Chiến lược con người, Vì con người
Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn hướng đến con người, vì con người. Hệ thống luận điểm của Người mang đậm tính nhân đạo, nhân văn. Bàn về bất cứ lĩnh vực nào, vấn đề gì và cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, mọi hành động của mình, Hồ Chí Minh đều dốc hết tâm can, bầu nhiệt huyết đấu tranh cho tự do cho hạnh phúc của nhân dân và của nhân loại, cho độc lập dân tộc và hòa bình thế giới. Để thực hiện lí tưởng cao đẹp đó, Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giáo dục lên trên hết. Người là nhà giáo dục toàn bích và vĩ đại. Chiến lược giáo dục của Người là toàn diện. Phương châm giáo dục của Người là kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, được thể hiện bằng phương pháp học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm, lý luận đi đôi với thực tiễn, với những biện pháp từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, dễ hiểu – dễ nhớ - dễ làm. Tất cả những điều phức tạp, trừu tượng, cao siêu, qua cách nói, cách viết, cách thực hành của Người đều trở nên giản dị, gần gũi và thuyết phục mọi người, dù đó là ai, trình độ cao hay thấp, nhiều tuổi hay ít tuổi, người đa số cũng như người thiểu số, người theo tôn giáo hay không theo tôn giáo, trí thức hay công nhân, nông dân ; và kể cả những người đối lập chính kiến dần dần cũng phải thừa nhận những chân lý do Người nêu ra. Điều ẩn sâu trong cách giáo dục của Hồ chí Minh là làm thế nào để mọi người nhận ra lẽ phải,làm theo lẽ phải – bởi lẽ là một trong những tiêu chí quan trọng của tính người. Cho nên, việc giáo dục đạo đức – đạo đức cá nhận và đạo đức xã hội – luôn luôn được Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu. Đức của người – cần, kiệm, liêm, chính – là trung tâm của mối quan hệ tam tài ( thiên- địa- nhân), là cái mấu chốt nhất để khẳng định nhân tính, là điểm khởi đầu và là mục đích làm người, thành người, tức là có ích đối với xã hội. Tính mục đích trong chiến lược giáo dục của Hồ Chí Minh rất rõ ràng – xây dựng con người. Hay nói cách khác, trong tư tưởng Hồ chí Minh, chiến lược giáo dục chiếm vị trí hàng đầu của chiến lược con người. Xây dựng con người là mục đích chung của chiến lược giáo dục. Đối với người cách mạng, chiến lược giáo dục có yêu cầu cao hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đạo đức cách mạng, bởi muốn vận động,giáo dục quần chúng nhân dân giác ngộ và đi theo cách mạng, ủng hộ cách mạng thì mỗi cán bộ phải “cách mạng tiên cách nhân”, phải tự nguyện làm công bọc của dân, phải giữ trọn nguyên tắc đạo đức “điều gì mà mình không muốn thì đừng làm với người khác”. Đạo đức cách mạng ấy là hãy biết vì người khác, biết đặt lợi ich cách mạng, lợi ích dân tộc, lợi ích của dân tộc là trên hết. chung quy lại đó là phép xử thế; phải học cách xử thế với mọi người, với xã hội và xử thế ngay với bản thân mình. Cho nên yêu cầu đặt ra cho mỗi người cán bộ, đảng viên là phải luôn luôn điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mình theo các tiêu chuẩn đạo đức xã hội, trước tiên là thực hành cần- kiệm- liêm- chính. Trong bài báo nhan đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, kí T.L.đăng trên báo Nhân Dân ra ngày 3/2/1969, chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “ Mỗi cán bộ, Đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỉ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt nhiệm vụ”. Trong tác phẩm này, Hồ Chí Minh phân tích những biểu hiện, những hậu quả nghiêm trọng, những tác hại sâu xa của chủ nghĩa cá nhân một cách cụ thể và sâu sắc.Người khẳng định: “ Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”. Nói cách khác, nếu không “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” thì không thể đạt được mục đích “xây dựng con người”, không thể thực hiện được chiến lược con người, vì con người. Cho nên Người khuyên mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức bằng cách học tập để nâng cao trình độ hiểu biết. Học là con đường tốt nhất để giải phóng bản thân khỏi sự tối tăm, gột rửa những thói hư tất xấu, để làm chủ mình, từ đó có thể giúp đỡ người khác, đem sức mình cống hiến cho xã hội một cách có ích và thiết thực. Cũng bởi vậy Hồ Chí Minh đã nói: “ Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”.trong câu này, chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu: “xây dựng con người mới” – con người xã hội chủ nghĩa, vừa hồng vừa chuyên, vừa có đức vừa có tài để tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vị trí của con người vẫn là trung tâm, vẫn là điểm khởi đầu và là mục đích mà xã hội mới phải hướng tới để mưu cầu, để phục vụ. Nếu không phải vậy thì cách mạng không còn ý nghĩa đích thực là một cuộc đổi đời, không phải là tiến trình của tiến bộ xã hội. Cách mạng là để giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu, tối tăm, tiến tới ấm no, hạnh phúc. Hoàn thành cách mạng dân tộc mà không hướng tới và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì không thể đảm bảo được độc lập dân tộc và tự do cho nhân dân nói gì đến tự do và hạnh phúc. Nhưng muốn có một xã hội mới trước hết cần có những con người mới với đầy đủ các phẩm chất đức và tài. Chỉ có một nền giáo dục tiên tiến, toàn diện và vận hành tới mục tiêu vì con người thì mới có thể đào tạo, bồi dưỡng được những lớp người mới. Tiêu chí của con người mới xã hội chủ nghĩa có nhiều và vận động thay đổi không ngừng để phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kì của cách mạng,song căn bản và trước hết, như chủ tịch Hồ Chí Minh nói, trong mỗi con người phải “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.