ tội phạm được thực hiện bởi những con người cụ thể khác nhau với những tình tiết, diễn biễn không giống nhau. Điều này dẫn đến tính chất, mức độ nguy hiểm của mỗi loại tội phạm và mỗi người phạm tội có sự cao thấp khác nhau. Do vậy, cần phân loại tội phạm làm căn cứ để phân hóa trách nhiệm hình sự cũng như cá thể hóa hình phạt. Theo đó, khoản 3 Điều 8 BLHS, tội phạm đã được phân thành bốn nhóm khác nhau và có những dấu hiệu cần thiết để phân loại chúng, cụ thể là: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hiểm không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt của tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội gây nguy hiểm lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.” Tội giết người được các nhà làm luật ấn định tại Điều 93 của BLHS, tất cả các hành vi giết người là hành vi tước đoạt sinh mạng của người khác trái pháp luật. Tuy nhiên, để thực hiện được hành vi phạm tội trong thực tế rất đa dạng và phức tạp. Đối với mỗi trường hợp phạm tội khác nhau thì tính chất của hành vi, phương pháp, thủ đoạn, và hậu quả xảy ra cũng rất khác nhau. Do vậy đòi hỏi phải phân loại tội phạm đối với hành vi giết người để có thể cá thể hóa trách nhiệm hình sự, sự phân biệt và cá thể hóa được chính xác sao cho xét xử đúng người, đúng tội và trách nhiệm hình sự phải phù hợp với hành vi phạm tội mà họ đã gây ra. Để đáp ứng đòi hỏi đó, Điều 93 BLHS đã tiến hành phân loại đối với những hành vi giết người có tính chất và mức độ khác nhau thường xảy ra trong thực tế và ấn định khung hình phạt cụ thể đối với các hành vi phạm tội có cùng tính chất. - Khoản 1 Điều 93: “Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết nhiều người [..................................] q) Vì động cơ đê hèn” Rõ ràng, hành vi giết người thuộc khoản 1 Điều 93 gây thiệt hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt là “20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Đối chiếu với khoản 3 Điều 8 thì hành vi giết người thuộc khoản 1 Điều 93 thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng. - Khoản 2 Điều 93: “Phạm tội không thuộc các trường hợp qui định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm” Nhận thấy, hành vi giết người thuộc khoản 2 Điều 93 gây thiệt hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù. Đối chiếu với khoản 3 Điều 8 thì hành vi giết người qui định tại khoản 2 Điều 93 thuộc loại tội rất nghiêm trọng. Việc phân loại tội phạm có ý nghĩa trong việc áp dụng nhiều qui định của BLHS về nguyên tắc xử lý, về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, về thời hiệu, về điều kiện áp dụng một số loại hình phạt…, do vậy, trong một vụ án ta không được bỏ qua công việc này. 2. Phân tích khách thể và đối tượng tác động của tội phạm trong vụ án. * Khách thể. Cũng giống như các hoạt động khác của con người, hoạt động phạm tội cũng nhằm vào những khách thể cụ thể, tồn tại ngoài ý thức và độc lập với ý thức của chủ thể nhưng không phải là cải biến khách thể mà là gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho chính những khách thể đó.           Khách thể của tội phạm được hiểu là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại.           Theo luật hình sự Việt Nam , những quan hệ được coi là khách thể bảo vệ của luật hình sự là những quan hệ xã hội đã được xác định tại khoản 1 Điều 8 BLHS, bao gồm: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội , quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, sở hữu, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân,… Quay trở lại với tình huống. Để xác định khách thể của tội phạm trong trường hợp phạm tội của A thì ta cần chứng minh quan hệ xã hội đó phải được luật hình sự bảo vệ và phải bị hành vi thực tế của A xâm hại tới. Thứ nhất, Điều 71 Hiến pháp 92 khẳng định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”. Như vậy, quyền bảo hộ về tính mạng hay quyền sống của con người là quyền nhân thân, là một trong những quyền cơ bản, không thể thiếu của con người, của công dân. Căn cứ vào Điều 1, khoản 1 Điều 8 BLHS thì ta khẳng định quyền sống của con người là quan hệ xã hội được luật hình sự Việt Nam bảo vệ. Thứ hai, quan hệ xã hội này bị hành vi phạm tội xâm hại tới. Tức là, quan hệ xã hội này bị xâm hại bởi hành vi nguy hiểm cho xã hội được qui định trong BLDS và do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện. Trong tình huống này, chủ thể của tội phạm là A (là người có năng lực trách nhiệm hình sự) đã thực hiện hành vi phạm tội thỏa mãn khoản 1 Điều 93, đã tác động đến chủ thể của quan hệ xã hội (là con người), A dùng thuốc chuột đầu độc cả nhà hàng xóm. Rõ ràng, bằng hành vi cụ thể của mình A đã vi phạm quyền được sống của con người, đã tự ý trái phép tước đi sinh mạng của người khác. Như vậy, ta khẳng định khách thể của tội phạm trong trường hợp này là quyền sống của con người. * Đối tượng tác động của tội phạm. Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận khách thể của tội phạm, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Đối tượng tác động của tội phạm có thể là: - Chủ thể của quan hệ xã hội: Con người. - Nội dung của quan hệ xã hội: Là hoạt động của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội. - Khách thể của quan hệ xã hội: Đối tượng vật chất mà qua đó các quan hệ xã hội phát sinh và tồn tại. Như đã phân tích ở trên, khách thể của tội phạm trong trường hợp phạm tội của A là quyền sống của con người, do vậy chủ thể của quan hệ xã hội này chỉ có thể là con người và muốn xâm hại tới khách thể này thì chỉ có thể gây thiệt hại cho chủ thể của nó. A dùng thuốc diệt chuột đầu độc gia đình nhà B tới 3 lần. Rõ ràng, thông qua phương tiện là thuốc diệt chuột, A đã tác động trực tiếp vào chủ thể của khách thể là con người (cụ thể là cả nhà B), gây thiệt hại cho khách thể nhằm tước đoạt sinh mạng của con người. Như vậy, đối tượng tác động của tội phạm trong trường hợp này là con người (đang sống), cụ thể là 5 thành viên trong gia đình B, hành vi phạm tội của A trực tiếp tác động vào các thành viên trong gia đình B nhằm tước đi tính mạng của cả gia đình B, qua đó gây thiệt hại đến khách thể của tội phạm - quyền sống của con người. 3. Xác định lỗi với hành vi phạm tội của A. Giải thích? Lỗi là dấu hiệu bắt buộc không thể thiếu của tội phạm, là yếu tố thuộc mặt chủ quan của tội phạm và khi kết hợp giữa tính lí trí với tính ý chí của người phạm tội mà ta có hai loại lỗi là cố ý, vô ý. Trong lỗi cố ý lại có cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp. Trong lỗi vô ý lại có vô ý vì quá tự tin và vô ý vì quá cẩu thả. Khoản 1 Điều 9 – Cố ý trực tiếp: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra”. Căn cứ vào khoản 1 Điều 9, căn cứ vào các tình tiết của vụ án qua việc phân tích mặt lí trí và ý chí của người phạm tội, ta khẳng định lỗi của A trong hành vi phạm tội này là cố ý trực tiếp. - Về lí trí, A nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và thấy trước được hậu quả của hành vi đó. A dùng thuốc diệt chuột đầu độc gia đình nhà B, một loại thuốc độc có thể gây chết người, A không thể không biết điều này. Rõ ràng, A đã nhận thức rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội mà ở đây là đe dọa gây thiệt hại cho tính mạng con người (cụ thể là cả nhà B) và hoàn toàn thấy trước được hậu quả, nếu đầu độc với một liều lượng vừa đủ sẽ gây nên cái chết cho cả 5 người trong gia đình B. - Về ý chí, A mong muốn hậu quả phát sinh. Mục đích của A là giết cả nhà B, A đã đầu độc không phải 1 lần mà tới 3 lần liên tiếp. A đã quyết tâm thực hiện tội phạm mặc dù 2 lần đầu đều thất bại. Rõ ràng, nếu không bị phát hiện thì A sẽ thực hiện hành vi của mình đến cùng cho đến khi nào hậu quả xảy ra, tức là cho đến khi nào gia đình B chết thì mới thôi. 4. Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội nào? Vì sao? Cũng như các hành động tồn tại trong xã hội, hành vi phạm tội thường trải qua những giai đoạn nhất định. Căn cứ vào tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, mức độ thực hiện ý định phạm tội và thời điểm chấm dứt hành vi đó mà Bộ luật hình sự Việt Nam chia thành ba giai đoạn: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tội phạm hoàn thành. Xét tình huống trên, căn cứ vào Điều 18: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”, ta có thể khẳng định hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt. - Về điều kiện thì các giai đoạn thực hiện tội phạm chỉ đặt ra với lỗi cố ý trực tiếp, điều này hoàn toàn phù hợp với hình thức lỗi đối với hành vi phạm tội của A được phân tích ở trên. - Về dấu hiệu, có thể chứng minh qua 3 dấu hiệu dưới đây: + Dấu hiệu thứ nhất, người thực hiện phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm. Trong tình huống này, A đã bắt đầu thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP, có những hành vi nhất định tác động vào đối tượng của tội phạm nhằm đạt được mục đích phạm tội của mình, cụ thể là A đã dùng thuốc chuột hòa vào nồi canh, bình nước của gia đình B nhằm tước đoạt tính mạng của cả nhà B. + Dấu hiệu thứ hai, hành vi của người phạm tội chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của CTTP. Rõ ràng ở đây, mục đích của A là giết cả nhà B, tội giết người là tội có cấu thành vật chất do đó, tội phạm này chỉ hoàn thành khi gây ra hậu quả là nạn nhân chết. Trong tình huống này, A đã thực hiện hành vi khách quan đầu độc tới ba lần nhưng gia đình B vẫn không chết. Như vậy, hậu quả của tội phạm chưa xảy ra. + Dấu hiệu thứ ba, người phạm tội không thực hiện tội phạm đến cùng do những nguyên nhân ngoài ý muốn. Ở tình huống này, A đầu độc gia đình B tới ba lần, hai lần đầu hậu quả không xảy ra vì gia đình B được chạy chữa kịp thời, đến lần thứ ba hậu quả cũng chưa xảy ra vì hành vi của A đã bị phát hiện. Tất cả những yếu tố trên đều là những yếu tố khách quan nằm ngoài ý chí của A dẫn tới việc A không hoàn thành được mục đích phạm tội của mình. Qua phân tích ở trên ta khẳng định lại một lần nữa, hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt mà cụ thể hơn là phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (nếu căn cứ vào thái độ tâm lý của người phạm tội). 5. Mức hình phạt cao nhất Tòa án có thể quyết định đối với A là bao nhiêu? Giải thích? Như đã phân tích ở trên hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt. Khác với chuẩn bị phạm tội, người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tất cả tội phạm chưa đạt, không phân biệt tội ít nghiêm trong, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Căn cứ quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt cũng giống như trường hợp chuẩn bị phạm tội, tuy nhiên, mức hình phạt tòa án áp dụng đối với người phạm tội chưa đạt có nghiêm khắc hơn đối với người chuẩn bị phạm tội. Theo đó, khoản 3 Điều 52: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có qui định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật qui định”. A phạm tội giết người chưa đạt được quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, muốn xác định mức hình phạt cao nhất mà Tòa án có thể tuyên cho A thì ta phải xác định được mức hình phạt cao nhất của điều luật được áp dụng là bao nhiêu? thuộc loại hình phạt nào? tù có thời hạn hay là chung thân hoặc tử hình?. Mức hình phạt cao nhất mà khoản 1 Điều 93 qui định là : “hai mươi năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Nhận thấy, mức hình phạt cao nhất ở đây gồm cả tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình, do đó cần tách biệt các loại hình phạt khác nhau này để xác định mức hình phạt cao nhất Tòa án tuyên cho A. - TH1: Trường hợp Tòa án áp dụng mức hình phạt cao nhất là tù có thời hạn. Nhận thấy, mức cao nhất của hình phạt trong trường hợp này là “hai mươi năm tù”. Nếu Tòa án định tuyên cho A hình phạt tù có thời hạn thì áp dụng khoản 3 Điều 52, mức hình phạt cao nhất Tòa án có thể tuyên cho A bằng ¾ của mức phạt tù 20 năm, tức là 15 năm tù. Cũng cần chú ý rằng, theo qui định tại Điều 74 BLHS mà cụ thể ở đây là mục 11.1 về việc quyết định hình phạt với người chưa thành niên phạm tội được nêu trong Nghị quyết số 01/2006/NĐ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 12/05/2006 thì: “b) Trường hợp người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì hình phạt áp dụng đối với họ là 3/4 mức hình phạt áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội được xác định theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 11.1 này; c) Trường hợp người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì hình phạt áp dụng đối với họ là 1/2 mức hình phạt áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội được xác định theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 11.1 này” Theo quy định này, ta có thể hiểu một cách gián tiếp rằng, hình phạt 15 năm tù ở trên là mức hình phạt cao nhất được áp dụng với người thành niên phạm tội. Khi đó, nếu A đủ 14 tuổi nhưng dưới 16 tuổi thì mức hình phạt cao nhất ở đây mà Tòa án có thể tuyên là 7 năm 6 tháng tù (bằng một phần hai mức hình phạt 15 năm tù ở trên). Còn A đã đủ 16 tuổi nhưng dưới 18 tuổi thì mức cao nhất mà Tòa án có thể tuyên cho A là 11 năm 3 tháng tù (bằng ba phần tư mức hình phạt 15 năm tù ở trên). - TH2: Trường hợp Tòa án áp dụng mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Khi ấy, Tòa án chỉ có thể tuyên cho A hình phạt chung thân hoặc tử hình trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Đây cũng là một quy định mới, hiện nay chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Theo TS Đinh Văn Quế, người đã có nhiều năm kinh nghiệm xét xử các vụ án hình sự thì người phạm tội chưa đạt trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp hành vi phạm tội đa gây ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, thân nhân người phạm tội rất xấu, đã từng bị kết án về tội đặc biệt nghiêm trọng. Việc đánh giá trường hợp phạm tội nào là đặc biệt nghiêm trọng phải căn cứ tất cả các tình tiết của vụ án, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện quyết định phạm tội và tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng. Liên quan đến vấn đề này, cũng phải quan tâm đến vấn đề hình phạt của người chưa thành niên phạm tội được qui định tại Điều 74 BLHS, theo đó hình phạt chung thân, tử hình không được áp dụng với người chưa thành niên phạm tội. Khi ấy mức hình phạt cao nhất Tòa án có thể tuyên cho A sẽ được xác định như sau: + Nếu A đã đủ 14 tuổi nhưng dưới 16 tuổi, thì mức hình phạt cao nhất mà Tòa án có thể tuyên cho A là 12 năm tù. + Nếu A đã đủ 16 tuổi nhưng dưới 18 tuổi thì mức hình phạt cao nhất mà Tòa án có thể tuyên cho A là 18 năm tù. Việc xác định mức hình phạt cao nhất mà Tòa án có thể tuyên cho người phạm tội là một công việc khó khăn, cần sự cân đong đo đếm của nhiều yếu tố như giai đoạn phạm tội, nhân thân người phạm tội, tính chất của hành vi…Và việc xác định mức hình phạt cao nhất mà Tòa án có thể tuyên cho người phạm tội trong tình huống này là một thước đo quan trọng để đánh giá sự công tâm của Tòa án.
Tài liệu liên quan