Bản sắc văn hóa vùng cao Hà Giang trong một số truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy

Tóm tắt. Đỗ Bích Thúy là cây bút nữ có nhiều sáng tác đặc sắc về đề tài miền núi. Các truyện ngắn về miền núi của chị đều mang đậm những nét bản sắc đặc trưng của vùng cao nguyên núi đá Hà Giang. Nét đẹp văn hóa vùng cao được thể hiện qua những bức tranh thiên nhiên đặc sắc về núi rừng, không gian sinh hoạt với những phong tục, tập quán đậm đà bản sắc dân tộc và đặc biệt là thế giới tâm hồn đa dạng, phức tạp, mang bản sắc tư duy và chiều sâu văn hóa của những con người miền sơn cước.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 486 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bản sắc văn hóa vùng cao Hà Giang trong một số truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Interdisciplinary Sci., 2014, Vol. 59, No. 6, pp. 50-55 BẢN SẮC VĂN HÓA VÙNG CAO HÀ GIANG TRONGMỘT SỐ TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỖ BÍCH THÚY Bế Thị Thu Huyền Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh Tóm tắt. Đỗ Bích Thúy là cây bút nữ có nhiều sáng tác đặc sắc về đề tài miền núi. Các truyện ngắn về miền núi của chị đều mang đậm những nét bản sắc đặc trưng của vùng cao nguyên núi đá Hà Giang. Nét đẹp văn hóa vùng cao được thể hiện qua những bức tranh thiên nhiên đặc sắc về núi rừng, không gian sinh hoạt với những phong tục, tập quán đậm đà bản sắc dân tộc và đặc biệt là thế giới tâm hồn đa dạng, phức tạp, mang bản sắc tư duy và chiều sâu văn hóa của những con người miền sơn cước. Từ khóa: Đỗ Bích Thúy, đề tài miền núi, bản sắc, Hà Giang. 1. Mở đầu Đỗ Bích Thúy sinh ra và lớn lên giữa vùng cao nguyên nắng gió Hà Giang, chị hiểu và yêu sâu sắc những nét đẹp văn hóa đã trở thành bản sắc khó lẫn của miền đất máu thịt này. Đọc truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, người đọc được đằm mình trong không gian của núi rừng rộng lớn. Viết về miền đất của mình, văn chương của chị luôn ăm ắp và tràn đầy nhựa sống, đằm sâu sắc màu văn hóa vùng núi cao – mảnh đất Hà Giang địa đầu Tổ quốc. Bước vào thế giới truyện ngắn của chị, người đọc được thỏa sức tắm mình trong không gian thiên nhiên rộng lớn đặc trưng và kì bí của núi rừng, không gian sinh hoạt với những phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc, và đặc biệt, người đọc được bước vào thế giới tâm hồn đa dạng, phức tạp, mang bản sắc tư duy và chiều sâu văn hóa của những con người miền sơn cước. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Những bức tranh thiên nhiên đặc sắc về núi rừng Thiên nhiên hoang sơ, rộng lớn, dữ dội, hùng vĩ của núi rừng đại ngàn – được tạo dựng bằng bút pháp gợi tả tinh tế. Đỗ Bích Thúy lựa chọn những chi tiết tiêu biểu nhất Ngày nhận bài: 15/10/2013 Ngày nhận đăng: 19/6/2014 Liên hệ: Bế Thị Thu Huyền, e-mail: binhminhmuaqn@yahoo.com 50 Bản sắc văn hóa vùng cao Hà Giang trong một số truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy khơi gợi trí tưởng tưởng của người đọc về không gian vùng núi đá tai mèo cao ngút tầm mắt: “nhìn phía nào cũng chỉ thấy núi. Núi đá cao ngang mây trời, nhiều như sao trên dòng sông Ngân Hà, ngửa mặt đếm mỏi miệng, mỏi cổ không xuể” (Cạnh bếp có cái muôi gỗ) [5;154]. Sự đối lập giữa độ cao ngút ngàn của núi rừng với độ thăm thẳm, hun hút của vực sâu càng gợi tả rõ nét sự hiểm trở, hoang sơ. Đá tai mèo sắc nhọn tô điểm thêm cho sự man dại, dũng mãnh. Tiếng gió đại ngàn vi vút làm tăng thêm sự hoang vắng, dữ dội của núi rừng. Thiên nhiên dữ dội hoang sơ gắn liền với hình ảnh người trai Mông, thiên nhiên thơ mộng, lãng mạn, huyền bí của núi rừng lại gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Mông “ngọn núi nhọn, từ chân lên đến đỉnh mọc kín tam giác mạch. . . hoa tam giác mạch nở rộ, cuối mùa hoa ngả sang màu hồng sẫm, lẫn vào mây mờ” (Cạnh bếp có cái muôi gỗ) “trời càng rét thì sắc biếc hồng càng rực rỡ” (Ngải đắng ở trên núi) [3]. Thiên nhiên mang cái mùi vị thân thương đến thành nỗi nhớ nhung khắc khoải của lòng người (Ngải đắng ở trên núi). Nhưng cái vẻ mơ màng lãng mạn ấy không có chỗ trong một cuộc sống còn bao nhọc nhằn bươn chải. Người phụ nữ Mông gắn bó với thiên nhiên bởi đó là không gian lao động hàng ngày. “Ở miền núi, con gái phải tập gùi từ lúc 8, 9 tuổi. Gùi mãi, đủ thứ trên lưng, già rồi vẫn gùi nên bao giờ lưng cũng còng sớm hơn đàn ông” (Sau những mùa trăng) [3]. Đàn bà gắn liền với hình ảnh của cái gùi, cái quẩy tấu mỗi khi đi làm nương, tư thế lúc nào cũng cong lưng, cúi mặt xuống để giữ lấy thăng bằng trèo rừng, lội suối nên họ rất lặng lẽ, kiệm lời “Đàn bà Thài Tùng Phỉn nói ít làm nhiều, không mấy khi buồn cũng không có mấy khi vui. Cúi mặt từ mờ sáng đến đêm khuya, cái lưng cong mãi” [5;158]. Không gian xa xôi hẻo lánh lại là điều kiện, là cơ hội để con người miền núi thể hiện tình cảm xóm giềng gắn bó sâu sắc “Muốn đến thăm nhau là phải đi từ lúc mặt trời chưa mọc đến khi mặt trời sắp lặn” (Ngoài cửa trời chưa sáng) [3]. Vượt qua những khoảng cách của không gian, con người miền núi tìm mọi cách để gắn kết cộng đồng, âm thanh quen thuộc của tiếng súng kíp cũng trở thành phương tiện để truyền tin và giao tiếp “Xóm Mông Sán Cố của Súa có tám nóc nhà. . .muốn gọi được nhau thì phải dùng súng kíp. Bắn một phát là có một đứa trẻ trai mới ra đời, bắn hai phát là có nhà mất trộm bò, bắn ba phát có người ốm, bốn phát có đám ma. . . ” [4;27]. Hình thức giao tiếp độc đáo này có lẽ chỉ có ở vùng cao, nó trở thành nét văn hóa đặc sắc của núi rừng. 2.2. Không gian sinh hoạt với những phong tục, tập quán đậm đà bản sắc dân tộc Những truyện ngắn viết về miền núi của Đỗ Bích Thúy thường tập trung phản ánh cuộc sống của con người ở những bản người Mông, người Tày trên cao nguyên núi đá. Những câu chuyện về cuộc sống và con người được đặt trong không gian văn hóa với những phong tục, tập quán đậm đà bản sắc dân tộc – đó là không gian của văn hóa tâm linh, văn hóa phong tục, tập quán, văn hóa sinh hoạt với những nét đặc sắc riêng biệt. Nét đẹp của văn hóa tâm linh: tục cúng thần chủ quản mong muốn xua đi mọi điều không tốt, mong năm mới những điều tốt lành sẽ đến (Tráng A Khành). Đó là phong tục được người dân miền núi thực hiện một cách thành kính, thiêng liêng, không đơn giản chỉ 51 Bế Thị Thu Huyền là thói quen lâu đời mà qua phong tục còn thể hiện quan niệm sống và gửi gắm tình cảm của con người. Người miền núi dù nghèo khó đến mấy họ cũng luôn nhớ ơn Tổ tiên. Tục chôn nhau đứa bé trai mới sinh vào cái lỗ ở chân cột giữa nhà với mong muốn sau này đứa trai Mông lớn lên khỏe mạnh trở thành cây cột chống cho cái nhà, thành trụ cột của gia đình giữ cho ngôi nhà người Mông luôn chắc chắn (Lặng yên dưới vực sâu). Bên cạnh đó, những phong tục từ lâu đời vừa mang nét đặc trưng văn hóa của đồng bào miền núi vừa thể hiện cách sống, cách nghĩ riêng của họ: tục thách cưới, tục cướp vợ. . . cũng được thể hiện trong các truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy một cách hết sức tự nhiên và đặc sắc. Thông qua các không gian đặc trưng, Đỗ Bích Thúy dẫn người đọc bước vào thế giới đầy màu sắc của văn hóa vùng cao. Đọc truyện ngắn của chị, người đọc không thể nào quên những khoảng không gian hết sức đặc biệt: ngôi nhà, lễ hội, phiên chợ vùng cao. . . làm nền cảnh cho những câu chuyện về con người và cuộc sống được kể, được tả một cách say sưa, thấm thía. Không gian ngôi nhà được miêu tả tập trung qua những khoảng không gian nhỏ: bàn thờ, nơi tiếp khách, gian bếp, cái ngưỡng cửa cao với chín bậc cầu thang trong ngôi nhà sàn người Tày, cái ô cửa nhỏ và hàng rào đá ở ngôi nhà người Mông. . . Không gian của nơi thờ cúng và tiếp khách thường gắn liền với hình ảnh người đàn ông trụ cột trong các gia đình miền núi, nơi thực hành những nghi lễ thiêng liêng, nơi gắn với những sinh hoạt chung của cả gia đình được người miền núi rất coi trọng. Căn bếp lại là nơi gắn liền với sự hiện diện của người đàn bà, gian bếp tuy không phải là không gian chính của ngôi nhà nhưng lại là nơi thể hiện bức tranh phong tục đặc sắc của người miền núi. Bếp là nơi có con ma bếp cai quản việc sinh đẻ của đàn bà và phù trợ cho việc chăn nuôi gia súc. Cô dâu mới về nhà chồng đều được mẹ chồng đưa xuống để nhận mặt, và từ đó, cuộc đời của họ, giàu hay nghèo, sướng hay khổ đều gắn liền với gian bếp ấy, với những chảo cám lợn, những nồi mèn mén, những nồi rượu ngô, những nồi bánh gù, bánh khảo hay xâu thịt bò khô cho chồng uống rượu. . . Người miền núi coi trọng sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ, nên “người già chọn con dâu, chỉ cần nhìn cách chụm lửa, cách vun bếp là đủ biết có khéo, có đảm hay không”. Cái ngưỡng cửa cao ở ngôi nhà sàn người Tày, nơi chín bậc cầu thang là nơi thân thương gắn bó với con người, là cái nhắc nhớ con người ta dù có đi đến nơi đâu cũng luôn nhớ về gia đình, nguồn cội (Ngải đắng ở trên núi) [3]. Bờ rào đá cao bao quanh nhà của người Mông là nơi hò hẹn tình yêu đôi lứa. Tiếng đàn môi réo rắt, thiết tha của người trai nào như vượt qua cả bờ rào đá, rộn rã bước chân của những cô gái khẽ khàng mặc váy áo đẹp, vấn khăn, đẩy cửa bước ra khỏi bờ rào đá trong đêm trăng hò hẹn là những bức tranh đậm chất lãng mạn, trữ tình của đời sống vùng cao. Bờ rào đá và ánh trăng kia như những chứng nhân cho tình yêu đôi lứa, là biểu tượng cho khát vọng tình yêu mãnh liệt, khát vọng sống tiềm tàng mà mạnh mẽ, đậm chất nhân văn, nhân bản. Không gian lễ hội, chợ phiên cũng xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm của Đỗ Bích Thúy, góp phần thể hiện những nét đặc trưng nổi bật của phong tục tập quán vùng núi cao. Lễ hội Lồng Tồng của người Tày được miêu tả như một phong tục đẹp, là dịp để mọi người vui chơi, hội bản này nối sang bản khác kéo dài suốt cả tháng giêng (Ngải đắng ở trên núi), với hình ảnh những người con trai, con gái mặc những bộ quần áo đẹp nhất “má đứa nào cũng như hoa đào, miệng đứa nào cũng như quả hồng chín” (Mặt trời lên 52 Bản sắc văn hóa vùng cao Hà Giang trong một số truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy quả còn rơi xuống) [3]. Lễ hội còn là không gian giao duyên (Đá cuội đỏ) [3], là nơi khởi đầu cho những tình yêu đôi lứa. Không gian của các phiên chợ vùng cao hiện lên vô cùng đặc sắc qua ngòi bút miêu tả tài tình và tinh tế của Đỗ Bích Thúy. Phiên chợ là nơi trao đổi, buôn bán, là nơi thể hiện đầy đủ nhất, phong phú nhất những nét đặc sắc của văn hóa vùng núi. Phiên chợ là nơi gắn liền với hoạt động sinh hoạt cộng đồng nhưng đồng thời cũng chính là không gian riêng tư của con người miền núi, nơi họ có thể tự do sống cho bản thân mình và sống thật với lòng mình nhất. Phiên chợ miền núi thể hiện rõ một quan niệm sống đậm chất nhân văn “cả năm cúi mặt ngoài nương, cúi mặt vì hạt ngô, hạt đậu, về nhà cúi mặt vì có con lợn, con gà, mãi mới có lúc được thảnh thơi”. Bởi vậy, khi xuống chợ phiên, con người ta như được giải phóng, được cởi bỏ tất cả mọi gánh nặng của bổn phận và công việc, người ta được sống thoải mái và phóng túng nhất. Ở phiên chợ hai bảy của người Mông “người bán người mua uống cùng nhau. . .Đàn ông quên dao, quên nỏ, đàn bà quên chảo cám, quên cái đũa cả, chẳng ai chê cười” (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá) [3]. Chợ phiên còn là nơi hò hẹn của những tình duyên lỡ dở, yêu nhau mà không đến được với nhau. Họ không thể sống với nhau cả cuộc đời nhưng họ lại có thể đến với nhau trong những ngày chợ phiên mà không bị ai cấm đoán, ngăn cản, phong tục này được cả cộng đồng chấp nhận như một sự cảm thông, bù đắp cho những người gặp trắc trở trong tình duyên, đồng thời còn là minh chứng cho tình yêu son sắt bền lâu vượt qua mọi thử thách của thời gian (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá) [3]. Sống trong môi trường thiên niên rộng lớn, hoang vu nơi núi cao, vực thẳm, con người ta có tâm hồn phóng khoáng, bay bổng với khát vọng tự do mạnh mẽ, song đôi khi cũng khiến con người ta cô đơn, buồn tủi. Mượn tiếng khèn, tiếng đàn, tiếng hát làm bạn, con người miền núi có thể bộc bạch đời sống tâm hồn, tình cảm của mình. Hình ảnh người con trai miền núi luôn gắn liền với âm thanh của tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi tha thiết. Có khi đó là là giai điệu trong trẻo của những khúc dân ca thiết tha với quê hương (Lặng yên dưới vực sâu). Có khi đó là lời tỏ tình sôi nổi, đắm say (Sau những mùa trăng) [2]. Có khi đó là nỗi niềm xót xa, day dứt của những mối tình dang dở “tiếng sáo mà Súa nghe đêm nay có mùi của nước mắt đang khô” [4;14]. Có khi đó là nỗi lòng khắc khoải của sự đợi chờ cả một đời người nhưng vẫn không thôi tha thiết (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá). Người con gái vùng núi cao lại lấy tiếng hát để giãi bày tâm tư, tình cảm của mình. Đọc truyện ngắn Đỗ Bích Thúy, người đọc được đắm chìm trong những khúc dân ca Mông. Tiếng hát gắn liền với cuộc đời người Mông ngay từ khi còn là một đứa trẻ. Lời ca, tiếng hát chứa đựng đủ mọi cung bậc tình cảm, cảm xúc của con người. Có khi đó là khúc dân ca trong trẻo của buổi yêu đầu còn thẹn thùng, bỡ ngỡ (Con dê bốn mắt). Có khúc hát là lời thề non hẹn biển của đôi lứa yêu nhau (Mèo đen). Có tiếng hát làm dâu đau đáu lẫn vào trong gió (Lặng yên dưới vực sâu). Có tiếng hát xót xa đầy day dứt của đứa em gái nhỏ khi chị không trở về (Khách quý). Có tiếng hát trầm buồn của người bà thương thân phận cháu gái cút côi (Mẹ kế). . . Qua những phong tục tập quán mà khám phá chiều sâu văn hóa, chiều sâu tâm hồn con người miền núi, đó là một thành công đặc sắc của ngòi bút Đỗ Bích Thúy, điều mà không phải một nhà văn người Kinh nào khi viết về đề tài miền núi cũng có thể làm được. 53 Bế Thị Thu Huyền 2.3. Văn hóa tư duy mang đặc trưng tâm hồn, cốt cách con người miền núi Đặc trưng tư duy của người miền núi mang tính trực quan, cụ thể, tư duy mang tính hình tượng, gắn với nếp cảm, nếp nghĩ mộc mạc, giản đơn. Đó là những cách tính đếm thời gian rất cụ thể, chân phương “có hôm sương rơi ướt vành khăn mới vào nhà” (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá) [3], “những mùa trăng” (Sau những mùa trăng) [3], “Nhưng hai người đi chợ, đi luôn không về. Đến hết vụ ngô cũng không thấy về” (Khách quý) [5;27]; “mẹ tôi mất đã ba mùa gieo ngô, thu ngô” (Mẹ kế) [5;9]. Đó là nếp cảm, nếp nghĩ rất thật lòng, thật bụng “Tại cái đầu ít nghĩ đến nhau thì tự dưng chân cũng mỏi theo thôi mà” (Ngoài cửa trời chưa sáng) [3]. Đó là cách thể hiện tình cảm rất gần gũi, giản đơn “Nhìn bà ngoại như nhìn thấy mẹ, chỉ là mẹ già hơn mà thôi. Bà ngoại thì nói, nhìn thấy tôi như nhìn thấy con gái, chỉ là con gái non hơn mà thôi”, “bà già, bà chết thì lấy ai cho tôi chạy về ngủ một đêm, ngủ hai đêm, ngủ ba đêm” (Mẹ kế) [5;12]. Tư duy trực quan, cụ thể của người miền núi được thể hiện qua nghệ thuật so sánh đặc sắc. Vẻ đẹp của người phụ nữ được miêu tả “Mẹ Hoa vẫn đẹp như bông lê đang nở rộ ngày trời ấm” (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá) [3], “đôi bờ vai rất tròn, cái cổ cao mà trắng như núi đá vỡ” (Sau những mùa trăng) [3], “Tại sao người đàn bà không đẻ được nữa lại cứ nở ra như một bông hoa chuối đỏ rực, căng mọng thế này” (Gió không ngừng thổi) [3], “một đứa bé gái xinh như bông tam giác mạch sắp tàn”, “gái mười lăm như quả táo sắp chín, còn Súa như một bát rượu nếp ủ kĩ, chưa cất thành rượu, từ xa ngửi thấy đã say” [4;30], “cặp vú vừa căng vừa nóng như nắm xôi nếp còn bốc hơi trong chõ” (Mèo đen) [5;32]. Hình ảnh bộ váy áo của phụ nữ Mông: khi phơi bên tảng đá nơi bờ suối giống như bông hoa rực rỡ, khi mặc váy người phụ nữ Mông đẹp lộng lẫy lạ kì “tấm váy dày cộp, sặc sỡ như cánh một con bướm của Nhí xoay tròn” (Lặng yên dưới vực sâu), “Từ xa vẫn nhìn thấy tấm váy dày bị gió thổi xèo ra rực rỡ” (Tráng A Khành) [5;47], khi buồn người phụ nữ Mông cũng được so sánh với “tấm váy ướt sũng” (Tráng A Khành). Cách so sánh rất gợi hình gợi cảm, từ đặc trưng ngôn ngữ để khắc họa bản sắc tư duy và tâm hồn con người gắn với những dấu ấn của sắc màu văn hóa, quả thực dễ khiến những trang văn càng trở nên độc đáo, đặc sắc. Nghệ thuật so sánh không chỉ góp phần thể hiện sắc màu văn hóa mà còn góp phần hiệu quả trong việc diễn tả tâm trạng con người, với những cung bậc cảm xúc đa dạng, phức tạp “lồng ngực Súa đã từng vỡ tan ra như quả lê chín rơi trúng phiến đá”, “như bông anh túc rực rỡ mà héo úa”, “như quả bông nở bị gió cuốn đi”, “có một sự trống rỗng như cái chõ gỗ đã vét hết mèn mén” [4], “Kía khô héo đi như một quả đậu giống để trên gác bếp” (Gió không ngừng thổi) [3]; Ông nội Vừ “thấy đời mình chẳng khác gì cái lưỡi cày, từ một cục đất sét đen sì thành một cái lưỡi cày, phải nung qua lửa đỏ, rồi đi sau đuôi con bò rong ruổi hết mảnh nương này tới mảnh nương kia, cả đời làm việc cực nhọc, đến khi cùn mòn đi, bé tí tẹo thì bị vứt vào góc vườn”; “Vừ thấy mình như cái cặp bếp, bị một người đàn bà vụng về sau khi gắp than trong bếp lửa quên không vùi vào tro nên mỗi ngày một tí, cháy nham nhở, đen nhẻm”. Cách so sánh đặc sắc, tâm trạng con người được so sánh với những sự vật bé nhỏ, thân thuộc, gần gũi với cuộc sống thường ngày của con 54 Bản sắc văn hóa vùng cao Hà Giang trong một số truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy người miền núi, vì thế những cảm xúc, tâm tư cũng trở nên hữu hình, cụ thể, giúp người đọc hiểu sâu sắc và thấm thía đời sống tâm hồn thuần hậu, mộc mạc của con người miền núi. 3. Kết luận Đỗ Bích Thúy đặc biệt tinh tế và tài tình trong việc phác họa những bức tranh đặc sắc về văn hóa vùng cao qua những truyện ngắn của mình. Như một lẽ tự nhiên, những sắc màu văn hóa của vùng cao nguyên núi đá trở thành bản sắc khó phai, thành dấu ấn đậm nét trong các tác phẩm viết về miền núi của chị. Bởi yêu và hiểu đến tận cùng vẻ đẹp của văn hóa vùng cao, vẻ đẹp của tâm hồn con người vùng sơn cước, những trang viết của chị trở nên vô cùng hồn hậu, thuần phác và được độc giả đón nhận đầy trân trọng. Xin mượn lời tâm sự của Đỗ Bích Thúy để hiểu hơn về tình cảm sâu sắc mà chị đã dành trọn cho vùng đất – miền văn hóa của mình: “Mỗi nhà văn thường có một vùng đất, đó là nơi họ thấu hiểu nhất, dành nhiều tình cảm và tâm trí nhất, và khi đã sống đến tận cùng vùng đất của mình thì rất có thể chính vùng đất đó, đề tài đó đã chọn nhà văn chứ không phải ngược lại. Và núi rừng là vùng đất của tôi, tôi hiểu những gì đã viết ra đến tận cùng” [1]. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hà Duyên, 2005. Đỗ Bích Thúy: Những gì không biết tường tận tôi sẽ không bao giờ viết. Tạp chí Truyền hình Hà Nội. [2] Đỗ Bích Thúy, 2001. Sau những mùa trăng. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. [3] Đỗ Bích Thúy, 2006. Tiếng đàn môi sau bờ rào đá. Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. [4] Đỗ Bích Thúy, 2008. Người đàn bà miền núi. Nxb Phụ nữ, Hà Nội. [5] Đỗ Bích Thúy, 2013. Đàn bà đẹp. Nxb Văn học, Hà Nội. ABSTRACT Ha Giang cultural and ethnic identity shown in short stories written by Bich Thuy Do Bich Thuy Do is the writer of short stories about mountainous area set in the Ha Giang Stone Plateau mountainous area. Aspects of mountainous area culture are shown in the natural pictures of the forest, everyday life with traditional customs and the mental world, all of which is very complex. 55