Vladimir Soloviev triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học [Phần 2]

Xuất phát từ quan niệm Kitô giáo “Thiên Chúa là Tình Yêu”, mà tình yêu bao giờ cũng là sự liên kết tự do và hoàn hảo của hai sinh linh hay hai bản nguyên, Soloviev cho rằng Chúa là Chúa chân chính chỉ với tư cách Thần-Nhân. “Chúa không trở thành Thần-Nhân, Ngài là Thần Nhân trong vĩnh hằng”. Chính với tư cách Thần-Nhân, Chúa tạo ra thế giới của mình bằng cách khách thể hoá nội dung của mình, tương tự như người nghệ sĩ khách thể hoá đời sống tinh thần của mình thành những tác phẩm nghệ thuật. Nhưng nếu những tác phẩm nghệ thuật, là tác phẩm của con người bất hoàn hảo, tất yếu mang dấu ấn bất hoàn hảo, thì thế giới của Chúa - cái tha thể của Thần-Nhân hoàn hảo - trong ý tưởng là Thần-Nhân loại. “Thực tại của thế giới ấy, mà nó tất yếu phong phú hơn một cách vô tận thế giới hữu hình của chúng ta

pdf8 trang | Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 1480 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vladimir Soloviev triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học [Phần 2], để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Vladimir Soloviev triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học [Phần 2] Xuất phát từ quan niệm Kitô giáo “Thiên Chúa là Tình Yêu”, mà tình yêu bao giờ cũng là sự liên kết tự do và hoàn hảo của hai sinh linh hay hai bản nguyên, Soloviev cho rằng Chúa là Chúa chân chính chỉ với tư cách Thần-Nhân. “Chúa không trở thành Thần-Nhân, Ngài là Thần Nhân trong vĩnh hằng”. Chính với tư cách Thần-Nhân, Chúa tạo ra thế giới của mình bằng cách khách thể hoá nội dung của mình, tương tự như người nghệ sĩ khách thể hoá đời sống tinh thần của mình thành những tác phẩm nghệ thuật. Nhưng nếu những tác phẩm nghệ thuật, là tác phẩm của con người bất hoàn hảo, tất yếu mang dấu ấn bất hoàn hảo, thì thế giới của Chúa - cái tha thể của Thần-Nhân hoàn hảo - trong ý tưởng là Thần-Nhân loại. “Thực tại của thế giới ấy, mà nó tất yếu phong phú hơn một cách vô tận thế giới hữu hình của chúng ta, thực tại của thế giới thần thánh ấy rõ ràng chỉ có những ai thực sự thuộc về nó mới tri kiến được đầy đủ. Nhưng bởi lẽ cả thế giới tự nhiên của chúng ta cũng tất yếu có quan hệ mật thiết với thế giới thần thánh ấy (), bởi lẽ giữa hai thế giới không có và không thể có vực ngăn cách không thể vượt qua, cho nên những tia sáng và hồi quang riêng lẻ của thế giới thần thánh phải thâm nhập cả vào thực tại của chúng ta và làm nên toàn bộ nội dung lý tưởng, toàn bộ cái đẹp và cái chân mà chúng ta tìm thấy ở trong nó”. Thế thì thế giới tự nhiên của chúng ta nằm trong quan hệ xác định thế nào với thế giới thần thánh? Giải đáp của Soloviev không trùng hợp với giáo thuyết Kitô giáo chính thống. “Cái thế giới, mà theo lời vị thánh tông đồ, ngập ngụa trong độc ác, không phải là một thế giới mới nào đó, cách biệt tuyệt đối với thế giới thần thánh, được tạo thành từ những thành tố riêng biệt của mình, mà nó chỉ là tương quan khác, lẽ ra không được có, của chính những thành tố tạo nên cả sự tồn tại của thế giới thánh thần Bởi nếu Thượng Đế, với tư cách cái tuyệt đối hay là cái thập toàn, hàm chứa trong mình mọi hữu thể hay là mọi sinh linh, thì tức là không thể có những sinh linh mà lại có cơ sở của sự tồn tại của mình ở ngoài Thượng Đế hay tồn tại như là những thực thể ở ngoài thế giới thần thánh; vì thế mà thế giới tự nhiên trong sự đối lập với Thượng Đế, chỉ có thể là vị thế khác hay là sự sắp đặt khác cũngnhững thành tố cơ bản thường tồn như là những thực thể trong thế giới thần thánh”. Chính vì thế giới bất toàn, đầy ác độc và khổ đau của chúng ta vẫn là thế giới của Thượng Đế và khởi thủy có chung bản chất với Ngài cho nên nó vẫn đáng được tôn quý, ngưỡng mộ. Soloviev - nhà thần học, thống nhất với Soloviev - nhà thơ, kiên định trong chí hướng khắc phục chủ nghĩa nhị nguyên trong quan niệm về Thượng Đế và thế giới. Vậy thì cái ác, cái khổ ngự trị trong thế gian này phát sinh từ đâu? Soloviev có hai giải đáp cho câu hỏi này, một giải đáp gần như đồng nhất với thần học truyền thống, giải đáp khác chứa đựng nhiều hơn những tìm tòi, trăn trở của cá nhân ông. Giải đáp thứ nhất, được trình bày trong Những thuyết trình khẳng định rằng nguyên nhân của cái ác, cái khổ là lòng ái kỷ, vị kỷ của các vật tạo muốn khẳng định sự tồn tại độc lập của mình đối với Đấng Sáng Tạo và bất hoà, thù địch lẫn nhau - cái chủ nghĩa vị kỷ ấy là hệ quả của tự do lựa chọn mà Thượng Đế, trung thành với bản chất tự do của mình, đã ban tặng cho các vật tạo; cái tự do ấy đã bị chúng lạm dụng. Nét riêng của thần học Soloviev là ở đây ông, tuân theo những trực giác huyền bí của mình, đưa vào bức tranh siêu hình học về thế giới một sinh linh trung gian giữa Thượng Đế và thế giới - linh hồn thế giới. Theo giới thuyết của Soloviev, linh hồn thế giới là “trung tâm sống động hay là linh hồn của mọi vật tạo và đồng thời là hình thức hiện thực của thánh thần”, là “chủ thể vĩnh tồn của hữu thể thụ tạo và khách thể vĩnh tồn của tác động của Đấng Sáng Tạo”. “Được dự phần vào thể thống nhất của Thượng Đế, đồng thời bao hàm toàn bộ thể đa phức của những linh hồn sống”, linh hồn thế giới là sinh linh có bản chất nhị hợp - nó mang trong mình cả bản nguyên thần thánh lẫn bản tính của vật tạo. Vì thế nó tự do cả trong quan hệ với Thượng Đế lẫn trong quan hệ với thế giới thụ tạo. Và cái tự do ấy là nguồn gốc sâu xa của tấn kịch thế giới. Vào một thời điểm nhất định, linh hồn thế giới muốn biệt lập khỏi Thượng Đế, khẳng định vị trí trung tâm tuyệt đối của mình trong vũ trụ. “Mặc dù sở hữu tất cả, linh hồn thế giới muốn sở hữu cái tất cả ấy một cách khác cách mà nó đang sở hữu, tức là muốn sở hữu nó từ bản thân, như Thượng Đế, muốn có không chỉ sự tồn tại viên mãn vốn là của nó mà còn cả tính tự tồn tuyệt đối trong sự sở hữu thể viên mãn ấy - cái không thuộc về nó”. Nhưng chính do ý muốn khẳng định mình bên ngoài Thượng Đế, linh hồn thế giới đánh mất vị trí trung tâm của mình, đánh mất tự do và quyền lực đối với thế giới các tạo vật, không còn thực hiện được chức năng hợp nhất tất cả mà Thượng Đế giao phó cho nó. Do không còn được linh hồn thế giới hợp nhất nữa, tất cả mất đi mối liên hệ chung, toà nhà thống nhất của hoàn vũ đổ vỡ thành vô lượng những cấu kiện rời rạc, thân thể toàn thế giới tan rã thành tập hợp cơ học của những vô số nguyên tử đơn lẻ. Vũ trụ lý tưởng của Thượng Đế biến thành khối hỗn mang của vật chất, mà thuộc tính cơ bản là tính không thể thẩm thấu trong không gian và thời gian. Như vậy, theo Soloviev, sự ra đời của thế giới vật chất của chúng ta là hệ quả của sự “sa ngã” của linh hồn thế giới, của việc nó tự do lìa rời Thượng Đế. Nhưng Thượng Đế không vì thế mà ghét bỏ tạo phẩm của mình. Toàn bộ quá trình thế giới tiếp theo được Soloviev mô tả theo tinh thần tiến hoá luận (thuyết tiến hoá luôn luôn được Soloviev xem như một chân lý khoa học, mà không một triết thuyết và thần thuyết nào được mâu thuẫn với nó)[5]* như là quá trình dai dẳng và khúc khuỷu tập hợp và tổ chức vật chất dưới những hình thức ngày một cao hơn - từ kiểu tồn tại vô cơ lên các kiểu tồn tại hữu cơ với kết quả cuối cùng là sự xuất hiện sự sống hữu thức và hữu trí. Trong quá trình ấy linh hồn thế giới xuất hiện như là một “nghệ sĩ hoàn vũ” trực tiếp tạo tác thân thể của vũ trụ chúng ta, tiếp thụ những ý tưởng của trí tuệ thần thánh và thể hiện chúng thành những hình thái hữu thể vật chất, nhưng thể hiện một cách không tương thích, có thể nói bằng phương pháp “thử nghiệm và sai lạc”, tạo ra ở mỗi một giai đoạn tiến hoá không biết bao nhiêu phế phẩm bị loại bỏ (mà thí dụ điển hình, theo Soloviev, là những quái vật cổ sinh như khủng long). “Vì sao lại có tất cả những cuộc sẩy thai và đẻ non ấy của thiên nhiên? Vì sao Thượng Đế lại để cho thiên nhiên đạt tới đích của mình một cách chậm chạp như thế và bằng những phương tiện tồi tệ như thế? Vì sao nói chung sự hiện thực hoá ý tưởng của Đấng Tối Cao trong thế giới lại là quá trình từng bước phức tạp, chứ không phải một hành vi đơn giản?” - Soloviev tự hỏi trong Những thuyết trình về Thần-Nhân loại. Và trả lời: vì trong Thượng Đế và thế giới có tự do. “Bằng hành vi tự do của linh hồn hoàn vũ thế giới được nó hợp nhất đã rời lìa Thượng Đế và tan rã thành hằng hà sa số những phần tử thù địch nhau; bằng một loạt dài những hành vi tự do cái số nhiều nổi loạn ấy phải hoà giải với nhau và với Thượng Đế và tự tái sinh dưới hình thức một cơ thể tuyệt đối”. Nghe thật chí lý, nhưng những lời chí lý ấy không thỏa mãn ngay tác giả của chúng. Tinh thần bất an thường hằng nơi Soloviev, bị ám ảnh bởi sức mạnh và sự hiện diện khắp nơi của cái ác, tiếp tục đào sâu tìm kiếm những cội rễ bí ẩn của nó. Và đã tìm thấy ở ngay trong Thượng Đế ( các nhà nghiên cứu cho rằng với sự trợ giúp của những nhà thần học phi chính thống như Bohme, Schelling). Từ cổ xưa, trong các học thuyết siêu hình, cái ác với cái hỗn mang vẫn được xem là anh em sinh đôi. Tâm niệm điều đó, Soloviev viết trong phần thần học của sách Nước Nga và Hội Thánh toàn thế giới (1888): “Khả năng của kiểu tồn tại hỗn mang, muôn thuở tiềm ẩn trong Thượng Đế, muôn thuở bị đè nén bởi sức mạnh của Ngài, bị lên án bởi chân lý của Ngài và bị tiêu diệt bởi tính chí thiện của ngài. Nhưng Thượng Đế yêu hỗn mang trong hư không của nó, và Ngài muốn cho nó tồn tại, bởi vì ngài sẽ đưa được nó trở về với thể thống nhất. Cho nên Ngài cho hỗn mang được tự do”, “đánh thức nó trong linh hồn thế giới”. Linh hồn thế giới trở thành chiến trường thường trực giữa hỗn mang và Minh Triết (Sophia) của Thượng Đế, từ nay được Soloviev tách biệt khỏi cái linh hồn ấy. Cuộc giao tranh đầy kịch tính ấy, với những cuộc phục thù thâm hiểm của hỗn mang sau mỗi thắng lợi của Minh Triết thần thánh tổ chức hoàn vũ được Soloviev mô tả với sức hấp dẫn phi thường trong bài viết Cái đẹp trong thiên nhiên (1898) - áng văn triết học tự nhiên này thường được so sánh với tác phẩm trứ danh Tiến hoá sáng tạo (évolution créatrice) của Bergson xuất hiện hai thập niên sau nó. Càng về cuối đời, Soloviev càng cảm nhận nhạy bén sức mạnh của cái hỗn mang ấy. Trong tiểu luận về thơ Tiutchev ông viết: “Hỗn mang, tức là cái vô biên vô tận phản diện, cái vực thẳm không đáy của mọi sự cuồng điên và dị quái, là những cơn phiến loạn của ác quỷ nổi dậy chống lại tất cả những gì là chính diện và phải tồn tại - đấy là bản chất sâu kín nhất của linh hồn vũ trụ và nền móng của toà nhà hoàn vũ”. Sống trong linh hồn hoàn vũ, hỗn mang sống trong linh hồn từng người, linh hồn toàn nhân loại, và kết cục của cuộc vật lộn của nó với bản nguyên tươi sáng ở đây là khó lường. Đưa yếu tố nhị nguyên vào Thượng Đế chí tôn, Soloviev rõ ràng rời xa giáo lý của đạo Kitô và xích lại gần với quan niệm về thần linh trong nhiều nền tôn giáo khác của nhân loại. Đồng thời, thụ cảm nhạy sắc cuộc đấu tranh thường hằng, không phân thắng bại giữa bản nguyên tối và bản nguyên sáng trong vũ trụ cũng như trong tâm hồn con người, nhà tư tưởng cổ điển Nga trở nên gần gũi hơn với cảm thức cuộc sống của con người ngày nay. Trở lại với triết thuyết về quá trình hoàn vũ của Soloviev, ta thấy ông hình dung nó như là quá trình linh hồn thế giới trở về với Thượng Đế, tái hoà nhập vào thể nhất thống chính diện của Ngài. Trong quá trình ấy bản nguyên thần thánh ngày một liên kết chặt chẽ hơn với linh hồn thế giới, chiến thắng vật chất hỗn mang, dẫn đưa nó vào những hình thái ngày một hoàn hảo hơn và cuối cùng vào hình thái hoàn hảo nhất - con người. ở trong con người, linh hồn thế giới lần đầu tiên (sau cuộc sa ngã tội lỗi của mình) thu nhận được ý thức và tái nhập một cách hữu thức với trí tuệ của Thượng Đế, khôi phục quan hệ nội tại với ngài. Trong thực tế chỉ là một trong rất nhiều sinh thể của giới tự nhiên, con người trong ý thức của mình có năng lực nhận thức quan hệ nội tại và ý nghĩa của tất cả những gì tồn tại; là thể đơn nhất, trong ý tưởng nó là một-và- tất-cả và theo nghĩa ấy là hình ảnh và thể tương đồng với Thượng Đế. “Trong con người, cái tự nhiên trở nên to lớn hơn mình và chuyển di (trong ý thức) vào lĩnh vực tồn tại tuyệt đối”. Trong sinh linh con người, Soloviev phân biệt ba nguyên lý tồn tại. Là một sinh thể tự nhiên mang trong mình tất cả những yếu tố vật chất gắn bó nó với thế giới tự nhiên, con người đồng thời trong ý tưởng có ý thức về tính nhất thể của vạn vật, ý thức ấy gắn nối nó với Thượng Đế; song ngoài quan hệ với giới tự nhiên và với Thượng Đế, con người còn là ngã thể tự do, có khả năng tự quyết thế này hay thế khác, ngả về mặt này hay mặt khác của sinh linh mình, khẳng định mình trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác.
Tài liệu liên quan