Đánh giá tính sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi bằng TSD – Z của klaus K. Urban

Tóm tắt. Bài báo sử dụng TSD – Z của Klaus K. Urban để tìm hiểu khả năng sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi ở Trường Mầm non 3 – 2 Hà Đông – Hà Nội. Qua nghiên cứu tác giả nhận thấy khả năng sáng tạo của phần lớn trẻ được khảo sát mới chỉ đạt ở mức trung bình. Trẻ chưa thể hiện được tính mới mẻ, độc đáo trong các sản phẩm vẽ. Đây là một vấn đề mà các nhà giáo dục cần lưu tâm để có biện pháp tác động phù hợp nhằm phát huy, nâng cao khả năng sáng tạo của trẻ, tạo tiền đề tốt cho trẻ bước vào trường phổ thông.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 57 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đánh giá tính sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi bằng TSD – Z của klaus K. Urban, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE 2014, Vol. 59, No. 6BC, pp. 265-271 This paper is available online at ĐÁNH GIÁ TÍNH SÁNG TẠO CỦA TRẺ 5 – 6 TUỔI BẰNG TSD – Z CỦA KLAUS K. URBAN Trần Thị Thắm Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Bài báo sử dụng TSD – Z của Klaus K. Urban để tìm hiểu khả năng sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi ở Trường Mầm non 3 – 2 Hà Đông – Hà Nội. Qua nghiên cứu tác giả nhận thấy khả năng sáng tạo của phần lớn trẻ được khảo sát mới chỉ đạt ở mức trung bình. Trẻ chưa thể hiện được tính mới mẻ, độc đáo trong các sản phẩm vẽ. Đây là một vấn đề mà các nhà giáo dục cần lưu tâm để có biện pháp tác động phù hợp nhằm phát huy, nâng cao khả năng sáng tạo của trẻ, tạo tiền đề tốt cho trẻ bước vào trường phổ thông. Từ khóa: TSD – Z, sáng tạo, tính sáng tạo, trẻ 5 – 6 tuổi, Mầm non 3 – 2 Hà Đông. 1. Mở đầu Sáng tạo là một thuộc tính tâm lí đặc biệt thể hiện khi con người đứng trước hoàn cảnh có vấn đề. Sáng tạo cần cho mọi hoạt động của con người và có ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội [1]. Nghiên cứu về tính sáng tạo dưới góc độ tâm lí học có tác giả Nguyễn Đức Uy với cuốn Tâm lí học sáng tạo đã chỉ ra những cơ sở lí thuyết về tính sáng tạo của con người [4]; trong bài viết Tính sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh trung học cơ sở, tác giả Nguyễn Thị Huệ cũng đã phân tích về những biểu hiện và những yếu tố ảnh hưởng đến tính sáng tạo của học sinh [1]; tác giả Nguyễn Huy Tú trong cuốn Bộ trắc nghiệm sáng tạo TSD - Z với những ứng dụng ở nước ngoài và Việt Nam đã trình bày một số vấn đề rút ra từ kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn trong lĩnh vực tính sáng tạo ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có trẻ 4 – 6 tuổi, của các đề tài khoa học cấp Bộ thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đề tài cấp Bộ của Viện Khoa học Giáo dục, đề tài cấp Nhà nước do Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chương trình Giáo dục chủ trì và các đề tài cấp Viện Khoa học Giáo dục trong những năm gần đây cũng như từ hàng chục luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ do tác giả trực tiếp hướng dẫn khoa học [2]. . . Các bài viết và tài liệu đều khẳng định vai trò của tính sáng tạo trong mọi hoạt động của con người và việc phát hiện sớm cũng như đánh giá đúng khả năng sáng tạo của trẻ để có biện pháp tác động phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của các em. Tuy nhiên các nghiên cứu này mới chủ yếu hướng tới xây dựng cơ sở lí thuyết và đánh giá tính sáng tạo của học sinh phổ thông và người trưởng thành. Các nghiên cứu về tính sáng tạo của trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo còn rất ít ỏi và được tiến hành từ nhiều năm trước nên có thể không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những kết quả nghiên cứu mới nhất về tính sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi để góp phần giúp Liên hệ: Trần Thị Thắm, e-mail: tranthitham@hnue.edu.vn 265 Trần Thị Thắm các nhà giáo dục đánh giá đúng khả năng sáng tạo của trẻ và có những chiến lược phù hợp phát triển tính sáng tạo cho trẻ ngay từ lứa tuổi mẫu giáo. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Sáng tạo và tính sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi 2.1.1. Khái niệm sáng tạo, tính sáng tạo Trước đây, người ta thường đồng nhất khái niệm “sáng tạo” với khái niệm “thông minh”, một người sáng tạo là một người thông minh và ngược lại, một người thông minh chắc chắn là một người sáng tạo. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy, “sáng tạo” và “thông minh” là hai phẩm chất khác nhau của một nhân cách, chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng chúng không đồng nhất. So với trí thông minh thì sáng tạo có sự thâm nhập mạnh hơn của các thuộc tính tâm lí khác như ý chí, cảm xúc, động cơ. . . Có người vừa thông minh vừa sáng tạo, có người tuy thông minh nhưng lại ít sáng tạo; còn những người sáng tạo thì thường thông minh. Tất nhiên, kiểu người thông minh và kiểu người sáng tạo đều là những người có khả năng đóng góp to lớn cho xã hội. Vậy sáng tạo là gì? Hiện nay, cả trên thế giới và Việt Nam, có rất nhiều tác giả đưa ra những khái niệm khác nhau về sáng tạo nhưng họ đều có sự nhất trí cơ bản rằng: sáng tạo là suy nghĩ, nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo những cách mới, không bị hạn chế bởi thói quen, bởi phong tục, tập quán. . . Trong nghiên cứu này, tác giả quan niệm: Sáng tạo là ý tưởng mới, phù hợp với thời đại, với không gian sinh ra nó và ý tưởng đó mang lại giá trị nhất định đối với cá nhân hoặc xã hội. Sáng tạo được bộc lộ ở 3 thuộc tính cơ bản sau: Tính mới mẻ: Sản phẩm của tư duy sáng tạo hay hành động sáng tạo phải mang tính mới mẻ đối với cá nhân hoặc xã hội. Tính độc lập: Khi tư duy hay hành động, người sáng tạo thường bộc lộ tính độc lập của mình trong việc đặt mục đích và tìm giải pháp mới để đạt được mục đích đó. Tính tối lợi: Sáng tạo là sự phản ánh hiện thực nhưng trong tình huống mới, chất lượng mới và với mục đích mới. Sản phẩm của hoạt động sáng tạo phải là cái mới độc đáo, tốt hơn, đẹp hơn, có lợi ích hơn cho sự phát triển xã hội. Với cách hiểu như trên về sáng tạo, tác giả cho rằng, mỗi con người nói chung và mỗi đứa trẻ nói riêng đều có tính sáng tạo nhất định. Về bản chất, tính sáng tạo chính là khả năng sáng tạo, là mức độ sáng tạo. Hay nói cách khác, tính sáng tạo là khả năng tạo ra những ý tưởng mới độc đáo, phù hợp với thời đại, với không gian sinh ra nó và có giá trị nhất định đối với cá nhân hoặc xã hội. Tuy nhiên, mức độ sáng tạo là khác nhau ở mỗi trẻ và nó có thể được cải thiện, phát triển thông qua giáo dục, tự giáo dục. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các nhà giáo dục là sớm phát hiện, tạo ra những điều kiện cần thiết và có những biện pháp tác động phù hợp để phát huy tối đa khả năng sáng tạo của các em. 2.1.2. Tính sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi Cũng giống như các lứa tuổi khác, khả năng sáng tạo của trẻ mẫu giáo lớn (5 – 6 tuổi) phụ thuộc nhiều vào những thành tựu phát triển tâm lí mà trẻ đã đạt được ở giai đoạn này như: Vốn kinh nghiệm được mở rộng một cách đáng kể; trẻ sử dụng được thành thạo tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt hàng ngày; tính chủ định trong các quá trình tâm lí ngày càng tăng; các quá trình nhận thức 266 Đánh giá tính sáng tạo của trẻ 5 - 6 tuổi bằng TSD - Z của Klaus K. Urban chuyển dần từ bình diện bên ngoài vào bình diện bên trong. . . Đặc biệt đến cuối tuổi mẫu giáo, trí tưởng tượng sáng tạo của các em được phát triển khá mạnh với sự hỗ trợ đắc lực của quá trình tri giác [3]. Và trí tưởng tượng của các em sẽ được chuyển sang những hoạt động mang tính sáng tạo như vẽ, nặn, trò chơi xây dựng. . . Thông qua sản phẩm của những hoạt động này, người ta có thể đánh giá được tính sáng tạo của mỗi trẻ. Tuy nhiên, với trẻ 5 – 6 tuổi thì sáng tạo không nhất thiết là phải tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới, mang tính độc đáo, cũng không nhất thiết là phải đem lại giá trị cho cá nhân hay xã hội. Trẻ chỉ cần có ý tưởng mới, tạo ra được sản phẩm mới khác với cái đã cho ban đầu một cách có mục đích thì trẻ đã được coi là có tính sáng tạo. 2.2. Giới thiệu về TSD - Z của Klaus K. Urban Để nghiên cứu tính sáng tạo của trẻ 5 - 6 tuổi, tác giả sử dụng bộ trắc nghiệm TSD - Z (Test zum Scho¨pferischen Denken - Zeichnerisch) của Klaus K. Urban (người Đức) do PGS.TS Nguyễn Huy Tú Việt hóa năm 2000. Bộ trắc nghiệm này có thể đưa ra sự đánh giá ban đầu về tính sáng tạo của mỗi người thông qua hình vẽ. TSD - Z có hai dạng A và B với mức độ khó ngang nhau. Nó có thể tiến hành trên từng cá thể hoặc trên nhóm các cá nhân từ 4 đến 95 tuổi. Trên một trang giấy test, (cả dạng A và dạng B) đã cho trước 6 họa tiết có tác dụng kích thích sự tự do vẽ tiếp của nghiệm thể. Thời gian làm test là 15 phút cho mỗi dạng A hoặc B. Sản phẩm vẽ của trẻ được đánh giá bằng điểm số theo 14 phạm trù, đồng thời 14 phạm trù này cũng thể hiện cấu trúc cơ bản của test: 1) Mr – Mở rộng thêm các họa tiết đã cho. 2) Bs – Bổ sung thêm hoặc cấu trúc hoàn thiện. 3) Pm – Thêm những phần tử mới. 4) Lkh – Liên kết theo hình vẽ. 5) Lkđ – Liên kết theo đề tài. 6) Vh – Vượt khung do họa tiết. 7) Vkh – Vượt khung không do họa tiết. 8) Pc – Phối cảnh. 9) Hc – Hài cảm. 10) BqA – Tính bất quy tắc A. 267 Trần Thị Thắm 11) BqB – Tính bất quy tắc B. 12) BqC – Tính bất quy tắc C. 13) BqD – Tính bất quy tắc D. 14) Tg – Thời gian. Những phạm trù này được vận dụng một cách lượng hóa vào từng bức vẽ và tổng số điểm của TSD - Z sẽ cho chúng ta một đánh giá về tính sáng tạo của một cá nhân. Việc đánh giá sản phẩm vẽ này không phải là sự đánh giá về chất lượng vẽ hội họa hay chất lượng nghệ thuật. Kết quả test cũng chỉ ra tính sẵn sàng tương tác với nhiệm vụ test một cách tự do, mềm dẻo, linh hoạt, thái độ sáng tạo, tính cởi mở khi cắt nghĩa giải thích và con đường giải quyết độc đáo, không quen thuộc [2]. 2.3. Kết quả nghiên cứu Để đánh giá tính sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi, tác giả đã tiến hành nghiên cứu 100 trẻ mẫu giáo lớn (50 trẻ nam và 50 trẻ nữ) trường mầm non 3 - 2 Hà Đông – Hà Nội. Những trẻ này đã được làm TSD – Z của Urban trong phòng học, với bầu không khí cởi mở, không có sự áp đặt nhiệm vụ từ phía nghiệm viên (các cô giáo quen biết với trẻ). Sau khi phân tích sản phẩm là những hình vẽ của trẻ, tác giả đã tính điểm tổng TSD – Z (tức là tổng số điểm của 14 phạm trù từ Mr đến Tg) của mỗi sản phẩm vẽ rồi đối chiếu với bảng chuẩn của TSD – Z và đánh giá tính sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi theo 7 mức độ. Tuy nhiên, tác giả chủ yếu sử dụng TSD – Z dạng A để đánh giá khả năng sáng tạo của trẻ, còn TSD – Z dạng B chỉ dùng để so sánh, đối chiếu nhằm làm tăng thêm độ chính xác của kết quả thu được. Bảng 1. Mức độ sáng tạo của trẻ 5-6 tuổi Trường Mầm non 3 -2 Hà Đông, Hà Nội Số liệu ở bảng và biểu đồ trên cho thấy: Phần lớn trẻ 5 – 6 tuổi Trường Mầm non 3 – 2 Hà Đông – Hà Nội có tính sáng tạo ở mức độ trung bình (85 trẻ - chiếm 85%). Số trẻ đạt từ mức trên trung bình trở lên còn ít, chỉ có 4 trẻ – chiếm 4% (trong đó, mức trên trung bình là 2 trẻ – chiếm 2%, mức khá là 1 trẻ – chiếm 1%, mức giỏi là 1 trẻ – chiếm 1% và không có trẻ nào đạt mức xuất sắc). Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với kết quả nghiên cứu của TS. Phạm Thu Hương đưa ra khi nghiên cứu tính sáng tạo của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi ở một số trường mầm non TP. Hồ Chí Minh từ năm 1998 – 2000 (có tới 36,0% trẻ được khảo sát đạt mức độ sáng tạo từ trên trung bình trở lên) [2]. Đây là điều đáng lưu tâm đối với các nhà giáo dục của Hà Đông – Hà Nội, vì mức độ sáng tạo loại khá, giỏi và xuất sắc là điều kiện cho 268 Đánh giá tính sáng tạo của trẻ 5 - 6 tuổi bằng TSD - Z của Klaus K. Urban Biểu đồ 1. Mức độ sáng tạo của trẻ 5-6 tuổi Trường Mầm non 3 -2 Hà Đông, Hà Nội những thành tích sáng tạo vượt trội mà xã hội trong giai đoạn hiện nay và mãi mãi về sau cần có. Và bên cạnh đó, vẫn còn 11 trẻ – chiếm 11% số trẻ được khảo sát chỉ đạt mức dưới trung bình và kém. Các nhà giáo dục cần có biện pháp tác động phù hợp hỗ trợ kịp thời cho những trẻ này nhằm nâng cao khả năng sáng tạo, chuẩn bị tiền đề cần thiết cho trẻ bước vào trường phổ thông. Tính sáng tạo của trẻ nam và trẻ nữ là không như nhau, tuy nhiên mức độ chênh lệch không lớn. Tỉ lệ trẻ nữ đạt từ mức độ trung bình trở lên (90% số trẻ nữ được khảo sát) cao hơn 2% so với tỉ lệ này ở trẻ nam (88% số trẻ nam được khảo sát). Điều này còn thể hiện rõ ở sự chênh lệch điểm trung bình giữa trẻ nữ (14,78 điểm) và trẻ nam (14,74 điểm) chỉ là 0,04 điểm. Ngoài ra, để đánh giá sự ảnh hưởng của yếu tố giới tính đến tính sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi, tác giả đã sử dụng cách tính hệ số tương quan Spearman để kiểm định và thu được kết quả là r = 0.3. Kết quả này cho thấy khả năng sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi được khảo sát không bị chi phối nhiều bởi yếu tố giới tính. Qua nghiên cứu sản phẩm vẽ của trẻ, tác giả còn nhận thấy: Trong 14 tiêu chí để đánh giá tính sáng tạo của trẻ thông qua hình vẽ theo TSD – Z của Urban đưa ra thì: Tính sáng tạo của trẻ mới chủ yếu thể hiện ở việc mở rộng (Mr) và bổ sung thêm (Bs) các họa tiết đã cho trước. Và phần lớn trẻ cũng chỉ mới chú ý mở rộng và bổ sung cho 5 họa tiết bên trong hình chữ nhật, còn họa tiết bên ngoài hình chữ nhật (hình chữ U) rất ít trẻ quan tâm. Tuy nhiên, cách thức mở rộng và bổ sung cho các họa tiết này còn khá đơn giản và giống nhau ở đa số các trẻ. Chẳng hạn: Nửa vòng tròn được vẽ thành ông mặt trời, góc vuông được mở rộng thành ngôi nhà, điểm chấm cho trước được vận dụng như một nhụy hoa. . . - đây là những hình ảnh rất gần gũi, quen thuộc mà giáo viên thường xuyên hướng dẫn trẻ vẽ trên lớp. Điều này cho thấy, trẻ 5 – 6 tuổi được khảo sát đã có những ý tưởng sáng tạo nhất định nhưng tính mới mẻ, độc đáo thể hiện trong sản phẩm vẽ của trẻ còn chưa cao. Bên cạnh việc mở rộng và bổ sung cho những họa tiết cho trước, một số trẻ đã biết tạo ra những phần tử mới (Pm) như: bông hoa, đám mây, bé trai, bé gái, những chú ong. . . để làm cho sản phẩm vẽ của mình thêm sinh động. Mặc dù những phần tử mới này chưa thực sự độc đáo nhưng với trẻ 5 – 6 tuổi, nó lại có ý nghĩa rất lớn, nó cho thấy khả năng sáng tạo của những trẻ này là hơn hẳn so với nhiều trẻ cùng tuổi khác. Sự sáng tạo của các em không bị phụ thuộc bởi những họa tiết cho trước, vượt ra ngoài những cái được coi là đã “mặc định” trước – đây là một nét đặc trưng của 269 Trần Thị Thắm tính sáng tạo. Trẻ đã bắt đầu có khả năng liên kết giữa các hình theo một đề tài nhất định (Lkđ) – trẻ tự đặt tên cho sản phẩm của mình (Ví dụ: “ngôi nhà của em”, “những hình em yêu”, “quà tặng mẹ”. . . ). Điều đó cho thấy những trẻ này đã có khả năng khái quát và biết đặt ra mục đích hành động trước khi thực hiện vẽ hình một cách tương đối rõ ràng. Nhưng số trẻ này không nhiều, mà phần lớn các em mới chỉ dừng lại ở việc gọi tên, liệt kê các hình chứ chưa biết khái quát chúng theo một chủ đề nào đó. Còn ở các tiêu chí mà tác giả cho là biểu hiện tập trung của tính sáng tạo như: vượt khung do họa tiết (Vh), vượt khung không do họa tiết (Vkh), phối cảnh (Pc), các bất quy tắc (Bq). . . thì hầu hết trẻ đều không thể hiện được. Dường như trẻ không muốn và không dám vượt ra ngoài những gì là quen thuộc, là truyền thống, là quy tắc. . . để tạo ra cái mới độc đáo, thích hợp hơn. Thông qua trao đổi với giáo viên trực tiếp dạy trẻ, tác giả nhận thấy sự “tuân thủ” đó của trẻ là do cách nhận xét, đánh giá của những người xung quanh, nhất là giáo viên đối với những sản phẩm hoạt động của trẻ đã có ảnh hưởng nhất định đến tính sáng tạo của các em. Giáo viên thường dựa vào những thông số biểu hiện trí thông minh như trẻ có thuộc bài không, trẻ có làm đúng mẫu không. . . để đánh giá trẻ. Và theo cách đó, những trẻ làm đúng theo cô, đúng mẫu thì được coi là ngoan, giỏi. Còn một số trẻ có những ý tưởng “không giống ai”, có những sản phẩm hoạt động không đúng “mẫu”,... rất có thể nhận được đánh giá thấp, đôi khi bị phủ nhận, thậm chí còn bị phê bình. . . Chính cách đánh giá này khiến cho trẻ thu mình, sợ không dám thể hiện cái Tôi, cố gắng làm cho đúng lời cô để trở thành “bé ngoan”, do đó tính sáng tạo bị hạn chế. Chúng ta có thể thấy rõ khả năng sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi trong một số sản phẩm vẽ tiêu biểu sau đây: Nghiệm thể Cao Trọng N (1), tên sản phẩm vẽ “Em bé”: Từ những họa tiết cho trước, Cao Trọng N đã mở rộng và bổ sung 5 họa tiết trong hình chữ nhật để biến chúng thành ông mặt trời, đám mây, cây, ngôi nhà và bông hoa. Ngoài ra, em còn bổ sung thêm hai yếu tố mới là con chim đang bay và một bé trai. Các yếu tố này được liên kết, phối cảnh khá hợp lí, chẳng hạn: Cậu bé đứng ở đằng trước ngôi nhà nên nhìn to hơn, cái cây ở góc xa nên nhìn cũng nhỏ hơn, con chim bay trên bầu trời dưới đám mây. . . Bé cũng rất sáng tạo khi quay trang giấy đi một góc 900 để có thể sử dụng triệt để và hiệu quả những họa tiết đã cho trước. Sản phẩm này được bé hoàn thành chỉ trong 6 phút. Với những ý tưởng trên, Cao Trọng N được đánh giá là một bé có khả năng sáng tạo đạt mức giỏi (39 điểm). Nghiệm thể Nguyễn Thị T (2), tên sản phẩm: “mặt cười, nơ, hình vuông, tam giác, con cá”: Trong sản phẩm vẽ này, trẻ đã thể hiện những hình ảnh khá sinh động, hài hước. Tuy nhiên, tính sáng tạo của trẻ mới chỉ ở mức độ trung bình (15 điểm). Trẻ mới chủ yếu mở rộng và bổ sung những họa tiết đã cho trước trong hình chữ nhật, chưa thể hiện được tính mới mẻ, độc đáo trong việc liên kết hình, phối cảnh, vượt khung hay sử dụng những bất quy tắc. . . khi tạo ra những hình vẽ đó. Nghiệm thể Châu Nh (3), tên sản phẩm: trẻ không đặt được tên. Tính sáng tạo của trẻ thể hiện trong sản phẩm vẽ này còn rất hạn chế. Trẻ mới mở rộng thêm được những họa tiết cho trước trong hình chữ nhật bằng cách lặp lại một cách đơn giản những họa tiết đó. Và trẻ cũng chỉ tạo thêm được hai phần tử mới là trái tim và bông hoa. Đối chiếu với các tiêu chí đánh giá của TSD – Z, tính sáng tạo của trẻ này đạt mức kém (6 điểm). Ngoài ra, chúng ta có thể tìm hiểu một số sản phẩm vẽ khác để thấy được khả năng sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi Trường Mầm non 3 – 2 Hà Đông – Hà Nội. 270 Đánh giá tính sáng tạo của trẻ 5 - 6 tuổi bằng TSD - Z của Klaus K. Urban 3. Kết luận Sau khi sử dụng TSD – Z của Klaus K.Urban để đánh giá tính sáng tạo của trẻ 5 – 6 tuổi trường mầm non 3 – 2 Hà Đông – Hà Nội, tác giả nhận thấy: Tính sáng tạo của phần lớn trẻ 5 – 6 được khảo sát mới chỉ đạt mức độ trung bình, chỉ có rất ít trẻ đạt mức độ khá, giỏi và bên cạnh đó vẫn còn một số trẻ chỉ đạt mức độ dưới trung bình, kém. Tính mới mẻ, độc đáo thể hiện trong các sản phẩm vẽ của trẻ còn hạn chế. Phần lớn trẻ mới dừng lại ở việc mở rộng và bổ sung những họa tiết cho trước theo quy tắc thông thường, ít trẻ tạo ra được phần tử mới theo các bất quy tắc. Hơn nữa, sản phẩm vẽ của trẻ chưa thể hiện được sự liên kết chặt chẽ giữa các hình vẽ với nhau và giữa từng hình vẽ với nội dung chung của bức vẽ. Tính sáng tạo của trẻ nam và trẻ nữ được khảo sát là không như nhau nhưng mức độ chênh lệch không lớn, điều đó cho thấy giới tính không ảnh hưởng nhiều tới tính sáng tạo của trẻ. Từ thực trạng trên, các nhà giáo dục nói chung và giáo viên mầm non của trường nói riêng cần có những biện pháp tác động phù hợp nhằm kích thích, phát huy tính sáng tạo của mỗi trẻ. Một số những biện pháp quan trọng mà giáo viên có thể sử dụng để dạy trẻ tư duy sáng tạo như: sử dụng lối dạy học nêu vấn đề, tạo điều kiện và khuyến khích trẻ thỏa sức sáng tạo, thay đổi cách đánh giá trẻ, chấp nhận cá tính riêng của mỗi trẻ và cố gắng gợi mở khả năng liên tưởng, tư duy diễn dịch hay tưởng tượng bay bổng của trẻ. . . Nếu những biện pháp này được thực hiện triệt để, tác giả tin rằng tính sáng tạo của trẻ sẽ được phát huy một cách tối đa. Đây là điều kiện quan trọng đảm bảo sự thành công của trẻ trong học tập khi bước vào trường phổ thông cũng như sự thành công của trẻ trong đời sống cá nhân sau này. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Thị Huệ, 2014. Tính sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh trung học cơ sở. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội, số 2/2014 VN, tr.161-168. [2] Nguyễn Huy Tú, 2006. Bộ trắc nghiệm sáng tạo TSD – Z của Klaus K.Urban với những ứng dụng ở nước ngoài và Việt Nam. Nxb Đại học Sư phạm. [3] Nguyễn Ánh Tuyết (chủ biên), Nguyễn Thị Như Mai và Đinh Thị Kim Thoa, 2008. Tâm lí học trẻ em lứa tuổi mầm non (từ lọt lòng đến 6 tuổi). Nxb Đại học Sư phạm. [4] Nguyễn Đức Uy, 1996. Tâm lí học sáng tạo. Nxb Giáo dục. ABSTRACT A review of the creativity of 5 –6 year old children using TSD – Z of Klaus K. Urban The authors use the TSD – Z method of Klaus K.Urban to look at creativity in 5–6 year old children at the 3 – 2 Kindergarten, Ha Dong District, Ha Noi. In carrying out this study, it was found that the creativity of most children surveyed was at the average level. They could not express originality in their created pictures. This is a reality that educators need to consider if they’d like to find ways to enhance children’s creativity and bolster the argument that children should attend public primary school. 271
Tài liệu liên quan