Thương mại phát triển kéo theo sự gia tăng nhu cầu về vốn; các thương nhân có thể vay vốn ngân hàng hoặc vay các thương nhân khác thông qua hình thức mua bán chịu hàng hoá trên cơ sở lòng tin giữa các thương nhân, các thương nhân cũng phải sáng tạo ra phương thức thanh toán mới mà không sử dụng cách trả tiền ngay như thông thường
19 trang |
Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 3765 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài giảng môn pháp luật hối phiếu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÁP LUẬT VỀ HỐI PHIẾU
TUẦN 1 (4 tiết)
I. KHÁI NIỆM, ĐẶC TRƯNG, PHÂN LOẠI HỐI PHIẾU (2 tiết)
1. Khái niệm và bản chất của Hối phiếu (1 tiết)
Thương mại phát triển kéo theo sự gia tăng nhu cầu về vốn; các thương nhân có thể vay vốn ngân hàng hoặc vay các thương nhân khác thông qua hình thức mua bán chịu hàng hoá trên cơ sở lòng tin giữa các thương nhân, các thương nhân cũng phải sáng tạo ra phương thức thanh toán mới mà không sử dụng cách trả tiền ngay như thông thường.
Thương phiếu được biết đến như những văn bản ghi nhận nợ khi các thương gia mua bán chịu hàng hóa thực chất đây là quá trình “chứng chỉ hóa các hợp đồng mua bán chịu giữa các thương nhân”
Vào cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII Hối phiếu được sử dụng phổ biến với tư cách công cụ thanh toán có thể chuyển nhượng. Đến khoảng thế kỷ XIV, XV các thương nhân đã sử dụng hối phiếu đòi nợ và hối phiếu dùng thanh toán bù trù giữa các khoản vay và cho vay với nhau trên cơ sở thương phiếu. Khi đó, hối phiếu được sử dụng như một công cụ thanh toán trong quan hệ mua bán trả chậm, vừa là công cụ tín dụng. Ở Việt Nam, hối phiếu xuất hiện khá muộn, vào thời gian Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Thời kỳ này, hối phiếu được sử dụng chủ yếu trong quan hệ đối ngoại, thường là được sử dụng để trả nợ nước ngoài.
Sau này, ngay cả khi đã giành được độc lập thì hối phiếu không được nhắc đến. Bởi vì trong cơ chế cũ, Nhà nước không thừa nhận tín dụng thương mại hay “quan hệ mua bán chịu hàng hóa”, vì nền kinh tế kế hoạch hóa là nền kinh tế có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, tất cả thực hiện theo kế hoạch. Thậm chí có người cho rằng tín dụng thương mại là loại quan hệ chiếm dụng vốn lẫn nhau. Tuy nhiên, trên thực tế trong quan hệ thương mại và dân sự vẫn có những quan hệ mua bán chịu nhưng nó thường được ghi nhận bằng các giấy ghi nợ và nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
* Khái niệm Hối phiếu
Cho đến hiện nay vẫn còn có những quan điểm, cách hiểu khác nhau về nội hàm của khái niệm hối phiếu.
Theo cách hiểu thông thường : Hối phiếu là giấy nợ được lập ra trong một quan hệ thương mại giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa các thương nhân với những người không phải thương nhân.
Bộ Luật Thương mại Mỹ năm 1972, hối phiếu là công cụ có thể chuyển nhượng được người lập hoặc người ký phát- phát hành chứa đựng cam kết hoặc lệnh thanh toán không điều kiện trả một khoản tiền xác định cho người cầm hoặc trả theo lệnh của người này vào thời điểm theo yêu cầu hoặc được xác định tương ứng.
Theo Điều 3 Luật Hối phiếu Anh năm 1882, hối phiếu là một lệnh thanh toán bằng văn bản được một người phát hành ký và gửi cho người khác, yêu cầu người này trả khi có yêu cầu hoặc sau một thời gian có thể xác định trong tương lai một khoản tiền nhất định cho một người xác định hoặc theo lệnh của người này hoặc cho người cầm hối phiếu.
- Theo từ điển Tài chính – Ngân hàng của Peter Collin Publishing năm 1994 (Anh): “Hối phiếu là một tài liệu được một người ký phát, yêu cầu người khác trả tiền không điều kiện một khoản tiền cho một người nhất định vào một ngày xác định”.
- Theo từ điển Luật của Steven H.Gifis năm 1991 (Mỹ): “Hối phiếu là lệnh trả tiền bằng văn bản của người lập ra lệnh cho một người khác trả một số tiền nhất định cho người có tên” hoặc “Hối phiếu là một loại công cụ có thể chuyển nhượng, trong đó người lập cam kết trả một số tiền xác định tại một thời điểm nhất định”.
- Theo từ điển Luật Black năm 1991 (Mỹ ): “Hối phiếu là lệnh bằng văn bản của một bên ra lệnh cho bên khác trả một khoản tiền cho bên thứ ba” hay “Hối phiếu là lệnh thanh toán không điều kiện của một người lập hay người ký phát yêu cầu người khác trả một khoản tiền nhất định theo yêu cầu hoặc vào một thời điểm ấn định hay tại thời điểm có thể xác định trong tương lai”
- Theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ năm 1995, “Hối phiếu là phiếu qua đó một người (chủ nợ) yêu cầu một người khác (con nợ) trả một món tiền theo kỳ hạn nhất định cho một người thứ ba”
- Theo Bộ Luật Thương mại Sài Gòn năm 1972, “Thương phiếu (gồm hối phiếu, lệnh phiếu, chi phiếu ) là một thứ phiếu có thể chuyển dịch được, dùng để xác nhận cho người cầm phiếu một trái quyền ngắn hạn”.
- Theo Luật Thương mại Việt Nam 1997, thương phiếu (gồm hối phiếu và lệnh phiếu) được hiểu là chứng từ ghi nhận sự thanh toán vô điều kiện một số tiền xác định trong một thời gian nhất định.
- Theo Pháp lệnh Thương phiếu năm 1999: “Thương phiếu là chứng chỉ có giá ghi nhận lệnh yêu cầu thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định trong một thời gian nhất định. Thương phiếu bao gồm hối phiếu và lệnh phiếu”
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì hối phiếu bao gồm hai loại là hối phiếu đòi nợ và hối phiếu nhận nợ, trong đó:
+ Hối phiếu đòi nợ: là giấy tờ có giá do người ký phát lập, yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.
+ Hối phiếu nhận nợ: là giấy tờ có giá do người phát hành lập, cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.
Nhìn một cách khái quát ta có thể thấy nội hàm chung của các khái niệm trên có những nét tương đồng sau:
Một là, hối phiếu là một chứng chỉ có giá, phương tiện thanh toán;
Hai là, hối phiếu ghi nhận lệnh yêu cầu thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định;
Ba là, thời hạn thanh toán của hối phiếu là khi có yêu cầu hoặc sau một thời hạn có thể xác định trong tương lai.
Về bản chất, Hối phiếu là một hành vi pháp lý đơn phương - để ràng buộc nghĩa vụ của mình đối với việc thanh toán hối phiếu. Tuy nhiên, chỉ khi hành vi pháp lý đơn phương ấy được thực hiện dưới hình thức và nội dung theo luật định thì nó mới ràng buộc nghĩa vụ thanh toán hối phiếu của chủ thể đó. Hành vi pháp lý đơn phương bao gồm: Hành vi ký phát hành, ký chấp nhận, ký bảo lãnh và ký chuyển nhượng hối phiếu của người ký phát hành, người bị ký phát, người bảo lãnh, người chuyển nhượng....
- Điều kiện để được thừa nhận là một Hối phiếu:
+ Điều kiện về hình thức của Hối phiếu:
Phải được lập bằng văn bản;
Phải có cụm từ “Hối phiếu” trong văn tự diễn giải Hối phiếu đó;
Phải có sự đồng nhất về ngôn ngữ giữa danh từ “Hối phiếu” với nội dung văn tự của Hối phiếu;
+ Điều kiện về nội dung của Hối phiếu:
Phải ghi rõ một lệnh trả tiền hoặc cam kết trả tiền “vô điều kiện”;
Phải ghi rõ số tiền được thanh toán cho người thụ hưởng, kể cả khoản lãi, nếu có (số tiền này phải được ghi cả bằng chữ và bằng số). Đối với trường hợp Hối phiếu không ghi rõ thời hạn trả tiền thì khả năng phát sinh khoản lãi được ghi vào Hối phiếu như một điều khoản sinh lời.
Phải ghi rõ tên người thụ lệnh (người phải trả tiền) và địa chỉ cùng nơi cư ngụ của người đó.
Phải ghi rõ tên người thụ hưởng và địa chỉ nơi cư ngụ của người đó.
Phải ghi rõ tên, họ người phát lệnh và địa chỉ cư ngụ của người đó.
Phải ghi rõ thời hạn trả tiền;
Phải ghi rõ địa điểm trả tiền;
Phải ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi lập Hối phiếu.
Phải có chữ ký tay trực tiếp của người lập Hối phiếu.
- Hậu quả pháp lý của Hối phiếu không hội đủ các điều kiện nêu trên:
Hối phiếu bị vô hiệu trừ 3 trường hợp sau đây:
a. Nếu không ghi thời hạn trả tiền thì được coi là trả tiền khi xuất trình.
b. Nếu không ghi địa điểm trả tiền thì được coi là trả tiền tại địa chỉ của người bị ký phát
c. Nếu không ghi địa điểm lập hối phiếu thì được coi là lập tại địa chỉ của người, lập Hối phiếu (người ký phát, người phát hành).
2. Các đặc trưng của Hối phiếu (0,5 tiết)
Một là, Hối phiếu được nhìn nhận là trái vụ của một bên, do hối phiếu được hiểu là một lệnh trả tiền hoặc cam kết trả tiền vô điều kiện của người phát lệnh (người ký phát, người phát hành) cho người thụ hưởng. Khi đó câu hỏi được đặt ra là: tính chất vô điều kiện của việc trả tiền được thiết lập đối với ai và thiết lập từ khi nào:
Đối với người ký phát : kể từ khi lập hối phiếu
Đối với người bị ký phát : kể từ khi chấp nhận hối phiếu
Đối với bảo lãnh : kể từ khi ký bảo lãnh
Đối với chuyển nhượng : kể từ khi hối phiếu được chuyển nhượng hợp lệ.
Hai là, hối phiếu có tình trừu tượng. Xuất phát từ hình thức và nội dung của hối phiếu, ta thấy trên hối phiếu chỉ ghi số tiền phải trả hoặc cam kết trả mà không ghi nguyên nhân. Trong lưu thông giá trị của hối phiếu không bị ràng buộc vào nguyên nhân phát sinh ra nó. Điều đó có nghĩa là khi một hối phiếu được phát hành và chuyển giao cho người khác thì nó trở thành một chứng thư độc lập và được phép lưu thông mà không phụ thuộc vào việc có tồn tại hay không một giao dịch cơ sở, miễn là trong thời hạn còn hiệu lực.
Ba là, Hối phiếu có tính lưu thông (là một công cụ có thể được chuyển nhượng) trong thời hạn hối phiếu có hiệu lực, hối phiếu được mua bán trong giao lưu thương mại giữa các thương nhân hoặc giữa thương nhân với một ngân hàng.
Bốn là , hối phiếu là một công cụ thanh toán. Ngoài ra, hối phiếu còn là một loại công cụ tín dụng. nó được sử dụng rộng rãi trong thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế. Các thương nhân sử dụng hối phiếu thay cho tiền mặt vì nhiều mục đích khác, có thể là trong quan hệ mua bán trả chậm có bảo đảm, có thể là nhằm tạo sự thuận lợi cho các bên trong quan hệ kinh doanh mà khi sử dụng tiền mặt để thanh toán sẽ không đạt được, vì hối phiếu có thể đem ra mua bán, trao đổi hay đem chiết khấu tại ngân hàng, hay lưu thông trong dân sự. Chính đặc điểm này đã giúp hối phiếu ngày càng được sử dụng rộng rãi.
Năm là, hối phiếu có thời hạn thanh toán ngắn, thường thì không quá ba tháng. Việc quy định này trước hết là nhằm đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng, thời gian càng dài, rủi ro càng lớn, bởi vậy quy định một thời hạn thanh toán ngắn tạo nên một tâm lý an tâm cho thương nhân khi sử dụng và cầm giữ hối phiếu.
Mặt khác, việc quy định một thời hạn thanh toán ngắn còn thúc đẩy sự lưu thông hối phiếu, qua đó việc sử dụng hối phiếu trở nên thông dụng hơn. Thời hạn thanh toán ngắn giúp người cho người ký phát có thể chuyển nhượng hối phiếu với khả năng thanh khoản cao. Ngoài ra, nó còn tác động đến kỹ năng thoả mãn yêu cầu của khách hàng (thỏa mãn yêu cầu về vốn và hàng hóa)
Phân biệt hối phiếu và séc:
Hối phiếu và séc đều là những phương tiện thanh toán chứa đựng lệnh yêu cầu thanh toán và là công cụ độc lập với quan hệ gốc, tuy nhiên hối phiếu và séc được phân biệt với nhau ở một số điểm sau:
- Đối với séc thì người bị ký phát và yêu cầu thanh toán luôn luôn được gửi cho ngân hàng, còn đối với hối phiếu thì người bị ký phát có thể là ngân hàng hoặc không.
- Về cơ sở phát hành, việc phát hành và thanh toán séc luôn dựa trên cơ sở tài khoản tiền gửi của người phát hành séc tại ngân hàng, trong khi đó việc phát hành và lưu thông, sử dụng hối phiếu lại dựa trên hoạt động thương mại giữa các thương nhân là chủ yếu.
- Trong quan hệ phát hành và thanh toán séc không đặt ra việc ngân hàng ký chấp nhận séc. Ngân hàng có thể thanh toán hoặc từ chối thanh toán. Nói cách khác ngân hàng với tư cách là người bị ký phát không bị ràng buộc nghĩa vụ thanh toán tờ séc. Còn đối với hối phiếu thì việc ký chấp nhận hối phiếu của người bị ký phát được xem như một cách tăng thêm độ an toàn cho khả năng thanh toán của hối phiếu.
- Về thời hạn thanh toán, nếu như thời hạn thanh toán tối đa của một hối phiếu có thể lên tới ba tháng thì thời hạn thanh toán của séc là rất ngắn, thông thường chỉ khoảng 15 đến 30 ngày. Vì lý do này mà séc thường chỉ được coi là công cụ thanh toán chứ không được biết đến với tư cách là công cụ tín dụng như hối phiếu.
3. Phân loại Hối phiếu (0,5 tiết).
Hiện nay có rất nhiều tiêu chí phân loại hối phiếu, tuy nhiên người ta thường căn cứ vào một số tiêu chí sau :
- Căn cứ vào người tạo lập hối phiếu, hối phiếu bao gồm: hối phiếu đòi nợ do người ký phát lập và hối phiếu nhận nợ do người phát hành lập.
Hối phiếu đòi nợ là chứng chỉ có giá do người ký phát lập yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời gian nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng hoặc trả theo lệnh của người này hay trả cho người cầm hối phiếu. Trên cơ sở sự ràng buộc trách nhiệm của người bị ký phát thì hối phiếu đòi nợ bao gồm hai loại là:
+ Hối phiếu chưa được ký chấp nhận, trong trường hợp này người bị ký phát chưa bị ràng buộc nghĩa vụ thanh toán hối phiếu;
+ Hối phiều đã được người bị ký phát ký chấp nhận trong đó người bị ký phát trở thành người chấp nhận, ràng buộc mình với nghĩa vụ thanh tóan khi hối phiếu đó đáo hạn
Hối phiếu nhận nợ là chứng chỉ có giá do người ký phát lập, cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời gian nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng hoặc trả theo lệnh của người này hoặc trả cho người cầm hối phiếu. Thông qua việc phát hành hối phiếu, người phát hành thừa nhận khoản nợ của mình đồng thời cam kết thanh toán khi hối phiếu đến hạn thanh toán.
- Căn cứ vào thời hạn trả, hối phiếu bao gồm: hối phiếu được thanh toán sau một thời hạn nhất định, hối phiếu được thanh toán sau khi được chấp nhận và hối phiếu được thanh toán ngay sau khi xuất trình;
Hối phiếu được thanh toán sau một thời hạn nhất định là các hối phiếu mà trên đó ghi rõ hối phiếu sẽ được thanh tóan vào một ngày xác định hay sau một thời hạn nhất định, thông thường người phát hành có thể quy định thời hạn thanh toán theo một trong số các cách sau: “hối phiếu sẽ được thanh tóan vào ngày” hay “ hối phiếu được thanh toán sau 30 ngày kể từ ngày phát hành” hay “hối phiếu được thanh tóan sau 20 ngày kể từ ngày được chấp nhận”
- Căn cứ vào việc thanh toán có kèm chứng từ thương mại hay không, hối phiếu gồm;
Hối phiếu thanh toán có kèm bộ chứng từ và hối phiếu thanh toán không kèm bộ chứng từ; hình thức này được sử dụng phổ biến trong thương mại quốc tế. Trong đó hối phiếu thanh toán có kèm bộ chứng từ có phần nào giống với hình thức thanh toán bằng cách mở thư tín dụng L/C. Vì kèm theo hối phiếu, nguời thụ hưởng, người cầm giữ phải có đầy đủ bộ chứng từ chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ của mình, sau đó hối phiếu mới được thanh toán.
- Căn cứ vào tính chất chuyển nhượng, hối phiếu bao gồm: hối phiếu có thể chuyển nhượng và hối phiếu không thể chuyển nhượng. Hối phiếu có thể chuyển nhượng là các hối phiếu mà trong đó không có các cụm từ như “cấm chuyển nhượng” hoặc “không được chuyển nhượng” hay các cụm từ có ý nghĩa tương đương.
- Căn cứ vào phạm vi sử dụng, hối phiếu bao gồm: hối phiếu nội địa và hối phiếu quốc tế.
Hối phiếu nội địa là hối phiếu được phát hành và thanh toán trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia hoặc được ký phát tại một quốc gia để đòi tiền một người khác trong cùng lãnh thổ quốc gia đó thì được coi là hối phiếu nội địa (hối phiếu trong nước).
Hối phiếu quốc tế là hối phiếu được phát hành và thanh toán tại hai quốc gia khác nhau hoặc được phát hành để đòi tiền một người khác ở nước ngoài. Việc xác định hối phiếu là hối phiếu nội địa hay hối phiếu quốc tế có ý nghĩa to lớn trong việc xác định luật điều chỉnh quan hệ pháp luật hối phiếu.
- Căn cứ vào cơ sở hình thành: hối phiếu bao gồm: hối phiếu thực và hối phiếu khống. Thực chất hiện nay trong pháp luât các nước hầu hết không còn đề cập đến tiêu chí phân biệt này. Tuy nhiên, trong một số học thuyết thì đây là một căn cứ để phân biệt hối phiếu. Theo đó, nếu trên cơ sở một giao dịch có thực xảy ra trước đó làm phát sinh quan hệ hối phiếu thì hối phiếu đó được coi là hối phiếu thực. Mặt khác nếu hối phiếu không dựa trên một giao dịch có thực theo quy định của pháp luật thì sẽ bị coi là hối phiếu khống.
4. Vai trò của Hối phiếu
- Đối với các bên tham gia quan hệ thương mại:
+) Hối phiếu với vai trò là công cụ thanh toán sẽ giúp cho người bán, bán được hàng (chủ nợ) có ngay được tài sản tài chính (“công cụ nợ”có thể lưu thông hoặc dùng vật cầm cố bảo đảm cho nghĩa vụ trong các giao dịch khác) người sở hữu nó có thể thanh khoản dễ dàng.
Hối phiếu còn tạo cơ hội cho người muốn mua hàng có thể thỏa mãn nhu cầu của mình ngay cả khi không có tiền thanh toán ngay.
Hối phiếu còn đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng (tính bất khả kháng, khả năng truy đòi, trách nhiệm liên đới của người có liên quan đến việc thanh toán tiền trên hối phiếu.
Hối phiếu với tư cách là công cụ tín dụng giúp các thương nhân có thể huy động được thêm vốn kinh doanh với ưu thế riêng, vì thời hạn linh hoạt, điều kiện và thủ tục đơn giản;
Đối với ngân hàng, hối phiếu giúp các ngân hàng có mở rộng hơn phạm vi, đối tượng cấp tín dụng thông qua hình thức chiết khấu hoặc cho vay cầm cố hối phiếu. Việc cấp tín dụng của các TCTD dựa trên cơ sở có hối phiếu thì mức độ an toàn trong việc cấp tín dụng cũng được bảo đảm hơn. Ngoài ra, việc sử dụng hối phiếu giúp ngân hàng đòi nợ dễ dàng hơn đối với những món nợ đã cho vay (ngân hàng là người ký phát).
Việc sử dụng hối phiếu giúp ngân hàng Trung ương thực thi chính sách tiền tệ được dễ dàng hơn. Bởi vì có hối phiếu NHTW thực hiện nghiệp vụ tái cấp vốn ngắn hạn (dưới hình thức chiết khấu, tái chiết khấu hoặc cho vay cầm cố hối phiếu); nghiệp vụ thị trường mở thuận tiện hơn trong thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia của mình.
Hối phiếu có vai trò thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội,
Do hối phiếu được hình thành chủ yếu trong quan hệ mua bán chịu hàng hóa nên thúc đẩy quan hệ thương mại phát triển –lưu thông hàng hoá đẩy nhanh kích thích sản xuất kinh doanh làm lành mạnh hoá quan hệ thanh toán trong nền kinh tế.
Việc sử dụng hối phiếu sẽ làm giảm áp lực về vốn đối với các doanh nghiệp trong nền kinh tế đồng thời giúp các doanh nghiệp có thể bổ sung nguồn vốn thực của mình khi có nhu cầu làm tăng cơ hội kinh doanh cho các thương nhân, vì cơ hội mua hàng không chỉ thuộc về các thương nhân có tiền mà cơ hội được san sẻ cho cả các thương nhân tạm thời không có khả năng thanh toán ngay tiền hàng.
Việc sử dụng hối phiếu còn góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và độ tin tưởng lẫn nhau giữa các thương nhân. Ưu điểm này được thể hiện rõ nét trong quá trình phát hành và thanh toán hối phiếu có kèm bộ chứng từ. Theo đó, người thụ hưởng hay người cầm giữ muốn được thanh toán thì phải đảm bảo đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên thì việc sử dụng hối phiếu cũng chứa đựng nhiều rủi ro, cụ thể như:
Một là, do hối phiếu có tính độc lập tương đối đối với các giao dịch cơ sở nên dễ tạo khe hở cho những hối phiếu khống. Đây là việc phát hành hối phiếu không trên cơ sở quan hệ mua bán hàng hóa giữa các thương nhân mà các bên thỏa thuận phát hành hối phiếu nhằm mục đích đem chiết khấu tại ngân hàng để lấy tiền.
Hai là, đối với những hối phiếu không có bảo lãnh hay khả năng tài chính của người có nghĩa vụ thanh toán không rõ ràng cũng có thể đem đến những rủi ro trong thanh toán đối với người nhận chuyển nhượng, người thụ hưởng hối phiếu.
Khái quát chung pháp luật về hối phiếu.
Cùng với sự phát triển của các quan hệ thương mại, trước nhu cầu thực tiễn của việc sử dụng hối phiếu ngày càng rộng rãi, đòi hỏi cần có những quy định của pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh chứ không đơn thuần là áp dụng các tập quán thương mại.
Các quy định về hối phiếu đầu tiên ở Đức với Pháp lệnh Humburg năm 1603 được xây dựng trên cơ sở các tập quán thương mại về phát hành và sử dụng hối phiếu. Pháp lệnh chung về hối phiếu năm 1874; Anh với Luật hối phiếu năm 1882. Công ước Giơ-ne-vơ về hối phiếu năm 1930 đã dẫn đến việc hàng loạt các nước lần lượt ban hành luật hối phiếu của quốc gia mình.
Sự cần thiết phải có pháp luật về hối phiếu ở nước ta.
Trước năm 1986, do yếu tố lịch sử chi phối tín dụng thương mại chưa phát triển và nếu có thì cũng bị coi là bất hợp pháp. Bởi vậy, hối phiếu chưa được sử dụng trong thời gian này. Sau năm 1986, các doanh nghiệp sử dụng hối phiếu qua hai kênh là hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động vay nợ nước ngoài. Tất cả các giao dịch này đều được thực hiện theo thông lệ quốc tế, còn trong thanh toán nội địa, các doanh nghiệp chưa sử dụng hố