Tóm tắt. Bài báo nêu lên thực trạng biểu hiện khó khăn tâm lý trong học
tập của học sinh Tiểu học hiện nay. Khó khăn tâm lý ở học sinh Tiểu học
trong hoạt động học tập biểu hiện ở nhiều khía cạnh (kĩ năng học tập, khó
nhớ, khó tập trung chú ý, khó khăn trong việc kiểm soát xúc cảm của bản
thân, khó thích ứng với nội quy, nền nếp của nhà trường, khó thiết lập quan
hệ bạn bè và thầy cô) với mức độ khác nhau. Có sự khác biệt rõ rệt về biểu
hiện khó khăn tâm lý ở học sinh đầu bậc Tiểu học (khối lớp 1) so với học
sinh giữa (khối lớp 3) và cuối bậc Tiểu học (khối lớp 5), sự khác biệt này
có ý nghĩa thống kê. Nguyên nhân của những khó khăn tâm lý trong hoạt
động học tập của học sinh Tiểu học chủ yếu xuất phát từ bản thân học sinh
và từ phía gia đình học sinh.
11 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 356 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Biểu hiện khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của học sinh tiểu học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
IER., 2011, Vol. 56, pp. 56-66
BIỂU HIỆN KHÓ KHĂN TÂM LÝ
TRONG HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC
Lê Mỹ Dung
Viện Nghiên cứu Sư phạm - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
E-mail: dungtamly@yahoo.com
Tóm tắt. Bài báo nêu lên thực trạng biểu hiện khó khăn tâm lý trong học
tập của học sinh Tiểu học hiện nay. Khó khăn tâm lý ở học sinh Tiểu học
trong hoạt động học tập biểu hiện ở nhiều khía cạnh (kĩ năng học tập, khó
nhớ, khó tập trung chú ý, khó khăn trong việc kiểm soát xúc cảm của bản
thân, khó thích ứng với nội quy, nền nếp của nhà trường, khó thiết lập quan
hệ bạn bè và thầy cô) với mức độ khác nhau. Có sự khác biệt rõ rệt về biểu
hiện khó khăn tâm lý ở học sinh đầu bậc Tiểu học (khối lớp 1) so với học
sinh giữa (khối lớp 3) và cuối bậc Tiểu học (khối lớp 5), sự khác biệt này
có ý nghĩa thống kê. Nguyên nhân của những khó khăn tâm lý trong hoạt
động học tập của học sinh Tiểu học chủ yếu xuất phát từ bản thân học sinh
và từ phía gia đình học sinh.
1. Đặt vấn đề
Hoạt động học tập ở bậc Tiểu học là hoạt động chủ đạo đối với sự phát triển
toàn diện nhân cách của trẻ em. Giáo dục tiểu học có nhiệm vụ xây dựng và phát
triển tình cảm đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ và thể chất của trẻ em nhằm hình thành
cơ sở ban đầu cho sự phát triển toàn diện nhân cách con người.
Thực tế dạy học cho thấy, trong quá trình thích ứng dần với yêu cầu của hoạt
động học tập ở nhà trường, học sinh Tiểu học gặp một số khó khăn tâm lý làm
ảnh hưởng đến kết quả học tập. Việc xác định những khó khăn này cùng với những
nguyên nhân cụ thể của nó có tác dụng tạo cơ sở thực tiễn, giúp các nhà giáo dục
tìm kiếm và lựa chọn được những biện pháp tác động phù hợp đến học sinh, góp
phần nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục ở bậc Tiểu học.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Một vài nét tổng quan
Khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của học sinh Tiểu học được các
nhà nghiên cứu ở nước ngoài và trong nước quan tâm nghiên cứu. Trong cuốn Tâm
56
Biểu hiện khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của học sinh tiểu học
lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, A.V.Petrovxki đã chỉ ra những nguyên nhân
dẫn đến khó khăn tâm lý ở trẻ em khi đi học lớp 1 đó là: Khó khăn có liên quan đến
đặc điểm của chế độ học tập mới; Khó khăn trong việc thiết lập quan hệ giao tiếp
mới với thầy cô và bạn bè và Khó khăn trong việc thích nghi với hoạt động mới.
Lúc đầu trẻ được sự chuẩn bị của gia đình, nhà trường và xã hội nên trẻ có tâm lý
vui, thích, sẵn sàng đi học, về sau giảm dần khát vọng và chán học [5].
Ronan Van Rossem (2002) nghiên cứu trên 1241 trẻ từ 6-7 tuổi ở 71 lớp của
49 trường về những khác biệt trong sự thích ứng trường học và thích ứng học tập
của học sinh. Kết quả cho thấy: Các đặc điểm của lớp học và cấu trúc xã hội của
lớp như sự hòa nhập và cởi mở là các yếu tố tạo nên sự khác biệt trên. Như vậy,
các mối quan hệ xã hội trong lớp ảnh hưởng đến việc khó khăn hay thuận lợi trong
việc thích ứng trường học, thích ứng học tập của học sinh lớp 1 [6].
P.Zettergren, khoa Tâm lý học, trường Đại học Stockholm, Thụy Điển nghiên
cứu trẻ vị thành niên 10-11 tuổi (2003), thấy rằng: Thành tích học tập và mức độ
trí thông minh của những em bị bạn bè hắt hủi là kém hơn so với các nhóm khác.
Điểm số của những em được bạn bè yêu quý đạt chuẩn cao. Có dấu hiệu cho thấy
rằng, những học sinh nữ bị bạn bè ghét bỏ có thái độ tiêu cực với trường học và các
nhiệm vụ ở trường. Tỉ lệ bỏ học giữa chừng giữa ở học sinh nam bị bạn bè ghét bỏ
cao hơn nhiều so với các nhóm học sinh nam khác. Những trẻ bị bạn bè hắt hủi là
những em có thể gây rắc rối ở trường và khi lớn lên, vì vậy, cần phải quan tâm đặc
biệt tới những trẻ em này [8].
Tác giả Phạm Thị Đức, trong bài viết Chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào lớp 1, đã
nêu ra một số khó khăn tâm lý của trẻ khi vào lớp 1, đó là: Chưa quen với chế độ
học tập; Chưa có thói quen nắm các dữ kiện câu hỏi của bài tập, yêu cầu của giáo
viên; Nhút nhát, mất bình tĩnh trước hoàn cảnh mới và chưa có động cơ hoạt động
đúng đắn [1].
Nghiên cứu Một số đặc điểm về sự thích nghi với học tập của học sinh đầu
bậc tiểu học, tác giả Vũ Thị Nho cho rằng có khoảng 20-30% học sinh lớp 1 khi vào
trường kém thích nghi với học tập, có khó khăn trong học tập, chất lượng học tập
chưa đạt yêu cầu[4].
Trong công trình “Nghiên cứu khó khăn tâm lý của học sinh đầu lớp 1”, tác
giả Vũ Ngọc Hà đã nêu ra 3 nhóm khó khăn trong hoạt động học tập đó là: Khó
khăn trong nhận thức, trong thể hiện xúc cảm và trong hành vi của học sinh lớp 1
[2].
Kết quả nghiên cứu của tác giả Phùng Thị Hằng về khó khăn học tập của học
sinh Tiểu học là người dân tộc thiểu số (dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Cao Lan,
Sán Chỉ,...) ở tỉnh Thái Nguyên cho thấy : học sinh gặp khó khăn tâm lý trong học
tập ở mức độ tương đối cao, thể hiện ở cả 3 mặt: nhận thức; xúc cảm - thái độ và
kĩ năng học tập. Trong đó, nhóm khó khăn thuộc về mặt kĩ năng học tập là nhóm
biểu hiện rõ rệt nhất [3].
57
Lê Mỹ Dung
Tác giả Nguyễn Thị Vui đã nghiên cứu khó khăn học tập học sinh Tiểu học
là người dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum. Tác giả đã nêu được có 9 trở ngại tâm lý
và mức độ trở ngại có ảnh hưởng khác nhau đến hoạt động học tập của học sinh
tiểu học dân tộc thiểu số. Tác giả cũng chỉ ra các nguyên nhân chủ quan (vốn ngôn
ngữ tiếng Việt, nhận thức chậm và sự chuyên cần) và nguyên nhân khách quan (nội
dung chương trình học, sự quan tâm của gia đình...) làm nảy sinh trở ngại tâm lý
trong học tập của học sinh tiểu học dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum [7].
Nói tóm lại, nghiên cứu khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập là một hiện
tượng tâm lý phức tạp. Các công trình nghiên cứu kể trên ít nhiều đã xây dựng
được một hệ thống lí luận và thực tiễn về vấn đề này, tuy nhiên các nghiên cứu chủ
yếu tập trung ở lứa tuổi đầu bậc tiểu học (lớp 1), chưa có nhiều những nghiên cứu
một cách hệ thống và chỉ được những biểu hiện cụ thể khó khăn tâm lý trong hoạt
động học tập của học sinh ở các giai đoạn đầu, giữa và cuối bậc Tiểu học.
2.2. Một số vấn đề lý luận
Khái niệm “Khó khăn tâm lý”:
Có nhiều định nghĩa khác nhau về khó khăn tâm lý, nhưng chúng ta có thể
định nghĩa khó khăn tâm lý một cách khái quát như sau: Khó khăn tâm lý là hiện
tượng tâm lý nảy sinh ở mỗi cá nhân trong quá trình hoạt động, thể hiện sự không
phù hợp (gây trở ngại) với những yêu cầu cơ bản của một hoạt động nhất định nào
đó, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình và kết quả của hoạt động đó.
Khái niệm “Hoạt động học tập của học sinh Tiểu học”:
Hoạt động học là hoạt động có ý thức nhằm thay đổi bản thân chủ thể của
hoạt động học (học sinh). Trong hoạt động này, các phương thức chung của việc
thực hiện hoạt động được học sinh ý thức và phân biệt với kết quả của hoạt động.
Hoạt động học của học sinh tiểu học là hoạt động chủ đạo - hoạt động này
có đối tượng lần đầu tiên xuất hiện trong tiến trình phát triển của trẻ em, được tổ
chức đặc biệt. Đối tượng của hoạt động học là hệ thống các khái niệm khoa học và
hệ thống tri thức có tính lý luận. Hoạt động học của học sinh Tiểu học chỉ nảy sinh
trong lòng hoạt động vui chơi nhưng nó chỉ được hình thành bằng phương pháp nhà
trường, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của giáo viên. Hoạt động học của học sinh Tiểu
học có các thành tố: nhiệm vụ học, các hành động học, động cơ, nhu cầu học.
Khái niệm “Khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của học sinh Tiểu học”:
Khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của học sinh Tiểu học là những yếu
tố bất lợi làm cản trở hoạt động học tập của học sinh và ảnh hưởng tiêu cực đến sự
phát triển tâm lý của cá nhân học sinh.
58
Biểu hiện khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của học sinh tiểu học
2.3. Kết quả nghiên cứu thực trạng biểu hiện khó khăn tâm lý
trong hoạt động học tập của học sinh Tiểu học
Khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của học sinh Tiểu học được chúng
tôi tiến hành trong năm học 2009-2010 ở 04 Trường Tiểu học trên địa bàn và các khu
vực khác nhau bao gồm: Trường Tiểu học Quan Hoa (nội thành), Mê Linh (ngoại
thành) (Hà Nội) và TH Đoàn Thị Điểm (ven biển), Âu Cơ (khu công nghiệp) (Đà
Nẵng). Các trường có học sinh với đặc điểm khác nhau về năng lực, kết quả học
tập, rèn luyện và môi trường gia đình [1].
Để nghiên cứu khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của học sinh Tiểu
học, chúng tôi xem xét trên các khía cạnh: khó khăn về mặt nhận thức, xúc cảm,
thực hiện kỹ năng học tập, thích ứng với nề nếp, nội quy của nhà trường và trong
các mối quan hệ xã hội (với bạn bè và thầy/ cô giáo).
Khách thể và phương pháp nghiên cứu:
Chúng tôi tiến hành khảo sát trên 1101 học sinh (gồm: 120 học sinh khối lớp
1, 488 học sinh các khối lớp 3 và 493 học sinh khối lớp 5); 1101 phụ huynh của các
học sinh trên và 90 giáo viên ở 04 trường Tiểu học: Quan Hoa, Mê Linh (Hà Nội)
và TH Đoàn Thị Điểm, Âu Cơ (Đà Nẵng) bằng các phương pháp: điều tra, phỏng
vấn sâu, quan sát, thu thập sản phẩm hoạt động và thống kê toán học.
2.3.1. Biểu hiện khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của học sinh
Tiểu học
Kết quả nghiên cứu những khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của học
sinh Tiểu học ở các khối lớp 1, 3 và 5 như sau: Phần lớn học sinh có khó khăn tâm
lý trong hoạt động học tập ở mức trung bình và mức cao (chiếm 98,3% ở khối lớp
1; 99,4% ở khối lớp 3 và 100% ở khối lớp 5). Số học sinh không có khó khăn tâm
lý hoặc có khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập ở mức thấp chỉ chiếm 1,7% ở
khối lớp 1 và 0,6% ở khối lớp 3 (Bảng 1).
Bảng 1. Mức độ khó khăn tâm lý của học sinh
Tiểu học trong hoạt động học tập
59
Lê Mỹ Dung
Để tìm hiểu khó khăn tâm lý của học sinh trong hoạt động học tập, chúng
tôi yêu cầu giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh đánh giá mức độ biểu hiện
của từng khó khăn. Cách đánh giá tuân theo thang điểm như sau: 3 điểm (dành cho
mức “thường xuyên”), 2 điểm (dành cho mức “đôi khi”), 1 điểm (dành cho trường
hợp “không bao giờ”). Kết quả được thể hiện ở bảng 2:
Bảng 2. Biểu hiện khó khăn tâm lý
trong hoạt động học tập của học sinh Tiểu học
Kết quả khảo sát được tổng hợp ở Bảng 2 cho thấy:
Khó khăn tâm lý ở học sinh Tiểu học trong hoạt động học tập biểu hiện ở
nhiều khía cạnh và với mức độ khác nhau. Có sự khác biệt rõ rệt về biểu hiện khó
khăn tâm lý ở học sinh đầu bậc Tiểu học (khối lớp 1) so với học sinh giữa (khối
lớp 3) và cuối bậc Tiểu học (khối lớp 5), sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với
p<0,05. Nhìn chung, những khó khăn này có xu hướng giảm dần về cuối cấp.
- Nhìn chung, nhóm khó khăn thuộc về mặt kĩ năng học tập biểu hiện rõ rệt
nhất ở học sinh Tiểu học, trong đó “khó khăn về kĩ năng viết” là khó khăn có mức
ĐTB cao nhất (X = 1, 58), tiếp đến là “khó khăn về kĩ năng đọc” (X = 1, 53)
và “khó khăn về kĩ năng làm toán” (X = 1, 46). Học sinh khối lớp 3 và lớp 5 có
khó khăn về kĩ năng viết ở mức độ thường xuyên hơn so với học sinh khối lớp 1
(X = 1, 53 và 1,66 so với X = 1, 46). Tuy nhiên, học sinh khối lớp 1 và 3 có khó
60
Biểu hiện khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của học sinh tiểu học
khăn về kĩ năng đọc và làm toán ở mức độ thường xuyên hơn so với học sinh khối
lớp 5 (X = 1, 62 và 1,77; và X = 1, 58 và 1,48 so với X = 1, 43 và 1,41), sự khác
biệt đều này có ý nghĩa thống kê với p=0,00.
Qua dự giờ môn Tiếng Việt, môn Toán và kiểm tra học sinh, chúng tôi thấy
khó khăn về kĩ năng học tập biểu hiện: Ở khối lớp 1, học sinh viết sai từ, thiếu
nét, sai kích cỡ (chiếm 35%); đọc phát âm không chuẩn, đọc còn mắc lỗi, sai từ, sai
dấu, tốc độ chậm (chiếm 40,8%); khó khăn khi phải thực hiện các phép tính cộng
trừ với các số lớn hơn 10 (chiếm 57,5%). Ở khối lớp 3, các em viết chữ xấu, mắc
nhiều lỗi chính tả (61,5%), khó viết một đoạn văn(39,5%); đọc với tốc độ chậm so
với yêu cầu (chiếm 30,8%), chưa lưu loát, trôi chảy (52,8%), khó khăn khi trả lời
câu hỏi về nội dung bài đọc (55,2%); Không thực hiện được các phép tính số học,
khó khăn khi giải bài toán giải bằng 2 phép tính (30,7%) và các bài toán có lời văn
( 44,8%). Ở khối lớp 5, học sinh gặp khó khăn trong việc tóm tắt đại ý bài đọc,
không hiểu nội dung chính của bài đọc (chiếm 44,7%), mắc nhiều lỗi chính tả khi
viết (chiếm 53,9%), khó viết bài văn miêu tả, viết thiếu cấu trúc bố cục, sai ngữ
pháp, vốn từ diễn đạt hạn chế, nghèo nàn (44,5%), khó khăn khi thực hiện phép
tính với số thập phân (18,5%), giải bài toán dưới dạng quan hệ (42,2%) và bài toán
có lời văn ( 52,3%). Theo ý kiến của giáo viên, những học sinh gặp khó khăn này
thường có các biểu hiện như: đọc, viết, làm toán,... không theo kịp hướng dẫn của
cô giáo, lúng túng trong việc giải quyết các nhiệm vụ học tập, không hoàn thành
các bài tập mà cô giáo đã giao, không đáp ứng được những yêu cầu GV đặt ra trong
giờ học, không tự giác ôn bài, học bài ở nhà.
- “Khó nhớ, mau quên” là biểu hiện khó khăn tâm lý tiếp theo ở học sinh Tiểu
học gây cản trở trong hoạt động học tập (X = 1, 54). Học sinh khối lớp 3 và lớp 5
gặp khó khăn trong việc ghi nhớ ở mức độ thường xuyên hơn so với học sinh khối
lớp 1 (X = 1, 60 và 1,50 so với X = 1, 44), sự khác biệt này có ý nghĩa về mặt thống
kê với p=0.00). Do hoạt động của hệ thống tín hiệu thứ nhất ở học sinh lứa tuổi
này tương đối chiếm ưu thế nên trí nhớ trực quan- hình tượng được phát triển hơn
trí nhớ từ ngữ- lôgic. Quan sát, dự giờ các tiết học Tiếng Việt và Toán, chúng tôi
nhận thấy, ghi nhớ không chủ định vẫn giữ vai trò quan trọng ở học sinh, việc ghi
nhớ vẫn còn phải dựa trên những tài liệu trực quan hình tượng. Hơn nữa ngôn ngữ
ở các em còn bị hạn chế, việc nhớ lại từng câu, từng chữ dễ dàng hơn dùng lời lẽ
của mình để diễn tả lại một sự kiện, hiện tượng nào đó. Ngoài ra, theo ý kiến của
giáo viên, học sinh hay quên kiến thức cũ, nội dung bài học đã được học là do học
sinh lười học bài, ít luyện tập và chưa biết cách ghi nhớ (chiếm 40,8% ở khối lớp 3
và 53,3% ở khối lớp 5). Các em bị hổng kiến thức cũ nên khi học kiến thức mới, các
em gặp khó khăn trong việc tiếp thu bài và khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ
học tập. Giáo viên phải dạy đi dạy lại nhiều lần để các em hiểu bài (chiếm 15,53%
số học sinh trong lớp ở khối lớp 3 và 15,40% ở khối lớp 5).
- Biểu hiện khó khăn tâm lý tiếp theo ở học sinh Tiểu học là “Khó tập trung
61
Lê Mỹ Dung
chú ý” (X = 1, 43). Học sinh khối lớp 1 có biểu hiện khó tập trung chú ý trong hoạt
động học tập ở mức độ thường xuyên hơn so với học sinh khối lớp 3 và 5 (X = 1, 65
so với X = 1, 41), sự khác biệt đều này có ý nghĩa thống kê với p=0,00. Theo ý kiến
của giáo viên, trung bình số học sinh trong lớp giáo viên “Phải luôn luôn nhắc nhở
để học sinh chú ý vào bài học” ở khối lớp 1 chiếm 19,06%, ở khối lớp 3 là 25,19 và
ở khối lớp 5 là 14,91%. Trong số học sinh lớp 1, được chúng tôi phỏng vấn, có 65%
học sinh thường bị cô giáo nhắc vì không tập trung học. Các em thường hay nói
chuyện riêng, làm việc riêng (vẽ viết vào vở, nghịch đồ chơi, bút...), chui xuống gầm
bàn, ăn quà vặt, ngồi không yên trong lớp, trong đó có 15,1% học sinh bị Cô giáo
nhắc từ 3 lần đến 5 lần trong giờ học. Ở khối lớp 3 và lớp 5, các em tự nhận trong
giờ học thường dễ phân tán chú ý khi có sự việc khác xảy ra (41,4% và 52,9%), hay
nhìn ra ngoài, suy nghĩ về việc khác (24,7% và 34,9%), chỉ có thể tập trung vào bài
học trong một thời gian ngắn (37,5%) và khó khăn khi phải tập trung lắng nghe
người khác nói với mình (28,6% và 23,1%), điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp
thu kiến thức và khiến cho học sinh đạt kết quả học tập chưa tốt. Việc trẻ không
tập trung trong giờ học có căn nguyên là quá trình ức chế ở bộ não của các em còn
yếu. Do vậy, chú ý của các em còn bị phân tán. Sự chú ý của học sinh phụ thuộc
vào phương pháp và nội dung giảng dạy của giáo viên và sự rèn luyện thường xuyên
chú ý có chủ định của bản thân học sinh.
- Tiếp đến là “Khó kiểm soát xúc cảm của bản thân” (X = 1, 34). Học sinh
khối lớp 3 khó kiểm soát xúc cảm của bản thân ở mức độ thường xuyên hơn so với
học sinh khối lớp 1 và lớp 5 (X = 1, 42 so với X = 1, 00 và 1,34), sự khác biệt này
có ý nghĩa thống kê với p=0.00. Nội dung chương trình học của học sinh lớp 3 với
các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng mới, cao hơn so với các năm học trước đòi hỏi
các em phải học nhiều, tiếp thu những kiến thức và kĩ năng khó, một số học sinh
“cảm thấy căng thẳng” (47%) và có biểu hiện “lo lắng quá nhiều” (39,5%). Ngoài ra,
ở một số học sinh có khó khăn trong việc kiềm chế cảm xúc, của mình, thiếu tính tự
chủ, thường có biểu hiện “Dễ cáu giận” (39,9%) hoặc “dễ chán nản” (39,3%). Điều
này thể hiện trong quan hệ với bạn bè, khi bị trêu, các em thường cãi lại, đánh lại
bạn hoặc khi gặp những bài toán khó, câu hỏi khó, gặp thất bại trong học tập thì
dễ chán nản, thất vọng.
- Học sinh khối lớp 1 và khối lớp 3 có biểu hiện “Kém thích nghi với nội quy,
nền nếp ở nhà trường” ở mức cao hơn so với học sinh khối lớp 5 (X = 1, 35 và 1,23
so với X = 1, 20). Ở học sinh khối 1, trong việc thực hiện nội qui học tập, những
hành vi vi phạm nổi rõ nhất là “đi học muộn” (chiếm 30%). Khi được hỏi về việc
đi học muộn, lý do trẻ đưa ra tập trung chủ yếu là: ngủ dậy muộn, đánh răng, rửa
mặt chậm và nhà xa; Tiếp đến là "vẽ bậy, vứt rác ra lớp, ra trường" (chiếm 11,7%).
Có nhiều lý do trẻ đưa ra khi được hỏi tại sao con lại vẽ bậy, vứt rác ra trường, lớp,
một số lý do chủ yếu là: do con quên, do con không nhìn thấy thùng rác đâu cả, do
các bạn vứt được con cũng vứt được. . . Như vậy, việc trẻ vẽ bậy, vứt rác ra trường,
62
Biểu hiện khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của học sinh tiểu học
lớp có cả lý do chủ quan và lý do khách quan, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là do
trẻ chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Có một số trẻ khi đi học
“Quên mang sách vở, đồ dùng học tập” (chiếm 45%). Qua phỏng vấn sâu một số
học sinh cho biết, việc mang đầy đủ sách vở và đồ dùng học tập đã được cô giáo
nhắc nhở thường xuyên và mỗi học sinh đều có thời khóa biểu để sắp xếp đồ dùng
học tập cho mỗi ngày học. Nhưng, các em vẫn quên vì một số lý do: bố mẹ không
soạn sách vở giúp con, con mất đồ dùng học tập nhưng bố mẹ chưa kịp mua, tự con
soạn sách vở nên bỏ sót đồ dùng học tập v.v. . . Điều này cũng nói nên rằng, học
sinh lớp 1 chưa thật sự chú ý đến việc chuẩn bị sách vở đồ dùng học tập cho mình
và còn ỷ lại cha mẹ trong việc chuẩn bị đồ dùng học tập cho con. Qua nghiên cứu
cho thấy, ở khối lớp 3, một số học sinh thường thường cô giáo nhắc nhở, phê bình
trên lớp vì hay nói chuyện riêng hoặc làm việc riêng trong giờ học (48,7%), nói leo
(25,4%), rời khỏi chỗ khi chưa được phép (20,7%), trêu chọc các bạn trong giờ học
(15,9%) và vẽ bậy, vứt rác ra trường, lớp học (10,1%). Ngoài ra, theo ý kiến của
giáo viên, có một số học sinh có biểu hiện đi học muộn, hoặc trốn học đi chơi game,
giáo viên phải gặp gỡ thường xuyên phụ huynh của 6,29% học sinh để quản lý các
em đến lớp.
- Học sinh khối lớp 3 có biểu hiện “Khó thiết lập mối quan hệ với bạn bè” ở
mức cao hơn so với học sinh khối lớp 1 và lớp 5 (X = 1, 38 so với X = 1, 18 và
1,31), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê vớp p=0,00. Qua tìm hiểu, trao đổi với học
sinh khối lớp 3, chúng tôi thấy, nguyên nhân là do trẻ không dám chơi vì sợ bạn
bắt nạt, trêu chọc, bị đánh (47.1%). Thứ hai, trẻ thích chơi với anh chị lớn hơn để
mong mình được nhường nhịn, che chở, điều này có thể là do trẻ không tự tin vào
bản thân, trẻ thường có biểu hiện nhút nhát, thu mình (26,6%). Thứ ba, trẻ sống
khép mình, đặc biệt là những trẻ hướng nội, thích chơi một mình hơn là chơi với
các bạn (17,6%). Một số trẻ sống ở khu vực nội thành, khi ở nhà do bố mẹ bận đi
làm, ít được quan tâm, nói chuyện, có ít anh chị em chơi cùng, các em thường phải
tưởng tượng ra một bạn nào đó để nói chuyện hoặc chơi cùng, hoặc thường chơi
game một mình. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển
nhân cách của trẻ, trẻ cảm thấy cô đơn, sống ích kỉ, không biết quan tâm đến người
khác. Ngoài ra, điểm nổi bật ở việc khó thiết lập quan hệ với bạn là do các em thiếu
hụt kĩ năng giao tiếp và ứng xử với nhau. Theo tự đánh giá của học sinh, có 30%