1. Đặt vấn đề
Nguyễn Bình Phương là một trong những cây bút tiêu biểu cho khuynh hướng
tiểu thuyết ngắn của nền văn học Việt Nam đương đại. Tác phẩm Nguyễn Bình
Phương lôi cuốn không ở cốt truyện, sự phát triển của tính cách nhân vật. . . mà ở
hệ thống cấu trúc biểu tượng. Nhà văn này đã tạo ra một hệ thống cấu trúc biểu
tượng mang tính siêu thực để giúp người đọc cảm nhận về một thế giới hiện thực. Đi
tìm biểu tượng cũng chính là hành trình khám phá thế giới nghệ thuật tiểu thuyết
Nguyễn Bình Phương.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 258 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Biểu tượng nghệ thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2011, Vol. 56, No. 2, pp. 77-82
BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT
TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG
Hoàng Thị Huệ
Trường Đại học Hồng Đức
1. Đặt vấn đề
Nguyễn Bình Phương là một trong những cây bút tiêu biểu cho khuynh hướng
tiểu thuyết ngắn của nền văn học Việt Nam đương đại. Tác phẩm Nguyễn Bình
Phương lôi cuốn không ở cốt truyện, sự phát triển của tính cách nhân vật. . . mà ở
hệ thống cấu trúc biểu tượng. Nhà văn này đã tạo ra một hệ thống cấu trúc biểu
tượng mang tính siêu thực để giúp người đọc cảm nhận về một thế giới hiện thực. Đi
tìm biểu tượng cũng chính là hành trình khám phá thế giới nghệ thuật tiểu thuyết
Nguyễn Bình Phương.
2. Mở đầu
Trong dòng chảy chung của tiểu thuyết Việt Nam đương đại nổi lên một
khuynh hướng - khuynh hướng tiểu thuyết ngắn. Nó gắn liền với một số cái tên
như Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Mạc Can, Nguyễn Viện. . . và
không thể không nói tới Nguyễn Bình Phương. Với Vào cõi (1991), Những đứa trẻ
chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thuỷ (2003)
và Ngồi (2006), Nguyễn Bình Phương được gọi là Lục đầu giang tiểu thuyết (Đoàn
Ánh Dương). Con sông tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương liên tục được bồi tụ, hội
đủ phẩm tính để làm nên phong cách của một trong những cây bút tiêu biểu cho
một khuynh hướng tiểu thuyết. Tác phẩm Nguyễn Bình Phương gây ấn tượng với
người đọc không ở sự phát triển của cốt truyện, tính cách nhân vật. . . Nó dẫn dụ
bằng những mộng mị, ảo huyền. Chính nghệ thuật hiện thực hư ảo hay là phương
thức huyền thoại ấy đã giúp Nguyễn Bình Phương thành công với những trang viết
của mình. Để thực hiện bút pháp này cần sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó
việc sử dụng những biểu tượng nghệ thuật có ý nghĩa then chốt. Đi tìm biểu tượng
trong tác phẩm Nguyễn Bình Phương cũng là một cách khám phá để giải mã cho
những hoà âm lạ lùng, những hoà sắc dị kỳ mà cây bút tiểu thuyết độc đáo này đã
tạo dựng. Bài viết tập trung nghiên cứu ba tiểu thuyết tiêu biểu của Nguyễn Bình
Phương là Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thuỷ và Ngồi.
77
Hoàng Thị Huệ
3. Nội dung nghiên cứu
3.1. Giới thuyết chung về biểu tượng
Có nhiều cách hiểu khác nhau về biểu tượng. Theo Từ điển tiếng Việt thông
dụng (Nxb Giáo dục, tái bản lần thứ nhất, 2001) thì biểu tượng (symbol) là cái được
dùng để tượng trưng cho điều gì đó. Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý trong công trình
Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực đã dẫn quan niệm của Petit Larousse (1993)
cho rằng: biểu tượng là một dấu hiệu hình ảnh, con vật hay đồ vật, biểu thị một điều
trừu tượng; nó là hình ảnh cụ thể của một sự vật hay một điều gì đó. . .
Hiểu một cách chung nhất, biểu tượng là hình ảnh, sự vật hay đồ vật biểu thị
một điều trừu tượng, bao gồm hình thức cảm tính (cái biểu hiện - tồn tại trong hiện
thực khách quan) và ý nghĩa (cái được biểu hiện). Đương nhiên dung lượng nội hàm
của cái biểu đạt và cái được biểu đạt không hoàn toàn bằng nhau, thậm chí giữa
chúng có một độ chênh lớn (phụ thuộc vào nhiều yếu tố). Và bởi vậy, biểu tượng
luôn mang tính đa trị, cái được biểu đạt thường dồi dào hơn cái biểu đạt.
Biểu tượng có thể được nhìn nhận ở nhiều góc độ: tâm lý, văn hoá, ngôn ngữ,
văn học. . . Trong văn học, biểu tượng được xem là một sáng tạo nghệ thuật. Đó
là những hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan. Từ một biểu tượng được lựa
chọn sẽ cho thấy quan điểm thẩm mỹ của tác giả, rộng hơn của cả một thời đại,
dân tộc, một nền văn hoá.
3.2. Biểu tượng trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương
Trong dòng tiểu thuyết ngắn đương đại Việt Nam, tác phẩm của Nguyễn Bình
Phương có một dáng vẻ khá độc đáo. Thành công trong sự kết hợp giữa tính hiện
đại và phong cách tiểu thuyết truyền thống, Nguyễn Bình Phương đã góp thêm cho
đời sống văn học chúng ta một gương mặt mới. Trong tiểu thuyết của anh, thế giới
hiện lên sống động, đan xen hiện thực và ảo huyền, ánh sáng và bóng tối. . . Đó là
cái thế giới mà mỗi cá thể phải tự đấu tranh quyết liệt, chí ít cũng phải suy tư ngẫm
ngợi. Ý tưởng đó của nhà viết tiểu thuyết được cụ thể hóa qua những biểu tượng
đầy ám ảnh. Hầu hết tác phẩm của Nguyễn Bình Phương đều phát sáng nhờ những
biểu tượng. Biểu tượng cũng là nơi người đọc chia sẻ cùng tác giả để làm nên sức
sống cho tác phẩm.
Ở Thoạt kỳ thuỷ hình tượng trở đi trở lại nhiều lần và ám ảnh nhất là trăng.
Trăng gắn chặt với cuộc đời Tính (nhân vật chính) như hình với bóng. Vừa chào
đời, Tính đã bị ám ảnh bởi trăng “Tính ngợp trong thứ ánh sáng vàng trắng, lạnh
lẽo, rên xiết” [7;15]. Có một nỗi sợ hãi vô hình từ ánh sáng trong suốt lạnh lẽo đó.
Từ đó, theo suốt cuộc đời Tính, trăng ám ảnh như một định mệnh. Hiện thực cuộc
sống của Tính, ngột ngạt và đe doạ, hình như cũng được hóa thân vào Trăng để
78
Biểu tượng nghệ thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương
dội lên, để quấn chặt lấy nó, không sao thoát được: “Trăng đen, trăng vàng, mày to
bằng quả bưởi, bằng cái mâm, bằng cái hủng, mày che mất cả tã lót làm tao rét”
[7;139]. Vừa sợ hãi, vừa thèm thuồng, từ trong vô thức Tính vừa khước từ lại vừa bị
mê hoặc bởi Trăng. Trăng ám ảnh, đuổi bắt Tính, Tính vùng vẫy giẫy giụa nhưng
rồi bị tê liệt. . . Trăng đã vượt lên sức biểu đạt của một hình tượng để trở thành
một biểu tượng, biểu tượng cho sức mạnh kỳ bí, man dại của cõi vô thức siêu hình.
Nó là phần nguyên thuỷ trong con người, là nơi chứa đựng sự vô thức và cái huyền
ảo. Nếu biểu tượng có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ thì từ góc độ tâm lý,
mối quan hệ của Trăng và Tính cũng chính là sự giằng co giữa vô thức và ý thức,
giữa ẩn ức và hiện thực. Trong đó cái vô thức, cái ẩn ức là một nguồn lực, đủ xung
năng để bung phá, sẵn sàng nhấn chìm ý thức. Cõi vô thức siêu hình ở đây đã được
Nguyễn Bình Phương hiện hữu bằng một biểu tượng đầy ám gợi. Chính nó đã giúp
người đọc mở ra một trường liên tưởng về những vùng mờ xa huyền ảo, vừa kỳ bí
vừa thú vị. Cũng trong tác phẩm này, Nguyễn Bình Phương còn xây dựng những
biểu tượng khác như con cú (sứ giả của thần chết để cảnh báo về những chết chóc
không lường); biểu tượng đêm (cõi vô thức, bóng tối, cái chết). . .
Sau Thoạt kỳ thuỷ, Trí nhớ suy tàn là một cuốn tiểu thuyết có dung lượng nhỏ
(chừng 120 trang khổ nhỏ). Khác với Thoạt kỳ thuỷ, Trí nhớ suy tàn có dáng dấp
một bài thơ dài. Nó là một tiểu thuyết - thơ. Chất thơ ấy bàng bạc từ giọng văn,
từ điểm nhìn trần thuật, từ cái cách kể xưng “em” đầy nữ tính của nhân vật chính,
cách xây dựng câu chuyện không có cốt mà chỉ có các mảnh đoạn tâm lý và không
thể thiếu là những hình ảnh biểu tượng. Điều này cho thấy những biểu tượng nghệ
thuật không chỉ có khả năng mã hoá ý tưởng tác giả mà còn hỗ trợ đắc lực vào việc
kiến tạo cấu trúc cũng như giọng điệu tác phẩm.
Biểu tượng cây điệp vàng trong Trí nhớ suy tàn là một biểu tượng chứa đầy
cảm xúc, mở ra nhiều suy tưởng. Là thực đấy, màu điệp vàng của thành phố, nhưng
cũng là hư hoặc huyễn ảo trong cái trí nhớ đã bắt đầu suy tàn của em. Hoà điệu với
không khí thơ của tác phẩm, sắc vàng của hoa điệp là chuỗi ký ức miên man theo
dòng suy tư của một trí nhớ đang suy tàn. Nó là sợi dây để níu giữ mạch truyện
trong một cốt truyện gần như bị phân rã hoàn toàn; nó kéo theo những liên tưởng
đứt đoạn của cô gái - nhân vật xưng em, người có giọng nói với âm trong veo và
một trí nhớ suy tàn. Trí nhớ là nỗi ám ảnh của nhân vật còn sắc vàng hoa điệp biện
minh cho hành trình suy tàn của trí nhớ. Trí tưởng tượng của độc giả không dừng
lại ở đó. Nó còn được mở rộng biên độ từ những biểu tượng khác trong tác phẩm.
Hình ảnh người đàn bà điên canh giữ gốc điệp vàng như một sự phân thân từ em.
Em sợ sắc vàng hoa điệp, sợ người đàn bà ấy hay sợ chính cái tôi khác đang tiềm
ẩn trong em. Hình ảnh biểu trưng được xây dựng từ góc nhìn tâm lý, đậm màu vô
thức này đã giúp tác giả khai thác thành công góc khuất nội tâm và nhân cách của
em. Nếu Trí nhớ suy tàn mang những phẩm chất của một tác phẩm thơ, thể hiện
79
Hoàng Thị Huệ
những cố gắng của Nguyễn Bình Phương trong nỗ lực đổi mới thể loại tiểu thuyết
thì với việc lựa chọn biểu tượng cây điệp vàng, những trang viết như mơ màng, giàu
nữ tính hơn, cho thấy sự tinh tế trong cảm quan nghệ thuật của cây bút tiểu thuyết
này.
Với nhiều nhà văn, chi tiết kỳ ảo được coi như yếu tố chức năng hay kỹ thuật
thì với Nguyễn Bình Phương, xuất phát từ quan niệm về hiện thực, lại là một yếu
tố không thể thiếu trong bức tranh hiện thực mà anh đang tạo dựng. Bởi vậy, trong
tác phẩm Nguyễn Bình Phương, thực và ảo cứ hoà lẫn vào nhau đến khó phân biệt.
Sử dụng yếu tố kỳ ảo như một cách thức làm nhoè ranh giới của hiện thực, Nguyễn
Bình Phương coi trọng việc xây dựng biểu tượng, lấy việc xây dựng biểu tượng như
một ký hiệu siêu ngôn ngữ, giúp biểu đạt những điều mà lời nói không thể biểu đạt
hết. Hệ thống biểu tượng trong thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết Nguyễn Bình
Phương rất phong phú, nhiều cảm xúc nhưng hầu hết đều là những biểu tượng mang
màu sắc siêu thực. Theo dòng Lục Đầu giang tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, ở
bất kỳ nhánh rẽ nào, cũng như văng vẳng tiếng gọi Hãy chở ta sang bờ bên kia
(truyền thuyết Ấn Độ), tiếng gọi của con người khi cảm thấy rằng mình còn chưa
đến đích (Tagore). Khám phá hệ thống cấu trúc biểu tượng trong tác phẩm Nguyễn
Bình Phương là một lần ý thức về mình, về hiện thực đang diễn ra.
Cũng nằm trong mạch cảm quan nghệ thuật ấy, tiểu thuyết Ngồi, tiểu thuyết
ngắn mới nhất của Nguyễn Bình Phương đã tạo dựng một biểu tượng thật độc đáo,
vừa cho thấy tâm thế, vừa là khát vọng của nhà văn khi thai nghén đứa con tinh
thần của mình. Đó là biểu tượng tràng tiếng mõ, gõ đều đều, chậm rãi, tưởng như
vô can nhưng lại hối hả một sự thúc giục.
Ngồi là tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương do Nhà xuất bản Đà
Nẵng ấn hành năm 2006. Tên tiểu thuyết là Ngồi, một tư thế tĩnh toạ, kiểu như
ngồi thiền. Vậy nhưng gần 300 trang sách lại cho người đọc cảm nhận về một thực
tại bất an, rối bời, bấn loạn. Thế giới của Ngồi là một thế giới dung chứa quá nhiều
hỗn tạp. Ở đó không thiếu những cảnh đấu đá nhau giữa các phe cánh trong một
cơ quan, những tiếng chửi rủa hàng ngày trong gia đình, thậm chí là những chuyện
phi lý, phi lý mà vẫn ngang nhiên tồn tại như chuyện mất tích, chuyện xuất hiện
những sự việc, sự vật kỳ lạ khó lý giải. . . Con người quay cuồng trong sự hỗn tạp ấy
rồi sẽ mỏi mệt, khao khát một chốn bình yên. Tràng tiếng mõ đều đều là hình ảnh
biểu trưng cho cánh cửa vào thế giới tâm linh, cũng là tượng trưng cho nơi chốn an
lành của mỗi cá thể trong cuộc đấu tranh quyết liệt với chính mình. Tiếng mõ như
sự ngự trị của đấng siêu hình quyền năng, sự hiện diện của tín ngưỡng Phật giáo,
vô hình, tượng trưng nhưng lại có thể dẫn dắt con người vượt qua những thử thách,
cám dỗ để tiến tới một sự khải minh. Tiếng mõ vang lên nhiều nhất là lúc Khẩn
(nhân vật chính) nhớ về Kim, nhớ về quá khứ. Khẩn là người có thân tâm không an
80
Biểu tượng nghệ thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương
lạc – thân tạm gửi trong hiện tại mà tâm lại hướng về quá khứ. Kim, với Khẩn vừa
là quá khứ, vừa là sức mạnh tinh thần để anh bám víu trong phồn tạp đời thường,
ví như một vị thần hộ mạng. Tiếng mõ lúc này là tiếng gọi tâm linh xui dạy điều
phải trái. Và không chỉ là tiếng gọi vô thức của quá khứ, trong những miên man của
nghĩ suy hiện tại, những lúc nhân vật rơi vào trạng thái bất an, tiếng mõ lại vang
lên, khi lạnh lùng điểm xuyết cốc, lúc đều đều cốc cốc cốc cốc cốc, đôi chỗ dồn dập
cả một tràng dài, rồi lại thổn thức ngắt đoạn. . . Với Ngồi, Nguyễn Bình Phương đã
làm cho bức tranh tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới thêm ảo
huyền, nhiều màu sắc. Biểu tượng tràng tiếng mõ mà tác giả đã tạo dựng trong tác
phẩm, dù là hư ảo, không biết vang lên từ đâu, chính là một sự thức nhận bên trong
của con người. Ngồi, tĩnh toạ, con người sẽ ngộ ra những điều khuất lấp. Đó phải
chăng là cái đích hướng tới trong việc lựa chọn hình ảnh biểu trưng? Mỗi người khi
đọc tác phẩm ở một tâm thế, cách thế khác nhau sẽ có những cảm nhận khác nhau
từ biểu tượng. Tính đa nghĩa, mơ hồ vốn là đặc trưng của biểu tượng nghệ thuật.
Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương tiêu biểu cho lối viết ngắn, tỉnh lược nhưng
lại dung chứa một thế giới hiện thực bề bộn, hầu hết đều cố gắng biểu đạt trong một
lượng câu chữ cô đọng và nhiều hơn cả là nói bằng hình ảnh biểu trưng. Không ôm
đồm, mỗi tác phẩm của Nguyễn Bình Phương đều dung chứa trong nó những hình
ảnh biểu trưng với một cảm quan nghệ thuật của riêng anh. Hệ thống cấu trúc biểu
tượng trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, nếu so với những hình ảnh biểu trưng
từ tiểu thuyết của một số tác giả cùng thời, mang những nét riêng. Nó không phải
là những biểu tượng có tính huyền thoại kiểu như Thiên sứ pha lê (trong Thiên sứ
của Phạm Thị Hoài), linh hồn Hương, Hoa (trong Người sông Mê của Châu Diên),
nhân vật Mai Trừng (trong Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái) hay
những biểu tượngNước, Lửa (trong Giàn thiêu của Võ Thị Hảo). . . Hầu hết nó là
những biểu tượng mang tính siêu thực, gợi chiều sâu suy tưởng, mang ý vị triết học.
4. Kết luận
Biểu tượng, như một thành tố quan trọng trong cấu trúc văn bản, có tác dụng
tạo dựng bầu không khí tiểu thuyết, mã hoá tư tưởng - chủ đề tác phẩm và đặc biệt
thể hiện tư duy mang màu sắc triết lý của nhà văn. Trong tính hoàn thiện của tiểu
thuyết, biểu tượng như những mạch ngầm ẩn giấu những thông điệp mà nhà văn
muốn hướng tới. Đặc biệt với tiểu thuyết ngắn, dung lượng hạn chế, biểu tượng sẽ
giúp nhà văn tạo được chiều sâu của những suy tưởng triết học và độ vang mở sâu
xa trong tinh thần người đọc (Văn Giá). Có lẽ thế chăng mà trong hầu hết các tiểu
thuyết ngắn bạn đọc đều bắt gặp những hình ảnh mang giá trị biểu trưng. Và bởi
vậy, đó cũng là lý do để khám phá tiểu thuyết ngắn, trong đó có tiểu thuyết Nguyễn
Bình Phương, từ những biểu trưng nghệ thuật.
81
Hoàng Thị Huệ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Tạ Duy Anh, 2004. Thiên thần sám hối. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
[2] Mạc Can, 2004. Tấm ván phóng dao. Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
[3] Văn Giá. Thử nhận diện loại tiểu thuyết ngắn ở Việt Nam những năm gần đây.
Nguồn: www.evan.com.vn.
[4] Văn Giá. Tấm ván phóng dao - sức sống của giá trị nhân văn cổ điển. Nguồn:
www.evan.com.vn
[5] Phạm Thị Hoài, 1989. Thiên sứ. Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
[6] Nguyễn Bình Phương, 2000. Trí nhớ suy tàn. Nxb Thanh niên, Hà Nội.
[7] Nguyễn Bình Phương, 2004. Thoạt kỳ thuỷ. Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
[8] Nguyễn Bình Phương, 2006. Ngồi. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
ABSTRACT
The symbol of art in Nguyen Binh Phuong’s novel
Nguyen Binh Phuong is one of the typical writers with the tendency of novels
in the Vietnamese current literature - short novels Works of Nguyen Binh P huong
are not attracted by plot, or development of characters. . . They are attracted by
the system of symbolic structure. The writer has created a system of surrealistic
symbols that helps readers think of a real life. Finding the symbol is also a journey
to discover the art world in Nguyen Binh Phuong’s novel.
82