Tóm tắt. Paul Auster là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học hậu
hiện đại Mỹ. Tác phẩm của ông hấp dẫn người đọc bởi những khát khao cháy bỏng
kiếm tìm cái quyền lực vô biên hòng kiểm soát cho được sự thăng bằng nơi tâm hồn
con người trong thế giới đầy hỗn mang, bế tắc, chất chứa bao điều ngẫu nhiên. Bởi
thế, việc xây dựng cốt truyện như là cuộc hành trình truy tìm, khám phá ý nghĩa và
cái giới hạn ảnh hưởng của sức mạnh ngẫu nhiên đối với cuộc sống của mỗi con
người chúng ta trong thế giới này, đã giúp nhà văn biểu hiện những khát vọng ấy
một cách ám ảnh và sâu sắc nhất. Trong tiểu thuyết Moon Palce, nhiều yếu tố của
tiểu thuyết phiêu lưu đã được lựa chọn để xây dựng cốt truyện. Cốt truyện ấy là
chất liệu thuận lợi để Paul Auster thực hiện cấu tứ nghệ thuật của mình. Đằng sau
đó, sẽ chứa đựng những ý nghĩa triết học và tư tưởng lớn lao.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 306 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cấu trúc cốt truyện phiêu lưu trong Moon Palace của Paul Auster, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2013, Vol. 58, No. 6, pp. 47-51
CẤU TRÚC CỐT TRUYỆN PHIÊU LƯU
TRONGMOON PALACE CỦA PAUL AUSTER
Nguyễn Thị Ngọc Thúy
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tây Bắc
Tóm tắt. Paul Auster là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học hậu
hiện đại Mỹ. Tác phẩm của ông hấp dẫn người đọc bởi những khát khao cháy bỏng
kiếm tìm cái quyền lực vô biên hòng kiểm soát cho được sự thăng bằng nơi tâm hồn
con người trong thế giới đầy hỗn mang, bế tắc, chất chứa bao điều ngẫu nhiên. Bởi
thế, việc xây dựng cốt truyện như là cuộc hành trình truy tìm, khám phá ý nghĩa và
cái giới hạn ảnh hưởng của sức mạnh ngẫu nhiên đối với cuộc sống của mỗi con
người chúng ta trong thế giới này, đã giúp nhà văn biểu hiện những khát vọng ấy
một cách ám ảnh và sâu sắc nhất. Trong tiểu thuyết Moon Palce, nhiều yếu tố của
tiểu thuyết phiêu lưu đã được lựa chọn để xây dựng cốt truyện. Cốt truyện ấy là
chất liệu thuận lợi để Paul Auster thực hiện cấu tứ nghệ thuật của mình. Đằng sau
đó, sẽ chứa đựng những ý nghĩa triết học và tư tưởng lớn lao.
Từ khóa: Paul Auster,Moon Palce, cấu trúc, cốt truyện phiêu lưu.
1. Mở đầu
Paul Auster là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học hậu hiện đại Mỹ.
Tác phẩm của ông hấp dẫn người đọc bởi những khát khao cháy bỏng kiếm tìm cái quyền
lực vô biên hòng kiểm soát cho được sự thăng bằng nơi tâm hồn con người trong thế giới
đầy hỗn mang, bế tắc, chất chứa bao điều ngẫu nhiên. Paul Auster quan niệm: “Cuộc sống
của chúng ta không thực sự thuộc về chính chúng ta. Bạn hiểu nó thuộc về thế giới, và
mặc dù chúng ta luôn nỗ lực ý thức về nó thì thế giới vẫn là một nơi vượt quá sự hiểu biết
của chúng ta” [Dẫn theo 7;55]. Bởi thế, hầu hết các tác phẩm của ông, với việc xây dựng
cốt truyện như là cuộc hành trình truy tìm, khám phá ý nghĩa và cái giới hạn ảnh hưởng
của sức mạnh ngẫu nhiên đối với cuộc sống của mỗi con người chúng ta trong thế giới
này, đã bộc lộ cái nỗ lực ấy. Soi chiếu vàoMoon Palace, một trong những tiểu thuyết tiêu
biểu được ông viết năm 1989, nhiều yếu tố của tiểu thuyết phiêu lưu đã được lựa chọn để
xây dựng cốt truyện. Có thể thấy, cốt truyện phiêu lưu là chất liệu thuận lợi để Paul Auster
thực hiện cấu tứ nghệ thuật của mình. Đằng sau đó, sẽ chứa đựng những ý nghĩa triết học
và tư tưởng lớn lao.
Ngày nhận bài 7/8/2012. Ngày nhận đăng 25/07/2013.
Liên lạc Nguyễn Thị Ngọc Thúy, e-mail: ngocthuytaybac@gmail.com
47
Nguyễn Thị Ngọc Thúy
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Khái quát về cốt truyện phiêu lưu
Trong Những vấn đề thi pháp Dostoievsky, M.Bakhtin xác định bản chất của cốt
truyện phiêu lưu: “không dựa vào chỗ nhân vật là ai, nó có địa vị thế nào trong cuộc sống,
mà đúng hơn dựa vào chỗ nó không phải như nó đang là thế, điều này không bị định trước,
bất ngờ xét từ quan điểm của bất cứ thực tại hiện hữu nào. Cốt truyện phiêu lưu không
dựa vào những hoàn cảnh hiện hữu và ổn định - các hoàn cảnh gia đình, xã hội, tiểu sử,
nó phát triển bất chấp các hoàn cảnh ấy. Hoàn cảnh phiêu lưu là hoàn cảnh mà bất cứ
người nào với tư cách là con người đều có thể lâm vào. Hơn nữa, cốt truyện phiêu lưu sử
dụng bất cứ sự định vị xã hội cố định nào không phải với tư cách một hình thức đời sống
đã hoàn tất, mà với tư cách “hoàn cảnh”. Theo nghĩa này, cốt truyện phiêu lưu mang tính
người sâu sắc. Mọi thiết chế, chế định xã hội và văn hóa, mọi đẳng cấp, giai cấp, mọi quan
hệ gia đình - tất thảy chỉ là những hoàn cảnh mà con người muôn thuở và lúc nào cũng
vẫn có thể lâm vào. Tự bảo tồn, khát vọng giành chiến thắng, tham vọng chiếm hữu, tình
yêu nhục thể - những nhiệm vụ do bản chất người muôn thuở đó quy định quyết định cốt
truyện phiêu lưu” [6;99].
Lê Huy Bắc cho rằng: “Cốt truyện phiêu lưu là nơi lưu giữ hiệu quả nhất, hoặc có
thể nói là nơi tạo được hiệu quả cân bằng nhất giữa hai phạm trù tất nhiên và ngẫu nhiên. . .
Ngẫu nhiên mãi mãi là chỗ dựa siêu nhiên, đa năng để con người lí giải những vấn đề bất
khả tri trong nhận thức” [5;26].
“Trong tiểu thuyết phiêu lưu những biến cố bất ngờ, đầy kịch tính xảy ra dồn dập
trong cốt truyện. Nhân vật đi lang thang nơi chân trời góc bể hoặc dấn thân vào những nơi
hiểm nguy, phần nhiều là những nguy hiểm chết người để hoàn thành một sứ mệnh, chinh
phục một miền đất hoang vu, một xứ sở xa lạ, phát hiện ra những kho báu, khám phá một
vụ án, một bí mật, có khi là bí mật của cả quốc gia” [6;219].
2.2. Cấu trúc cốt truyện phiêu lưu trongMoon Palace
Ở bề mặt của tác phẩm Moon Palace, ta có thể nhận ra: cuộc hành trình dọc ngang
trên những nẻo đường nước Mỹ bao la, những cuộc gặp gỡ bất ngờ, những hiểm nguy xảy
đến, sự giam cầm, cuộc chạy trốn và cái chết. . . , tất cả những biến cố mang bóng dáng
đặc trưng cốt truyện của tiểu thuyết phiêu lưu truyền thống.
Những dấu hiệu ấy có vai trò đặc biệt trong việc thực hiện ý đồ nghệ thuật của tác
giả, đó là, khám phá và biểu hiện ý nghĩa, giới hạn tác động của yếu tố ngẫu nhiên đối với
sự tồn tại của con người trong thế giới.
Hệ thống các sự kiện trong sự trình bày của Auster dường như đều mang tính tự nó,
xảy ra độc lập ngoài ý muốn của con người, theo kiểu ngẫu nhiên “tiền định”. Các biến
cố dồn dập in dấu lên cuộc đời bộ ba nhân vật, khiến họ từ những con người nhạy cảm,
can đảm chuyển sang hoài nghi, bất an và bế tắc khi đối diện với thế giới. Và có lẽ, chính
sự nhạy cảm, quyết liệt trong cảm xúc đã khiến cho lí trí dần mất khả năng kiểm soát
trong hành động, suy nghĩ. Sự dồn dập của các biến cố và đặc biệt là những phản ứng bất
thường của các nhân vật với những biến cố ấy tạo nên độ căng cho văn bản. Những nhân
tố ấy chính là sự hiển hiện của cuộc sống hậu hiện đại – đối tượng biểu hiện chủ yếu của
48
Cấu trúc cốt truyện phiêu lưu trongMoon palace của Paul Auster
tác phẩm. Thời báo New York đã đánh giá: “Paul Auster có thể viết với tốc độ và kĩ xảo
của một tay chơi bi-a kì cựu, thúc một sự kiện kì lạ này bật tường gọn gàng và hoàn toàn
bất ngờ thành một sự kiện kì lạ khác. . . tạo nên một câu chuyện lúc nào cũng tránh được
những đoán định của chúng ta.Moon Palace là một câu chuyện hấp dẫn, thách thức và ám
ảnh” [Dẫn lại 2;333].
Đặc biệt, trong đó, nhà văn chủ ý tạo ra những sự trùng hợp ngẫu nhiên kì lạ nhằm
tạo đà cho sự vận động của tiểu thuyết.
Tác phẩm kể về ba thế hệ của một gia đình, theo một mạch truyện đầy những yếu
tố bất ngờ, ngẫu nhiên. Từ việc Fogg vô tình được sinh ra; bất ngờ, đau đớn nhận được
tin ông bác – người thân duy nhất qua đời; đến việc Fogg khánh kiệt trở thành kẻ vô gia
cư rồi lại được Kitty tìm thấy trong công viên đã suy kiệt hoàn toàn; hay việc Fogg nhận
làm người chăm sóc cho ông Effing và nhận ra con trai của ông Effing chính là cha đẻ
của mình... Đó là việc Effing trải qua bao nhiêu biến cố hoạn nạn từ khi mang tên Julian
Barber đến khi mang cái tên họ mới này, Effing có thể nói chính xác ngày ông chết từ
trước đó khá lâu và chuẩn bị đầy đủ cho cái chết của mình kể cả việc viết cáo phó. . . Cái
ngẫu nhiên mà Auster tạo ra khiến người đọc hoài nghi song cái cách nhà văn bố trí chi
tiết đó lại đủ sức thuyết phục người đọc về những điều khó tin nhưng có thật của cuộc
sống.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên kì lạ đầu tiên chính là hoàn cảnh xuất thân của các nhân
vật. Định mệnh đã sắp đặt cái hoàn cảnh sinh thành của họ như những vòng tròn đồng
tâm. Chính điều này đã tạo ra niềm tin và sức mạnh đồng cảm để những con người tưởng
như hoàn toàn xa lạ xích lại gần nhau và cùng quyết liệt dấn thân vào cuộc thử thách. Số
phận, những linh cảm kì diệu, đặc biệt sức mạnh của dòng máu thiêng liêng chảy trong
huyết quản đã đưa họ về bên nhau sau những lưu lạc, chia phôi nghìn trùng. Chỉ có điều,
sự thấu hiểu và đồng cảm đích thực chỉ đến khi cái chết và sự sống chia cắt họ.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên thứ hai, chính là thế giới nội tâm phức tạp, đầy đổ vỡ của
các nhân vật. Cả ba người luôn bức bách trong nỗi cô đơn không thể giải tỏa và trở nên
khác thường. Effing trở thành một ông già khó ưa, thất thường; Solomon thì đùa giỡn với
hình hài kì dị của mình bằng mọi thứ lố bịch, màu mè như thách thức tất cả với một vẻ thờ
ơ, trầm tĩnh. Fogg thì buông xuôi và sẵn sàng chấp nhận mọi thứ: sẵn sàng đày đọa thân
thể mình hay chấp nhận việc mình thất nghiệp như một cách để những người thất nghiệp
khác có công ăn việc làm.
Cuốn tiểu thuyết của Auster còn gợi ta nghĩ đến thuyết nhân quả. Sự chối bỏ thế hệ
này luôn dẫn đến bi kịch cho thế hệ sau: Effing từ bỏ đứa con còn ẵm ngửa để lên đường
đến một miền đất hoang vu và tạo nên một cái chết giả cho chính mình. Đứa con của
Effing là Solomon, lớn lên trong cảnh vắng cha, bên cạnh người mẹ luôn điên loạn, cũng
bỏ rơi đứa con của mình là Fogg. Dù yêu quý và có bao ảo tưởng về một gia đình hạnh
phúc nhưng Fogg cũng không thể giữ đứa con trong bụng Kitty. Sự quẩn quanh đó khiến
các nhân vật càng ngày càng rơi vào bế tắc.
Và rồi điều ngẫu nhiên trùng hợp thứ ba lại xảy ra. Cả ba người đàn ông đều bất
hạnh trong tình yêu. Ba người phụ nữ trong cuộc đời của họ đều theo những lẽ ngẫu nhiên
khác nhau vừa rời xa họ, vừa bị họ rời xa, để lại những khoảng trống không thể lấp đầy
trong tâm hồn.
49
Nguyễn Thị Ngọc Thúy
Tất cả những sự trùng hợp ngẫu nhiên cứ nối tiếp nhau xuất hiện trong cốt truyện,
tạo thành một chuỗi những mắt xích bất ngờ không thể lí giải một cách rõ ràng nhưng nó
chứng tỏ sự hiện diện của vô vàn những yếu tố ngẫu nhiên trong thế giới này. Chúng luôn
luôn tác động tới con người theo những cơ chế và cách thức không thể đoán định. Và như
thế, nhà văn đã gợi nên trong tác phẩm một bầu không khí riêng của những ám ảnh đầy bí
ẩn, vượt ra ngoài sự kiểm soát của ý thức con người.
Mặt khác, những bước ngoặt trong cuộc đời các nhân vật luôn xuất hiện bất thình
lình. Vì những quãng ngắt đột ngột này mà trong một phút sao nhãng, người đọc có thể dễ
dàng đi lạc khỏi mạch truyện chính mà sa vào những sự kiện, câu chuyện bên lề của các
nhân vật.
Qua đó, ta có thể dễ dàng nhận ra nhiều nét tương đồng giữa tiểu thuyết Moon
Palace với hình thức tiểu thuyết phiêu lưu. Các nhân vật đều có những cuộc phiêu lưu đến
những miền đất hoang vu ít người biết tới. Hơn nữa, sự lặp đi lặp lại những chuyến phiêu
lưu của cả ba thế hệ: ông Effing, giáo sư Solomon và Fogg nói lên khát vọng không thỏa
của con người trong việc tìm chỗ đứng cho bản thân mình.
Từ bỏ gia đình và tài sản kếch xù, thậm chí từ bỏ cả số phận của chính mình để cải
trang thành một người khác, Effing sống ẩn dật trong một cái hang của bọn cướp. Khác đi
một chút, Solomon và Fogg đều ấp ủ khát vọng lập lại chính chuyến phiêu lưu của Effing.
Họ đều là những nhân vật mồ côi. Hành trình xác lập bản thân của họ chính là hành trình
họ đi tìm lại nguồn cội. Vì thế nói cho cùng, việc tìm cách lần theo quá khứ của thế hệ đi
trước là cách để những người con lớn lên trong hoàn cảnh không rõ gốc gác của mình đi
tìm lại nguồn gốc của bản thân.
Thêm vào đó, xét về số lượng những cuộc gặp gỡ, ta thấy: không giống như trong
tiểu thuyết phiêu lưu truyền thống nơi số lượng những cuộc gặp gỡ rất lớn, ởMoon Palace
ta chỉ thấy có tất cả ba cuộc gặp gỡ đáng kể là: giữa Fogg với Kitty, Effing, Baber. Điều
này nói lên sự bất lực trong khả năng thiết lập mối quan hệ với thế giới xung quanh, sự
chối bỏ thực tại để tìm về nỗi cô đơn nơi thẳm sâu tâm hồn hoang hoải của nhân vật.
Qua đó, ta thấy, nhân vật trong tiểu thuyết phiêu lưu truyền thống dấn thân vào cuộc
hành trình đã ý thức một cách tự chủ mục đích hành động, khao khát kiếm tìm những điều
mới lạ, bất ngờ. Thông thường, những nhân tố tâm lí tự giác ấy sẽ là nguyên nhân thúc
đẩy nhân vật hành động để tạo ra các biến cố thúc đẩy sự vận động của cốt truyện, nhưng
ở Moon Palace, những nhân tố ngẫu nhiên bên ngoài mà các nhân vật gặp phải trên cuộc
hành trình sẽ thực hiện sứ mệnh ấy. Hơn nữa, ngược trở lại chính những nhân tố ngẫu
nhiên bên ngoài ấy lại tạo ra những diễn biến tâm lí phức tạp, không thể lí giải theo logic
thông thường, hay nói cách khác chúng làm cho cái phi tâm lí lấn át những cách phản ứng
theo lẽ tất yếu. Ông – cha – con Fogg lao mình vào cuộc hành trình mà không biết mình
sẽ đi đâu về đâu, không biết ý nghĩa đích thực của hành động. Tất cả diễn ra theo tiếng gọi
mơ hồ của cõi vô thức. Thậm chí, cái lí trí yếu đuối đã nhiều lần lên tiếng: “phải dừng lại
trước khi quá muộn”, nhưng nó vẫn không thể nào níu giữ họ trở về trạng thái cân bằng
để có thể quyết định dừng bước.
Nếu trong tiểu thuyết phiêu lưu truyền thống người kể chuyện ở ngôi thứ ba toàn
tri, biết tuốt vẽ ra đường đi nước bước cho nhân vật, thì ở tác phẩm này, đã có sự di động
điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật, nó là một cách để “khách quan hóa” hiện
thực. Tạo cho người đọc ấn tượng mọi sự đều mang tính “tự nó” một cách tình cờ. Ở đó,
50
Cấu trúc cốt truyện phiêu lưu trongMoon palace của Paul Auster
các nhân vật được đẩy vào một thế giới hỗn độn và có thể tự giác bộc lộ những thức nhận
về vô vàn biến cố xảy đến với mình trong thế giới ấy.
3. Kết luận
Như vậy, từ những dấu hiệu bề mặt của tiểu thuyết phiêu lưu in dấu trong tác phẩm,
ta có thể nhận thấy những sáng tạo độc đáo cũng như chiều sâu tư duy của Paul Auster
trong việc thể hiện yếu tố ngẫu nhiên như là đối tượng thẩm mỹ chủ yếu của tác phẩm.
Hành trình phiêu lưu của nhân vật trên những nẻo đường vô định không phải là
hành trình khám phá những vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới mà là hành trình
đi tìm bản thể. Một cuộc đào thoát khỏi thế giới mất mát, đổ vỡ thường nhật. Một khát
vọng khôn nguôi về sự gắn kết nhân sinh bằng tình yêu và tự do, khát vọng xác lập giá
trị và giới hạn sự tồn tại của con người. Và ở đó, sức mạnh ngẫu nhiên có khả năng tạo ra
những thay đổi ghê gớm. Ở đây, cái ngẫu nhiên gắn với cái phi lí tính, nó loại bỏ sự có mặt
của lí tính với tư cách là đối tượng mà chủ nghĩa hậu hiện đại thẳng thừng tuyên chiến.
Có thể nói, điểm độc đáo của tiểu thuyết Paul Auster là cốt truyện thường mang
phong cách “giả tưởng” của một kiểu loại cốt truyện truyền thống nào đó. Nhưng đằng
sau bóng dáng cốt truyện quen thuộc ấy là những ý đồ sáng tạo độc đáo và hậu hiện đại
của nhà văn. Phải chăng đây là phương thức trò chơi của thể loại mà các nhà văn hậu hiện
đại thường vận dụng sáng tạo trong tác phẩm của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thị Hoài Thanh (sưu tầm và biên soạn),
2003. Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lí thuyết. Nxb Hội nhà văn và
Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
[2] Paul Auster, 2009. Moon Palace. Cao Việt Dũng dịch, Nxb Văn học, Hà Nội.
[3] Bakhtin. M. Những vấn đề về thi pháp Đôxtôepxki. Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân,
Vương Trí Nhàn dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4] Lê Huy Bắc, 2009. Paul Auster và Nhạc đời may rủi. Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số
6, trang 74 - 95.
[5] Lê Huy Bắc, 2008. Cốt truyện trong tự sự. Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 7,.
[6] Phan Cự Đệ chủ biên, 2004. Văn học Việt Nam thế kỉ XX. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[7] Brendan Martin, 2008. Paul Auster’s Postmodernity. Routledge, New York.
ABSTRACT
Composition of adventure plot inMoon Palace by Paul Auster
Paul Auster is one of the most outstanding representatives of American Postmod-
ern literature. His readers are fascinated by the strong desire to pursue boundless power
to maintain a human, spiritual balance in a chaotic, impassable and coincidental world.
Through the adventurous plot in Moon Palace, readers look for identity and personal
meaning in real life while relating to coincidence and random events which helped him
manifest his ideas effectively. In Moon Palace, many chance occurrences were employed
to build up the fertile narrative plot. The plot itself contains many great ideological and
philosophical values.
51