Thừa cân và béo phì chỉ mới xuất hiện trong một thời gian ngắn khoảng dưới 10 năm so với “bề dầy lịch sử” suy dinh dưỡng trường diễn hàng ngàn năm nay của dân tộc ta, nhưng gia tăng một cách nhanh chóng và đang trở thành một vấn đề xã hội đáng được chú ý. Những nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng của trong những năm gần đây tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung cho thấy một xu hướng gia tăng béo phì rất nhanh ở tất cả các đối tượng điều tra trong xã hội, trong đó nghiêm trọng nhất là trẻ em, phụ nữ từ độ tuổi trung niên và một nhóm các đối tượng khác như doanh nhân, người làm việc văn phòng, nhân viên y tế.
12 trang |
Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 3945 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài giảng Tổng quan về thừa cân béo phì, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TỔNG QUAN VỀ THỪA CÂN - BÉO PHÌ
Đào Thị Yến Phi *
ĐỐI TƯỢNG
Sinh viên năm thứ 4 - Khoa Sinh Học - Đại Học Khoa Học Tự Nhiên
MỤC TIÊU BÀI HỌC
Biết được tình hình dịch tễ chung về béo phì tại Việt nam và TP. Hồ Chí Minh
Nắm vững định nghĩa thừa cân - béo phì và
Đánh giá được thừa cân – béo phì ở người lớn và trẻ em. Biết các đối tượng có nguy cơ cao về béo phì
Trình bày được các nguyên nhân gây thừa cân – béo phì và các hậu quả cho cá thể và xã hội
Biết các nguyên tắc điều trị thừa cân – béo phì ở người lớn và trẻ em.
NỘI DUNG BÀI HỌC
Thừa cân và béo phì chỉ mới xuất hiện trong một thời gian ngắn khoảng dưới 10 năm so với “bề dầy lịch sử” suy dinh dưỡng trường diễn hàng ngàn năm nay của dân tộc ta, nhưng gia tăng một cách nhanh chóng và đang trở thành một vấn đề xã hội đáng được chú ý. Những nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng của trong những năm gần đây tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung cho thấy một xu hướng gia tăng béo phì rất nhanh ở tất cả các đối tượng điều tra trong xã hội, trong đó nghiêm trọng nhất là trẻ em, phụ nữ từ độ tuổi trung niên và một nhóm các đối tượng khác như doanh nhân, người làm việc văn phòng, nhân viên y tế... Số liệu điều tra của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia năm 2007 cho thấy có đến trên 16% người Việt Nam trưởng thành bị thừa cân béo phì, và khoảng 20% người Việt Nam trưởng thành bị béo bụng, tức là có những nguy cơ về sức khỏe. Béo phì gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nặng, nhất là ở các nhóm trẻ sống ở các quận nội thành, học chương trình bán trú, những phụ nữ làm các công việc tĩnh tại hay buôn bán...
ĐỊNH NGHĨA
Béo phì được xác định khi sự tích lũy mỡ trong cơ thể tăng lên quá mức thông thường, có thể dẫn đến những nguy cơ về mặt sức khỏe và tinh thần, do năng lượng ăn vào nhiều hơn nhu cầu năng lượng hàng ngày liên tục trong một thời gian dài.
Định nghĩa này loại bỏ tất cả các đối tượng sau ra khỏi chẩn đoán béo phì
Những người có cơ bắp phát triển : vận động viên thể hình, người chơi thể thao nặng liên tục thường xuyên...
Những người có tình trạng ứ nước trong cơ thể do bệnh lý hay tác dụng phụ của thuốc: dùng nội tiết tố sinh dục, corticoide, phù do bệnh thận, bệnh tim...
Tình trạng gia tăng khối xương do các nguyên nhân sinh lý hay bệnh lý: xương to do di truyền, các tích tụ trong xương bất thường
Một số tình trạng tích nước và tăng cân khác: Mang thai, u bướu khổng lồ...
* ThS. BS – Chủ Nhiệm Bộ Môn Dinh Dưỡng & ATTP – Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
Đồng thời, có những trường hợp cân nặng cơ thể không cao nhưng vẫn được chẩn đoán là béo phì do khối mỡ trong cơ thể tăng nhiều hơn so với tỉ lệ cơ thể của các khối khác : xương, cơ, nước.
Cũng theo định nghĩa, béo phì không thể xuất hiện trong một thời gian ngắn. Thời gian thông thường để một cơ thể bình thường đạt đến cân nặng được chẩn đoán là béo phì tối thiểu vào khoảng 1 năm.
SINH LÝ BỆNH
Béo phì là do sự phát triển quá mức của mô mỡ, là tập hợp của các tế bào mỡ ở dưới da, cạnh các phủ tạng. Các tế bào mỡ trong mô mỡ tăng dự trữ mỡ theo hai cách :
Gia tăng kích thước tế bào mỡ.
Gia tăng số lượng tế bào mỡ.
Trong giai đoạn đầu, sự tích lũy mỡ trong mô mỡ chủ yếu là gia tăng kích thước tế bào, do đó chế độ can thiệp phù hợp trong giai đoạn này có thể giúp cân nặng giảm nhanh và ổn định lâu dài. Béo phì càng kéo dài, bên cạnh sự gia tăng kích thước tế bào sẽ có hiện tượng tăng phân bào để thành lập các tế bào mỡ mới. Khi béo phì đã đến giai đoạn này, các can thiệp có thể gíup giảm cân nặng trong giai đoạn đầu, chủ yếu là do hiện tượng giảm kích thước tế bào mỡ, nhưng trong giai đoạn tiếp theo cân nặng thường giảm chậm và rất khó duy trì cân nặng lâu dài, do số lượng tế bào mỡ thường rất khó giảm.
Bên cạnh các tế bào mỡ tập trung thành mô mỡ, trong các trường hợp béo phì nặng cũng có kèm theo hiện tượng gia tăng lượng lipid tự do trong tuần hoàn máu và sự hiện diện của tế bào mỡ trong các mô của cơ quan.
CÁC THỂ BÉO PHÌ VÀ TIÊN LƯỢNG
Béo phì trung tâm : Mô mỡ tập trung chủ yếu ở vùng bụng, thường gặp ở nam giới, nguy cơ với sức khoẻ thường cao do mỡ tập trung ở phủ tạng nhiều
Béo phì vùng thấp : Mô mỡ tập trung ở bụng dưới và đùi, thường gặp ở nữ giới. Nguy cơ với sức khoẻ tương đối ít hơn so với béo phì trung tâm
Béo phì ngoại biên : Mô mỡ tập trung ở các vùng ngoại biên như tay chân, nách, ngực... thường gặp ở trẻ em, nguy cơ với sức khoẻ không nhiều và có thể phục hồi nếu can thiệp đúng cách
Tụ mỡ bất thường : thường gặp trong bệnh lý tuyến nội tiết, hoặc tai biến do dùng nội tiết tố. Mô mỡ tập trung bất thường ở vùng gáy, cổ... làm hình dáng mất cân đối. Tiên lượng thường xấu.
XÁC ĐỊNH BÉO PHÌ VÀ ĐÁNH GIÁ BÉO PHÌ
Đánh giá tình trạng béo phì là một bước quan trọng trong việc quyết định chế độ can thiệp đối với bất kỳ bệnh nhân nào.
Hiện vẫn còn nhiều bàn cãi về phương pháp đánh giá béo phì, nhất là ở trẻ em, do cơ thể trẻ phát triển và thay đổi thường xuyên, việc tăng cân là hiện tượng sinh lý cần được tôn trọng, sự tích lũy mỡ trong cơ thể thay đổi nhiều theo độ tuổi. Sự tích lũy mỡ trong suốt đời người thường tập trung vào 3 giai đoạn chính :
năm đầu sau sinh
tiền dậy thì và dậy thì.
sau tuổi trung niên
Sự tích lũy mỡ trong 2 giai đoạn đầu thường có giá trị quan trọng đối với việc phát triển chiều cao và quyết định tầm vóc của một người. Giai đoạn tích lũy mỡ thứ ba, ngoại trừ trường hợp tích lũy mỡ ở phụ nữ trong giai đoạn mang thai và cho con bú, thường không cần thiết, thậm chí còn là nguyên nhân của những rối loạn và bệnh lý liên quan đến thừa dinh dưỡng như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hoá lipid... .
Tùy theo điều kiện và mục đích trong việc đánh giá béo phì, có thể sử dụng các phương pháp khác nhau như sau :
- Nhìn : Béo phì có thể đuợc nhìn thấy bằng mắt thường. Đó là những người có khuôn mặt tròn, má phính sệ, cắm có ngấn mỡ lấp mất cổ, bụng phệ có nhiều ngấn mỡ dày, ngực, nách, đùi, bẹn... có nhiều ngấn mỡ. Bệnh nhân hay đổ mồ hôi khi vận động... Tuy nhiên khi nhìn thấy các biểu hiện trên thường bệnh nhân đã béo phì ở mức độ nặng, việc phục hồi trong giai đoạn này thường khó khăn hơn nhiều lần so với các giai đoạn sớm
- Biểu đồ tăng trưởng : Là phương pháp đơn giản nhất để ước lượng béo phì ở trẻ em, có thể áp dụng cho bà mẹ ngay tại gia đình để theo dõi sự phát triển thường xuyên của trẻ. Tuy nhiên đường biểu diễn theo biểu đồ là đường biểu diễn cân nặng so với tuổi nên không thể dùng để đánh giá hay xác nhận tình trạng béo phì của trẻ, vì trẻ có thể nặng cân hơn so với độ tuổi của mình tuy nhiên cân nặng đó lại phù hợp với chiều cao của trẻ do chiều cao cũng phát triển tốt hơn so với tuổi. Vì vậy biểu đồ tăng trưởng cũng chỉ dùng gợi ý nguy cơ béo phì ở trẻ nếu đường biểu diễn cân nặng đi dốc lên quá nhanh.
- Cân nặng theo chiều cao : Dành cho trẻ em dưới tuổi thành niên, được so sánh với quần thể NCHS của Mỹ hoặc WHO 2005. Đây là phương pháp được sử dụng hiện nay trong điều tra tỉ lệ béo phì ở trẻ em cũng như đánh giá tình trạng dinh dưỡng để đưa ra phương hướng điều trị cá thể. Trẻ được đánh giá là béo phì khi:
CN/CC > +2SD
Z-Score CN/CC > 1
- So sánh với cân nặng chuẩn: (Mỹ)
100 - 120% cân nặng chuẩn: thừa cân (overweight)
120 - 150% : béo phì (obesity)
> 150% : quá béo phì (supperobesity)
- BMI : Thường được dùng để đánh giá béo phì ở người lớn. Ở trẻ em chỉ áp dụng cho các trường hợp trẻ cao trên 137cm (ở nữ) và trên 145cm (ở nam)
cân nặng (kg)
BMI = -----------------------
Chiều cao2 (m)
Chỉ số BMI ở trẻ em được đánh giá theo độ tuổi của trẻ. Trẻ béo phì khi chỉ số BMI theo tuổi này lớn hơn 95 percentile
Đối với trẻ trên 18 tuổi và người lớn có thể sử dụng bảng đánh giá BMI như sau.
Bình thường: 18,5 - 23
Suy dinh dưỡng: <18,5
Thừa cân: 23-24,9
Béo phì độ 1: 25 - 29,9
Béo phì độ 2: 30 - 40
Béo phì độ 3: >40
- Các phương pháp đánh giá tỉ lệ mỡ : Là phương pháp quan trọng nhất để xác định tình trạng béo phì và quyết định chế độ điều trị. Đo tỉ lệ mỡ bằng cân đo mỡ, đo các nếp gấp da, cân trong nước... . Phương pháp này chưa thông dụng tại Việt Nam, thường ít có giá trị ở trẻ em. Giới hạn tỉ lệ mỡ dùng chẩn đoán tình trạng béo phì thay đổi tuỳ theo độ tuổi, giới tính... Trung bình ở nam giới từ tuổi trung niên là 25 và nữ giới là 30.
Tuổi (năm)
Tỉ lệ mỡ cơ thể (%)
Nam
Nữ
<15
thay đổi
15-30
< 22
< 27
>30
< 25
< 30
- Tỉ lệ eo/mông
Thường áp dụng cho người lớn trên 18 tuổi, hữu hiệu để đánh giá các thể báo phì có nguy cơ với sức khoẻ. Giới hạn tỉ lệ eo/mông để đánh giá béo phì có nguy cơ với sức khoẻ là 0,85 ở nữ và 0,95 ở nam.
- Đo vòng bụng tuyệt đối
Số đo vòng bụng tuyệt đối cũng có giá trị ước lượng nguy cơ của béo phì với sức khoẻ. Giới hạn đánh giá của số đo này là 80 ở nữ và 90 ở nam.
NGUYÊN NHÂN CỦA BÉO PHÌ :
Trên 90% trường hợp béo phì là do yếu tố ngoại sinh, tức là do ăn uống, chế độ vận động, sinh hoạt, chỉ có không đến 10% là do di truyền và bệnh lý, thường gặp trong các bệnh lý về gen, nội tiết có thể nguyên phát hay thứ phát.
Béo phì xảy ra khi năng lượng cung cấp cho cơ thể vượt lên trên nhu cầu cần thiết trong một thời gian dài, có thể do ăn quá nhiều hoặc giảm nhu cầu do giảm hoạt động thể lực hoặc cả hai xảy ra cùng lúc.
YẾU TỐ THUẬN LỢI CỦA BÉO PHÌ :
Ít hoạt động thể lực
Có thói quen sử dụng các loại thức ăn có năng lượng cao.
Sống tại các đô thị
Trẻ có cha mẹ mập phì.
Các cộng đồng có sự thay đổi đột ngột về chế độ ăn.
Tuổi trung niên
Phụ nữ sau sinh đặc biệt không cho con bú sữa mẹ
NHỮNG NGUY CƠ CỦA NGƯỜI BỊ BÉO PHÌ :
* Về thể chất : Tăng các nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý mạch vành, sỏi thận, sỏi mật, rối loạn chuyển hoá lipid, các bệnh lý về xương như viêm khớp, cột sống, các biến dạng ở chân, bệnh lý da nhiễm trùng.. Do sự gia tăng các nguy cơ bệnh lý cộng với các yếu tố xã hội, người bị béo phì trung bình sẽ giảm 6-10 năm tuổi thọ.
* Về tâm lý : Trẻ béo phì thường bị bạn bè cùng trang lứa trêu chọc, trở nên dễ tự ti, cô độc thậm chí có hiện tượng thoái lùi về tâm lý, coi thường bản thân mình và thường các tổn thương tâm lý này kéo dài đến khi trẻ trưởng thành. Ở người lớn, các rối loạn tâm lý thường gặp là tự ti, khó hay không hoà nhập cộng đồng, có tư tưởng nổi loạn và có ý định tự tử.
* Các nguy cơ về mặt xã hội : Người béo phì thường thụ động, ít hoạt động, suy nghĩ và làm việc chậm chạp, cộng thêm tâm lý tự ti, không thích tham gia vào tập thể … nên thường thất bại trong mọi công việc từ học tập, khám phá, vui chơi… cho đến khi lớn trẻ không thể thành đạt được trong học tập cũng như trong công việc. Xã hội cũng thường nhìn những người béo phì với sự kỳ thị, không thiện cảm. Người béo phì khó tìm được việc làm tốt, gặp nhiều trở ngại trong đời sống tình cảm.
ĐIỀU TRỊ BÉO PHÌ :
Điều trị béo phì rất đơn giản về mặt nguyên tắc, chỉ là việc giảm năng lượng ăn vào thông qua kiểm soát chế độ ăn và tăng năng lượng tiêu hao thông qua chế độ vận động thể lực phù hợp. Tất cả các phương pháp hỗ trợ khác như dùng thuốc, tâm lý liệu pháp, thay đổi hành vi... đều nhằm đạt 2 mục tiêu trên và duy trì chúng lâu dài nhất có thể. Tuy nhiên, một chương trình giảm cân trong thực tế sẽ bao gồm 4 hoạt động chính:
Ăn kiêng
Vận động thể lực
Điều chỉnh hành vi và tâm lý liệu pháp
Các biện pháp hỗ trợ (thuốc, phẫu thuật...)
Đối với người lớn, quan điểm chung là béo phì nên được quan tâm theo dõi và có chiến lược can thiệp ngay từ khi có nguy cơ chứ không chờ đến béo phì thật sự vì :
Can thiệp ngay từ giai đoạn chưa có sự gia tăng tế bào mỡ sẽ có kết quả tốt và duy trì lâu dài hơn
Can thiệp sớm trước khi có tổn thương thực thể trên các cơ quan : Khi đã có tổn thương thực thể trên các cơ quan (tuỵ, mạch máu, gan...) do mỡ, giảm cân giúp các tổn thương này ngưng tiến triển chứ không phục hồi được các tổn thương.
Phòng tránh được các bệnh lý di truyền có liên quan đến béo phì : Một số bệnh lý mang tính chất di truyền, nhưng chỉ biểu hiện thành bệnh khi có điều kiện thuận lợi là tình trạng thừa cân, béo phì. Ngăn chặn béo phì có thể làm giảm yếu tố thuận lợi thức đẩy các bệnh lý tiềm ẩn này tiến triển.
Đối với những người thừa cân, béo phì có mắc các bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng và lối sống, giảm cân là một phần bắt buộc có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả điều trị chung. Đối với những người này, cần có chế độ ăn và tập luyện riêng phù hợp với tình trạng bệnh lý và thể trạng chung của bệnh nhân, được các chuyên viên theo dõi và điều chỉnh thường xuyên.
Nguyên tắc xây dựng thực đơn
- Phải xây dựng thực đơn dựa trên thực đơn hiện tại. Nếu đưa ra một thực đơn cứng nhắc, xa lạ với chế độ ăn hàng ngày thì việc thất bại hầu như nắm chắc trong tay vì bệnh nhân sẽ bỏ điều trị trong một thời gian rất ngắn. Cần có thực đơn 24giờ ghi lại trong 1-2 tuần liên tiếp, hỏi kỹ về thói quen ăn uống, giờ giấc, loại thức ăn… và can thiệp từ từ
- Không được bỏ đói người bệnh dù là một bữa. Nhiều bữa ăn nhỏ với lượng thức ăn ít tốt hơn ăn ít lần với số lượng nhiều thức ăn. Thức ăn trong các bữa phụ có thể rất nghèo năng lượng nhưng có thể đảm bảo không để bệnh nhân đói
- Cung cấp đủ nhu cầu về các protein qúy, sinh tố và khoáng chất. Trong thực đơn phải đảm bảo đủ lượng thịt cá, rau, trái cây.
- Ăn nhiều buổi sáng và giảm về chiều tối. Bữa ăn cuối trong ngày cách lúc đi ngủ ít nhất 3 giờ.
- Giảm các loại thức ăn cung cấp nhiều năng lượng : Như thức ăn chiên, quay, xào, thịt mỡ, da, lòng, bột, đường, nước ngọt, các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, jambon, đậu phộng chiên, kem, các thức ăn khô …
- Tăng các thức ăn nghèo năng lượng để đảm bảo bữa ăn về mặt số lượng : Rau, trái cây không ngọt, dùng cá, đậu hũ thay các loại thịt, tăng khoai, củ thay các loại bột giàu năng lượng.
- Sữa là một loại thực phẩm rất tốt cho người cần giảm cân. Vì bệnh nhân vẫn cần các đạm qúy và khoáng chất trong sữa để phát triển chiều cao ở trẻ em và bảo vệ bộ xương ở người lớn. Nên chọn dùng loại sữa không béo để giảm bớt năng lượng từ chất béo mà vẫn đảm bảo các thành phần dinh dưỡng quý khác.
- Không nhịn uống nước trong khi đang thực hiện chế độ ăn và vận động để giảm cân. Nước hoàn toàn không có năng lượng nên không thể làm tăng cân, ngược lại, cơ thể cần có nước làm môi trường thuận lợi cho các phản ứng phân huỷ chất mỡ dự trữ để tạo năng lượng.
Vận động thể lực
Tập luyện nhằm mục đích tiêu hao năng lượng dự trữ dưới dạng mô mỡ, làm tăng khối cơ bắp và khối xương qua đó làm giảm các vùng lỏng lẻo của cơ thể, hạn chế khu vực phát triển của các tế bào mỡ.
Chọn lựa cách vận động phải phù hợp với tình trạng sức khoẻ, nhu cầu, ý thích và các điều khác như điều kiện kinh tế, thời gian làm việc... của từng người để đảm bảo chế độ vận động được thực hiện đúng theo yêu cầu và duy trì lâu dài.
Các hình thức vận động có thể áp dụng
Vận động mạnh : Tức là các vận động gắng sức nhiều như khi chơi thể thao hay làm các công việc nặng nhọc như khiêng, xách, đẩy, kéo vật nặng... Năng lượng tiêu hao khoảng 400kcalo/ giờ (tối đa 600kcalo/giờ)
Vận động vừa : Các vận động phải gắng sức ít như tập thể dục, đi bộ nhanh, chơi các trò chơi vận động,... Năng lượng tiêu hao khoảng 300kcalo/ giờ.
Van động nhẹ : là các vận động không cần gắng sức như lau nhà, quét sân, đi bộ chậm... Năng lượng tiêu hao khoảng 200kcalo/ giờ
Vận động rất nhẹ: nằm ngồi một chỗ, đọc sách báo, xem TV, làm việc tại bàn giấy, làm việc trên máy vi tính... Năng lượng tiêu hao khoảng 100-120kcalo/ giờ
Các vấn đề cần lưu ý về vận động để giảm cân
Khám tổng quát trước khi quyết định tham gia bất kỳ một hình thức vận động nào. Khi vận động, tập luyện, cơ thể luôn phải gia tăng công suất làm việc của rất nhiều hệ cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh, nội tiết, cơ xương khớp... Xác định tình trạng sức khoẻ của bản thân giúp mỗi người tìm được loại hình tập luyện phù hợp nhất với nhu cầu và khả năng của mình đồng thời phòng ngừa được các nguy cơ tai biến do vận động quá khả năng của cơ thể.
Theo dõi cân nặng hàng tuần : Nên cân vào một giờ nhất định trong ngày vì trọng lượng cơ thể chênh lệch có khi gần 1kg giữa buổi sáng và buổi tối.
Tập từ ít đến nhiều, từ nhẹ đến nặng : Ví dụ ngày đầu chỉ chạy bộ 2 vòng sân. đến khi đã quen tăng lên 3 vòng, rồi 4 vòng..., thời gian tạm nghỉ giữa các lần vận động ngày càng ít đi....
Trong một buổi tập nên tập với cường độ tăng dần vào đầu buổi và giảm dần vào cuối buổi để các hệ cơ quan trong cơ thể quen dần với sự thay đổi cường độ hoạt động.
Không hạn chế uống nước khi tập. Hạn chế uống nước thường gây cảm giác giảm cân ảo do mất nước nhưng rất nguy hiểm vì sẽ làm xáo trộn cân bằng sinh lý của cơ thể, ảnh hưởng đến hoạt động của tất cả hệ cơ quan trong cơ thể
Ngoài tập luyện luôn luôn phải chú ý đến hoạt động vận động trong đời thừơng.
Thông thường mỗi lần tập năng lượng tiêu hao tối thiểu phải đạt là 300kcalo mới có thể đạt hiệu quả giảm cân. Nói chung nên tập đến khi thở nhanh, vã mồ hôi nhiều, tim đập nhanh.
Mỗi tuần nên tập tối thiểu 3-4 lần . Tập dưới 3 lần mỗi tuần thường không mang lại hiệu quả tiêu bớt mỡ thừa, ngược lại chỉ có tác dụng kích thích tiêu hoá, ăn uống ngon miệng hơn
Thời gian tập mỗi lần phù hợp với loại hình tập, cường độ tập và tình trạng sức khoẻ : Các loại hình tập nhẹ với cường độ không cao thường phải tập với thời gian dài hơn và ngược lại.
Thay đổi hành vi và tâm lý liệu pháp
Phát triển ở các nước tiên tiến nhưng hiện vẫn chưa thành hệ thống tại Việt Nam. Nguyên tắc là giúp bệnh nhân thay đổi các quan điểm và thói quen có liên quan đến ăn uống và vận động, tập luyện thói quen mới, điều trị các bệnh lý tâm lý dẫn đến tình trạng háu ăn.
Các biện pháp hỗ trợ khác
Thuốc giảm cân: Chỉ nên dùng với sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Cho đến nay, chỉ có hai loại thuốc dùng với mục đích giảm cân được Tổ chức Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo sử dụng lâu dài là Sibutramin và Orlistat (Xenical), trong đó Sibutramin có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương làm tăng cảm giác no gây ăn ít đi, và Orlistat có tác dụng tại chỗ trong đường tiêu hoá làm mỡ trong thức ăn không được hấp thu và thải ra ngoài.
Hút mỡ: áp dụng với những trường hợp mỡ thừa đã tích luỹ nhiều, kết hợp với phẫu thuật chỉnh hình khi mô dưới da lỏng lẻo và da chùng giãn.
Phẫu thuật: Thu nhỏ dạ dày, đặt bóng dạ dày...
ĐIỀU TRỊ BÉO PHÌ Ở TRẺ EM
Tùy theo quốc gia, độ tuổi được phép chẩn đoán và can thiệp điều trị béo phì ở trẻ em thay đổi khác nhau, nhưng ở trẻ em đều tựu trung ở một quan điểm chung là can thiệp nhẹ nhàng, lâu dài, lợi dụng sự phát triển tự nhiên của trẻ trong điều trị béo phì. Đây là một công việc kéo dài đòi hỏi nhiều thời gian và nghị lực của bản thân trẻ cũng như sự giúp đỡ tận tình của gia đình và bè bạn xung quanh, ngoài sự trợ giúp của các chuyên gia dinh dưỡng.
Khi quyết định tiến hành can thiệp điều trị béo phì ở trẻ em cần lưu ý đến một số điểm đặc thù so với điều trị béo phì ở người lớn như sau:
Về mặt sinh lý, cơ thể trẻ là cơ thể đang phát triển nên vẫn cần đến các chất dinh dưỡng cần thiết để đáp ứng cho nhu cầu gia tăng chiều cao và hoàn thiện các cơ quan chức năng trong cơ thể. Các can thiệp thô bạo trên chế độ ăn của trẻ làm cắt hẳn nguồn dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển này có thể gây ảnh hưởng đến tầm vóc và cả sự hoàn thiện các hệ cơ quan của trẻ.
Về mặt nhận thức, trẻ em thường không đánh giá được các nguy cơ của béo phì như người lớn và đối với những trẻ có “tâm hồn ăn uống” thường bản năng thèm ăn có thể làm trẻ không tuân thủ chế độ điều trị, ăn vụng, đòi ăn, đòi bú, ăn bù, giấu diếm thức ăn để dành ăn dần...
Về mặt tâm lý, trẻ em thường nhạy cảm, tin vào những lời nói và nhận định của những người xung quanh, ngộ nhận thái độ nghiêm cấm ăn uống hay những lời đùa giỡn của người lớn về tình trạng béo phì của mình, đồng thời tâm thần kinh còn trong giai đoạn phát triển nên các tổn thương về mặt tâm lý thường nghiêm trọng và kéo dài hơn ở người lớn. Trẻ có khuynh hướng tự tìm ra các phương pháp đối phó lại với các lời nói, hành vi chế giễu của mọi người xung quanh.
Vì vậy khi tiếp cận trẻ béo phì, nên chú ý xác định các thái độ tiếp xúc đối với trẻ cũng như xác định