Đề tài Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển

Theo các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong sáu tháng đầu năm 2010 cho thấy, kinh tế nước ta vẫn đang trên đà phục hồi và phát triển theo hướng tích cực với mức tăng trưởng khá trên hầu hết tất cả các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2010 tăng 6,16% so với cùng kỳ năm trước và tăng đều ở cả 3 khu vực. Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm tuy chưa bằng mục tiêu 6,5% đề ra cho cả năm nhưng là tốc độ tăng khá cao trong điều kiện xản xuất, kinh doanh trong nước còn gặp khó khăn. Mặt khác, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm theo xu hướng mức tăng quý sau cao hơn quý trước cho thấy nền kinh tế nước ta đang phục hồi nhanh và có khả năng đạt mức tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới.

pdf8 trang | Chia sẻ: ttlbattu | Lượt xem: 1715 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KINH TẾ VIỆT NAM ĐANG TRÊN ĐÀ PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN Ts. Hoàng Hải Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận Theo các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong sáu tháng đầu năm 2010 cho thấy, kinh tế nước ta vẫn đang trên đà phục hồi và phát triển theo hướng tích cực với mức tăng trưởng khá trên hầu hết tất cả các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2010 tăng 6,16% so với cùng kỳ năm trước và tăng đều ở cả 3 khu vực. Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm tuy chưa bằng mục tiêu 6,5% đề ra cho cả năm nhưng là tốc độ tăng khá cao trong điều kiện xản xuất, kinh doanh trong nước còn gặp khó khăn. Mặt khác, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm theo xu hướng mức tăng quý sau cao hơn quý trước cho thấy nền kinh tế nước ta đang phục hồi nhanh và có khả năng đạt mức tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới. 1-Tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2010 Trong lĩnh vực sản xuất sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2010 tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ có những chính sách và biện pháp kịp thời, thị trường xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản đã khôi phục và phát triển, sản xuất nông, lâm, thuỷ sản 6 tháng đầu năm vẫn đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng năm 2010 ước đạt 103,4 nghìn tỉ đồng, tăng 5,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nông nghiệp đạt 75,9 nghìn tỉ đồng, tăng 5,41%; lâm nghiệp đạt 3,4 nghìn tỉ đồng, tăng 4%; thuỷ sản đạt 24,1 nghìn tỉ đồng, tăng 5,32%. Sản lượng lúa của các địa phương phía Bắc ước đạt 6,82 triệu tấn, giảm 3,25 vạn tấn (giảm 0,5%) so với cùng kỳ năm 2009. Nguyên nhân là do thiếu nước ngay từ đầu vụ, nắng hạn kéo dài, sâu bệnh gây hại lúa đã làm năng suất lúa giảm nhẹ. Sản lượng lúa của các địa phương phía Nam ước đạt 12,37 triệu tấn, tăng 52,77 vạn tấn (tăng 4,5%) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tăng do diện tích gieo cấy tăng 28,7 nghìn ha (tăng 1,5%) và tăng 1,8 tạ/ha (tăng 2,9%). Theo kết quả điều tra chăn nuôi thời điểu 1/4/2010, đàn trâu đạt 2.902 nghìn con, tăng 0,5% và đàn bò đạt 6.020 nghìn con bằng 98,6% so với cùng kỳ năm 2009. Tổng đàn lợn cả nước đạt 27,3 triệu con, tăng 3,08% so với cùng kỳ năm 2009. Đàn gia cầm cả nước đạt 227,4 triệu con, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thuỷ sản ước đạt 2.429,8 nghìn tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cá đạt 1.883,8 nghìn tấn, tăng 4,8%; tôm đạt 204,9 nghìn tấn, tăng 5,8%. Diện tích rừng trồng và chăm sóc rừng tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng mới tập trung ước tính đạt 76,2 nghìn ha, tăng 4% với cùng kỳ năm 2009. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 107,6 triệu cây, tăng 0,1%. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,7%; ngành công nghiệp khai khác giảm 4%; ngành sản xuất và phân phối điện, nước tăng 15,7%.Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 336,8 nghìn tỉ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 12,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,5%. Một số địa phương đạt mức tăng trưởng công nghiệp cao hơn kế hoạch toàn ngành là : Hà Nội tăng 13,9%; Hải Phòng tăng 14,2%; Vĩnh Phúc tăng 39,6%; Hải Dương tăng 18,5%; Phú Thọ tăng 23%; Quảng Ninh tăng 16,6%; Thanh Hoá tăng 18,9%; Đà Nẵng tăng 17,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,7%; Bình Dương tăng 19%; Đồng Nai tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2009. Một số địa phương có giá trị sản lượng công nghiệp tăng thấp hơn so với kế hoạch toàn ngành hoặc giảm so với cùng kỳ là : Khánh Hoà tăng 8,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 10,4%. Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt cao hơn so với kế hoạch năm 2010, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng ngày càng cao và có tốc độ tăng cao. Khu vực ngoài nhà nước có mức tăng cao hơn kế hoạch toàn ngành (12%) nhưng thấp hơn tăng trưởng chung ngành công nghiệp (13,8%), trong khi khu vực kinh tế nhà nước có tốc độ tăng thấp hơn mức kế hoạch toàn ngành. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển. An sinh xã hội được quan tâm thường xuyên, đời sống dân cư có nhiều cải thiện. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển với tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2010 ước đạt 127,5 nghìn tỉ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2009, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 16,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm, kinh doanh thương nghiệp tăng 27,6%; khách sạn nhà hàng tăng 22,1%; dịch vụ tăng 23,9%; du lịch tăng 32,6%. Về vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2010 ước tính tăng 13,4% về vận chuyển và tăng 15,6% về luân chuyển so với cùng kỳ năm 2009. Vận chuyển hàng hoá 6 tháng ước tính tăng 11,4% về vận chuyển và tăng 9,4% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải hàng hoá đường bộ tăng 12,1% và 12,2%; đường sông tăng 5,1% và tăng 1,8%; đường biển tăng 21% và tăng 10%; đường sắt giảm 0,8% và tăng 2,7%. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng tăng, ước đạt hơn 2,5 triệu lượt người, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Khách đến từ các nước Trung Quốc tăng 92,5%; Cam-pu-chia tăng 88,9%; Hàn Quốc tăng 28,3%; Thái Lan tăng 28,1%; Ôxtrâylia tăng 25,7%; Đài Loan tăng 20,5%; Nhật Bản tăng 18,5. Số lượng khách nội địa 6 tháng đầu năm ước đạt 14,8 triệu lượt, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng vận tải hàng hoá đạt 343,9 triệu tấn, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2009, khối lượng luân chuyển đạt 97,4 tỉ tấn/km, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Mạng lưới, dịch vụ bưu chính, viễn thông cũng không ngừng phát triển, số thuê bao sử dụng Internet 6 tháng đầu năm 2010 ước đạt 2,47 triệu, tăng 23,89% so với cùng kỳ năm 2009. Với việc tăng nhẹ trong tháng 6, CPI sáu tháng qua đã tăng 4,78% so với tháng 12/2009 và tăng 8,75% so với cùng kỳ 2009. CPI tháng 6 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hoá chung với mức tăng từ 0,01-0,62%. Bật lên dẫn đầu về mức tăng là nhóm hàng đồ uống và thuốc lá với mức tăng 0,62%; tiếp đến là nhóm bưu chính viễn thông với mức tăng 0,49%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,48%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,46%. Đặc biệt, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đang từ vị trí dẫn đầu về mức tăng trong tháng 5 đã đột ngột rơi xuống vị trí tăng thấp nhất do giá thép, giá nhà và giá vật liệu xây dựng giảm mạnh. Mặc dù các nhóm hàng hoá chỉ tăng nhẹ nhưng trong tháng 6 này, hai nhóm hàng hoá là hàng ăn và dịch vụ ăn uống và bưu chính viễn thông đã quay đầu tăng nhẹ sau nhiều tháng liên tiếp giảm rõ rệt. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng 0,37%, nhưng lương thực vẫn giảm tới 0,83%. Theo Tổng cục Thống kê, sở dĩ CPI tháng 6 chỉ tăng nhẹ là do giá lương thực vẫn tiếp tục giảm hỗ trợ CPI tiếp tục giảm tốc. Bên cạnh đó, giá nhiều nhóm hàng hoá thiết yếu khác trên thị trường như xăng dầu, vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, thực phẩm giảm hoặc chỉ tăng nhẹ đã góp phần "kéo" CPI tăng chậm lại. Đây là những tín hiệu tốt giúp CPI tháng 7 tăng nhẹ ở mức 0,06% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Trong tháng 6, giá vàng đã tăng 3,09% so với tháng 5 do có những thông tin phức tạp về tình hình kinh tế Mỹ và và các nước EU khiến nhu cầu dự trữ vàng tăng lên; đưa giá vàng 6 tháng qua tăng 0,3% so với 12/2009 và tăng 39,03% so với cùng kỳ 2009. Trái chiều với vàng, giá USD trên thị trường tiếp tục giảm 0,17% so với tháng 5, đưa giá USD 6 tháng qua chỉ tăng 0,41% so với tháng 12/2009 và tăng 7,67% so với cùng kỳ 2009. Giá vàng tháng 7/2010 tăng 2,15% so với tháng trước, tăng 2,46% so với tháng 12/2009 và tăng 35,86% so với cùng kỳ năm trước. Giá đô la Mỹ tháng 7/2010 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 0,79% so với tháng 12 năm trước và tăng 5,04% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê nhận định, nếu CPI các tháng tiếp theo giữ được ở mức tăng bình quân 0,5%/tháng thì CPI cả năm sẽ có thể đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, với diễn biến tăng giá tiêu dùng trong 6 tháng qua, vấn đề cần quan tâm nhất là Chính phủ tiếp tục có các giải pháp điều hành linh hoạt, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp doanh nghiệp tăng tốc sản xuất và đầu tư nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra. Bởi năm 2010, chỉ cần kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số cũng đã là thành công lớn của Việt Nam. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 năm 2010 ước đạt gần 6 tỉ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2010 ước đạt 32,1 tỉ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2009; trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt gần 14,6 tỉ USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2009. Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu tháng 7/2010 ước tính đạt 5,8 tỉ USD, giảm 8,2% so với tháng trước và tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2009. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Mỹ (chiếm tỉ trọng ước đạt 20%), ASEAN đạt 17%, EU 16%, Nhật Bản đạt 11%, Trung Quốc đạt 9,5%; 5 thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Philippin, Ôxtrâylia, Thuỵ Sỹ và Cam-pu-chia. Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước đạt 7,2 tỉ USD, tăng nhẹ so với tháng trước. Tính chung kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2010 ước đạt hơn 38,9 tỉ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,15 tỉ USD, tăng 48,9%. Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu tháng 7/2010 ước tính đạt trên 6,9 tỉ USD, giảm 1,5% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2009. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu 6 tháng đầu năm 2010 là Trung Quốc (tỉ trọng đạt 23%), ASEAN (20%), Hàn Quốc (10,5%), Nhật Bản (10,5%), EU (8%). Ước nhập siêu tháng 6 là 1,2 tỉ USD, chiếm 20% kinh ngạch nhập khẩu. Đầu tư phát triển tiếp tục có chuyển biển tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tháng 6 đầu năm ước đạt 337 nghìn tỉ đồng, bằng 43,5% GDP, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ước đạt 51 nghìn tỉ đồng, bằng 47% so với kế hoạch năm, trái phiếu Chính phủ đạt 21 nghìn tỉ đồng. Ước tổng giá trị vốn ODA 6 tháng đầu năm 2010 đạt 1.410 triệu USD, bằng 57% kế hoạch giải ngân cả năm 2010, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó vốn vay khoảng 1.310 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 100 triệu USD. Vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 390,1 nghìn tỉ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm vốn khu vực Nhà nước 166,8 nghìn tỉ đồng, tăng 17,8%; khu vực ngoài Nhà nước 120 nghìn tỉ đồng, tăng 9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 103,3 nghìn tỉ đồng, tăng 11,8%. Sáu tháng đầu năm 2010, cả nước có 438 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới lại là 7,9 tỉ USD, giảm khoảng 20% về số dự án nhưng tăng 43% về vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ năm 2009. Đã có 121 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 525 triệu USD, bằng 10,7% so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, quy mô vốn đầu tư tăng thêm thấp hơn nhiều lần so với cùng kỳ. Nếu tính cả cấp mới và tăng vốn, trong nửa đầu đầu năm 2010, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký số vốn 8,43 tỉ USD đầu tư vào Việt Nam, bằng khoảng 80,9% so cùng kỳ năm trước. Tình hình sản xuất của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Xuất khẩu của khu vực FDI kể cả dầu thô ước đạt 17,2 tỉ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu khác của khu vực FDI (không kể dầu thô) ước đạt 14,6 tỉ USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI gia tăng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm do nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Nhập khẩu của khu vực FDI ước đạt 16 tỉ USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2010, một số lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước điều hoà; và lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tính từ đầu năm đến nay có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư lớn nhất lần lượt là Hà Lan, tiếp đến là Hàn Quốc và đứng thứ ba là Nhật Bản. Địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất trong 6 tháng đầu năm 2010 là Bà Rịa - Vũng Tàu với 2,16 tỉ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Tiếp theo là Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 2,14 tỉ USD, 1,18 triệu USD và 1 triệu USD Về phát triển doanh nghiệp trong nước, tháng 6/2010, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ước đạt 6 nghìn doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt 33 nghìn tỉ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2010, cả nước có khoảng 36,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký là 222,2 nghìn tỉ đồng, bằng 86,6% về số doanh nghiệp và tăng 13,3% về tổng số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2009. 2- Một số vấn đề cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới Sau nửa chặng đường thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội nước ta có nhiều chuyển biến tích cực và đạt mức tăng khá. Đạt được những kết quả quan trọng trên đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng có tính quyết định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong lãnh đạo, giám sát, chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, kinh tế nước ta còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là : Sản xuất gặp nhiều khó khăn do nguồn điện cung cấp hạn chế. Trong điều kiện nguồn huy động từ thuỷ điện gặp nhiều khó khăn do thời tiếp khô hạn kéo dài, nhu cầu về điện tăng mà lượng điện cung cấp không đáp ứng được. Giá trị sản xuất và phân phối điện 6 tháng đầu năm tăng chủ yếu do sản lượng điện sản xuất tăng cao 15,5% (cùng kỳ năm trước tăng 7,9%). Thiên tai diễn biễn phức tạp. Đầu tư phát triển vẫn theo chiều rộng là chủ yếu, hiệu quả đầu tư chưa cao; sức cạnh tranh của hàng hoá thấp; các cân đối vĩ mô chưa thực sự vững chắc; đời sống dân cư tuy đã được cải thiện nhưng một số vùng, địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó để thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010, góp phần hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2010 và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau đây : Một là, nâng cao hiệu quả, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng. Doanh nghiệp cần phải chủ động và có giải pháp hữu hiệu để đối phó với những thách thức có thể xảy ra. Tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, phát huy thiết bị đã sản xuất được trong nước để giảm chi phí, hạ giá thành và tăng hiệu quả đầu tư, góp phần giảm nhập siêu. Khẩn trương thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp, tiến tới xây dựng lực lượng doanh nghiệp có sức mạnh về mọi mặt nhằm nâng cao tiềm lực và khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế. Chính phủ cần có chính sách, giải pháp hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhất là hàng tiêu dùng cao cấp hoặc đã sản xuất được ở trong nước. Nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá trong nước. Có cơ chế thuế suất đúng mức nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm và người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hai là, thực hiện đánh giá lại hiệu quả của các hoạt động đầu tư, đặc biệt đối với đầu tư công để có những điều chỉnh hợp lý. Nâng cao năng lực quản lý đầu tư cũng như hiệu lực công tác giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư nguồn vốn của nhà nước. Cơ cấu lại đầu tư của nhà nước theo hướng tăng thêm đầu tư cho y tế, đào tạo nghề, phát triển hệ thống an sinh xã hội và phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản. Từng bước dành nguồn lực đầu tư vào các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng mạnh và bền vững, dựa trên hiệu suất và chất lượng. Ba là, hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp tổng thể nhằm kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng để ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng bền vững. Xây dựng chính sách tỉ giá bảo đảm vừa khuyến khích xuất khẩu, vừa hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Bốn là, thực hiện rà soát việc nhập khẩu thiết bị máy móc cần thiết, phục vụ sản xuất ở mức hợp lý. Có chính sách, giải pháp hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhất là hàng tiêu dùng cao cấp hoặc đã sản xuất được ở trong nước. Tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, phát huy thiết bị đã sản xuất được trong nước để giảm chi phí, hạ giá thành và tăng hiệu quả đầu tư, góp phần giảm nhập siêu. Nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá trong nước. Có cơ chế thuế suất đúng mức nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm và người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Năm là, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 808/CT-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010. Hiện đại hoá cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đi đôi với tăng cường công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng cho quản lý thiên tai. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo bão lụt, phối hợp chặt chẽ và chủ động phòng tránh, đồng thời nâng cao khả năng ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu do bão, lũ gây ra. Xây dựng các phương án linh hoạt về triển khai lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị ứng phó với tình hình diễn biến của bão cũng như cứu hộ, cứu nạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Các cơ quan có trách nhiệm cần xây dựng phương án cụ thể về chế độ, chính sách hỗ trợ thiệt hại do bão lụt gây ra để có căn cứ chủ động hỗ trợ kịp thời cho người dân. Sáu là, rà soát lại quy trình triển khai thực hiện và tiến hành đánh giá tổng thể các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo đã và đang triển khai thực hiện. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Lồng ghép và huy động tối đa các nguồn vốn, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân cư, nhất là ở vùng nông thôn. Đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động và thuyết phục người dân ý thức vươn lên thoát nghèo. _______________ (*) Nguồn tài liệu : Báo cáo của Tổng cục Thống kê
Tài liệu liên quan