Tóm tắt. Hai Sông là một trong những căn cứ địa tiêu biểu trong phong trào Cần
Vương chống Pháp (1883-1889). Sở dĩ căn cứ này tồn tại và chiến đấu bền bỉ trong
7 năm là do sự lãnh đạo tài năng của vị thủ lĩnh kết hợp với địa thế hiểm yếu ở vùng
sông núi và được sự ủng hộ to lớn của nhân dân. Những chiến công của nghĩa quân
Hai Sông là chiến công của những người dân quê yêu nước, yêu làng. Những bài
học lịch sử được rút ra từ sự thất bại của căn cứ địa Hai Sông luôn luôn có ý nghĩa
to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 167 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Căn cứ địa hai sông trong phong trào Cần Vương chống Pháp (1883-1889), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 6, pp. 141-146
CĂN CỨ ĐỊA HAI SÔNG TRONG PHONG TRÀO
CẦN VƯƠNG CHỐNG PHÁP (1883-1889)
Nguyễn Thị Thanh Hoa
Trường Cao Đẳng Hải Dương
E-mail: thanhhoa79.cd@gmail.com
Tóm tắt. Hai Sông là một trong những căn cứ địa tiêu biểu trong phong trào Cần
Vương chống Pháp (1883-1889). Sở dĩ căn cứ này tồn tại và chiến đấu bền bỉ trong
7 năm là do sự lãnh đạo tài năng của vị thủ lĩnh kết hợp với địa thế hiểm yếu ở vùng
sông núi và được sự ủng hộ to lớn của nhân dân. Những chiến công của nghĩa quân
Hai Sông là chiến công của những người dân quê yêu nước, yêu làng. Những bài
học lịch sử được rút ra từ sự thất bại của căn cứ địa Hai Sông luôn luôn có ý nghĩa
to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Từ khóa: phong trào Cần Vương, Hai Sông, căn cứ địa, chống Pháp.
1. Mở đầu
Với hai bản Hiệp ước Harmand (1883) và Patenôtre (1884), thực dân Pháp đã hoàn
thành cơ bản cuộc xâm lược nước ta. Mặc dù vậy, trong triều đình Huế, phái chủ chiến
đứng đầu là Tôn Thất Thuyết vẫn ngấm ngầm chống Pháp, ấp ủ hy vọng khôi phục chủ
quyền dân tộc khi thời cơ tới. Đêm ngày 4 rạng sáng 5-7-1885, cuộc nổi dậy tại kinh thành
bắt đầu. Trong cảnh hỗn chiến, Tôn Thất Thuyết nhanh chóng, bí mật đưa vua Hàm Nghi
ra khỏi Hoàng Thành, chạy ra căn cứ Tân Sở (Quảng Trị). Tại Tân Sở, Tôn Thất Thuyết lấy
danh nghĩa vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân sĩ phu cùng với nhân
dân đứng chống lại thực dân Pháp xâm lược vào ngày 13-7-1885. Hưởng ứng lời kêu gọi,
nhân dân cả nước sục sôi khởi nghĩa, các căn cứ địa lần lượt được hình thành ở cả ba miền
tạo nên một phong trào chống Pháp rộng lớn. Chúng ta có thể kể đến căn cứ địa Hương
Khê ở Hà Tĩnh, Ba Đình - Mã Cao, Hùng Lĩnh ở Thanh Hóa. Ở khu vực Nam Trung Bộ có
căn cứ địa của đội nghĩa quân Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Duy Cung, Bùi Điền, Nguyễn
Đức Mậu. Vùng núi phía Bắc có căn cứ địa của nghĩa quân Hoàng Đình Kinh ở Hữu Lũng
(Lạng Sơn). Trên vùng thượng du Tây Bắc, Nguyễn Quang Bích đã chiêu mộ nghĩa quân,
lập được một loạt các căn cứ địa chống Pháp rất lớn mạnh, lan rộng khắp vùng sông Đà,
sông Hồng, sông Chảy. . .
141
Nguyễn Thị Thanh Hoa
Nhân dân đồng bằng sông Hồng đã xây dựng nhiều căn cứ quân sự để kháng chiến
làm bàn đạp tấn công kẻ thù. Một trong những căn cứ địa tiêu biểu ở đồng bằng sông
Hồng là Căn cứ địa Hai Sông.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Điều kiện tiền đề và sự ra đời của Căn cứ địa Hai Sông
Đốc Tít có nhiều tên khác như: Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Đức Hiệu, Nguyễn Đức
Tiết, Nguyễn Tất Thắng... Tên thật của ông là Nguyễn Xuân Tiết: (1851/1852 - 1913/1916)
[1;600]. Quê ông ở Yên Lưu Thượng, tổng Yên Lưu, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn (nay
là xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Ông sinh ra trong một gia đình nông
dân khá giả. Tuổi thơ của Đốc Tít không được bình yên vì gia đình ông có người cậu ruột
tham gia chống triều đình năm 1865. Cha mẹ và em trai ông phải đi lánh nạn ở Cao Bằng.
Ông và chị gái Nguyễn Thị Thành phải ở với chú. Chú nhà nghèo lại đông con, nên hai
chị em phải làm việc giúp chú thím. Tuy vậy, cả hai chị em đều là người có chí lớn. Chị
Thành tần tảo sớm khuya nuôi em ăn học. Xuân Tiết theo học cụ Quan Đoàn, sau theo
học Lão đồng tiên sinh Nguyễn Bí Thuần, sau lại theo học cụ Nguyễn Đức Học, thường
gọi là cụ Đốc, mở trường dạy học ở làng Hà Tràng, nay thuộc xã Thăng Long, huyện Kinh
Môn [9;243].
Nguyễn Xuân Tiết là người có tài, có thừa năng lực đi thi Hương, nhưng không tin
vào triều đình nhà Nguyễn. Ông không đi thi mà tìm thầy học võ. Tuy học võ nhưng ông
rất khoan dung độ lượng và cảm thông với hoàn cảnh của người nghèo. Vốn là người ham
học, lại có sức khỏe nên ngay từ khi còn trẻ tuổi đã nổi tiếng về các môn võ vật. Đây là
những cơ sở rất tốt cho ông xây dựng sự nghiệp đấu tranh vũ trang sau này.
Từ năm 1883, Đốc Tít đã lấy vùng Hai Sông làm căn cứ hoạt động. Vùng Hai Sông
nằm gọn giữa hai con sông Kinh Thầy và sông Đá Bạch, gồm có hai cù lao Lớn và Nhỏ,
cách nhau bởi một chi nhánh của sông Kinh Thày, mà nhân dân quen gọi là sông Hàm
Mấu. Căn cứ Hai Sông nằm trên địa phận của bốn huyện Kinh Môn, Đông Triều (Hải
Dương cũ), Yên Hưng (Quảng Yên cũ) và Thủy Nguyên (Kiến An cũ). Vùng Hai Sông
ngày nay gồm 13 xã thuộc 3 huyện Kinh Môn (Hải Dương), Đông Triều (Quảng Ninh)
và Thủy Nguyên (Hải Phòng). Nhìn trên bản đồ, chúng ta sẽ thấy đây không chỉ là vùng
sông núi tuyệt đẹp mà còn hiểm trở, rất thuận lợi cho nghĩa quân Hai Sông hoạt động. Khi
cần, nghĩa quân có thể mở rộng sự phối hợp hoạt động với các đội nghĩa quân ở các vùng
xung quanh như nghĩa quân của Tiền Đức ở ngoài đảo Cát Bà, nghĩa quân của Lưu Kỳ ở
trong rặng núi Đông Triều, nghĩa quân của Tạ Hiện (Đề Hiện) ở Thái Bình, nghĩa quân
của Nguyễn Thiện Thuật (Tán Thuật) ở Hưng Yên [4;61].
Căn cứ của nghĩa quân Đốc Tít là dựa vào những dẫy núi đá vôi có hang rất hiểm
trở ở cù lao Hai Sông. Doanh trại của nghĩa quân là những hang sâu thuộc những dẫy núi
142
Căn cứ địa Hai Sông trong phong trào Cần vương chống Pháp (1883-1889)
đá vôi kỳ vĩ. Ở đó có những hang động rất lớn như hang Pháp Cổ, Roãn Đông, Roãn Lại,
Dương Nham, Trại Sơn. Có những hang lớn và sâu có thể chứa được hàng ngàn người
nằm trong những dẫy đá vôi lởm chởm, nhọn hoắt. Thêm vào đó, ở đây còn có một ngọn
núi cao, nhân dân địa phương gọi là núi Chợ giời. Đứng trên ngọ núi đó, nghĩa quân có
thể quan sát được những hoạt động của địch từ rất xa.
Sức mạnh của căn cứ Hai Sông không chỉ thể hiện vị trí địa lý thuận, mà sức mạnh
của căn cứ này chính là sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Tháng 8-1885, Đốc Tít làm lễ
tế cờ trọng thể tại chùa Kim Liên, gương cao lá cờ đỏ với dòng chữ “Ninh sơn động chủ
- xướng nghĩa bình Tây”. Tất cả các tướng sĩ đều nguyện trung thành với vua Hàm Nghi.
Nhân dân 86 xã làng thuộc huyện Kinh Môn và huyện Thủy Nguyên đã nô nức cho con
em gia nhập nghĩa quân, đem lương thực đến ủng hộ nghĩa quân. Nhiều làng đã rào làng,
đắp lũy chống quân Pháp [9;250]. Cuộc khởi nghĩa Hai Sông đã thu hút nhiều thành phần
xã hội tham gia, không chỉ có nông dân mà còn có tiểu thương, tiểu chủ, một số quan lại,
binh lính trong hành ngũ quân Pháp. Cùng với Đốc Tít, có rất nhiều thủ lĩnh tài năng, xuất
sắc như: Lãnh Canh, Đốc Lăng, Lãnh Hai, Lãnh Pha, Lãnh Hùng, Bùi Hữu Tích.
Như vậy, Đốc Tít đã lợi dụng địa hình hiểm trở ở khu vực Hai Sông để xây dựng
căn cứ. Được sự ủng hộ to lớn của nhân dân, nghĩa quân Hai Sông dần trưởng thành, chủ
động tấn công địch cũng như cản phá được những đợt truy quyét của kẻ thù.
2.2. Hoạt động của nghĩa quân Hai Sông
Cuối năm 1884, nghĩa quân Trại Sơn đánh bật một tiểu đoàn lính Pháp đến tấn công
căn cứ, gây thiệt hại cho địch, buộc địch phải tháo chạy.
Ngày 30-11-1885, thực dân Pháp mở đợt tấn công quy mô vào căn cứ Trại Sơn.
Cuộc chiến đấu kéo dài cho đến ngày 11-12-1885, nghĩa quân chủ động rút khỏi Trại Sơn
về lập căn cứ mới tại Cù lao Hai Sông - một địa điểm nằm trong địa bàn tiêu quân khu Hải
Phòng của địch. Khoảng cuối năm 1885 quân số nghĩa quân thường xuyên có 600 người
[6;240].
Từ căn cứ Hai Sông, nghĩa quân mở nhiều đợt tấn công kẻ thù vào năm 1886. Tháng
5 - 1886, nghĩa quân Đốc Tít đánh 3 tàu chiến của Pháp tại cửa Hang Son, sông Đá Bạch
lên yểm hộ cho lục quân vây càn Đông Triều. Tháng 7- 1886, nghĩa quân Đốc Tít tấn công
đồn Đông Triều. Tháng 8- 1886, nghĩa quân Đốc Tít phục kích đoàn thuyền tiếp viện của
quân Pháp trên sông Kinh Thầy, thu được 6 tấn thuốc nổ và nhiều súng đạn. Quân Pháp
còn bị chết 25 tên [9;254].
Sang năm 1887, kẻ thù ngày càng có nhiều mưu đồ trong việc tiêu diệt phong trào
kháng Pháp của nhân dân ta nhằm bóc lột và cũng là để cho nền đô hộ của Pháp “được tôn
kính”. Trước hết, chúng tìm cách củng cố lại bộ máy ngụy quyền, thay thế một số quan
lại nhu nhược và trừng phạt họ khi nhân nhượng với nghĩa quân. Các đội quân cơ động
nhỏ chia nhau đi ngang dọc khắp trong tỉnh, các đồn bốt được xây dựng nhiều thêm. “Như
143
Nguyễn Thị Thanh Hoa
vậy, hệ thống đồn bốt cùng bộ máy ngụy quyền của địch đã được thống nhất lại, gắn chặt
với nhau nhằm chống lại phong trào du kích nói chung ở đồng bằng và đội quân Hai Sông
nói riêng để ổn định nền thống trị của chúng” [10;86-87].
Mặc dầu gặp nhiều khó khăn do phong trào Cần Vương ở đồng bằng sông Hồng bị
đàn áp, song nghĩa quân Hai Sông đạt được một số thắng lợi tiêu biểu sau:
- Tháng 8-1888, Đốc Tít phục kích đường số 5, diệt gần 100 lính khố xanh, Hoàng
Cao Khải lại thoát chết.
- Tháng 9- 1888, nghĩa quân tấn công đồn Uông Bí.
- Tháng 10-1888, nghĩa quân Đốc Tít chống quân Pháp càn quyét vào làng Trúc
Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Quân Pháp bị thiệt hại tới 100 tên [9;255].
Có thể nói, trận chiến đấu ác liệt nhất là trận chiến đấu bảo vệ căn cứ Hai Sông. Sau
khi đã nắm rõ quân số và địa điểm hoạt động của nghĩa quân, thực dân Pháp liên tiếp mở
những đợt tấn công quy mô vào sâu căn cứ địa. Giữa năm 1889, tổng số quân của Đốc Tít
khoảng 1100 người, trong đó một nửa có vũ khí [7;264]. Ngày 8-6-1889, quân Pháp giao
tranh rất ác liệt với nghĩa quân Đốc Tít tại Thủy Động (Quảng Yên). Cuộc chiến kéo dài
8 tiếng đồng hồ. Pháp hoảng sợ, rút chạy xuống chân núi. Tháng 7-1889, theo lệnh của
Pháp, tổng đốc Hải Dương Hoàng Cao Khải điều 1500 lính cơ đến tấn công cứ điểm Hai
Sông rất ác liệt [6;240]. Ngày 14-7 -1889, chúng đổ bộ lên miền trung tâm Hai Sông ở
những làng Niệm Sơn, Pháp Cổ, Việt Khê, Cổ Tử. Ngày 16-7, địch tập trung quân ở Roãn
Lại, gần Trại Sơn. Ngày 17-7-1889, địch tấn công hang núi Roãn Lại. Bị tấn công dồn
dập, nghĩa quân bị suy yếu, phải rút dần về hang núi Trại Sơn.
Đốc Tít vẫn kiên quyết chiến đấu bảo vệ căn cứ địa Hai Sông. Địch tìm mọi cách
bao vây nghĩa quân, kìm kẹp nhân dân hơn nữa, bằng cách thu mọi thuyền đò của nhân
dân, dựng thêm đồn bốt ở Pháp Cổ, ở Roãn Lại và ở Yên Lưu. Sà-lúp và ca-nô của địch
tuần tiễu suốt cả đên lẫn ngày. Đó là những động tác hỗ trợ, còn về chiến lược, chúng mở
những đợt tấn công như bão táp vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vào đại bản doanh của
đội quân Hai Sông. Thời điểm này, quân Đốc Tít chỉ vẻn vẹn 300 quân [3;150]. Thế cùng
lực kiệt (lương thực, đạn dược hết), Đốc Tít phải ra hàng ngày 12-8-1889 [8; 542]. Việc
Đốc Tít ra hàng, căn cứ địa Hai Sông không còn cơ sở để tồn tại nữa. Một số nghĩa quân
đã di chuyển ra vùng Đông Triều, một số đi theo Lãnh Hai, Lãnh Pha là hai tùy tướng
của Tiền Đức, một số tập hợp xung quanh tướng lĩnh cũ như Đề Cửu, Đốc Chuyên, Lãnh
Nam, Đốc Thuận để chiến đấu.
3. Kết luận
Căn cứ địa Hai Sông có những đặc điểm riêng, song nó cũng mang những đặc điểm
chung của các căn cứ địa cuối thế kỷ XIX: là chỗ dựa để duy trì phong trào chống Pháp,
được xây dựng trên cơ sở lợi dụng địa hình làng xã kết hợp với địa thế hiểm yếu vùng
144
Căn cứ địa Hai Sông trong phong trào Cần vương chống Pháp (1883-1889)
đồng bằng trung du và rừng núi. Dựa vào căn cứ địa, nghĩa quân tập hợp lực lượng, tích
trữ lương thực, vũ khí để đánh địch...
Mặc dù vậy, căn cứ địa Hai Sông không tránh khỏi thất bại. Xây dựng căn cứ địa
là hành động rất khẩn trương, kịp thời và giàu lòng yêu nước của các văn thân, sĩ phu.
Nhưng chính hành động đó lại được chỉ đạo bởi một hệ tư tưởng đã cũ kỹ, lỗi thời. “Gia
dĩ nhân nghĩa, trung hiếu Nho giáo trước kia đã có lúc nào là ít nhiều hữu hiệu, thì trong
điều kiện bấy giờ lại tỏ ra không đủ sức tập hợp số đông dân tộc, mở thông một con đường
cho cuộc giải phóng. Cuộc kháng chiến Cần Vương anh dũng thật, nhưng vẫn là ngõ bí!
Lịch sử đã đặt vấn đề mà điều kiện xã hội thì chưa đủ điều kiện giải quyết” [2;542].
Như vậy, chúng ta phần nào thấy được lý do thất bại của căn cứ địa Hai Sông. Thực
tế cho thấy, những người lãnh đạo đã chủ trương cố thủ ở Hai Sông trong điều kiện kẻ thù
rất mạnh, hoàn toàn có khả năng tiêu diệt căn cứ. Căn cứ Hai Sông trở nên đơn độc khi
phong trào du kích ở đồng bằng sông Hồng sụt xuống chưa gây dựng lại được. Sức mạnh
vô địch của nhân dân chưa được phát huy trong việc xây dựng và bảo vệ căn cứ...
“Căn cứ địa phong trào Cần Vương bị tan vỡ, nhưng đã để lại bài học kinh nghiệm
bổ ích cho các thế hệ tiếp theo vận dụng và phát triển phục vụ thiết thực sự nghiệp cứu
nước, tiến hành thắng lợi các cuộc khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh giải phóng dân tộc”
[5;192]. Đó cũng chính là ý nghĩa lịch sử căn căn cứ địa Hai Sông.
Căn cứ địa Hai Sông là một căn cứ địa lớn nhất ở tỉnh Hải Dương và lớn thứ hai ở
đồng bằng sông Hồng, có vai trò vô cùng quan trọng trong phong trào chống Pháp cuối
thế kỷ XIX, hỗ trợ rất đắc lực cho căn cứ địa Bãi Sậy. Mặc dù vậy, căn cứ địa Hai Sông
vẫn mang tính độc lập, nhất là trong việc chủ động tấn công địch cũng như đề ra kế hoạch
đối phó với kẻ thù. Tại miền sông nước đã hình thành nên đội quân chủ chốt của cuộc khởi
nghĩa Bãi Sậy. Đó là đội quân những người dân quê yêu xóm làng, đứng lên chống Pháp
từ rất sớm, ngay từ những ngày đầu đánh chiếm Bắc Kỳ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Văn Chiển, 2010. Từ điển Bách khoa đất nước con người Việt Nam, tập I. Nxb
Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
[2] Trần Văn Giàu, 1996. Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách
mạng tháng Tám, Tập I: Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm
vụ lịch sử. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[3] Vân Hà, 1951. Tán Thuật Bãi Sậy khởi nghĩa (1883-1889). Á Châu Ấn thư Xuất bản
cục.
[4] Đinh Xuân Lâm - Trương Chính, 1992. Về Đốc Tít, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hai Sông,
1883-1889. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4.
[5] Dương Đình Lập, 1981. Căn cứ địa trong phong trào Cần Vương chống Pháp (1885-
1896). Nxb Chính trị Quốc gia.
145
Nguyễn Thị Thanh Hoa
[6] Dương Kinh Quốc, 1981. Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1945, tập I: (1885-
1896). Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[7] Piglowski (A), 1930. Histoire de la Garde Indigène de L’Annam-Tonkin, Tome 1.
Hanoi, page 264.
[8] Trương Hữu Quýnh - Đinh Xuân Lâm - Lê Mậu Hãn, 2002. Đại cương Lịch sử Việt
Nam toàn tập. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[9] Vũ Thanh Sơn, 2001. Tướng lĩnh Bãi Sậy. Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
[10] Đặng Huy Vận - Bùi Văn Chép, 1970. Về những hoạt động của đội nghĩa quân vùng
Hai Sông trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Thông báo Khoa học Sử học,
tập V, Hà Nội.
ABSTRACT
Hai Song Revolutionary Base
in Can Vuong Movement against the French Colonialists (1883-1889)
Hai Song was a typical revolutionary base of the Can Vuong Movement which
opposed the French Colonialists (1883-1889). This revolutionary base was able to exist
and struggle on for 7 years due to the remoteness and difficult terrain of the location,
the intelligent leadership of the commander and the support of the local population. The
victories of the insurgent army could be said to have been the victories of the patriotic
peasants. Lessons have been drawn from the failure of Hai Song Revolution and these
lessons applied have helped build and defend our country.
146