Bình về thiên Tiêu dao du trong Nam Hoa kinh của Trang Tử
. Tại biển Bắc có con cá Côn, lớn không biết mấy nghìn dặm. Cá này hóa ra chim Bằng: lưng của chim Bằng lớn cũng không biết mấy nghìn dặm. Vỗ cánh mà bay, cánh nó sè ra như mây che rợp một phương trời. Biển động, Bằng bèn bay sang biển Nam: biển Nam là Ao- Trời. Tề Hải, sách chép các việc kỳ quái nói: chim Bằng, lúc bay qua biển Nam, cánh đập làm cho sóng nước nổi lên ba nghìn dặm dài; nó nương theo gió trốt mà cất lên chín muôn dặm cao, và bay luôn sáu tháng mới nghỉ. Cái mà ta thấy trên không kia có phải là bầy" ngựa rừng" chăng, hay là bụi trần? Hay là cái hơi thở của muôn vật nổi lên? Còn màu trời xanh xanh kia có phải là màu thật của nó không, hay chỉ là màu của vô cùng thăm thẳm? Thì cái thấy của con chim Bằng bay trên mây xanh dòm xuống dưới đây cũng chỉ như thế mà thôi. Vả lại, nước không sâu thì không sức chở thuyền lớn. đổ một chung nước nhỏ vô một cái hủng nhỏ trong nhà, lấy một cọng cỏ thả lên làm thuyền, thì thuyền tự nổi; nếu lại lấy cái chung ấy làm thuyền mà thả lên, thì thuyền phải trịt. Là tại sao? trị nước không sâu mà thuyền thì lớn. Cũng như lớp gió không dầy thì không đủ sức chở nổi cánh lớn của chim Bằng. Bởi vậy chim Bằng khi bay lên chín muôn dặm cao là cỡi lên lớp gió ở dưới nó. Chừng ấy, lưng vác trời xanh, không gì ngăn trở, nó bay thẳng qua Nam.