Giảng dạy và nghiên cứu Mỹ học tại ngôi trường 60 năm tuổi

Tóm tắt Trường Đại học Văn hoá Hà Nội (tiền thân là Trường Lý luận và Nghiệp vụ) là cơ sở đào tạo đầu tiên ở Việt Nam xây dựng được một tổ bộ môn đảm nhiệm việc bồi dưỡng lý luận mỹ học cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá. Mỹ học cũng là một trong số ít bộ môn hình thành sớm nhất của Trường. 56 năm qua, các thế hệ giảng viên bộ môn đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp đào tạo cũng như quá trình trưởng thành của khoa học non trẻ này ở nước ta.

pdf5 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 137 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giảng dạy và nghiên cứu Mỹ học tại ngôi trường 60 năm tuổi, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
38 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA Số 27 - Tháng 3 - 2019 GIẢNG DẠY VÀ NGHIÊN CỨU MỸ HỌC TẠI NGÔI TRƯỜNG 60 NĂM TUỔI NGUYỄN HỒNG MAI Tóm tắt Trường Đại học Văn hoá Hà Nội (tiền thân là Trường Lý luận và Nghiệp vụ) là cơ sở đào tạo đầu tiên ở Việt Nam xây dựng được một tổ bộ môn đảm nhiệm việc bồi dưỡng lý luận mỹ học cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá. Mỹ học cũng là một trong số ít bộ môn hình thành sớm nhất của Trường. 56 năm qua, các thế hệ giảng viên bộ môn đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp đào tạo cũng như quá trình trưởng thành của khoa học non trẻ này ở nước ta. Từ khóa: Đại học Văn hóa Hà Nội, mỹ học Abstract Hanoi University of Culture (formerly the School of Theory and Professional Skills) is the first training institution in Vietnam which could organize a unit in charge of improving aesthetic theory for cadres working in the cultural field. Aesthetic was also one of the few earliest academic majors in the university. In the past 56 years, generations of lecturers have contributed positively to the education cause as well as the maturing process of this young science in our nation. Key words: Hanoi University of Culture, aesthetic 1. Trong hệ thống các khoa học triết học, mỹ học là một khoa học non trẻ. Mặc dù, một vài vấn đề xoay quanh chủ đề “thẩm mỹ” đã được bàn thảo ngay trong nền văn hoá cổ đại - từ Đông sang Tây, từ Khổng Tử, Lão Tử đến Palaông, Arixtốt, nhưng giới nghiên cứu thống nhất quan điểm: đến giữa thế kỷ XVIII, với công trình hai tập Aesthetik của nhà triết học người Đức là Baumgacten, mỹ học mới thực sự trở thành một khoa học độc lập. Ở Việt Nam, việc giảng dạy và nghiên cứu mỹ học còn muộn hơn, nó chỉ chính thức được vận hành vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Đáng chú ý, dấu ấn hình thành khoa học này gắn liền với sự ra đời của ngôi trường mang tên Lý luận và Nghiệp vụ, Bộ Văn hoá - tiền thân của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội hiện nay. Mỹ học là một trong số ít bộ môn lý luận được xây dựng trong giai đoạn đầu thành lập trường. Việc đổi tên Trường Cán bộ văn hoá thành Trường Lý luận và Nghiệp vụ (1961) cho thấy sự phát triển trong nhận thức của các cấp lãnh đạo Bộ và Trường. Bên cạnh việc xúc tiến thành lập các khoa chuyên ngành (mở đầu là Khoa Thư viện với lớp Cao đẳng hệ bốn năm), yêu cầu trang bị nền móng lý luận cơ bản cho đội ngũ cán bộ văn hoá trở nên cấp bách, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Lê Liêm giao nhiệm vụ cho Trường gấp rút xây dựng các bộ môn lý luận, trước hết là triết học và mỹ học. Bộ Văn hoá mời chuyên gia Liên Xô Iakovlép sang giảng dạy khoá Nghiên cứu sinh Mỹ học đầu tiên (từ 12/1962 đến 7/1963). Sau khoá tập huấn này, tháng 8/1963 bộ môn Mỹ học chính thức ra đời. Thời điểm ấy, đây là ngôi trường đầu tiên ở nước ta có bộ môn Mỹ học. (Sau đó vài năm, năm 1965, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đưa một phần kiến thức mỹ học vào giảng dạy. Đó là phần “Các phạm trù mỹ học”, dựa trên cuốn sách cùng tên của tác giả Bôrép, do GS. Hoàng Xuân Nhị dịch). Đội ngũ cán bộ giảng dạy đầu tiên của bộ môn được tập hợp từ nhiều nguồn: ngoài thầy Lê Hồng Nam - nguyên là cán bộ tuyên huấn (Tổ trưởng bộ môn), còn có nhà báo Vũ Lân và một số cán bộ mới tốt nghiệp từ các trường đại học trong và ngoài nước như: thầy Tạ Văn 39Số 27 - Tháng 3 - 2019 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA Số chuyên đề Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường ĐHVHHN Thành (Sử học), Nguyễn Văn Tước, tức Hoài Lam (Báo chí), Phạm Đình Khánh (Nghệ thuật học), Hà Huy Bính (Văn học)... Thế hệ các thầy đã đặt nền móng cho công việc giảng dạy và nghiên cứu mỹ học của nhà trường nói riêng cũng như ở Việt Nam nói chung1. Tiếp theo, bộ môn có thêm thế hệ giảng viên thứ hai tiếp tục công việc từ những năm 70 cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, đó là các thầy cô: Nguyễn Hồng Mai, Đặng Hồng Chương, Lê Như Tâm và Vũ Thuý Minh. Hiện nay, công việc giảng dạy mỹ học của trường do thế hệ thứ ba là TS. Vũ Thanh Hoài đảm nhiệm với sự cộng tác của TS. Đặng Hà Chi. Điểm chung của cả ba thế hệ giảng viên là không có ai được đào tạo chính quy đúng chuyên ngành Mỹ học, nhưng bằng lòng đam mê đối với môn khoa học mới, bằng quá trình lao động nghiêm túc, không ngừng nỗ lực tự học và nghiên cứu, kiên trì rèn luyện trong thực tiễn, họ đều đã hoàn thành tốt công việc của mình, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ văn hoá. Một số người đã được Đảng và Nhà nước trao tặng những danh hiệu cao quý2. Trong gần sáu thập kỷ qua, các giảng viên bộ môn đã giảng dạy, truyền bá kiến thức mỹ học cho hàng vạn học viên, sinh viên thuộc tất cả các chuyên ngành nghiệp vụ văn hoá, thuộc các cấp học (bồi dưỡng, trung cấp, cao đẳng, đại học và một số lớp cao học), thuộc mọi hệ đào tạo (chính quy, chuyên tu, tại chức). Ngoài ra, trong mấy thập niên đầu, khi lực lượng giảng viên mỹ học còn rất mỏng, giảng viên bộ môn đã tham gia giảng dạy nhiều đơn vị đào tạo trong và ngoài ngành Văn hoá, không chỉ ở Trung ương mà còn các trường trung cấp địa phương. Trong các lớp học do Trường trực tiếp tổ chức và quản lý, đáng chú ý có loại hình lớp “Chuyên tu Triết Mỹ”. Học viên lớp này chỉ học hai môn kết hợp với đi thực tế địa phương và trao đổi nghệ thuật. Đối tượng chiêu sinh của khoá học bao gồm cán bộ quản lý văn hoá cấp vụ, viện, trưởng phó sở, ty văn hoá các tỉnh và lực lượng văn nghệ sĩ (trong số đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ Quốc Hương, các diễn viên điện ảnh Phi Nga, Đức Hoàn, Đức Lưu). Ngay cả trong thời kỳ chiến tranh phá hoại, trường đi sơ tán ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang), loại hình lớp này vẫn được duy trì đều đặn. Ở giai đoạn ấy, chứng chỉ “Chuyên tu Triết Mỹ” được coi như một văn bằng hành nghề của nhóm đối tượng này. Sang đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Mỹ học là một trong ba môn lý luận cốt lõi (cùng Triết học và Lý luận văn hoá) được lãnh đạo Bộ đưa vào chương trình thí điểm đào tạo Cao học Văn hoá (khoá 2 năm). Cùng thời gian ấy, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cũng chọn Mỹ học là một trong các môn tuyển thí sinh đi học Nghiên cứu sinh các ngành Văn hoá - Nghệ thuật ở nước ngoài và giảng viên của bộ môn được mời bồi dưỡng kiến thức để thi tuyển. Như vậy, xét về mặt đào tạo, đóng góp của các giảng viên mỹ học Trường Đại học Văn hóa Hà Nội rất đáng được ghi nhận. Bên cạnh công việc đào tạo, trong hai thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước, Trường Lý luận và Nghiệp vụ, với nòng cốt là bộ môn Mỹ học, đã trở thành một trung tâm của các cuộc hội thảo nghiên cứu về đời sống thẩm mỹ dân tộc. Các hội thảo đều thu hút được rất nhiều sự quan tâm của giới khoa học trong nước. Có thể nhắc tới sự tham gia thường xuyên của GS. Vũ Khiêu và nhiều nhà khoa học tên tuổi như Đỗ Huy, Như Thiết, Trần Y Minh, Lê Anh Trà, Lê Ngọc Trà, Lâm Vinh, Mịch Quang Trong tình hình thực tiễn đất nước vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mỗi cuộc hội thảo đều đặt ra những vấn đề lý thuyết mới mẻ, được bàn thảo sôi nổi. Có thể nhắc lại một vài ví dụ. Cuộc hội thảo về Cái Anh Hùng nêu lên câu hỏi: “Liệu Cái Anh Hùng có phải là một phạm trù mỹ học cơ bản bên cạnh Cái Cao cả - một phạm trù có tính truyền thống?”, hay “Cái Anh Hùng là phạm trù đạo đức học hay phạm trù Mỹ học?”. Trong hội thảo về Cái Bi có ý kiến băn khoăn: “Trong xã hội chủ nghĩa có thể tiềm ẩn những nguyên nhân tạo ra Cái Bi không?”, hay “Những đặc trưng tốt đẹp của xã hội mới có khả năng kiềm chế tác nhân nảy sinh Cái Bi như thế nào?”. Bàn về phương pháp sáng tạo nghệ thuật hiện đại, hội thảo về “Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” cũng đặt ra những vấn đề tranh cãi Đến giai đoạn hiện nay, việc trả lời cho những câu hỏi ấy có thể thấy đơn giản, nhưng ở thời điểm ấy, không khí trao đổi học thuật khá sôi nổi đã có ý nghĩa thực sự quan trọng trong việc hoàn chỉnh về mặt lý luận cho một khoa học còn non trẻ. Mặt khác, việc đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo khoa học này cũng góp phần nâng cao vị thế của nhà trường trong xã hội. Ngoài việc tham gia tích cực các hội thảo của trường hay của các trung tâm nghiên cứu 40 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA Số 27 - Tháng 3 - 2019 khác, các giảng viên bộ môn còn tham gia viết sách tham khảo, dịch thuật các tài liệu chuyên đề phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy3. Sau những tập bài giảng in ronéo từ những năm 90, các giáo trình đã được biên soạn, bổ sung hoàn thiện qua từng năm. Đến nay, bộ môn đã có ba cuốn giáo trình xuất bản vào các năm 1991, 1995 và 2004. 2. Dựa vào các giáo trình được công bố làm nền tảng cho công việc đào tạo, trên cơ sở so sánh với giáo trình của một số trường đại học khác, có thể nhận thấy sự phát triển ngày càng hoàn thiện về mặt lý thuyết của khoa học Mỹ học đang được giảng dạy trong trường. Có thể đưa ra một vài dẫn chứng: Nhận thấy tính phiến diện của quan niệm “Mỹ học là khoa học về cái đẹp”, các nhà mỹ học Việt Nam đều cố gắng tìm một thuật ngữ khác có khả năng bao quát rộng hơn đối tượng nghiên cứu. Một số người đưa ra thuật ngữ “Cái thẩm mỹ” (bao gồm ba bộ phận: cái thẩm mỹ khách quan, cái thẩm mỹ chủ quan và cái thẩm mỹ nghệ thuật) (1, tr.69-70). Tuy nhiên, tính mơ hồ của thuật ngữ khiến nhiều người băn khoăn. Từ giáo trình năm 1991, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã đưa ra khái niệm “Đời sống thẩm mỹ” với ý nghĩa là mặt thẩm mỹ của đời sống xã hội hay đời sống xã hội dưới góc độ thẩm mỹ. Từ đó, “Những quy luật cơ bản và phổ quát nhất của đời sống thẩm mỹ” được coi như đối tượng nghiên cứu của khoa học này. Sau đó, thuật ngữ “Đời sống thẩm mỹ” cũng được giáo trình của một vài trường đại học sử dụng. Tuy nhiên, cấu trúc của “Đời sống thẩm mỹ” được lý giải thiếu hợp lý. Ví như quan điểm cho rằng đời sống thẩm mỹ (hay quan hệ thẩm mỹ) gồm ba bộ phận: Khách thể thẩm mỹ, chủ thể thẩm mỹ và nghệ thuật (2, tr.8). Việc đặt nghệ thuật ngang hàng với hai thành tố kia khiến cấu trúc của đời sống thẩm mỹ trở nên lỏng lẻo. Nhận thấy hạn chế này, trong giáo trình xuất bản năm 2004, bộ môn đề xuất phương pháp tiếp cận hệ thống trong đối tượng nghiên cứu, xây dựng một cấu trúc khoa học chặt chẽ hơn. Đời sống thẩm mỹ của con người được hình dung có hai cấp độ và bốn bình diện. Hai cấp độ gồm cấp độ phổ quát (Quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực) và cấp độ đặc thù (Nghệ thuật - hình thái biểu hiện tập trung, điển hình của các mối quan hệ thẩm mỹ). Ở mỗi cấp độ, các thành tố được trình bày theo nguyên tắc Nguyên - Phân - Hợp (Sơ đồ 1). Tương quan giữa các thành tố thuộc hai cấp độ đều theo cặp phổ quát và đặc thù: Quan hệ thẩm mỹ và quan hệ nghệ thuật; Chủ thể thẩm mỹ và chủ thể hoạt động nghệ thuật; Khách thể thẩm mỹ và khách thể - tác phẩm nghệ thuật; Giá trị thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật. Chúng đồng dạng, đồng loại, đồng chất, nhưng không đồng cấp. Mỗi cấp độ của đời sống thẩm mỹ bao quát trên bốn bình diện (Sơ đồ 2). Cần nói thêm về bình diện thứ tư của đời sống thẩm mỹ, có liên quan trực tiếp tới công việc đào tạo đội ngũ cán bộ văn hoá. Bình diện này được giáo trình đề cập đến xuất phát từ quan niệm: sự hình thành và phát triển các năng lực thẩm mỹ cũng như hiệu quả của hoạt động sáng tạo và cảm thụ thẩm mỹ (nghệ thuật) còn phụ thuộc vào cơ cấu và khả năng điều hành thực tiễn của hệ thống lãnh đạo quản lý phân phối và truyền bá các giá trị thẩm mỹ. Hệ thống này luôn có mối tương tác, giữ vai trò thúc đẩy hoặc kìm nén sự phát triển của các thành tố khác. Các thiết chế văn hoá nằm trong hệ thống cũng có mối liên hệ và vai trò tương tự. Coi nhẹ hoặc loại bỏ bất kỳ thành tố nào cũng sẽ ảnh hưởng tới các thành tố còn lại. Ví dụ, chỉ khi các cơ quan nghiên cứu hoạt động có hiệu quả thì các cấp lãnh đạo mới được cung cấp cơ sở khoa học vững chắc để xây dựng đường lối, chính sách, các bộ phận quản lý mới am hiểu rõ đối tượng và điều hành đúng quy luật. Nếu các cơ quan có trách nhiệm như Bộ Văn hoá, các hội nghệ thuật, các thiết chế văn hoá (nhà xuất bản, nhà in, nhà văn hoá, thư viện, bảo tàng, triển lãm, phát hành sách, phát hành phim,) kể cả hệ thống xét duyệt khen thưởng, quỹ bảo trợ sáng tạo, được tổ chức tốt, đúng với vai trò chức năng của mình thì đời sống thẩm mỹ của dân tộc mới phát triển bền vững, toàn diện, hình thành được các sản phẩm thẩm mỹ có giá trị cao. Có thể thấy, việc quan tâm đến tính chất đặc thù của các ngành đào tạo tại Trường Đại học Văn hoá Hà Nội đã tạo nên sự khác biệt trong giáo trình Mỹ học của trường so với giáo trình của một số cơ sở đào tạo khác. 41Số 27 - Tháng 3 - 2019 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA Số chuyên đề Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường ĐHVHHN 3. Có một câu hỏi được đặt ra: Lý do nào đã đưa đến việc ngôi trường đào tạo cán bộ văn hoá lại là đơn vị đầu tiên ở nước ta thành lập tổ bộ môn Mỹ học và tại sao mỹ học có vai trò của một khoa học cơ sở mà mọi cấp học đào tạo cán bộ văn hoá bắt buộc tiếp cận? Câu trả lời được tìm kiếm từ Bản chất của văn hoá cũng như Đối tượng nghiên cứu của Mỹ học. Theo từ nguyên, Văn hoá là “sự biến đổi cho đẹp” và Quản lý văn hoá mang nội hàm “Quản lý quá trình con người hoạt động đồng hoá thẩm mỹ đối với thế giới”. Trong tác phẩm “Bản thảo kinh tế triết học 1844”, khi so sánh giữa người và động vật, C. Mác có lưu ý tới điểm phân biệt rõ nhất đó là “con người luôn luôn nhào nặn vật chất theo Quy luật của cái Đẹp”. Sau này, nhà văn Nga Mácxim Goócki còn nhấn mạnh thêm: Dù ở đâu và bằng bất cứ cách nào, con người cũng luôn luôn mong muốn đưa cái đẹp vào cuộc sống. Con người tạo ra xung quanh mình một cái tự nhiên thứ hai, đó là Văn hoá. Chúng ta có thể nhận thấy tính chất phổ quát, tiêu biểu và nổi trội của khía cạnh thẩm mỹ trong mọi hoạt động văn hoá, mọi hiện tượng văn hoá. “Tuy văn hoá liên quan đến tất cả các chiều của cuộc sống, nhưng văn hoá thẩm mỹ luôn là trung tâm của mọi nền văn hoá. Văn hoá luôn là văn hoá thẩm mỹ” (3, tr.153). Còn Mỹ học, như đã nói ở phần trên, là một trong những khoa học triết học có hướng nghiên cứu là những quy luật cơ bản và phổ quát nhất của đời sống thẩm mỹ. Trong các lĩnh vực của đời sống đều có thể tồn tại mặt thẩm mỹ, hay nói cách khác, mặt thẩm mỹ mang tính chất đại diện, bao quát, thẩm thấu vào trong mọi Giá trị NT Chủ thể hoạt động NT Khách thể, tác phẩm NT Quan hệ NT Giá trị TM Quan hệ TM Chủ thể TM Khách thể TM ĐỜI SỐNG THẨM MỸ Cấp độ đặc thù Cấp độ phổ quát Sơ đồ 1. Các cấp độ của đời sống thẩm mỹ Sơ đồ 2. Các bình diện của đời sống thẩm mỹ 42 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA Số 27 - Tháng 3 - 2019 bình diện của tự nhiên, xã hội (chính trị, kinh tế, đạo đức, lối sống,). Trong quá trình chiếm lĩnh thế giới về mặt thẩm mỹ, con người sẽ khám phá và sáng tạo ngày càng nhiều các giá trị thẩm mỹ cho chính mình và thế giới xung quanh. Với đối tượng nghiên cứu này, Mỹ học gần gũi với người học - vừa với tư cách cá nhân có khả năng sáng tạo và cảm thụ thẩm mỹ, vừa với tư cách người cán bộ văn hoá là “cầu nối” giữa hoạt động sáng tạo và hoạt động cảm thụ đang diễn ra trong xã hội. Trong một thời gian dài, Mỹ học cùng với Lý luận văn hoá (bộ môn này được Trường thành lập vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước) luôn được coi là hai khoa học cơ sở, nền tảng của ngành Văn hoá. Tuy nhiên, trong vòng hai thập kỷ gần đây, vai trò của bộ môn Mỹ học trong chương trình đào tạo của Trường đã thay đổi. Về mặt tổ chức, từ một bộ môn khoa học độc lập trực thuộc sự quản lý của Ban Giám hiệu, Mỹ học được nhập thành bộ môn của Khoa Mác Lênin vào năm 1998, và đến nay, nó chỉ còn là một môn học nằm trong tổ các khoa học cơ bản thuộc Khoa Kiến thức cơ bản. Thời lượng, thời gian và lượng kiến thức giảng dạy của môn học này hiện chỉ bằng một phần ba thời lượng ở giai đoạn trước những năm 90. Lần thay đổi đầu tiên xuất hiện sau khi Bộ Đại học công bố khung 7 chương trình đào tạo và Trường Đại học Văn hoá Hà Nội nằm ở nhóm khoa học nhân văn (khung chương trình 6) với yêu cầu các khoa đào tạo ngành nhân văn đều học môn Mỹ học. Từ đó, số trường có bộ môn Mỹ học tăng lên (3 đơn vị học trình) kèm theo việc tổ chức biên soạn giáo trình riêng. Môn học này ở Trường Đại học Văn hoá Hà Nội vốn từ 90 tiết, giờ đây giảm đi một nửa, ngang bằng với môn học của các trường ngoài ngành Văn hoá. Sau này, do kiến nghị của bộ môn, học phần Mỹ học nghệ thuật (2 đơn vị học trình) được bổ sung vào chương trình đào tạo của Khoa Quản lý văn hoá - nghệ thuật. Lần thay đổi thứ hai thuộc giai đoạn đào tạo tín chỉ. Lúc này, Mỹ học hoàn toàn bị bỏ qua tính chất đặc thù là môn học cơ sở của ngành, thời lượng rút xuống còn 2 tín chỉ (30 tiết). Với khối lượng thời gian trên lớp ít ỏi, người dạy chỉ có thể đề cập khái quát những nguyên lý cơ bản, nhiều phần chỉ lướt qua (ví dụ Lịch sử tư tưởng), đặc biệt những phần liên quan đến nghề nghiệp của người cán bộ văn hoá bị loại bỏ. Điều kiện thực tế này không khuyến khích giảng viên đi sâu tìm hiểu nghiên cứu những vấn đề đang nảy sinh, đang nổi cộm trong đời sống thẩm mỹ của dân tộc. Kết luận 60 năm khai sinh một mái trường và 56 năm hình thành một bộ môn, tuy không quá dài, nhưng những gì các thế hệ giảng viên mỹ học đã đóng góp cho sự nghiệp đào tạo cán bộ văn hoá trên đất nước này không phải nhỏ. Khát vọng “Xây dựng một Đời sống thẩm mỹ dân tộc ngày càng toàn diện và sâu sắc” đã được họ nhen nhóm trong ý thức của những người làm công tác quản lý văn hoá - nghệ thuật nhiều năm qua là một động lực quan trọng giúp đội ngũ này hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trước xã hội, thực sự là những chủ thể giữ vai trò định hướng đời sống thẩm mỹ. N.H.M (NGƯT., Nguyên giảng viên Khoa Kiến thức cơ bản, Trường ĐHVHHN) Chú thích 1 Thế hệ các giảng viên đầu tiên chỉ còn lại PGS.TS. Tạ Văn Thành. Hiện ông đang tham gia cộng tác tại Trường Đại học Hùng Vương, Tp. Hồ Chí Minh. 2 Giảng viên Nguyễn Văn Tước (tức Hoài Lam) là người đầu tiên của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội được phong Phó giáo sư năm 1983, giảng viên Nguyễn Hồng Mai được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1997. 3 Một số công trình đã được xuất bản như: - Hoài Lam (1987), Tìm hiểu Mỹ học Mác Lênin, Nxb. Văn hoá, Hà Nội. - Hoài Lam (1991), Về biện chứng của đời sống thẩm mỹ và nghệ thuật, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Văn Huyên (chủ biên) (2004), Giáo trình Mỹ học đại cương, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2. Đỗ Văn Khang (chủ biên) (1997), Mỹ học đại cương, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 3. Viện Văn hóa (1986), Khái niệm và quan niệm về văn hoá, Hà Nội. Ngày nhận bài: 10 - 11 - 2018 Ngày phản biện, đánh giá: 16 - 2 - 2019 Ngày chấp nhận đăng: 20 - 3 - 2019