Lí thuyết kiến tạo và hướng áp dụng vào quá trình dạy học theo học chế tín chỉ ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Tóm tắt. Lí thuyết kiến tạo ra đời và trải qua quá trình lịch sử phát triển lâu dài nhưng những giá trị của lí thuyết này vẫn còn tồn tại và khẳng định ngay cả trong những điều kiện tân tiến nhất của hoạt động dạy học hiện nay. Việc tổ chức dạy học theo lí thuyết kiến tạo làm cho lớp học ngày nay trở thành trung tâm của sự tìm tòi, khám phá tri thức, mà ở đó người học được thực sự xem là trung tâm của quá trình dạy học. Dạy học trong phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ là quá trình tổ chức cho sinh viên học cách khám phá và tìm ra tri thức mới, tự mình kiến tạo nội dung bài học và nghiên cứu khoa học. Điều này hoàn toàn phù hợp với bản chất của dạy học theo lí thuyết kiến tạo.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 62 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lí thuyết kiến tạo và hướng áp dụng vào quá trình dạy học theo học chế tín chỉ ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE 2014, Vol. 59, No. 6BC, pp. 243-249 This paper is available online at LÍ THUYẾT KIẾN TẠO VÀ HƯỚNG ÁP DỤNG VÀO QUÁ TRÌNH DẠY HỌC THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠMHÀ NỘI Trịnh Thị Quý Khoa Quản lí giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Lí thuyết kiến tạo ra đời và trải qua quá trình lịch sử phát triển lâu dài nhưng những giá trị của lí thuyết này vẫn còn tồn tại và khẳng định ngay cả trong những điều kiện tân tiến nhất của hoạt động dạy học hiện nay. Việc tổ chức dạy học theo lí thuyết kiến tạo làm cho lớp học ngày nay trở thành trung tâm của sự tìm tòi, khám phá tri thức, mà ở đó người học được thực sự xem là trung tâm của quá trình dạy học. Dạy học trong phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ là quá trình tổ chức cho sinh viên học cách khám phá và tìm ra tri thức mới, tự mình kiến tạo nội dung bài học và nghiên cứu khoa học. Điều này hoàn toàn phù hợp với bản chất của dạy học theo lí thuyết kiến tạo. Từ khóa: Lí thuyết kiến tạo; Dạy học theo lí thuyết kiến tạo; Lí thuyết dạy học; Thuyết kiến tạo; Quá trình dạy học. 1. Mở đầu Trong bối cảnh đổi mới một cách mạnh mẽ quá trình dạy học nói chung và quá trình dạy học ở đại học nói riêng đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nước nhà, việc nghiên cứu và áp dụng những lí thuyết hiện đại vào đổi mới quá trình dạy học đại học trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Lí thuyết kiến tạo đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và kiến giải những giải pháp áp dụng ở nhiều nước khác nhau nhằm mục đích đẩy mạnh chất lượng dạy học hướng vào người học [4;5]. Việc nghiên cứu và áp dụng lí thuyết kiến tạo trong dạy học ở Việt Nam đã và đang phát huy hiệu quả với các môn khoa học cơ bản ở nhà trường phổ thông [1;2]. Tuy nhiên, với quá trình dạy học ở đại học, đặc biệt trong điều kiện đào tạo tín chỉ thì chưa có nhiều nhà khoa học luận bàn về vấn đề này. Bài viết dưới đây là những mạn đàm về lí thuyết kiến tạo việc áp dụng lí thuyết này trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Thuyết kiến tạo (Constructivism) Khái niệm về kiến tạo có từ thời cổ xưa, thời Socrate, cụ thể là từ cuộc đối thoại của ông với các học trò của ông. Trong cuộc trao đổi này, ông đã đưa ra những câu hỏi trực tiếp để dẫn dắt những người học tự mình nhận ra điểm yếu của họ. Liên hệ: Trịnh Thị Quý, e-mail: quyqlgd@gmail.com. 243 Trịnh Thị Quý Jean Piaget và John Deway đã phát triển các học thuyết về sự phát triển và giáo dục trẻ em, tạo ra bước phát triển nhảy vọt cho lí thuyết kiến tạo. J.Piaget cho rằng: con người học tập thông qua việc thiết lập nên chuỗi logic liên tiếp nhau, cái này nối tiếp cái kia. Ông cũng kết luận rằng, logic cũng như phương thức suy nghĩ của trẻ em hoàn toàn khác so với người trưởng thành. Đây chính là cơ sở của việc giáo dục dựa trên lí thuyết kiến tạo [1]. John Deway yêu cầu giáo dục phải dựa trên kinh nghiệm thực tế, ông viết: “Nếu ta nghi ngờ rằng quá trình học diễn ra như thế nào, hãy tham gia vào những câu hỏi liên tiếp, nghiên cứu, suy nghĩ những khả năng khác nhau, từ đó hình thành niềm tin dựa vào các bằng chứng cụ thể”. Thuyết kiến tạo của J. Bruner là lí thuyết về sự nhận thức được bắt nguồn từ tư tưởng của J.Piaget. Tư tưởng cốt lõi của thuyết kiến tạo là: tri thức được xuất hiện thông qua việc chủ thể nhận thức tự cấu trúc vào hệ thống bên trong của mình, và theo cách đó thì tri thức được coi là mang tính chủ quan. Với việc nhấn mạnh vai trò chủ thể nhận thức trong việc giải thích và kiến tạo tri thức, thuyết kiến tạo thuộc lí thuyết chủ thể. Cần tổ chức sự tương tác giữa người học và đối tượng học tập, để giúp người học xây dựng thông tin mới vào cấu trúc tư duy của chính mình, đã được chủ thể điều chỉnh. Học không chỉ là khám phá mà còn là sự giải thích, cấu trúc mới tri thức [2]. Theo J. Bruner, không có kiến thức khách quan tuyệt đối. Kiến thức là một quá trình và là sản phẩm được kiến tạo theo từng cá nhân (tương tác giữa đối tượng học tập và người học); Về mặt nội dung, dạy học phải định hướng theo những lĩnh vực và vấn đề phức hợp, gần với cuộc sống và nghề nghiệp, được khảo sát một cách tổng thể; Việc học tập chỉ có thể được thực hiện trong một quá trình tích cực, vì chỉ từ những kinh nghiệm và kiến thức mới của bản thân thì mới có thể thay đổi và cá nhân hóa những kiến thức và khả năng đã có; Học tập trong nhóm có ý nghĩa quan trọng góp phần cho người học tự điều chỉnh hoạt động học tập của bản thân mình; Học qua sai lầm là điều rất có ý nghĩa; các lĩnh vực học tập cần định hướng vào hứng thú người học, vì có thể học hỏi dễ nhất từ những kinh nghiệm mà người ta thấy hứng thú hoặc có tính thách thức. Thuyết kiến tạo không chỉ giới hạn những khía cạnh nhận thức của việc dạy và học. Sự học tập hợp tác đòi hỏi và khuyến khích phát triển không chỉ có lí trí mà còn phát triển cả về mặt tình cảm, giao tiếp; Mục đích học tập là xây dựng kiến thức của bản thân nên khi đánh giá các kết quả học tập không định hướng theo các sản phẩm học tập, mà cần kiểm tra những tiến bộ trong quá trình học tập và trong những tình huống học tập phức tạp. Lí thuyết kiến tạo về cơ bản là một lí thuyết dựa trên quan sát và nghiên cứu khoa học nhằm trả lời cho câu hỏi: Con người học như thế nào? Lí thuyết này nói rằng con người kiến tạo những sự hiểu biết và tri thức về thế giới thông qua trải nghiệm và phản ánh. Khi chúng ta đối diện với một điều gì mới mẻ, chúng ta phải điều ứng nó với những ý tưởng và kinh nghiệm có từ trước. Cũng có thể nó sẽ thay đổi điều mà ta đã tin tưởng hoặc loại bỏ chúng vì không thích đáng. Để làm điều này, chúng ta phải đưa ra những nghi vấn, khám phá và đánh giá cái mà chúng ta biết. * Một số hạn chế của thuyết kiến tạo Quan điểm cực đoan trong thuyết kiến tạo phủ nhận sự tồn tại của tri thức khách quan là không thuyết phục; Một số tác giả nhấn mạnh quá đơn phương rằng chỉ có thể học tập có ý nghĩa những gì mà người ta quan tâm. Tuy nhiên, trong cuộc sống đòi hỏi cả những điều mà khi còn đi học người ta không quan tâm; Việc đưa các kĩ năng cơ bản vào các đề tài phức tạp mà không có luyện tập cơ bản có thể làm hạn chế kết quả học tập; Lưu ý, dạy học theo thuyết kiến tạo đòi hỏi nhiều thời gian, mà vấn đề này liên quan đến việc quá tải trong dạy học hiện nay (xem Bảng 1). 244 Lí thuyết kiến tạo và hướng áp dụng vào quá trình dạy học theo học chế tín chỉ... Bảng 1. Sự khác biệt trong hai thái cực của triết học dạy học của các lí thuyết khách thể và các lí thuyết chủ thể Lí thuyết Khách thể Lí thuyết Chủ thể 1) Trongmột thời điểm xác định, có những tri thức chung, khách quan, nhờ đó có thể giải thích thế giới.Tri thức này có tính ổn định và có thể cấu trúc để truyền thụ cho người học. 1) Không có tri thức khách quan. Mỗi người hiểu và giải thích thế giới theo kinh nghiệm riêng của mình. 2) Người học tiếp thu những kiến thức đó và hiểu giống nhau. 2) Các chủ thể nhận thức có thể hiểu một cách khác nhau đối với cùng một hiện thực. 3) Giáo viên giúp học viên tiếp thu những nội dung của của tri thức khách quan về thế giới vào cấu trúc tư duy của họ. 3) Nhiệm vụ của giáo viên là giúp học viên tăng cường tự trải nghiệm và biết đặt vấn đề,từ đó giúp họ có thể tự xây dựng tri thức cho mình. 2.2. Dạy học theo quan điểm của thuyết kiến tạo Dạy học theo quan điểm của thuyết kiến tạo nghĩa là giáo viên hướng dẫn để học sinh tự khám phá ra tri thức, thực hiện những nhiệm vụ học tập, từ đó kiến tạo tri thức cho bản thân [3]. Vì vậy, các kiểu dạy học như: dạy học khám phá, dạy học hợp tác, dạy học giải quyết vấn đề. . . đều được coi là các phương pháp dạy học vận dụng quan điểm của lí thuyết kiến tạo. Hình 1. Trong dạy học, học sinh được khuyến khích sử dụng các phương pháp riêng của họ để kiến tạo tri thức chứ không phải chấp nhận lối tư duy của người khác. Như vậy, tri thức được kiến tạo một cách tích cực bởi chủ thể nhận thức chứ không phải được tiếp nhận một cách thụ động từ môi trường bên ngoài. Trong môi trường học tập kiến tạo, học sinh được học nhiều hơn khi thực sự được cuốn hút vào việc học, thay vì chỉ lắng nghe thụ động, nghĩa là thuyết kiến tạo coi trọng vai trò chủ động và tích cực của học sinh trong quá trình học tập để tạo nên tri thức cho bản thân, đặc biệt tư duy của học sinh dần trở nên trừu tượng và phát triển hơn, học sinh được thúc giục để hoạt động trong tiến trình học tập. Vai trò trung tâm của quá trình dạy học được chuyển từ giáo viên sang học sinh, giáo viên đóng vai trò là người cố vấn, dàn xếp, nhắc nhở và giúp học sinh phát triển, đánh giá những hiểu biết và việc học của mình. Cả giáo viên và học sinh không chỉ xem kiến thức là một thứ để nhớ mà còn xem kiến thức là một cấu trúc động. Quy trình dạy học theo thuyết kiến tạo có cấu trúc như sau: Theo quy trình này, việc dạy một kiến thức mới không phải bắt đầu từ việc giáo viên thông báo kiến thức đó mà phải bắt đầu từ việc khám phá của học sinh về kiến thức cần lĩnh hội. Học 245 Trịnh Thị Quý Hình 2. sinh có cơ hội bộc lộ những quan điểm của mình, lắng nghe quan điểm của bạn, được tranh luận, thống nhất ý kiến. Qua lắng nghe, theo dõi những quan điểm của học sinh, giáo viên sẽ phát hiện ra nhiều yếu tố bất ngờ hoặc khác thường, giáo viên tôn trọng những ý kiến của học sinh, khuyến khích học sinh lựa chọn con đường đi đúng để tiếp cận được tri thức. Kết quả của hoạt động đó, học sinh có được một hệ thống kiến thức phù hợp với yêu cầu, đồng thời các em tìm ra được con đường chiếm lĩnh tri thức. Dạy học theo mô hình trên đã chứa đựng sự thay đổi quan điểm là dạy học phải luôn chú ý tới những tri thức và kĩ năng đã có của học sinh, đó là một trong những tiền đề để tổ chức dạy học những kiến thức mới. Như vậy có thể nói rằng thuyết kiến tạo là một lí thuyết tổng quát, nó ở tầng bậc cao nhất trong tháp các mức độ của lí thuyết phương pháp dạy học. Người giáo viên nếu áp dụng dạy học theo thuyết kiến tạo thì có thể sử dụng 4 bình diện sau đây: - Học trong hành động; - Học là vượt qua trở ngại; - Học trong sự tương tác xã hội; - Học thông qua giải quyết vấn đề. Dạy học theo thuyết kiến tạo cũng giống như các cách tiếp cận lí thuyết dạy học khác, quy trình diễn ra có ít nhất là 3 pha: - Pha chuyển giao nhiệm vụ; - Pha hành động giải quyết vấn đề; - Pha tranh luận hợp thức hóa và vận dụng kiến thức mới. Theo đó, nhiệm vụ của giáo viên theo lí thuyết kiến tạo: - Tạo điều kiện cho học sinh bộc lộ và trao đổi ý kiến của mình; - Bảo đảm mọi ý kiến đều được đưa ra xem xét; - Tổ chức tranh luận công khai các ý kiến của học sinh; - Trình bày tính hiển nhiên của các quan điểm khoa học; - Lắng nghe các ý kiến của học sinh (đúng và sai) về các vấn đề; - Lưu ý tới các ý kiến đơn giản mà hiệu quả nhất. Trong lớp học, quan điểm kiến tạo của việc học có thể đi đến một số lượng những thực nghiệm dạy học khác nhau. Trong hầu hết các trường hợp, nó thường có nghĩa là khuyến khích người học sử dụng những kĩ năng hoạt động (thực nghiệm, giải quyết vấn đề thực tế) để tạo nhiều 246 Lí thuyết kiến tạo và hướng áp dụng vào quá trình dạy học theo học chế tín chỉ... thông tin và rồi phản ánh, nói về những cái mà chúng đang làm và sự hiểu hiết của chúng đang thay đổi như thế nào. Lí thuyết kiến tạo là một lí thuyết của nhận thức. Theo Ernst Von Glasersfeld kiến thức luôn là kết quả của hoạt động kiến tạo và từ đó nó không thể thâm nhập vào một người học thụ động. Nó phải được xây dựng một cách tích cực bởi chính mỗi người học. Tuy nhiên, giáo viên có thể định hướng cho người học theo một cách tổng quát và sự hướng dẫn đó sẽ giúp người học không phải kiến tạo tri thức theo những hướng mà giáo viên không mong muốn. Giáo viên phải chắc chắn hiểu những khái niệm mà học sinh đã nắm từ trước, rồi hướng dẫn hoạt động để định vị chúng và rồi giúp người học kiến tạo tri thức từ chúng [3;5]. Trong một lớp kiến tạo, tâm điểm là xu hướng thay đổi từ giáo viên làm trung tâm (Teacher - centered) đến học sinh làm trung tâm (Student - centered). Lớp học không còn là nơi mà giáo viên, là những chuyên gia “đổ” những tri thức lên đầu học sinh - những cái chai rỗng [4]. Trong mô hình kiến tạo, học sinh được thúc giục để hoạt động trong tiến trình học tập của chúng. Giáo viên đóng vai trò như người cố vấn, dàn xếp, nhắc nhở và giúp học sinh phát triển và đánh giá những hiểu biết về việc học của chúng. Một trong những công việc lớn nhất của giáo viên là: Hỏi những câu hỏi có chất lượng? Trong một lớp học kiến tạo, cả giáo viên và học sinh không phải chỉ xem kiến thức như một thứ để nhớ mà là một đối tượng động. Bảng 2. So sánh sự khác biệt khi sử dụng lí thuyết kiến tạo trong dạy học với lớp học truyền thống [3] Lớp học truyền thống Lớp học kiến tạo Chương trình dạy học bắt đầu với các phần của cả tổng thể. Nhấn mạnh các kĩ năng cơ bản; Chương trình nhấn mạnh các khái niệm lớn, bắt đầu với tổng thể và mở rộng ra với các phần; Chương trình giảng dạy, SGK là pháp lệnh tối cao; Mục đích của những câu hỏi của học sinh vànhững vấn đề mà chúng quan tâm là quan trọng; Phương tiện chủ yếu là sách giáo khoa và sách bài tập; Phương tiện bao gồm những nguồn ban đầu và phương tiện vận dụng; Học tập dựa vào sự nhắc lại, bắt chước; Học tập là tương tác, xây dựng trên những cái màhọc sinh đã biết rồi; Giáo viên phổ biến những thông tin cho học sinh, học sinh tiếp nhận tri thức; Giáo viên đàm thoại với học sinh, giúp đỡ học sinh tự kiến tạo tri thức cho chúng; Vai trò của giáo viên là trực tiếp, quyền lực tối cao; Vai trò của giáo viên là tương tác, đàm phán là tốicao; Đánh giá thông qua trắc nghiệm, trả lời đúng. Sản phẩm cuối cùng là quan trọng; Đánh giá bao gồm kiểm tra việc làm, quan sát, quan điểm của học sinh. Tiến trình quan trọng hơn sản phẩm; Kiến thức giống như một vật trơ; Kiến thức là một đối tượng động; Học sinh làm việc chủ yếu một mình. Học sinh làm việc nhóm là chủ yếu. 2.3. Áp dụng dạy học theo lí thuyết kiến tạo trong đào tạo theo học chế tín chỉ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chuyển đổi sang đào tạo theo học chế tín chỉ từ năm 2009, với phương thức đào tạo hoàn toàn mới so với phương thức đào tạo theo niên chế trước đây đòi hỏi thầy và trò của nhà trường phải tìm cho mình cách dạy và học sao cho hiệu quả nhất trong quá trình chuyển đổi này. 247 Trịnh Thị Quý Trong học chế tín chỉ, tương ứng với một giờ học trên lớp, sinh viên phải có 2 giờ tự nghiên cứu, điều đó đòi hỏi người giảng viên phải biết tổ chức hoạt động học của sinh viên như một quá trình tự mình kiến tạo tri thức mới. Sinh viên lúc này không còn bị động phụ thuộc vào những gì giảng viên cung cấp mà hoàn toàn chủ động trong hoạt động nhận thức của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh sự lạc hậu của nội dung dạy học diễn ra ngày càng nhanh chóng, thì dạy cho sinh viên cách học chứ không phải là cung cấp thông tin càng trở nên quan trọng. Theo đó, lí thuyết kiến tạo chỉ ra rằng người giảng viên trong quá trình tổ chức hoạt động dạy của mình phải xuất phát từ những gì sinh viên cần và muốn biết, muốn học chứ không phải từ những gì người giảng viên có. Từ đó, giảng viên tổ chức cho sinh viên dựa trên những kinh nghiệm đã có của bản thân, cùng khám phá và lĩnh hội tri thức mới. Giảng viên cũng sẽ trở thành người đi học hỏi. Giảng viên nhà trường phải trở thành những người tạo ra sự “kiến tạo” kiến thức cho sinh viên, muốn vậy thì bản thân giảng viên ngoài chuyên môn sâu màmình đảm nhiệm thì không ngừng mở rộng hiểu biết về những lĩnh vực chuyên môn liên quan. Những giảng viên thuộc chuyên ngành gần (như văn, sử, địa. . . .) cũng phải là những cộng tác viên hết sức đắc lực trong việc thiết kế và tổ chức quá trình dạy học cho sinh viên. Người dạy áp dụng lí thuyết kiến tạo thường theo 4 bình diện: - Học trong hành động; - Học là vượt qua trở ngại; - Học trong sự tương tác xã hội; - Học thông qua giải quyết vấn đề. Do đó, khi thiết kế hoạt động dạy giảng viên cần căn cứ trên thời lượng cho phép, lựa chọn nội dung cho phù hợp với những điều kiện tiến hành. Xu hướng tích hợp nội dung hiện nay ở nhà trường phổ thông đòi hỏi các trường sư phạm trong đó có Đại học Sư phạm Hà Nội cần phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình đào tạo đáp ứng yêu cầu giáo viên dạy được tích hợp sau khi tốt nghiệp. Lí thuyết kiến tạo chỉ ra rằng người dạy bắt đầu hoạt động dạy học từ phần tổng thể, người học từ đó kiến tạo dần những đơn vị kiến thức bên trong và điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng nói trên. Muốn áp dụng một cách hiệu quả lí thuyết kiến tạo trong dạy học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì cả thầy và trò của nhà trường cần phải đổi mới mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, trong khi sức ỳ của sinh viên sư phạm vẫn còn rất lớn. Thậm chí nếu giảng viên không giao bài về nhà thì việc tự học ở nhà của sinh viên gần như không có chứ chưa nói đến việc chủ động đặt ra các vấn đề cho hoạt động học tập của mình. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần phải đổi mới nội dung chương trình theo hướng giảm tải nội dung, tăng cường dạy học dựa vào chuẩn kĩ năng nhiều hơn là chuẩn kiến thức. Từ đó giảng viên mới có thể thiết kế các hoạt động phức hợp để tổ chức hoạt động cho sinh viên tự mình khám phá tri thức và hình thành năng lực nghề nghiệp tương lai. Chương trình đào tạo cũng phải tăng cường tính liên thông liên kết giữa các phần, các nội dung, các môn, các chuyên ngành để thấy được logic của kiến thức, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên kiến tạo tri thức mới. Điều này cũng đòi hỏi giảng viên trong nhà trường phải phối hợp với nhau, liên kết với nhau trong việc tổ chức các hoạt động học tập cho sinh viên. Nhà trường cũng cần mở rộng hơn nữa mạng lưới các cơ sở thực hành, thực tế để tạo môi trường cho sinh viên có điều kiện khám phá, luyện tập và trải nghiệm những gì đã, đang và sẽ được đón nhận trong hoạt động học tập của mình. Giúp các em rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp tốt trước 248 Lí thuyết kiến tạo và hướng áp dụng vào quá trình dạy học theo học chế tín chỉ... khi ra trường để có thể tự học suốt đời, tự tạo việc làm và tìm cho mình việc làm mong muốn. Đó là cái đích chung của tất cả các giảng viên, cán bộ công nhân viên của nhà trường. 3. Kết luận Lí thuyết kiến tạo cũng như các lí thuyết dạy học khác, đều có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, để hoạt động dạy học trong nhà trường hướng tới bản chất của quá trình dạy học là quá trình tổ chức hoạt động nhận thức của người học thì việc áp dụng lí thuyết kiến tạo trong dạy học là một hướng đi mở ra nhiều triển vọng cho việc đổi mới dạy và học ở đại học hiện nay, đáp ứng yêu cầu của phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ ở Việt Nam. Tất nhiên, sự thay đổi phải là đồng bộ ở tất cả các khâu của quá trình dạy học đại học mới có thể đem lại kết quả như mong muốn, cần phải đổi mới từ mục tiêu tới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá cũng như tạo môi trường dạy và học thuận lợi. Vì vậy đòi hỏi cả thầy và trò trường Đại học Sư phạm cần phải đổi mới mạnh mẽ từ nhận thức tới hành động một cách nhanh chóng và quyết liệt hướng tới một thương hiệu là trường đào tạo giáo viên uy tín và chất lượng bậc nhất trong cả nước. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Hữu Châu, Cao Thị Hà, 2013. Dạy học toán ở trường phổ thông theo quan điểm kiến tạo. Tạp chí Giáo dục, số 60. [2] Nguyễn Hữu Châu, Cao Thị Hà, 2004. Cơ sở lí luận của lí thuyết kiến tạo trong dạy học. Thông tin khoa học giáo dục, số 103. [3] Dương Bạch Dương, 2002. Nghiên cứu phương pháp giảng dạy một số khái niệm, định luật trong chương trình vật lí lớp 10 THPT theo quan điểm kiến tạo. Luận án tiến sĩ giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục. [4] Bruner, J., 1966. Toward a Theory of Instruction. Cambridge, MA: Harvard University Press. [5] Charles M.Reigeluth, 2011. Instructional Theory and Technology for New Paradigm of Education. Indiana University. ABSTRACT Constructivism applied to credit based teaching at the Hanoi National University of Educati
Tài liệu liên quan