Là một sinh vật vừa quen vừa lạ, loài rắn đã đóng vai trò
trung tâm trong nhiều nền văn hóa. Nhân loại có mối
quan tâm đặc biệt tới loài rắn, góp phần khiến loài vật
này có ảnh hưởng rộng lớn tới các niềm tin thần thoại và
các bí ẩn của thế giới
12 trang |
Chia sẻ: nyanko | Lượt xem: 1413 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bí ẩn chuyện rắn từ Đông sang Tây, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bí ẩn chuyện rắn từ
Đông sang Tây
Là một sinh vật vừa quen vừa lạ, loài rắn đã đóng vai trò
trung tâm trong nhiều nền văn hóa. Nhân loại có mối
quan tâm đặc biệt tới loài rắn, góp phần khiến loài vật
này có ảnh hưởng rộng lớn tới các niềm tin thần thoại và
các bí ẩn của thế giới.
Đại diện cho tạo hóa
Trong nhiều nền văn hóa, rắn được xem là biểu tượng của tạo
hóa. Ví dụ như nhiều dân tộc ở châu Phi và Australia đã có
chung một thần thoại về Thần rắn Cầu vồng. Thần rắn này
hoặc là hiện thân của chính Đất mẹ đang sinh ra muôn loài,
hoặc là hiện thân của một vị thần nước, với mỗi lần vặn thân
lại tạo ra các con sông, lạch nước, đại dương.
Trong thần thoại Ấn Độ, thần rắn Ahi đã nuốt chửng đại
dương cổ đại và không chịu trả tự do cho muôn loài đang bị
giam cầm trong bụng nó. Chỉ tới khi thần sấm sét Indra rạch
bụng Ahi bằng một tia sét, vạn vật mới nhờ đó mà được giải
phóng, sinh sôi. Thần thoại Ấn Độ cũng có một truyện khác
có liên quan tới sự ra đời của vạn vật. Theo đó, thần bảo hộ
Vishnu thường ngủ trên thân hình đã cuộn thành nhiều vòng
của rắn thần Adishesha. Mỗi khi Adishesha duỗi mình ra,
thời gian sẽ tiến lên và muôn loài theo đó mà ra đời. Còn khi
Adishesha thu mình lại, vũ trụ cũng ngừng tồn tại.
Trong thần thoại Trung Quốc, bà Nữ Oa với đầu người, thân
rắn đã tạo ra những con người đầu tiên. Nữ Oa tạo ra từng
người một bằng đất sét và rất chăm chút cho những tác phẩm
đầu tiên. Hài lòng, bà làm hết người này tới người khác.
Nhưng làm nhiều quá hóa nản, bà bèn lấy sợi dây nhúng vào
đất sét lỏng kéo lết trên mặt đất, để những vệt đất tạo thành
người. Những người do Nữ Oa nặn ra đẹp đẽ thành những kẻ
quí phái, còn những giọt đất sét kéo lết trở thành những
người thường dân và cùng đinh.
Thần loại Hy Lạp cũng kể về việc thần rắn Ophion đã ấp một
quả trứng nguyên thủy và từ nó, mọi vật được sinh ra. Trong
khi đó, biểu tượng cổ Ouroboros đã mô tả hình một con rắn
đang ăn chính đuôi mình. Biểu tượng này có nhiều cách hiểu
khác nhau, một trong số đó đại diện cho các chu kỳ tự nhiên
của cuộc sống và cái chết.
Hiện thân của bí ẩn
Rắn cũng thường được xem là các thần bảo hộ của Địa ngục
hoặc sứ giả giữa hai thế giới Thiên đàng và Địa ngục. Điều
này xuất phát từ thực tế là rắn hay sống ở các khe nứt và
miệng hố trên mặt đất. Thần thoại Ai Cập có kể về Aapep,
một con trăn biển khổng lồ độc ác, kẻ cai trị bóng đêm và sự
hỗn loạn của Ai Cập. Một lần, thần Mặt trời Ra đang đi trên
thuyền Barque thì bất ngờ sóng lớn nổi lên. Đó là lúc Aapep
xuất hiện ngay trước mũi thuyền. Ra lệnh cho con quái vật đi
chỗ khác, nhưng nó không nghe. Ra liền phóng một mũi lao
vào con quái vật. Nó kêu ré lên và tấn công vào con thuyền
của Ra.
Theo người Ai Cập, khoảnh khắc Ra gặp con trăn thần là lúc
Mặt trời lặn. Thời điểm đôi bên đánh nhau bắt đầu từ lúc
chập tối đến sáng, còn khi con quái vật rút lui là mặt trời lên.
Hai bên đánh nhau kéo dài từ ngày này sang ngày khác, hình
thành ngày đêm.
Trong thần thoại Bắc Âu, cái ác xuất hiện dưới hình dạng
một con rắn. Thần thoại có nói tới chuyện con rắn Nidhogg
đã quấn quanh 3 cái gốc của Cây đời Yggdrasil và cố bóp
nghẹt lại sự sống từ nó. Văn hóa Slavơ lại mô tả một con rắn
thần tên Veles đã ngự trị ở thế giới Địa ngục. Ý tưởng các
thần rắn sống ở thế giới khác sâu dưới lòng đất cũng xuất
hiện phổ biến trong thần thoại châu Mỹ. Tại thế giới thần
thoại của nền văn minh Aztec ở Mexico, thế giới Địa ngục
Mictlan được bảo vệ bởi một con cá sấu khổng lồ và một con
rắn lớn. Các linh hồn sa xuống cõi âm phải tránh khỏi chúng
trước khi có thể bắt đầu hành trình đi tới sự bất tử.
Rắn còn bị xem là biểu tượng của cái ác và niềm tin này xuất
hiện khá nhiều trong thần thoại Hy Lạp cổ xưa. Theo một số
nguồn truyện, rắn thần Ophion đã thống trị thế giới cùng
Eurynome, trước khi cả hai bị các thần Cronus và Rhea tiêu
diệt. Còn Typhon, kẻ thù của các vị thần trên đỉnh Olympian,
là một quái vật hung ác có hàng trăm đầu, từ thân nó có hàng
trăm con rắn chui ra. Con rắn này đã bị thần Zeus đánh bại và
đày tới Tartarus.
Cũng có giai thoại khác nói rằng Typhon bị đày tới ở dưới
các khu vực nhiều núi lửa và mỗi khi Typhon cử động, nó lại
gây động đất, núi lửa phun trào. Các yếu tố rắn cũng xuất
hiện trong các hậu duệ của Typhon. Trong số các con của
quái vật này có Cerberus, một con chó ba đầu với phần đuôi
là một con rắn và phần lông của nó cũng chính là những
chiếc đầu rắn gớm ghiếc; những con Chimaera đuôi rắn; quái
vật biển Lernaean Hydra và con rồng hàng trăm đầu Ladon.
Cả Lernaean Hydra và Ladon, những quái vật được mô tả với
nhiều đặc điểm của loài rắn, đều đã bị dũng sĩ Heracles tiêu
diệt.
Thần thoại Hy Lạp còn nói về các nữ thần Gorgon. Đây là
các thần mang hình người với mái tóc rắn trên đầu. Cái nhìn
của họ có thể biến xương thịt thành đá. Nổi tiếng trong các
Gorgon là Medusa.
Rắn và biểu tượng của ngành y
Bởi việc rắn thường hay cuộn tròn thân chúng và có đặc điểm
lột xác nên loài vật này cũng được xem là biểu tượng của sự
tuần hoàn và tái sinh, khả năng chữa bệnh.
Theo thần thoại Hy Lạp, thần y Asclepius, con trai của thần
Apollo, đã biết được bí mật trường sinh bất tử sau khi quan
sát một con rắn mang lá thần tới cứu một đồng loại bị anh
giết chết. Để ngăn cản việc toàn bộ loài người trở nên bất tử
dưới sự chăm sóc của Asclepius, anh đã bị giết bằng một tia
sét. Cái chết của Asclepius đã minh họa sự bất lực của con
người trong việc chống lại tự nhiên, vốn phân chia rõ rệt ranh
giới giữa các vị thần và người trần mắt thịt. Để tôn vinh
Asclepius, các con rắn thường được sử dụng trong những
nghi thức chữa bệnh. Rắn không độc cũng thường được thả
cho bò tự do trong các bệnh xá, nơi người bị ốm và bị thương
nằm ngủ.
Bộ truyện thần thoại đầy đủ của Hy Lạp lại có một truyện
khác viết về khả năng chữa bệnh liên quan tới loài rắn. Theo
đó, thần Athena đã tặng cho Asclepius một lọ đựng máu lấy
từ những sinh vật thiêng Gorgon. Máu của Gorgon có các đặc
tính kỳ diệu. Nếu lấy từ bên trái của Gorgon, máu sẽ vô cùng
độc, có khả năng giết người. Nhưng nếu lấy từ bên phải, máu
có khả năng đưa người chết trở lại dương thế.
Rắn cũng thường được liên hệ tới sự bất tử bởi người người
ta thấy rằng chúng hay ngậm lấy phần đuôi của mình để cuộn
tròn. Khi cuộn tròn, rắn lại hình thành các đường xoắn ốc. Cả
hình tròn lẫn các đường xoắn ốc đều được xem là có nghĩa
trường tồn. Rắn cuộn tròn có ý nghĩa quan trọng với văn hóa
Dahomeya (nằm tại Benin ở châu Phi ngày nay) và người ta
tin rằng thần rắn Danh đã cuộn tròn quanh thế giới giống như
một chiếc đai. Nhờ có thần Danh mà thế giới không bị vỡ
thành nhiều mảnh.
Những con rắn cũng thường được liên hệ với sự thông thái
trong nhiều truyền thuyết. Thông thường, sự thông thái này
để phục vụ con người, nhưng cũng có khi chống lại con
người. Câu chuyện trong Kinh thánh về việc con người bị
đày đọa có kể lại về việc Adam và Eve đã bị một con rắn
(quỷ Satan đội lốt) lừa phỉnh và do đó đã bất tuân lệnh của
Chúa. Trong câu chuyện, con rắn đã thuyết phục Eve ăn quả
từ Cây nhận thức thiện ác. Eve lại thuyết phục Adam cùng ăn
quả với mình. Hậu quả là Chúa đã đuổi cả Adam và Eve khỏi
vườn địa đàng và nguyền rủa con rắn.
Nhiều loài vật đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của
nhân loại bằng nhiều cách thức và sự biểu hiện khác nhau.
Mỗi loài đều mang những ý nghĩa biểu trưng nhất định và
tiêu biểu cho văn hóa, tín ngưỡng, tập tục, lối sống hay đặc
tính của một dân tộc, vùng miền. Nhưng có lẽ không có loài
vật nào mà ý nghĩa biểu trưng lại phong phú và đa dạng như
loài rắn.