Địa giới hành chính và cư dân làng Vị Hoàng (Nam Định) thế kỉ XIX qua các nguồn tư liệu

1. Mở đầu Đã từ lâu, làng Việt cổ trở thành đối tượng nghiên cứu không chỉ của lịch sử mà còn của nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn trong cuộc hành trình đi tìm lời giải đáp cho sức sống trường tồn của dân tộc Việt, cho bản sắc văn hoá dân tộc và những truyền thống tốt đẹp được xây đắp, gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Vị Hoàng của Nam Định là một làng có lịch sử lâu đời. Được hình thành và tồn tại vào khoảng thế kỉ XIII và cho đến giữa thế kỉ XX, làng Vị Hoàng đã hoàn toàn hoà nhập vào thành phố Nam Định; con sông Vị Hoàng chảy qua làng cũng bị bồi nông, rồi lấp hẳn không để lại dấu vết. Cho đến ngày nay, rất ít ai, kể cả những người sinh ra và lớn lên trên quê hương Nam Định biết được rằng bên dòng sông này từ thời Trần đã từng có quân doanh Vị Hoàng, kho lương Vị Hoàng và rồi cả một đô thị Vị Hoàng sầm uất ở thế kỉ XVII – XVIII, cùng thời với Phố Hiến, Hội An, Thăng Long - Kẻ Chợ. Cái tên Vị Hoàng bây giờ chỉ còn được dùng để đặt tên cho một phường, một khách sạn, một câu lạc bộ thơ. . . Bởi vậy, việc tìm hiểu và phục dựng lại những nét đặc trưng của làng Vị Hoàng trên các mặt như xác định rõ phạm vi địa vực, dân cư, đời sống vật chất và sinh hoạt văn hoá. . . là để hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn các yếu tố nội sinh và ngoại sinh đã làm nên một đô thị Vị Hoàng, rồi thành Nam – Nam Định trong lịch sử; từ đó nhận diện chính xác và đầy đủ lịch sử đất nước. Cơ sở để tiến hành công tác khảo sát nghiên cứu này xuất phát từ thực tế, đó là toàn bộ khu vực phố cổ của thành phố Nam Định đều nằm trên đất trước kia thuộc về làng Vị Hoàng. Trên cơ sở khai thác triệt để nguồn tư liệu Hán Nôm lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Bảo tàng tỉnh Nam Định, tư liệu hồi cố, tư liệu thu thập trong quá trình điền dã, bài viết tập trung vào vấn đề địa giới hành chính và cư dân làng Vị Hoàng ở thế kỉ XIX.

pdf9 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 125 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Địa giới hành chính và cư dân làng Vị Hoàng (Nam Định) thế kỉ XIX qua các nguồn tư liệu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2011, Vol. 56, No. 2, pp. 9-17 ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH VÀ CƯ DÂN LÀNG VỊ HOÀNG (NAM ĐỊNH) THẾ KỈ XIX QUA CÁC NGUỒN TƯ LIỆU Trần Thị Thái Hà Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Mở đầu Đã từ lâu, làng Việt cổ trở thành đối tượng nghiên cứu không chỉ của lịch sử mà còn của nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn trong cuộc hành trình đi tìm lời giải đáp cho sức sống trường tồn của dân tộc Việt, cho bản sắc văn hoá dân tộc và những truyền thống tốt đẹp được xây đắp, gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Vị Hoàng của Nam Định là một làng có lịch sử lâu đời. Được hình thành và tồn tại vào khoảng thế kỉ XIII và cho đến giữa thế kỉ XX, làng Vị Hoàng đã hoàn toàn hoà nhập vào thành phố Nam Định; con sông Vị Hoàng chảy qua làng cũng bị bồi nông, rồi lấp hẳn không để lại dấu vết. Cho đến ngày nay, rất ít ai, kể cả những người sinh ra và lớn lên trên quê hương Nam Định biết được rằng bên dòng sông này từ thời Trần đã từng có quân doanh Vị Hoàng, kho lương Vị Hoàng và rồi cả một đô thị Vị Hoàng sầm uất ở thế kỉ XVII – XVIII, cùng thời với Phố Hiến, Hội An, Thăng Long - Kẻ Chợ. Cái tên Vị Hoàng bây giờ chỉ còn được dùng để đặt tên cho một phường, một khách sạn, một câu lạc bộ thơ. . . Bởi vậy, việc tìm hiểu và phục dựng lại những nét đặc trưng của làng Vị Hoàng trên các mặt như xác định rõ phạm vi địa vực, dân cư, đời sống vật chất và sinh hoạt văn hoá. . . là để hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn các yếu tố nội sinh và ngoại sinh đã làm nên một đô thị Vị Hoàng, rồi thành Nam – Nam Định trong lịch sử; từ đó nhận diện chính xác và đầy đủ lịch sử đất nước. Cơ sở để tiến hành công tác khảo sát nghiên cứu này xuất phát từ thực tế, đó là toàn bộ khu vực phố cổ của thành phố Nam Định đều nằm trên đất trước kia thuộc về làng Vị Hoàng. Trên cơ sở khai thác triệt để nguồn tư liệu Hán Nôm lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Bảo tàng tỉnh Nam Định, tư liệu hồi cố, tư liệu thu thập trong quá trình điền dã, bài viết tập trung vào vấn đề địa giới hành chính và cư dân làng Vị Hoàng ở thế kỉ XIX. 9 Trần Thị Thái Hà 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Địa giới hành chính Nằm ở phía Nam của đồng bằng sông Hồng, vào đầu thế kỉ XIX, Vị Hoàng là một trong 8 xã của tổng Đông Triền (sau đổi thành Đông Mặc), huyện Mĩ Lộc, phủ Xuân Trường, trấn Sơn Nam Hạ [1;60]. Trên văn bản hành chính, Vị Hoàng là một xã, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, người dân nơi đây vẫn quen gọi là làng Vị Hoàng. Vị Hoàng là tên làng nhưng đồng thời cũng là tên gọi của một con sông đào – sông Vị Hoàng. Tương truyền, con sông này được đào vào thời Trần, vì chảy qua đất của làng Vị Hoàng nên dân gian đã lấy tên làng đặt luôn cho sông. Sự ra đời của con sông Vị Hoàng thế kỉ XIII - XIV có lẽ nằm trong chiến lược của nhà Trần nhằm tăng tính cơ động của lực lượng thủy binh và sự phối hợp chiến đấu giữa các đội quân thuỷ bộ. Không chỉ đơn thuần phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên, dòng sông Vị đã góp phần vào việc mở rộng giao thông, và hơn thế còn mở ra cho vùng đất này các tiền đề để trở thành trung tâm kinh tế của toàn vùng. Sự xuất hiện của con sông Vị đánh dấu một bước ngoặt cho làng Vị Hoàng và cho thành phố Nam Định sau này. Cùng với núi Gôi (còn gọi là Côi Sơn), sông Vị Hoàng đã tạo nên biểu tượng sơn thuỷ hữu tình “Non Côi - sông Vị” của Nam Định. Về thời điểm thành lập của làng Vị Hoàng thật khó có căn cứ để xác định một cách chính xác. Theo các cụ cao niên am hiểu lịch sử ở Nam Định thì làng Vị Hoàng có lẽ đã được hình thành từ trước khi nhà Trần xây dựng hành cung Tức Mặc (sau gọi là hành cung Thiên Trường). Làng Vị Hoàng rộng lớn nằm bên bờ sông Nhị, tiếp giáp với khu trung tâm hành cung. Theo tư liệu địa bạ được lập vào năm Gia Long 4 (1805) và lập lại năm Minh Mạng 11 (1832) [2] thì địa giới của làng Vị Hoàng được xác định như sau: Phía Đông giáp xã Phụ Long, lấy sông và khu vực dân cư làm giới, qua sông thì lấy ngòi nhỏ làm giới. Phía Tây giáp xã Năng Lự, lại một đoạn giáp sông lấy đoạn đường mới mở làm giới. Lại giáp xã Đông Mặc lấy bờ ruộng làm giới; giáp xã Vụ Bản lấy đường nhỏ làm giới. Phía Nam, qua sông giáp xã Vạn Diệp lấy bờ ruộng làm giới, lại giáp xã Lương Xá lấy ngòi nhỏ làm giới. Lại giáp thôn Nhị xã Bách Cốc lấy khe nước nhỏ làm giới. Phía Bắc giáp xã Đông Mặc lấy bãi tha ma bản xã làm giới. Một đoạn lấy bờ sông của xã làm giới, lại giáp xã Phù Hoa lấy bờ ruộng làm giới, lại giáp sông lấy sông làm giới. Như vậy, Vị Hoàng giáp với Đông Mặc ở phía Bắc; giáp với Vạn Diệp và Lương Xá, Bách Cốc ở phía Nam; giáp với Năng Lự ở phía Tây và giáp với Phụ Long ở phía Đông. Làng Vị Hoàng gồm 4 thôn: Khoái Đồng, Thi Thượng, Thi Hạ và Lộng Đồng 10 Địa giới hành chính và cư dân làng Vị Hoàng (Nam Định) thế kỉ XIX... [3]. Ranh giới giữa các thôn được xác định như sau: - Thôn Khoái Đồng: phía Đông giáp sông Đào, tây giáp sông Vị Hoàng, nam giáp làng Lương Xá, bắc giáp Phụ Long Lại một chòm khu Khoái Đồng ở bên Tả hà thì phía Đông nam giáp làng Vạn Diệp và làng Lương Xá, phía tây giáp sông Đào, phía bắc giáp làng Phụ Long. - Thôn Thi Thượng: phía Đông giáp làng Phụ Long và Phù Nghĩa (Phù Hoa), phía Tây giáp làng Đông Mặc, phía nam giáp sông Hoàng Giang, phía bắc giáp địa phận Đông Mặc. - Thôn Lộng Đồng: Đông giáp làng Tân Cốc, Nam giáp làng Bách Cốc, Tây giáp địa phận làng Vụ Bản, Bắc giáp sông Gia Hoà. Đây là khu vực vừa là điểm cư trú đồng thời có cả những thửa ruộng canh tác nhưng nằm cách biệt hẳn với các khu khác của làng Vị Hoàng khoảng 5 km về phía Nam. Về lịch sử hình thành thôn Lộng Đồng, truyền thuyết địa phương kể rằng vào đời Trần có một công chúa để mất một con công quý, người làng Vị Hoàng tìm bắt được con công ấy đã đem dâng trả lại công chúa. Để thưởng công, công chúa đã lấy đất Lộng Đồng (vốn là đất bãi bồi ven sông) ban cho làng Vị Hoàng. Cũng chính bởi nằm cách xa trung tâm của làng Vị Hoàng như vậy mà vào cuối thế kỉ XIX, trước sự mở rộng thành phố, khi quỹ đất đai của làng Vị Hoàng cũng như cơ cấu dân cư của làng có sự thay đổi thì kì dịch khu Lộng Đồng đã xin biệt bài, được đóng nộp riêng các khoản sưu thuế cho nhà nước mà không chung với toàn xã. - Thôn Thi Hạ: phía Đông giáp sông Vị Hoàng, phía Nam giáp làng Năng Tĩnh với Đò Chè và Bến Gỗ, phía Tây giáp tỉnh thành, phía Bắc giáp địa phận làng Đông Mặc gọi là phố Mành [4;42]. Theo một nhà nghiên cứu lịch sử của địa phương [4;30], thuộc địa phận làng Vị Hoàng còn có khu Hậu Đồng hay còn gọi là thôn Hậu Đồng, gồm khu vực từ bờ sông Vị Hoàng đến con đê Bao Bì (nay là đường Thanh Niên) giáp với làng Tức Mặc kéo dài ra đến Trại Hữu, Cồn Vịt, giáp giới với cả làng Phù Nghĩa. Cả thôn này xưa kia nhà cửa thưa thớt, phần lớn đất đai là bãi tha ma, đất hoang [5;12]. Trong địa bạ của làng Vị Hoàng lập năm Gia Long 4 cho thấy có tên xứ Đồng Hậu. Cũng theo địa bạ này thì xứ Đồng Hậu có 20 mẫu 6 sào 13 thước ruộng công, 4 mẫu ruộng tư, 2 mẫu 1 sào 11 thước ruộng đền chùa và 1 ngòi nước nhỏ. Tuy nhiên, trong rất nhiều tài liệu về làng Vị Hoàng không thấy đề cập đến Hậu Đồng với tư cách như một “thôn” – đơn vị cư trú mà chỉ thể hiện là tên của một xứ đồng. Làng Vị Hoàng xưa kia còn bao gồm cả làng Phù Long. Theo truyền thuyết địa phương thì vào thời Lý, năm 1065, nhà vua ra hành cung Bố Hải Khẩu (khu vực tương đương với thành phố Thái Bình ngày nay) xem cày ruộng tịch điền và xem đánh cá ở đầm Phù Long. Nhìn dòng phù sa con sông Hồng tụ lại thành một bãi bồi nổi vào mùa hạn, nhà vua hình dung nó như một con rồng nổi nên gọi bãi nổi đó là Phù Long. Sau này dân đến ở, lập thành làng xómĐông đúc. Sự kiện vua Lý ra hành cung xem cày ruộng và xem đánh cá ở đầm Phù Long được ghi chép trong Việt sử lược [6;94]. Tuy nhiên, sự kiện đó có liên quan đến sự lịch sử hình thành 11 Trần Thị Thái Hà của làng Phù Long hay không thì phải khảo cứu thêm. Theo tư liệu địa phương, Cổ Lộng là tên cũ của Phù Long. Minh văn trên chuông chùa Phù Long và các văn bia, văn tự của làng Phù Long còn ghi rõ: “Cổ Lộng thôn, Vị Hoàng Xã, Đông Mặc tổng, Mĩ Lộc huyện, Nam Định tỉnh”. Như vậy, Phù Long xưa kia đã từng là một thôn của làng Vị Hoàng. Sau này, Vị Hoàng trở thành một làng lớn, do vậy đã tách làm hai. Theo lời kể của các cụ cao tuổi am hiểu lịch sử địa phương thì do Phù Long nhận chữ “trùm” nên ở phía trên, làng Vị Hoàng nhận chữ “lềnh” nên ở phía dưới. Nếu đúng như vậy thì làng Vị Hoàng xưa kia thật rộng, bao gồm phần lớn thành phố Nam Định ngày nay. Thôn Thi Thượng tuy ở đầu làng nhưng được coi là trung tâm của cả làng. Chợ, đình và chùa của làng đều được dựng lên ở đây. Khu này xưa kia có rừng trúc (có ý kiến cho rằng đó là rừng nứa), bao quanh là một con ngòi chảy từ phía chùa Cuối lên. Con ngòi này thực chất là một đường thoát nước nối liền với con ngòi phân chia ranh giới giữa làng Vị Hoàng với làng Đông Mặc. Trước kia muốn vào xóm người ta phải đi qua 5 cây cầu được xây bằng những tảng đá to, phẳng, nhẵn bóng. Chính vì thế mà xóm nhỏ mang tên là xóm Thạch Kiều. Đối chiếu trên bản đồ hành chính tỉnh Nam Định, có thể hình dung vị trí của làng Vị Hoàng tương ứng với các khu vực hiện nay như sau: - Thôn Khoái Đồng: bao gồm khu vực từ đường Đồng Tháp Mười ra tới bờ sông giáp phố Minh Khai, phía Tây giáp đường Nguyễn Du, phía Nam là sông Đào và một phần xóm Gốc Mít. Giữa thôn có hồ Vị Xuyên. Có ý kiến cho rằng hồ này xưa kia chỉ là một cái đầm lớn, bốn xung quanh đều là ruộng trồng lúa. Tuy nhiên, đại đa số người dân thành phố Nam Định đều khẳng định rằng hồ này chính là đoạn còn sót lại của sông Vị Hoàng thuở trước. Theo kết quả nghiên cứu về địa chất thì vào thế kỉ IX-X, cảnh quan phổ biến của đồng bằng châu thổ thế kỉ IX-X là rất nhiều đầm lầy và ô trũng [7;12]. Như vậy, rất có thể hồ Vị Xuyên chính là dấu tích của một ô trũng hay đầm lầy còn sót lại. - Thôn Thi Thượng: là khu phố cổ của Nam Định, gồm các phố Minh Khai, Hai Bà Trưng, Bắc Ninh, Hoàng Văn Thụ, Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Tiện, Bến Ngự, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hàn Thuyên, Hàng Cấp, Hàng Đường. - Thôn Thi Hạ: là khu vực từ chợ Đò Chè đến Bến Thóc, men theo sông Đào. - Thôn Lộng Đồng: nay thuộc xã Lộc An, trên đường 10 đi Ninh Bình. Như vậy, làng Vị Hoàng xưa có 4 thôn. Ngay tên gọi của các thôn cũng gợi lên một sự hình dung tương đối về đặc điểm phân bố các thôn của làng. Theo một công trình nghiên cứu về làng Việt thì ở đồng bằng sông Hồng, hệ thống định hướng thượng và hạ thường được quy định dựa theo một dòng sông. Thượng ở thượng lưu hay nguồn và hạ khi ở về phía hạ lưu [8;100]. Qua lược đồ của làng (bản vẽ tay, lưu trong hồ sơ số 1819, thuộc phông Toà sứ Nam Định tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, do rất nhỏ và mờ nên chúng tôi không giới thiệu ở đây), có thể thấy, sông Vị Hoàng chảy qua làng Vị Hoàng, chia 12 Địa giới hành chính và cư dân làng Vị Hoàng (Nam Định) thế kỉ XIX... đất của làng ở địa phận thôn Khoái Đồng làm hai phần. Ở về phía thượng lưu của sông Vị Hoàng là Thi Thượng và về phía hạ lưu là Thi Hạ. Khoái Đồng nằm ở giữa Thi Thượng và Thi Hạ, còn Lộng Đồng cách biệt hẳn về phía Nam xuôi theo hướng dòng chảy của sông Vị Hoàng. Khoái Đồng và Lộng Đồng không chỉ là tên thôn, mà còn là tên gọi xứ đồng của làng cùng với các xứ đồng khác như xứ đồng Hậu, xứ đồng Toán, xứ đồng Vinh, xứ đồng Hung. . . Làng Vị Hoàng có bao nhiêu xóm là điều chúng tôi chưa khảo cứu được bởi nguồn tài liệu còn lại quá ít ỏi. Một vài xóm có thể xác định được là Thạch Kiều thuộc khu vực thôn Thi Thượng; xóm Gốc Mít ở khu vực thôn Khoái Đồng. Ở Vị Hoàng, “làng” còn có thể gọi là “xã”, điều đó có nghĩa xã là một làng lớn và “thôn” đồng nghĩa với “khu”. Vì vậy, dân làng xưa kia có thể gọi là khu Khoái Đồng hay thôn Khoái Đồng; thôn Thi Thượng hay khu Thi Thượng. . . đều được, thậm chí cả khi thể hiện trên văn bản hành chính. Cho đến năm 1865, làng Vị Hoàng được đổi tên thành Vị Xuyên. Theo truyền thuyết ở địa phương thì việc đổi tên này gắn với câu chuyện khi Trần Bích San - người làng Vị Hoàng thi đỗ Tam nguyên, được vua Tự Đức vời vào triều. Vua hỏi thăm quê quán, Trần Bích San đáp rằng mình người làng Vị Hoàng. Vì kiêng tên huý của ông tổ họ Nguyễn (Nguyễn Hoàng) nên vua Tự Đức đã cho đổi tên làng Vị Hoàng thành Vị Xuyên. Cũng từ sau năm 1865, mặc dù trong văn bản giấy tờ hành chính đều ghi tên làng là Vị Xuyên, nhưng trong tâm thức mỗi người dân Vị Hoàng nói riêng, Nam Định nói chung, tên gọi Vị Hoàng luôn là niềm tự hào, gợi miền kí ức đẹp về một làng quê cổ kính nằm bên dòng sông Vị trong mát, quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. Vào những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, khi thực dân Pháp thiết lập ở đây bộ máy cai trị, mở rộng thành Nam thì đất đai các thôn của Vị Hoàng bị sáp nhập một phần vào khu phố. Dân các thôn Khoái Đồng, Lộng Đồng cũng dần tách ra khỏi làng, xin được biệt bài chịu riêng thuế khoá và các khoản đóng góp cho nhà nước bảo hộ. Kể từ thời kì này, không gian hành chính của làng bị phá vỡ, các thôn xóm của làng hoà tan dần vào các đường, phố, ngõ ngách của thành Nam. 2.2. Dân cư Theo lời kể của các cụ cao niên và những tư liệu thu thập được tại địa phương trong quá trình điền dã thì làng Vị Hoàng đã ra đời từ trước khi có hành cung Thiên Trường. Rất có thể Vị Hoàng đã hình thành vào khoảng thế kỉ XI-XII khi khu vực đồng bằng ven biển Bắc Bộ nằm trong tiến trình khai phá của người Việt. Song song với quá trình khai phá đất đai là quá trình tụ cư, hình thành làng xã. Tư liệu địa phương cho biết, làng Vị Hoàng xưa có 4 dòng họ lớn: Trần, Phạm, Nguyễn, Vũ. Riêng họ Trần có 6 ngành: Trần Lê, Trần Doãn, Trần Thọ, Trần Công, Trần Đình, Trần Văn [4;58]. Tuy nhiên, trong địa bạ của làng và một số nguồn tài liệu khác cho thấy họ Trần ở Vị Hoàng chiếm đa phần dân cư của làng và có rất 13 Trần Thị Thái Hà nhiều tên đệm khác nhau. Ngoài tên đệm như 6 ngành kể trên còn có Trần Vũ, Trần Huy, Trần Hữu, Trần Xuân, Trần Đăng, Trần Khắc, Trần Vĩnh, Trần Thế, Trần Trọng, Trần Duy, Trần Sinh, Trần Hoà, Trần Đảo.... Rất có khả năng 6 ngành trên của họ Trần là ngành gốc của các họ Trần Vũ, Trần Huy, Trần Xuân, Trần Đăng, Trần Khắc... mà vì lí do gì đó sau này các ngành đó đã cải tên đệm. Hiện tượng này cũng có thể do 6 ngành đầu tiên của họ Trần đã không quy định phải giữ nguyên tên đệm gốc nên các thế hệ sau đã tuỳ tiện thay đổi. Trường hợp của Trần Bích San - Phó bảng thời Tự Đức là một ví dụ. Cha của Trần Bích San là Trần Doãn Đạt và ông nội là Trần Đình Lâm. Theo bản gia phả của dòng họ Trần Đình tính từ đời Trần Đình Lâm thì cho đến nay, sự thay đổi tên đệm đã diễn ra như sau: Trần Đình – Trần Doãn – Trần Bích – Trần Song - Trần Đình – Trần Mậu – Trần Hiệu/ Trần Minh. Hay như nhà thơ Trần Tế Xương sinh ra và lớn lên ở đất Vị Hoàng vốn có tên khai sinh là Trần Duy Uyên thì họ Trần Duy cũng không thuộc 6 ngành gốc của họ Trần đã kể trên. Ngoài ra, các nguồn tư liệu cho thấy họ Trần ở Vị Hoàng còn có Trần Dương như trường hợp Trần Dương Quang - giữ chức Tuần phủ An Giang dưới thời Minh Mạng. Về họ Vũ thì ở Vị Hoàng có các ngành Vũ Công, Vũ Quang, Vũ Viết, Vũ Huy, Vũ Văn, Vũ Thiện, Vũ Đăng. Gia phả họ Vũ hiện còn lưu ở Lộng Đồng cho biết, các họ Vũ Viết, Vũ Huy, Vũ Đăng, Vũ Thiện là cùng một gốc, do một ông bố sinh ra. Bốn người này vào bốn giáp khác nhau. Ông tổ thứ nhất làm quan to đến chức Đại tướng không rõ thời nào, nhưng sợ nhầm lẫn với họ Trần Đăng, hơn nữa do quan niệm đã có “võ” phải có “văn” nên đã đổi họ Vũ Đăng thành Vũ Văn. Hiện nay, các họ Vũ Thiện, Vũ Văn, Vũ Viết thì còn, nhưng Vũ Huy đã mất gốc [9]. Trong số 4 dòng họ lớn của làng thì họ Trần và họ Vũ nhiều đời có người học hành thi cử đỗ đạt, làm quan to trong triều đình phong kiến. Tiêu biểu là những người như Trần Lộ đỗ tiến sĩ đời Lê trung hưng, làm quan đến Tổng bộ Tả thị lang, anh em con cháu nối tiếp đỗ đạt làm quan đến hết triều Tây Sơn. Trần Dương Quang đậu cử nhân khoa Đinh Dậu năm Minh Mạng thứ 18 (1837), từng giữ chức Tuần phủ An Giang. Trần Doãn Đạt làm quan đến Án sát Hưng Hoá thời Tự Đức và con trai ông là Trần Bích San đỗ đầu ba khoa thi Hương, Hội, Đình, làm quan đến Tuần phủ Hà Nội. Họ Vũ tự hào có Vũ Công Độ đỗ Tiến sĩ năm Minh Mạng thứ 13, làm quan đến Án sát Thái Nguyên. Vũ Công Tự - con trai ông nổi tiếng với những vần thơ yêu nước giai đoạn cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX. Không chỉ rạng danh bằng con đường thi cử và làm quan, dòng họ Trần và Vũ ở làng Vị Hoàng còn khẳng định vai trò chủ chốt của mình trong việc điều hành, quản lí công việc của làng xã. Trong địa bạ của làng lập năm Gia Long 4 (1805) còn ghi rõ chức dịch của làng là những người có tên sau: - Hương mục: Trần Hữu Liên, Trần Xuân Vượng, Trần Quang Vinh, Trần Xuân Huy, Trần Huy Thận, Trần Ngọc Chúc, Vũ Huy Chiếu, Vũ Công Hảo. - Xã trưởng: Trần Hữu Tuần, Trần Huấn. 14 Địa giới hành chính và cư dân làng Vị Hoàng (Nam Định) thế kỉ XIX... - Khán thủ: Trần Hữu Tòng. Và cho đến cuối thế kỉ XX, vào năm 1897 [10;22], lý dịch làng Vị Hoàng gồm: - Dịch mục: Vũ Công Giản, Trần Viết Tán, Vũ Đức Tuấn, Trần Nho Nghi. - Lý trưởng: Trần Văn Oánh Có thể nhận thấy trong bộ máy quản lí làng xã ở Vị Hoàng, chỉ có người của hai họ Trần và Vũ, trong đó họ Trần thường chiếm tỉ lệ cao trên 50%. Mặc dù không có số liệu cụ thể về dân cư của Vị Hoàng thế kỉ XIX, nhưng qua một số nguồn tư liệu có thể đưa ra giả thiết, trong làng Vị Hoàng, họ Trần là họ lớn nhất vàĐông nhất so với các dòng họ Vũ, Phạm, Nguyễn. Danh sách kì lão của làng năm 1897 có thể coi là một trong những cứ liệu để minh chứng cho giả thiết này khi 9 trên tổng số 13 kì lão của làng thuộc họ Trần, trong lúc các họ khác (Nguyễn, Võ) mỗi họ chỉ có 2 người. Kì lão của làng năm 1897 có những người sau: Trần Quang Thắng, Trần Đình An, Võ Văn Khải, Trần Xuân Tú, Trần Thế Quang, Trần Đảo Trường, Trần Thế Vệ, Nguyễn Văn Tuyên, Trần Huy Kính, Trần Văn Cung, Võ Chiếu, Trần Văn Biên, Nguyễn Khắc Trung. Danh sách trên gồm 13 người, trong đó 9/13 là họ Trần, họ Võ 2 người và họ Nguyễn 2 người. Họ Trần chiếm ưu thế vượt trội về số lượng. Nguồn tư liệu ít ỏi không cho phép đưa ra số liệu tổng quát và chính xác về dân số của làng mà chỉ có thể hình dung một cách sơ lược qua các dữ liệu từ bản báo cáo của tri huyện huyện Mĩ Lộc và một số đơn thư kiện cáo của dân làng về đất đai được lưu trữ tại Phủ thống sứ Nam Định. Theo đó, vào thời điểm năm 1900 [10;30], số đinh cùng chức sắc, lính tráng và người các phố, người đến tuổi ở Vị Hoàng cộng lại là 409 người, trong đó: Bảng 1. Cư dân trưởng thành làng Vị Hoàng tính đến năm 1900 Liên khu Khoái Đồng Lộng Đồng Thi Thượng Thi Hạ - Đinh hạng 1, 2 : 94 - Đinh đến tuổi: 36 - Người ở xã ấy: 37 - Đinh mọi hạng: 60 - Đinh đến tuổi:11 - Chức sắc: 12 - Miễn giao: 7 - Lính trạm, thừa trạm, mục lính, lính khố đỏ, lính lệ: 40 - Dân đinh ở mọi phố:75 Không có số liệu Tổng: 130 Tổng: 97 Tổng:145 Muộn hơn, rải rác trong một số báo cáo cũng có đề cập đến số dân ở một số khu vực của Vị Hoàng như sau: -Năm 1902, theo báo cáo của Tri huyện Mĩ Lộc Dương Tự Phan, số đinh nội ngoại tịch ở Khoái Đồng là 94 [10;32]. 15 Trần Thị Thái Hà -Theo Nghị định về khu Lộng Đồng ngày 18/4/1904, khu Lộng Đồng có 99 dân nội tịch và ngoại tịch, 4 miễn giao và 16 lính [10;43]. -Phòng thành Phạm Văn Duy và tri huyện Dương Tự Phan báo cáo xã Vị Xuyên biên vào dân đinh ở phố là 120 người [10;44]. Trong quá trình tồn tại và phát triển của làng Vị Hoàng, ngoài cư dân gốc sinh sống tại mảnh đất này từ lâu đời, còn có nhiều người từ các vùng miền khác cũng đến khu vực chợ bến của Vị Hoàng để sinh sống và buôn bán. Đặc biệt, từ khi lị sở của trấn Sơn Nam không còn đặt ở Châu Cầu (Phủ Lí) nữa mà dời về Vị Hoàng thì khu vực này càng có điều kiện để phát triển và nhanh chóng trở nên sầm uất. Những người mới đến sống tập trung ở khu vực cảng, bến sông Vị Hoàng để buôn bán nhỏ hoặc sản xuất một số mặt hàng thủ công làm kế sinh nhai. Bên cạnh người Việt còn có người Hoa và sau này cả người Ấn Độ, người châu Âu cũng có mặt tại đây. N