Imanuen Kant bàn về cái cao cả

Tóm tắt. Imanuen Kant - người sáng lập ra nền triết học cổ điển Đức. Ông không chỉ được biết đến với tư cách là một nhà triết học mà còn được nhân loại nhắc đến với tư cách là một nhà mĩ học có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khoa học này. Mĩ học của I.Kant là một trong những nguồn gốc lí luận trực tiếp quan trọng nhất của mĩ học Mác - Lê nin. Trong Phê phán năng lực phán đoán, ông đã bàn đến rất nhiều vấn đề trong đó có đi sâu nghiên cứu phạm trù cái Cao cả. Trên cơ sở của triết học duy tâm chủ quan, ông coi cái Cao cả là biểu tượng của chủ thể, do chủ thể thẩm mĩ phán đoán và suy xét, nó ứng vào khách thể chứ không phải bản thân khách thể. Phân tích cái Cao cả, Kant chia chúng thành hai loại: Cao cả về số lượng và cao cả về uy lực. Cảm xúc về cái Cao cả và mối quan hệ giữa cái Cao cả và cái Đẹp cũng được I.Kant bàn đến một cách rất cụ thể.

pdf8 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 144 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Imanuen Kant bàn về cái cao cả, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE 2014, Vol. 59, No. 6BC, pp. 45-52 This paper is available online at IMANUEN KANT BÀN VỀ CÁI CAO CẢ Tiêu Thị Mỹ Hồng Khoa Lí luận chính trị - Giáo dục công dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Imanuen Kant - người sáng lập ra nền triết học cổ điển Đức. Ông không chỉ được biết đến với tư cách là một nhà triết học mà còn được nhân loại nhắc đến với tư cách là một nhà mĩ học có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khoa học này. Mĩ học của I.Kant là một trong những nguồn gốc lí luận trực tiếp quan trọng nhất của mĩ học Mác - Lê nin. Trong Phê phán năng lực phán đoán, ông đã bàn đến rất nhiều vấn đề trong đó có đi sâu nghiên cứu phạm trù cái Cao cả. Trên cơ sở của triết học duy tâm chủ quan, ông coi cái Cao cả là biểu tượng của chủ thể, do chủ thể thẩm mĩ phán đoán và suy xét, nó ứng vào khách thể chứ không phải bản thân khách thể. Phân tích cái Cao cả, Kant chia chúng thành hai loại: Cao cả về số lượng và cao cả về uy lực. Cảm xúc về cái Cao cả và mối quan hệ giữa cái Cao cả và cái Đẹp cũng được I.Kant bàn đến một cách rất cụ thể... Từ khóa: Imanuen Kant, mĩ học, phê phán, năng lực phán đoán, cái Cao cả. 1. Mở đầu Imanuen Kant (1724 - 1804) là nhà triết học, mĩ học người Đức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tư tưởng triết học, mĩ học nhân loại thế kỉ XVIII. Mĩ học của ông mang tính nhân văn sâu sắc, nó hướng tới việc giải phóng con người cá nhân và tự do lí trí. Trong Phê phán năng lực phán đoán, Kant bàn đến nhiều vấn đề trong đó đi sâu vào giải quyết hai phạm trù mĩ học cơ bản đó là cái Đẹp và cái Cao cả. Ở công trình này, I.Kant đặt vấn đề không có khoa học về cái Đẹp, chỉ có phán đoán về cái Đẹp mà thôi. Ông từ chối việc dùng tư duy lí tính để vạch ra quy luật của cái Đẹp. Tư tưởng cốt lõi này trực tiếp chi phối quan niệm của I.Kant về cái Cao cả (vấn đề được bàn trong Quyển II với tiêu đề Phân tích pháp về cái Cao cả). Khi bàn về phạm trù này, I.Kant đã khắc phục và bù đắp sự thiếu hụt về đối tượng cao cả mà nhà mĩ học kinh nghiệm Anh Bơccơ mới chỉ tiếp cận về mặt khách thể trong tác phẩm Nghiên cứu triết học về nguồn gốc nhận thức của chúng ta về cái Cao cả và cái Đẹp. Chính vì thế, mĩ học cổ điển Đức nói chung, mĩ học I.Kant nói riêng là một trong những nguồn gốc lí luận trực tiếp quan trọng nhất của mĩ học Mác - Lê nin. Thế giới đã viết khá nhiều về I.Kant, và ngày nay người ta vẫn tiếp tục nghiên cứu về ông, bởi lẽ di sản I.Kant để lại là vô cùng phong phú. Tuy nhiên, trong thời gian qua các học giả đã dành rất nhiều sự quan tâm cho “vật tự nó”, cho các quan niệm đạo đức, cho chủ thể nhận thức, cho cái Đẹp mà ít dành sự ưu ái riêng cho phạm trù cái Cao cả. Nghiên cứu phạm trù này một cách sâu sắc sẽ tạo nên cái nhìn toàn diện hơn về những di sản mà ông để lại đồng thời thấy được những hạt nhân hợp lí mà sau này mĩ học Mác xít đã kế thừa và phát triển. Liên hệ: Tiêu Thị Mỹ Hồng, e-mail: tieu.my.hong@gmail.com. 45 Tiêu Thị Mỹ Hồng 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Bản chất và phân loại cái Cao cả Triết học thời kì phê phán của I.Kant nghiên cứu ba lĩnh vực quan trọng trong hệ thống tâm lí - tinh thần, đó là tri thức, ý chí và tình cảm. Phê phán lí tính thuần túy là tác phẩm thể hiện nhận thức luận của I.Kant. Phê phán lí tính thực tiễn xây dựng trên giả thuyết linh hồn bất diệt và ý chí tự do, thực chất là tư tưởng về đạo đức. Còn Phê phán năng lực phán đoán tập trung vào nghiên cứu các năng lực phán đoán của chủ thể thẩm mĩ. Đây là tác phẩm được xuất bản sau cùng trong bộ ba tác phẩm phê phán của ông (1790). Ông cho rằng, trong mĩ học để khám phá chân lí, nếu chỉ dùng lí trí thuần túy con người không thể đi đến bản chất của hiện tượng và vì thế phải sử dụng “phán đoán thẩm mĩ” - một loại phán đoán không phải là phán đoán lí tính nhằm đạt tới cái đúng, cũng không phải phán đoán đạo đức nhằm tới cái thiện. Đó là phán đoán tình cảm không đối tượng, loại phán đoán này chỉ quan tâm đến khoái cảm chủ quan về đối tượng, phương thức xúc cảm của chủ thể thẩm mĩ chứ không có chức năng nhận thức đối tượng. Ông cho rằng cái Đẹp là cái làm cho mọi người thích thú mà không cần đến khái niệm. Mĩ học của I.Kant thống nhất với triết học của ông trong việc nhận thức “vật tự nó”. Vì thế, ông không nghiên cứu các hiện tượng thẩm mĩ khách quan mà là những tình cảm chủ quan được trải nghiệm qua thế giới khách quan. Với “Phê phán năng lực phán đoán”, Kant đã mở ra một bước ngoặt mới của mĩ học cận đại bằng cách đề cao thực tiễn tinh thần. Cùng với việc phân tích cái Đẹp, nghiên cứu các phán đoán thẩm mĩ, mĩ học I.Kant khi điều hòa giữa mĩ học duy lí và mĩ học kinh nghiệm đã trình bày cái Cao cả như một bộ phận hợp thành của phán đoán thẩm mĩ. I.Kant đã chia sự phán đoán thẩm mĩ làm hai phần: 1. Phân tích pháp về cái Đẹp, 2. Phân tích pháp về cái Cao cả. Trên cơ sở cái Đẹp nương tựa (cái Đẹp gắn liền mĩ cảm với nhận thức và đạo đức), I.Kant đã đặt cơ sở cho cái Đẹp vừa có ý nghĩa thực tiễn, vừa có ý nghĩa lí tính - cái Đẹp tượng trưng của quan niệm đạo đức. Đó là cái Cao cả. I. Kant coi cái Cao cả là biểu tượng của chủ thể, do chủ thể thẩm mĩ phán đoán và suy xét, nó ứng vào khách thể chứ không phải bản thân khách thể. Cái thực sự là cao cả không thể được chứa đựng trong bất kì một hình thức cảm tính nào: “Không thể tìm cái Cao cả ở trong những sự vật của giới tự nhiên mà chỉ ở trong các ý niệm của ta” [4;117]. Theo ông, cái mà chúng ta gọi là cao cả chính là cái gì vĩ đại một cách tuyệt đối, nó là cái gì to lớn, vượt ra ngoài mọi sự so sánh, nếu đem so với nó thì mọi cái khác đều bé nhỏ. Và thực tế thì không có một cái nào như vậy tồn tại trong tự nhiên mà chỉ tồn tại trong đầu óc của con người: “Không có gì có thể có ở trong Tự nhiên - dù được ta đánh giá là lớn như thế nào - lại không bị hạ thấp xuống thành cái nhỏ vô tận nếu được xem xét trong một mối quan hệ khác; và ngược lại, không có gì là nhỏ mà lại không thể mở rộng thành lớn như cả một thế giới nếu so sánh nó với những tiêu chuẩn còn nhỏ hơn nữa” [4;118] và vì thế “không có gì có thể là đối tượng của giác quan mà lại được gọi là cao cả nếu được xem xét trên cơ sở này” [4;118]. Vì thế, cái Cao cả là do ta quyết định chứ không phải tự bản thân đối tượng. Vì vậy, khi ta nói về một đối tượng đơn giản rằng: “nó là lớn” thì đây không phải là một phán đoán xác định theo kiểu toán học mà chỉ là một phán đoán phản tư mang tính chất biểu tượng về nó. “Một phán đoán thuần túy về cái Cao cả tuyệt nhiên không được lấy bất kì mục đích nào của đối tượng làm cơ sở quy định cho mình, nếu nó muốn là phán đoán thẩm mĩ chứ không muốn bị pha trộn với một phán đoán của giác tính hay của lí tính” [4;121]. Khi phân loại cái Cao cả, I.Kant xem xét từ hai bình diện: Lấy xúc cảm của chủ thể làm thước đo đánh giá các hiện tượng thẩm mĩ cao cả, I.Kant chia 46 Imanuen Kant bàn về cái Cao cả chúng làm ba loại: Thứ nhất, cái Cao cả khủng khiếp: Đây là những hiện tượng mang đến cho con người cảm giác khủng khiếp như cánh rừng già hoang sơ, vô tận, biển rộng mênh mông với những đợt sóng dữ dội... Thứ hai, cái Cao cả thanh cao: Đây là những hiện tượng cao cả không nhất thiết phải đồ sộ, to lớn, kì vĩ nhưng lại có khả năng mang đến cho con người cảm xúc ngưỡng mộ, tự hào và khát vọng vươn lên hoàn thiện bản thân như những con người có nhân cách vĩ đại... Thứ ba, cái Cao cả huy hoàng: Là những hiện tượng thẩm mĩ mang hàm chứa cái hoành tráng với những thắng lợi của con người như những sự kiện lịch sử vĩ đại mang đến thay đổi lớn cho dân tộc và nhân loại. Lấy chính bản thân đối tượng làm cơ sở phân loại, Kant đưa ra hai loại hiện tượng cao cả: cái Cao cả theo cách toán học (hay cái Cao cả về số lượng). I.Kant bàn đến hiện tượng cao cả này từ bài 25 đến bài 27. Ông cho rằng: Cái mà chúng ta gọi là cao cả chính là cái gì vĩ đại một cách tuyệt đối, chỉ cái gì to lớn, vượt ra ngoài mọi sự so sánh. I.Kant phân biệt hai khái niệm “cái gì đó là lớn” và “cái gì đó lớn một cách tuyệt đối”. Chỉ có cái sau mới vượt lên mọi sự so sánh. Và theo ông, cái vượt ra ngoài mọi sự so sánh không phải là một khái niệm thuần túy giác tính, càng không phải là một trực quan cảm tính, lại càng không phải là một khái niệm của lí tính, bởi nó không hề mang theo mình nguyên tắc nào của nhận thức cả. Do đó, nó phải là một khái niệm của năng lực phán đoán. Tuy nhiên, theo I.Kant, số lượng ở phương diện thẩm mĩ khác với tính có thể đo lường ở phương diện nhận thức. Vì thế, cao cả về số lượng thực chất chính là cảm quan cao cả về số lượng. Để lí giải cho điều này: Ông khẳng định trong thiên nhiên không có một cái gì dù chúng ta cho là to lớn đến đâu đi chăng nữa mà trong hoàn cảnh khác nó lại không bị hạ thấp đến mức vô cùng nhỏ bé và ngược lại. Đồng thời, tất cả những gì là to lớn trong thiên nhiên lại không là nhỏ bé đối với trí tưởng tượng của con người. Vì thế, phán đoán thẩm mĩ thuần túy về cái Cao cả không lấy khái niệm về đối tượng làm căn cứ quyết định. Việc lượng định độ lớn bằng các khái niệm của con số hay bằng các kí hiệu của chúng trong đại số học là có tính toán học, còn sự lượng định trong trực quan đơn thuần bằng mắt là có tính thẩm mĩ. Không cái gì là đối tượng của giác quan lại có thể được coi là cao cả. Cái Cao cả không có trong bất cứ khách thể nào của thiên nhiên mà chỉ có trong tâm trí chúng ta mà thôi. “Đối với việc lượng định độ lớn toán học, không thể có cái “lớn nhất”(vì sức mạnh của những con số là có thể đi tới vô tận); nhưng, trong việc lượng định độ lớn theo kiểu thẩm mĩ thì lại có một cái “lớn nhất”; nó được đánh giá như là Độ tuyệt đối, nghĩa là bên ngoài nó không thể có cái gì lớn hơn được nữa một cách chủ quan (tức đối với chủ thể phán đoán), nó mang theo mình Ý niệm về cái Cao cả và tạo nên một sự rung động (Ru¨hrung) mà không một sự lượng định độ lớn nào theo kiểu toán học bằng những con số có thể tạo ra được (trừ khi trong chừng mực Độ cơ bản mang tính thẩm mĩ được duy trì một cách sống động ở trong trí tưởng tượng). Lí do là vì cái sau bao giờ cũng chỉ diễn tả độ lớn tương đối qua việc so sánh với những độ lớn khác cùng loại, còn cái trước diễn tả độ lớn một cách tuyệt đối (schlechthin), trong chừng mực tâm thức có thể nắm bắt nó ở trong một trực quan” [4;119]. Đối với sự lượng định độ lớn theo kiểu toán học, trí tưởng tượng hoàn toàn có đủ năng lực để cung cấp một Độ đáp ứng đúng các đòi hỏi của bất kì đối tượng nào. Bởi vì các khái niệm về con số của giác tính, bằng con đường tổng hợp tiến lên có thể tạo ra bất kì Độ nào tương ứng với bất kì độ lớn nào được cho. Do đó, nó phải là sự lượng định độ lớn theo kiểu thẩm mĩ. Và từ đó, ông cho rằng: Mọi sự vật, hiện tượng được coi là cao cả chỉ bởi nó được tư tưởng của chúng ta sinh ra, và vì thế, nó bộc lộ một năng lực của tâm hồn con người vượt qua mọi thước đo của các giác quan. “Điều này cho thấy rõ rằng: Tính cao cả đích 47 Tiêu Thị Mỹ Hồng thực phải được đi tìm ở trong tâm thức của chủ thể phán đoán, chứ không phải ở nơi đối tượng tự nhiên” [4;123]. Để cảm nhận được cái Cao cả toán học, người ta cần đạt tới sự thống hội tức là nhận thức sự vật một cách toàn vẹn nhất ngay tại một thời điểm cụ thể. Và vì thế người ta không nên đến quá gần mà cũng không nên đứng quá xa các kim tự tháp mới có thể cảm nhận trọn vẹn sự rung động trước sự vĩ đại của chúng. Bởi vì trong trường hợp sau, những bộ phận đã được lĩnh hội (những khối đá chồng lên nhau) chỉ được hình dung mơ hồ và biểu tượng về chúng không gây tác động nào lên phán đoán thẩm mĩ của chủ thể. Còn trong trường hợp trước, mắt ta cần một ít thời gian để hoàn tất việc lĩnh hội từ đáy lên đến đỉnh, nhưng trong khoảng thời gian này, các điều được lĩnh hội đầu tiên bao giờ cũng mất đi một phần trước khi trí tưởng tượng tiếp thu được điều sau cùng, và như thế, sự thống hội không bao giờ hoàn tất được. Cảm quan cao cả về uy lực là sức mạnh tinh thần của con người, đó là khả năng bất chấp mọi khó khăn, thử thách, khắc phục mọi sự sợ hãi. Đó là một lực lượng thắng vượt những trở lực lớn mà I.Kant gọi là mãnh lực (sức mạnh của tự nhiên). I.Kant cho rằng: “Giới tự nhiên, được xem như là mãnh lực ở trong phán đoán thẩm mĩ, nhưng không có quyền lực thống trị trên ta, chính là cao cả một cách năng động” [4;128]. Theo ông, trong phán đoán thẩm mĩ, tự nhiên là cao cả không phải bởi tự bản thân nó mà bởi nó thức tỉnh sức mạnh lớn lao của con người, nó kêu đòi năng lực ở trong ta, từ đó tạo nên niềm tin cho sức mạnh vượt trội của chính bản thân mình so với tự nhiên. Nó tạo nên cho con người lòng can đảm, nâng cao sức mạnh tâm hồn vượt qua ranh giới của cái bình thường. Với quan điểm này, Kant đã khắc phục sự thiếu hụt của Bớc cơ khi chỉ nhìn nhận cái Đẹp ở mặt khách thể. Thực ra, theo Kant, những hiện tượng cao cả của tự nhiên chẳng qua chỉ là cái cớ để con người bộc lộ và cảm nhận được sự vĩ đại của chính bản thân mình: “...phát hiện một năng lực tự đánh giá chính ta nhưng là độc lập với Tự nhiên cũng như một tính ưu việt hơn hẳn Tự nhiên làm cơ sở cho việc tự bảo tồn chính mình... Nhờ đó, tính người trong nhân cách của ta vẫn vững vàng, không bị hạ nhục” [4;129]. Vì thế, ông cho rằng cái tinh thần ấy là cái quyết định, nó ưu việt và mạnh mẽ hơn thiên nhiên rất nhiều. Tuy nhiên, I. Kant cũng khẳng định rằng: “Ai đang trong tình trạng sợ hãi tuyệt nhiên không thể phán đoán về cái Cao cả của Tự nhiên, không khác gì kẻ đang bị sự ưa thích và thèm khát chế ngự không thể phán đoán về cái Đẹp... Tảng đá lơ lửng, lạnh lùng nhô ra đầy hăm dọa, những đám mây giông kéo đen mịt trời kèm sấm chớp dữ dội, những ngọn núi lửa hung hãn với toàn bộ sức mạnh hủy diệt, những cơn bão tố để lại cảnh hoang tàn sau lưng chúng, đại dương mênh mông đang phẫn nộ, thác nước cao ngất của con sông dũng mãnh... đúng là làm cho sức đề kháng của ta trở nên nhỏ nhoi, bé mọn so với sức mạnh khổng lồ của chúng. Tuy nhiên, hình ảnh của chúng càng đáng sợ thì lại càng hấp dẫn lôi cuốn ta hơn, miễn là ta đang ở trong tình trạng an toàn, và ta sẵn sàng gọi các đối tượng này là cao cả, bởi chúng nâng cao sức mạnh tâm hồn nên trên Độ trung bình thông thường và cho phép phát hiện ra trong ta một năng lực đề kháng thuộc loại hoàn toàn khác; năng lực ấy làm cho ta có sự dũng cảm để có thể tự sánh mình với các lực lượng tưởng như toàn năng của Tự nhiên” [4;128]. Như vậy, dù các hiện tượng tự nhiên có mang trong mình sức mạnh hủy diệt, nhưng nếu được bảo vệ tức được an toàn chiêm ngưỡng thì chúng đầy hấp dẫn và nó đưa trí tưởng tượng cũng như sức mạnh của con người vượt qua ranh giới của cái đời thường. Con người là một bộ phận của Tự nhiên và khi là sản phẩm của tự nhiên con người thấy rõ sự yếu đuối của bản thân về mặt thể chất, nhưng đồng thời cũng phát hiện ra một năng lực tự đánh giá chính ta như là độc lập với tự nhiên cũng như một tính ưu việt hơn hẳn tự nhiên, làm cơ sở cho việc tự bảo tồn chính mình. Lúc đó xuất hiện cảm quan cao cả về uy lực. Và I.Kant cũng đưa ra 48 Imanuen Kant bàn về cái Cao cả chú ý: Chúng ta không bàn về điều gì khác ngoài phán đoán thẩm mĩ thuần túy, do đó, không được vay mượn các ví dụ từ những đối tượng đẹp hay cao cả của Tự nhiên, xét như những đối tượng lấy khái niệm về một mục đích làm điều kiện tiên quyết. Không xem xét những sự vật hiện tượng với đặc điểm tự nhiên của chúng bởi đó là sản phẩm của phán đoán mục đích luận. Chẳng hạn: Khi xem xét bầu trời đầy sao là cao cả, ta không được đặt sự đánh giá ấy trên bất kì khái niệm nào về bầu trời mang tính khoa học, mà phải nhìn bầu trời đầy sao ấy như nó đang xuất hiện ra trước mắt ta giống như một mái vòm bao trùm tất cả, chỉ như vậy ta mới được phép nói đến tính cao cả mà phán đoán thẩm mĩ thuần túy gán cho đối tượng này. Nhìn đại dương mênh mông cũng vậy, ta không nhìn nó với các đặc điểm tự nhiên: Các loài thủy tộc, lượng nước, tạo khoảng cách địa lí giữa các châu lục, con đường giao thương... mà cần nhìn nó giống như các nhà thơ đã làm theo ấn tượng gieo vào mắt họ, như: Một chiếc gương khổng lồ khi thanh bình, như một hố thẳm đe dọa khi cuồng nộ. Vì thế, “cái Cao cả trong Tự nhiên chỉ là một cách gọi không thật đích thực, và thật ra nó chỉ được gán ghép cho lề lối tư duy hay đúng hơn, cho cơ sở để đi đến lề lối tư duy ở trong bản tính tự nhiên của con người mà thôi” [4,157]. I.Kant cũng đưa ra sự lí giải của mình cho quan điểm: Nếu sự nguy hiểm không thực sự nghiêm trọng thì tính cao cả của quan năng tinh thần cũng không thể thực sự là cao cả. Ông cho rằng: Việc ta phải thấy mình được an toàn mới cảm nhận được sự hài lòng có tác dụng nâng cao tầm hồn tức là đạt đến sự sao cả không làm cho quan niệm về cái Cao cả bị tổn thất. Bởi, sự hài lòng chỉ liên quan đến sứ mệnh của quan năng tinh thần, trong chừng mực tố chất dẫn đến quan năng này bắt nguồn từ trong bản tính tự nhiên của ta, còn sự phát triển và tập luyện quan năng ấy là công việc tự ta phải làm và vẫn mãi mãi là trách nhiệm của riêng ta. Bàn về chiến tranh, I.Kant cho rằng: Nếu chiến tranh được tiến hành có trật tự và tôn trọng những quyền thiêng liêng của thường dân thì “vẫn có một cái gì cao cả nơi chính nó” và đồng thời làm cho cung cách tư duy của quốc gia tiến hành cuộc chiến tranh theo kiểu ấy chỉ càng thêm cao cả hơn khi bị đặt vào tình cảnh càng có nhiều nguy hiểm phải đương đầu và có thể dũng cảm đứng vững trước những nguy hiểm ấy. “Ngược lại, một cảnh thái bình kéo dài quá lâu thường tạo điều kiện cho óc mua bán đơn thuần, và cùng với nó là lòng vị kỉ thấp hèn, tính hèn nhát và nhu nhước trở thành thống lĩnh và hạ thấp khí độ của quốc gia ấy” [4;130]. Riêng với Thượng đế, I. Kant khẳng định: Con người “quả là điên rồ và tự phụ khi tưởng tượng ra một tính ưu việt của tâm thức con người vượt lên trên các hành động ấy” (hành động của Thượng đế). Trong tôn giáo nói chung, “sự khuất phục và khẩn cầu với mái đầu cúi thật thấp đi kèm với cử chỉ và lời nguyện cầu đầy sợ hãi và sám hối dường như là thái độ duy nhất phù hợp khi đối diện với thần linh như ta thấy tuyệt đại đa số các dân tộc đều chấp nhận và không ngừng thể hiện như vậy” [4;131]. Như vậy, theo I. Kant, cái Cao cả nhất thuộc về Thượng đế với mãnh lực bất khả đề kháng. Tuy nhiên, trước Thượng đế khi con người ở trong tình trạng thực sự run sợ vì ý thức được rằng mình đang xúc phạm đến Người bằng động cơ bất chính của mình thì không thể ở trong trạng thái tâm thức sẵn sàng để ngưỡng mộ sự vĩ đại của Thượng đế. Và ngược lại, chỉ khi nào con người ý thức rằng mình đang có động cơ chính trực và làm hài lòng Thượng đế thì những hành động dữ dội (cơn cuồng phong, bão tố, động đất...) của Ngài mới khơi dậy trong ta Ý niệm về tính cao cả của Hữu thể thần linh này. Đó là khi con người nhận ra nơi chính mình tính cao cả của động cơ phù hợp với ý chí của Thượng đế và qua đó nâng mình lên cao hơn nỗi sợ hãi trước các uy lực của Tự nhiên. Cũng từ sự phân tích này, I. Kant một lần nữa khẳng định: Tính cao cả không được chứa đựng trong bất kì sự vật nào của Tự nhiên mà chỉ ở trong tâm thức của ta, trong chừng mực ta có thể ý thức rằng mình ưu việt hơn hẳn bản tính tự nhiên trong ta và cả giới Tự 49 Tiêu Thị Mỹ Hồng nhiên ngoài ta. Thống nhất với I.Kant, Hêghen cũng cho rằng: Thượng đế là biểu hiện thành thục nhất của tính cao thượng. Tuy nhiên, ông lại nhấn mạnh: Cái Cao cả là biểu hiện trong diện mạo nội dung đè nén hình thức. Vận dụng quan niệm này vào phân tích cái Cao cả trong lĩnh vực nghệ thuật, Hêghen cho rằng nghệ thuật tôn giáo cũng là nghệ thuật cao cả bởi nó gắn với sự chuộc tội, sự tái sinh và quan trọng hơn bởi trong đó tinh thần vượt qua những hình thức cảm tính, dứt bỏ khỏi vương quốc của sự hoang dã. Và nghệ thuật lãng mạn cũng là nghệ thuật cao cả, bởi các hoạt động âm nhạc, hội họa, thơ ca gần với tinh thần tuyệt đối nhất. Đó là những loại hình nghệ thuật của tâm hồn, của tình yêu gắn với sự khắc khổ, hi sinh và sự sám hối. Đó là nơi mà hiện tượng với tính cách là vỏ bề ngoài chỉ dừng lại ở mức độ thấp, ý nghĩa luôn vượt xa ngoài mọi giới hạn của hiện tượng, không thể phân tích hết ý nghĩa của