Trước đây, người ta thường nghĩ Việt Nam chỉ có họ đơn, tức
một chữ. Nhưng thực ra, căn cứ vào truyền thống dân gian,
tên họ Việt Nam có hình thức đơn và hình thức ghép, tức hai
họ hoặc nhiều từ ghép lại. Ví dụ:
10 trang |
Chia sẻ: nyanko | Lượt xem: 1481 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Các hình thức tên họ Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CÁC HÌNH THỨC TÊN
HỌ VIỆT NAM
Trước đây, người ta thường nghĩ Việt Nam chỉ có họ đơn, tức
một chữ. Nhưng thực ra, căn cứ vào truyền thống dân gian,
tên họ Việt Nam có hình thức đơn và hình thức ghép, tức hai
họ hoặc nhiều từ ghép lại. Ví dụ:
-Họ một chữ: Nguyễn, Trần, Phạm.
-Họ hai chữ: Nguyễn Huỳnh, Ðặng Trần.
-Họ ba chữ: Công Tôn Nữ.
-Họ bốn chữ: Công Tằng Tôn Nữ.
Các họ ghép trên đây phát sinh do 5 nguyên nhân: (1) họ
ghép vì đi làm con nuôi, (2) họ ghép vì được vua ban họ, (3)
họ ghép vì muốn phân biệt,(4) họ ghép để biểu lộ ý niệm
huyết thống, (5) họ ghép vì muốn thêm họ mẹ.
1. Họ Ghép Vì Đi Làm Con Nuôi:
Theo luật lệ của nhiều nước, người con nuôi phải mang tên
họ của người cha nuôi. Tuy nhiên, nhiều người ý thức tầm
quan trọng và giá trị của tên họ, đã không xóa bỏ tông tích
người con nuôi, nên thêm tên họ người con nuôi vào sau tên
họ của mình. Ta có thể trưng các ví dụ sau: tác giả nho bản
Chinh Phụ Ngâm là Đặng Trần Côn sống đời Lê Hiển Tông
(1740-1786), vốn có tên họ là Trần, nhưng làm con nuôi cho
gia đình họ Đặng, nên có tên họ kép là Đặng Trần Côn. Con
cháu ông vẫn tiếp tục mang họ ghép là Đặng Trần Thường,
Đặng Trần Thiện. Hiện nay (2002), tại San Jose, California,
Hoa Kỳ có ông Đặng Trần Yêm. Chúng tôi không rõ ông này
có phải là hậu duệ của cụ Đặng Trần Côn hay không? Ông
Vũ Phạm Hàm, người huyện Thanh Oai, Hà Đông, đỗ Thám
Hoa năm Thành Thái thứ 4 (1894), đã có ông tổ làm con nuôi
cho họ Vũ nên ông và con cháu đã mang họ Vũ Phạm. Luật
pháp Việt Nam cũng bảo vệ dòng họ người con nuôi. Điều
189 trong Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ Luật ghi:
Người con nuôi, bất cứ là bao nhiêu tuổi, sẽ thuộc về gia tộc
người đứng nuôi, phải lấy tên họ người đứng nuôi và để tên
họ của mình tiếp theo [42].
2. Họ Ghép Vì Được Vua Ban Họ: Trước thời Nguyễn,
những người giúp vua giữ vững ngoại biên gọi là tông phiên,
được vua ban quốc tính[43]. Những người này bỏ tên họ cũ,
mang tên họ nhà vua như danh tướng Trần Bình Trọng vốn
có họ Lê, thuộc dòng dõi Lê Đại Hành, sau nhờ công lớn,
được đổi sang họ Trần là họ nhà vua[44]. Sang đời Nguyễn,
người mang quốc tính lại được đặt tên họ mình sau tên họ
nhà vua như trường hợp nhân vật lịch sử Nguyễn Huỳnh
Đức. Điều đáng chú ý là chỉ con trai được kế thừa quốc tính.
Con gái, bị coi là nữ nhân ngoại tộc, không được mang quốc
tính. Con trai cụ Nguyễn Huỳnh Đức là ông Nguyễn Huỳnh
Nhiên, con gái cụ là bà Huỳnh Thị Hương và Huỳnh Thị Tài.
3. Họ Ghép Vì Được Đặt Thêm Họ Mẹ: Theo tục lệ và luật
pháp của xã hội theo chế độ phụ hệ, người con phải mang
dòng họ cha. Tuy nhiên, vào khoảng giữa thế kỷ 20, vì bị ảnh
hưởng văn hóa tây phương, vì địa vị của người phụ nữ được
đề cao, nên tên họ mẹ đã thấy xuất hiện sau tên họ cha trong
thành phần tên họ của con. Mục đích này nhằm nhắc nhở cho
con về dòng họ mẹ, hoặc ghi dấu cuộc hôn nhân giữa hai
dòng họ. Khuynh hướng tốt đẹp này ngày càng phổ biến
trong xã hội. Ngày xưa, giới nho gia cũng áp dụng cách thức
ghép họ mẹ sau họ cha để làm tên họ người con. Xin trích
dẫn hai trường hợp tiêu biểu mà Ông Nguyễn Bạt Tụy đã nêu
ra: ông Từ Cao Cam có cha là ông Từ Bộ Chỉ và người mẹ
họ Cao, ông Nguyễn Từ Hiền và ông Nguyễn Từ Ân có cha
là ông Nguyễn Văn Mô và bà mẹ họ Từ[45]. Tuy nhiên, hình
thức ghép họ mẹ sau họ cha không có tính truyền thừa, tên họ
sẽ thay đổi từ đời con sang đời cháu. Theo tác giả Sheau
Yueh J. Chao[46], tại Trung Quốc, việc lấy họ vợ ghép chung
với họ chồng thành họ của con rất phổ biến. Ví dụ ông họ
Trương lấy bà họ Trần, con cái ông bà này sẽ mang họ
Trương Trần.
4. Tên Họ Ghép Vì Muốn Phân Biệt: Như đã nói trong
phần phân bố tên họ tại Việt Nam, nhiều làng chỉ có một
dòng họ, do đó, để phân biệt các chi nhánh, người ta thêm
vào sau tên họ các từ có ý nghĩa thân tộc như Mạnh, Đình,
Trọng, Quý, Bá, Thúc, Tôn và người ta nói ông này họ
Mạnh, ông kia họ Thúc. Thực ra, họ là các ông Trần Mạnh A,
Trần Thúc B. Tập tục này cũng thấy có tại Trung Quốc.
5. Tên Họ Ghép Để Biểu Lộ Ý Niệm Huyết Thống: Tên
đệm đặt sau tên họ được truyền thừa qua nhiều thế hệ biến
thành họ ghép. Lối này được vua chúa và dân gian triệt để áp
dụng nhằm biểu lộ ý niệm huyết thống. Ta có thể kể các bằng
chứng sau:
Suốt triều đại hậu Lê, từ vua Lê Trang Tông (1533-1548), tức
Lê Duy Ninh đến vua Lê Mẫn Đế (1787-1788), tức Lê Duy
Kỳ, trải qua 17 đời vua, kéo dài 255 năm, vị vua nào cũng có
họ là Lê Duy. Đến năm 1837, Đại Nam Thực Lục ghi các
cuộc nổi dậy của con cháu nhà hậu Lê như Lê Duy Cự, Lê
Duy Mật, Lê Duy Lương, Lê Duy Hoán và Lê Duy Hiển.
Như vậy, sử sách đã chứng minh rằng dòng họ Lê Duy đã tồn
tại trên đất nước này hơn 300 năm. Hiện nay, chúng tôi
không biết còn ai giữ được họ Lê Duy không vì vua Minh
Mạng và Thiệu Trị đã có chính sách phân tháp dòng họ này.
Bằng chứng là tổ tiên của vị Giám Mục Lê Hữu Từ thuộc
hoàng tộc họ Lê Duy. Năm 1822, vì có liên quan đến vụ Lê
Duy Lương nổi lên chống triều đình nhà Nguyễn, nên tổ tiên
bị đày vào Quảng Trị. Vì sự an toàn của gia đình, tổ tiên đã
đổi sang dòng họ Lê Hữu[47].
Sang thời Trịnh, Nguyễn, đời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên
(1614-1635) tất cả người hoàng phái trước kia có họ Nguyễn
nay đổi thành Nguyễn Phúc. Ngược lại, cùng dòng họ
Nguyễn, cùng có ông tổ là Nguyễn Bặc, nhưng chi nhánh họ
Nguyễn ở lại Gia Miêu, Thanh Hóa, đổi thành Nguyễn Hựu.
Lý do đổi từ họ Nguyễn sang họ Nguyễn Phúc, được gia phả
họ Nguyễn Phúc ghi lại như sau:
Tương truyền rằng khi hoàng hậu (tức Thái Tổ Gia Dũ
Hoàng Hậu) có thai, chiêm bao thấy thần nhân cho tờ giấy
viết đầy cả chữ Phúc. Nhiều người đề nghị lấy chữ Phúc đặt
tên cho con, thì bà cho rằng: Nếu đặt tên cho con thì chỉ có
một người được hưởng, chi bằng lấy chữ Phúc làm chữ lót thì
mọi người được hưởng phúc, bèn đặt tên cho con là Nguyễn
Phúc Nguyên. Nhánh họ Nguyễn chúng ta đổi thành họ
Nguyễn Phúc bắt đầu từ đấy [48].
Các vị nho gia cũng áp dụng nguyên tắc này. Các cụ chỉ đặt
họ ghép cho con trai, không đặt cho con gái. Cụ Nguyễn
Đình Chiểu có các ông tổ bốn đời mang họ ghép Nguyễn
Đình. Con trai cụ là Nguyễn Ðình Chúc, Nguyễn Đình
Ngưỡng, nhưng con gái là Nguyễn Thị Xuân Khuê tức bà
Sương Nguyệt Ánh. Cụ Trương Tấn Bửu có 3 trai, 1 gái là
các ông Trương Tấn Cẩn, Trương Tấn Thuận, Trương Tấn
Cường và bà Trương Thị Của[49].
Sau đây là một số họ ghép thường thấy tại Việt Nam: Âu
Dương, Cao Bá, Đặng Trần, Hoàng Cao, Hồ Đắc, Lê Duy,
Lê Đức, Lê Khoa, Lê Quang, Lê Bá, Nguyễn Phúc, Nguyễn
Hựu, Nguyễn Khoa, Nguyễn Đăng, Nguyễn Đình, Nguyễn
Quang, Ngô Đình, Ông Ích, Phạm Duy, Phạm Đình, Phạm
Phú, Phạm Như, Phan Huy, Phan Đình, Tôn Thất,Tống
Phước, Trần Đình, Trần Nguyên, Trương Gia, Trương Minh,
Trương Vĩnh, Trương Sĩ, Vũ Đình.
Tên họ người Việt Nam là một di sản linh thiêng, được
truyền thừa từ đời này sang đời nọ. Nhưng không vì thế mà
tên họ không bị biến đổi.
Theo Vietgle
[42] Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ Luật. Nhà In Viễn Ðệ, Huế,
1947, tr. 63.
[43] ÐVSKTB. Sđd. Tr. 112.
[44] Ðại Nam Nhất Thống Chí. Tập 3. Sđd. tr. 221. &
Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tập 2. Sđ. tr. 79.
[45] Nguyễn Bạt Tụy. Tlđd. Tr. 55.
[46] Sheau Yeuh J. Chao. Sđd. Tr. 7.
[47] Linh Mục nguyễn Gia Ðệ & Trà Lũ Trần Trung Lương
(chủ biên). Giám Mục Lê Hữu Từ. Hoa Lư, Canada, 2001, tr.
218.
[48] Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả. Thuận Hóa, Huế, 1995, tr.
113.
[49] Lê Thọ Xuân. Tiểu Sử Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu.
Nhà in Nguyễn An Ninh, Sàigòn, 1959, tr. 47.