A.X. Griboedov - Một trí tuệ vinh quang và cay đắng

TÓM TẮT A.X. Griboedov, bạn thân thiết của những chiến sĩ Tháng Chạp, tác giả vở hài kịch nổi tiếng “Khổ vì trí tuệ”, người sát cánh cùng A.X.Puskin và nhiều nhà văn tiến bộ khác đã kiên trì đấu tranh cho sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nga nửa đầu thế kỉ XIX. Mặc dù vậy, cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn chưa được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam. Bước đầu phác thảo chân dung con người đặc biệt ấy là nội dung của bài viết này.

pdf10 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 242 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu A.X. Griboedov - Một trí tuệ vinh quang và cay đắng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
5 TAÏP CHÍ ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 9 - Thaùng 4/2012 A.X. GRIBOEDOV - MỘT TRÍ TUỆ VINH QUANG VÀ CAY ĐẮNG TRẦN THANH BÌNH(*) TÓM TẮT A.X. Griboedov, bạn thân thiết của những chiến sĩ Tháng Chạp, tác giả vở hài kịch nổi tiếng “Khổ vì trí tuệ”, người sát cánh cùng A.X.Puskin và nhiều nhà văn tiến bộ khác đã kiên trì đấu tranh cho sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nga nửa đầu thế kỉ XIX. Mặc dù vậy, cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn chưa được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam. Bước đầu phác thảo chân dung con người đặc biệt ấy là nội dung của bài viết này. Từ khoá: A.X.Griboedov, sự nghiệp, trí tuệ, tiến bộ, văn học Nga, chủ nghĩa hiện thực ABSTRACT A.X.Griboedov, the author of the famous comedy “The Misery from Intelligence”, had a close connection with the December fighters. He worked side by side with A.X.Puskin and the other progressive writers, who were consistently for the founding and development of Russian realism in the Russian literature in the first half of the 19th century. However, his life and works have not yet been studied by many researchers of Vietnam. The content of this article is some preliminary descriptions of this unique writer. Key words: A.X.Griboedov, career, spiritual, advanced, Russian literature, realism Trong lịch sử văn học Nga nửa đầu thế kỉ XIX, A.X.Griboedov là một gương mặt có sức hấp dẫn kì lạ. Cuộc đời ngắn ngủi của ông là sự dấn thân của một trí thức tiến bộ, quyết liệt, hào hoa. Tuy chỉ nổi danh với một tác phẩm duy nhất Khổ vì trí tuệ, Griboedov vẫn xứng đáng được xếp vào số các nhà văn đã đi tiên phong trong cuộc đấu tranh cho sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa hiện thực Nga. Aleksandr Sergheevich Griboedov sinh ngày 4/1/1795 (1) tại Moskva trong một gia đình dòng dõi quý tộc. Ngay từ thuở mới bập bẹ tập nói, Griboedov đã theo học với các gia sư nổi tiếng nhất Moskva và sớm bộc lộ tư chất của một thiên tài. Mới 6 tuổi, Griboedov đã thông thạo bốn ngoại ngữ (*) TS, Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh Pháp, Anh, La tinh, Hi Lạp và tỏ ra có năng khiếu âm nhạc tuyệt vời. Lên 7 tuổi, Griboedov vào học trường nội trú thuộc ĐHTH Moskva – một trong những trường phổ thông tốt nhất nước Nga thời đó, được thành lập theo sáng kiến của nhà bác học vĩ đại M. Lomonosov. Năm 1806, khi mới 11 tuổi, Griboedov đã trở thành sinh viên Khoa Ngữ văn, ĐHTH Moskva. Chỉ hai năm sau, ông đã tốt nghiệp với học vị phó tiến sĩ. Sau đó, Griboedov chuyển sang Khoa Luật và cũng chỉ sau hai năm, ông lại tốt nghiệp xuất sắc với học vị phó tiến sĩ thứ hai. Không dừng lại ở đó, Griboedov theo học Khoa Tự nhiên, tiếp tục nghiên cứu toán – lí thêm hai năm nữa. Như vậy, chỉ trong sáu năm theo học ở ĐHTH Moskva, Griboedov đã 6 nhanh chóng tiếp thu được một lượng kiến thức khổng lồ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, làm chủ thêm hai ngoại ngữ là tiếng Đức và tiếng Ý, nổi danh là một trong những khối óc siêu việt nhất nước Nga thời bấy giờ. Ngay từ những năm cuối thế kỉ XVIII, Trường ĐHTH Moskva đã là một trung tâm văn hoá, khoa học, giáo dục có vai trò quan trong trong đời sống chính trị, xã hội của nước Nga. Sang những năm đầu thế kỉ XIX, dưới tác động mạnh mẽ của những dự án cải cách cấp tiến do M. Speranski đề xướng, nơi đây là chiếc nôi đào tạo ra cả một thế hệ trí thức quý tộc tiến bộ mà rất nhiều người trong số đó sau này đã trở thành những chiến sĩ Tháng Chạp tiêu biểu như V.Ph. Raevski, C.P. Trubetskoi, A.I. Iakubovich, Aleksandr Iakusin, Nikolai Turghenev, anh em Piot và Mikhain Saadaev, anh em Nikita và Artamon Muraviev, v.v. Chính trong môi trường này, những tư tưởng chính trị tự do, cấp tiến của Griboedov dần dần hình thành và phát triển. Ngoài giờ lên lớp, Griboedov say sưa tìm đọc các tác phẩm của Vonte, Diderot, Montesquieu, A.N. Radisev, N.I. Novikov, D.I. Fonvizin v.v, đồng thời, tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận của sinh viên về những vấn đề triết học và chính trị thời sự. Thời kì học đại học cũng là thời kì Griboedov đi những bước đầu tiên trên con đường đến với văn chương, mặc dù đó mới chỉ là những bài thơ trào phúng, châm biếm nho nhỏ đọc cho bạn bè nghe. Sáng tác đáng kể nhất của Griboedov thời kì này có lẽ là vở kịch Dmitri Drianskoi – mô phỏng theo tác phẩm Dmitri Donskoi của nhà viết kịch nổi tiếng V.A. Ozerov. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại năm 1812 đã làm dang dở kế hoạch bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học của Griboedov. Hoà vào dòng thác dữ dội của lớp lớp người dân yêu nước, Griboedov xếp bút nghiên lên đường ra trận trong đội hình của Trung đoàn Kị binh Moskva. Mặc dù không trực tiếp tham gia chiến đấu vì trung đoàn của ông ngay sau đó được điều về Kazan làm nhiệm vụ bảo vệ hậu phương nhưng khí thế hào hùng của cuộc kháng chiến thần thánh, lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm hi sinh của nhân dân Nga đã in đậm trong tâm trí Griboedov và trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt để những năm sau này, ông phác thảo vở bi kịch lịch sử Năm 1812. Chiến tranh kết thúc, tháng 3/1813, Griboedov được điều về Thành phố Brest – Litovsk làm sĩ quan tuỳ tùng cho tướng A.X. Kologrivov – tư lệnh các lực lượng dự bị. Thời gian này, Griboedov bắt đầu sáng tác văn học. Những bài viết đầu tiên của ông về đời quân ngũ đã xuất hiện trên Tạp chí Người đưa tin châu Âu và được bạn đọc chú ý. Tuy nhiên, bước ngoặt trong sự nghiệp văn học của Griboedov chỉ thật sự bắt đầu khi tại Brest – Litovsk (và sau đó tại Peterburg năm 1814), ông kết thân với các nhà viết kịch nổi tiếng nhất đương thời là A.A. Sakhovski, P.A. Katenin, A.A. Zandr, N.I. Khmenitski v.v. Nhờ ảnh hưởng của những tên tuổi đó, Griboedov đã quyết định dành trọn niềm đam mê văn học của mình cho lĩnh vực sân khấu. Trong đó, hài kịch là loại hình mà ông rất mực quan tâm. Tác phẩm sân khấu đầu tay của Griboedov là vở kịch Vợ chồng trẻ. Đây nguyên là một hài kịch Pháp mà theo gợi ý của Sakhovski, Griboedov đã dịch và chuyển thể thành một hài kịch thơ. Tháng 9/1815, Vợ chồng trẻ được công diễn trên sân khấu Peterburg, đánh dấu bước khởi đầu tốt đẹp của nhà viết kịch đầy triển 7 vọng. Tiếp đó, Griboedov viết vở Gia đình của mình (cùng với Sakhovski và Khmenitski), vở Chàng sinh viên (cùng với Katenin) và cùng Zandr dịch vở hài kịch của Pháp Sự phản bội giả vờ Cuối năm 1815, Griboedov quyết định làm đơn xin giải ngũ. Tháng 3/1816, đơn của ông được chấp nhận nhưng mãi đến tháng 6/1817, Griboedov mới trở về Peterburg làm việc tại Bộ Ngoại giao, nơi hai học sinh mới tốt nghiệp trường lit-xê là A.X. Puskin và V.K. Kiukhenbeker cũng vừa đến tòng sự. Trong những năm từ 1815 – 1820, đời sống văn học Nga sôi động không chỉ vì cuộc tranh luận gay gắt, kéo dài giữa Hội toạ đàm của những người yêu tiếng Nga – những người bảo vệ chủ nghĩa cổ điển – với hội Ardamat – những người bênh vực chủ nghĩa lãng mạn – mà còn vì sự xuất hiện của nhóm các nhà văn trẻ như Griboedov, Katenin, Kiukhenbeker, Zandr với những quan điểm văn học hoàn toàn mới. Xuất hiện từ nửa sau thế kỉ XVIII, chủ nghĩa cổ điển là một thành tựu quan trọng trong lịch sử phát triển của văn học Nga. Các nhà văn nổi tiếng thời đó như A.D. Kantemir, M.V. Lomonosov, A.P. Sumarokov, H.I. Novikov trong các tác phẩm của mình đã cố gắng đề cao lí trí, khoa học để chống lại sự ngu dân, thần bí, kinh viện, hướng về truyền thống, lịch sử dân tộc để phê phán thái độ sùng phục nước ngoài, đề cao những kiểu mẫu chung nhất của cái đẹp cho mọi dân tộc, mọi thời đại, phân biệt các thể loại văn học theo những kết cấu và phong cách chuẩn mực Những đặc điểm đó đã đóng góp to lớn vào sự phát triển một thời của văn học Nga. Tuy nhiên, sang đến thế kỉ XIX, các kiểu mẫu, chuẩn mực của chủ nghĩa cổ điển lại trở nên gò bó, cứng nhắc, cản trở khả năng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ trên con đường đưa văn học thâm nhập vào cuộc sống của dân tộc với tất cả những mâu thuẫn phức tạp và những biến cố lớn lao. Những quy phạm truyền thống tưởng như bất biến giờ đây đang rạn vỡ trước một thực tế đã biến đổi và đang phát triển không ngừng. Vì vậy, tiếp theo chủ nghĩa cổ điển, sự xuất hiện chủ nghĩa tình cảm (của N.M. Karamzin) và chủ nghĩa lãng mạn (của V.A. Zhukovski) là một bước phát triển tất yếu. Những năm đầu thế kỉ XIX, Zhukovski là một tên tuổi lẫy lừng trên thi đàn, “một Christophe Colomb của văn học Nga, người đã phát hiện cho nước Nga châu Mĩ của chủ nghĩa lãng mạn trong thơ ca Nga” (Belinski). Vốn là một học trò tài năng của Karamzin, Zhukovski đã “lãng mạn hoá” chủ nghĩa tình cảm, đưa vào thơ chất lãng mạn mới mẻ, trẻ trung, trí tưởng tượng phong phú, nồng nhiệt; đổi mới và làm giàu thơ ca Nga bằng những biện pháp táo bạo, những khả năng thể hiện tinh tế và diễn đạt sâu sắc thế giới nội tâm thầm kín của con người. Tuy nhiên, chủ nghĩa lãng mạn của Zhukovski lại “làm cho con người hài lòng với thực tế bằng cách tô vẽ thực tế, hoặc khiến họ rời bỏ thực tế để chìm đắm một cách vô ích vào cái thế giới bên trong của mình, lôi kéo họ về với những suy tưởng, về “những bí ẩn thiên định của cuộc đời”, về “tình yêu, cái chết” (2). Xuất phát từ thực tế văn học và thực tế xã hội, nhóm Griboedov một mặt đánh giá cao ý thức tôn trọng truyền thống dân tộc của chủ nghĩa cổ điển (không phải ngẫu nhiên mà nhóm Griboedov được người đương thời mệnh danh là “những người sùng cổ mới”), đồng thời, họ cũng kịch liệt phê phán tính bảo thủ chính trị của hội Toạ đàm của những người yêu tiếng Nga khi 8 các thành viên chủ chốt A.X. Siskov, D.I. Khvostov, P.A. Sirinski- Sikhmatov khăng khăng cho rằng tôn trọng truyền thống và tính dân tộc độc đáo có nghĩa là phải bảo vệ, duy trì mọi nền tảng, hệ tư tưởng và thiết chế cũ của nước Nga thời Piot I. Trên một bình diện khác, nhóm Griboedov tuy thừa nhận công lao to lớn của chủ nghĩa lãng mạn trong việc tích cực khám phá, thể hiện thế giới nội tâm con người và đề cao vai trò tự do sáng tạo của người nghệ sĩ v.v. nhưng họ cũng không tán thành với hội Ardamat khi trong sáng tác của V.A. Zhukovski, K.N. Bachiuskov thiếu vắng tính nhân dân, xa lánh những vấn đề của thực tế xã hội. Trong tiến trình lịch sử văn học Nga, nhóm Griboedov chính là những người đầu tiên tiếp nối và phát huy truyền thống mĩ học tiến bộ của A.N. Radisev (1749 – 1802). Sau chiến tranh vệ quốc 1812, sự vùng dậy của ý thức dân tộc gắn liền với mối quan tâm sâu sắc đến lịch sử. Trong nhận thức của “những người sùng cổ mới”, lịch sử không chỉ là quá khứ với những cổ tích, huyền thoại mà còn là hiện tại với những vấn đề thời sự, liên quan không chỉ đến các bậc vua chúa hay những vĩ nhân, mà còn liên quan đến tất cả mọi người trong xã hội. Vì vậy, bên cạnh tính lịch sử, nhóm Griboedov còn tích cực đấu tranh cho khái niệm tính nhân dân trong văn học. Văn học chỉ có thể có tính dân tộc độc đáo nếu nó giữ một vai trò xã hội xác định và biểu hiện được ý thức, lợi ích, mong ước của quảng đại quần chúng. Đề cập đến khái niệm tính nhân dân thời kì này, Griboedov đã phát biểu trong bài phê bình – có lẽ là duy nhất của mình – trên Tạp chí Người con của tổ quốc, liên quan đến cuộc luận chiến xung quanh hai bản balat Lutmila của Zhukovski và Onga của Katenin. Tuy cùng được dịch từ balat Lenora của nhà thơ Đức Biurgher nhưng theo Griboedov, cách dịch tinh tế, âm hưởng nhẹ nhàng và sắc thái trữ tình, lãng mạn xa lạ với truyền thống phonklo Nga của Zhukovski đã không thể hiện đậm nét được tính nhân dân như cách dịch thô ráp, bình dị, sống động của Katenin. Cần phải nói thêm là năm 1833, Puskin đã trở lại cuộc luận chiến này trong bài Những sáng tác và dịch thuật của Paven Katenin và hoàn toàn tán thành quan niệm của Griboedov. Ông viết: “Bản dịch Lenora của Biurgher là tác phẩm xuất sắc đầu tiên của Katenin. Chúng ta đã biết đến tác phẩm của Biurgher qua bản dịch tuyệt mĩ nhưng rất xa nguyên tác của Zhukovski. Có thể nói, Zhukovski dịch Lenora cũng giống như Byron dịch Faust vậy : không hề chú ý đến nội dung và tinh thần của nguyên tác. Cảm nhận được chỗ bất cập này, Katenin muốn giới thiệu cho chúng ta một Lenora trong vẻ đẹp nội tại mạnh mẽ của nó, và ông viết Onga. Tuy nhiên, khi thay những bức tranh quê thơ mộng, những đêm trăng hè huyền ảo bằng cái giá treo cổ khủng khiếp, người đọc không thể không có những cảm giác hụt hẫng, những phản ứng khó chịu. Nhà thơ Gnedich đã tổng kết những cảm giác, phản ứng đó trong một bài báo mà tính không chính xác của nó đã được Griboedov chỉ ra”(3). Như vậy, nếu Puskin là người đặt nền móng, mở đầu cho quá trình phát triển của chủ nghĩa hiện thực để văn học Nga từ đó đi vào thực tại, lấy cuộc sống và thời đại làm đối tượng khám phá, sáng tạo thì “cùng chung những tìm tòi và cùng đi đến chủ nghĩa hiện thực với Puskin là trường hợp Griboedov. Không hẹn mà nên, quá trình phát triển của hai người cùng dẫn tới chủ nghĩa hiện thực là có tính quy luật. Hai 9 người đã góp phần mở ra triển vọng cho văn học Nga trên cơ sở tính nhân dân và chủ nghĩa hiện thực”(4). Giữa lúc hoạt động văn học của Griboedov ở Peterburg đang sôi nổi trên cả hai phương diện sáng tác và lí luận thì một sự kiện bất ngờ đã làm thay đổi đường đời của ông. Nguyên là thời gian này, do quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực sân khấu, Griboedov quen biết rất rộng với giới đạo diễn, diễn viên, trong đó nổi bật là nữ nghệ sĩ ba lê A.I. Istomina – người vinh dự được Puskin nhắc đến trong tiểu thuyết thơ Epgheni Onegin nổi tiếng : Trên sân khấu, Istomina kiêu hãnh Đang đứng giữa một bầy tiên có cánh Và lắng nghe những nốt nhạc thần kì Nhẹ tưởng chừng như có thể bay đi Vì một sự hiểu lầm tai hại, V.N. Seremetev – người yêu của Istomina – đã thách đấu với A.P. Zavadovski – bạn của Griboedov. Khi Griboedov đứng ra can thiệp và thanh minh cho Zavadovski thì A.I. Iakubovski – bạn của Seremetev – lại thách đấu với Griboedov. Cuộc đấu súng kép vô tiền khoáng hậu này xảy ra ngày 12/4/1817. Cặp Seremetev – Zavadovski đấu trước, và Zavadovski đã bắn tử thương đối thủ của mình. Trận đấu giữa Iakubovski và Griboedov do vậy phải dừng lại. Sau đó, Iakubovski bị bắt và phải chịu đi đày ở Kavkaz. Griboedov cũng bị gọi lên thẩm vấn và mấy tháng sau nhận lệnh dẫn đầu phái bộ ngoại giao Nga đi đàm phán ở Ba Tư (tức Iran ngày nay). Cuối tháng 8/1818, Griboedov rời Peterburg. Những ngày rong ruổi vượt qua Kavkaz, ông đều đặn ghi nhật kí, kể lại cuộc hành trình của mình. Ở chặng thứ nhất, ông viết: “Một ngày tươi sáng. Những ngọn núi quanh năm tuyết phủ ẩn hiện qua sương mờ, màu mây xám thấp thoáng đan xen với màu xanh da trời. Sông Terech cuộn chảy”(5). Ở chặng thứ sáu, ông viết: “Kobi hiểm trở – gió, tuyết vây quanh, dốc cao và vực thẳm. Chúng tôi đi men theo sườn núi, con đường hẹp và trơn như đổ mỡ, ngay bên cạnh là sông Terech; mọi người bị trượt ngã liên tục, chẳng còn biết đâu là đá, đâu là tuyết, đâu là ánh nắng mặt trời. Càng lên cao, chúng tôi càng hay phải băng qua những dòng nước xiết, mệt tưởng đứt hơi. Chẳng có xóm ấp gì cả, ngoại trừ mấy túp lều tồi tàn. Chúng tôi trèo mãi, trèo mãi, cuối cùng cũng lên đến đỉnh Thập tự (). Dưới kia là sông Aragva và những bụi rậm, cánh đồng, những đàn gia súc, những ngôi nhà đủ kiểu dáng, những pháo đài đổ nát, những nhà nguyện, nhà thờ Sông Aragva chảy xiết và dữ dội như sông Terech. Con đường len lỏi giữa những vườn lê, vườn táo, vườn nho. Trời đã tối mịt, bóng đen của tu viện in đậm trên nền tuyết. Trong đêm tối, đôi lúc chúng tôi cảm thấy mình như đang vượt qua những cây cầu. Những ghềnh đá gợi nhớ về quá khứ”(6). Vậy là những hình ảnh của thiên nhiên Kavkaz bí hiểm và hùng vĩ đã được Griboedov miêu tả rất sinh động hai năm trước khi Puskin viết trường ca Người tù Kavkaz (1820) và hai mươi năm trước khi Lermontov viết tiểu thuyết Nhân vật của thời đại chúng ta (1841). Có thể cho rằng với nhật kí đi đường của mình, Griboedov chính là người đã phác thảo những nét đầu tiên về thiên nhiên Kavkaz trong văn học Nga, là một trong những quý tộc Nga đầu tiên cảm nhận sự gian truân của con đường hành phương Nam – nơi chỉ ít lâu sau sẽ trở thành con đường đày ải đối với những người Tháng Chạp. Ngày 21/10/1818, phái bộ ngoại giao 10 Nga đến Tiphlis (nay là Tbilisi, thủ đô Grudia). Tại đây, Griboedov chạm trán với Iakubovski, và cuộc đấu súng bị hoãn lại gần một năm trước đó nay mới có điều kiện thực hiện. Trong trận đấu, Iakubovski đã bắn trúng tay trái Griboedov. Vết thương tuy không nghiêm trọng nhưng sau này cũng để lại trên tay Griboedov một vết sẹo lớn. Cuối tháng 2/1819, phái bộ ngoại giao Nga do Griboedov dẫn đầu đã đến Ba Tư với nhiệm vụ chủ yếu là đàm phán để đưa trở về Nga những tù binh bị Ba Tư bắt giữ trong các cuộc xung đột trước đó. Đây là một nhiệm vụ cực kì phức tạp vì không những phía Ba Tư không muốn trao trả tù binh mà ngay các tù binh Nga cũng không muốn trở về quê hương vì sợ bị Nga hoàng trừng phạt. Bằng tài ngoại giao khéo léo, bằng lòng nhân ái và cả tinh thần quả cảm, Griboedov đã kiên trì thuyết phục triều đình Ba Tư và lấy danh dự của mình đứng ra bảo đảm tính mạng cho tất cả những ai tình nguyện trở về. Nhờ vậy, cho đến ngày kết thúc nhiệm kì công tác, Griboedov đã tổ chức đưa được hàng nghìn tù binh về Nga và góp phần đáng kể vào việc cải thiện quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Cùng với việc tranh thủ nghiên cứu và nắm vững các ngôn ngữ phương Đông như tiếng Ba Tư, tiếng Ả Rập, tiếng Phạn, thời gian ở Ba Tư cũng là thời gian Griboedov sáng tác trường ca Kẻ lãng du và phác thảo tác phẩm lớn nhất của đời mình: hài kịch Khổ vì trí tuệ. Cuối năm 1821, phái bộ ngoại giao Nga về đến Tiphlis. Tại đây, Griboedov đã gặp và kết thân với tướng A.P. Ermolov, tư lệnh quân đoàn độc lập Kavkaz, người có quyền lực vô song trên khắp vùng Ngoại Kavkaz bao la. Là học trò của thống soái lừng danh Xuvorov (1729 – 1800), là anh hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc 1812, đồng thời lại là tướng chỉ huy mặt trận nóng bỏng nhất và là tổng trấn vùng đất phức tạp nhất, Ermolov có vị trí và uy tín đặc biệt to lớn với cả giới chính trị và quân sự đương thời. Cảm phục trước trí tuệ và khả năng ngoại giao của Griboedov, mặc dù đã có Kiukhenbeker cũng vừa đến từ Bộ Ngoại giao, Ermolov vẫn thảo công văn gửi về Peterburg đề nghị được giữ Griboedov làm trợ lí đối ngoại trong tổng hành dinh của mình. Hơn một năm rưỡi ở Tiphlis, Griboedov miệt mài sáng tạo nghệ thuật. Ngoài các trường ca và nhiều bài thơ mang đậm hơi thở, nhịp sống phương Đông, Griboedov đã hoàn chỉnh đề cương hài kịch Khổ vì trí tuệ và kịp viết xong hai hồi đầu. Tháng 3/1823, Griboedov rời Tiphlis về Moskva trong một chuyến nghỉ phép dài hạn. Những ngày ở Moskva, Griboedov hoàn thành hài kịch Khổ vì trí tuệ tại trang trại của người bạn chí thân X.N. Beghichev và cùng với P.A. Viazemski sáng tác hài kịch Ai là anh, ai là chị. Tháng 6/1824, Griboedov đi Peterburg để xúc tiến việc in và dàn dựng hài kịch Khổ vì trí tuệ. Thế nhưng đau khổ thay, mặc dù có quan hệ cá nhân với cả đại công tước Nikolai Pavlovich (người sau này là Nga hoàng Nikolai I), với tổng trấn Peterburg Milodarovich, bộ trưởng Lanski và nhiều quan chức cấp cao khác, Griboedov cũng không thể nào đưa Khổ vì trí tuệ lọt qua được sự kiểm duyệt khét tiếng khắc nghiệt của chính quyền chuyên chế đương thời. Thậm chí khi học sinh trường sân khấu Peterburg (nơi Sakhovski lúc đó đang tham gia giảng dạy) muốn dựng một số trích đoạn trong vở hài kịch để làm tài liệu học tập,