Hành trang họ mang hay sự sám hối về một cuộc chiến của Tim O’Brien

Tóm tắt. Tim O’Brien là cây bút truyện ngắn hậu hiện đại nổi tiếng Mỹ. Tác phẩm của ông quen thuộc với độc giả Việt Nam từ nhiều năm nay. Ông là nhà văn Mỹ viết về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam một cách tài hoa và giàu giá trị nhân văn nhất. Là người lính trực tiếp tham gia chiến trận nên Hành trang họ mang tái hiện chân thực và sinh động cảnh chết chóc và kinh hoàng của chiến trận. Qua đó, nhà văn bày tỏ sự sám hối của một người lính đã mang tang thương đến cho dân tộc Việt Nam và nói lên tiếng nói khát vọng hòa bình cho nhân loại trên địa cầu.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 185 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hành trang họ mang hay sự sám hối về một cuộc chiến của Tim O’Brien, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0003 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 3, pp. 14-19 This paper is available online at HÀNH TRANG HỌMANG HAY SỰ SÁM HỐI VỀ MỘT CUỘC CHIẾN CỦA TIM O’BRIEN Đào Thị Thu Hằng Phòng Tạp chí & TTKHCN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Tim O’Brien là cây bút truyện ngắn hậu hiện đại nổi tiếng Mỹ. Tác phẩm của ông quen thuộc với độc giả Việt Nam từ nhiều năm nay. Ông là nhà văn Mỹ viết về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam một cách tài hoa và giàu giá trị nhân văn nhất. Là người lính trực tiếp tham gia chiến trận nênHành trang họ mang tái hiện chân thực và sinh động cảnh chết chóc và kinh hoàng của chiến trận. Qua đó, nhà văn bày tỏ sự sám hối của một người lính đã mang tang thương đến cho dân tộc Việt Nam và nói lên tiếng nói khát vọng hòa bình cho nhân loại trên địa cầu. Từ khóa: Tim O’Brien, Hành trang họ mang, sám hối, chiến tranh. 1. Mở đầu Chiến tranh, cho dù đã đi qua, thì với nhiều người, những ám ảnh tâm hồn là thứ khó có thể rũ bỏ trong "hành trang họ mang". Từ Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, đến Tiếng rền của núi của nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari, và đặc biệt là Hành trang họ mang của Tim O’Brien, độc giả đều có thể nhận thấy "cuộc chiến trong những ngày hòa bình" là không thể tránh khỏi. Một cựu binh Mỹ đã viết sau khi đọc Nỗi buồn chiến tranh: “Tôi đã đọc sách này một cách do dự, nhưng sau trang đầu thì tôi đã bị cuốn vào nó. Là một lính thủy đánh bộ, tôi đã chiến đấu chống lại anh ta vào năm 68 - 69 và đã có mặt ở Sài Gòn khi anh ta vào đấy năm 75. Tôi tự thấy mình có sự hối tiếc đối với những người lính Bắc Việt và chút gì đó xấu hổ vì đã gây ra những nỗi buồn mà anh ta đã viết ra. Cuốn sách này cần cho tất cả các cựu binh Việt Nam” [dẫn lại 5]. Tương tự như vậy, độc giả có thể thấy cha con ông Shingo đã tranh luận gay gắt như thế nào về cái giá mà người con đã phải trải qua sau những năm tháng đóng quân ở chiến trường Đông Nam Á, và với một người từng trải qua chiến tranh, thì "mọi nhân sinh quan và giá trị đều có thể bị đảo lộn" [3]. Bản thân Tim O’Brien khi được hỏi: “Nhiều phần của cuốn sách đó được hình thành cách đây 20 năm. Bây giờ thêm 20 năm nữa kể từ khi ông viết cuốn sách. Ông vẫn còn mang điều gì?” đã trả lời: “Phải, tôi mang kí ức hay những bóng ma của cái nơi có tên là Việt Nam, con người Việt Nam và những đồng đội tôi. Quan trọng hơn, tôi nghĩ, tôi mang gánh nặng của trách nhiệm và ý thức về tội lỗi không thể phai gột. Tôi cũng mang những kí ức vui, những người tôi kết bạn và những cuộc nói chuyện trong hố cá nhân, vào thời điểm nào đó, chiến tuyến như thể biến thành tình huynh đệ và bằng hữu. Những cuộc chiến không dừng lại sau khi hiệp ước hòa bình được kí kết hay sau Ngày nhận bài: 15/10/2014 Ngày nhận đăng: 29/4/2015 Liên hệ: Đào Thị Thu Hằng, e-mail: thuhangdao06@yahoo.com 14 Hành trang họ mang hay sự sám hối về một cuộc chiến của Tim O’Brien nhiều năm trôi qua. Chúng sẽ vẫn âm vang mãi cho đến khi tôi qua đời và tất cả những góa phụ và trẻ mồ côi thôi không còn sống nữa” [2]. Vấn đề ở đây, không phải chiến tranh đã cướp đi bao sinh mạng, không phải bao nhiêu tấn bom đạn người Mỹ trút xuống chiến trường mà sau cuộc chiến đó, con người sẽ sống ra sao, có khoảng bình yên nào dành cho họ trên hành trình ăn năn về tội lỗi của mình. Có rất nhiều kiểu tội lỗi được định hình trên chiến trận. Có thể kể, chẳng hạn như, tại sao ta phải tin vào thứ mệnh lệnh mù quáng đó, tại sao ta phải giết nhiều người vô tội kia, hay thậm chí tại sao ta không để kẻ kia giết ta, tại sao ta không đào ngũ, tự tạo cho mình chút “hòa bình riêng lẻ” (theo cách nói của một nhân vật của Hemingway)? Đối với chính người tham chiến, câu trả lời đâu dễ có được, ngay cả khi họ may mắn sống sót trở về. Viết về chiến tranh, hay nghiên cứu phê bình các tác phẩm viết về chiến tranh chưa bao giờ là một công việc "đã cũ", nghiên cứu này của chúng tôi sẽ nhìn nhận tác phẩm của một nhà văn Mỹ viết về chiến tranh ở Việt Nam như một sự sám hối. 2. Nội dung nghiên cứu Người Mỹ đến Việt Nam trong cuộc chiến trước năm 1975, theo cách định danh của họ là “can thiệp” (intervene). Trong khi đó, việc Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam, đương nhiên là “xâm lược” (invade). Cho dù dưới tên gọi nào đi nữa thì cuộc chiến đó gây nhiều mất mát không chỉ cho người Việt mà cả người Mỹ. Đặc biệt những bắn giết người vô tội đã để lại trong kí ức Mỹ những ám ảnh khôn nguôi về một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Như một quy luật bất di dịch của chiến tranh. Người lính khi ra trận phải tuyệt đối tôn trọng mệnh lệnh của các cấp chỉ huy. Có thể họ có những nhận thức đúng về chiến tranh phi nghĩa nhưng lúc đó, trong bầu không khí lửa đạn và quân lệnh chiến trường, họ chẳng thể nào khác là phải tiến lên. Chiến tranh tự nó hình thành nên những “luật chơi” của riêng mình. Bối cảnh chiến cuộc không có thời gian để người ta suy xét đúng sai, không còn ngay cả phút sám hối hay khổ đau vì day dứt nào đó. Cái phần “con” trong con người luôn thắng thế. Lúc đó, quân lệnh và phần nào đó là “bản năng lệnh”: “không tiêu diệt đối thủ thì sẽ bị đối thủ giết” đã khiến mọi giá trị nhân bản, đạo đức dường như không còn được tính đến. . . Nhưng rồi chiến cuộc qua đi, nếu còn sống thì người lính lại phải đối diện với những “vấn đề thời bình”, cái phần “người” trỗi dậy, con người đứng trước nguy cơ bị kết án hay tự kết án bản thân vì những “hành vi chiến trận”. Trong không gian đó, sự sám hối thường xảy ra. Đối với những cuộc chiến tranh chính nghĩa, đặc biệt là chiến tranh vệ quốc thì sự sám hối của người lính hầu như không xảy ra, bởi họ có điểm tựa nhân văn là biết vì sao phải chiến đấu. Ngược lại, nếu còn lương tri và nhạy cảm như giới nghệ sĩ, thì “hành vi chiến trận” của những người trong cuộc chiến phi nghĩa lại càng thêm day dứt. Hemingway từng tham gia chiến trận, chỉ với tư cách lái xe cứu thương, có nghĩa không trực tiếp cầm súng bắn giết bất kì ai, thế nhưng chứng kiến cảnh nhồi da xáo thịt, cái chết của người dân vô tội, trong ông bỗng trỗi dậy niềm kinh hãi và căm ghét chiến tranh. Để từ đó, ông xây dựng nên nhiều nhân vật bất hủ với cái nhìn “phản chiến”. Nhân vật của Hemingway luôn mang mặc cảm xa lạ trong cuộc sống thời bình hoặc luôn đau khổ và sám hối vì một khát vọng dở dang mà chiến tranh tước mất. Trong truyện ngắn Nhà của lính (Soldier’s Home), Hemingway đặt nhân vật chính Harold Krebs, trở về sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, trở nên dửng dưng, xa lạ, lạc lõng giữa gia đình, người thân và cả xã hội. Với diện mạo đó, Krebs là một phản đề tiêu biểu cho phận lính trong chiến tranh đế quốc. Về bản chất, trải nghiệm của một cựu binh có thể cung cấp cảm quan về một khuôn hình, làm đối trọng cho những hỗn độn, rối loạn và vô nghĩa của chiến tranh. Nhưng để 15 Đào Thị Thu Hằng chạm đến sự thật của một sự kiện bị ngăn lại bởi vô vàn yếu tố, trong đó có sự sợ hãi hoặc hèn nhát vì chiến trận, đã khiến bất cứ ai, ngay cả chính cựu binh đó, hiểu rõ bản chất và hình dung được tội ác. Cùng thời với Tim O’Brien, phóng viên Michael Herr cũng tham gia chiến trường Việt Nam và cho rằng bản chất của chiến tranh nói chung là làm tăng sự khó khăn trong việc giải thích điều gì đã xảy ra trong thực tế, và ông chứng minh quan điểm này bằng giai thoại trong cuốn Thông điệp (Dispatches) mà ông nói là “phải mất cả năm trời mới thấu hiểu”. Mẩu chuyện như sau: “Nhóm tuần tra lên núi. Một người quay lại. Anh ta chết trước khi có thể nói với chúng tôi điều gì đã xảy ra” (Patrol went up the mountain. One man came back. He died before he could tell us what happened) [4]. Bản thân Kawabata, nhà văn Nhật Bản được giải Nobel năm 1968, không trực tiếp tham gia chiến trận, nhưng cũng đã từng trải qua những ngày "không thể buồn hơn và quyết định chỉ viết bi ca" khi nước Nhật thất trận, cũng hiểu được rằng khi chiến tranh qua đi, "trong trái tim mỗi con người có thể có một con rắn". Vậy nên, chiến tranh luôn là điều gì đó bí ẩn, như thể mỗi cuộc chiến đều có số phận riêng, và kết cục chiến cuộc cũng là kết cục của mọi thứ đã được vùi chôn. Nhưng không phải kí ức chiến tranh nào cũng thế. Những gì người lính trở về từ Việt Nam kể lại trong Hành trang họ mang, đầy ắp nỗi kinh hoàng, nhưng không được đặt trên nền tâm trạng sợ hãi mà trên sự lắng đọng, bình tĩnh của một người bước ra khỏi lửa đạn với nhiều mặc cảm tội lỗi. Ở đây có dụng ý bớt đi một chút sự thật nào đó và thêm thắt một chút bịa đặt nào đó, miễn sao là câu chuyện gợi lên được những cảm xúc lớn lao, hướng người đọc đến những giá trị nhân văn, tích cực. Câu chuyện của Tim O’Brien diễn ra theo hướng đó. Ông bóc trần sự thật về một cuộc chiến vô nghĩa, thông qua chuỗi hồi ức mang tính sám hối không ngừng nghỉ. Câu chuyện về Linda yểu mệnh đan xen chuyện Ted Lavender, Kiowa và Curt Lemon chết trận cứ thường xuyên trở đi trở lại trong tập truyện, phần nào đã biến những truyện ngắn đó trở thành từng chương của một cuốn tiểu thuyết. Tuy nhiên giá trị của tác phẩm không nằm ở chỗ là truyện ngắn hay tiểu thuyết mà ở những liên kí hiệu và sự song trùng nối tiếp nhau vô tận. Cái chết của những con người ở nhiều độ tuổi và vùng đất khác nhau đều gợi lên nỗi mất mát, tiếc thương. Xen vào đó là những cái chết của nạn nhân chiến tranh, chẳng hạn như xác của một ông lão ở Quảng Ngãi trong ngôi làng bị máy bay Mỹ oanh tạc cháy rụi, chỉ vì từ ngôi làng đó, có mấy phát súng bắn tỉa nhằm vào nhóm của Jimmy Cross mà không gây nên thương tích nào. Sự trả thù là đặc trưng dễ thấy ở chiến tranh, nhưng trả thù vì chẳng có thù gì (không ai chết) thì người kể đã cho thấy bộ mặt phí lí đến quái gở của cuộc chiến. Chuyện vẫn chưa dừng lại. Lẽ ra mấy người lính kia hoặc bỏ qua ngôi làng hoặc chôn cất ông lão để bày tỏ chút tình người nào đó thì họ lại hành động theo lối kì quặc là dựng xác ông lão dậy, trò chuyện, bắt tay, mời uống nước và làm đủ trò lịch sự như đối với một người sống. . . Hành vi đó được xem là sự xúc phạm người đã chết. Tuy nhiên, dụng ý của người kể còn là, một mặt những người lính tỏ ra cam đảm, mặt khác họ cố che giấu tội lỗi của mình trước cái chết đó. Và để vượt qua mặc cảm tội lỗi này, họ cư xử với cái xác như một phần của cuộc sống “đang sống” và họ cũng chỉ là “đang sống” như mọi sự sống khác. Hiểu thế nào thì, hành động này cũng tàng ẩn nghĩa rằng, sự sống của những người lính kia đâu có hơn gì xác chết. Ắt hẳn họ đang cảm nhận được rằng họ đang thối rữa ngay lúc sống và thảm họa vừa xảy ra với ông lão có thể xảy ra với họ bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Về sau, chính nhà văn nhớ lại: “Ở Việt Nam cũng vậy, chúng tôi có những cách để khiến người chết xem ra không đến nỗi chết lắm. Bắt tay, đó là một cách. Bằng cách làm cái chết nhẹ đi, bằng cách đóng kịch, chúng tôi vờ như đó không phải là điều khủng khiếp dù đúng là khủng khiếp” [6]. Rõ ràng, gánh nặng tội lỗi luôn đè nặng tâm can người lính Mỹ. 16 Hành trang họ mang hay sự sám hối về một cuộc chiến của Tim O’Brien Kí ức chiến tranh là vậy. Cái còn lại của những cựu quân nhân Mỹ về cuộc chiến Việt Nam là sự day dứt khôn nguôi. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mỗi cuộc chiến này thì chắc chắn sức khái quát của những trang viết của Tim O’brien sẽ không cao. Cuộc chiến ở Việt Nam chỉ là không gian cụ thể. Thông qua nhiều địa danh cụ thể trên vùng đất đó, người viết tạo nên những hư cấu tiếp nối về những khả năng tác hại của chiến tranh nói chung. Như thế, dẫu rất xác thực ở từng địa điểm cụ thể, nhưng đối với bất cứ một người đọc nào không phải là người Việt thì cũng đều gặp phải một thách thức lớn là liệu có thể xác thực được các sự kiện đó không? Thậm chí ngay đến cả người Việt thì những địa danh đó vẫn cứ là sự thách thức, bởi chỉ có ít người tham chiến trong những cuộc tuần hành của nhóm lính Mỹ, trong đó có Tim O’Brien. Hoặc giả là bản thân người kể không chứng kiến mà chỉ được nghe kể rồi kể lại mà thôi. Bấy nhiêu hoài nghi trên chỉ để khẳng định rằng, đi xác thực sự kiện, biến cố của văn chương hầu như là không thể. Nhưng chính tính mơ hồ đó lại là sự hấp dẫn lớn lao của văn chương hư cấu. Mới hay, địa hạt của sự bịa đặt đôi khi lại có giá trị gấp nhiều lần sự thật. Hư cấu là để sám hối. Và sám hối là để tạ lỗi và là cách người kể lấy lại thăng bằng cho cuộc sống của mình. Ngay cả khi người kể khẳng định mình là nhà văn, người tham gia cuộc chiến và đã từng “giết người” theo kiểu hư cấu như, “Đây là sự-thật-trong-truyện. Hắn là một thanh niên chừng hai mươi tuổi, mảnh mai, chết, hầu như tuấn tú. Hắn nằm ngay giữa lối mòn đất sét đỏ gần làng Mỹ Khê. Hàm hắn lọt trong họng hắn. Một mắt hắn nhắm, mắt kia là một cái lỗ hình ngôi sao. Tôi giết hắn”, thì vẫn có sự ăn năn nhất định trong hành vi kể vô âm sắc về chuyện giết người kia. Một hành động vô nghĩa và độc ác, không gì có thể biện minh. Nhưng may thay, đấy chỉ là sự tưởng tượng đầy day dứt của nhà văn khi anh ta tình cờ đi ngang qua cái xác chết đó. Vậy ra, dường như Tim O’brien muốn nói cho dù không trực tiếp giết người thì bất kì hành vi tham chiến nào, cho dù gián tiếp thì cũng cứ là giết người. Một sự cảnh báo đầy ám ảnh. Và cái sự ám ảnh ấy đã khiến nhà văn phải thú tội bằng văn chương. Bản chất sám hối này đã tác động đến toàn bộ lối kể của Tim O’Brien trong Hành trang họ mang. Ở đó, chuyện thực hư luôn đan cài. Rất khó để phân biệt đâu là chuyện có thật và đâu là chuyện bịa, bởi luôn có hai hay nhiều hơn người kể “tôi” O’Brien xuất hiện trong văn bản. Trong nhiều trường hợp, những cái tôi này đối thoại nhau. Lối kể này đã tạo nên nghệ thuật siêu hư cấu độc đáo. Theo đó, bản chất của siêu hư cấu là phơi bày toàn bộ hoặc trọn vẹn quá trình sáng tác ngay trong tác phẩm để người đọc tham chiếu quá trình hư cấu của nhà văn qua việc chuyển sự thật ngoài đời hoặc khả năng bịa đặt của mình thành hình tượng văn chương. Đứng về mặt nghệ thuật thuần túy thì đây là thao tác tạo nên một mê lộ để hấp dẫn người đọc. Người đọc luôn được đặt trong tâm thức hoài nghi liệu điều người kể nói ra có đúng sự thật và có thể kiểm chứng trong chừng mực nào đó. Mặt khác, chính ý thức “thực-bịa” đó lại cho thấy sự sám hối. Người kể ở thực tại nhớ lại cùng “người kể ấy” ở những hành động xảy ra từ thời trước. Lối “nhớ lại” này tự thân đã “tố cáo” sự ăn năn của người kể. Qua đó, câu chuyện giúp người đọc nhìn nhận đúng hơn về văn chương rằng câu chuyện được kể đa phần không quan trọng bằng cái không được nói ra, ẩn đằng sau truyện. Hemingway là bậc thầy trong việc tạo nên “độ căng chiến trận”. Cùng viết về đề tài chiến tranh, các nhà văn Mỹ sau Hemingway thường chịu ảnh hưởng từ ông là điều dễ thấy. Tim O’Brien không phải là ngoại lệ. Harold Bloom nhận định: “Hemingway là gánh nặng khao khát văn chương thường trực của O’Brien” (Hemingway was always O’Brien’s burden of literary anxiety) [1]. Tuy nhiên, nếu chỉ chịu “nấp bóng” không thôi thì sẽ chẳng thể nào có được nhà văn Ơ’Brien. Ông luôn cố gắng vượt qua Hemingway và thực sự đã thành công. Nếu Hemingway là người che giấu cảm xúc và là người giấu rất kĩ các thao tác hư cấu trong 17 Đào Thị Thu Hằng truyện của mình, thì Tim O’Brien lại “cởi mở” hơn. Nhà văn luôn chọn lối đối thoại trực diện với vấn đề mình đang kể, cốt để người đọc thấy được những trở trăn trực tiếp trong lòng mình: “Ba, kể sự thật đi” Kathleen có thể nói “ba có từng giết ai không?” Và tôi có thể nói thành thật “Dĩ nhiên là không”. Hoặc tôi có thể nói thành thật: “Có”. Trần thuật của Hemingway không có những đoạn tự thú trực tiếp kiểu này. Đoạn văn rất điển hình cho sự tra vấn lương tâm của một người cha từng là lính trả lời con mãi rất lâu sau này kể từ lúc chiến sự kết thúc. Tính chất tự thuật luôn đi đôi với tự thú: “Tôi nay bốn ba tuổi và là nhà văn, cuộc chiến qua đã lâu. Hầu hết những gì về nó khó mà nhớ được. Tôi ngồi bên máy chữ này, nhìn chăm chăm vào con chữ của mình và thấy Kiowa chìm xuống bùn nâu của cánh đồng rác rưởi, hay Curt Lemon treo lủng lẳng từng mẩu trên cây và trong khi tôi viết về những điều đó, sự nhớ trở thành một kiểu tái diễn”. Tất cả những nhân vật trong Những thứ họ mang có thể là bịa đặt, hư cấu hoàn toàn, nhưng cũng rất có thể gắn chặt với nguyên mẫu ngoài đời. Từ tình bạn kì lạ của Dave Jensen và Lee Strunk, kế hoạch trả thù Bobby Jorgenson, lính cứu thương không có kinh nghiệm gần như đã giết chết “tôi” - người kể, tinh thần hỗn loạn của “tôi” khi câu cá trên dòng sông mưa với một ông già đầy trải nghiệm cuộc đời, đến Marry Ann Bell, cô bạn gái mười bảy tuổi, mắt xanh, tóc vàng đẹp kiêu kỳ của Mark Fossie cuối cùng cũng bị thu hút vào cuộc chiến. . . đã cho thấy cả “cõi mộng mị” của một tâm hồn bất an, luôn trở trăn về vấn đề quá khứ. Đến mức mà “sự thật” và “hư cấu” mãi nhập nhằng, bất phân định. Quá khứ và thực tại, khoảng cách hàng chục năm như bị co lại còn vài phút vài giây. Với nhân vật “Tim O’Brien”, khái niệm sự thật về cơ bản mang tính cá nhân và mơ hồ. Do vậy, con người cần học cách hiểu điều họ hiểu, đặc biệt là phức cảm tội lỗi. Theo cách như ông viết trong tiểu thuyết Trong hồ của Rừng: “Chúng ta thường nằm thức suy tính – tìm kiếm những sự thực ẩn giấu. . . Chúng ta tìm sự thật bên trong, hoặc chẳng có gì sất” [7]. Những sự “chắc chắn” nằm giữa sự “thiếu chắc chắn” là cái mà nhà thơ John Keats gọi là “khả năng phủ nhận” (negative capability), xảy ra khi con người ở trong tình trạng hoang mang, lạc lối giữa những bí mật và hoài nghi. Mối quan hệ với “sự thật” như vậy có được tốt nhất thông qua kể chuyện bởi “những câu chuyện dành cho sự vĩnh hằng, khi kí ức bị xóa sạch, khi chẳng còn gì để nhớ ngoài câu chuyện” lại là cách sám hối, “tẩy rửa” lương tri một cách hiệu quả. Trong tác phẩm, không ít lần Tim O’Brien đề cập đến sự “hèn nhát” của bản thân và của lớp thanh niên Mỹ nói chung khi không quyết liệt từ bỏ việc tham chiến ở chiến trường Việt Nam. Truyện ngắn Trên dòng sông mưa của ông đã tái hiện tuyệt vời, tâm trạng, cảm xúc của một chàng thanh niên trẻ xưng “tôi” tên hành trình đấu tranh trước lệnh nhập ngũ là có nên đến Việt Nam hay đào ngũ sang Canada. Cuộc cân nhắc lương tâm đó diễn ra quyết liệt nhưng cuối cùng, chàng trai không đủ dũng khí từ bỏ tất cả để giã từ cuộc chiến kia. Anh ra trận, trở về và mãi về sau luôn day dứt với thái độ hèn nhát của mình: “Hôm đó nhiều mây. Tôi đi qua những thị trấn có những cái tên thân thuộc, qua những rừng thông rồi xuống vùng thảo nguyên, sau đó sang Việt Nam, nơi tôi làm lính, rồi lại trở về nhà. Tôi sống sót, nhưng đó không phải là kết thúc có hậu. Tôi đã là một thằng hèn. Tôi đã đi đến cuộc chiến tranh đó”. Người kể không giấu tên mình là Tim O’Brien và trực tiếp bộc lộ suy nghĩ về cả quãng đời: “Tháng Sáu năm 1968, một tháng sau khi tốt nghiệp Đại học Macalester, tôi bị động viên đi đánh nhau tại cuộc chiến mà tôi căm ghét. Tôi hai mốt tuổi. Trẻ, đúng, và ngây thơ về chính trị, nhưng dù vậy cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam dường như với tôi là sai trái. Máu thực sự đã đổ cho những lí do phi lí”. 18 Hành trang họ mang hay sự sám hối về một cuộc chiến của Tim O’Brien 3. Kết luận Cho dù Tim O’Brien có là nhà văn hay một nhân vật hư cấu, cho dù nhiều địa danh trên đất Việt Nam hay nhiều cái tên ở Mỹ là có thật hay không, cho dù sự khủng khiếp của chiến tranh có xóa mờ đi bao chuyện,. . . thì chúng ta cũng sẽ luôn thấy được sự dịch chuyển không ngừng của cái tôi lạc lõng, khổ đau và sầu xứ. Sự dằn vặt lên ngôi và kể chuyện như là hình thức sám hối, nguyện cầu cho tội lỗi quá khứ mà vĩnh viễn con người không muốn vấp phải lần thứ hai. Và có thể thấy, với cảm xúc sám hối chủ đạo bao trùm toàn bộ tác phẩm, tác phẩm viết về chiến tranh theo lối hồi cố Hành trang họ mang khiến cho các giá trị nhân văn mãi vĩnh hằng bất chấp cả không gian và thời gian. (*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số VII1.99-2012.18, theo quyết định số 44 /QĐ-HĐQLQ, ngày 24/12/2012. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Harold Bloom, 2005. Bloom’s Guides: Tim O’Brien’s The Things They Carried. Introduction, Chelsea House Publis