Cảm hứng giễu nhại trong văn học Việt Nam sau 1975

Tóm tắt. Cảm hứng giễu nhại trong văn học sau một thời gian dài vắng bóng đã trở lại trong các sáng tác nghệ thuật và có sức lan toả nhanh chóng, thu hút nhiều thế hệ nhà văn. Văn xuôi Việt Nam từ cuối thế kỷ XX đến những năm đầu của thế kỷ XXI đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Bạn đọc có thể dễ dàng nhận thấy văn học đang thay đổi trên nhiều bình diện: từ những nhận thức mới trong quan niệm của người sáng tác đến việc các tác phẩm văn học đã được công chúng tiếp nhận với một tinh thần mới. Trên cơ sở tinh thần dân chủ, ý thức cá nhân, văn học sau 1975 đã làm tái sinh tiếng cười trào lộng, hài hước và đem đến cho nó những giá trị mới. Đặc biệt, có thể nhận thấy rất rõ cái nhìn cuộc sống bằng “cảm quan trào lộng” đã làm nên một đặc điểm nổi bật của văn xuôi đương đại.

pdf5 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 258 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cảm hứng giễu nhại trong văn học Việt Nam sau 1975, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 6, pp. 80-84 CẢMHỨNG GIỄU NHẠI TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM SAU 1975 Nguyễn Thị Thu Hằng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy-Thành phố Hà Nội E-mail: hangpgdcaugiay@gmail.com Tóm tắt. Cảm hứng giễu nhại trong văn học sau một thời gian dài vắng bóng đã trở lại trong các sáng tác nghệ thuật và có sức lan toả nhanh chóng, thu hút nhiều thế hệ nhà văn. Văn xuôi Việt Nam từ cuối thế kỷ XX đến những năm đầu của thế kỷ XXI đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Bạn đọc có thể dễ dàng nhận thấy văn học đang thay đổi trên nhiều bình diện: từ những nhận thức mới trong quan niệm của người sáng tác đến việc các tác phẩm văn học đã được công chúng tiếp nhận với một tinh thần mới. Trên cơ sở tinh thần dân chủ, ý thức cá nhân, văn học sau 1975 đã làm tái sinh tiếng cười trào lộng, hài hước và đem đến cho nó những giá trị mới. Đặc biệt, có thể nhận thấy rất rõ cái nhìn cuộc sống bằng “cảm quan trào lộng” đã làm nên một đặc điểm nổi bật của văn xuôi đương đại. Từ khóa: Cảm hứng giễu nhại, giễu nhại, văn học sau 1975, tiếng cười và cái hài. 1. Mở đầu Cuộc sống con người vốn không thể vắng bóng tiếng cười và cái hài trở thành một phạm trù thẩm mỹ qua các thời đại. “Tiếng cười sinh ra từ cái hài đã luôn luôn đem lại hiệu quả thẩm mỹ, thoả mãn lòng yêu cái đẹp của con người”. Nói về tiếng cười trong văn học, ta có thể bắt gặp nhiều cách diễn đạt: hài hước, giễu nhại, trào lộng, trào phúng, trào tiếu... Nói về mục đích của cái hài có thể thấy người ta thường dùng cái hài để mỉa mai hoặc châm biếm, có khi để gây sự hài hước. Ở hài hước, cái nghiêm túc được che dấu dưới mặt nạ cười cợt, thường nghiêng về thái độ tích cực (đùa cợt). Trong khi đó, châm biếm là tiếng cười lột tẩy, tố cáo, đối tượng của nó là những thói hư tật xấu. Đã có nhiều công trình nghiên cứu văn học Việt Nam sau 1975 đề cập đến cái hài trong các tác phẩm với nhiều cách gọi khác nhau như cảm quan trào lộng, giễu nhại, trào tiếu, giải thiêng... Cách gọi có thể khác nhau nhưng đều tập trung xoay quanh việc nghiên cứu, tìm hiểu cái hài trong tác phẩm để khẳng định rằng, ở đó có sự bắt chước hay mô phỏng (Paradier) đối tượng thực tại nhưng tô đậm nét đặc trưng hài hước của đối tượng đó lên để chế giễu. 80 Cảm hứng giễu nhại trong văn học Việt Nam sau 1975 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái luận chung về tiếng cười trong văn học đương đại Có thể thấy, giễu nhại là nhắc lại, bắt chước người khác để trêu chọc, bỡn cợt, là sự miêu tả những sự vật hiện tượng với bề ngoài có vẻ bóng bẩy, mực thước, khuôn mẫu nhưng nhằm mục đích phê phán, chế giễu, phơi bày cái thối nát, mục rỗng bên trong. Nhà văn dùng cách nói giễu nhại với mong muốn chỉ ra những cái thiếu hoàn thiện, cái xấu xa, cái khiếm khuyết, của đời sống xã hội thậm chí ngay cả bản thân mình để cùng nhau nhận thức lại, từ đó hướng đến một thái độ sống đúng đắn, tốt đẹp hơn. Trong văn học hôm nay, thuật ngữ giễu nhại có khi được sử dụng để nói đến một cảm hứng xuất hiện trở lại trong văn học Việt Nam sau một thời gian dài chìm lắng nay phục sinh trở lại. Nếu hiểu theo cách này, giễu nhại có nét tương đồng với các khái niệm trào phúng, trào tiếu, trào lộng... Chỉ có điều, giễu nhại chủ yếu quan tâm vạch ra cái khiếm khuyết, cái lỗi thời, cái đã trở nên lố bịch để giúp người ta nhận thức và tự hoàn thiện. Có khi giễu nhại được dùng như một thủ pháp để gây cười, và lúc này, giễu nhại được hiểu là một phương thức hiện đang được các nhà văn đương đại ưa thích, sử dụng để tạo nên cái hài trong tác phẩm. Dù được sử dụng và hiểu theo cách nào thì bản chất của giễu nhại vẫn là phải vẽ lại, gợi lại một cái có sẵn để gây cười. Theo M. Bakhtin: Giễu nhại là “nói bằng giọng của kẻ khác” nhưng đưa vào đó một khuynh hướng nghĩa đối lập hẳn với khuynh hướng nghĩa của lời người đó. Giọng thứ hai sau khi chuyển vào trong lời của người khác thì xung đột thù nghịch với chủ nhân vốn có của nó và “buộc nó phục vụ trực tiếp cho các mục đích đối lập của mình”. Bằng lời văn giễu nhại, các tác giả đã làm đảo lộn những cái gì gọi là nghiêm túc, lột cái vỏ hào nhoáng để trơ ra cái giả dối, cái lố bịch, cái đáng cười. 2.2. Sự trở lại của cảm hứng giễu nhại trong văn học đương đại Trong văn học đổi mới, cảm hứng giễu nhại đã xuất hiện trở lại. Nó mang đến cho văn chương nhiều giá trị độc đáo. Cảm hứng giễu nhại đã chi phối quan niệm sáng tác, cách tổ chức tác phẩm văn học. Có thể thấy, tiếng cười đã xuất hiện trong truyền thống văn học trên thế giới như là một trong những nhu cầu quan trọng của các nhà văn nhằm thể hiện tiếng nói riêng. Bạn đọc từng biết đến tiếng cười với nhiều cung bậc, đối tượng, cách cười khác nhau trong sáng tác của các tác gia nổi tiếng như Rabơle, Bơnaso, Azit Nexin... Ở Việt Nam, yếu tố giễu nhại được lưu truyền trong dân gian, trong đời sống văn hoá của người Việt như một nhu cầu tất yếu, tự thân của đời sống xã hội và đã hình thành nên truyền thống trào lộng trong văn học Việt Nam. Tiếng cười có trong những câu đồng dao, câu vè, câu đối, những câu chuyện hài ngụ ngôn...cho đến các sáng tác của nền văn học viết như tác gia Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... Nhìn vào thế giới truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, chúng ta thấy giễu nhại là cảm hứng chính, bởi vậy nhà văn đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật rất phong phú, đa dạng. Từ việc nhại để cuời, để châm biếm đả kích những cái bỉ ổi xấu xa, tồi tệ trong xã hội đuợc ẩn duới một cái vỏ bề ngoài sạch sẽ, trang nghiêm, tiếng cười Nguyễn Công 81 Nguyễn Thị Thu Hằng Hoan không đơn giản là chỉ huớng tới một số loại người nào đó mà nó mang một tầm phổ quát rộng rãi. Với Vũ Trọng Phụng, cảm hứng giễu nhại đã giúp nhà văn “đánh thẳng” vào sự vận hành trái lô gic của xã hội thực dân tư sản thành thị Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945. Người Việt Nam chưa phải là dân tộc có truyền thống hài hước song, họ sẵn sàng đón nhận tiếng cười và lấy tiếng cười để xua tan bao nỗi mệt nhọc, vất vả của đời sống hàng ngày. Trong lịch sử văn học Việt Nam, ngay từ thời trung đại - thời mà văn học phải tuân thủ những qui cách của thi pháp cổ điển - tiếng cười trào tiếu, đả kích đã xuất hiện nhằm phê phán các thói tật của xã hội. Trong thơ Hồ Xuân Hương, là tiếng cười hóm hỉnh trào lộng đầy hàm ý sâu cay. Trong thơ Nguyễn Khuyến, cảm quan trào lộng bộc lộ trong cách nhà thơ lột tả chân tướng của những loại người xấu xa, đê hèn trong đời sống đương thời. Chất trào lộng trong thơ Tú Xương lại càng rõ hơn bởi đối tượng bị đả kích được tác giả thay đổi tỷ lệ thực tế của nguyên mẫu làm cho nó trở thành quái dị, khôi hài, lố bịch. Trong các sáng tác văn học thời kỳ đầu thế kỷ XX, chất giễu nhại đã rất phong phú, đa dạng ở một số nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố... Từ 1945 đến 1975 là thời kỳ chiến tranh chống xâm lược, cả dân tộc phải quên đi mọi suy nghĩ riêng tư để hướng tới lợi ích chung. Đó là một thời gian dài văn học sống với không khí sử thi. Người ta đưa tất cả các vấn đề của đời sống được biểu hiện trong văn học về hệ qui chiếu lịch sử. Tình yêu, chiến đấu, lao động, xây dựng kinh tế.. đều mang tầm vóc lớn lao, gắn với các biến cố lịch sử, những kinh nghiệm cộng đồng. Văn học được viết bằng thái độ thành kính, ngưỡng mộ. Cũng bởi thế mà văn học lúc này khá trang nghiêm, ít hoặc không được bộc lộ tiếng cười, có khi không nỡ cười, và cả việc không được phép cười. Thể loại thơ Bút Tre ra đời nhưng chỉ tồn tại như một tiếng nói phi chính thống, không được cổ vũ. Sau 1975, cảm hứng giễu nhại lại trở lại trong văn học. Đúng như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khẳng định trong bài Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn: “nhân dân đang chán ngấy những cuốn sách thuyết giảng thứ đạo đức giả... đã đến lúc văn học phải bước những bước chính xác trong cuộc hành trình gian khổ của nó”. Cảm hứng giễu nhại mới bắt đầu xuất hiện trở lại trong văn học như mầm mống, âm thầm, lẻ loi trong một số sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Cảm hứng giễu nhại ẩn dấu phía sau những câu chuyện trong Chiếc thuyền ngoài xa, Mẹ con chị Hằng, Người đàn bà tốt bụng, Hương và Phai, Phiên chợ Giát, Bến quê... Chất giễu hài của Nguyễn Minh Châu là những phát hiện âu yếm từ cuộc sống: mối quan hệ giữa cái thực và cái giả, những tình huống nghịch lý từ những chuyện lặt vặt trong đời sống hàng ngày. Dưới ngòi bút của mình, Nguyễn Minh Châu đã giễu nhại cả những căn bệnh xã hội thời nào cũng có với sự phi lý đến tệ hại. Ông giễu anh nhà văn phải sắm vai hào hoa lịch thiệp cho (Sắm vai), giễu nhà nhiếp ảnh và vị quan toà nông nổi trước cái bể sống thăm thẳm khôn lường của “chúng sinh” (Chiếc thuyền ngoài xa)... Đọc và suy ngẫm, người đọc có thể nhận thấy thực ra khi cố gắng phát hiện những trái ngang ngoài xã hội, Nguyễn Minh Châu đã phần nào nhận ra đích thực cái khiếm khuyết của chính mình và ông cũng đã tự giễu mình, qua đó nhà văn bộc lộ khao khát muốn lấp đầy những khoảng thiếu đầy đủ trong nhận thức về đời sống xã hội mới. 82 Cảm hứng giễu nhại trong văn học Việt Nam sau 1975 Tô Hoài là một trong những nhà văn thuộc lớp đàn anh so với “thế hệ thứ tư” song cũng đã rất nhập cuộc cùng văn xuôi thời đổi mới. Khi đã ở tuổi "tri thiên mệnh", nhiều câu chuyện về cuộc đời được nhà văn đề cập đến trên những trang văn qua cái nhìn hài hước và bằng hệ thống từ ngữ, cú pháp, nhịp điệu, ngữ điệu tài tình. Từ chuyện bà Móm giận con đi tự tử (Chớp bể mưa nguồn), Ông Thái 70 tuổi vẫn xúc động trước khi gặp người yêu xưa (Hoa bìm biển), cho đến chuyện sợ vợ, ở bẩn của ông lý Chi (Quê người); chuyện "tình trai" của Xuân Diệu, chuyện "mê gái" của Nguyễn Bính (Cát bụi chân ai). Tiếng cười trong tác phẩm của Tô Hoài vẫn là một mạch nguồn được định hình và lưu giữ đến cả những sáng tác sau này. Cùng với việc chăm chút mảng đề tài dân gian, Tô Hoài đã có những tác phẩm thật tiêu biểu như Chuyện nỏ thần, Nhà Chử, 101 truyện Trạng... Qua cái nhìn sâu sắc, từng trải và cũng rất hóm hỉnh của ông, những câu chuyện dân gian hiện về rực rỡ trong một cảm quan mới, vừa lãng mạn, vừa hiện thực; làm cho những truyền thuyết xa xăm bỗng hiện về gần gũi, thân quen. Những dấu hiệu trên đây cho thấy những bước thay đổi có tính chất tiệm tiến trong quan niệm sáng tác của các nhà văn nhằm đáp ứng nhu cầu phản ánh hiện thực xã hội. Có thể thấy, tiếng cười như một nhu cầu giải toả áp lực cuộc sống căng thẳng thời hiện đại, nhưng nó cũng trở lại như một sự bù đắp cho một thời gian dài văn học "không được cười". Theo dõi các sáng tác sau 1986 có thể thấy, hấp dẫn nhất vẫn là tiếng cười trào tiếu, giễu nhại trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài. Về mặt nghệ thuật, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là hình tượng giễu nhại của các thể loại ngôn từ đó bị biến thành lời nói phong cách hoá. Những ngọn gió Tua Hát là chùm truyện giả cổ tích. Con gái thuỷ thần là hình tượng nhại huyền thoại. Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết nhại truyền thuyết, truyện lịch sử. Giọt máu còn có đoạn như giễu nhại thể loại nghị luận văn học. Trong truyện Những người thợ xẻ có đoạn giễu nhại thư tín rất thú vị. Để thức tỉnh lòng người, Nguyễn Huy Thiệp đã miêu tả cuộc đời giống như một kịch trường. Mọi vai trò xã hội của con người chỉ còn là cái mặt nạ mà nhà văn đó đeo cho nhân vật để xem chúng diễn trò. Cùng với Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài là một trong số các nhà văn có ý thức cách tân mạnh mẽ với niềm tin “viết như thế nào?" mới chính là con đường kiểm định bản chất văn chương. Trong Thiên sứ, các mô hình nhân vật lý tưởng, mẫu mực đều trở nên “mất giá” dưới ngòi bút của tác giả: trí thức thì nhếch nhác, đớn hèn, cái đẹp cái thánh thiện bị bỏ quên, bị tha hoá, bao nhiêu cái quái thai lý trí lại đủ sức mạnh chi phối con người... Qua đó, tác giả muốn nhắc nhở người đọc hướng đến một cái nhìn khác: đừng để cái hôm nay trở thành cái quá khứ bị chối bỏ trong tương lai. Cảm hứng giễu nhại trong sáng tác của Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh... như một sự tiếp nối để tạo thành một dòng chảy mới trong nền văn xuôi đương đại. Như vậy, nhu cầu nói một cách cởi mở và những vận động nội sinh từ đời sống lịch sử văn học đã làm cơ sở cho cảm hứng giễu nhại trở lại cùng văn học. Nó tiếp tục bồi đắp cho văn học sức sống mới bắt kịp với yêu cầu thời đại và làm cho văn chương thêm sống động, gần hơn với đời. 83 Nguyễn Thị Thu Hằng 3. Kết luận Có thể thấy, văn xuôi nước ta đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Ngọn gió đổi mới đã khuyến khích sự phong phú về đề tài và đa dạng về phong cách. Thống kê trên đây chưa thể đầy đủ những tác giả và tác phẩm trong văn học Việt Nam đương đại có đóng góp cho sự đổi mới, cách tân văn học. Song, đây thực sự là những gương mặt tiêu biểu đã có tiếng nói thực sự mong muốn khơi gợi và thúc đẩy xu thế nhìn thẳng, nhìn thật trong văn chương. Họ, bằng cảm xúc sáng tạo mới mẻ, cùng với việc trình bày cảm hứng giễu nhại đã đem đến cho văn học nước nhà một sắc thái mới. Từ đây có thể khẳng định, cảm hứng giễu nhại là một đặc điểm khá nổi bật làm nên diện mạo riêng của văn học Việt Nam sau 1975 mà khi nghiên cứu văn học giai đoạn này không thể không đề cập tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phan Thị Vàng Anh, 2004. Nhân trường hợp chị thỏ bông. Nxb Hội Nhà văn. [2] M. Bakhtin, 1993. Những vấn đề về thi pháp của Đôxtôiepxki (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch). Nxb Giáo dục. [3] Nguyễn Thị Bình, 1996. Những đổi mới của văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau 1975 (Khảo sát trên nét lớn). Luận án tiến sỹ khoa học Ngữ văn. [4] G.N. Poxpelow, 1985.Dẫn luận nghiên cứu văn học, tập 2. Trần Đình Sử - Lại Nguyên Ân - Lê Ngọc Trà dịch. Nxb Giáo dục. [5] Võ Thị Hảo, 2003. Giàn thiêu. Nxb Phụ nữ. [6] M. B. Khrapchenko, 1978. Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học. Nxb Tác phẩm mới. [7] Hồ Anh Thái, 2006.Mười lẻ một đêm. Nxb Đà Nẵng. [8] Nhiều tác giả, 1995. 45 truyện rất ngắn. Nxb Hội nhà văn. [9] Nhiều tác giả, 2001. Truyện ngắn bốn cây bút nữ. Nxb Văn học. [10] Nhiều tác giả, 2006. Văn học Việt Nam sau 1975 - những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy. Nxb Giáo dục. ABSTRACT The use of satire in Vietnamese contemporary literature Satire, such as parody in literature has, after a long absence, made a return in various art forms and spread rapidly. It has now been practiced by many generations of writers. In those years of the end of twentieth century and these early years of the twenty-first century, Vietnam prose is said to have developed spectacularly. One can now see that literature is changing in many aspects, including the newly found willingness to express various concepts, and an anticipation among readers for the arrival of certain new literary works. Since a degree of democratic spirit and personal expression was first allowed in 1975, a literary rebirth has surfaced openly presenting humorous mockery. In particular, authors are presenting their view of life through the use of satire, which is now a prominent feature of modern literature. 84