Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý và dạy học là một nhiệm vụ trọng tâm, rất quan trọng và có tác dụng nâng cao hiệu quả công tác quản lý và dạy học. Thực hiện Chỉ thị số 47/2008/CT-BGDĐT ngày 13/8/2008 về nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2008 - 2009 và Chỉ thị số 55/2008/CT-BGDĐT ngày 30/9/2008 về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục giai đoạn 2008-2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngay từ năm học 2008-2009 Trường THCS Nghị Đức đã có kế hoạch chi tiết về việc triển khai thực hiện chủ đề năm học “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học”.
10 trang |
Chia sẻ: franklove | Lượt xem: 8141 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Báo cáo Tham luận "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG THCS NGHỊ ĐỨC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nghị Đức, ngày 14 tháng 9 năm 2010
BÁO CÁO THAM LUẬN
“ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TINTRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, DẠY HỌC”
Kính thưa: - Lãnh đạo phòng giáo dục huyện Tánh Linh
- Các quý vị đại biểu, cùng toàn thể đồng nghiệp.
Thế giới ngày nay đang chứng kiến những đổi thay ảnh hưởng mạnh mẽ trong mọi hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đó là công nghệ thông tin (CNTT). CNTT đã góp phần quan trọng cho việc tạo ra những nhân tố năng động mới, cho quá trình hình thành nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin.
Hôm nay tôi xin phép được tham luận về: Ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học ở nhà trường phổ thông.
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý và dạy học là một nhiệm vụ trọng tâm, rất quan trọng và có tác dụng nâng cao hiệu quả công tác quản lý và dạy học. Thực hiện Chỉ thị số 47/2008/CT-BGDĐT ngày 13/8/2008 về nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2008 - 2009 và Chỉ thị số 55/2008/CT-BGDĐT ngày 30/9/2008 về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục giai đoạn 2008-2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngay từ năm học 2008-2009 Trường THCS Nghị Đức đã có kế hoạch chi tiết về việc triển khai thực hiện chủ đề năm học “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học”.
Tiếp tục “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học” năm học 2009-2010 mỗi giáo viên đã thực hiện 2 tiết dạy trở lên có ứng dụng công nghệ thông tin. Trong phạm vi báo cáo tham luận, tôi xin nêu tóm tắt những việc đã làm, kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm và những kiến nghị đề xuất sau khi thực hiện các chủ trương và chỉ thị có ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học đặc biệt là những trường vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn :
I. NHỮNG VIỆC ĐÃ LÀM VÀ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Trường THCS Nghị Đức là một trong những trường sớm đưa Tin học vào giảng dạy và ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học (đưa tin học vào giảng dạy trong trường từ năm 2004 – 2005 và bắt đầu ứng dụng CNTT trong quản lý từ năm 2004). Như vậy sau 6 năm tổ chức thực hiện việc ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học, trường đã có những kết quả cụ thể:
1. Xây dựng các điều kiện để ứng dụng CNTT:
a) Bồi dưỡng về trình độ tin học và kỹ năng sử dụng máy tính cho CBGV và nhân viên của trường:
- Xác định đội ngũ có vai trò quyết định sự thành bại của việc ứng dụng CNTT, trong thời gian qua trường chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch và quy trình triển khai thực hiện việc bồi dưỡng đội ngũ về Tin học.
- Bồi dưỡng thông qua hoạt động của Tổ chuyên môn, Nhóm Tin học; tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng; Các chuyên đề mới, Bồi dưỡng theo nhu cầu và khả năng của từng nhóm giáo viên, với cách học và hỏi thân thiện : Người biết nhiều chỉ cho người biết ít và sẵn sàng giúp đỡ người chưa biết nhằm tạo một cộng đồng hòa nhập trong việc dạy và học CNTT trong nhà trường…
- Phối hợp với Trung tâm HNDN Tánh Linh để dạy Tin học chứng chỉ A cho CBGV trong nhà trường cũng như các trường, quần chúng trên địa bàn, đã phấn đấu có 100% CBGV-NV đều biết sử dụng máy tính trong công tác dạy học.
- Tổ Toán – Tin là lực lượng nòng cốt cho các ứng dụng CNTT trong nhà trường. Do Tin học là lĩnh vực rất rộng lớn, mỗi CBGV không thể đi sâu vào mọi nội dung vì vậy đây là lực lượng cốt cán trong trường .
- Kết quả về trình độ và kỹ năng của CBGV: 100%CBGV và nhân viên của trường đều có thể sử dụng thành thạo máy tính và các phần mềm liên quan để ứng dụng vào lĩnh vực công tác của mình. Đội ngũ của trường còn có vai trò nòng cốt chi viện, hỗ trợ nhiều trường khác trên lĩnh vực ứng dụng CNTT.
b) Đầu tư mua sắm máy tính và các trang thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu ứng dụng CNTT trong trường học:
Máy tính và thiết bị tin học là điều kiện cơ bản, không thể thiếu khi ứng dụng CNTT, đòi hỏi phải đầu tư kịp thời, tương đối đầy đủ và hiện đại, tạo điều kiện tốt nhất cho CBGV có thể thực hiện nhiệm vụ của mình.
Từ việc tạo mọi nguồn lực ( Sự giúp đỡ từ Trung tâm Thiện chí Tánh Linh 15 bộ máy tính ban đầu). Trường THCS Nghị Đức sau nhiều năm đầu tư theo hướng “từng bước, hiện đại, từ nhiều nguồn”: Thay vì thuê máy để học sinh thực hành; nhà trường từng bước đầu tư mua sắm máy tính thực hành cho học sinh giảm bớt gánh nặng chi phí cho CMHS ; vì thế cho dù không có nguồn hỗ trợ nào từ ngân sách từ năm học 2009 -2010 tất cả các học sinh từ khối 6 đến khối 9 đã được học và thực hành trên máy vi tính. Việc quản lý sử dụng phòng máy đảm bảo các điều kiện thiết yếu cho CBGV và học sinh tham gia học tập, ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và học tập, hiện nay chúng tôi có được một số máy tính và thiết bị như sau:
b.1. Máy vi tính đang được sử dụng trong nhà trường: 32
Máy tính để làm việc: 06 bộ ( BGH; VP,TV, TB, KT, Đoàn Đội mỗi bộ phận đều có 1 máy tính )
Máy tính dùng chung tại thư viện: 04 bộ (kết nối Interne cho GV, CNV và học sinh truy cập mạng )
Máy tính để GV giảng dạy trên lớp học : 02 Laptop
Máy tính để HS thực hành: 20 bộ
b.2. Các loại máy móc thiết bị khác:
Máy in: 05 cái.
Máy chiếu Projector: 02 cái.
Máy chụp ảnh và Camera KTS: 01 cái.
Số MT kết nối mạng LAN và Internet qua cổng ADSL : 31 ( Trong đó kết nối không dây 1 máy ).
b.3. Số CBGV có máy tính riêng ở nhà 3: 53/53
Trong đó đã kết nối Internet: 31 ( 58,5 %)
Ứng dụng CNTT không chỉ cần riêng máy tính mà cần rất nhiều loại thiết bị khác (máy chiếu, máy quyét, máy ảnh KTS, Camera KTS…) cũng như điều kiện về kỹ thuật (ổn áp, nguồn điện…). Nếu đầu tư không đồng bộ sẽ không đạt hiệu quả.
c) Xây dựng kho tư liệu điện tử, khai thác tư liệu phục vụ việc ứng dụng CNTT:
Bên cạnh đội ngũ, máy móc thiết bị, thì kho “tư liệu điện tử” là nội dung không thể thiếu trong quá trình ứng dụng CNTT. Thiết kế một bài giảng điện tử hoặc ứng dụng CNTT trong các hoạt động giáo dục đòi hỏi tư liệu rất phong phú, phải có quá trình tìm kiếm hoặc tạo dựng rất công phu. Vì vậy nhà trường đã chung sức xây dựng kho tư liệu dưới nhiều hình thức:
- Mỗi cá nhân đều có “Kho tư liệu” riêng của bộ môn mình. Kết hợp với việc quản lý của 03 máy Ban giám hiệu và 01 máy Văn phòng.
- Xác Định mỗi năm học CB, GV, CNV nộp file đề kiểm tra , sáng kiến kinh nghiệm, các biên bản kiểm kê thiết bị,.. về Cho chuyên môn và Văn phòng để quản lý và tổng hợp.
- Thư viện Nhà trường có “kho tư liệu chung” của trường qua hai hình thức lưu trữ:
+ Kho tư liệu điện tử: Hiện nay “kho tư liệu” điện tử của trường có tới gần 9G, chứa đựng những tư liệu cần thiết, ngân hàng đề kiểm tra... giúp cho CBGV dùng để thiết kế bài giảng, tổ chức các hoạt động giáo dục.
+ Tủ sách điện tử của trường có trên 100 băng đĩa, bao gồm các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu, phần mềm ứng dụng... là nơi cung cấp các tư liệu đáng tin cậy cho CBGV.
Xây dựng trang Web của trường và của các tổ chức, cá nhân trong trường có đủ thông tin và tư liệu cần thiết.
Ngoài ra, CBGV đã tích cực khai thác tư liệu trên các trang web của ngành, Trang Violet của các trường khác và của cá nhân CBGV trong toàn ngành để tạo thêm tư liệu phong phú trong việc thiết kế bài giảng điện tử hoặc ứng dụng CNTT trong các hoạt động giáo dục.
2. Tổ chức ứng dụng trong công tác quản lý và dạy học:
a) Ứng dụng trong công tác quản lý:
a.1. Tuỳ theo nội dung công việc, nhà trường đã chủ động mua hoặc tìm kiếm, xây dựng các phần mềm đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý chỉ đạo. Những năm qua, chúng tôi đã sử dụng tốt các phần mềm sau:
Phần mềm Quản lý giáo dục PMIS – Của Bộ GD&ĐT .
Phần mềm Quản lý CB, Công chức - Của Bộ Nội vụ .
Phần mềm Tra cứu văn bản – Của Thư viện Pháp luật.
Thống kê GD EMIS - Của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Phần mềm Kế toán Hành chính sự nghiệp MISA.
Các phần mềm quản lý dữ liệu: Từ năm học 2008 -2009 để quản lý thông tin, dữ liệu trường THCS Nghị Đức đà mua và đang sử dụng các Phần mềm diệt vi rút ( BkavPro, Avira, kaspersky 2010 ).
Các phần mềm ứng dụng khác sử dụng cho công tác dạy và học của nhà trường - Tải miển phí trên mạng Internet…
a.2. Xây dựng các hệ thống tin học hoá quản lý hành chính, phục vụ trực tiếp công tác quản lý, thống kê, báo cáo. đồng thời xây dựng hoàn chỉnh và thống nhất áp dụng các chương trình ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành (thư tín điện tử, gửi nhận văn bản điện tử, quản lý học sinh, quản lý cán bộ-công chức, Quản lý tài chính, Quản lý tài sản, thư viện, thiết bị ...).
a.3. Tin học hoá các hoạt động chuyên môn - nghiệp vụ, các dịch vụ công, để nâng cao hiệu quả thực hiện các hoạt động như: Công tác Phổ cập, công khai việc quản lý điểm của học sinh, xây dựng ngân hàng đề kiểm tra, xây dựng kho tư liệu điện tử dùng chung, quảng bá các bộ giáo án tốt, Lập diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giáo dục - dạy học, Trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình….thông qua trang thông tin điện tử của trường và các trang Web cá nhân của CBGV trong trường.
b) Ứng dụng trong công tác giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục
b.1. Cán bộ Giáo viên của trường đã sử dụng máy tính và các phần mềm hỗ trợ dạy học nên trong những năm qua đã ứng dụng nhiều trên các lĩnh vực: Soạn giảng bằng giáo án điện tử (riêng năm học 2009 - 2010 đã tổ chức giảng dạy bằng giáo án điện tử trên 200 tiết), tổ chức các hoạt động: Ngoại khoá, Hội thi, Hội diễn, phục vụ các diễn đàn, các buổi tập huấn... đem lại hiệu quả công tác và giáo dục rất tốt; đồng thời CBGV của trường là lực lượng nòng cốt giúp địa phương ứng dụng CNTT để tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền trên địa bàn.
b.2. Một số phần mềm đã ứng dụng trong giảng dạy và các hoạt động giáo dục:
+ Để phục vụ giảng dạy hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục, CBGV của trường đều sử dụng phần mềm trình chiếu Powerpoint và Violet.
+ Nhưng để có được các bài giảng phong phú, đáp ứng yêu cầu các hoạt động khác thì CBGV đã sử dụng thêm nhiều phần mềm ứng dụng được miễn phí trên mạng Internet như: Phần mềm dạy học các môn học: Toán, Lý, Hoá, Âm nhạc...; phần mềm Flash; các phần mềm cắt, ghép hoặc chuyển file các đoạn phim, ảnh phục vụ yêu cầu bài dạy...
+ Tất cả giáo viên đều sử dụng thành thạo việc soạn và bảo mật đề kiểm tra trắc nghiệm để hạn chế những tiêu cực trong kiểm tra.
b.3. Tổ chức, quản lý việc dạy học tin học ở trường : Tổ chức các loại hình dạy Tin học trong Nhà trường cho học sinh và cán bộ, nhân dân trên địa bàn phù hợp với tình hình mới.
+ Tất cả học sinh trong nhà trường sẽ học tự chọn môn Tin học, dạy thêm chương trình nghề cho học sinh để có thể hoàn thành chương trình nghề phổ thông, gần cuối năm học sẽ thi tốt nghiệp nghề đa số đạt khá, giỏi là lợi thế cho các em khi xét điểm tuyển vào lớp 10 THPT.
+ Nhà trường đã tổ chức dạy học tin học theo chương trình của Bộ Giáo dục cho tất cả 4 khối lớp (Như một môn học chính khoá khác).
+ Các lớp tin học dành cho Cán bộ và nhân dân ở địa phương (theo kế hoạch của trung tâm Giáo dục thường xuyên và HNDN)
+ Nhà trường đang phấn đấu duy trì 100% học sinh ở tất cả các khối lớp đều được học theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục.
b.4. Tổ chức các hoạt động nhằm kích thích sự đam mê học tập tin học cho CB,GV & HS và khuyến khích việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch “đẩy mạnh ứng dụng CNTT…”:
- Đối với CBGV: Phát động phong trào thi đua thực hiện chủ đề năm học với các nội dung thi đua cụ thể, thiết thực; cuối năm có đánh giá, khen thưởng:
+ Thi đua xây dựng kho tư liệu điện tử của từng các nhân, từng môn học.
+ Thi đua giảng dạy bằng bài giảng điện tử.
+ Thi đua xây dựng nội dung trang Web của trường, lập trang Web riêng của từng các nhân.
+ Tổ chức Hội thi thiết kế giáo án điện tử trong mỗi học kỳ của năm học.
+ Đưa nội dung Tin học vào phần kiểm tra nghiệp vụ của Giáo viên.
- Đối với Học sinh:
+ Chú trọng việc bồi dưỡng và tổ chức thi Học sinh giỏi Tin học cho HS hằng năm;
+ Cho học sinh tự thu thập tư liệu, quay phim, chụp ảnh… về các chủ đề cần thiết, sau đó tổ chức cho học sinh hội thi thuyết trình, hùng biện, diễn đàn trao đổi (có trình chiếu minh hoạ các nội dung) để phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh.
+ Tuyên truyền vận động học sinh học tập qua mạng (Giải toán trên Internet và các hình thức học tập khác). Cụ thể trong năm học 2009 -2010 em Hà Thanh Tuấn học sinh lớp 9 đã đạt giải Nhì Tin học trẻ không chuyên tỉnh Bình Thuận.
II- BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Tóm lại, những năm qua trường THCS Nghị Đức đã có nhiều cố gắng trong việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và dạy học và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực và chúng tôi rút ra bài học kinh nghiệm:
1. Đội ngũ ở trường ít được ổn định, việc luân chuyển CBQL và GV theo nguyện vọng, nhiều CB, GV được bồi dưỡng trưởng thành lại luân chuyển đi nơi khác. Do vậy công tác bồi dưỡng CBGV và nhân viên nói chung, đặc biệt là việc bồi dưỡng kỹ năng sử dụng máy tính và ứng dụng các phần mềm vào lĩnh vực công tác là việc làm thường xuyên liên tục.
2. Việc xây dựng ba điều kiện (Bồi dưỡng đội ngũ, mua sắm máy móc thiết bị và xây dựng kho tư liệu) phải tiến hành đồng thời, liên tục. Bởi chỉ lo mua sắm máy móc thiết bị, không chăm lo bồi dưỡng đội ngũ thì không sử dụng thiết bị, ngược lại bồi dưỡng đội ngũ mà không có máy móc thì không thể bồi dưỡng được. Đội ngũ được bồi dưỡng tốt sẽ sử dụng thiết bị đúng kỹ thuật, tăng tuổi thọ thiết bị và hiệu quả công tác. Khi ứng dụng có hiệu quả, đội ngũ sẽ ham mê học tập…Như vậy mối quan hệ của ba điều kiện để ứng dụng CNTT là mối quan hệ biện chứng.
3. Quá trình ứng dụng là quá trình thực hiện đồng bộ các hoạt động: Vừa bồi dưỡng đội ngũ, vừa đầu tư mua sắm thiết bị, vừa xây dựng, bổ sung kho tư liệu ( đó chính là xây dựng những điều kiện) và tổ chức ứng dụng trên mọi lĩnh vực quản lý và giảng dạy để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác ( đó chính là mục đích ).
Do vậy các hoạt động trên đều có quan hệ giữa mục đích và phương tiện, nó thúc đẩy nhau cùng phát triển. Chúng ta không thể chờ đợi có đủ điều kiện mà điều kiện đó chúng ta phải chủ động tạo dựng nên; khi có điều kiện chúng ta dễ đạt mục đích hơn thì tự nhiên mọi người sẽ hăng say tạo dựng các điều kiện tốt hơn…
III- NHỮNG KIẾN NGHỊ
Quá trình thực hiện và ứng dụng CNTT trong nhà trường bộc lộ những mâu thuẫn nảy sinh, những khó khăn lớn; chúng tôi kiến nghị với Ngành và Huyện những nội dung sau:
1. Về đội ngũ: Hiện nay biên chế GV chính ban dạy môn tin học để làm nòng cốt còn thiếu, một số GV dạy không chính ban môn Tin học nên năng lực không đáp ứng yêu cầu. Trong lúc đó trình độ tin học của CBGV nói chung chưa theo kịp yêu cầu của việc “đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT”.
Đề nghị :
- Có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên Tin học cho các trường học, chủ động bồi dưỡng CBQL và GV về kỹ năng sử dụng máy tính và ứng dụng các phần mềm liên quan mới có thể đáp ứng yêu cầu như hiện nay.
- Tuyển mới Giáo viên và nhân viên ở các trường nên chăng cần có chính sách ưu tiên cho những người có trình độ về tin học và ngoại ngữ. Hoặc bổ sung nội dung Tin học vào chương trình đào tạo Giáo viên và nhân viên.
2. Điều kiện về máy móc, thiết bị: Các bậc học trực thuộc Huyện hiện nay rất thiếu, mặc dù nhiều trường đã chủ động mua sắm thêm nhưng do ngân sách thiếu, nhân dân địa phương còn nghèo, phải mua sắm dần trong nhiều năm nên máy móc, thiết bị không đồng bộ, tạo nên khó khăn không nhỏ trong việc ứng dụng CNTT. Đề nghị cấp trên quan tâm hơn đối với các trường trong việc đầu tư trang thiết bị để ứng dụng CNTT.
3. Có kế hoạch chỉ đạo, tổ chức và giúp đỡ cho các trường thực hiện và ứng dụng CNTT một cách thống nhất. Cụ thể:
- Có biện pháp bắt buộc ứng dụng hệ thống Email quản lý giáo dục cho các trường, giáo viên, học sinh có tên miền chung theo quy định của Bộ Giáo dục
- Hướng dẫn và chỉ đạo thống nhất việc khai thác sử dụng và dạy học bằng mã nguồn mở như Chỉ thị 55/CT-BGD&ĐT ngày 30/9/2008 của Bộ Giáo dục và đào tạo (Sử dụng bộ phần mềm văn phòng, hệ điều hành, trình duyệt Web, bộ gõ...)
4. Cần có cơ chế để sử dụng được các thành tựu của công nghệ trong công tác quản lý và dạy học:
- Cho phép được báo cáo, chuyển phát công văn, tài liệu…từ cấp trường đến Phòng GD&ĐT đến Sở GD&ĐT và ngược lại qua Email (vừa nhanh, vừa tiết kiệm); tất nhiên trừ các nội dung mang tính pháp lý cao cần có đóng dấu và chữ ký).
- Ứng dụng phần mềm cộng điểm như chúng ta đã sử dụng trong những năm qua chỉ mới giúp cho việc báo cáo tổng hợp chứ chưa giúp cho giáo viên được gì thêm vì bên cạnh phải nhập điểm vào máy thì GV phải ghi điểm vào sổ, phải ghi học bạ, trong lúc đó một số Phần mềm Quản lý học sinh khác có thể in sổ điểm và học bạ học sinh…đồng thời cần có phần mềm QLHS sao cho việc quản lý và nhập điểm qua mạng Internet.
Đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một công việc lâu dài, đòi hỏi phải trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, tâm huyết của những người làm công tác giáo dục, nhưng để phong trào ngày càng đi sâu vào tất cả các trường học là một công việc đòi hỏi phải có thời gian. Vấn đề là các trường cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà nói chung, huyện Tánh Linh nói riêng trong thời gian tới.
Cuối cùng xin chân thành cám ơn quý vị đại biểu .
Người viết tham luận
Dương Đinh