Một phương thức tự sự đặc sắc trong truyện ngắn Tiếc thương những ngày đã mất của Lỗ Tấn

1. Mở đầu Lỗ Tấn (1881- 1936) là một trong số các tác gia truyện ngắn trên thế giới có tài hấp dẫn độc giả bao thế hệ. Nghệ thuật tự sự với các phương thức trần thuật được lựa chọn, vận dụng sáng tạo là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm nên nét độc đáo, thú vị của những trang truyện ngắn Lỗ Tấn, góp tiếng nói khẳng định chỗ đứng vững chắc của nhà văn trên văn đàn thế giới. Dưới ngòi bút nhà văn, nhiều phương thức tự sự mới trên cơ sở kế thừa quá khứ đã được xác lập. Truyện ngắn Lỗ Tấn, một mặt thể hiện sự hấp thụ những thành phần hữu ích của văn học quá khứ, mặt khác thể hiện ý thức không ngừng thâu nhận rộng rãi những tinh hoa của văn học nước ngoài. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập tới một trong những phương thức tự sự đặc sắc mà nhà văn đã sử dụng, qua một tác phẩm mà lâu nay chưa được các nhà nghiên cứu Việt Nam đề cập đến nhiều, đó là truyện ngắn Tiếc thương những ngày đã mất.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 92 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một phương thức tự sự đặc sắc trong truyện ngắn Tiếc thương những ngày đã mất của Lỗ Tấn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2011, Vol. 56, No. 2, pp. 46-52 MỘT PHƯƠNG THỨC TỰ SỰ ĐẶC SẮC TRONG TRUYỆN NGẮN TIẾC THƯƠNG NHỮNG NGÀY ĐÃ MẤT CỦA LỖ TẤN Nguyễn Thị Mai Chanh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Mở đầu Lỗ Tấn (1881- 1936) là một trong số các tác gia truyện ngắn trên thế giới có tài hấp dẫn độc giả bao thế hệ. Nghệ thuật tự sự với các phương thức trần thuật được lựa chọn, vận dụng sáng tạo là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm nên nét độc đáo, thú vị của những trang truyện ngắn Lỗ Tấn, góp tiếng nói khẳng định chỗ đứng vững chắc của nhà văn trên văn đàn thế giới. Dưới ngòi bút nhà văn, nhiều phương thức tự sự mới trên cơ sở kế thừa quá khứ đã được xác lập. Truyện ngắn Lỗ Tấn, một mặt thể hiện sự hấp thụ những thành phần hữu ích của văn học quá khứ, mặt khác thể hiện ý thức không ngừng thâu nhận rộng rãi những tinh hoa của văn học nước ngoài. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập tới một trong những phương thức tự sự đặc sắc mà nhà văn đã sử dụng, qua một tác phẩm mà lâu nay chưa được các nhà nghiên cứu Việt Nam đề cập đến nhiều, đó là truyện ngắn Tiếc thương những ngày đã mất. 2. Nội dung nghiên cứu Tiếc thương những ngày đã mất thuộc phương thức tự sự ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến - phương thức tự sự mà ở đó tác giả chọn một nhân vật xưng “tôi” để kể chuyện. Mọi sự việc, tình tiết trong tác phẩm đều được kể lại bởi lời của người kể xưng “tôi” duy nhất ấy. “Tôi” là nhân vật tự trị bên trong câu chuyện, điểm nhìn của anh ta luôn là trung tâm định hướng cố định cho độc giả. Một khi câu chuyện được kể ra, có nghĩa là nó không tách rời ý thức của người kể. Thiếu vắng vai trò của “tôi”, rất có thể câu chuyện được mang một ý nghĩa khác. Đứng ở vị trí người kể chuyện, “tôi” không bị các nhân vật khác “nhìn”, chỉ có các nhân vật khác “bị nhìn” theo quan điểm của “tôi”. Mặt khác, cái “tôi”- người kể chuyện vốn tự thân nó đã có ý nghĩa “nhân đôi”, bởi vậy “tôi” còn là đối tượng của cái nhìn của chính “tôi”. Ở đây, cái “tôi” kể chuyện đồng nhất với cái “tôi” bị kể. Đến với các truyện ngắn thuộc phương thức tự sự theo điểm nhìn đơn tuyến của Lỗ Tấn, chúng ta không thấy xuất hiện kiểu cái “tôi” kể về “tôi” mà dửng dưng, 46 Một phương thức tự sự đặc sắc trong truyện ngắn Tiếc thương những ngày đã mất... hững hờ như kể về một người xa lạ. Trái lại, ở đó luôn tồn tại cái “tôi” tuy nói về người khác nhưng chan chứa tâm tình. Đó là những cái “tôi” suy ngẫm, cái “tôi” độc thoại, cái “tôi” tự ý thức. Qua các tác phẩm, người đọc không chỉ thấy được “nhân vật - nó là ai” mà còn thấy được “nhân vật - nó ý thức về nó như thế nào”. Đặc biệt, được tạo dựng dựa trên những phạm vi đời sống quen thuộc, những chất liệu người thực, việc thực có liên quan ít nhiều với cuộc sống của nhà văn, các tác phẩm tự sự theo điểm nhìn đơn tuyến của Lỗ Tấn gợi cho người đọc ấn tượng ban đầu là tính xác thực cao. Khoảng cách giữa người kể chuyện với nhân vật chính luôn là khoảng cách được rút ngắn. Là thiên truyện tình cảm duy nhất trong Gào thét và Bàng hoàng, Tiếc thương những ngày đã mất kể lại câu chuyện tình có kết cục bi kịch của chính nhân vật người kể chuyện xưng “tôi”, “tôi” kể về người vợ quá cố của anh ta với những ăn năn, dằn vặt, đau khổ, hối hận của bản thân. Như nhiều tác phẩm khác của Lỗ Tấn, Tiếc thương những ngày đã mất có cốt truyện đơn giản. Theo suốt thiên truyện là sự hồi tưởng quá khứ, là tâm sự, cảm nghĩ của “tôi”. Thế giới nghệ thuật ở đây chủ yếu là thế giới của những cái đã qua được “lọc” qua kí ức của một người kể ưa suy tư, chiêm nghiệm. Điều tác phẩm hướng tới không phải chỉ là ngoại cảnh, là các biến cố, sự kiện “tôi” từng gặp, từng được tận mắt chứng kiến, mà chính là sự thể hiện ý nghĩ chủ quan của “tôi” về ngoại cảnh, là sự miêu tả cái ý thức về mình của “tôi”. Lời kể trong tác phẩm không phải kiểu lời “trần trụi sự kiện”. Người kể xưng “tôi” không những cho ta thấy những gì anh ta kể, mà còn cho thấy được cả bản thân người kể. Tác phẩm không phải chỉ diễn tả một câu chuyện, mà còn là sự diễn tả cái “tôi”. Sức cuốn hút của truyện không nằm ở cốt truyện, mà nằm ở những trạng huống tâm lý gợi cho người đọc nhiều điều phải suy nghĩ. Quyên Sinh - là “tôi” và Tử Quân - vợ “tôi” thuộc phần tử trí thức lớp mới, được thở hít bầu không khí dân chủ của thời đại - thời mà ý thức cá nhân, quyền tự do của con người được đề cao. Với mối tình nồng nàn, trong trắng, họ đã quyết tâm đoạn tuyệt truyền thống ngàn năm: “thoát khỏi tục lệ cũ” cùng những ngăn cấm của “gia đình chuyên chế”, bất chấp dư luận với những con mắt soi mói, khinh bạc của người đời, để thực hiện giấc mộng yêu đương tự do. Vượt bao trở ngại, giấc mộng đẹp của họ đã thành. Nhưng tiếc thay, hạnh phúc mong manh chẳng dễ gì có được ấy, không mấy chốc họ lại để tuột khỏi tầm tay. Khi mục đích hôn nhân đã đạt được, hai người hoàn toàn chìm ngập trong hạnh phúc nhỏ nhoi, đơn độc mà xao nhãng, “quên hẳn những ý nghĩa quan trọng khác của cuộc đời”. Cuộc sống gia đình với bao nỗi lo toan bộn bề và những điều tẹp nhẹp: “suốt ngày mồ hôi đầm đìa, tóc cứ dính bết vào trán và hai tay thì càng lâu càng thô ráp” dần lấy đi niềm vui, sự hồn nhiên, đáng yêu ngày nào của Tử Quân. Cuộc sống đơn điệu, nhàm chán: “Mỗi tuần lễ sáu ngày, ngày nào cũng từ nhà đến sở, rồi lại từ sở về nhà. Ở sở thì ngồi vào bàn giấy, sao sao chép chép”, về nhà thì đối diện với “vẻ mặt nàng buồn 47 Nguyễn Thị Mai Chanh rười rượi” cũng dần bào mòn đi tình yêu nồng cháy thuở ban đầu nơi Quyên Sinh. Có một hố sâu vô hình tạo nên khoảng cách ngày mỗi xa hơn giữa hai tâm hồn họ. Cuộn mình trong “tổ kén” lẻ loi, mỗi người trở thành một ốc đảo đơn côi, họ tự đánh mất bản thân lúc nào không biết. Tình yêu của hai người bắt đầu rạn nứt. Vết rạn ấy lớn dần, cho tới một ngày, hiện thực nghiệt ngã đã tác động tới đời sống vật chất và tinh thần của họ: Quyên Sinh mất việc. Từ đây, hai người phải đối mặt với những khó khăn, thử thách mới. Túng thiếu về vật chất, cơn suối nguồn tình yêu - sức mạnh tinh thần, chỗ dựa vững chắc nhất của hạnh phúc lứa đôi cũng cạn kiệt, bi kịch cuộc đời họ bắt đầu. Yêu cái “yêu”- một quan niệm trừu tượng, nên hạnh phúc của Quyên Sinh và Tử Quân rốt cuộc chỉ là giấc mộng. Mộng càng đẹp, khi tiêu tan, nó càng dễ khiến con tim nhức nhối. Đau khổ nào hơn khi hai người phải sống với nhau một cách gượng gạo, phải nói với nhau những lời yêu thương giả dối: “. . . tôi đành phải tạm thời tự tạo ra một vẻ mặt vui tươi gắng gượng (. . . ) phải bịa ra những câu trả lời yêu thương giả dối. Cái yêu thương thì tỏ cho nàng thấy, còn cái giả dối thì giữ lại trong lòng. Ngày lại ngày cái giả dối chất chứa, tràn ứ lên, làm cho tôi tắc thở”. Không hiếm khi tội lỗi, những cách đối xử tàn nhẫn, những ý nghĩ ác độc kiểu như “mình khổ tại có người khác” là bắt nguồn từ cái nghèo, từ cái vòng quay tẻ nhạt của cuộc sống đời thường “ăn xong lại chạy tiền, chạy tiền được rồi thì lại ăn”. Từ một người đầy nhiệt huyết và tình thương yêu, Quyên Sinh trở thành kẻ nhẫn tâm, ích kỉ. Anh quay sang qui kết, buộc tội vợ, coi vợ là gánh nặng của đời mình. Trong thâm tâm, anh muốn được giải thoát khỏi cô. Còn Tử Quân, trái tim nhạy cảm của người phụ nữ đã mách bảo cô những gì đang âm thầm diễn ra trong ý nghĩ của người mà cô từng yêu thương nhất - người đã thắp lửa cho trái tim và cuộc đời cô, nay lại phũ phàng đang tâm vùi dập. Nhưng “Cái dũng khí của nàng không còn nữa. Nàng chỉ biết buồn giận”. Người con gái cứng cỏi, kiêu hãnh, có tinh thần phản kháng mạnh mẽ với lời tuyên bố “rành rọt, kiên quyết” ngày nào: “Người em là của em, không ai có quyền can thiệp vào đời em”, giờ đây cũng trở thành một con người yếu đuối, tinh thần khiếp nhược, dễ bề bị số phận khuất phục. Đời người khổ nhất là sau khi tỉnh mộng, không biết đi đâu, về đâu. Tuyệt vọng trước hạnh phúc khó đến vội đi, Tử Quân chỉ còn con đường cuối: “đi trong cái gọi là con đường đời, trước sự uy nghiêm của ông bố và sự khinh bỉ lạnh lùng của người xung quanh”, và sau đó lặng lẽ “chết trong cõi người không có tình yêu”. Toàn bộ 19 trang truyện (gần 30 trang sách dịch) là lời độc thoại của “tôi”. “Tôi” trần tình “vết thương lòng” của mình trong một nỗi đớn đau, hối hận khôn nguôi. Trùm lên tác phẩm là giọng điệu tiếc thương, ai oán, thể hiện sự dằn vặt, day dứt kéo dài. Độc giả bắt gặp ở đây những câu văn lê thê và rất nhiều yếu tố lặp lại, gợi cảm giác dường như nỗi đau, nỗi “tiếc thương những ngày đã mất” vẫn thường trực trong trái tim “tôi”, không thể nào chấm dứt được. Mở đầu tác phẩm 48 Một phương thức tự sự đặc sắc trong truyện ngắn Tiếc thương những ngày đã mất... là lòng hối hận, nỗi đau thương của “tôi”: “Nếu như có thể được thì tôi sẽ vì hương hồn Tử Quân và vì chính mình tôi mà ghi lại đây lòng hối hận, nỗi đau thương của tôi”. Và kết thúc tác phẩm cũng là nỗi đau thương, lòng hối hận của “tôi”: “Chẳng qua lại là những dòng chữ này ghi lòng hối hận, nỗi đau thương của tôi, vì hương hồn Tử Quân và vì chúng tôi”. Thông thường, lối tự sự ngôi thứ nhất được coi như biện pháp có lợi thế đặc biệt để nhân vật giãi bày tâm trạng, thể hiện cái “tôi” với một giọng điệu trữ tình, mang dấu ấn chủ quan. Người đọc nhìn sự vật hiện tượng và nhân vật bằng cái nhìn từ bên trong của chính nhân vật. Và câu chuyện được trần thuật dưới dạng bút ký dễ tạo cho người đọc niềm tin, bởi cái cảm giác nhân vật và sự kiện có vẻ như gần hơn, thật hơn, có sức thuyết phục hơn. Song, nếu để ý thì thấy, ngay dưới tiêu đề Tiếc thương những ngày đã mất có hàng chữ nhỏ: “Bút ký của Quyên Sinh”. Phụ đề này lại khiến người đọc “nhìn” độc thoại của Quyên Sinh bằng cái nhìn bên ngoài khách quan, gây sự hoài nghi của người đọc đối với nhân vật người kể xưng “tôi” ấy. Đây không phải là người kể chuyện đáng tin cậy. Cách kể của truyện đã tạo cái nhìn đa chiều, bổ sung cho tác phẩm một giọng điệu khác - giọng tự trào, tự châm biếm - đan cài vào giọng điệu trữ tình thiên về thổ lộ tâm sự, phơi bày niềm đau. Hẳn là, nếu chỉ hiểu Tiếc thương những ngày đã mất nhằm miêu tả cuộc sống của người trí thức nghèo và chuyện tình dang dở của anh ta thì thật nông cạn. Tác phẩm hướng tới sự tự thể hiện cái “tôi”, cái ý thức về mình của người trí thức. Nhưng cái “tôi” ở đây không phải được miêu tả trong quan hệ đồng nhất với chính nó. Cái “tôi” này vô cùng phức tạp. Cũng thuộc kiểu nhân vật tự ý thức, nhưng khác với “tôi” trong Mẩu chuyện nhỏ của Lỗ Tấn, quá trình “tự xét lại” mình của Quyên Sinh không giản đơn một chiều. “Tôi” tự phân thân làm hai, vừa là người phán xét, luận tội, vừa là đối tượng của sự phán xét đó. Không ai tố giác, “tôi” tự tra vấn, thành khẩn kết tội mình. Tuy nhiên, một mặt, anh ta hiện lên như một kẻ tội lỗi đang sám hối với ý thức tự phủ định riết róng: “Tôi muốn có cái gọi là linh hồn và có cái gọi là địa ngục thật sự. Lúc đó dù phải đi giữa ngọn gió dữ gầm vang, tôi cũng quyết tìm cho được Tử Quân, nói cho nàng tha thứ cho tôi. Không nữa thì tôi sẽ cầu ngọn lửa độc của địa ngục bao vây lấy tôi thiêu cho hết lòng hối hận, nỗi đau thương của tôi đi”; “ Trong cơn gió dữ, lửa độc, tôi sẽ ôm lấy nàng, van lạy nàng khoan dung cho tôi. . . ”; song mặt khác, anh ta lại luôn ra sức biện minh cho mình, gắng phân giải, tự biện hộ trước những phán xét, hòng rũ bỏ trách nhiệm đạo đức của chính mình. Chúng ta thấy vang lên trong lời độc thoại của Quyên Sinh hai tiếng nói khác nhau, mâu thuẫn nhau, nhưng thống nhất với nhau: lời thành khẩn cáo buộc và lời nguỵ biện thoái thác. Có thể coi đây là tiếng nói đối thoại trong ý thức của cùng chủ thể. Tác phẩm, do đó, nổi lên hai tầng ý thức rất rõ ràng: ý thức tự giác, thành tâm sám hối, tự thú với lương tâm và ý thức không tự giác, đùn đẩy trách nhiệm cá 49 Nguyễn Thị Mai Chanh nhân sang cho xã hội, cho người khác. Bị ám ảnh bởi cái chết bi thương của Tử Quân, Quyên Sinh thừa nhận một phần trách nhiệm thuộc về anh ta. Hạnh phúc đâu phải thứ rẻ tiền dễ mua, dễ kiếm. Nó mong manh, dễ vỡ, vậy mà sao không biết nâng niu, trân trọng, giữ gìn? Quyên Sinh từng có quan niệm rất đúng đắn về hạnh phúc, tình yêu. Anh luôn luôn tự nhủ: “tình yêu phải được đổi mới luôn, lớn dần lên và phải sáng tạo (. . . ) Phải giữ cho cuộc sống êm ả và hạnh phúc được vững bền, mãi mãi êm ả. . . ”. Nhưng trên thực tế, anh ta không làm được điều đó mà cứ để mặc đốm lửa tình lụi dần, cuối cùng còn dư lại tro tàn! Trước sóng gió cuộc đời, thay vì cần phải dũng cảm đương đầu và tìm cách vượt qua, anh ta lại nhát hèn quay lưng trốn chạy. Biết rằng nói lời chia tay với Tử Quân trong hoàn cảnh hiện tại là đồng nghĩa với việc đẩy cô xuống vực sâu tuyệt vọng, nhưng để tìm lối thoát cho riêng mình, anh ta bất chấp tất cả. Đưa ra “chủ trương” li dị, mà theo Quyên Sinh “tức là mở một con đường mới, làm lại một cuộc đời mới để cho cả hai cùng khỏi bị tiêu diệt”, thực ra anh ta lừa dối Tử Quân và lừa dối cả chính mình. Có chăng, kẻ “khỏi bị tiêu diệt” ở đây chỉ có thể là một mình anh ta mà thôi. Bằng cách này, anh ta đã thực hiện dự định sống cho bản thân một cách hoàn thiện nhất. Giả dối hơn nữa, Quyên Sinh còn “cao giọng hết sức quả quyết” rằng việc làm của anh ta chính là vì Tử Quân: “Huống chi em đã không cần phải đắn đo, cứ dũng cảm mà bước tới. Em muốn anh phải nói thật. Đúng thế. Người ta không nên giả dối. . . Nhưng như thế càng hay cho em, bởi vì như thế em có thể đi tìm việc mà làm, không phải bận lòng gì cả”. . . Dường như đối với Quyên Sinh, mối bận tâm lớn nhất của anh ta là tội lỗi đã gây ra. Những lời tạ tội, cầu xin được tha thứ là những lời chân thật, xuất phát tự đáy lòng. Lời độc thoại của Quyên Sinh, bởi vậy cũng là lời đấu tranh gay gắt, không khoan nhượng của ý thức nhân vật để đi đến một sự thức tỉnh, nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Con người ta nhiều khi không nên chỉ sống cho bản thân. Cuộc đời chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta biết sống cho nhau, vì nhau: “Đáng lý ra tôi không nên đem sự thực nói với Tử Quân. Hai chúng tôi đã từng yêu nhau thì bây giờ tôi nên nói dối dá với nàng là hơn. Nếu quả sự thật là đáng quí thì đâu đến nỗi nàng phải chịu mang cái gánh hư không nặng nề đó. .. Tôi tưởng đem sự thật nói cho nàng rõ thì nàng sẽ không còn phải lo ngại gì nữa, cứ cương quyết, mạnh dạn bước tới như hồi chúng tôi sắp sửa ở chung. Nhưng có lẽ tôi nhầm rồi. . . Tôi không có cái dũng cảm mang cái gánh nặng hư không đó nên mới đem cái gánh nặng sự thật đặt lên vai nàng (. . . ) Tôi thấy rõ tôi là một thằng khiếp nhược, phải gạt ra khỏi hàng ngũ những kẻ mạnh. . . ”. Ý thức tỉnh táo, thẳng thắn nhìn nhận mình đã tự phơi trần bộ mặt ích kỉ, nhẫn tâm và giả dối của Quyên Sinh. Nó đồng thời cho thấy mặt tích cực trong 50 Một phương thức tự sự đặc sắc trong truyện ngắn Tiếc thương những ngày đã mất... tính cách con người này. Tuy nhiên, như một thuộc tính, thói bao biện, dung che luôn ẩn náu nơi mỗi con người, chi phối những suy nghĩ và hành vi ứng xử của con người. Con người trở nên tầm thường, hèn đi, thiếu ý thức trách nhiệm với bản thân, không dám đối mặt với sự thật, không dám thừa nhận khiếm khuyết của mình. . . chính là vì nó. Vin vào nhiều lí do, Quyên Sinh luôn tìm cơ hội và khôn ngoan đổ vấy trách nhiệm tội lỗi về phía khác. Lật lại dĩ vãng, kể lại tỉ mỉ đến từng chi tiết về hành trình của cuộc tình đôi lứa: từ khi yêu nhau, lấy nhau, chia tay nhau, rồi Tử Quân rời xa cuộc đời, Quyên Sinh còn để nói một điều: lỗi không hoàn toàn thuộc về anh ta. Đó là do cái xã hội đầy những hủ tục nặng nề, vô lý đã cản trở tình yêu, bóp nghẹt quyền tự do, bình đẳng nam nữ. Chính cái xã hội lạnh lùng, tàn ác ấy đã sản sinh ra những sản phẩm quái thai, vô nhân tính, như “cái anh chàng mặt trát kem bừ bự”, “cái lão râu cá trê”. . . chuyên thói thóc mách, hãm hại người khác; như ông bố của Tử Quân và những người xung quanh với tâm hồn giá băng như mộ địa. . . Đặc biệt, qua lời kể của Quyên Sinh, người đọc còn thấy rất rõ sự phân tích kĩ lưỡng của anh ta đối với những chuyển biến trong trạng thái tinh thần của Tử Quân, và nhận thấy trong ý nghĩ của Quyên Sinh, không thể nói rằng Tử Quân vô can về tội lỗi. Lỗi của Tử Quân chính là do cô đã sớm để mất mình, sớm không còn là Tử Quân của ngày xưa nữa. . . Với những lý do như thế, chẳng phải Quyên Sinh muốn nói, anh đâu muốn hại Tử Quân, mà là bởi hoàn cảnh bắt buộc, bởi “Số phận nàng đã định cho nàng phải chết trong cái cõi người không có tình yêu - tức là cái sự thật tôi đã nói cho nàng rõ”, tóm lại, lỗi này đâu phải tại riêng ai! Tiếc thương những ngày đã mất là sự tự phê phán thói sống ích kỉ của loại trí thức có nguy cơ đánh mất bản chất tốt đẹp của mình. Họ có thừa trí tuệ và tình thương, nhưng lại thiếu lòng dũng cảm và ý chí kiên cường. Tình yêu chân thành, cao đẹp đã là động lực thúc đẩy cá nhân họ sống có ý chí và nghị lực, song sự thiếu ý chí và nghị lực đã đẩy tình yêu của họ đến bờ vực thẳm. Tiếc thương những ngày đã mất có thể coi như cuộc “tự truy đuổi chính mình” một cách nghiệt ngã, phản ánh khả năng tự thức tỉnh của cái “con người bên trong con người”. Những dằn vặt, đớn đau của Quyên Sinh thể hiện một thái độ đạo đức, cũng có thể coi là một hình thức tự trừng phạt mình. Người chết dẫu sao đã chết. Kẻ còn sống phải đối diện với sự thật đau lòng và chịu sự đày đoạ khủng khiếp bởi những day dứt, dằn vặt triền miên. Âu đó cũng là cái giá phải trả để cân bằng giữa tội lỗi và sự trừng phạt. Còn sống, nghĩa là Quyên Sinh còn phải chịu dày vò, đau khổ, tâm hồn anh ta hiếm có được giây phút bình yên. “Cái đau khổ nhất của con người không phải là những gì quý giá đã vĩnh viễn mất đi, mà là những gì nhức nhối cứ còn mãi trong ký ức như một gánh nặng hiện tại của tâm hồn”; lỗi lầm đã thuộc về quá khứ, không thể nào quay lại để làm nó khác đi, nhưng sự nhận ra vết sạm của nhân cách đã chứng tỏ bản chất thiện trong con người trí thức ấy hãy còn. Hiểu được bản thân mình không bao giờ là việc dễ dàng. Giá trị của tác phẩm sẽ giảm nếu như nhà văn để cho một 51 Nguyễn Thị Mai Chanh người nào khác kể lại câu chuyện của Quyên Sinh, hoặc để cho nhân vật nào đó chất vấn, buộc anh ta phải thú nhận tội lỗi. Vấn đề ở đây là nhà văn để nhân vật tự soi tỏ, “nhận thức lại” mình, tự nói “lời phán quyết từ bên trong”. 3. Kết luận Chỉ có đi đến cùng sự phân tích bên trong, nhân vật mới có thể nhìn rõ chính nó và tự điều chỉnh nó. Đưa nhân vật vào sự soi chiếu từ cái nhìn của bản thân nó, đưa toàn bộ quan điểm, những điều định nói về nhân vật vào tầm nhìn của chính nhân vật, như vậy nhân vật tự soi rọi mình từ tất cả các giác độ có thể. Để nhân vật vượt lên chính mình, tự nhìn nhận, phơi bày phần khuất tối trong tâm hồn, nhà văn đã khiến cho hình tượng người trí thức hiện ra đa chiều với đầy đủ tính phức tạp, sống động của nó. Hiện thực được phản ánh nhờ vậy đạt được hiệu quả cao hơn. Sự “biết mình” thực sự đã làm giàu thêm hình tượng nhân vật trí thức trong tác phẩm của nhà văn. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Đình Sử (chủ biên), 2004. Tự sự học - Một số vấn đề lí luận và lịch sử. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [2] Lỗ Tấn, 2000. Truyện ngắn Lỗ Tấn, (Trương Chính dịch). Nxb Văn học, Hà Nội. [3] Lỗ Tấn, 2007. Toàn tập kinh điển Lỗ Tấn. Nxb Bắc Kinh, Trung Quốc. [4] Nghiêm Gia Viêm, 2002. Luận về tiểu thuyết phức điệu của Lỗ Tấn. Nxb Giáo dục Thượng Hải, Trung Quốc. ABSTRACT A characteristic kind of narrative in the short story Regret for the past by Lu Xun Being the first writer to modernize Chinese short stories Lu Xun has a special sense of using “the first person” narrative, associated with the display of the "I" with the complexity and contradictory of the new intellectuals. This narrative is rooted in the writer’s feeling about life, the writer’s conception of lonliness of the individual human. Starting from Lu Xun, the image of self-consciousness, self-awakening of the human condition has formed and developed increasingly. "I" in Lu Xun stories are not simply a kind of person. That is what "I" is strong and brings alot of significance. That "I" can be cognitive