Bước đầu nhìn lại quá trình sưu tầm và phân loại truyện cổ tích Chăm

Tóm tắt. Trong bài báo này, tác giả đánh giá các bộ sưu tập và giới thiệu các câu chuyện cổ tích của người Chăm (Việt Nam) trong hơn một thế kỷ qua, được chia thành 3 giai đoạn: trước năm 1954; 1954-1975 và từ năm 1975 cho đến nay. Có ba nguồn thu thập các câu chuyện cổ tích của người Chăm, ba loại tài liệu được xuất bản trong ba ngôn ngữ với ba đối tượng người thu thập và ghi lại câu chuyện cổ tích của người Chăm: Chăm, Pháp, Việt. Trong những năm gần đây, phân loại bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý.

pdf8 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 245 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bước đầu nhìn lại quá trình sưu tầm và phân loại truyện cổ tích Chăm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 2, pp. 43-50 BƯỚC ĐẦU NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH SƯU TẦM VÀ PHÂN LOẠI TRUYỆN CỔ TÍCH CHĂM Đặng Thế Anh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội E-mail: anhdangls@gmail.com Tóm tắt. Trong bài báo này, tác giả đánh giá các bộ sưu tập và giới thiệu các câu chuyện cổ tích của người Chăm (Việt Nam) trong hơn một thế kỷ qua, được chia thành 3 giai đoạn: trước năm 1954; 1954-1975 và từ năm 1975 cho đến nay. Có ba nguồn thu thập các câu chuyện cổ tích của người Chăm, ba loại tài liệu được xuất bản trong ba ngôn ngữ với ba đối tượng người thu thập và ghi lại câu chuyện cổ tích của người Chăm: Chăm, Pháp, Việt. Trong những năm gần đây, phân loại bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý. Từ khóa: truyện cổ tích Chăm, sưu tầm, phân loại, đánh giá... 1. Mở đầu Trong bức tranh toàn cảnh của 54 dân tộc sinh sống trên dải đất hình chữ S này, cho đến nay, dân tộc Chăm và nền văn hóa Chămpa vẫn còn chứa đựng rất nhiều điều bí ẩn. Như hoa Chơ-re có trăm hương nghìn sắc nổi lên giữa biển, dân tộc Chăm và văn hóa Chăm đã thu hút rất nhiều nhà nghiên cứu, nhiều học giả với hàng ngàn công trình, ấn phẩm trong và ngoài nước. Nhưng, đúng như Inrasara nhận định: “Các thành tựu hãy còn quá khiêm tốn! Văn học Chăm vẫn còn như một mảnh rừng nhiều gỗ quý đang giấu mình. Nó cần phải tự giới thiệu với đám đông công chúng khuôn mặt thực của nó” [1;24]. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày những thu hoạch bước đầu về vấn đề sưu tầm truyện cổ tích Chăm và về cơ bản, chúng tôi sẽ trung thành với các tư liệu hiện có. 2. Nội dung nghiên cứu Giống với nhiều thể loại khác thuộc bộ phận văn học dân gian Chăm, truyện cổ tích nói chung, truyện cổ tích thần kì Chăm nói riêng được lưu truyền trong nhân dân bằng ba con đường: ẩn (trong trí nhớ người già) - hiện (trong quá trình truyền miệng) - lưu (bằng văn bản chữ Chăm cổ, bằng chữ quốc ngữ, bằng Pháp ngữ. . . ). Nói vậy thì chắc rằng việc ghi chép, sưu tầm những truyện cổ Chăm đã được tiến hành khá sớm kể từ khi có chữ viết (ngay từ thế kỷ thứ IV). Do đó, truyện cổ tích Chăm được sưu tầm, ghi chép từ ba nguồn chính: - Một là, văn bản truyện được chép trong các sách Chăm cổ hoặc các bia ký Chăm... - Hai là, từ các bản kể do người già truyền lại, các nhà sưu tầm - điền dã ghi lại 43 Đặng Thế Anh cho đời sau. - Ba là, từ hai loại trên, các nhà sưu tầm, nghiên cứu (Chăm, Pháp, Việt) kể lại trong các bài viết của họ, tiếp đó được xuất bản chính thức. Việc sưu tầm, ghi chép, và công bố truyện cổ tích Chăm chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1886 (mặc dù trước đó có thể phải lưu tâm đến văn bản truyện Dạ Thoa Vương được Trần Thế Pháp chép trong Lĩnh nam chích quái từ thế kỷ XIV. Hiện nay, chúng tôi chưa tìm được bản kể gốc (nguyên văn) bằng tiếng Chăm của truyện này. Nhưng có thể khẳng định văn bản Dạ Thoa Vương trong Lĩnh nam chích quái chính là “kênh trung gian” chuyển dịch cốt truyện của Sử thi Ấn Độ Ramayana vào truyện dân gian Việt Nam). Từ năm 1886 đến nay, quá trình sưu tầm và công bố truyện cổ tích Chăm có thể chia thành ba giai đoạn. 2.1. Giai đoạn từ năm 1886 đến năm 1954 Trước năm 1945, trong tình hình chung của khoa nghiên cứu văn học nước nhà, văn học Chăm cũng như văn học của các dân tộc thiểu số khác chưa được chú ý, quan tâm đúng mức. Vì vậy, văn học dân gian Chăm chủ yếu được lưu giữ trong những làng, bản của người Chăm. Đến thời Pháp thuộc, để phục vụ nhu cầu cai trị hoặc truyền đạo của một số quan lại và giáo sĩ hoặc do nhu cầu giới thiệu, tìm hiểu văn học dân tộc thiểu số của các học giả người Pháp, văn học Chăm bước đầu được sưu tầm, ghi chép và công bố bằng tiếng Pháp. Trong đó, truyện cổ tích chính là thể loại đầu tiên được quan tâm đến. Năm 1886, cuốn truyện cổ tích Chăm đầu tiên ra đời với cái tên Contes Tjames -Truyện kể Chăm do A.Landes sưu tầm và viết bằng tiếng Pháp, in tại Sài Gòn (có 16 truyện: Sự tích quả dừa, Kađốp - Kađoek, Tabong lười biếng...). Một năm sau, cuốn sách này được A.Landes cho in và giới thiệu tại Pháp với tiêu đề: Contes Tjames traduits et annotés, Excursion et Reconnaissances XIII, Paris. Năm 1898, người Pháp lại được biết đến hai văn bản truyện Chiếc giầy vàng (Huyền thoại về bà Bếp Chăm)” và Prang - Iyang (Huyền thoại Pnong) do A.Leclère công bố trong bài viết Deux contes indochinois: La sandale d’or (conte Cham de Cendrillon, Prang - Iyang [conte Pnong]), Paris (Leroux). Sau A.Leclère 14 năm, năm 1912, E.M.Durand lại công bố một văn bản truyện Sự tích Bà Bếp Chăm trong bài Le conte de Cendrillon, B.E.F.E.O XII. Như vậy, từ năm 1886 đến năm 1912, với những việc sưu tầm và công bố truyện cổ tích Chăm bởi người Pháp, đã có gần hai chục văn bản truyện cổ tích Chăm được giới thiệu bằng tiếng Pháp. Trong khi đó, mãi đến năm 1943, một văn bản truyện cổ tích Chăm bằng tiếng Việt mới được đăng trên tạp chí Tri tân, số 99 - Chuyện xưa Chàm: Ca-đốp và Ca-Dock do Mãn Khánh Dương Kị giới thiệu. 2.2. Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975 Từ năm 1954 là giai đoạn mà các trí thức Việt Nam, bao gồm cả những trí thức người Chăm lẫn trí thức người Việt “dấn thân” vào việc sưu tầm, ghi chép văn học Chăm dưới ánh sáng của đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì thế, truyện cổ tích Chăm bắt đầu xuất hiện rộng rãi. 44 Bước đầu nhìn lại quá trình sưu tầm và phân loại chuyện cổ tích Chăm Ở miền Nam, giai đoạn này, truyện cổ tích Chăm được công bố chủ yếu trên các tạp chí đương thời. Trên tạp chí Văn hoá Nguyệt San, nhiều văn bản truyện cổ tích Chăm được giới thiệu bởi các tác giả Nguyễn Khắc Ngữ, Bố Thuận, Thái Văn Kiểm: Năm 1955, Thái Văn Kiểm công bố văn bản truyện Sự tích đức bà Thiên-y-a-na trên số 7. Từ năm 1957-1960, Nguyễn Khắc Ngữ công bố liên tiếp 5 truyện cổ tích Chăm: năm 1957, truyện Pô Mê - số 20 và Pô Klong Garai - số 22; năm 1958, truyện Thuỷ Liêm thần nữ - số 11; Năm 1959, truyện Thần lửa - số 38; Năm 1960, truyện Bà Xá-Y-nư (tức Bà Ba Tranh) - số 51. Đến năm 1960, Nguyễn Khắc Ngữ cùng với Bố Thuận còn giới thiệu thêm truyện Tại sao người Chàm Bà Ni kiêng thịt heo và thịt nhông - số 53. Trên tạp chí Bách khoa, nhà sưu tầm Bố Thuận công bố truyện Sự tích vua Klong Garai hay Sự tích tháp Chàm, số 52/ 1959. Tạp chí Phổ thông đăng tải 4 văn bản truyện cổ tích Chăm từ năm 1960 đến năm 1964. Hai truyện do Parichàm công bố: Mối tình của công chúa Nai Neh (1963) - số 99 và Sự tích bà Bìa Mơhik (1964) - số 140 và hai truyện do Jaya Panrang giới thiệu - Cọp tranh hùng với Kênh Kênh (1960) - số 74 và Trạng tí hon hay Rajakar Aneh (1969) - số 217. Đến năm 1969, Trung tâm văn hóa Chăm được thành lập ở Phan Rang, do cố linh mục Moussay phụ trách. Trung tâm này đã tiến hành sưu tầm và công bố ba truyện cổ tích Chăm: Chàng Ếch và nàng Út con vua; Nàng bàn tay; Thằng mặc khố (Ja Bilaot) trên tập Khảo lục nguyên cảo Chàm vào năm 1974. Năm 1972 trên Nội san Phan Rang, số 1, trang 11 và 12, nhà nghiên cứu Thiên Sanh Cảnh công bố truyện Sự tích Pô Klong Garai (tục gọi là vua Lác). Ngoài ra thời gian này cũng còn phải kể đến công trình Việt Nam Văn học toàn thư của tác giả Hoàng Trọng Miên có đưa vào 12 truyện cổ tích Chăm trong phần Cổ tích Chiêm thành (gồm: Thằng gáo dừa, Anh chàng sức mạnh, Chuyện anh chàng mê gái. . . ). Phần này bắt đầu từ trang 391 đến trang 435 trong ấn phẩm Việt Nam Văn học toàn thư do Văn Hữu Á Châu xuất bản tại Sài Gòn, năm 1959 và bắt đầu từ trang 619 đến trang 667 trong ấn phẩm Việt Nam Văn học toàn thư do Tiếng Phương Đông xuất bản tại Sài Gòn, năm 1973. Trong khi đó, ở miền Bắc truyện cổ tích Chăm được biên soạn chủ yếu trong các công trình hợp tuyển riêng và chung. Năm 1961, hơn 15.000 cuốn Người đàn bà tóc trắng của Phạm Xuân Thông - ấn phẩm dành riêng cho việc giới thiệu ba truyện cổ tích của dân tộc Chiêm Thành: Người thợ cày và tên chúa đất; Chuyện Trạng và Người đàn bà tóc trắng được Nhà xuất bản Phổ thông tại Hà Nội phát hành. Năm 1962, cuốn Hợp tuyển thơ văn Việt Nam - Văn học dân tộc thiểu số, do Nông Quốc Chấn chủ biên (nhà xuất bản Văn hóa - Hà Nội) có đưa vào 3 truyện cổ tích Chăm: Chiếc hài vàng, Phò mã Sọ Dừa và Hoàng tử khoẻ. Năm 1964, tổ Văn học dân gian các dân tộc, Viện Văn học đã tuyển 5 truyện cổ tích Chăm vào cuốn Truyện cổ dân gian các dân tộc Việt Nam - tập III, Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội. Năm 1972 tác giả Võ Quang Nhơn kể lại truyện Hoàng tử khoẻ trong cuốn Chàng Đăm Thí, 45 Đặng Thế Anh Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội. Năm 1973, sau 12 năm kể từ khi cuốn truyện mỏng Người đàn bà tóc trắng được xuất bản, Phạm Xuân Thông tiếp tục giới thiệu tập truyện dân gian Chăm - Hoa Bơ-nga Chơ-re (gồm 7 truyện cổ tích), Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội. Ngoài ra, trên tạp chí Văn học số 6/1961, tác giả Đinh Văn Thành có giới thiệu Truyện chàng Gẫy cưa. Và đặc biệt, trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam gồm 5 tập xuất bản từ năm 1957 đến năm 1982, mặc dù Nguyễn Đổng Chi chỉ tập hợp truyện cổ tích của người Việt, song ông cũng đưa các văn bản truyện của các dân tộc thiểu số vào phần khảo dị trong đó truyện cổ tích Chăm có khoảng hai chục văn bản truyện. Như vậy, trong giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975, truyện cổ tích Chăm đã được sưu tầm, công bố phổ biến nhiều và rộng rãi hơn. Toàn bộ các văn bản truyện đều đến với người đọc bằng tiếng Việt. Bước đầu đã có những ấn phẩm riêng về truyện cổ tích Chăm song số lượng chưa được nhiều. Một vài truyện quen thuộc xuất hiện nhiều lần trong các tuyển tập như Chiếc giầy vàng, Truyện Sọ Dừa... cho thấy đây là những truyện nổi tiếng nhất trong kho tàng truyện cổ tích Chăm. 2.3. Giai đoạn từ sau năm 1975 đến nay Kể từ sau năm 1975, có rất nhiều tuyển tập truyện cổ tích Chăm dày dặn được giới thiệu. Do đó, chúng tôi xin không bàn tới những công trình hợp tuyển truyện cổ tích của nhiều dân tộc khác nhau mà chỉ liệt kê những tuyển tập riêng. Có thể kể ra một số những công trình nổi bật như: - Cuốn Truyện cổ Chàm có 26 truyện (Phạm Xuân Thông, Thiên Sanh Cảnh, Nông Quốc Thắng, Lục Ngư, Nxb Văn hóa Dân tộc, H, 1978). - Cuốn Truyện cổ dân tộc Thuận Hải có 15 truyện (Đỗ Kim Ngư, Phạm Xuân Thông, Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Thị Bạch Cúc sưu tầm và biên soạn, Ty Văn hoá Thông tin Thuận hải xuất bản, 1982). - Cuốn Truyện cổ dân tộc Chăm có 14 truyện (Phạm Xuân Thông sưu tầm và biên soạn, Nxb Trẻ, Tp.HCM, 1986). - Cuốn Truyện cổ Chăm có 15 truyện (Trịnh Thị Hồng Lam, Nguyễn Thị Tư, Anh Đức sưu tầm, Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình xuất bản, 1986). - Cuốn Trái tim nàng Palí có 12 truyện (Đỗ Kim Ngư, Nguyễn Hữu Dũng sưu tầm và biên soạn); cuốn Nàng bàn tay có 23 truyện (Hồ Phú Diễn, Đỗ Kim Ngư sưu tầm và biên soạn); cuốn Bò Thần Kapin có 16 truyện (Đỗ Kim Ngư sưu tầm và biên soạn). Ba ấn phẩm này đều do Hội Văn học nghệ thuật Thuận Hải xuất bản lần lượt qua các năm 1986, 1987, 1988. - Cuốn Nữ thần Pô Naga có 17 truyện (Trần Việt Kỉnh sưu tầm và biên soạn, Nxb Văn hóa Thông tin, H, 1989). - Cuốn Chàng Rắn có 10 truyện (Đỗ Kim Ngư biên soạn, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 1993). - Cuốn Truyện cổ dân gian Chăm, tập I có 58 truyện (Trương Hiến Mai, Bạch Cúc, 46 Bước đầu nhìn lại quá trình sưu tầm và phân loại chuyện cổ tích Chăm Sử Văn Ngọc, Nxb Văn hóa Dân tộc và Trung tâmNghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận, 2000). - Cuốn Ông tướng gầy có 8 truyện (Vĩnh Trường tuyển chọn, Nxb Thanh Hóa, 2004). - Cuốn Con dâu nhà trời có 9 truyện (Nxb Kim Đồng, H, 2006). Ngoài ra có thể kể đến một số công trình khác như: Luận án tiến sĩ Khảo sát truyện cổ dân tộc Chăm của tác giả Nguyễn Thị Thu Vân có 9 truyện ở phần phụ lục 4 do tác giả sưu tầm được từ quá trình điền dã. Và chuyên luận Truyện kể dân gian các dân tộc Nam Đảo ở Việt Nam có 15 truyện ở phần Phụ lục 3 (Phan Xuân Viện, Nxb Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, 2007)... Như vậy là, từ năm 1975 đến nay, hoạt động sưu tầm, ghi chép và phát hành các ấn phẩm về truyện cổ tích Chăm đã khởi sắc hẳn lên. Đặc biệt là sự xuất hiện của hàng loạt tuyển tập riêng về truyện cổ Chăm. Đó là kết quả điều tra, điền dã bằng phương ngữ tại các địa phương có người Chăm sinh sống. Trong đó, trí thức người Chăm giữ vai trò quan trọng. Có thể chỉ ra hai lý do: Thứ nhất, như Inrasara nói “Dân tộc Chăm là một dân tộc yêu văn chương và nghệ thuật” nên họ tâm huyết với việc giữ gìn và tôn vinh các giá trị văn hoá của dân tộc họ; Thứ hai, không ai khác ngoài người Chăm chính là “kẻ môi giới” (chữ dùng của N.Konrat - Viện sĩ, nhà phương Đông học nổi tiếng Nga) thành công nhất trong việc giới thiệu văn hoá, văn học dân tộc của họ đến với mọi người. Công đoạn tiếp theo của việc sưu tầm, công bố sẽ là việc hệ thống và phân loại - làm tiền đề cho việc nghiên cứu truyện cổ tích Chăm. Sự phân loại thành ba nhóm: truyện cổ tích loài vật - truyện cổ tích thần kỳ - truyện cổ tích sinh hoạt đã là phổ biến, có thể áp dụng ngay cho truyện cổ tích Chăm, tuy nhiên trong từng nhóm lại cần có sự phân loại chi tiết hơn, đặc biệt với nhóm truyện có số lượng lớn nhất là truyện cổ tích thần kỳ Chăm. Điều này, mãi gần đây mới thực sự được chú ý bởi hai nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Vân và Phan Xuân Viện. Nguyễn Thị Thu Vân tiến hành phân loại truyện cổ Chăm ở cấp độ thể loại (thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích) và cấp độ tiểu loại đối với riêng truyện cổ tích thần kỳ Chăm (theo tiêu chí phân loại nội dung đề tài). Tác giả đã thống kê được 72 truyện cổ tích thần kì trên tổng số 107 đơn vị truyện cổ tích Chăm và chia thành 6 đề tài - cốt truyện: 1- Cốt truyện về người xấu xí mà có tài; 2- Cốt truyện về người nghèo hoặc xấu xí gặp may mắn; 3- Cốt truyện về người khoẻ; 4- Cốt truyện thuộc kiểu truyện Tấm Cám; 5- Cốt truyện về anh cả - em út; 6- Cốt truyện về hôn nhân, và 13 mô típ cơ bản ở các đề tài - cốt truyện [3]. Tác giả Phan Xuân Viện không chỉ phác hoạ bức tranh toàn cảnh về các tộc người Nam Đảo ở Việt Nam từ góc độ văn học dân gian mà còn phân loại và rút ra những nhận xét bước đầu về đặc điểm truyện kể dân gian của người Chăm, Churu, Êđê, Gialai, Raglai. Ông phân chia 107 truyện cổ tích thần kì trên 179 đơn vị truyện cố tích Chăm thành 4 nhóm đề tài - cốt truyện: 1- Truyện về nhân vật chàng trai khoẻ - dũng sĩ; 2- Truyện về nhân vật bất hạnh (mồ côi, con riêng, em út...); 3- Truyện về nhân vật lốt thú, đội lốt xấu xí; 4- Truyện về các mối quan hệ trong gia đình, ngoài xã hội và thế giới khác [4]. 47 Đặng Thế Anh Ngoài hai tác giả kể trên thì cho đến nay chưa có thêm một công trình nào đi sâu vào việc phân loại truyện cổ tích thần kỳ Chăm. Các công trình của hai tác giả cũng chỉ tập trung thống kê, phân loại truyện cổ tích thần kì Chăm trên phương diện đề tài - cốt truyện và các mô típ tiêu biểu. Đến lượt mình, ở bài viết này, chúng tôi góp thêm một cách phân loại tiếp cận từ phương diện nhân vật chính. Bởi, từ việc định danh được các kiểu nhân vật chính sẽ “gợi ra mối quan hệ gia đình hoặc xã hội của nó” [2;36] - tức hiện thực được phản ánh trong tác phẩm; căn cứ vào hành động của nhân vật chính thì “người ta lập nên sơ đồ diễn biến của số phận nhân vật - tức kết cấu cốt truyện” [2;42]; hoặc dựa vào sự di chuyển của nhân vật chính cho người ta thể thấy sự phong phú và đa dạng của không - thời gian trong truyện cổ tích thần kì... Như vậy, việc phân loại theo tiêu chí nhân vật là điều cần thiết phải làm. Bên cạnh đó, có thể còn có một vài tiêu chí phân loại khác. Chẳng hạn như phân loại truyện từ kiểu kết thúc (kết thúc có hậu hay không có hậu); phân loại truyện từ góc độ không gian - thời gian (không - thời gian trần thế hay phi trần thế hoặc không - thời gian tự nhiên, không - thời gian xã hội). . . Như chúng ta đều đã biết: với một thể loại lớn về số lượng, phức tạp về nội dung, đa dạng về đề tài như truyện cổ tích thì mọi sự nghiên cứu cần được bắt đầu từ khâu phân loại. Bởi trên cơ sở phân loại, nhà nghiên cứu bắt tay vào phân tích tiểu loại, rồi đó sẽ ghép “các mảnh rời” để thành một nhận xét toàn cảnh thể loại. Hi vọng rằng, rồi đây chúng tôi sẽ có dịp công bố số lượng truyện cổ tích thần kì Chăm (mà chúng tôi may mắn đã có trong tay) và việc phân loại chúng. Dưới đây, chúng tôi xin trích lược kết quả khảo sát và phân loại truyện cổ tích thần kì Chăm của chúng tôi dựa trên các tiêu chí trên: Chú giải: (1): Người xấu nhưng có tài; (2): Người bất hạnh gặp may mắn; (3): Người khoẻ; (4): Người lười; (5): Người con riêng; (6): Người em út; (7): Người mồ côi (mồ côi cả cha lẫn mẹ); (8): Kết thúc có hậu; (9): Kết thúc không có hậu; (10): Không - thời gian trần thế; (11): Không - thời gian phi trần thế. Bảng 1. Kết quả khảo sát và phân loại truyện cổ tích thần kì Chăm [tác giả] T Tên truyện Kiểu nhân vật Kết Không gian T thúc thời gian (1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) 1 Bảy chàng trai khỏe √ √ √ 2 Bốn người con gái muốn lấy vua √ √ √ 3 Bong Lah √ √ √ 4 Cái ná chín rãnh √ √ √ 5 Cậu gạo √ √ √ 6 Cậu Xoài √ √ √ √ 7 Chà Rô √ √ √ 8 Chàng dũng sĩ √ √ √ √ 9 Chàng Ếch và nàng Út con vua √ √ √ 48 Bước đầu nhìn lại quá trình sưu tầm và phân loại chuyện cổ tích Chăm 10 Chàng Gù √ √ √ 11 Chàng lười √ √ √ 12 Chàng lười Ta-bong √ √ √ 13 Chàng Rắn √ √ √ 14 Chiếc cầu vong hoá đá √ √ √ 15 Chiếc hài vàng √ √ √ 16 Chuyện về chị em cô gái bẫy chim √ √ √ 17 Cô út xấu xí lấy chồng hoàng tử √ √ √ √ 18 Con dâu nhà trời √ √ √ √ 19 Đáng đời kẻ gian tham √ √ √ 20 Dũng sĩ diệt chằn tinh √ √ √ 21 Hoàng tử khoẻ √ √ √ 22 Hoàng tử Tềwa Mừnô √ √ √ √ 23 Nai Đa Kiêng √ √ √ 24 Năm người thất nghiệp √ √ √ 25 Nàng bàn tay √ √ √ 26 Nàng Út √ √ √ 27 Nàng Út lấy chồng trăn √ √ √ 28 Người em tốt bụng √ √ √ 29 Núi cười √ √ √ 30 Ông tướng gầy √ √ √ 31 Rể trăn √ √ √ 32 Sự tích con khỉ √ √ √ 33 Sự tích trái bí đao √ √ √ 34 Thằng gáo dừa √ √ √ 35 Thằng lười √ √ √ ... ... 3. Kết luận 3.1. Cho đến nay, quá trình sưu tầm, ghi chép và giới thiệu truyện cổ Chăm nói chung, truyện cổ tích Chăm nói riêng đã diễn ra hơn 120 năm. Người Pháp là người đi tiên phong trong lĩnh vực này. 3.2. Hoạt động sưu tầm, ghi chép và giới thiệu văn bản truyện cổ Chăm được thực hiện trên một số thể loại chính như thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích (tuy nhiên ranh giới thể loại còn có tính tương đối). Bước đầu khảo sát những tư liệu sưu tầm truyện cổ Chăm, không kể những văn bản truyện trùng lặp, qua các tuyển tập chúng tôi nhận thấy có trên 200 văn bản truyện cổ tích Chăm, trong số đó, truyện cổ tích thần kì chiếm hơn một nửa. 3.3. Ba nguồn sưu tầm truyện cổ tích Chăm là: văn bản truyện đã được cố định hoá 49 Đặng Thế Anh bằng chữ viết Chăm cổ trong sách cổ hay bia ký Chăm; văn bản truyện được ghi chép do người già kể lại; và văn bản truyện được kể lại do đối tượng tiếp nhận đã được nghe hoặc đọc trước đó. 3.4. Ba loại văn bản được công bố bằng ba thứ ngôn ngữ ứng với ba đối tượng thực hiện việc sưu tầm và ghi chép truyện cổ Chăm là: Chăm, Pháp, Việt. 3.5. Số lượng truyện cổ tích thần kỳ Chăm là trên 100 truyện. Với số lượng đó có thể phân loại truyện cổ tích thần kỳ Chăm thành các tiểu nhóm nhỏ hơn dựa trên các tiêu chí: đề tài - cốt truyện; nhân vật; kiểu kết thúc; không - thời gian... Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc mở ra những con đường tiếp cận hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu đến với truyện cổ tích thần kỳ Chăm nói riêng, truyện cổ tích và văn học dân gian Chăm nói chung. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Inrasara, 2010. Văn học Chăm - Khái luận. Nxb Trí thức, Hà Nội. [2] Lê Trường Phát, 2000. Thi pháp Văn học dân gian. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [3] Nguyễn Thị Thu Vân, 2005. Khảo sát truyện cổ dân tộc Chăm. Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. [4] Phan Xuân Viện, 2007. Truyện kể dân gian các tộc người Nam Đảo ở Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh. [5] Viện nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, Phân viện miền Trung, 2002.Champa tổng mục lục các công trình nghiên cứu. Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế. ABSTRACT Reviews the process collection and introduction of the fairy tales of the Cham In the paper, the author reviews the collection and introduces fairy tales of the Cham (Vi