Tóm tắt. Trong phạm vi nghiên cứu của bài viết này, tác giả đề cập đến
các hình tượng hóa thân của vị thần Vishnu từ nguyên bản trong thần thoại
Ấn Độ đến các hiện vật khảo cổ phát hiện được ở khu vực đồng bằng sông
Cửu Long – địa bàn chính của vương quốc cổ Phù Nam và nền văn hóa Óc
Eo, đồng thời cũng là nơi chịu ảnh hưởng rõ nét nhất của giáo phái Vishnu
giáo. Các hình tượng hoá thân của thần Vishnu được tìm thấy ở đồng bằng
sông Cửu Long là những bằng chứng cụ thể nhất về sự giao lưu, ảnh hưởng
văn hoá lẫn nhau giữa Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á ngay từ thời cổ đại.
8 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 209 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Các hóa thân của thần Vishnu: Từ thần thoại Ấn Độ đến các hiện vật khảo cổ ở đồng bằng sông Cửu Long, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Science Sci., 2011, Vol. 56, No. 8, pp. 103-110
CÁC HÓA THÂN CỦA THẦN VISHNU:
TỪ THẦN THOẠI ẤN ĐỘ ĐẾN CÁC HIỆN VẬT
KHẢO CỔ Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Dương Thị Ngọc Minh
Trường Đại học Đồng Tháp
E-mail: duongbiensang@yahoo.com
Tóm tắt. Trong phạm vi nghiên cứu của bài viết này, tác giả đề cập đến
các hình tượng hóa thân của vị thần Vishnu từ nguyên bản trong thần thoại
Ấn Độ đến các hiện vật khảo cổ phát hiện được ở khu vực đồng bằng sông
Cửu Long – địa bàn chính của vương quốc cổ Phù Nam và nền văn hóa Óc
Eo, đồng thời cũng là nơi chịu ảnh hưởng rõ nét nhất của giáo phái Vishnu
giáo. Các hình tượng hoá thân của thần Vishnu được tìm thấy ở đồng bằng
sông Cửu Long là những bằng chứng cụ thể nhất về sự giao lưu, ảnh hưởng
văn hoá lẫn nhau giữa Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á ngay từ thời cổ đại.
1. Mở đầu
Hinđu là tôn giáo lớn nhất, cổ xưa nhất và đặc biệt nhất của Ấn Độ truyền
thống, thu hút số lượng tín đồ đông đảo. Bằng niềm tin tôn giáo và trí tưởng tượng
mãnh liệt của mình, những tín đồ Hindu giáo đã sáng tạo ra những huyền thoại
về các thần linh tạo nên một phả hệ về các thần vô cùng phong phú và chặt chẽ.
Từ một số đông những vị thần tượng trưng cho các hiện tượng tự nhiên buổi đầu,
dần dần đã quy tụ lại thành ba vị thần chủ: Brahma, Vishnu, Shiva đại diện cho
ba lực lượng phổ biến trong vũ trụ: Sáng tạo, Bảo tồn và Phá hoại. Sau đó vai trò
của Brahma ngày càng mờ nhạt đi, trong khi vai trò của Vishnu và Shiva ngày càng
được đề cao, tạo thành những giáo phái riêng biệt: Shiva giáo và Vishnu giáo. Trong
mỗi giáo phái này, bên cạnh việc thờ vị thần chính (hoặc thần Vishnu với những
người theo Vishnu giáo, hoặc Shiva với những người theo Shiva giáo) còn có vô số
những vị thần linh khác, đặc biệt các vị thần chính còn xuất hiện trong thần thoại
với những hóa thân khác nhau để lập nên những kì tích. Các câu chuyện về Vishnu
hay Shiva và các hình tượng hóa thân của hai vị thần này không chỉ gắn bó sống
động với cư dân Ấn Độ mà còn lan tỏa ra khắp các nền văn hóa lân cận, đặc biệt là
khu vực Đông Nam Á – nơi có sự truyền bá phổ biến của tôn giáo này trong khoảng
mười thế kỉ đầu Công nguyên.
Là vị thần Bảo tồn, mỗi khi thế giới gặp nguy biến, Vishnu lại “hạ giới”. Mỗi
lần giáng thế đều để thực hiện một mục đích cao cả là cứu giúp loài người khỏi điều
103
Dương Thị Ngọc Minh
ác. Thần thoại Ấn Độ kể rằng cứ mỗi chu kì của vũ trụ, Vishnu sẽ giáng thế một
lần. Có tất cả 10 lần hạ giới (gọi là Avatara), có khi dưới hình thái Người, có khi
mang hình thái của động vật, hoặc nửa người nửa thú. Trong đó các lần giáng thế
thứ bảy (Rama), thứ tám (Krisna) và thứ chín (Budda) được nhắc đến nhiều nhất.
Theo các công trình nghiên cứu tiêu biểu như Iconography of the Hindu, Buddhist
and Jians của R.S. Gupte [1], Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ của Huỳnh
Thị Được [3], hay Lương Ninh với Thần tích Hinđu giáo và nghệ thuật tiếu tượng
Hinđu giáo ở Đông Nam Á [7]... các lần hóa thân của Vishnu cụ thể như sau:
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Các lần hóa thân của Vishnu
2.1.1. Cá Matsya
Cá Matsya là hóa thân đầu tiên của Vishnu, có phần trên giống Vishnu, phần
dưới giống cá, có 4 tay với các biểu tượng đặc biệt. Matsya giúp tổ tiên của loài
người là Manu lấy lại kinh Veda đã bị quỷ của tạo hóa ăn cắp và mang xuống đại
dương. Thần đã báo trước cho Manu về nạn Đại hồng thủy, khuyên đóng một con
thuyền, rồi biến thành cá dẫn đường cho thuyền đến bến bờ yên tĩnh và bắt đầu
tạo lập một thế giới mới.
2.1.2. Rùa Kurma
Ở dạng hóa thân này hình tượng có phần trên giống Vishnu, nửa dưới giống
rùa; đôi khi đầu và vai người có 4 tay. Kurma có nghĩa là “hành động sáng tạo”.
Vishnu chấp nhận hình dáng của một con rùa ở vào kỷ nguyên đầu tiên của vũ trụ
để tìm lại những châu báu đã bị mất trong trận đại hồng thủy. Nhờ vậy, những vật
quý báu nhất của vũ trụ thời xa xưa được bảo tồn đến nay. Trong lần hóa thân này
Vishnu đã tham gia vào công cuộc khuấy biển sữa giữa các thần và các quỷ để chiết
lấy thần dược trường sinh bất tử. Núi Mandara được dùng làm đòn khuấy, còn rắn
Vasuki làm giây neo giữ, Vishnu đã biến thành rùa Kurma lặn xuống đáy đại dương
để đỡ núi. Cuối cùng biển sữa cũng được khuấy đều, linh dược cũng đã được lấy
trong cảnh vui mừng hoan ca.
2.1.3. Heo rừng Varaha
Vishnu hiện thân với hình dáng thân người, đầu heo, có 4 tay. “Đây là một
biểu tượng trần thế hay nói đúng hơn là một vị thần trần thế” [3;59]. Theo thần
thoại, Varaha đã lặn xuống đáy đại dương, dùng mõm của mình nâng nữ thần Trái
đất Bkhumi-devi đang bị con quỷ Hiranyaksa nhấn chìm xuống nước nguyên sinh,
sau một trận đánh kéo dài hàng nghìn năm với quỷ dữ. Nhờ việc cứu được nữ thần
Trái đất, Vishnu trở thành người có công tạo ra đất đai cho lục địa Ấn Độ. Varaha
cũng có các vợ như Vishnu nhưng nữ thần Trái đất thường gặp nhiều hơn người
vợ quen thuộc là nữ thần Laskmi. Trong nghệ thuật tạc tượng Varaha thường được
104
Các hóa thân của thần Vishnu: từ thần thoại Ấn Độ đến các hiện vật khảo cổ...
tạc ở bốn vị trí: 1. Đứng một mình, đặt tay lên đùi; 2. Đứng ôm vợ Bkhumi-devi;
3. Đang ngồi trên mũ tu sĩ của rắn Adisesa; 4. Ngồi trên đài ở tư thế Sukkh-asana
với Bkhumi-devi hay Laskmi trên đùi.
2.1.4. Nhân sư Narasimha
Nhân sư Narasimha là hóa thân của Vishnu nhằm tiêu diệt vua quỷ Hi-
ranyakasipu ngạo mạn (anh của quỷ Hiranyaksa) chuyên gieo rắc tai họa cho trần
thế. Không ai có thể tiêu diệt được nó, bất kể là con người hay thần thánh, bất kể
ngày hay đêm vì nó đã được Brahma che chở. Vishnu đã dùng mưu lừa được vua
quỷ ra khỏi tòa lâu đài và hiện ra dưới hình dáng nhân sư Narasimha, xé xác vua
quỷ ra từng mảnh. Với hóa thân này, Vishnu thường hiện thân với hình tượng thân
người đầu sư tử. Theo nguyên tiếu tượng, nhân sư có từ 4 đến 16 tay, 2 tay trên gấp
khuỷu lại, nâng thẳng lên cao và đỡ các biểu tượng bình thường, 2 tay dưới được
vũ trang bởi những móng. Nhưng đôi khi Narasimha ngồi trên đài ở tư thế đang tư
duy, 2 chân thõng xuống, 2 tay trên đan ngón vào nhau đặt dưới cằm, 2 tay khác
với ngón có móng giơ lên, gấp khuỷu và nâng thẳng. Mũ và tất cả các đồ trang sức
của nhân sư cũng giống của Vishnu.
2.1.5. Người lùn Vamana
Đây là lần hóa thân thành người đầu tiên của Vishnu và lập được chiến công
rực rỡ khi đánh bại tên quỷ vương Bali bạo ngược đang cai quản cả ba cõi khi ấy.
Vishnu đã hạ giới mang hình hài một người lùn, giả dạng thành một người nông
dân đến cầu xin vua Bali cho một khoảng đất rộng bằng ba bước chân. Bali đồng
ý, Vamana bất ngờ vươn mình thành người khổng lồ, bước 3 bước hết cả ba cõi vũ
trụ: thế gian – thiên đường – địa ngục. Tuy nhiên, thật ra bởi bản chất Bali không
phải là một ông vua xấu xa nên Vishnu đã trả ông ta về vương quốc Patala – một
cõi còn tuyệt vời hơn cả thiên đường. Với thần tích này Vishnu còn được mệnh danh
là “Người chinh phục vũ trụ bằng 3 bước đi” (Trivikrama) và hình tượng bàn chân
cũng trở thành một biểu tượng quen thuộc của thần Vishnu. Đồng thời cũng cho
thấy tính cách vị tha, nhân hậu của vị thần này.
2.1.6. Parashu Rama – Rama cầm rìu
Với hình dáng một người đàn ông có râu, 2 tay cầm cung và cầm rìu chiến
(parasu), Vishnu được sinh ra làm một nhà thuyết pháp đồng thời cũng là một
chiến binh. Parashurama thay mặt các vị thần lập lại trật tự trong xã hội, tránh sự
chuyên quyền của tầng lớp chiến binh Kshatriya lúc bấy giờ và trả lại ưu thế cho
tầng lớp Brahman vì các thần cho rằng để cho những nhà thuyết pháp cai quản
thì thế gian sẽ công bằng và bình yên hơn. Parashurama đã 21 lần tiêu diệt các
chiến binh Kshatriya để lấy lại uy quyền cho đẳng cấp Brahma. “Thần tích này có
lẽ xuất hiện hơi muộn, khoảng đầu thế kỉ I trước công nguyên với dụng ý đề cao
tầng lớp Brahman, hạ thấp vai trò tầng lớp Kshatriya, trong hệ thống đẳng cấp
Varna” [5;149]. Vì thế, hiện nay, Parashurama được những người theo Brahman tôn
105
Dương Thị Ngọc Minh
thờ chủ yếu ở Nam Ấn.
2.1.7. Rama hoặc Rama Chandra
Tức Rama ánh trăng hay Rama dịu dàng, trái ngược với chàng Rama Parashu
hiếu chiến. Nhưng trong lần hóa thân thứ sáu thì chàng Rama cầm rìu còn Rama
trong lần hóa thân thứ bảy này thì cầm cung làm vật tượng trưng. Đây là hóa thân
của Vishnu trần tục nhất, hạ giới xuống trần gian với mục đích tiêu diệt quỷ Ravana
và thuộc hạ của nó để giải cứu cho nàng Sita xinh đẹp. Thần tích này trở thành cốt
truyện của sử thi Ramayana nổi tiếng. Trong nghệ thuật tiếu tượng Ấn Độ, Rama
được mô tả như một người lính, với cây cung lớn và ống đựng mữi tên, đầu đội
vương miện giống Vishnu, thường đứng bên cạnh người vợ xinh đẹp là nàng Sita và
người anh trai tận tụy là Laksman, đôi khi có cả đồng minh trung thành của chàng
là khỉ Hanuman.
2.1.8. Krisna
Là một hóa thân rất quan trọng và rất nổi tiếng của Vishnu dưới hình tượng
một nhân vật anh hùng, được kể trong Bhagabatapurana, truyện Harivamsa và được
kể lại trong sử thi Mahabharata. Theo thần thoại Hindu giáo, Krisna rất được yêu
mến trong số các vị thần Ấn Độ. Một số người theo phái thờ Krisna cho rằng Krisna
không phải là hóa thân của Vishnu mà chính là Vishnu. Nhưng có lẽ vì Vishnu được
sinh ra từ một người mẹ trần thế nên được xem như một hóa thân, tức là một con
người với ngoại hình trần tục, “thân thể máu thịt của người nhưng linh hồn của
thần linh” [3;60].
2.1.9. Budda (Phật)
Vishnu hóa thân thành thái tử Sakyamuni – một nhân vật có thật trong lịch
sử Ấn Độ và là người sáng lập ra đạo Phật. Hàng thế kỉ trôi qua sau cái chết của
mình, gương mặt lịch sử này từ đời thực bước vào thần thoại Ấn Độ sau khi Phật
giáo không còn được xem là mối nguy hiểm với Hinđu giáo nữa. Đức Phật được
công nhận là hóa thân thứ chín của Vishnu và được tôn thờ trang trọng trong hệ
thống thần linh Ấn Độ.
2.1.10. Ngựa Kalkin
Đây là hóa thân cuối cùng của thần Vishnu. Theo thần thoại Ấn Độ, khi kết
thúc một chu kì của vũ trụ, Vishnu sẽ trở lại thế gian, cưỡi trên một con ngựa
trắng cùng với thanh gươm rực rỡ của mình để hủy diệt những con quỷ cuối cùng
và những con người độc ác còn sót lại trước khi thế giới được thiết lập lại. Trong
nghệ thuật tiếu tượng thường ít gặp hình ảnh của Kalkin nhưng hình ảnh một con
ngựa có cánh đôi khi cũng được coi là biểu tượng của lần hóa kiếp này.
Trên đây là 10 lần giáng thế đặc biệt của Vishnu mang ý nghĩa ”lịch sử”. Những
văn bản về sau này còn nói đến nhiều lần giáng thế hơn, có tới 22 lần hoặc thậm chí
106
Các hóa thân của thần Vishnu: từ thần thoại Ấn Độ đến các hiện vật khảo cổ...
là vô số lần. “Nhiều nhân vật khác trong thần thoại Ấn Độ cũng là những hóa thân
của Vishnu hoặc mang đậm tính cách của thần. Đó là Purusha – con người đầu tiên;
Nara, Narada hay Narayana là tên của những nhà hiền triết và những lãnh tụ tinh
thần nổi tiếng của người Hindu” [1;60]. Ngoài ra, Vishnu còn được biểu hiện dưới
những hình tượng đẹp đẽ khác như: Kama – thần tình yêu, Varadaradza – ân nhân
vĩ đại, hay đức chúa trời Vaikhuntkha. Đôi khi Vishnu còn xuất hiện với tư cách
là một vị thần y của Ấn Độ dưới hình dáng một người phụ nữ xinh đẹp tay mang
thần dược.
2.2. Từ thần thoại Ấn Độ đến các hiện vật khảo cổ ở đồng bằng
sông Cửu Long
Theo thống kê, có khá nhiều hóa thân của thần Vishnu được tìm thấy trong
các di chỉ thuộc nền văn hóa Óc Eo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên
hầu như không xuất hiện dưới hình thức tượng thờ mà chủ yếu xuất hiện trên các
mảnh vàng, được phát hiện nhiều nhất ở Đồng Tháp và An Giang tại hai di tích
khảo cổ Gò Tháp và Đá Nổi, phổ biến nhất là hình cá, rùa và lợn rừng.
Hóa thân dưới dạng Cá Matsya thể hiện dưới dạng bùa đeo bằng thiếc phát
hiện ở Óc Eo, sinh động nhất là trên 4 hiện vật được phát hiện ở Đá Nổi (An Giang)
với hai trong tư thế nhìn ngang, hai trong tư thế đớp mồi [4;132].
Hóa thân dưới dạng Rùa Kurrma được diễn tả rất nhiều trên các di vật thuộc
văn hóa Óc Eo, là hình tượng xuất hiện hầu hết trong các nhóm hiện vật vàng cũng
như trên nhiều hiện vật thuộc chất liệu khác [4;132]. Tại Đá Nổi phát hiện 3 hình,
Nền Chùa 2 hình, ở Kè Một và Gò Xoài, Gò Tháp mỗi nơi một hình. Hầu hết đều
được chạm, dập trên lá vàng. Trong khi Rùa trên lá vàng ở Gò Tháp (Đồng Tháp)
được thể hiện rất sơ lược, chỉ có các vạch đơn giản thể hiện chi tiết đầu, bốn chân
thì Rùa ở Đá Nổi, Nền Chùa (Kiên Giang) được thể hiện khá hiện thực với các chi
tiết rõ hơn trên mai rùa: có lúc như đang chạy, có lúc như đang bơi dưới nước, có
lúc được chạm dập như đang đứng tại chỗ. Mặc dù các hình tượng rùa này được
diễn tả trông giống sinh vật tự nhiên hơn là “sinh vật thần thánh”, tuy nhiên, nhiều
nhà nghiên cứu vẫn cho rằng rất có thể đây là hóa thân Kurma của thần Vishnu.
Hóa thân dưới dạng Lợn đực Varaha cũng được tìm thấy phổ biến ở Gò Tháp
và Đá Nổi cho thấy những chi tiết khá rõ về hình tượng Varaha nửa người nửa lợn
đực, thân người đầu lợn với cái mõm rất dài và một cơ thể rất cường tráng, kết
hợp với nhiều biểu tượng bên cạnh như rắn, hoa sen, ốc, mặt trăng. . . thể hiện sinh
động thần tích Vishnu hóa lợn để cứu nữ thần Trái đất. Có khoảng 8 hình người
đầu lợn chạm trên lá vàng, trong tư thế một chân bước lên phía trước, một chân
choãi ra đằng sau [2;348].
Sư tử Narahimsa là hình ảnh cũng xuất hiện trong văn hóa Óc Eo. Tuy nhiên,
khác với hình tượng cá và rùa được chạm khắc chủ yếu trên các hiện vật vàng, hình
tượng sư tử được tìm thấy chủ yếu trên con dấu bằng đá (1 hình), thủy tinh (1
107
Dương Thị Ngọc Minh
Hình 1. Hình chụp cá, rùa, rắn năm đầu
trên lá vàng (Đá Nổi - An Giang)
hình) tại di chỉ Cạnh Đền và trên con dấu bằng thiếc (1 hình) được tìm thấy tại Óc
Eo [**]. Hình ảnh sư tử được khắc chủ yếu trên các con dấu rất có thể nhằm mục
đích: mượn hình ảnh dũng mãnh của nó để thể hiện sức mạnh uy quyền của tầng
lớp thống trị đồng thời cũng thể hiện thần quyền của Vishnu – một dạng kết hợp
giữa vương quyền với thần quyền trong tín ngưỡng Vua – Thần của các vương triều
cổ đại. Một điều đặc biệt, mặc dù hình tượng chính thức của Vishnu dưới hóa thân
thứ năm là người lùn Vamana không xuất hiện, nhưng ngẫu tượng bàn chân tượng
trưng cho hóa kiếp này còn để lại dấu ấn trên bia kí Phù Nam (kí hiệu K5) được
tìm thấy ở Gò Tháp. Bia ghi lại công đức của một vị vua Phù Nam là Jayavarman
và con trai của ngài là hoàng tử Gunavarman đã có công khai phá đầm lầy để dân
sinh sống, lập nghiệp [5;112]. Ngoài mang dáng dấp của thần tích Khuấy Biển Sữa,
hình tượng 2 bàn chân thần thánh còn cho thấy nó có nét giống với chiến tích của
Vamana đã giành lại đất đai cho dân chúng từ quỷ Bali bằng ba bước chân. Để tỏ
lòng sùng kính với Bhagavat (tên gọi khác của thần Vishnu), hoàng tử đã cho dựng
đôi bàn chân của thần tại vùng đất này để thờ cúng, nay chính là vùng Đồng Tháp
Mười. Hình thức này tuy không phổ biến nhưng cũng từng xuất hiện ở Tây Giava
(năm 450 SCN), khi vết chân của vua Purnavarman được sánh với vết chân thần
thánh của Vishnu và được dân chúng hết lòng thờ cúng [7;253].
108
Các hóa thân của thần Vishnu: từ thần thoại Ấn Độ đến các hiện vật khảo cổ...
Hình 2. Bàn chân người được dập nổi trên lá vàng
ở Đá Nổi - An Giang
Tại di chỉ Đá Nổi đã phát hiện hình tượng một đôi bàn chân được dập nổi
trên lá vàng với chi tiết rất rõ nét và sinh động [**]. Cho đến nay vẫn chưa xác định
chính xác hình ảnh đó là biểu tượng cho đôi bàn chân người hay là một biểu tượng
thần thánh, tuy nhiên, với vị trí một trung tâm tôn giáo như Đá Nổi thì sự xuất
hiện hình ảnh đôi bàn chân trên mảnh vàng dâng cúng chắc chắn phải mang một
ý nghĩa tôn giáo nhất định. Vì thế, ở góc độ này, nên chăng chúng ta có quyền giả
định: đôi bàn chân ấy ít nhiều có liên quan đến một kì tích của thần Vishnu trong
lần hóa kiếp thứ năm?!
3. Kết luận
Như vậy, qua các hóa thân của vị thần Vishnu từ thần thoại Ấn Độ đến các
hiện vật khảo cổ được tìm thấy ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể rút kết
một vài nhận định:
Thứ nhất, với những lần hóa thân giáng thế, lập nên những kì tích, cứu giúp
nhân loại tránh khỏi nhiều tai họa, cho thấy Vishnu xứng đáng là vị thần Bảo vệ,
một phúc thần trong đời sống tâm linh của con người (đặc biệt là những tín đồ của
đạo Hinđu), thường xuyên canh giữ sự bình yên cho trần thế. Khác với những vị
thần khác, Vishnu luôn hiện thân là một vị thần có bản tính nhân từ và vị tha, độ
lượng. “Chính tính cách dịu dàng, ôn hòa của thần cộng với sức mạnh đủ chứng tỏ
rằng Vishnu là vị thần cao cả nhất. Với tư cách là vị thần bảo tồn, Vishnu là đối
tượng của sự ái mộ hơn là sợ hãi” [1;57].
Thứ hai, hình ảnh những hóa thân của Vishnu trên các hiện vật khảo cổ được
tìm thấy ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long – địa bàn chính của vương quốc cổ
Phù Nam và nền văn hóa Óc Eo đã mình chứng cho sự tồn tại của chi phái Vishnu
giáo. Ngược lại với sự phổ biến của các bức tượng Vishnu có quy chuẩn nghệ thuật
đẹp đẽ được tìm thấy ở khu vực này, những hóa thân của vị thần này lại xuất hiện
không nhiều và hầu như không phải tượng mà chỉ là hình ảnh chạm khắc trên các
109
Dương Thị Ngọc Minh
lá vàng hoặc các con dấu bằng đá. Ngoài hình ảnh cá, rùa, lợn đực và sư tử, các
hình ảnh hóa thân khác hầu như không xuất hiện. Điều này khác với những hiện
vật được tìm thấy ở Champa hay Campuchia. Tại địa bàn của vương quốc Champa
trước đây hay trong các khu đền tháp nổi tiếng của Campuchia như đền Ăngco Vat,
có thể tìm thấy khá phong phú các hóa thân của Vishnu: từ chàng mục đồng thổi
sáo Krisna đến người lùn Vamana, nhất là hình ảnh chàng Rama trong các trích
đoạn sử thi. Tuy nhiên những hóa thân này thường được thể hiện dưới dạng các tác
phẩm điêu khắc trong các đền đài hơn là dưới hình thức tượng thờ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Huỳnh Thị Được, 2005. Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ. Nxb Đà Nẵng.
[2] Lê Thị Liên, 2006. Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cửu
Long trước thế kỷ X. Nxb Thế giới, Hà Nội.
[3] Lương Ninh, 2009. Thần tích Hinđu giáo và nghệ thuật tiếu tượng Hinđu giáo ở
Đông Nam Á - Một con đường sử học. Nxb Đại học Sư Phạm, Hà Nội.
ABSTRACT
The Avatar of the God Vishnu from Indian mythology
to the archaeological artifacts in the Mekong Delta
In this article, the author refers to Avatar of the god Vishnu from the original
form in Indian mythology to the archaeological artifacts which were found in the
Mekong Delta – the main area of ancient kingdom Funan and Oc Eo culture. This
area was where there was clear influence by Vaishanavisme which is one of the tribes
of Hinduism.
The Avatar of Vishnu were found in the Mekong Delta which has been the
most concrete evidence of the cultural exchange and influence between India and
Southeast Asia since ancient times.
110