Tóm tắt: Bài báo phân tích quá trình thúc đẩy và xây dựng các ý tưởng về một nhà nước Ba Lan độc
lập ở Galicia thông qua hoạt động của các đảng phái chính trị trong thời gian trước chiến tranh thế giới
thứ nhất. Trên cơ sở phân tích ba khuynh hướng chính trị: khuynh hướng thân Nga, khuynh hướng thân
Áo - Hung và khuynh hướng cách mạng. Bài báo bước đầu nhận định đánh giá về kết quả, tác động của
mỗi khuynh hướng đối với vấn đề độc lập của Ba Lan, đồng thời đưa ra những kết luận về phong trào
đấu tranh giành độc lập ở Galicia, Ba Lan cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Các nghiên cứu được trình bày
trong bài báo không chỉ dựa trên kết quả công bố của các nhà nghiên cứu mà còn khai thác các tài liệu
lưu trữ mới chưa được công bố trước đó.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 365 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Các xu hướng chính trị trong đấu tranh giành độc lập của Ba Lan ở Galicia trước chiến tranh thế giới thứ nhất, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
UED Journal of Sciences, Humanities & Education – ISSN 1859 - 4603
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI, NHÂN VĂN VÀ GIÁO DỤC
78 | Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, Tập 5, số 3(2015), 78-82
* Liên hệ tác giả
Nguyễn Văn Sang
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng
Email: nguyenvansang168@gmail.com
Nhận bài:
26 – 03 – 2015
Chấp nhận đăng:
25 – 09 – 2015
CÁC XU HƯỚNG CHÍNH TRỊ TRONG ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP
CỦA BA LAN Ở GALICIA TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT(1)
Nguyễn Văn Sang
Tóm tắt: Bài báo phân tích quá trình thúc đẩy và xây dựng các ý tưởng về một nhà nước Ba Lan độc
lập ở Galicia thông qua hoạt động của các đảng phái chính trị trong thời gian trước chiến tranh thế giới
thứ nhất. Trên cơ sở phân tích ba khuynh hướng chính trị: khuynh hướng thân Nga, khuynh hướng thân
Áo - Hung và khuynh hướng cách mạng. Bài báo bước đầu nhận định đánh giá về kết quả, tác động của
mỗi khuynh hướng đối với vấn đề độc lập của Ba Lan, đồng thời đưa ra những kết luận về phong trào
đấu tranh giành độc lập ở Galicia, Ba Lan cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Các nghiên cứu được trình bày
trong bài báo không chỉ dựa trên kết quả công bố của các nhà nghiên cứu mà còn khai thác các tài liệu
lưu trữ mới chưa được công bố trước đó.
Từ khóa: Chiến tranh thế giới thứ nhất; Galicia; tổ chức chính trị; Piłsudski; Dmowski.
1. Đặt vấn đề
Kể từ khi bị chia cắt, vấn đề quan hệ giữa quần
chúng nhân dân với những kẻ thống trị trở thành trung
tâm trong đời sống chính trị ở Ba Lan. Trong thời gian
chuẩn bị Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi những kẻ
thống trị trên đất Ba Lan tiến hành các cuộc xung đột và
chiến tranh với nhau. Các cuộc xung đột, chiến tranh này
đã mở ra một sự chuyển biến có ý nghĩa chính trị xã hội
đặc biệt ở Ba Lan. Là một trong ba bộ phận lãnh thổ của
Ba Lan bị sát nhập vào các nước láng giềng kể từ năm
1795, Galicia vào thời điểm trước thềm Chiến tranh thế
giới thứ nhất trở thành tâm điểm của các phong trào và
khuynh hướng chính trị đấu tranh đòi xây dựng một nhà
nước Ba Lan độc lập. Các khuynh hướng ấy phản ánh xu
hướng, con đường và chủ trương đấu tranh khác nhau,
thậm chí là mâu thuẫn nhưng cùng hướng đến mục tiêu
xây dựng một Ba Lan độc lập. Sự đa dạng của các
khuynh hướng chính trị đấu tranh giành độc lập ở Galicia
có vai trò quan trọng thúc đẩy sự ra đời của nhà nước Ba
Lan sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.
2. Nội dung
Vấn đề quan trọng nhất đối với Ba Lan trong thời
gian trước Chiến tranh thế giới thứ nhất là hoạt động
của các tổ chức chính trị và việc xây dựng một nhà nước
Ba Lan độc lập. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, các tổ
chức và đảng phái chính trị ở Ba Lan đều hoạt động với
sự đồng ý và chịu sự kiểm soát của chính quyền thực
dân, vì thế mục tiêu đấu tranh không thể vượt lên trên
phạm vi kiểm soát của chính quyền cai trị. Các tầng lớp
chính trị Ba Lan có tinh thần yêu nước vào đêm trước
của Chiến tranh thế giới thứ nhất đã bày tỏ sự chán nản
về bức tranh chiến đấu của các đảng phải. Các đảng
chính trị ở Galicia vì vậy nhanh chóng bị chia rẽ thành
hai phe lớn. Họ tiến hành các cuộc đấu tranh, công kích
chống lại nhau trong nội bộ và trên các phương tiện
truyền thông [2]. Vấn đề đấu tranh giành độc lập trong
hoạt động của các tổ chức, đảng phái chính trị này vào
cuois thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX do đó cũng phản
ánh điều này và kết tinh chủ yếu ở các xu hướng:
2.1. Xu hướng thân Nga: Xu hướng này ra đời gắn
liền với hoạt động của Liên minh quốc gia và Đảng Dân
chủ quốc gia [3]. Đảng Dân chủ quốc gia ra đời vào
cuối thế kỷ XIX, như là một lực lượng chính trị có ảnh
ISSN 1859 - 4603 - Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, Tập 5, số 3(2015), 78-82
79
hưởng to lớn trên ba vùng lãnh thổ của Ba Lan bị chia
cắt. Sự phát triển của Đảng Dân chủ quốc gia và phong
trào dân chủ quốc gia diễn ra thông qua hai giai đoạn:
Từ khi thành lập vào năm 1887 và hoạt động ở Thụy Sĩ
dưới hình thức Liên minh Ba Lan bí mật đến năm 1893
dưới tên gọi mới là Liên minh quốc gia; từ năm 1893
đến đầu thế kỷ XX. Kể từ khi ra đời, Liên minh quốc
gia đóng vai trò là nòng cốt lãnh đạo phong trào dân chủ
ở Galicia và vương quốc Ba Lan [4].
Nhà tư tưởng tiêu biểu và lãnh tụ của Đảng Dân
chủ quốc gia là Roman Dmowski (1864 - 1939). Ông là
một chính trị gia nổi tiếng khi còn là sinh viên, với việc
tham gia vào các hoạt động của tổ chức sinh viên bất
hợp pháp - Liên đoàn thanh niên Ba Lan. Vào năm
1893, tư sản dân tộc đã tổ chức Liên minh Quốc gia -
Một tổ chức bất hợp pháp hoạt động trên tất cả các vùng
lãnh thổ của Ba Lan, ở Áo, Đức và Nga. Vào năm 1897,
dưới sự bảo hộ của Liên minh Quốc gia Đảng Dân chủ
Quốc gia thành lập. Quan điểm chính trị chủ yếu của
Roman Dmowski được trình bày trong các tác phẩm
tiêu biểu: Suy nghĩ của người Ba Lan hiện đại (1902);
Đức, Nga và vấn đề Ba Lan (1908); Chính trị Ba Lan và
sự tái thiết nhà nước (1925). Với các tác phẩm này là
những luận cứ để ông biện minh cho ý tưởng và con
đường đấu tranh phục hồi nền độc lập của nhà nước Ba
Lan. Đồng thời, trên cơ sở các sự kiện cuối thế kỷ XIX
đầu thế kỷ XX, ông cùng với các nhà hoạt động chính
trị nổi tiếng đã đưa ra quan điểm mới mẻ khi phủ nhận
rằng con đường phục hồi lãnh thổ của Ba Lan từ năm
1772 là không đúng đắn và không có ý nghĩa thực tế.
Mong muốn chính trị của các nhà lý luận Dân chủ
Quốc gia là định hướng phục hồi một nhà nước Ba Lan
độc lập dưới sự lãnh đạo của Nga và sau đó xây dựng
một nhà nước liên hiệp Nga - Ba Lan. Theo quan điểm
của họ, trong số các nước thực dân, Nga được coi là mối
đe dọa nhỏ nhất đối với Ba Lan. Tương lai quyền tự trị
của nhà nước Ba Lan độc lập cần phải đạt được từng
bước với sự giúp đỡ bằng các hoạt động hợp pháp trong
Quốc hội Nga - Duma. Mục tiêu của con đường đấu
tranh này là liên kết tất cả các vùng đất của Ba Lan dưới
quyền lực của Nga hoàng, thực hiện quyền tự trị và sau
đó tiến tới giành độc lập dân tộc. Quan điểm của
Dmowski cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi: Tương
lai của Ba Lan sẽ như thế nào? [5]. Dmowski nhấn
mạnh rằng, đối với vấn đề giành lại độc lập cần thiết
trong thời gian ngắn nhất với ba điều kiện: Sự biến đổi
trong nội tình nước Nga; sự phân chia của đế quốc Áo -
Hung và chiến tranh giữa Nga với Áo - Hung: “Nếu
không thực hiện ngay việc xây dựng lại nhà nước Ba
Lan, điều này có thể đưa đến nhiều điều, bởi vì tương
lai của nhà nước Ba Lan là quan trọng nhất, cụ thể là
chia tách đất Phổ từ nước Đức”’[6]. Dù trên thực tế,
học thuyết này không mang lại hiệu quả to lớn và đúng
dự kiến nêu ra, thế nhưng đây chính là một trong những
học thuyết đầu tiên của một đảng phái chính trị mà có
ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống chính trị xã hội Ba
Lan vào cuối thể kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX về ý
tưởng xây dựng lại một nhà nước độc lập.
2.2. Xu hướng thân Áo - Hung: Những người ủng
hộ khuynh hướng này chủ trương tập hợp những người trẻ
tuổi cấp tiến và các tầng lớp xã hội khác nhau ở Galicia,
trên cơ sở đó gửi các kiến nghị đến chính quyền Áo - Hung
để đấu tranh đòi độc lập. Ở các vùng lãnh thổ khác của Ba
Lan, khuynh hướng thân Áo - Hung tồn tại nhiều thái độ
khác nhau, từ quan điểm phản đối việc thành lập ở Galicia
một nhà nước thứ ba bên cạnh Áo - Hung và là thành viên
của triều đại Habsburg, đến quan điểm chiến đấu vũ trang
bên cạnh một nhà nước trung tâm.
Theo quan điểm của nhà sử học J. Buszko (Ba
Lan), đại bộ phận các đảng chính trị ở Galicia nói rằng,
từ Galicia sẽ cho ra đời của hoạt động vũ trang của Ba
Lan vào thời điểm bùng nổ chiến tranh Áo - Nga lan
rộng, đồng thời lúc này nhất định sẽ xuất hiện tư tưởng
chống Nga ở Krakow [7]. Quan điểm của các nhà chính
trị có tư tưởng chống Nga thì cho rằng, Áo - Hung là
nhà nước có khả năng thực hiện được vấn đề xây dựng
một nhà nước Ba Lan bằng cách can thiệp vào những
vùng đất của Ba Lan thuộc Nga và sát nhập những vùng
đất này lại với nhau thông qua một hội nghị toàn thể
Galicia trong phạm vi vương triều Habsburg.
Một trong những lực lượng chính trong phong trào
này là Đảng Xã hội Ba Lan. Để định hướng hoạt động,
đảng này đã lựa chọn cách mạng tư sản Pháp làm mô
hình lý tưởng. Chính vì thế, tháng 11 năm 1906, nội bộ
Đảng Xã hội Ba Lan diễn ra cuộc đấu tranh về mô hình
hoạt động, cuối cùng bị phân hóa thành nhiều bộ phận.
Trong bối cảnh đó, Józef Piłsudski lãnh đạo Tổ chức
Chiến đấu bí mật của Đảng Xã hội trở thành người đứng
đầu của đảng này. Vào năm 1908, Józef Piłsudski đưa ra
quan điểm, ngọn cờ chiến đấu vì độc lập là đại diện cho
Nguyễn Văn Sang
80
toàn thể dân tộc và không thuộc về một giai cấp, tầng
lớp nào. Ý tưởng chiến đấu vũ trang thống nhất thành
lập một nhà nước nhất thiết phải có. Quan điểm của
Józef Piłsudski là mang tính phổ biến rộng rãi [8]. Sau
thất bại của cách mạng, những thành viên của tổ chức
tìm kiếm nơi trú ẩn ở Galicia và tại đó vào năm 1908 đã
thành lập Liên minh hoạt động chiến đấu do J.
Piłsudski, K. Sosnkowski và M. Kukiele lãnh đạo. Quan
điểm chủ yếu của tổ chức này là tổ chức các nhóm vũ
trang địa phương với mục tiêu nhằm đào tạo lực lượng
cốt lõi cho phong trào cách mạng ở vương quốc Ba Lan
[9]. Theo cách nói của nhà sử học J. Molenda, xu hướng
chính trị của Piłsudski là chỉ bắt đầu được hình thành từ
năm 1908 và thực hiện cùng với cuộc chiến đầu vì mục
đích nắm giữ vị trí lãnh đạo chính trị trong xã hội” [10].
Mục tiêu ban đầu của những người ủng hộ
Piłsudski là mở rộng quyền tự trị của Galicia thuộc về
vương quốc Ba Lan và tiếp theo là tách ra khỏi sự thống
trị của Áo – Hung, tiến tới hình thành một quốc gia Ba
Lan độc lập. Phong trào của Đảng Xã hội tuyên bố
không cạnh tranh trong hoạt động với Đảng Xã hội Dân
chủ. Vào thời điểm bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ
nhất, các lãnh tụ của khuynh hướng này đã nhanh chóng
đạt được thỏa thuận bằng các hiệp ước với đế quốc Áo -
Hung, nhưng trên thực tế các hiệp ước này chỉ là thủ
đoạn của Áo - Hung nhằm tranh thủ lôi kéo sự ủng hộ
của nhân dân Ba Lan vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ
nhất. Cho nên, mục tiêu mở rộng quyền tự trị theo thỏa
thuận của lực lượng chính trị này với đế quốc Áo -
Hung và tiến tới xây dựng một Ba Lan độc lập bị “lãng
quên” trong suốt thời gian chiến tranh thế giới.
2.3. Xu hướng cách mạng: Xu hướng này đưa ra
quan điểm mới hoàn toàn khác biệt với các xu hướng
chính trị trước đó. Họ chủ trương coi chiến tranh như là
một cuộc cách mạng xã hội, mà cuộc cách mạng này sẽ
xóa bỏ hoàn toàn sự áp bức bóc lột của các nước thực
dân, đồng thời giải quyết các vấn đề dân tộc. Theo họ,
mâu thuẫn giữa các đế quốc (Áo - Hung, Phổ và Nga) sẽ
được lợi dụng để mở rộng phong trào cách mạng và từ
đó đạt được lợi ích của các giai cấp. Với chủ trương
này, vấn đề dân tộc được xếp vào vị trí thứ hai sau lợi
ích giai cấp, chứ không còn được xác định là mục tiêu
hàng đầu có ý nghĩa sống còn giống như hai khuynh
hướng trước.
J. Piłsudski lãnh đạo của Đảng Xã hội Ba Lan cho
rằng con đường để thực hiện là tiến hành các cuộc khởi
nghĩa theo phương thức truyền thống. Với ông, vào lúc
này Nga được coi là kẻ thù chủ yếu nhất. Theo
Piłsudski, lợi ích của Ba Lan có lợi ích rất gần và gắn bó
với đế quốc Áo - Hung. Cũng theo quan điểm của
Piłsudski, sự đối đầu giữa Nga với các nước thuộc phe
Liên minh sẽ khởi đầu cho hoạt động của tổ chức lực
lượng kháng chiến của vương quốc Ba Lan. Vào thời
điểm bùng nổ chiến tranh là điều kiện thuận lợi để sát
nhập các bộ phận lãnh thổ Ba Lan, xây dựng nền độc
lập. Ông cũng tin rằng, bối cảnh này là điều kiện để
khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân Ba Lan [11].
Con đường giành độc lập không chỉ giới hạn ở việc lấy
lại các vùng đất của Ba Lan thuộc Nga mà ở những nơi
này còn phải diễn ra các cuộc bầu cử quốc hội thông
qua hai giai đoạn [12]. Sự thất bại của Nga trước Áo -
Hung sẽ dẫn đến hai khả năng: Khả năng thứ nhất là sát
nhập các vùng đất của Ba Lan thuộc vào triều đại
Habsburg, thành lập một liên minh bộ ba gồm Ba Lan -
Áo - Hung. Khả năng thứ hai là thành lập trên các vùng
đất Ba Lan một nhà nước độc lập. Cả hai khả năng này
sẽ là khởi đầu cho thời kỳ thứ hai - Thời kỳ xây dựng
một nhà nước Ba Lan độc lập hoàn toàn [13].
Trên cơ sở chủ trường của J. Piłsudski, một Ủy ban
Liên bang Độc lập tạm thời được thành lập. Ủy ban này
nắm giữ quyền lực tối cao trong các vấn đề quân sự,
chính trị và tài chính. Đồng thời, Ủy ban này thành lập 2
cơ sở, một ở phía Tây và một ở phía Đông của Galicia
để thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động. Ủy ban cũng
xây dựng kế hoạch lấy đất từ Nga để sát nhập vào lãnh
thổ Áo - Hung thuộc triều đại Habsburg. Tuy nhiên
cũng giống như khuynh hướng thân Áo - Hung, các hoạt
động vũ trang đang trong quá trình chuẩn bị thì Chiến
tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, làm gián đoạn đồng thời
kết thúc những hoạt động của khuynh hướng này.
Nhìn về sự phát triển của lịch sử Ba Lan kể từ khi bị
chia tách và sát nhập vào các nước láng giềng vào năm
1795 đến trước Chiến tranh thế giới thứ nhất là cuộc đấu
tranh không ngừng nghỉ. Tiêu biểu cho các hoạt động yêu
nước, đấu tranh giành độc lập của Ba Lan là ba khuynh
hướng chính trị nêu trên. Các khuynh hướng này đều có
những đóng góp tích cực và hạn chế nhất định trong kêu
gọi tinh thần dân tộc, đấu tranh chống thực dân. Dù chưa
mang lại thực tế như quan điểm nêu ra, nhưng các
khuynh hướng này đã phản ánh một giai đoạn và cuộc
đấu tranh vì độc lập, chủ quyền của nhân dân Ba Lan vào
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
ISSN 1859 - 4603 - Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, Tập 5, số 3(2015), 78-82
81
3. Kết luận
Từ sự phát triển của ba khuynh hướng chính trị ở
Galicia trước Chiến tranh thế giới thứ nhất có thể kết
luận 4 vấn đề: 1). Tất cả các khuynh hướng chính trị
được trình bày ở trên dù khác biệt về cách thức, con
đường và biện pháp thực hiện (dựa vào Nga, dựa vào
Áo - Hung, hay con đường tiến hành cách mạng) nhưng
đều có chung một mục tiêu cơ bản thống nhất là đấu
tranh để khôi phục lại nền độc lập của nhà nước Ba Lan;
2). Sự xuất hiện đa dạng của nhiều khuynh hướng, tổ
chức chính trị và các đảng phái, tuy phản ánh một bước
tiến mới của phong trào yêu nước, cách mạng ở Galicia,
thế nhưng đồng thời cũng khẳng định rằng, vào thời
điểm trước Chiến tranh thế giới phong trào yêu nước ở
Galicia nói riêng và các vùng lãnh thổ khác của Ba Lan
nói chung vẫn đang khủng hoảng trong việc tìm ra con
đường đấu tranh cách mạng chung nhất và hiệu quả để
khôi phục một nhà nước Ba Lan độc lập; 3). Sự xuất
hiện và phát triển của các khuynh hướng chính trị đấu
tranh giành độc lập của Ba Lan ở Galicia phản ánh sự
phát triển tất yếu của lịch sử Ba Lan và quan hệ quốc tế
ở châu Âu trước thềm của Chiến tranh thế giới thứ nhất;
4). Các khuynh hướng nêu trên chưa xây dựng được
một nền độc lập thực sự, nhưng đó là nền tảng cơ bản
cho cuộc đấu tranh ra đời nhà nước Ba Lan sau Chiến
tranh thế giới thứ nhất.
Chú thích:
[1] Vào thế kỷ XVIII, lãnh thổ của Ba Lan bị ba nước
Đức, Áo - Hung và Nga tiến hành phân chia vào
các năm 1772, 1793 và 1795. Ở các lần chia tách
này, Ba Lan được chia làm 3 bộ phận sát nhập
vào lãnh thổ của Đức, Áo - Hung, Nga. Ba Lan
với tư cách là một nhà nước không tổn tại trên bản
đồ chính trị châu Âu kể từ 1795 cho đến kết thúc
Chiến tranh thế giới thứ nhất. Theo sự phân chia
này, Galicia là một bộ phần lãnh thổ trước đây
của Ba Lan bị sát nhập vào đế quốc Áo - Hung
theo thỏa thuận phân chia giữa Đức, Áo - Hung và
Nga vào năm 1795.
[2] Centralna Agencja Polska w Lozanie (2000),
“Organizacje polityczne i wojskowe w Galicji -
ich działanoścć od 1914 roku do rozłamu
Naczelnego Komitetu Narodowego”, Archiwum
Akt Nowych, Nr.38, S.7. (Tạm dịch: Tổ chức
chính trị và vũ trang ở Galicia – Những hoạt động
từ năm 1914 đến sự phân chia Ủy ban tối cao
quốc gia).
[3] Phong trào Dân chủ Quốc gia còn có tên gọi khác
là chế độ Dân chủ Quốc gia (Narodowa
Demokracja, viết tắt là ND) là một phong trào
chính trị của Ba Lan mang tư tưởng chủ nghĩa quốc
gia ra đời vào cuối thế kỷ XIX. Đại diện tiêu biểu
và chung nhất cho mục tiêu của phong trào Dân
chủ Quốc gia là Roman Dmowski (1864 - 1939).
[4]Tại Hội nghị Viên năm 1815 bao gồm các quốc
gia Nga, Áo, Phổ, Anh và Pháp đã quyết định chia
vương quốc Warszawa (Ba Lan) thành 3 bộ phận
gồm vương quốc Ba Lan (Królestwo Polskie), đại
công quốc Poznan (Wielkie Księtwo Pozańskie),
Cộng hòa Krakow (Rzeczpospolita Krakowska),
trong đó vương quốc Ba Lan là một bộ phận
thuộc nước Nga dưới hình thức liên minh cá nhân
với Nga (Unia Personalna). Với sự lệ thuộc lãnh
thổ vào Nga, vương quốc Ba Lan cũng có 1 số
quyền tự trị như có quốc hội, có bộ máy hành
chính, có luật pháp, hệ thống trường học, ngôn
ngữ Ba Lan được sử dụng trong trường học và
hành chính. Tuy nhiên, quân đội của vương quốc
Ba Lan phải do anh trai hoặc em trai của Nga
hoàng đứng đầu và những chính sách đối ngoại do
Nga quyết định.
[5] J. Cabaj (2009), “Dmowski i Piłsudski - Dwie
koncepcje niepodległościowe”, Powrót Polski do
rodziny wolnych narodów, Lublin, S.59 (Tạm dịch:
Dmowski và Piłsudski - Hai quan điểm độc lập).
[6] R. Dmowski, Polityka i odbudowanie państwa,
Warszawa 1988. Tập 1, Trang 75. (Tạm dịch:
Chính sách và sự tái thiết đất nước).
[7] J. Buszko (1996), Polacy w parlamencie
Wiedeńskim 1848 - 1918, Warszawa, T.1, S.75.
(Tạm dịch: Người Ba Lan trong quốc hội Viên
1848 - 1918).
[8] W. Suleja, Jósef Piłsudski, Wrocław (2004), S.96.
[9] S. Arski I J. Chudek, “Galicyjska działalność
wojskowa Piłsudskiego (1906 - 1914)”, Dokumenty,
Warszawa, S.488 (Tạm dịch: Các hoạt động vũ
trang ở Galicia của Piłsudski 1906 - 1914).
[10] J. Molenda (1980), Piłsudczycy a narodowi
demokrai 1908 - 1918, Warszawa, S.8.
[11] J. Cabaj (2009), “Dmowski i Piłsudski - Dwie
koncepcje niepodległościowe”, Powrót Polski do
rodziny wolnych narodów, Lublin, S.62.
[12] Hình thức bầu cử quốc hội xuất hiện khá sớm
trong lịch sử của Ba Lan. Kể từ cuối thế kỷ XV
(vào khoảng năm 1493) khi quốc hội Ba Lan được
thành lập và sau cái chết của vua August Zgumunt
(vào cuối thế kỷ XVI), việc lựa chọn người kế vị
ngai vàng được thực hiện theo hình thức bầu cử.
Theo đó, tất cả các quý tộc Ba Lan và Litva sẽ
tiến hành lựa chọn người kế vị đứng đầu nhà nước
Nguyễn Văn Sang
82
liên bang Ba Lan - Litva (nhà nước này được
thành lập theo thỏa thuận giữa Ba Lan và Litva
vào năm 1569 tại Lublin, Ba Lan), đồng thời quốc
hội cũng được lựa chọn theo hình thức bầu cử
công khai này.
[13] W. Suleja, Jósef Piłsudski, Wrocław (2004),
S.102 - 103.
POLITICAL TRENDS IN POLAND’S STRUGGLE FOR INDEPENDENCE
IN GAIICIA BEFORE WORLD WAR I
Abstract: This paper presents an analysis on the process of promoting and constructing ideas for an independent Polish state in
Galicia through the activities of political parties during the pre-World War I period. Based on the analysis of three political trends which
are pro-Russian, pro-Austro-Hungarian and revolutionary respectively, the paper brings up initial comments and evaluation on the
results as well as the impact of each trend towards the issue of Poland’s independence, at the same time draw out conclusions on the
movement for independence in Galicia, Poland in the late nineteenth century and the early twentieth century.The studies mentioned
in the paper are based not only on the findings declared by their researchers, but also on the exploitation of newly recorded data that
have not been previously published.
Key words: First World War; Galicia; political organizations; Piłsudski; Dmowski.