Đổi mới công tác quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học ở trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương

Tóm tắt. Thiết bị dạy học có ý nghĩa to lớn trong việc giúp cho người dạy tổ chức các hoạt động học tập nhằm phát huy tính tích cực, say mê học tập của người học, góp phần nâng cao hiệu quả của việc dạy học. Việc sử dụng thiết bị dạy học khá đa dạng và phức tạp đòi hỏi phải có sự thống nhất chặt chẽ và đồng bộ ở tất cả các khâu của quá trình quản lí. Bài báo này đề cập đến đổi mới công tác quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học. Dựa trên kết quả nghiên cứu lí luận và thực tiễn, bài báo đã đưa ra một số biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học ở trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đào tạo và phát triển năng lực cá nhân của người học.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 84 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đổi mới công tác quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học ở trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0063 Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 6, pp. 173-178 This paper is available online at ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÍ SỬ DỤNG VÀ BẢO QUẢN THIẾT BỊ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM TRUNG ƯƠNG Vũ Xuân Hùng Trung tâm Học liệu Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Tóm tắt. Thiết bị dạy học có ý nghĩa to lớn trong việc giúp cho người dạy tổ chức các hoạt động học tập nhằm phát huy tính tích cực, say mê học tập của người học, góp phần nâng cao hiệu quả của việc dạy học. Việc sử dụng thiết bị dạy học khá đa dạng và phức tạp đòi hỏi phải có sự thống nhất chặt chẽ và đồng bộ ở tất cả các khâu của quá trình quản lí. Bài báo này đề cập đến đổi mới công tác quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học. Dựa trên kết quả nghiên cứu lí luận và thực tiễn, bài báo đã đưa ra một số biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học ở trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đào tạo và phát triển năng lực cá nhân của người học. Từ khóa: Thiết bị dạy học, quản lí thiết bị dạy học, bảo quản thiết bị dạy học. 1. Mở đầu Thiết bị dạy học (TBDH) là một bộ phận của cơ sở vật chất trường học, bao gồm những đối tượng vật chất được thiết kế sư phạm mà người dạy sử dụng để điều khiển hoạt động nhận thức của người học; đồng thời là nguồn tri thức, là phương tiện giúp người học lĩnh hội tri thức, hình thành kĩ năng đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu dạy học [2; 8]. Quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học là một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lí thiết bị dạy học trong nhà trường sư phạm giúp cho người quản lí có thể duy trì, điều phối và sắp xếp việc sử dụng hệ thống thiết bị dạy học hiệu quả, thực hiện tốt mục tiêu giáo dục và đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao của xã hội. Để tránh lãng phí đồng thời phát huy hiệu quả sư phạm của việc sử dụng các thiết bị dạy học, người quản lí nhà trường cần hướng tới các biện pháp quản lí để sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học hiện có tạo động lực cho người dạy tổ chức các hoạt động học tập đồng thời khuyến khích tư duy sáng tạo của người học, bồi dưỡng năng lực tự học, phát triển năng lực thực hành [3; 76]. Trên cơ sở nghiên cứu về cơ sở lí luận và thực trạng của công tác quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học ở trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, một số biện pháp đổi mới công tác quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị được đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Ngày nhận bài: 15/4/2016. Ngày nhận đăng: 17/7/2016. Liên hệ: Vũ Xuân Hùng, e-mail: vuvietminhdang@gmail.com 173 Vũ Xuân Hùng 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Công tác quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học ở các trường cao đẳng a. Công tác quản lí sử dụng thiết bị dạy học Thiết bị dạy học là công cụ lao động của giáo viên và học sinh, hỗ trợ cho quá trình tìm kiếm, khám phá tri thức, giúp cho hoạt động dạy học diễn ra hợp lí và đúng quy luật [4]. Việc sử dụng thiết bị dạy học phù hợp với nội dung bài dạy sẽ giúp cho người học phát huy tính tự chủ, động lực học tập, từ đó thúc đẩy nhận thức và phát triển năng lực tư duy. Ngược lại, nếu sử dụng thiết bị dạy học không đúng cách hoặc tùy tiện thì sẽ gây những hiệu ứng ngược, ảnh hưởng tới tâm lí người học thậm chí dẫn đến những sai lệch về nhận thức, hạn chế chất lượng của quá trình dạy học. Do đó, để sử dụng thiết bị dạy học hiệu quả cần phải hiểu rõ về tính năng, chỉ số kĩ thuật của thiết bị đồng thời phải xây dựng kế hoạch quản lí cụ thể đến từng ngành học, môn học và người sử dụng [7]. Để nâng cao hiệu quả sử dụng TBDH trong quá trình dạy học cần đảm bảo thực hiện những yêu cầu cơ bản sau đây: - Sử dụng đúng mục đích vì mỗi loại thiết bị lai có những chức năng và tác dụng khác nhau nên cần được sử dụng phù hợp với mục đích và nội dung của bài giảng. - Sử dụng đúng lúc, đúng chỗ vì một thiết bị dạy học dù hiện đại và nhiều chức năng đến đâu cũng không thể sử dụng trong tất cả các tình huống và thời gian của bài học. Do đó khi sử dụng thiết bị dạy học cần lưu ý đến thời điểm và hoàn cảnh, phải sử dụng vào lúc cần thiết nhất, phù hợp với tâm lí nhất để tránh sự thiếu tập trung của người học. - Sử dụng TBDH đúng mức độ và cường độ phù hợp với yêu cầu của mỗi tiết lên lớp và trình độ tiếp thu kiến thức của học sinh. Nếu sử dụng quá nhiều một loại hình thiết bị dạy học trong một tiết học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giờ học làm cho người học bị phân tán khỏi nội dung chính của bài. b. Công tác bảo quản thiết bị dạy học Thiết bị dạy học qua quá trình sử dụng không thể tránh khỏi hào mòn, hư hỏng. Vì vậy, bảo quan thiết bị dạy học là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả và thời gian sử dụng đồng thời tránh mất mát, lãng phí tiền của và công sức. Bảo quản thiết bị dạy học hiệu quả cần phải có kế hoạch quản lí cụ thể theo quy chế quản lí tài sản của nhà nước; có hệ thống sổ sách quản lí việc trả mượn, sổ kiểm kê ghi rõ tình trạng của từng loại thiết bị; thực hiện chế độ kiểm kê định kì để rà soát, phát hiện và kịp thời sửa chữa, thay thế những thiết bị dạy học không đạt yêu cầu. Mỗi loại thiết bị dạy học có những tính năng riêng nên cũng đòi hỏi cách bảo quản phù hợp. Chẳng hạn, với các thiết bị điện tử như máy chiếu, máy vi tính, đầu đĩa... thì cần lưu ý đến ảnh hưởng của thời tiết và môi trường; đối với các thiết bị như tranh ảnh, mô hình bằng gỗ... cần chú ý chống mối mọt; các thiết bị thí nghiệm có độc hại, gây ô nhiễm phải được bố trí và xử lí theo tiêu chuẩn quy định để đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường.... Nhìn chung, để việc bảo quản các thiết bị dạy học được hiệu quả trước hết cần sắp xếp các thiết bị đó một cách khoa học, sử dụng theo hướng dẫn đồng thời bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất và đảm bảo quy trình chung của việc bảo quản. Các trường cần phải có dự trù về kinh phí để mua sắm vật tư, linh kiện... phục vụ cho việc bảo quản định kì. 174 Đổi mới công tác quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học ở trường Cao đẳng... 2.2. Thực trạng của việc quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học ở trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương là một trong những cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao của Hà Nội và của cả nước. Từ xuất phát điểm là trường chuyên đào tạo giáo viên Mầm non, do nhu cầu học tập của xã hội, đến nay trường đã dần chuyển thành trường đào tạo đa ngành với việc mở thêm nhiều ngành đào tạo mới như Sư phạm âm nhạc, Giáo dục Đặc biệt, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục công dân, Sư phạm Công nghệ, Thông tin - Thư viện, Tin học, Công tác xã hội, Văn thư lưu trữ,... ở cả trình độ Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp. Chất lượng đào tạo của nhà trường ngày càng được khẳng định và thể hiện thông qua tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp và tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo của mình. Để nâng cao chất lượng đào tạo, bên cạnh việc quan tâm, chỉ đạo việc biên soạn tài liệu, chương trình, giáo trình nhà trường còn chú trọng vào việc trang bị, bảo quản và sử dụng thiết bị dạy học phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học của nhà trường còn nhiều bất cập. Qua khảo sát thực tế, tôi nhận thấy một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lí và giáo viên các khoa chưa thực sự thấy được tầm quan trọng của thiết bị dạy học trong giảng dạy dẫn đến việc chuẩn bị đồ dùng dạy học còn sơ sài, không tận dụng được hiệu quả của thiết bị dạy học. Hơn nữa, do không nhận thức hết vai trò của thiết bị dạy học nên sử dụng mang tính minh họa là chính chứ chưa chú tâm đến việc sử dụng các thiết bị dạy học như một phương tiện để sinh viên khám phá tri thức và rèn luyện kĩ năng. Chính vì vậy hiệu quả giờ học không cao, không gây được sự hứng thú của sinh viên trong hoạt động học tập đồng thời ảnh hưởng tới việc trau dồi các kĩ năng nghề nghiệp – một trong những hoạt động trọng tâm của quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát công tác sử dụng và bảo quản thiết bị trong nhà trường còn nhiều bất cập, chưa có cơ chế khen thưởng hoặc kỉ luật hợp lí với những trường hợp làm hư hỏng hoặc bảo quản tốt thiết bị dạy học. Mặt khác, nhà trường chưa có kế hoạch dài hơi cho việc sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học. Một bộ phận không nhỏ giáo viên chưa nắm rõ về kĩ thuật và nghiệp vụ sử dụng thiết bị dạy học trong các tiết dạy, dẫn đến hiệu quả sử dụng của thiết bị không cao. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao, người cán bộ quản lí trong nhà trường cần có các biện pháp khắc phục những hạn chế trên. 2.3. Đổi mới công tác quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị ở trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương 2.3.1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lí và giáo viên về vai trò của thiết bị dạy học trong việc đổi mới phương pháp dạy học Nhận thức đúng về vai trò của thiết bị dạy học sẽ giúp người dạy chủ động và chọn lựa thiết bị phù hợp với mục tiêu và nội dung dạy học, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Để nâng cao hiệu quả sử dụng của thiết bị dạy học, người cán bộ quản lí cần xây dựng các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lí và giảng viên về vai trò và tác dụng của thiết bị dạy học. Sau đây là một số biện pháp: - Tổ chức tập huấn để cán bộ giáo viên tiến hành tổ chức nghiên cứu, tự bồi dưỡng nhằm mục đích: thấy rõ tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp sử dụng thiết bị dạy học đối với việc nâng cao chất lượng dạy học, thấy rõ những định hướng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo 175 Vũ Xuân Hùng về đổi mới phương pháp sử dụng thiết bị dạy học. - Tổ chức sinh hoạt chuyên môn, khuyến khích những sáng kiến tập thể về việc khai thác hiệu quả thiết bị dạy học trong quá trình đào tạo đồng thời tăng cường các buổi hội thảo chuyên đề về vai trò của thiết bị dạy học, đặc biệt là vai trò của những phương tiện dạy học hiện đại đối với việc đào tạo nghề. - Khen thưởng những các cá nhân có thành tích trong tự học tự bồi dưỡng thể hiện qua việc sử dụng các thiết bị dạy học nâng cao chất lượng giảng dạy. 2.3.2. Xây dựng kế hoạch sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học Để các thiết bị dạy học thực sự phát huy hết tính năng và công suất, người cán bộ quản lí cần có một kế hoạch dài hạn và chi tiết về việc sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học phù hợp với điều kiện và nhân lực của nhà trường. Muốn làm được như vậy, người cán bộ quản lí cần nắm rõ các văn bản pháp lí, quy chế hiện hành về công tác thiết bị dạy học cũng như trình độ chuyên môn, năng lực kĩ thuật của cán bộ, giảng viên trong nhà trường [1]. Dưới đây là một số biện pháp để xây dựng kế hoạch sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học hiệu quả: - Điều tra thực trạng về thiết bị dạy học của đơn vị mình (chủng loại, số lượng, chất lượng, điều kiện bảo quản, sử dụng, thực trạng sử dụng thiết bị trong quá trình dạy học). Từ đó, xác định mục tiêu, định ra được một hệ thống những việc dự định làm trong một thời gian nhất định với cách thức, trình tự, thời hạn tiến hành, nhân lực thực hiện và kinh phí cần thiết để tạo ra sự cân đối nhịp nhàng giữa các công việc cụ thể trong nhà trường. - Có kế hoạch mở lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lí và giảng viên về kĩ thuật và nghiệp vụ sử dụng thiết bị dạy học trong các tiết dạy. Chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường, tập trung bàn kĩ vào những nội dung khó giảng dạy và những vấn đề đòi hỏi cao về kĩ thuật sử dụng thiết bị dạy học. Chỉ đạo tổ chức kiến tập, thực tập rút kinh nghiệm về việc lựa chọn và sử dụng thiết bị dạy học phù hợp với nội dung bài dạy. - Tổ chức xây dựng các nội dung hội thảo chuyên đề về sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học trong quá trình giảng dạy. - Có kế hoạch bổ sung, sửa chữa thiết bị dạy học cụ thể, thiết lập quy trình sử dụng, bảo quản thiết bị theo điều kiện thực tế của nhà trường. Ngoài việc sử dụng kinh phí đầu tư của nhà nước, nhà trường cần tận dụng nhiều nguồn lực khác nhau như sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các cơ sở liên kết để đầu tư mua sắm, sửa chữa thiết bị dạy học. 2.3.3. Tăng cường hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ bảo quản, sử dụng thiết bị dạy học Hiểu rõ về thiết bị dạy học không chỉ giúp giảng viên sử dụng thành thạo các thiết bị dạy học mà còn làm chủ các thiết bị đó trong khi lên lớp. Việc tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo quản và sử dụng thiết bị dạy học sẽ giúp giảng viên sử dụng hiệu quả thiết bị hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Để làm được điều này, người cán bộ quản lí cần: - Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng sử dụng, bảo quản các thiết bị dạy học, chú trọng hướng dẫn sử dụng các phần mềm dạy học để giảng viên có thể áp dụng vào bài giảng theo định hướng phát triển năng lực. Việc mở lớp bồi dưỡng cần tổ chức làm nhiều đợt với từng đối tượng và phải được tiến hành thường xuyên. - Khuyến khích cán bộ, giảng viên tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu về thiết bị dạy học; chủ 176 Đổi mới công tác quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học ở trường Cao đẳng... động biên soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng một số thiết bị dạy học thông dụng trong nhà trường. - Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lí thiết bị dạy học, chủ động xây dựng hệ thống quản lí sử dụng, bảo quản thiết bị thông qua môi trường internet nhằm giảm áp lực hành chính, tạo điều kiện cho việc sử dụng thiết bị được nhanh chóng, dễ dàng đồng thời giúp cho người quản lí có thể giám sát chặt chẽ và điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong quá trình sử dụng và bảo quản thiết bị [6]. 2.3.4. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học trong nhà trường Hoạt động kiểm tra, đánh giá nhằm xem xét hiệu quả của quá trình sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học có phù hợp với mục tiêu, kế hoạch và quy chế đã đề ra hay không. Mặt khác, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên sẽ giúp người quản lí phát hiện những thiếu sót trong quá trình sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học để có biện pháp điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo. Để thực hiện tốt nội dung này, người cán bộ quản lí cần: - Kiểm tra việc sử dụng thiết bị dạy học của giảng viên từ việc đăng kí sử dụng đến việc mượn, trả, bảo quản thiết bị qua hệ thống sổ sách (phiếu đăng kí, sổ mượn – trả thiết bị dạy học...); đối chiếu việc đăng kí với việc sử dụng thực tế của giảng viên từ đó có thể thống kê số lượt sử dụng thiết bị dạy học của giảng viên khi lên lớp. Kiểm tra việc sử dụng thiết bị dạy học của giảng viên qua giờ dạy thông qua dự giờ đột xuất hoặc báo trước, các tiết hội giảng... Tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi giờ dạy cần nhận xét rõ về kĩ năng sử dụng thiết bị dạy học của giảng viên, trao đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh trong các giờ dạy sau. Kết quả kiểm tra sẽ là một trong những căn cứ để đánh giá xếp loại giảng viên. - Kiểm tra việc quản lí của nhân viên thiết bị thí nghiệm thông qua hồ sơ lưu trữ việc đăng kí mượn – trả thiết bị dạy học xem việc thực hiện có đúng quy trình hay không; kiểm tra hệ thống sổ sách quản lí thiết bị dạy học (sổ tài sản, sổ thiết bị...). - Tổ chức đánh giá việc quản lí, sử dụng thiết bị dạy học và khen thưởng những người làm tốt, sử dụng thiết bị dạy học có hiệu quả, bảo quản thiết bị dạy họctốt đồng thời nhắc nhở phê bình các trường hợp chưa tích cực sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thiết bị dạy học. 3. Kết luận Thiết bị dạy học đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo của nhà trường. Đặc biệt với trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương – một đơn vị đào tạo nhân lực chất lượng cao trong cả nước, thiết bị dạy học là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả đào tạo của nhà trường. Sử dụng thiết bị dạy học phù hợp với nội dung giảng dạy sẽ giúp giảng viên và sinh viên khai thác bài học hiệu quả đồng thời rèn cho sinh viên các kĩ năng nghề nghiệp cần thiết. Dựa trên kết quả điều tra thực trạng về công tác quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học ở trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, tôi đã đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lí sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của giảng viên, phát huy tính tích cực của sinh viên trong quá trình học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực xã hội trong giai đoạn mới. 177 Vũ Xuân Hùng TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] A. W. (Tony) Bates, Albert Sangra, 2011. Managing Technology in Higher Education: Strategies for Transforming Teaching and Learning. Jossey-Bass Publisher. [2] Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí cơ sở giáo dục, 2014. Tài liệu bồi dưỡng viên chức làm công tác thiết bị dạy học ở trường Trung học cơ sở. Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. [3] Học viện Quản lí Giáo dục, 2012. Tài liệu Bồi dưỡng cán bộ quản lí trường trung học phổ thông - Quyển 2 (Biên soạn theo Quyết định số 382/QĐ-BGD&ĐT ngày 20/1/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT). [4] Trần Doãn Quới, 2000. Vai trò của thiết bị giáo dục xét trên quan điểm triết học duy vật lịch sử. Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 81, tr 25-28. [5] Phạm Đỗ Nhật Tiến, 2013. Đổi mới đào tạo giáo viên trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. NXB Giáo dục, Hà Nội [6] Phạm Quang Trình, 2013. Đổi mới nội dung bồi dưỡng công nghệ thông tin cho cán bộ quản lí giáo dục. Tạp chí Khoa học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, số 1, tr85-91. [7] Wagner Tony, 2014. Cách biệt toàn cầu về thành quả giáo dục. Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. ABSTRACT Innovative ways to use and store teaching equipment at the National College of Education Teaching equipment is important in the educational process. It helps teachers organize learning activites, promote student positivity and it improves teaching quality. The use of teaching equipment is diverse and plentiful and it must be closely synchronized at times.This article offers innovation means to use and store teaching equipment. Making use of reasoning and looking at reality the author proposes ways to more effectively use and store teaching equipment at the National College of Education. If the solutions are implemented effectively, the quality of education at the National College of Education should improve. Keywords: Teaching equipment, teaching equipment management, teaching equipment storage. 178