Biểu tượng “quạ đen” trong tiểu thuyết Quạ đen của Cửu Đan

Tóm tắt. Là tác phẩm xuất sắc của nữ nhà văn Cửu Đan, Quạ đen hướng vào một đề tài quen thuộc nhưng có lối khám phá riêng. Qua tác phẩm này, tác giả thể hiện cái nhìn hết sức thành thật, nghiệt ngã về giới mình, cũng như về con người nói chung của cuộc sống hiện đại. Để khắc sâu bi kịch của các nhân vật, đặc biệt là nhân vật nữ, Cửu Đan đã sử dụng một hệ thống biểu tượng vừa lạ, vừa quen, trong đó nổi bật là hình ảnh “quạ đen”. Đây là một biểu tượng văn hóa thế giới, vốn được sử dụng với nhiều biến đổi đa dạng về ý nghĩa. Đi vào tác phẩm của Cửu Đan, biểu tượng này một lần nữa thể hiện sự giàu có của lớp nghĩa phái sinh, giúp nhà văn mở rộng trường liên tưởng, khám phá, phát lộ những bí ẩn chìm khuất nơi cõi sâu vô thức của con người.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 204 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Biểu tượng “quạ đen” trong tiểu thuyết Quạ đen của Cửu Đan, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0002 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 3, pp. 7-13 This paper is available online at BIỂU TƯỢNG “QUẠ ĐEN” TRONG TIỂU THUYẾT QUẠ ĐEN CỦA CỬU ĐAN Nguyễn Thị Mai Chanh Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Là tác phẩm xuất sắc của nữ nhà văn Cửu Đan, Quạ đen hướng vào một đề tài quen thuộc nhưng có lối khám phá riêng. Qua tác phẩm này, tác giả thể hiện cái nhìn hết sức thành thật, nghiệt ngã về giới mình, cũng như về con người nói chung của cuộc sống hiện đại. Để khắc sâu bi kịch của các nhân vật, đặc biệt là nhân vật nữ, Cửu Đan đã sử dụng một hệ thống biểu tượng vừa lạ, vừa quen, trong đó nổi bật là hình ảnh “quạ đen”. Đây là một biểu tượng văn hóa thế giới, vốn được sử dụng với nhiều biến đổi đa dạng về ý nghĩa. Đi vào tác phẩm của Cửu Đan, biểu tượng này một lần nữa thể hiện sự giàu có của lớp nghĩa phái sinh, giúp nhà văn mở rộng trường liên tưởng, khám phá, phát lộ những bí ẩn chìm khuất nơi cõi sâu vô thức của con người. Từ khóa: Quạ đen, Cửu Đan, biểu tượng “quạ đen”. 1. Mở đầu Quạ đen là tác phẩm xuất sắc của nữ nhà văn Cửu Đan. Nhà phê bình văn học Trung Quốc - Lý Đà từng đánh giá tác phẩm này “rất có khả năng trở thành kinh điển và tồn tại trong lịch sử văn học Trung Quốc” [1]. Được coi là “tiếng thét của nữ giới đại diện cho phái yếu toàn nhân loại đối với xã hội nam quyền và xã hội đồng tiền” [1], Quạ đen hướng vào một đề tài quen thuộc nhưng có lối khám phá riêng. Đó là những con người với số phận đầy bi kịch: bi kịch tha hóa nhân cách, tự đánh mất mình; bi kịch đổ vỡ niềm tin; bi kịch cô đơn, tuyệt vọng không lối thoát. . . Nguyên nhân của những bi kịch được lí giải từ nhiều phía, do môi trường xã hội tha hóa, do sức ép của hoàn cảnh trớ trêu, do sự kì thị của cộng đồng; song trước hết là do chính bản thân họ với những tham vọng, ảo tưởng và bản tính đố kị, hẹp hòi. Để khắc sâu bi kịch của các nhân vật, đặc biệt là nhân vật nữ, Cửu Đan đã sử dụng một hệ thống biểu tượng vừa lạ, vừa quen như hoa hồ cơ, bóng tối, giấc mơ, nước mắt, biển, mưa,. . . trong đó nổi bật là hình ảnh quạ đen. Có điều, viết về “tội ác” và bi kịch của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, nhà văn không tỏ thái độ miệt thị, khinh ghét họ, mà hướng tới phản tỉnh, nâng đỡ họ, xuất phát từ tấm lòng trân quý, thấu hiểu và cảm thông sâu sắc. Ngày nhận bài: 15/8/2014 Ngày nhận đăng: 01/10/2014 Liên hệ: Nguyễn Thị Mai Chanh, e-mail: maichanhnguyen@gmail.com 7 Nguyễn Thị Mai Chanh 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. “Quạ” - một biểu tượng văn hóa thế giới Cuộc sống giàu tưởng tượng là nguồn gốc sản sinh các biểu tượng, và nghệ thuật chính là nơi nuôi dưỡng nguồn biểu tượng phong phú ấy. Việc thăm dò, khai thác, giải mã biểu tượng không bao giờ đơn giản, như H. Corbin khẳng định “nó không bao giờ có thể cắt nghĩa được một lần là xong”, bởi ý nghĩa cơ bản của nó luôn có sự biến đổi trong mỗi môi trường văn hóa. Do quá trình tương tác với hàng loạt yếu tố khác (ngữ cảnh, các hệ biểu tượng khác. . . ), vô số biến thể ý nghĩa của biểu tượng được không ngừng nảy sinh. Mặt khác, biểu tượng (symbole) khởi nguyên là “một vật được cắt làm đôi” nên thường hình thành hai vế: một vế rõ ràng, có thể nắm bắt được; còn vế kia, trái lại không dễ dàng nhận biết, nếu “cái phần giấu kín” kia “một ngày nào đó lộ ra hết thì biểu tượng sẽ chết”. Biểu tượng “chỉ sống khi nó ứ đầy ý nghĩa” [1]. Vậy là, tự bản chất biểu tượng không mang nghĩa đơn nhất, mà mang tính lưỡng cực, đa chiều. Một trong những chức năng phức tạp nhất của nó, được C.G.Jung gọi là chức năng siêu nghiệm, đó là “nối liền” và “điều hòa” cả những đối lập. Dễ hiểu vì sao có không ít biểu tượng mặc dù đã được giải mã, song điều bí ẩn vẫn còn nguyên vẹn và “nặng trĩu những ý nghĩa lập lờ”. Như hầu hết các biểu tượng khác, biểu tượng “quạ” trong văn hóa thế giới được sử dụng với những biến đổi đa dạng về ý nghĩa. Nó là biểu tượng mang tính hai mặt. Khoác trên mình bộ áo lông màu đen (màu chính thống) - cái màu tang tóc, hắc ám, quạ thường bị coi là sứ giả của bóng đêm, của tối tăm địa ngục, của tai ương chết chóc. Nếu “bồ câu” là giống chim hiền lành, biểu tượng của hòa bình; thì “quạ” là loài chim hung dữ, gắn với ý tưởng về cái ác, cái đáng sợ. Nếu “thiên nga” là hình ảnh biểu trưng cho sự đẹp đẽ, thanh khiết, sang trọng; thì “quạ” là hình ảnh vô cùng xấu xí. Quạ xuất hiện trong giấc mơ thường là dấu hiệu dự báo điềm chẳng lành. Vì thế, trong tâm lí chung của một số dân tộc, quạ mang ý nghĩa biểu tượng phản diện, gắn với sự xui xẻo, ghê rợn, nhơ bẩn. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, ở Ấn Độ, loài chim này được ví với “sứ giả của Thần Chết”; ở Lào, những nơi mà nước đã bị quạ đụng vào, người ta tuyệt đối không lấy để làm lễ tưới tẩy... [2;750]. Có lẽ bởi đặc trưng ý nghĩa trên, văn học hay mượn biểu tượng quạ để diễn tả những ám ảnh khủng khiếp về nỗi đau mất mát, về cái chết. Người yêu thơ trên thế giới ít ai không biết tới bài thơ nổi tiếng Con quạ của nhà thơ Mỹ Edgar Allan Poe - một bậc thầy của phái thơ tượng trưng. Song, “quạ” không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng phản diện thuần túy. Ở nhiều quốc gia, kể cả phương Tây và phương Đông, nó được coi là linh điểu (loài chim linh thiêng), gắn với nghĩa tốt đẹp. Theo sách Sáng thế (Kinh thánh), quạ là biểu tượng của sự thông minh, sáng suốt, được Nô-ê sai đi thám thính sau trận đại hồng thủy; trong huyền thoại Scandinavie, quạ biểu trưng cho nguyên lí sáng tạo, đối lập với hình ảnh “sói” - biểu trưng cho nguyên lí hủy hoại; trong thần thoại Hy Lạp, huyền thoại của người Celtes hay Maya, quạ là sứ giả của thần linh, thực hiện chức năng tiên báo, xua đuổi vận xấu. Ngoài ra, quạ còn biểu thị cho sự dũng mãnh, báo hiệu điềm lành và biểu hiện của niềm hi vọng. . . [2]. Với người Trung Hoa cổ đại, quạ vốn là “con chim của mặt trời”, gắn với tính chất biểu thị của bản nguyên dương. Đây không phải loài chim bình thường, mà là “kim ô”, “khẩu ô”, “dương ô”, “tam túc ô” tượng trưng cho thần mặt trời. Biểu tượng con quạ ba chân mà người Nhật và người Hàn Quốc tôn thờ, từ đời nhà Hán cũng đã được đặc biệt coi trọng, nó được khắc giữa vầng thái dương trên những pho tượng đá và được xem là con chim “truyền sinh khí cho mặt trời”. Ba chân của quạ mang ý nghĩa biểu trưng được ví như “cái kiềng ứng hợp” chỉ ba mốc thời gian trong ngày: 8 Biểu tượng “quạ đen” trong tiểu thuyết Quạ đen của Cửu Đan sáng - mặt trời mọc, trưa - mặt trời lên cao và chiều - mặt trời lặn [2;751]. . . Như vậy, trong hệ thống biểu tượng văn hóa thế giới, quạ mang nhiều lớp nghĩa sống động. Đi vào tác phẩm của Cửu Đan, biểu tượng này một lần nữa thể hiện sự giàu có của lớp nghĩa phái sinh, giúp nhà văn mở rộng trường liên tưởng, khám phá, phát lộ những bí ẩn chìm khuất nơi cõi sâu vô thức của con người. Cộng hưởng và không hạn chế trong những ý nghĩa khách quan vốn có, quạ trong Quạ đen gợi thêm nét nghĩa nổi bật: nhằm soi tỏ thân phận, tính cách và khắc sâu bi kịch của nhân vật nữ - những con người vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân gây nên nỗi khổ đau, bất hạnh và bi kịch của chính cuộc đời họ. 2.2. “Quạ đen” - biểu tượng khắc sâu bi kịch nhân vật nữ Quạ đen tái hiện cuộc sống của một nhóm các cô gái trẻ người Trung Quốc có học thức, đầy tự tin, năng động, từ nhiều lí do khác nhau, sang “miền đất hứa” Singapore tìm kiếm cơ hội thực hiện giấc mộng đổi đời. Họ khát khao, nôn nóng muốn “thoát xác” để trở thành “huyền thoại”. Trải qua bao thử thách khắc nghiệt, thậm chí có lúc tưởng chừng bế tắc vẫn tìm đủ mọi cách bám trụ nơi đây, kể cả phải làm những công việc dơ bẩn ở khu đèn đỏ, hộp đêm, phải lừa dối, tống tiền, ăn cắp, rốt cuộc không ai trong số họ hoàn thành được ước nguyện. Tất cả đều phải trả giá cho những suy nghĩ lệch lạc, những hành vi lầm lỗi và tội ác của mình: Người không sớm thì muộn bị trục xuất về nước với hai bàn tay trắng (Taxi, Phấn); người suốt đời khó thoát khỏi cái kiếp sống bán thân ê chề nơi đất khách (Lan, Bảo); người sau khi mãn hạn tù phải sống trọn đời với kí ức buồn đau nhức nhối không yên (Vương Dao và cô gái mang tội danh sát hại người yêu được Liễu Đạo giúp thoát khỏi án tử hình). Dõi theo bước chân của nhân vật nữ chính Vương Dao - đồng thời cũng là nhân vật người kể chuyện, người đọc bắt gặp hình ảnh quạ xuất hiện khắp nơi trong tác phẩm, tạo nên một phông nền không gian đặc biệt. Chúng có mặt trên cửa sổ các khu nhà cao tầng, trên đường phố, trong rừng cây nơi bãi biển, trong khung cảnh đám tang của chàng trai chết trẻ, trong khu nghĩa địa... Sự xuất hiện của chúng luôn gắn với những cảm nhận của nhân vật Vương Dao trong thời điểm hiện tại. Và ấn tượng trước tiên, nhiều nhất là tiếng kêu của quạ. Chỉ một lần duy nhất, cô nghe thấy tiếng gù nhau êm ái của loài chim này bên bờ biển đêm và đôi lần khác là tiếng kêu “đầy tình cảm dịu dàng” của chúng bên đường phố hay ngoài ô cửa sổ, còn phần lớn là những âm thanh “quang quác”, “ầm ĩ”, “khàn khàn”, “tỏ ra giận dữ, bức bối không yên”; tiếng “kêu đột ngột. . . giống ngọn roi từ trên cao quất mạnh xuống”, “như lưỡi dao sáng loáng từ trên cao chém mạnh”; tiếng kêu “run rẩy, như móng vuốt nhọn vạch một vòng cung trên bầu trời” nghe thảm thiết như tiếng “than trong mưa” hay não nề như “tiếng xin ăn”. . . Đi liền với tiếng kêu của quạ là tiếng “vỗ cánh” bất ngờ, cùng trạng thái hốt hoảng: “bay lên”, “bay vụt qua đầu”, “bay táo tác”, “lao vào màn đêm”. . . Lần đầu Vương Dao nghe thấy tiếng quạ chính là vào cái đêm bỡ ngỡ đầu tiên cô đặt chân lên mảnh đất này: “phía dưới cửa sổ vang lên tiếng vỗ cánh, có thể là loài chim nào đó, chúng vừa bay, vừa kêu quang quác”. Đêm ấy, trong căn phòng khách nhà bà Mạch - người đàn bà gốc Trung Hoa chỉ vừa mới gặp, Vương Dao “rất lâu không sao ngủ được, mắt cứ mở chong chong, trong con mắt chứa bao điều nghi ngờ sợ hãi". Tiếng quạ lần nữa vang lên giữa màn khuya yên ắng như gợi điều gì bất ổn nơi tâm hồn cô gái trẻ một mình liều lĩnh dấn thân tới một xứ xở hoàn toàn xa lạ, không có người thân bảo lãnh, không người quen giúp đỡ, không có gì đảm bảo cho cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài, với số tiền trong tay chỉ có thể dè xẻn chi dùng cho một tháng: “tiếng chim vẫn kêu, âm thanh nghe rất bức bối, như có con chim nào đó bị lạc không tìm thấy đường về tổ” [1;41]. Cũng như là dấu hiệu dự báo điều bất ổn, quạ hai lần đột ngột xuất hiện trong buổi gặp gỡ 9 Nguyễn Thị Mai Chanh đầu tiên, rất ngẫu nhiên giữa Vương Dao và Liễu Đạo tại đám tang của chàng trai Singapore bị giết bởi một cô gái người Trung Quốc - cuộc gặp định mệnh làm tiền đề cho cuộc tình trái khoáy, để rồi dẫn tới hiện tượng lặp lại nghiệt ngã ở cuối tác phẩm: cái chết của ông nhân tình già xấu số dưới biển sâu, mà thủ phạm gây tội ác chính là cô gái Trung Quốc - Vương Dao. Hình ảnh “con quạ ướt cánh” và tiếng kêu bi thiết trong đêm không khỏi khiến người đọc liên tưởng tới hình ảnh và tiếng “rên siết”, bất lực của những người con gái mang nặng tâm thức tha hương, mang kiếp phận tầm gửi, phải sống bám sống nhờ vào kẻ khác. . . Vì căn hộ chung cư tòa soạn cấp, cô phóng viên Bắc Kinh đã để mặc cho gã phân phối nhà lợi dụng. Không đủ can đảm sống giữa con mắt xem thường của người xung quanh, sau khi chia tay người chồng sắp cưới, cô quyết định rời xa cái không gian sống nhỏ hẹp, tù túng của khu tập thể chật chội, bẩn thỉu, tìm tới miền đất Singapore rộng mở, văn minh. Nhưng cố thoát ra khỏi cái không gian o bế, ngột ngạt này, Vương Dao cũng như các cô gái đến từ Trung Quốc lại rơi vào một không gian khác bức bối, đáng sợ hơn nhiều. Nơi miền đất tươi đẹp, đầy hứa hẹn ấy, họ đã bị truy đuổi tới đường cùng, trở nên hoang mang, bế tắc, giống như những chủ thể bị chấn thương. Chính nhân vật Taxi thừa nhận “đây là cái vực thẳm, rất tối, rơi xuống đấy không lên nổi”. Các cô gái như bị lưu đày giữa chốn địa ngục của cô đơn, của những ghét ghen, kì thị, định kiến không biết đã có tự bao giờ. Từ cơ quan nhập cư cho đến người dân bình thường ở Singapore đều tỏ thái độ khinh miệt, nghi ngờ, đề phòng, không chút thiện cảm đối với họ. Họ bị gọi là “tiểu long nữ” (con rồng nhỏ), tức bị ám chỉ là kẻ chuyên dựa dẫm, giỏi moi tiền đàn ông “không cướp miếng cơm thì cướp chồng” của những người đàn bà khác. Đâu đâu, các “tiểu long nữ” cũng phải đối mặt với những lời giễu nhạo cay nghiệt. Nhiều lúc họ phản ứng gay gắt bởi lòng tự trọng bị tổn thương, nhưng rồi, cái giấc mơ bằng mọi giá phải có được tấm thẻ cư trú lâu dài và cuộc sống “thư thả, nhàn nhã suốt đời” đã khiến họ chấp nhận chịu sỉ nhục mà sẵn sàng đánh đổi tất cả. Câu chuyện về nguồn gốc của loài quạ đen Singapore được cô bạn gái Taxi kể lại khiến Vương Dao không khỏi ngạc nhiên vì có nhiều nét tương đồng với hoàn cảnh và thân phận của họ: “. . . mấy chục năm trước, một vị hòa thượng Ấn Độ đem sang đây mấy con quạ, quạ đến rồi ở lại đây. Vị hòa thượng chết, còn chúng thì sinh sôi nảy nở, ngày một đông đúc. Chính phủ Singapore có lần ra lệnh tiêu diệt, lúc đầu diệt được khá nhiều nhưng lũ quạ rất thông minh, những lần sau hễ người giương súng là bỏ chạy, trốn cả vào rừng, sau đấy chúng đổi màu lông để lẫn với lá rừng, tiếng kêu cũng không khó nghe như trước, nhẹ nhàng hơn, nghe như tiếng xin ăn” [1;93]. Đàn quạ Singapore được du nhập từ nơi khác, bị chối bỏ, bị tìm cách tiêu diệt, để tồn tại, chúng phải chui rúc, lẩn trốn và học cách thích nghi, không còn là mình từ màu lông cho đến tiếng kêu. Các cô gái đến từ Trung Quốc cũng vậy, muốn thực hiện mộng tưởng của mình ở miền đất có nhiều cơ hội, song cũng không ít cạm bẫy và cạnh tranh gay gắt này quả hết sức gian nan. Do cơ quan nhập cư hạn chế, họ không dễ gì kiếm được thị thực. Để được thừa nhận và thích ứng với môi trường, họ đã không ngần ngại từ bỏ gốc gác, thay đổi bản thân, thậm chí tự đánh mất mình, trở thành con người khác. Phấn từng là giảng viên của một trường đại học ở Thượng Hải, vì lẽ sống giàu sang cho riêng mình, đã bỏ mặc đứa con gái nhỏ ở quê, cố ý giấu kín bí mật về quá khứ bản thân. Taxi, Vương Dao tự đặt cho mình những cái tên giả mạo, không dám tiết lộ tuổi tác thật của mình nhằm che giấu thân thế, nguồn gốc. . . Có thể nói, sự biến đổi tệ hại nhất ở những người phụ nữ này là sự tha hóa biến chất, đánh mất niềm tin, có khi cả niềm kiêu hãnh và lòng tự tôn vốn có. Tôn thờ lẽ sống thực dụng, họ mang chung quan niệm: “Thẻ cư trú là sinh vật ngoài cơ thể chúng mình, chúng mình không thấy nó, nó cũng không thấy chúng mình, nhưng khi nó leo vào cơ thể chúng mình thì nó có thể làm thay đổi màu da, tính cách của chúng mình, nó có thể làm thay đổi cả linh hồn. . . Người Singapore gọi cánh con gái Trung Quốc sang đây là “tiểu long nữ”, “tiểu long nữ” là ca-ve, 10 Biểu tượng “quạ đen” trong tiểu thuyết Quạ đen của Cửu Đan là gái điếm. Nhưng. . . chỉ cần thành người giàu có, chỉ cần thay đổi thân phận không về nước nữa thì gọi là gì có sao đâu? Người con gái chỉ cần thực hiện được mộng tưởng của mình là trở thành người có tiền hoặc lấy chồng ở đây, đến lúc ấy mọi người sẽ quên họ đã từng là “tiểu long nữ”, lâu dần ngay cả bản thân cũng nghĩ rằng mình không phải từ Trung Quốc sang đây” [1;113-114]. Từ ý nghĩ ấy, họ toan tính làm bất cứ việc gì có thể để nhanh chóng kiếm được nhiều tiền, để cơ hội tưởng như đã nắm trong tay không vuột mất. Không lúc nào các nhân vật rời bỏ ý nghĩ làm sao để có tiền. Với họ, tình yêu, hôn nhân cũng nhuốm màu vụ lợi. Taxi hễ có dịp là dở ngón nghề moi tiền đàn ông bằng những “trò chơi nhỏ”, đó là những cái “mẹo” khiến đấng mày râu rơi vào tình trạng bất đắc dĩ đành móc ví chi trả cho những món quà đắt tiền, mà trong lòng tỏ ý rất xem thường. Cô gái Hồ Nam này đặc biệt mê kim cương, đá quý, bởi nghĩ rằng có chúng, cô sẽ khẳng định được mình trong con mắt người khác. Lan - cô gái từng hết lòng giúp đỡ Vương Dao buổi đầu chập chững bước chân vào nghề gái gọi, song cũng là người đã nhẫn tâm bày trò lừa gạt lấy mất của Vương Dao chiếc vali trong đó có số tiền phòng thân cuối cùng mà cô đã phải tính toán chi li bao ngày mới dành dụm được - ngày ngày cứ dán mắt vào những trang quảng cáo truy tìm may mắn, hi vọng một ngày đẹp trời vớ được một ông chồng Singapore tỉ phú gần đất xa trời có bản di chúc với số tài sản kếch xù. Phấn, sau khi ước mơ đổi đời bị chôn vùi bởi người tình Singapore lẳng lặng bỏ cô sang Mỹ, trong vẫy vùng tuyệt vọng, đã không hề xấu hổ đề nghị Vương Dao chia sẻ người tình, nhằm dành lấy sự quan tâm, giúp đỡ của người đàn ông giàu có; rồi dựa vào ưu thế về nhan sắc của mình, cô ngang nhiên cướp người tình của bạn mà không một chút ăn năn. Vương Dao cũng hết lần này đến lần khác trơ tráo lừa dối những người xung quanh. Nhiều lần nói dối đã khiến chính cô có lúc tự cảm thấy hoảng sợ và gần như tin vào những lời nói đó của mình. Cô bịa ra lí lịch hoàn hảo về ông bố danh giá có địa vị, thế lực để lừa bà Mạch ngay từ khi chân ướt chân ráo đến Singapore. Cô giả dối khi dễ dàng nói lời yêu với Lý Tư Viêm những mong có được tấm thẻ xanh sau khi kết hôn; việc không thành, cô táo bạo bày ra màn kịch giả mang thai để tống tiền, đe dọa anh ta. Kể cả sau khi đã biết rõ chân tướng Tư Viêm - kẻ đầy lòng thù hận, đã có gia đình, cũng muốn lừa dối, lợi dụng cô, biến cô thành công cụ để trả thù cho người em trai đã mất, Vương Dao vẫn vào nhà nghỉ với anh ta chỉ vì số tiền năm trăm đồng rẻ rúng mà không hề cảm thấy hổ thẹn: “Dưới ánh đèn, những tờ giấy bạc giống như những ngọn lá khô, cũng giống như con bướm bay từ tay người này sang tay người khác, tuy trên đó in đầy dấu tay, nhưng nó không bẩn, là thứ trái cây có thể ăn được” [1;143]. Không ít lần, cô mượn nước mắt dối gian, cùng những câu chuyện không có thật lừa dối Liễu Đạo - người đàn ông nhiều tiền, tuy già nua, bất lực, song thật lòng yêu và muốn giúp đỡ cô. . . Tất nhiên, mọi hành động dối trá của cô gái trẻ đã không qua được con mắt tinh tường của những người đàn ông việc đời từng trải như Liễu Đạo, Tư Viêm, nên mau chóng bị lột trần. Dẫu nỗ lực dường nào, cô vẫn không thể chạm tới được cái đích hằng khao khát vươn tới. Mỗi lần thất bại, Vương Dao lại nhận về nhiều hơn nỗi tủi hổ, bẽ bàng. Không phải ngẫu nhiên, tác giả để cho cả ba nhân vật nữ: Vương Dao, Phấn và Taxi cùng lúc đặc biệt chú ý tới hình ảnh đàn quạ tranh giành nhau chỗ đứng tránh mưa. Chúng không con nào chịu nhường nhịn con nào, con đến sau đuổi đánh con đến trước, rồi lại bị con đến trước đuổi đi: “Ngoài cửa sổ mưa lại rơi, đàn quạ bay lên, bay lên cao, tranh nhau tránh vào mái nhà, ở đấy vừa an toàn vừa ấm áp. Nhiều con chỉ tìm thấy chỗ đứng chân, co ro bất động, những con khác thì vẫn dầm mình trong mưa, dùng mỏ đuổi những con đến trước. Cảnh ấy cứ diễn đi diễn lại, những con đến sau chỉ biết than trong mưa, vỗ đôi cánh đẫm nước” [1;94]. Qua quan sát của các nữ nhân vật, quạ đen không chỉ tự đánh mất mình, mà còn phải đấu tranh, ganh đua quyết liệt với nhau trong cuộc sinh tồn. Mối quan hệ giữa các cô gái trong tác phẩm cũng là quan hệ cạnh tranh gay gắt và phức tạp vô cùng. Họ vừa là bạn, vừa là đối thủ, là mối đe dọa của nhau. Một mặt, họ 11 Nguyễn Thị Mai Chanh thân thiết, gắn bó, tương trợ, giúp đỡ nhau; mặt khác lại ghen ghét, nghi kị, lừa dối, lợi dụng nhau. Vương Dao và Phấn dễ dàng sẻ chia, bộc bạch với nhau mọi nỗi niềm con gái, như ước mơ, những vết thương lòng, cả những điều xấu hổ, những sai lầm khó nói; sẵn sàng tìm đến nhau, khóc cùng nhau cho vợi bớt nỗi đau, trở thành nguồn sức mạnh của nhau trong cơn hoạn nạn hay sau mỗi lần vấp ngã. Song trái lại, họ nhiều lúc đã không thể thành thật với nhau, ngấm ngầm trở mặt hãm hại nhau không từ thủ đoạn nào, nhất là khi đối phương cản trở cơ hội đến với “vận may” của họ, để rồi sau đó lại đơn độc đối diện với muôn vàn bất trắc khôn lường và bừng ngộ một sự thật: thất bại của người này có một phần nguyên do là ở người kia. Hành động Vương Dao nhẫn tâm giết người tình bắt nguồn từ sự lừa dối của Phấn gây nên sự hiểu lầm của Vương Dao đối với Liễu Đạo. Phấn nói dối bởi không muốn “vận may” cuối cùng của mình bị bạn cướp mất. Vương Dao phạm t