1. Giới thiệu
Yasunary Kawabata là một trong những tên tuổi làm nên diện mạo văn học
Nhật Bản hiện đại. Tác phẩm của Kawabata là sự hòa hợp giữa truyền thống và
hiện đại nhưng cốt lõi của nó vẫn là cốt cách Nhật Bản. Đúng như Seindensticker
nói, Kawabata “thuộc dòng văn chương mà chúng ta có thể truy nguyên về tận
các bậc thầy haikư thế kỷ XVII”. Trong số các tiểu thuyết của Kawabata, “Đẹp và
Buồn” ra đời vào giai đoạn cuối của sự nghiệp nhưng có thể xem nó là “bản
tuyên ngôn” về quan niệm thẩm mỹ của ông. Trong tiểu thuyết này Kawabata đã
thể hiện rõ nét “cái đẹp và sự thương cảm” – biểu hiện của chất aware truyền
thống trong văn học Nhật Bản. Đề tài “Bi cảm aware trong Đẹp và Buồn của
Kawabata” chính là một đóng góp trong việc tìm hiểu sự gắn bó giữa thẩm mỹ
truyền thống với sáng tác của Kawabata
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 268 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bi cảm Aware trong “đẹp và buồn” của Kawabata, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỷ yếu Hội nghị sinh viên NCKH
152
BI CẢM AWARE TRONG “ĐẸP VÀ BUỒN” CỦA KAWABATA
Lê Nguyễn Hoàng Mai
(Sinh viên năm 3, Khoa Ngữ Văn)
GVHD: TS. Nguyễn Thị Bích Thúy
1. Giới thiệu
Yasunary Kawabata là một trong những tên tuổi làm nên diện mạo văn học
Nhật Bản hiện đại. Tác phẩm của Kawabata là sự hòa hợp giữa truyền thống và
hiện đại nhưng cốt lõi của nó vẫn là cốt cách Nhật Bản. Đúng như Seindensticker
nói, Kawabata “thuộc dòng văn chương mà chúng ta có thể truy nguyên về tận
các bậc thầy haikư thế kỷ XVII”. Trong số các tiểu thuyết của Kawabata, “Đẹp và
Buồn” ra đời vào giai đoạn cuối của sự nghiệp nhưng có thể xem nó là “bản
tuyên ngôn” về quan niệm thẩm mỹ của ông. Trong tiểu thuyết này Kawabata đã
thể hiện rõ nét “cái đẹp và sự thương cảm” – biểu hiện của chất aware truyền
thống trong văn học Nhật Bản. Đề tài “Bi cảm aware trong Đẹp và Buồn của
Kawabata” chính là một đóng góp trong việc tìm hiểu sự gắn bó giữa thẩm mỹ
truyền thống với sáng tác của Kawabata.
2. Nội dung
2.1. Kawabata và khái niệm bi cảm aware trong văn học Nhật Bản
Kawabata là một trong những tên tuổi nổi bật của văn đàn Nhật Bản. Ông
bắt đầu sáng tác từ năm mười sáu tuổi với tự truyện “Nhật kí tuổi mười sáu”, và
sau đó là hàng loạt tác phẩm gây tiếng vang lớn “Vũ nữ xứ Izu”, “Truyện ngắn
trong lòng bàn tay” và bộ ba tiểu thuyết đoạt giải Nobel 1968 “Xứ tuyết”, “Ngàn
cánh hạc” và “Cố đô”. Cùng với giải Nobel này, tên tuổi Kawabata đã vượt xa
khỏi biên giới Nhật Bản để được biết đến như là “người tôn vinh cái đẹp hư ảo
và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh
con người” (Nhận định của Hội đồng chấm giải Nobel).
Chính truyền thống văn hóa dân tộc và những tác động của tuổi thơ đã
khiến người ta tìm thấy trong các sáng tác của ông một vẻ đẹp u buồn tinh tế và
một nỗi cô đơn đậm chất Nhật Bản. Tuổi thơ của Kawabata không trôi qua êm
đềm như bao đứa trẻ khác. Một tuổi mồ côi cha, hai tuổi mồ côi mẹ, bảy tuổi bà
ngoại qua đời, chín tuổi chị gái mất. Kawabata sống với ông ngoại mù lòa tới
năm mười lăm tuổi thì ông ngoại cũng ra đi. Từ đó, trong sáng tác của Kawabata
thường có ám ảnh về cái chết và nỗi cô đơn u sầu. Năm ông hai mươi tuổi, cuộc
tình với một cô gái tên Chiyo tan vỡ nhưng những ấn tượng về cuộc tình đó còn
Năm học 2009– 2010
153
vang bóng mãi trong sáng tác sau này của nhà văn với hình tượng “người đẹp
trong sáng” và “tình yêu tuyệt vọng”.
Chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa dân tộc, sáng tác của Kawabata còn là
tiếng đồng vọng giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại. Tự nhận
mình “chủ yếu là một người phương Đông” và được mệnh danh là “người Nhật
Bản nhất”, Kawabata rất ý thức về việc thể hiện dấu ấn văn hóa truyền thống
trong các sáng tác của mình. Tác phẩm của ông là kết tinh những tố chất đẹp nhất
của truyền thống văn chương xứ sở Phù Tang mà người ta tìm thấy trong các kiệt
tác tiểu thuyết và tùy bút thời Heian, trong sân khấu Noh, trong thơ haikư, Ảnh
hưởng mạnh mẽ nhất của văn hóa truyền thống lên tác phẩm Kawabata có lẽ là
quan niệm thẩm mỹ. Ông là một nhà văn hiện đại có nhãn quan truyền thống, bởi
lẽ trong những sáng tác của ông, dù là tiểu thuyết hay truyện ngắn, cũng toát lên
một vẻ đẹp đậm chất Nhật Bản. “Khuynh hướng coi trọng các giá trị mỹ học
mạnh hơn tính luân lí” [4] – đó là nhận định có tính khái quát về đặc điểm của
văn học xứ Phù Tang. Điều này thể hiện trong hệ thống quan niệm về tính chất
của cái đẹp, đó là mono no aware (bi cảm Nhật Bản), wabi/sabi (u buồn, cô tịch),
yugen (u huyền).
Trong số các khái niệm đó, đáng chú ý nhất là mono no aware. Mặc dù
chưa bao quát toàn bộ các đặc trưng nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã xem đây
như khái niệm có tính chất “mở cửa” cho nền văn học Nhật Bản. Đây là khái
niệm do Motoori Norinaga (1730 – 1801), một học giả thế kỷ XVIII đưa ra.
Trong những công trình nghiên cứu của Motoori Norinaga và các học giả sau đó,
mono no aware được coi là một hình thái đặc trưng của cảm thức Nhật Bản khi
tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Với ý nghĩa đó, mono no aware có thể hiểu là
“cảm thức xao xuyến trước mọi vẻ đẹp nao lòng của sự vật” (Nhật Chiêu), là
“cảm xúc sâu lắng khi chạm đến sự cơ vi và mỏng manh của đời người”
(Mitsuyoshi Numano). Khi chuyển nghĩa sang tiếng Việt, có thể gọi mono no
aware là “bi cảm” hay “bi ai”. Tuy nhiên, “bi cảm” hay “bi ai” thực tế chỉ là một
phần của cái gọi là aware. Nói một cách khái quát, aware chính là khái niệm sinh
ra từ sự hòa hợp, thống nhất giữa đối tượng khách quan với thế giới chủ quan mà
trong đó con người cảm thấy rung động sâu lắng trước vẻ đẹp trong chiều hướng
mất mát, phôi pha. Cái mỹ cảm của một sự vật gây ra cảm giác aware chính là
nỗi buồn nhẹ nhàng trước vẻ đẹp hư hao.
Tiếp nối những nhà văn tiền bối, chịu ảnh hưởng bởi Murasaki, thơ haikư,
nghệ thuật sân khấu Noh,Kawabata kiên trì đi tiếp trên con đường tìm “cái đẹp
Kỷ yếu Hội nghị sinh viên NCKH
154
hiện hữu” (bino zon zai) và tạo nên những trang viết thấm đẫm tinh thần aware,
mà trong đó tiểu thuyết “Đẹp và Buồn” chính là một điển hình.
2.2. Bi cảm aware trong “Đẹp và Buồn” của Kawabata
“Đẹp và Buồn” (Utkutsushisa to Kanashimi to) là tiểu thuyết được
Kawabata xuất bản vào năm 1965. Đó là câu chuyện cuối đời của một nhà văn về
thăm cố đô và vô tình khơi lại mối tình hai mươi năm về trước. Với nhan đề như
một tuyên ngôn nghệ thuật, “Đẹp và Buồn” đã báo trước đây là một tiểu thuyết
được viết ra với dụng công biến nó thành “bản giao hưởng ngân vang trong lòng
một nỗi u buồn” [6].
2.2.1 Niềm bi cảm trước thời gian
Thời gian vừa là hoàn cảnh gợi nên vẻ đẹp aware vừa là đối tượng phản ánh
aware. Trong cách tái hiện thời gian và cảm nhận thời gian, Kawabata đã thể hiện
nỗi ám ảnh về thời gian trôi chảy và thời gian hồi tưởng. Câu chuyện mở ra bằng
khoảnh khắc giao thoa giữa năm mới và năm củ. Chỉ trong thời điểm đó con
người mới cảm nhận được dấu ấn thời gian để lại trên cuộc đời của họ: “Giao
thừa, chúng ta mỗi người già đi một tuổi, sợ có buồn chăng?”. Ám ảnh về thời
gian còn được Kawabata “vật chất hóa” bằng hệ thống các hình ảnh có tính biểu
tượng. Đó là chiếc chuông chùa cổ, “âm ba lướt thướt như tiếng thời gian, gợi lại
linh hồn nước Nhật xa xưa”. Tiếng chuông chùa như tiếng đồng vọng từ quá khứ
đến hiện tại. Nó làm sống dậy trong lòng người nghe những ý niệm về thời gian,
về sự trôi chảy vô thủy vô chung. Những đoạn triết lý của các nhân vật, tuy ngắn
nhưng khiến người đọc có cảm giác tất cả nhân vật trong tiểu thuyết này đều
sống trong một nỗi ám ảnh triền miên về dòng thời gian vận động bất tận. Tuy
nhiên, sự trôi chảy của thời gian trong “Đẹp và Buồn” không chỉ đơn giản là sự
thay đổi, mà nó còn là sự vận động theo chiều hướng mất mát phôi pha.
Kawabata đã sử dụng hàng loạt hình ảnh, chi tiết có tính hệ thống để làm nên
chất bi cảm aware này. Đó là những ngôi mộ và những chuyến thăm nghĩa trang
gợi lên một nỗi bi cảm sâu sắc: thời gian trôi đi không ngừng nghỉ và kéo theo sự
phai tàn của vạn vật. Đó là hình ảnh một Keiko với vẻ đẹp tươi trẻ nhưng cái tươi
trẻ đó lại được đặt trong đối sánh với trục thời gian, tạo nên ấn tượng bi ai về sự
thay đổi, tàn phai, hao khuyết của con người, của cuộc đời.
Thời gian mang màu sắc aware trong “Đẹp và Buồn” còn là thứ thời gian
của hồi tưởng và thấm đẫm cảm xúc của con người. Thời gian với tư cách yếu tố
tồn tại độc lập bị lấn át bởi thời gian với tư cách là dòng chảy nội tâm. Thời gian
thực bị chìm khuất sau thời gian tâm lý. Thời gian thực mà câu chuyện diễn ra
Năm học 2009– 2010
155
chỉ kéo dài khoảng một năm nhưng ở đó dồn nén cả một quãng đời kéo dài hơn
hai mươi năm của các nhân vật. Hai mạch thời gian lồng ghép, khoảnh khắc hiện
tại đột ngột nhường chỗ cho những mảng thời gian quá khứ hiện về với bao nỗi
niềm hoài nhớ. Đó là những kỉ niệm của Otoko với Oki, những ấn tượng của Oki
về các khung cảnh, là hồi tưởng của Otoko khi ngồi bên quán trà trên bờ sông,
Chính những cảm nhận đầy tính chủ quan và thấm đượm cảm xúc đó của con
người đã làm cho thời gian mang dấu ấn aware đậm nét.
2.2.2 Niềm bi cảm trước vẻ đẹp phù du
“Đẹp và Buồn” tràn ngập niềm thương cảm trước vẻ đẹp phù du mong
manh của con người, tình yêu và thiên nhiên.
Ở con người, chất aware được biểu hiện trong vẻ đẹp của ngoại hình và tâm
hồn các nhân vật nữ: Keiko, Otoko, Fumiko. Đó đều là những người phụ nữ
mang vẻ đẹp có cái gì yếu đuối, hiền lành, trong sáng. Nét đẹp của họ có cái gì
thoáng buồn, thoáng u sầu, thoáng “aware”. Đức hạnh của những nhân vật này
cũng là thứ đức hạnh nhiều đau khổ nảy nở trong u buồn. Otoko, dù cuộc sống bị
đảo lộn nhưng vẫn dành cho Oki một tình yêu như bông sen trong lửa. Fumiko,
đau khổ vì bị phản bội, vẫn hết lòng vì chồng và tự tay đóng năm mươi ngàn dấu
triện lên dấu tích của sự phản bội đó. Ở họ toát lên một vẻ đẹp của sự vị tha và hy
sinh – vẻ đẹp nhuốm màu aware. Đẹp là thế, vị tha hy sinh là thế, nhưng chính
Keiko, Otoko và Fumiko lại là những người số phận bi kịch. Otoko đắm chìm
trong bi kịch hoài niệm, luôn nhớ tiếc quá khứ, không thể thoát khỏi những ám
ảnh về cuộc tình hai mươi năm trước. Fumiko chưa bao giờ có được tình yêu trọn
vẹn của Oki. Keiko đeo đuổi một tình yêu tuyệt vọng với cô giáo và cuối cùng
nhận được kết cục đau buồn. Tất cả đều toát lên một niềm bi cảm sâu sắc.
Không chỉ có nhân vật bi kịch gợi niềm thương cảm, mà tình yêu trong
“Đẹp và Buồn” cũng mang màu sắc aware. Nó là những tình yêu tan vỡ, tình yêu
không thành, tình yêu tuyệt vọng. Mối tình hai mươi năm trước giữa nhà văn Oki
và cô bé mười sáu tuổi Otoko đã kết thúc trong u buồn đau khổ với sự ra đi của
một hài nhi thiếu tháng. Nhưng đó vẫn là một tình yêu đẹp, đủ đẹp để Oki viết
nên một quyển tiểu thuyết đẩy ông lên hàng những nhà văn nổi tiếng nhất, và
cũng đủ đẹp để giữ Otoko đắm chìm trong quá khứ và nâng tình yêu đó thành
một thứ “sen trong lửa”. Tình yêu giữa Fumiko và Oki thì lại là thứ tình yêu hy
sinh và tận hiến. Nó gần như là một tình yêu nhẫn nhục, chịu đựng và tha thứ
nhưng chất chứa đầy nước mắt và đau khổ - đã được che giấu bằng những hành
động và nụ cười bên ngoài. Tình yêu giữa Keiko và Fumiko là một thứ tình yêu
tuyệt vọng. Nỗ lực của Keiko là một thứ nỗ lực tuyệt vọng và không thể đạt kết
Kỷ yếu Hội nghị sinh viên NCKH
156
quả vì Otoko chưa bao giờ thực sự mở lòng mình và Keiko luôn đắm chìm trong
cảm giác cô đơn và chạy trốn cô đơn.
Tình yêu trong “Đẹp và Buồn” toát ra một dự cảm về sự mong manh, phù
du, dễ tàn phai. Cuộc tình giữa Otoko và Oki chỉ kéo dài mấy năm, nhưng dư âm
của nó thì còn vang vọng mãi trong lòng hai người. Tình yêu đẹp. Nhưng không
là vĩnh hằng. Và cái còn lại là một niềm bi cảm sâu sắc: “Tình yêu của những cặp
này Nhất định là chỉ sang đông, nhiều anh chị chắc không còn muốn thấy mặt
nhau nữa”. Tình yêu sẽ chóng phai tàn, vì đó là quy luật về sự hữu hạn của cái
Đẹp, là nguyên lý “nỗi buồn sự vật” đã từng thấm đẫm trong văn hóa truyền
thống Nhật Bản.
Không chỉ được thể hiện trong nỗi thương cảm với vẻ đẹp và số phận nhân
vật, trong cảm quan về tình yêu, aware còn thấm đẫm trong bức tranh thiên
nhiên. Thiên nhiên của ông không phải là thiên nhiên “ngoại cảnh”, không phải
là khách thể chủ quan hay khung cảnh làm nền cho hoạt động của nhân vật.
Thiên nhiên gợi nên tâm cảnh và hoài niệm. Mỗi khung cảnh đều làm ta nhớ đến
một chuyện gì đó của quá khứ và giống như là bức tranh phản chiếu nội tâm con
người. Thiên nhiên đó còn là thiên nhiên của phai tàn, của hư hao nhưng vẫn đẹp
đẽ. Đó là thiên nhiên của những buổi hoàng hôn nắng tắt, những nghĩa trang,
những đền đài lăng tẩm. Đẹp mà buồn. Đó chính là chất aware trong bức tranh
thiên nhiên mà Kawabata thể hiện trong tiểu thuyết này.
2.2.3 Niềm bi cảm về nỗi cô đơn
Hương vị sự cô đơn trong tác phẩm Kawabata không phải là nỗi cô đơn của
Tây phương, của chủ nghĩa lãng mạn, mà nó là nỗi cô đơn mang màu sắc Nhật
Bản, màu sắc của aware. Trong khi ở chủ nghĩa lãng mạn, cô đơn là sự phản ứng
trước thế giới thì ở Kawabata, cô đơn là trạng thái của thế giới. Trong “Đẹp và
Buồn”, người ta có cảm giác cô đơn là một phần của thế giới hiện hữu. Nó là
thuộc tính của thế giới. Chính vì lẽ đó mà trong “Đẹp và Buồn” nỗi cô đơn phảng
phất, bàng bạc khắp tiểu thuyết. Nhưng nó không ám ảnh, không u tối, không
ngột ngạt, mà trái lại, nỗi cô đơn đó dịu nhẹ man mác. Nỗi cô đơn đó lan tỏa
trong cảnh vật và xâm chiếm cả tình yêu.
Những khung cảnh mà con người ghé qua đều là những thứ gây nên cảm
giác đơn độc, lẻ loi với một vẻ yên tĩnh thường thấy, một sự tịch mịch đến nao
lòng, một cái gì đó khép kín, riêng biệt. Trong khung cảnh đó, con người cảm
thấy nỗi cô đơn xâm chiếm lấy mình. Những đoạn hội thoại chiếm tỉ lệ ít, chủ
yếu là độc thoại nội tâm. Nhân vật sống với bản thân và những cảm xúc của bản
Năm học 2009– 2010
157
thân. Những bức tranh vẽ của Otoko chính là sự hiện thực hóa cảm giác này
trong bản thân của mỗi con người: một sự phóng đại cái tôi đơn độc bằng hình
tượng bông hoa mẫu đơn to quá khổ. Sự kì lạ và khó hiểu của Keiko cũng là một
dạng cô đơn. Cô đơn trong chính cuộc sống của mình. Sự cô đơn đó mang màu
sắc bi cảm aware. Nó không choáng ngợp, ủ rũ, khép kín mà phảng phất, nhẹ
nhàng nhưng thấm thía. Cảm giác cô đơn của nhân vật bất chợt nảy sinh trong
một hoàn cảnh, tình huống hoặc sự việc nào đấy, không nặng nề ám ảnh nhưng
đủ để người đọc khám phá ra vẻ u uẩn ẩn giấu trong tâm hồn của họ.
Tình yêu của con người cũng chìm trong cô đơn. Trong mối tình giữa
Otoko và Keiko, cả hai đều cô đơn. Nhưng nếu Otoko cô đơn vì cảm thấy mình
khác biệt với Keiko, và nàng hình như muốn được cô đơn, muốn được “trú ẩn”
trong thế giới tình yêu cô độc của mình, thì Keiko cô đơn vì nỗ lực tìm sự hòa
hợp. Còn trong tình yêu giữa Fumiko với Oki, nỗi cô đơn của Fumiko là nỗi cô
đơn của một người vợ yêu chồng nhưng tình yêu đó lại không được đáp trả.
Trong tim Oki, chỉ có hình bóng Otoko. Không được đáp trả, Fumiko trở thành
một người vợ cô đơn.
Tất cả những tình yêu đó đều gợi ra trong lòng người một niềm bi cảm sâu
sắc – aware.
3. Kết luận
Trong “Đẹp và Buồn”, chất aware bi ai sâu lắng bộc lộ trong nỗi ám ảnh về
dòng thời gian trôi chảy kéo theo sự phai tàn của vạn vật. Trên dòng thời gian đó
hiện lên hình ảnh những con người, những câu chuyện tình yêu rất đẹp nhưng
cũng rất buồn: số phận con người thì đau thương ngắn ngủi; tình yêu thì chóng
vánh, mong manh. Cảm xúc aware trước thế giới khách quan khiến thời gian
mang màu sắc nội tâm, con người sống mãi trong hoài niệm, cô đơn còn thiên
nhiên dường như cũng đượm màu tâm cảnh và khiến con người không khỏi xao
xuyến bâng khuâng. Vì thế, quả thật không ngoa khi nói rằng tiểu thuyết này
không chỉ kể lại một câu chuyện tình, mà nó còn tạo lập được cả một thế giới đầy
bi cảm, một thế giới của cảm xúc bao trùm bởi cái đẹp mong manh, phai tàn –
thế giới aware!
Kỷ yếu Hội nghị sinh viên NCKH
158
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nhật Chiêu (2007), Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, Hà Nội:
Giáo dục.
[2] Nhật Chiêu (2007), Nhật Bản trong chiếc gương soi, Hà Nội: Giáo dục.
[3] Đào Thị Thu Hằng (2007), Văn hóa Nhật Bản và Yasunary Kawabata,
Hà Nội: Giáo dục.
[4] Mitsuyoshi Numano (2009), “Lịch sử và đặc trưng của văn học Nhật
Bản – từ Mono no aware đến kawaii”, Hội thảo Văn học Nhật Bản,
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (The Japan
Foundation), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.
[5] Hoàng Thị Mỹ Nhi, Niềm bi cảm (aware) trong “Truyện Genji” của
Murasaki Shikibu, Bản tóm tắt luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
[6] Trần Thị Tố Loan, “Mỹ học Kawabata”, Hội thảo “Kawabata Yasunary
trong nhà trường”, Đại học Sư phạm Hà Nội, (Bài đăng trên website
Văn nghệ Quân đội:
[7] Website Yasunary Kawabata – Người mang
nỗi buồn triền miên. (Dịch từ The Newstatesman).
[8] Lê Thị Hường (2001), “Kawabata – Người lữ khách u sầu đi tìm cái
đẹp”, Tạp chí Sông Hương số 154, (Bài đăng trên website:
[9] Hà Văn Lưỡng (2009), “Tiếp nhận tác phẩm Y. Kawabata ở Việt Nam”,
Tạp chí khoa học Đại học Huế, số 54, (Bài đăng trên website:
www.hueuni.edu.vn).
[10] Eiichi Aoki, Nguyễn Kiên Trường dịch (2006) Nhật Bản: đất nước và
con người, Hà Nội: Văn học.