Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Franz Kafka

Tóm tắt. Đối với Franz Kafka, ngay từ khi mới xuất hiện trên văn đàn, ông đã mang đến cho văn chương một giọng điệu khác lạ. Trong sáng tác của Kafka nói chung và trong truyện ngắn nói riêng, độc giả vẫn thấy xuất hiện nhiều giọng điệu trần thuật. Bên cạnh giọng điệu khách quan, lạnh lùng là chủ đạo, người đọc còn nhân thấy có giọng điệu hài hước – bi đát, giọng điệu triết lí, giọng điệu cảm xúc, giọng điệu hoài nghi tra vấn, giọng điệu tòa án căng thẳng. Những giọng điệu ấy đan xen hòa quyện với nhau tạo nên tính chất đa thanh trong truyện ngắn Kafka

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 240 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Franz Kafka, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 2, pp. 51-57 GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN FRANZ KAFKA Đoàn Thị Việt Nga Trường Cao đẳng Hải Dương E-mail: vietnga19841982@gmail.com Tóm tắt. Đối với Franz Kafka, ngay từ khi mới xuất hiện trên văn đàn, ông đã mang đến cho văn chương một giọng điệu khác lạ. Trong sáng tác của Kafka nói chung và trong truyện ngắn nói riêng, độc giả vẫn thấy xuất hiện nhiều giọng điệu trần thuật. Bên cạnh giọng điệu khách quan, lạnh lùng là chủ đạo, người đọc còn nhân thấy có giọng điệu hài hước – bi đát, giọng điệu triết lí, giọng điệu cảm xúc, giọng điệu hoài nghi tra vấn, giọng điệu tòa án căng thẳng... Những giọng điệu ấy đan xen hòa quyện với nhau tạo nên tính chất đa thanh trong truyện ngắn Kafka. Từ khóa: Kafka, giọng điệu, hài hước, bi đát, triết lí, cảm xúc, hoài nghi... 1. Mở đầu Trong sáng tác văn học, việc tạo ra trong tác phẩm của mình một môi trường giọng điệu vừa phong phú, vừa độc đáo là thước đo quan trọng đánh giá tài năng của nhà văn. Những nhà văn tài năng thường tạo nên trong sáng tác của mình một hệ thống giọng điệu, một môi trường giọng điệu. Trong những truyện ngắn của mình, Kafka đã có sự đổi mới trong giọng điệu trần thuật. Ông đã tạo ra một không khí riêng pha trộn giữa day dứt với thờ ơ, lạnh lùng với chua chát, hài hước, mỉa mai, giễu cợt lẫn bi đát. . . 2. Nội dung nghiên cứu Sự đan xen, hòa trộn giữa các giọng điệu trần thuật với giọng khách quan, lạnh lùng là chủ đạo thể hiện cách nhìn cuộc đời mới mẻ của Kafka. Có lẽ chính vì điều này mà lúc đầu, công chúng không dễ dàng chấp nhận ông. Bởi độc giả không thể quen được với giọng văn quá lạnh lùng, triệt tiêu hầu hết những dấu hiệu của cảm xúc. Chỉ đến sau này, khi suy ngẫm lại những gì Kafka đã viết, người ta mới thấy nó đúng với bản chất của thế giới hiện đại. Kafka vì thế được coi như là một trong những nhà văn đi tiên phong trong việc trung hòa hóa giọng điệu văn học. 2.1. Giọng điệu khách quan, lạnh lùng Đây là giọng điệu chủ đạo trong hầu hết các truyện ngắn của Kafka. Đọc truyện ngắn của ông, độc giả sẽ thấy rõ một giọng điệu thản nhiên đến lạnh lùng khi tác giả 51 Đoàn Thị Việt Nga nói về một sự việc nào đó. Đây là giọng điệu chủ đạo trong hầu hết các truyện ngắn của Kafka. Chẳng hạn như việc hóa thành côn trùng của Gregor Samsa: Một sáng tỉnh giấc băn khoăn, Gregor Samsa nằm trên giường thấy mình biến thành một côn trùng khổng lồ. Lưng anh rắn như thể được bọc kín bằng giáp sắt, anh nằm ngửa dợm nhấc đầu lên và nhìn thấy bụngmình khum tròn, nâu bóng, phân chia làm nhiều đốt cong cứng đờ. . . [7;15]. Hay việc người thầy thuốc nông thôn bỗng chốc bị quăng lên giường như một bệnh nhân, bị lột sạch quần áo, trong khi những người xung quanh hát vang: Hãy lột sạch quần áo hắn ra, rồi thì hắn sẽ chữa được bệnh Nếu hắn không chữa được, hãy cho hắn chết tươi! Hắn là một thầy thuốc mà, hắn là một thầy thuốc mà [7;786]. Tường thuật một việc kinh khủng như hành quyết phạm nhân dưới hoạt động của cái máy chém diễn ra như thế nào, vẫn là giọng điệu lạnh lùng vô âm sắc ấy: "Chiếc bừa bắt đầu viết đấy; khi nào nó viết xong hàng chữ đầu tiên trên lưng phạm nhân thì lớp bông sẽ xoắn lại và từ từ làm cho thân thể phạm nhân lăn sang một bên để phơi bày một mảng da mới cho chiếc bừa viết tiếp. Trong khi đó, những chỗ bị thương do đợt viết đầu tiên sẽ tiếp xúc với lớp bông để cho lớp bông làm cầm máu và chuẩn bị cho đợt viết tiếp sâu hơn (...) Sau đó chiếc bừa sẽ xuyên thủng toàn thân anh ta và quăng anh ta xuống hố, để cho anh ta nằm bập bềnh trong vũng nước pha lẫn máu và bông" [7;707-708]. Với lối hành hình phạm nhân dã man tàn bạo như thời trung cổ này, chỉ cần đọc những trang văn trên không ai trong chúng ta không khỏi rùng mình kinh sợ. Vậy mà Kafka vẫn miêu tả một cách tỉ mỉ, kĩ càng từng bước hành hình đến khi phạm nhân chết với một giọng điệu lạnh lùng thản nhiên. Chúng ta không thể tìm thấy những từ ngữ biểu đạt cảm xúc ở trong những câu văn trên, những câu văn hoàn toàn triệt tiêu cảm xúc. Đối với bất cứ con người nào, cái chết luôn là một điều đáng buồn, mang lại nhiều cảm xúc xót xa tiếc nuối. Tuy nhiên, khi đọc truyện ngắn Kafka, người ta thấy cái chết đến như một lẽ tất nhiên, thậm chí khi biết mình phải chết, trong lúc tỉnh táo hay cả trong giấc mơ, nhân vật cả Kafka vẫn sẵn sàng đón nhận không hề phản kháng. Đó là do giọng điệu lạnh lùng vô âm sắc của Kafka khi nói về cái chết. Cái chết của Gregor Samsa (Hang ổ ), cái chết của Georg Bendermann (Lời tuyên án), cái chết của Josef K. (Giấc mơ), cái chết của nghệ sĩ nhịn ăn (Vô địch nhịn ăn), cái chết của nhân vật tôi (Người cưỡi xô). . . Tất cả đều gây ám ảnh cho người đọc về thân phận con người. Điều gì chờ đợi con người trong một xã hội đóng băng về tình cảm, về tâm hồn, khi mà sự phi lí luôn hiện hữu và buộc con người phải chấp nhận, khi mà sự cô đơn bất an bao vây con người tứ phía? Chỉ có cái chết luôn đón đợi họ. Có một sức mạnh huyền bí, khủng khiếp đã buộc nhân vật phải chết, cuốn hút nhân vật vào cái chết. Chính vì vậy cái chết đối với các nhân vật của Kafka như một ma lực, như một việc tất yếu thậm chí là một việc rất bình thường và nhanh chóng. Kafka vẫn với giọng điệu lạnh lùng, triệt tiêu cảm xúc, thậm chí tàn nhẫn khi nói về cái chết. Ban đầu người ta khó chấp nhận đọc văn Kafka là vì thế, nhiều người còn cho rằng nhà văn vô cảm, dửng dưng với con người. Tuy nhiên, trong sáng tác văn học, lạnh lùng là 52 Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Franz Kafka một điều không thể thiếu. Có lạnh lùng thì mới nhìn sự việc một cách thấu đáo, tỏ tường. Giọng điệu khách quan lạnh lùng là một chủ đích của Kafka thể hiện khuynh hướng phản ánh cuộc sống với tất cả những gì trần trụi, vốn có của nó. Kafka dường như cố gắng triệt tiêu cảm xúc để nhìn sự vật hiện tượng một cách khách quan nhất. Để đạt được giọng điệu khách quan lạnh lùng khi trần thuật, Kafka đã triệt tiêu trong truyện ngắn của mình các từ ngữ biểu đạt cảm xúc. Tần số xuất hiện các từ ngữ chỉ cảm xúc trong truyện ngắn của Kafka rất ít. Giọng điệu lạnh lùng chính là một phương tiện quan trọng trong việc bộc lộ tư tưởng chủ để của các truyện ngắn Kafka khi nói về thân phận của con người trong xã hội vô cảm về tình người. 2.2. Giọng điệu hài hước – bi đát Nếu nhiều nhà văn sử dụng giọng điệu hài hước để tạo ra tiếng cười sảng khoái nhằm vào đối tượng thì Kafka lại sử dụng giọng điệu hài hước thấm đẫm chất bi. Chính điều này đã làm nên một không khí riêng biệt trong các truyện ngắn của Kafka - không khí uymua đen. Cái hài của Kafka không phải là một câu chuyện hài hước. Tác phẩm của Kafka luôn luôn là sự kết hợp của cái hài hước và cái bi đát. Đọc truyện ngắn Kafka, người đọc có thể thấy một vấn đề xét thoáng qua tưởng như thật hài hước nhưng ẩn chứa bên trong đó là sự bi đát của thân phận con người. Và Kafka đã sử dụng giọng điệu hài hước - bi đát để thể hiện điều đó. Cái cười của Kafka là cái cười bi đát, đầy chua xót. Đó là cái cười hướng nội, cười ra nước mắt. Trong Vô địch nhịn ăn, giọng điệu hài hước - bi đát được thể hiện rõ tạo nên không khí vừa kệch cỡm vừa xót xa cho người nghệ sĩ nhịn ăn cùng với ước mơ khác người. Để gây được sự chú ý của công chúng, nghệ sĩ đã tự trưng bày mình trong cũi không khác gì một con thú trong gánh xiếc. Thời hạn tối đa cho việc nhịn đói được ấn định là bốn mươi ngày. Đến ngày thứ bốn mươi, cửa cũi nhốt người nghệ sĩ được kết hoa và mở ra, căn phong biểu diễn chật ních, một quân nhạc sẵn sàng cử hành bài hát mừng, hai cô gái may mắn nhất trong cuộc rút thăm sẽ giúp người nghệ sĩ bước ra khỏi cũi. Ở đây, sự hài hước mà bi đát thể hiện ngay trong cái trò biểu diễn quái dị và hệ quả của nó: trò nhịn đói, nó khiến cho thân hình người nghệ sĩ trở nên gầy tọp, nghệ sĩ bước đi không vững, khiến những người xung phong giúp nghệ sĩ bước ra khỏi cũi cũng trở nên tái xanh vì sợ. . . Bằng giọng điệu hài hước - bi đát khi viết về nghệ sĩ nhịn đói, Kafka đã cho thấy sự khác đời trong ước mơ của nghệ sĩ, cũng như xót xa cho nhân vật này. Phải chăng trong cuộc sống này, người ta chẳng còn gì để mà mơ uớc nữa, để mà sống cho đúng nghĩa, đến nỗi người ta phải mơ ước ngược đời, phải sống khác người thì mới cảm thấy cuộc sống này còn ý nghĩa? Thật xót xa cho thân phận con người! Trong truyện ngắn Kafka, cái hài hước - bi đát luôn là hai mặt của một vấn đề. Với giọng điệu hài hước - bi đát, Kafka muốn xoáy sâu vào sự tha hóa nhiều khi đến khủng khiếp của con người. Con người thời hiện đại bị tha hóa bởi tự đánh mất mình và trở thành người khác: trẻ con không có tâm hồn vì không nhận được sự quan tâm đúng mức của người lớn, bị những xô bồ của cuộc sống tác động (Nữ ca sĩ Giôdêphin hay là truyện kể về dân chuột); người ta thích thú, chen chúc nhau để việc xem phạm nhân bị hành hình, 53 Đoàn Thị Việt Nga thậm chí cho trẻ con ngồi ở hàng ghế đầu tiên để nhìn cho rõ (Trại lao cải); Sự tự do của con người thời đại này chỉ là trò bịp bợm không hơn không kém (Báo cáo gửi Viện Hàn lâm)... Đó là những tiếng cười hóm hỉnh mà trí tuệ, hài hước mà phủ định sâu cay. Đằng sau tiếng cười là sự chua chát, cái nhìn đầy bi kịch về con người và cuộc đời của Kafka. Tương lai của loài người rồi sẽ trôi về đâu khi xã hội đầy rẫy những tâm hồn dửng dưng vô cảm, không chút tình thương đồng loại, khi mà sự tự do của con người trở thành trò lừa dối tinh vi nhất? 2.3. Giọng điệu triết lí Đọc truyện ngắn Kafka, người đọc luôn nhận thấy một tâm hồn không hề thanh thản mà nặng trĩu suy tư về con người và cuộc sống. Chính điều này làm nên giọng điệu triết lí trong tác phẩm của nhà văn. Kafka luôn có khuynh hướng phát biểu bằng cách này hay cách khác những nhận xét, những suy tưởng có tính chất khái quát về cuộc đời và con người. Giọng văn triết lí có khi là của tác giả, có khi là của nhân vật, lúc lại xen kẽ giữa giọng tác giả và giọng nhân vật tạo nên những sắc điệu phong phú của giọng văn triết lí Kafka. Đó là triết lí về sự biến động của cuộc sống và con người trong những biến động ấy: "Cuộc sống của chúng ta luôn biến động không ngừng, hàng ngày đem lại cho chúng ta bao điều ngạc nhiên, lo lắng và hi vọng. Chúng ta cũng vấp phải không ít những điều hãi hùng kinh sợ, những khó khăn trở ngại mà chỉ một con người đơn độc thôi không sao vươt qua được, chỉ một con người lẻ loi thôi không sao chịu đụng nổi. Nhiều khi vai của hàng ngàn người đưa ra gánh vác lo lắng cho một con người" [7;734]; đó là một triết lí giản dị nhưng khái quát về sự hữu hạn của cuộc sống con người: "Cuộc đời ngắn ngủi đến kì lạ" [7;799]; đó cũng là triết lí về sự nhỏ bé của thế giới: Mỗi ngày cái thế giới này lại trở nên nhỏ bé hơn [8]; là triết lí về sự bấp bênh, không vững chãi của kiếp người: "Chúng ta giống như những thân cây vùi trong tuyết. Bề ngoài, chúng nằm trơ ra đó và một cú đẩy nhẹ cũng đủ làm chúng lăn tròn. Không, không làm vậy được đâu, bởi chúng gắn chặt vào mặt đất. Nhưng này, ngay cả điều ấy cũng chỉ là bề ngoài" [8]. Một trong những điều làm nên sức hấp dẫn của truyện ngắn Kafka chính là những triết lí có phần bi đát về thân phận con người, sự tha hóa của con người trong xã hội hiện đại. Con người vô cảm đến mức không còn chút rung động gì về nghệ thuật, không biết thưởng thức nghệ thuật. Ngay cả lớp trẻ, tương lai của xã hội mà tâm hồn cũng cằn cỗi, già nua: "Lớp trẻ của chúng tôi lớn lên rồi già đi trước tuổi. Sự chuyển đổi từ trẻ sang già ở nơi chúng tôi khác với những nơi khác. Chúng tôi không có tuổi thiếu niên. Từ trẻ thơ chúng tôi chuyển thẳng thành người lớn, tâm hồn và thân thể bị tàn héo vì những nỗi chán chường và tuyệt vọng. Chính vì thế chúng tối không biết thưởng thức âm nhạc" [7;739]. Vì thế cho nên con người tự khép mình vào riêng một thế giới, không tin vào ai, nói một cách khác là mất hẳn lòng tin vào đồng loại, vào thế giới xung quanh mình: Ta có thể tương đối dễ tin một người nào đó khi ngay lúc đó ta giám sát được anh ta; thậm chí ta cũng có thể dễ tin một người nào đó ở cách xa ta, nhưng nếu sống trong một cái hang sâu mà thực chất là một thế giới khác thì tôi cho rằng khó có thể tin vào một ai đó ở bên ngoài 54 Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Franz Kafka [7;670]. Tha hóa, mất niềm tin. . . đó là bức tranh đầy đủ về sự chấn thương trong tâm hồn của con người mà bằng cảm quan tinh tế, Kafka đã nâng lên thành những triết lí sâu xa. Ngoài ra, Kafka còn đưa ra những triết lí mới mẻ, khác lạ trong truyện ngắn của mình, điều đó cho thấy sự trăn trở, sáng tạo không ngừng của nhà văn. Theo Kafka, truyền thuyết là không thể giải thích. Trong truyện ngắn Prometheus, sau khi kể ra bốn truyền thuyết về Prometheus, Kafka kết luận: "Chỉ còn đó một khối đá không thể giải thích nổi. Truyền thuyết đã cố giải thích cái không thể giải thích. Bởi truyền thuyết bắt nguồn từ cơ sở của sự thật thế nên đến lượt mình, nó cũng phải kết thúc trong tình trạng không thể giải thích nổi vậy thôi" [8]. Truyền thuyết không thể giải thích nổi vì nó cố giải thích điều không thể giải thích. Cũng theo nhà văn, con người nhiều khi chuộng lí thuyết, lơ đãng thực hành. Con người cứ cố công tìm hiểu ý nghĩa những câu nói kinh điển của các nhà hiền triết mà không có ý thức vận dụng nó trong thực tế. Hiểu và làm theo, đó mới là điều quan trọng. Còn hiểu chỉ để hiểu rồi bỏ đấy thì rốt cuộc chẳng có nghĩa lí gì. Truyện ngắn Về những ẩn ngữ thể hiện rõ triết lí này. Qua những truyện ngắn của Kafka, chúng ta thấy nội dung triết lí của ông chủ yếu mang tính khái quát về cuộc đời, con người, về lòng tin, thái độ sống của con người. Giọng triết lí ấy được cất lên do sự trải nghiệm, trăn trở của một con người đầy suy tư trước những vấn đề thiết yếu của cuộc sống hiện đại. Ngoài những giọng điệu chủ yếu kể trên, trong truyện ngắn của Kafka ta còn bắt gặp những giọng điệu khác: giọng điệu tòa án căng thẳng, giọng điệu hoài nghi tra vấn, giọng điệu cảm xúc. . . 2.4. Giọng điệu tòa án Giọng điệu này xuất hiện khi một nhân vật của Kafka kết tội một nhân vật khác. Đó là những lời kết tội nặng nề vô căn cứ, cũng phi lí như cuộc đời. Từ đầu tiểu thuyết Vụ án, ta đã bắt gặp giọng điệu này khi hai kẻ lạ mặt bước vào phòng với một một dáng vẻ rất hình sự và tuyên bố với Joseph K. là anh đã bị bắt. Cũng như vậy, trong Lời tuyên án, ông bố với những lời nói tòa án đã kết tội đứa con trai tội nghiệp. Cha của Georg đã kết tội anh về những lỗi lầm không phải do anh gây ra, thật vô lí khi anh phải chịu trách nhiệm về cuộc sống không hạnh phúc, không thỏa mãn của những người xung quanh khi mà chính bản thân họ không có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Trước những lời nói chắc chắn như số mệnh ấy, Georg lại không hề phản đối, lại chấp nhận lời tuyên án cứ như có một thứ quyền lực vô hình bủa vây anh khiến anh không thể cưỡng lại “ma nước”. Gregor Samsa sau quyết định của tất cả các thành viên trong gia đình: Nó phải ra đi [7;65] cũng tự nhận thấy mình nên và phải biến mất [7;67] khỏi cuộc đời này. Giọng điệu tòa án với những lời buộc tội, những quyết định vô căn cứ và thiếu tình người đã tạo nên độ căng trong tác phẩm khiến không gian của nhân vật trở thành không gian tòa án. Những căn phòng tăm tối, ẩm thấp trở thành nơi xét xử, những ông bố là những quan tòa tối cao. Đặt giọng điệu tòa án này bên cạnh giọng điệu khách quan, lạnh lùng, thế giới nghệ thuật của Kafka dường như tách bạch, một bên là thế giới của tòa án và quyền lực, một bên là sự đón nhận bất lực hay hờ hững của con người. Giọng điệu tòa án chính là đầu mối tạo nên 55 Đoàn Thị Việt Nga đột biến cho truyện ngắn Kafka. Ngay sau những lời buộc tội, những quyết định, nhân vật bị quyết định thường phải tự tìm đến cái chết không chút phản kháng. 2.5. Giọng điệu hoài nghi, tra vấn Giọng điệu hoài nghi, tra vấn gắn với tinh thần muốn được lí giải. Giọng điệu này ở một góc độ nào đó là khúc xạ tâm lí thất vọng, là âm vang của một khủng hoảng xã hội. Truyện ngắn Hang ổ là một ví dụ tiêu biểu cho giọng điệu này. Con thú đào hang do luôn sống trong trạng thái nghi ngờ, mất lòng tin cho nên xuyên suốt câu chuyện, nó luôn đặt ra những câu hỏi đầy nghi ngờ: "Cái gì có thể là sự an toàn mà tôi quan sát thấy từ bên ngoài đây? Liệu tôi có thể dựa vào những kinh nghiệm ngoài cửa hang để đánh giá mối hiểm nguy trong hang không? Liệu kẻ thù của tôi đã tận dụng hết tài đánh hơi của chúng khi tôi còn ở ngoài hang không?" [7;666-667]... Sự hoài nghi gắn liền với sự đổ vỡ niềm tin và nhu cầu muốn đánh giá lại hiện thực. Con vât không tin vào sự an toàn của thế giới nên phải tự mình đào một cái hang kiên cố để ẩn nấp. Nhưng ngay cả trong cái pháo đài mà nó dày công xây dựng ấy, con thú vẫn luôn bị ám ảnh bởi kẻ thù rình rập và tấn công bất cứ lúc nào. Trong Chó sói và người Ả Rập, đàn sói - lực lượng đại diện cho tự nhiên lên tiếng tra vấn con người và đòi hỏi sự bình đẳng: "làm sao mà con người ta có thể chịu đựng nổi để sống trong một thế giới như thế, trái tim cao quý và tấm lòng nhân ái ơi?" [7;792]. Nhân vật tôi trong Nữ ca sĩ Giôdêphin hay là truyện kể về dân chuột, khi nhận thấy sự thờ ơ, vô cảm của công chúng đối với âm nhạc, với giọng ca của Giôdêphin cũng tự vấn lòng mình: "Liệu có khi nào nàng có ý định từ bỏ con đường nghệ thuật của mình? Khi nhận ra sự lựa chọn sai lầm của mình, liệu nàng có lùi lại, giảm bớt ý chí của mình?" [7;742]. Khi con người không có một điểm tựa chắc chắn, con người buộc phải hoài nghi. Đó cũng chính là tinh thần chung của mỗi cá nhân khi đứng trước một cuộc sống quá xô bồ và nghiệt ngã. Với giong điệu hoài nghi tra vấn, Kafka cho người đọc nhận thức rõ hơn về điều đó. 2.6. Giọng điệu cảm xúc Giọng điệu này xuất hiện với tần số ít trong truyện ngắn Kafka. Đó là khi Kafka nói về cảm giác của Gregor khi nhìn ra khung cảnh thiên nhiên khi đã hóa côn trùng: Gregor đưa mắt nhìn qua vuông cửa sổ; những giọt mưa lộp bộp rơi trên máng xối; và bầu trời âm u vần vũ ngoài kia khơi dậy trong anh một nỗi sầu khắc khoải [7,15]. Đó cũng là những lời trữ tình ngoại đề vang lên khi Giôdêphin, nữ ca sĩ của dân tộc chuột ra đi về cõi vĩnh hằng sau khi đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật: Ôi ca sĩ Giôdêphin của chúng tôi, người đã cống hiến nhiều mà hưởng thụ chẳng được là bao. Dân tộc đã mất nàng [7;745]. Có thể nói, đây là những lời trữ tình ngoại đề hiếm hoi trong truyện ngắn của Kafka được cất lên bằng giọng điệu cảm xúc buồn, xót xa, nuối tiếc. 3. Kết luận Như vậy, trong thế giới nghệ thuật của mình, Kafka đã tạo nên một hệ thống giọng điệu vừa đa dạng phong phú, vừa độc đáo hấp dẫn. Thật khó có thể nắm bắt đầy đủ những 56 Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Franz Kafka giọng điệu trong sáng tác của Kafka nói chung cũng như truyện ngắn Kafka nói riêng. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy những giọng điệu chủ yếu: giọng khách quan, lạnh lùng; giọng hài hước - bi đát; giọng triết lí; giọng tòa án căng thẳng; giọng hoài nghi tra vấn; giọng cảm xúc. . . Trong hệ thống giọng điệu đó, giọng điệu khách quan lạnh lùng là giọng điệu chủ đạo. Giọng điệu khách quan lạnh lùng kết hợp với các giọng điệu trên tạo thành tính chất đa thanh phức điệu trong các truyện ngắn Kafka. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Huy Bắc, 1998. Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại. Tạp chí Văn học, số 9. [2] Lê Huy Bắc, 2003. Trên hành trình chân lí Kafka. Tạp chí Văn học, số 4. [3] Nguyễn Văn Dân, 2002. Văn học phi lí. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. [4] Nguyễn Văn Dân, 2002. Lý luận văn học so sánh. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. [5] Trương Đăng Dung, 1998. Thế giới nghệ thuật của Franz Kafka. Tạp chí Văn học, số 1. [6] Nguyễn Đăng Điệp, 2002. Giọng điệu thơ trữ tình. Nxb Văn học, Hà Nội. [7] Franz Kafka, 2003. Tuyển tập tác phẩm. Nxb Hội nhà văn - Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. [8] Truyện cực ngắn của Franz Kafka. ABSTRACT Narrative tone in Kafka’s short stories Tone is an aesthetic category of literature, an important factor of the style and it identifies the writer. Every literary work has one major tone and several