Tóm tắt. Bài viết tìm hiểu vấn đề số phận con người trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975
giữa muôn mặt phức tạp của đời thường. Qua những trang viết của các nhà văn, mỗi con
người hiện lên như là một nẻo số phận giữa đời thường, sau bao mất mát của chiến tranh.
Để kiếm tìm, gây dựng lại một chút niềm vui, một chút hạnh phúc trong cuộc sống, họ đã
phải đối mặt với bao gian truân, thử thách. Sư ác liệt, gian truân trong đời thường - nhất là
đối với những người trở về - đôi khi còn hơn cả sự ác liệt, gian truân trong chiến tranh. Đi
sâu viết về phương diện này của số phận con người, dường như các nhà văn, hơn ai hết, là
người chứng kiến, hiểu, thông cảm, cùng chia sẻ với họ.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 302 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bi kịch đời thường của số phận con người thời hậu chiến trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00013
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 3, pp. 75-80
This paper is available online at
BI KỊCH ĐỜI THƯỜNG CỦA SỐ PHẬN CON NGƯỜI THỜI HẬU CHIẾN
TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU 1975
Lê Thị Hằng
Vụ Công tác Học sinh, Sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tóm tắt. Bài viết tìm hiểu vấn đề số phận con người trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975
giữa muôn mặt phức tạp của đời thường. Qua những trang viết của các nhà văn, mỗi con
người hiện lên như là một nẻo số phận giữa đời thường, sau bao mất mát của chiến tranh.
Để kiếm tìm, gây dựng lại một chút niềm vui, một chút hạnh phúc trong cuộc sống, họ đã
phải đối mặt với bao gian truân, thử thách. Sư ác liệt, gian truân trong đời thường - nhất là
đối với những người trở về - đôi khi còn hơn cả sự ác liệt, gian truân trong chiến tranh. Đi
sâu viết về phương diện này của số phận con người, dường như các nhà văn, hơn ai hết, là
người chứng kiến, hiểu, thông cảm, cùng chia sẻ với họ.
Từ khóa: Bi kịch đời thường, thời hậu chiến, tiểu thuyết Việt Nam, số phận con người.
1. Mở đầu
Sau 1975, có nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh, hẳn nhiên là có nhiều nghiên cứu về bộ
phận tiểu thuyết này, trong đó có cả những công trình bàn chung, những công trình nghiên cứu một
phương diện, một biểu hiện cụ thể nào đó của nó. Có thể kể ra ở đây các bài viết của Tôn Phương
Lan (Chiến tranh qua các tác phẩm văn xuôi được giải (của Hội Nhà văn và Bộ Quốc phòng) [6],
Đinh Xuân Dũng (Văn học Việt Nam viết về chiến tranh - hai giai đoạn của sự phát triển) [1],
Phong Lê (Tiểu thuyết viết về chiến tranh - nhìn từ hôm nay) [7], Nguyễn Phượng (Tiểu thuyết viết
về đề tài chiến tranh sau 1975 và những thành tựu nghệ thuật bị bỏ lỡ) [10], Nguyễn Đăng Điệp
(Cần tiếp tục nuôi dưỡng cảm hứng viết về chiến tranh) [2], v.v.. Nhìn chung các tác giả đã chỉ
ra một cách khá sâu sắc những đường hướng tìm tòi, thành tựu và đóng góp của tiểu thuyết Việt
Nam viết về chiến tranh sau 1975 như đưa ra cái nhìn mới, quan niệm mới về chiến tranh, về thân
phận người lính, từ đó dẫn đến sự đa dạng của các xu hướng sáng tác, sự đối mới kết cấu, giọng
điệu, ngôn ngữ... như là sản phẩm tất yếu của quá trình chuyển đổi từ tư duy sử thi sang tư duy
tiểu thuyết. Tuy nhiên, theo những gì chúng tôi đang cập nhật, cho đến nay vẫn chưa có một công
trình, bài viết nào bàn về bi kịch giữa muôn mặt đời thường như là một biểu hiện của thân phận
con người thời hậu chiến trong bộ phận tiểu thuyết này. Bài viết của chúng tôi nhằm đưa ra những
nhận thức ban đầu về vấn đề này.
Ngày nhận bài: 15/12/2014 Ngày nhận đăng: 29/4/2015
Liên hệ: Lê Thị Hằng, e-mail: lehang@moet.edu.vn
75
Lê Thị Hằng
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Bi kịch của việc kém thích ứng
Trước đây trong bối cảnh ác liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc, những ước mơ khát vọng của
người lính bao giờ cũng là ước mơ khát vọng hướng về mục tiêu chung của dân tộc. Cái “tôi” cá
nhân luôn bị nén lại, tình cảm riêng tư phải nhường lại cho cái “ta” chung và nếu như vấn đề hạnh
phúc được đề cập thì bao giờ cũng đặt trong hạnh phúc, niềm vui lớn lao của tập thể, của đoàn thể,
của quốc gia, dân tộc. Khi đã im tiếng súng, khi vận mệnh dân tộc không còn bị đe dọa một cách
trực tiếp, nóng bỏng, thì con người có thể trở về thành thực đối diện với chính mình, với những vấn
đề thuộc cái phần riêng tư của chính mình. Một trong những điều đó chính là hạnh phúc tình yêu.
Các nhà văn đã dành rất nhiều trang đề viết về nó, với tư cách là một khát vọng muôn thuở của con
người.
Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng trước sau vẫn trung thành với tình yêu khiến anh không thể
tìm được hạnh phúc trong cuộc đời nữa trong khi Ba Sương - cô du kích xinh đẹp, nhân hậu ngày
xưa - biến thành bà giám đốc Tư Lan sang trọng với những buổi tiệc tùng thâu đêm, những vụ làm
ăn phi pháp. Trong chuyến “di cư vào Nam”, Hai Hùng gặp lại Ba Sương, thật bất ngờ khi anh tìm
ra sự thật để khẳng định Tư Lan chính là Ba Sương - người con gái năm xưa anh yêu thì cũng là
lúc anh rơi vào bi kịch của một kẻ bị lừa dối, bị phản bội. Người đọc cũng bắt gặp bi kịch trong
gia đình của Ba Thành - tay bác sĩ đồ tể năm xưa đã từng chữa trị vết thương cho Hai Hùng, tưởng
rằng sẽ là quan chức cao cấp. Vậy mà không! Giải phóng được ít ngày, chán cảnh gia đình, chán
cảnh đoàn thể, chán cảnh đời và thói đời đen bạc, chán luôn cả nội dung công việc đã theo đuổi
tới nửa đời người, sau một đêm nhậu say chửi vung tứ mép, Ba thành giũ áo từ quan và bị vợ bỏ vì
“nó chê tao xấu mà lại không bằng bạn bằng bè” [4].
Bên cạnh bi kịch của những người lính tham chiến trở về là bi kịch của những người phụ
nữ trong và sau chiến tranh. Với người phụ nữ ở hậu phương, chiến tranh mang đến cho họ nỗi cô
đơn khi những người đàn ông dần thưa vắng; nỗi lo âu khi người thân yêu quăng mình giữa chiến
trường, nơi sự sống cận kề cái chết; sự đợi chờ mòn mỏi để rồi ai đó trở về hay không trở về.... Với
người phụ nữ ở chiến trường, chiến tranh đồng nghĩa với sự hủy diệt kinh hoàng về cả tâm hồn lẫn
thể xác. Chiến tranh đã cướp đi của họ tuổi xuân, nhan sắc và bao hạnh phúc lẽ ra họ được hưởng.
Đó là Lan trong Thân phận tình yêu của Bảo Ninh, nhận giấy báo tử của chồng mà chưa kịp cưới
xin, khi chưa một ngày sống bên nhau trọn vẹn; đó là Nhân trong Bến không chồng, một người
thấu hiểu mất mát của chiến tranh nhưng không ngờ những gì xảy đến lại quá kinh hoàng, mất
mát chồng lên mất mát. Chị Nhân đang còn hạnh phúc hơn nhân vật Thắm bởi niềm mong ngóng
chồng của chị còn là ở sự thủy chung của người chồng. Chị Thắm còn đau xót hơn nhiều khi mà
“Bao năm nay một mình nuôi con ngóng chờ đợi thằng pháo thủ trở về. Lúc nào nó cũng nơm nớp
lo thằng pháo thủ chết. Vậy mà nó có chết đâu. Nó được về ngay từ ngày mới giải phóng, dẫn luôn
cả gia đình vào ở hẳn trong Nam. Dân làng bảo nghe đâu nó kiếm được cô vợ nhà tư sản, rõ là nực
cười vậy” [5;20].
Với những trang viết về bi kịch, sự mất mát ở tình yêu, hạnh phúc gia đình của con người
trong và sau chiến tranh của các nhà văn, chúng ta thấy và hiểu rõ hơn sự khốc liệt, sự hủy hoại
của chiến tranh. Không chỉ là những vết thương trên cơ thể con người, mà đó còn là “vết thương
lòng”, “những vết thương trong tâm hồn”. Những vết thương còn đau đớn, dai dẳng, ám ảnh con
người ta trong suốt cuộc đời. Tưởng rằng đau đớn, mất mát hi sinh về thể xác, thì hạnh phúc tinh
thần sẽ mỉm cười đối với họ, thế mà cuối cùng chỉ còn là những bi kịch mà thôi. Và chúng ta cũng
76
Bi kịch đời thường của số phận con người thời hậu chiến trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975
hiểu rằng “chiến tranh có thể là trò đùa, nhưng mất mát đau thương là có thực” (Chu Lai).
2.2. Bi kịch của việc thích ứng nhanh nhạy mà thiếu hụt căn bản văn hóa
Chiến tranh đã gây ra bao nỗi bàng hoàng cho con người, nó ăn sâu vào tâm thức, kí ức
của những con người tham gia trực tiếp, chứng kiến những tháng ngày đó. Từ hiện thực của chiến
tranh, với bao mất mát hi sinh, bi kịch của bao con người, các nhà văn đã để cho nhân vật của mình
chiêm nghiệm, suy ngẫm lại về những gì đã qua và thích ứng với cuộc sống hiện tại. Chính những
hiện thực, hậu quả và sự chiêm nghiệm ấy đã phần nào tác động đến suy nghĩ, cách nhìn nhận về
cuộc sống hiện tại của các nhân vật khiến cho các nhân vật rơi vào bi kịch của nỗi tủi hổ được sống
sót trở về.
Trở về sau chiến tranh, với cảnh đất nước đã hòa bình, chứng kiến những hiện thực của đất
nước với bao bề bộn, ngổn ngang đời thường, những con người như Kiên khó có thể hòa nhập ngay
được với cuộc sống, hoàn cảnh mới. Vì họ cảm giác như mình không phải đang sống mà đang mắc
kẹt giữa cuộc đời này, trở thành kẻ “ăn mày dĩ vãng”. Thế nên trong cảm nhận của Kiên với cảnh
hòa bình của đất nước: “Hòa bình ập tới phũ phàng, choáng váng đất trời và xiêu đảo lòng người,
gây bàng hoàng, gây đau đớn hơn là mừng vui. . . Và anh đột nhiên thấy tràn ngập trong cảm giác
cô đơn trơ trọi. . . Trơ trọi hơn bao giờ hết, trơ trọi từ đây” [4;119]. Hay cảnh hòa bình của đất
nước được cảm nhận qua lời phát biểu của một anh lính lái xe thu gom hài cốt liệt sĩ: “mẹ kiếp -
hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao quanh anh em mình. Mà những người được
phân công nằm lại gác rừng là những người đáng sống nhất” [4;45].
Qua lời tâm sự của Hai Hùng với người yêu (Ba Sương) - một sự suy nghĩ có phần hơi trái
ngược với những gì là anh dũng vẻ vang của cuộc chiến. Nhưng ta thấy đây là lời tâm sự rất thực
ở con người Hai Hùng trong sự đa chiều của cuộc sống, sự phong phú trong suy nghĩ và tình cảm
con người. Cái ám ảnh của chiến tranh đôi khi khiến con người ta không dám tiếp tục nhìn nhận,
hi sinh vì nó nữa: Đã ít nhất trên ba lần anh thực hiện cái động tác khốn nạn đó. Chiến tranh mờ
mịt, bạn bè chết hết lớp này đến lớp khác, ngày kết thúc đang còn nằm trong vô vọng, nhiều lúc
anh muốn chạy trốn khỏi nỗi nhọc nhằn khủng khiếp mà sức người có hạn, không thể mãi chịu
đựng. Nhưng lại không có gan chạy trốn đến tận cùng bằng tự sát. Càng không thể làm trò ô nhục
đào ngũ hay chiêu hồi. Anh chỉ đủ can đảm tự thương, tức là vẫn muốn níu giữ một chút hợp pháp,
một chút thanh thản trong trò chơi man trá này. . . Một cuộc đời tật nguyền, không vợ không con,
không tương lai, không niềm vui nỗi buồn, vô tri vô giác nhưng còn ngàn lần hơn vĩnh viễn chui
vào lòng đất, câm lặng. Suy nghĩ của Hai Hùng cũng gần với cách của Tuấn trước hiện thực sự
sống - cái chết chỉ là gang tấc, làm sao cho những con người như Tuấn sợ hãi như muốn trốn chạy
cái cuộc chiến tranh này. Trước cái chết của Bảo, Tuấn chỉ muốn: “Cối nó tiện đứt hai cánh tay để
được trở về nhà. Ăn mày, bơm xe, bới rác, trông kho. . . làm gì cũng được, miễn là được về, được
sống” [4;106]. Rồi đôi khi, con người ta cố tình lãng quên đi cuộc chiến, như thể lịch sử, dân tộc,
đất nước này chưa hề có chiến tranh đi qua: “Chiến tranh mới đó, hơn chục năm chứ nhiều nhặn
gì đâu mà sao cả người ngoài lẫn người trong cuộc đều chóng vánh quên đi quá thể vậy? Sao cái
miệng lưỡi của thằng cha nức tiếng tốt bụng kia nhắc đến mọi kỷ niệm đau thương lại ráo hoảnh
như nhắc đến cuộc chiến tranh của người khác, của quốc gia khác?” [4;115]. Dường như con người
ta không muốn nhắc lại những kí ức đau thương bởi chiến tranh.
Đi sâu vào dòng ý thức, tâm lí của nhân vật, các nhà văn đã len lỏi vào ngõ ngách tâm hồn
con người để khám phá ra đầy đủ sự phong phú đa dạng của con người, con người trở nên đời hơn,
thực hơn. Trong con người ta đôi khi có những suy nghĩ hơi phiến diện, lệch lạc về cuộc sống, về
77
Lê Thị Hằng
cuộc chiến tranh đã qua. Phải chăng chiến tranh đã qua ám ảnh khiến họ khiếp sợ, hãi hùng mãi.
2.3. Bi kịch của việc loay hoay xác lập bảng giá trị mới
Viết về chiến tranh từ khía cạnh góc độ số phận con người là một cách khám phá mới mẻ
của các cây bút tiểu thuyết sau 1975. Qua từng trang viết của các nhà văn chúng ta thấy đã có biết
bao nhiêu con người phải chịu số phận bi kịch. Chiến tranh kết thúc, tưởng chừng hạnh phúc sẽ
mỉm cười với những con người may mắn được sống sót trở về. Nhưng cuộc đời, cuộc sống không
bao giờ là những trang giấy phẳng phiu, những đường thẳng không có điểm gồ ghề. Với một cái
nhìn, một cách phản ánh đời hơn, thực hơn về chiến tranh, nhà văn đã đưa ngòi bút của mình đi
sâu vào đời sống của con người. Giờ đây số phận của con người trong và sau chiến tranh hiện lên
trên những trang viết qua từng tác phẩm không chỉ là những mất mát, bi kịch trước mắt, mà còn là
những cuộc hành trình không đơn giản chút nào trong việc gây dựng lại hạnh phúc bị tổn thương,
đó phải chăng là bi kịch của việc loay hoay kiếm tìm, nhận thức hay xác định một lối sống, một
giá trị.
Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai là một đội trưởng trinh sát đặc nhiệm, tưởng
rằng chiến tranh đã kết thúc, một người ở cương vị như anh sẽ được hưởng nhiều quyền lợi, xứng
đáng ở một địa vị nào đó, hay có một cuộc sống gia đình hạnh phúc... Thế mà, số phận đã đưa đẩy
anh đi tìm lại hạnh phúc cho chính mình bằng việc ở cái tuổi ngót nghét 50 rồi mà còn phải đi tìm
việc làm, đi tìm lại sự thật về hình bóng người yêu cũ (có phải bà Tư Lan chính là Ba Sương của
anh ngày nào hay không?) “Tôi vừa mới chân ướt chân ráo ở ngoài kia vào để thực hiện một hành
vi ngang trái và tội tình. Đi tìm việc làm, đi tìm nơi trú ngụ chót cùng của cuộc đời. Vâng! Đã ngót
nghét bước sang cái tuổi năm mươi rồi mà còn lận đận bỏ xứ xa quê để tìm kiếm công ăn việc làm
thì thật là tội tình! Nhưng hỡi ôi! Biết làm sao được! Cuộc đời vốn dĩ cứ hững hờ trôi chảy như thế
cũng như tự tin trong cái thâm tâm đã quá chán chường mệt mỏi của tôi” [4]. Và Hai Hùng không
thể tĩnh lòng để hưởng thụ hạnh phúc cuộc đời. Đó không phải là sự trở về để tìm cuộc dưỡng sức
sau những lao lực khủng khiếp trong cuộc chiến. Lịch sử không cho phép anh yên lặng, một cuộc
chiến đấu giữa đời thường để kết thúc là sự quay về những giá trị sống dậy một thời “chiến tranh
mới đó chứ nhiều nhặn gì đâu, cả người ngoài lẫn người trong cuộc đều chóng vánh quên đi quá
thể”. Người ta không thể giũ bỏ nó như vứt bỏ đi một đồ vật, không thể lướt qua nó như lật trang
sách mà không hồi lần giở lại.
Kí ức lịch sử sống dậy âm ỉ, mãnh liệt trong tâm hồn những nhân chứng một thời. Linh trở
về phải chứng kiến “vòng tròn bội bạc”, lạc lõng trong thời hiện tại, và anh chỉ còn có chỗ bấu víu
duy nhất là thời đã qua, điểm tựa quá khứ “Từ rừng được khao khát về thành phố. Có thành phố rồi
lại thèm cháy bỏng được trở lại rừng. Trở lại những năm tháng thênh thang, thênh thang sống và
thênh tháng chết. Một ba lô, một súng toòng teng, chẳng bận bịu gì, nhẹ tênh và thanh thản. Một
tia nắng, một cơn mưa, một dáng hình con gái mặc áo đen rộng tay cũng đẩy anh nhớ về những
năm tháng ấy” [5].
Trong cuộc hành trình đi tìm, gây dựng lại hạnh phúc bị tổn thương thì những người lính
vẫn chỉ là những anh binh nhì ngơ ngác, kém cỏi khi không nắm lấy hạnh phúc, tình yêu và đón
nhận nó như những con người bình thường. Dường như nỗi ám ảnh quá khứ thiêng liêng cùng tình
yêu dang dở khiến họ khó tìm được sự yên ổn trong đời tư của mình. Hai mươi năm đã trôi qua dù
cố tìm cách quên đi nhưng Ba Thành không thể gạt bỏ hình bóng Hai Hợi. Hay Hai Hùng vẫn quay
về dĩ vãng để tìm lại Ba Sương. Chiến tranh đã cướp đi tuổi trẻ, sinh lực của con người, khiến họ
không còn đủ sức lực để làm một người đàn ông với những thiên chức đích thực, cánh cửa hạnh
78
Bi kịch đời thường của số phận con người thời hậu chiến trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975
phúc sập xuống trước mặt họ một cách nghiệt ngã. Những người may mắn trở về đều không tìm
được hạnh phúc. Các nhân vật cùng chung cảnh ngộ “buồn thay, họ là những người tình tuyệt vời
nhưng lại là những người cô độc vĩnh viễn, chẳng những đã mất lứa đôi mà mất đi khả năng yêu
đương và bởi những ám ảnh mà trở nên suy đồi theo cái nhân cách của họ” [4;292]. Sau chiến
tranh dường như họ “chẳng còn ở trong một kênh” với mọi người nữa. Đó là một bi kịch của nhân
vật Kiên trong Thân phận tình yêu của Bảo Ninh. Kiên ám ảnh bởi quá khứ đau thương và khiếp
sợ, cuộc sống hạnh phúc hiện tại cũng chẳng có gì. Cuộc chiến tranh thần thánh rốt cuộc đã bù đắp
những mất mát anh đã phải chịu bằng một thứ đời sống như ngày hôm nay đây. Càng ngày Kiên
càng có cảm giác rằng không phải mình đang sống mà đang bị mắc kẹt lại trên cõi đời này.
Sự tìm lại cuộc sống hạnh phúc cá nhân của Giang Minh Sài trong Thời xa vắng cũng thật
đau khổ xót xa. Sau bao năm cuộc sống vợ chồng không tình yêu đối với Tuyết (cô vợ bố mẹ cưới
hỏi từ hồi mười bốn tuổi), và sự mất mát, tình yêu không thành đè nén bao đau khổ trong tình cảm
đối với Hương, Sài tưởng rằng đến với Châu, hạnh phúc sẽ mỉm cười, bù đắp cho anh. Trong hạnh
phúc mới anh đã phải cố gắng điều chỉnh lại mình để phù hợp với cách nghĩ, cách sống của một
cô vợ thành phố so với những tư tưởng cục mịch và tư chất của một anh lính như anh. Thật trớ trêu
với bao va chạm của cuộc sống gia đình, vợ chồng, anh chỉ còn đứa con (bé Thùy) là nguồn động
viên. Thế mà anh đâu có ngờ rằng mình là bia đỡ đạn cho kết quả của một mối tình dang dở của
vợ anh (Châu). Kết cục của sự đổ vỡ trong hôn nhân lần hai này cũng chính là lúc anh nhận ra một
sự thật cay đắng: bé Thùy không phải là con anh.
3. Kết luận
Qua những trang tiểu thuyết của các nhà văn sau 1975, người đọc được tiếp cận gần hơn, rõ
hơn cuộc sống của con người sau chiến tranh. Chiến tranh chưa thể là câu chuyện của ngày hôm
qua, vẫn còn đó những đống hoang tàn, đổ nát, bao mất mát đau thương - những di chứng của
chiến tranh. Hậu quả mặt trái của cuộc chiến vẫn đeo bám, in dấu trên từng gương mặt, số phận.
Họ phải chấp nhận những thực tế phũ phàng của bi kịch số phận. Đó là những bi kịch đau đớn cả
về vật chất lẫn tinh thần, những “vết thương lòng” mà dù cuộc sống theo thời gian chảy trôi cũng
khó có thể mất đi dấu vết. Con người mà giờ đây các nhà văn khám phá, thể hiện là con người
cá nhân đời tư, đời thường với cả hai mặt tốt - xấu, cao cả - thấp hèn. . . Và sự triển khai ngòi bút
của các nhà văn không phải theo dòng chảy của sự kiện nữa mà theo dòng chảy của tâm tư, của
ý thức con người. Vì vậy, con người hiện lên sinh động hơn, đời hơn với muôn mặt phức tạp của
đời thường. Với ngòi bút hiện thực hơn, tỉnh táo hơn, các nhà văn đã đem đến cho chúng ta một
bức tranh toàn diện hơn về số phận con người trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975. Đồng thời đây
cũng là tiếng nói đầy tính nhân bản, mang đậm tấm lòng nhân đạo sâu sắc của các cây bút, khi
họ thông qua những số phận con người để nói lên tiếng nói về hiện thực chiến tranh, tố cáo chiến
tranh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đinh Xuân Dũng, 1995. Văn học Việt Nam viết về chiến tranh - hai giai đoạn của sự phát
triển. Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 7, tr.93-98.
[2] Nguyễn Đăng Điệp, 2012. Cần tiếp tục nuôi dưỡng cảm hứng viết về chiến tranh.
[3] Dương Hướng, 2011. Bến không chồng. Nxb Văn hóa Thông tin.
[4] Chu Lai, 2006. Ăn mày dĩ vãng. Nxb Lao động.
79
Lê Thị Hằng
[5] Chu Lai, 2003. Vòng tròn bội bạc. Nxb Văn học, Hà Nội.
[6] Tôn Phương Lan, 1994. "Chiến tranh trong các tác phẩm văn xuôi được giải (của Hội Nhà văn
và Bộ Quốc phòng". Tạp chí Văn học, số 12.
[7] Phong Lê, 2008. Tiểu thuyết về chiến tranh - nhìn từ hôm nay.
[8] Lê Lựu, Thời xa vắng, NXB Thời đại, 2011.
[9] Bảo Ninh, 2011. Thân phận của tình yêu. Nxb Văn hóa Thông tin.
[10] Nguyễn Phượng, 2006. "Tiểu thuyết viết về chiến tranh sau 1975 và những thành tựu nghệ
thuật bị bỏ lỡ", Văn học Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy. Nxb Giáo
dục, Hà Nội.
ABSTRACT
Tragedy in daily life of postwar human destiny in Vietnamese novels after 1975
The article studies the issue of human destiny in multifaceted daily life expressed in
Vietnamese novels since 1975. In those works, each human being is reflected as a specific destiny
after their suffering war losses. In want of seeking, rebuilding happiness in life, they have to face
with lots of hardships and challenges. The fierceness and arduousness in daily life, sometimes,
prove even harder than those in war, especially for those who returned back from war. Exploring
deeply this issue, the writers seem to be the most understandable and empathetic with human
destiny.
Keywords: Tragedy in daily life, postwar, Vietnamese novel, human destiny.
80