Chiến lược phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ

1. Mở đầu Một trẻ được xác định là bị khuyết tật trí tuệ khi trẻ đó có ba đặc điểm sau: hoạt động trí truệ dưới mức độ trung bình, hạn chế ít nhất hai trong số mười hành vi thích ứng và tật của trẻ xuất hiện trước 18 tuổi [3]. Nghiên cứu về trí nhớ của trẻ mầm non có tác giả Trần Công Khanh với bài viết “Phương pháp phát triển trí nhớ cho trẻ mầm non 2-3 tuổi” [1]; tác giả Robert Kail trong cuốn sách The Development of Memory in Children ngoài việc đưa ra các đặc điểm và phương pháp, chiến lược phát triển trí nhớ cho trẻ không khuyết tật, ông đã dành một dung lượng đáng kể viết về vấn đề này của trẻ khuyết tật trí tuệ [5], tác giả Lucy Henry trong cuốn The Development of Working Memory in Children cũng đã đề cập đến chiến lược phát triển trí nhớ của trẻ khuyết tật trí tuệ [6]. . . Các nghiên cứu đều khẳng định sự cần thiết phải sử dụng các phương pháp, chiến lược phát triển trí nhớ cho trẻ em nói chung và trẻ khuyết tật trí tuệ nói riêng. Tuy nhiên, các nghiên cứu này mới chỉ dành cho trẻ không khuyết tật hoặc các nghiên cứu nước ngoài bao gồm các thông tin khá rời rạc và đôi chỗ chưa phù hợp với trẻ khuyết tật trí tuệ và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Ở bài viết này, chúng tôi trình bày các chiến lược phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ một cách hệ thống, với những hướng dẫn cụ thể.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 213 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chiến lược phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE 2014, Vol. 59, No. 6BC, pp. 367-372 This paper is available online at CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRÍ NHỚ CHO TRẺ KHUYẾT TẬT TRÍ TUỆ Nguyễn Thị Hoa Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Trẻ khuyết tật trí tuệ có khó khăn trong nhiều lĩnh vực, một trong những khó khăn lớn đó là sự hạn chế về mặt trí nhớ của các em. Sự hạn chế này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển các mặt còn lại của trẻ. Phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ là việc làm rất quan trọng và cần có các chiến lược phù hợp. Ở bài viết này, chúng tôi xin đề xuất một số chiến lược phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ. Từ khóa: Trí nhớ, trẻ khuyết tật trí tuệ, phát triển trí nhớ, chiến lược phát triển trí nhớ. 1. Mở đầu Một trẻ được xác định là bị khuyết tật trí tuệ khi trẻ đó có ba đặc điểm sau: hoạt động trí truệ dưới mức độ trung bình, hạn chế ít nhất hai trong số mười hành vi thích ứng và tật của trẻ xuất hiện trước 18 tuổi [3]. Nghiên cứu về trí nhớ của trẻ mầm non có tác giả Trần Công Khanh với bài viết “Phương pháp phát triển trí nhớ cho trẻ mầm non 2-3 tuổi” [1]; tác giả Robert Kail trong cuốn sách The Development of Memory in Children ngoài việc đưa ra các đặc điểm và phương pháp, chiến lược phát triển trí nhớ cho trẻ không khuyết tật, ông đã dành một dung lượng đáng kể viết về vấn đề này của trẻ khuyết tật trí tuệ [5], tác giả Lucy Henry trong cuốn The Development of Working Memory in Children cũng đã đề cập đến chiến lược phát triển trí nhớ của trẻ khuyết tật trí tuệ [6]. . . Các nghiên cứu đều khẳng định sự cần thiết phải sử dụng các phương pháp, chiến lược phát triển trí nhớ cho trẻ em nói chung và trẻ khuyết tật trí tuệ nói riêng. Tuy nhiên, các nghiên cứu này mới chỉ dành cho trẻ không khuyết tật hoặc các nghiên cứu nước ngoài bao gồm các thông tin khá rời rạc và đôi chỗ chưa phù hợp với trẻ khuyết tật trí tuệ và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Ở bài viết này, chúng tôi trình bày các chiến lược phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ một cách hệ thống, với những hướng dẫn cụ thể. Liên hệ: Nguyễn Thị Hoa, e-mail: nguyenthihoa2983@yahoo.com. 367 Nguyễn Thị Hoa 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái niệm trí nhớ Trí nhớ là một quá trình tâm lí phản ánh những kinh nghiệm của cá nhân dưới hình thức biểu tượng, bao gồm sự ghi nhớ, giữ gìn và tái tạo lại sau đó ở trong óc cái mà con người đã cảm giác, tri giác, xúc cảm, hành động hay suy nghĩ trước đây [2]. 2.2. Một số đặc điểm trí nhớ của trẻ khuyết tật trí tuệ Ellis (1963) đã đưa ra một trong những giải thích đầu tiên về sự suy giảm trí nhớ của những người có khuyết tật trí tuệ. Ông cho rằng sự suy giảm về trí nhớ ở những cá nhân khuyết tật trí tuệ xảy ra thường xuyên hơn và diễn ra một cách nhanh chóng hơn những cá nhân không khuyết tật trí tuệ [5]. Trẻ khuyết tật trí tuệ khó khăn trong việc ghi nhớ các thông tin bằng lời nói, đặc biệt là câu nói dài và lượng thông tin nhiều. Các em ghi nhớ dễ dàng hơn với các thông tin trực quan như hình ảnh, đồ vật thật, mô hình. . . Thời gian lưu giữ thông tin của trẻ khuyết tật trí tuệ ngắn: Trẻ khuyết tật trí tuệ mất nhiều thời gian để có thể ghi nhớ được một nội dung kiến thức. Nhưng khi đã ghi nhớ được thì các em lại rất nhanh quên. Tức là độ bền của trí nhớ thấp. Trẻ khuyết tật trí tuệ gặp nhiều khó khăn trong việc tái hiện lại những gì đã ghi nhớ. Các em có thể tái hiện không đúng hoặc tái hiện không đầy đủ các nội dung đã ghi nhớ. Sự suy giảm trí nhớ của trẻ khuyết tật trí tuệ được thể hiện ở việc các em thường gặp khó khăn trong sử dụng các chiến lược ghi nhớ một cách phù hợp (Belmont và Butterfilel, 1971; Brown, 1974) [4]. Các tác giả Belmont (1978), Borkowski, Peck và Damberg (1991); Detter-man (1979), Ellis (1978), Weisz và Brom-Field (1986) cho rằng, trẻ khuyết tật trí tuệ giảm khả năng trong việc sử dụng chiến lược nhắc lại theo trật tự (rehearsal). Kết quả nghiên cứu ở cùng nội dung và mục đích nghiên cứu của Bray và Turner, 1986 cũng cho kết quả tương tự. Bray, Turner đã nghiên cứu về việc dạy trẻ khuyết tật trí tuệ sử dụng chiến lược nhắc lại theo trật tự. Kết quả là trẻ không khuyết tật trí tuệ nhắc lại được hết các từ, trong khi đó, hiếm khi trẻ khuyết tật trí tuệ nhắc lại được các từ trong nhóm một cách thành công. Cũng nghiên cứu về nội dung sử dụng chiến lược nhắc lại theo trật tự của Belmont và Butterfield (1971), kết quả chỉ ra rằng: Trẻ không khuyết tật trí tuệ đã nhắc lại từ đầu đến cuối dãy từ một cách chính xác, sự thể hiện này đã phản ánh kĩ năng sử dụng chiến lược ghi nhớ của trẻ. Trong khi đó, trẻ khuyết tật trí tuệ nhắc lại chuỗi các từ một cách lộn xộn, không theo trật tự. Trẻ khuyết tật trí tuệ cũng không thể nhắc lại được đầy đủ tất cả các từ trong dãy. Trẻ khuyết tật trí tuệ thường thất bại trong việc sử dụng chiến lược tổ chức thông tin. Thực nghiệm được tiến hành như sau: Trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ không khuyết tật trí tuệ được yêu cầu nhớ các từ: Quần, màu cam, ô tô, áo, máy bay, đôi giày, màu xanh dương, cái thuyền, màu xanh lá. Kết quả là trẻ khuyết tật trí tuệ không nhắc lại được hết các từ. Đó là do trẻ có hạn chế trong việc tổ chức thông tin. Trong khi đó, trẻ không khuyết tật trí tuệ có thể nhắc lại được hết các từ. Các 368 Chiến lược phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ em đã sử dụng chuỗi - quần áo, màu sắc, phương tiện giao thông - để tổ chức việc hồi tưởng. Trẻ khuyết tật trí tuệ dường như sử dụng cách tổ chức theo hệ thống như thế này ít thường xuyên hơn trẻ không khuyết tật trí tuệ. Kết quả này được trình bày trong một chuỗi các nghiên cứu của Spitz (1966) [5]. Tốc độ ghi nhớ của trẻ khuyết tật trí tuệ chậm: Sự khác nhau giữa trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ không khuyết tật trí tuệ trong nghiên cứu về tốc độ ghi nhớ đã được tìm thấy ở một vài nghiên cứu trong đó một số mô hình được sử dụng. Dugas và Kellas (1974) đã so sánh sự thể hiện của thanh thiếu niên khuyết tật trí tuệ trong nhóm tuổi 15-16. Thời gian ghi nhớ ở trẻ bình thường tăng 45/1000 giây cho mỗi số được thêm vào trong bộ số, trong khi đó thời gian ghi nhớ ở thanh thiếu niên khuyết tật trí tuệ cao hơn gần 2 lần, khoảng gần 90/1000 giây [4]. 2.3. Chiến lược phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ Dựa trên những đặc điểm trí nhớ trên của trẻ khuyết tật trí tuệ, để phát triển trí nhớ cho các em, có thể sử dụng một số chiến lược sau: * Trực quan hóa Trẻ khuyết tật trí tuệ có tư duy trực quan phát triển tốt hơn tư duy logic [3]. Trẻ khuyết tật trí tuệ học tập một cách hứng thú và ghi nhớ tốt hơn với các nội dung được trực quan hóa. - Mục tiêu của chiến lược: Giúp trẻ khuyết tật trí tuệ ghi nhớ dễ dàng hơn dựa trên điểm mạnh của trẻ. - Cách sử dụng chiến lược: Với mỗi thông tin cần trẻ ghi nhớ, người lớn cố gắng trực quan hóa đến mức tối đa để hỗ trợ khả năng ghi nhớ của các em. Đó chính là việc chúng ta sử dụng các đồ dùng trực quan như vật thật, mô hình, hình ảnh..., Với các thông tin bằng từ ngữ, chúng ta có thể sơ đồ hóa, mô hình hóa. . . khi dạy học cho các em. * Nhắc lại theo trật tự (rehearsal strategy) Đây là chiến lược dạy học được sử dụng để phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ, trong đó trẻ được yêu cầu nhắc lại danh sách các từ, hình ảnh. . . theo trật tự, mỗi khi được thêm một từ hay hình ảnh mới, trẻ phải nhắc lại toàn bộ chuỗi bắt đầu từ từ hay hình ảnh đầu tiên. - Mục tiêu của chiến lược: Rèn khả năng ghi nhớ và tái hiện thông tin của trẻ khuyết tật trí tuệ. - Quy trình dạy sử dụng chiến lược: Bước 1: Đưa ra mục cần nhớ đầu tiên, trẻ nhắc lại. Bước 2: Tiếp theo đưa ra mục cần nhớ tiếp theo, trẻ nhắc lại mục đầu tiên và mục thứ hai,... Bước 3: Tiếp tục như vậy cho đến hết chuỗi Lưu ý: Số lượng các bước tùy thuộc vào số lượng các mục trẻ cần ghi nhớ. Ví dụ 1: Dạy trẻ ghi nhớ tên bộ 4 bức tranh: ô tô, cái cây, quyển sách và cái ghế. Đầu tiên trẻ được nhìn thấy ô tô đầu tiên và nói “ô tô”, sau đó trẻ được nhìn thấy cái cây và nói “ô tô, cái cây”. Tiếp theo, trẻ được nhìn thấy quyển sách và nói “ô tô, cái cây, quyển sách”. Cuối cùng, trẻ được nhìn thầy cái ghế và nói “ô tô, cái cây, quyển sách và cái ghế” 369 Nguyễn Thị Hoa Ví dụ 2: Dạy trẻ ghi nhớ bộ 3 số: 4-7-3. Ban đầu, trẻ được cho xem số 4, trẻ nói “4”. Sau đó trẻ được cho xem số 7, trẻ nói “4, 7”. Cuối cùng, trẻ được cho xem số “3”, trẻ nói “4, 7, 3.” Ornstein (1977) chỉ ra rằng, ở trẻ không khuyết tật lớp 2 có thể nhắc lại theo trật tự một hoặc hai mục cùng nhau (đó là các từ, tranh ảnh, đồ vật. . . ). Khi được hướng dẫn, trẻ lớp 2 có thể học để nhắc lại theo trật tự nhiều hơn hai mục cùng nhau và việc nhắc lại có thể giống như trẻ lớp 6. Fergusen và Bray (1976) gợi ý rằng, việc nhắc lại theo trật tự các mục là chìa khóa trong việc cải thiện trí nhớ trẻ khuyết tật trí tuệ. Việc áp dụng chiến lược nhắc lại theo trật tự để dạy trẻ khuyết tật trí tuệ là việc làm rất cần thiết. Các nghiên cứu về việc sử dụng dạy nhắc lại theo chuỗi chỉ ra rằng trẻ khuyết tật trí tuệ có thể sử dụng chiến lược nhắc lại theo trật tự và trí nhớ ngắn hạn của các em được cải thiện (Butterfield, Wambold & Belmont, 1973; Brown, Campione, Bray & Wilcox, 1973; Conroy, 1978; Hulme & Mackenzie, 1992;Kellas, Ashcraft & Johnson, 1974; Turnbull, 1974). Broadley & MacDonald (1993), Comblain (1994), Laws, MacDonald & Buckley (1996) cho rằng, việc nhắc lại theo trật tự sẽ làm cải thiện trí nhớ công việc của trẻ khuyết tật trí tuệ. Chiến lược nhắc lại theo trật tự là việc phù hợp nhất khi các thông tin cần nhớ ít. Khi lượng thông tin tăng lên thì cần đến các chiến lược ghi nhớ liên quan đến việc phải tổ chức thông tin sau: * Tổ chức thông tin (organizational strategy) Khi lượng thông tin tăng lên, yêu cầu trẻ cần phải biết cách sử dụng chiến lược tổ chức thông tin để tổ chức, sắp xếp thông tin giúp cho việc ghi nhớ dễ dàng hơn. - Mục tiêu của chiến lược: Dạy trẻ khuyết tật trí tuệ sử dụng chiến lược tổ chức thông tin nhằm giúp cải thiện trí nhớ cho trẻ. Hơn nữa, khi thông tin được sắp xếp theo logic chặt chẽ sẽ giúp trẻ ghi nhớ thông tin được lâu hơn và tái hiện chính xác hơn. - Quy trình dạy sử dụng chiến lược tổ chức thông tin: Bước 1: Lựa chọn thông tin cần ghi nhớ phù hợp với trẻ (lượng thông tin có thể nhiều hơn so với khi dạy trẻ sử dụng chiến lược nhắc lại theo trật tự, thông tin có thể chia được thành các chủ đề khác nhau) Bước 2: Hướng dẫn trẻ sắp xếp thông tin theo các chủ đề (số lượng các chủ đề phụ thuộc vào thông tin yêu cầu trẻ cần nhớ) Bước 3: Hướng dẫn trẻ ghi nhớ thông tin theo từng chủ đề (có thể sử dụng chiến lược nhắc lại theo trật tự ở trên) Bước 4: Hướng dẫn trẻ ghi nhớ cả chuỗi thông tin (tổng tất cả các chủ đề). Ví dụ: Dạy trẻ ghi nhớ các đồ dùng cần phải mang theo khi đến lớp và mang về khi ra về: “áo, bút, mũ, sách, vở, dép”, cần hướng dẫn trẻ tổ chức chuỗi thông tin thành hai chủ đề. Chủ đề đồ dùng học tập bao gồm: Bút, sách, vở. Chủ đề trang phục bao gồm các từ: Áo, mũ, dép. Khi ghi nhớ chuỗi từ theo hai chủ đề như vậy sẽ giúp trẻ ghi nhớ các đồ dùng cần mang theo nhanh hơn, dễ dàng hơn. Ngoài ba chiến lược được sử dụng để dạy cho trẻ khuyết tật trí tuệ trong quá trình phát triển trí nhớ cho các em, cần lưu ý sử dụng 2 chiến lược sau đây để nâng cao hiệu quả của việc phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ. Đó là chiến lược gợi nhớ và chiến lược sử dụng các tiêu chí 370 Chiến lược phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ đánh giá khi phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ. * Gợi nhớ (remind strategy) Như trên đã đề cập, trẻ khuyết tật trí tuệ rất khó để có thể ghi nhớ được thông tin, bên cạnh đó các em lại rất nhanh quên những thông tin đã ghi nhớ được trước đó. Do đó khi tiến hành các hoạt động phát triển trí nhớ cho trẻ cũng như trong quá trình dạy học và giáo dục các em, cần sử dụng chiến lược gợi nhớ để hỗ trợ khả năng tái hiện thông tin của trẻ khuyết tật trí tuệ. Sử dụng chiến lược này bằng cách đưa ra những hướng dẫn, chỉ dẫn hoặc những câu hỏi gợi ý từng bước giúp trẻ có thể trả lời câu hỏi hoặc tái hiện được thông tin đã ghi nhớ. Sử dụng chiến lược gợi nhớ còn giúp nâng cao sự tự tin và động cơ của trẻ khuyết tật trí tuệ trong việc ghi nhớ. * Sử dụng các tiêu chí đánh giá khi phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ Có 3 tiêu chí để có thể đánh giá sự phát triển trí nhớ của trẻ khuyết tật trí tuệ đó là: độ bền của trí nhớ (durability), khái quát hóa (generalization), và tối thiểu hóa (minimization) sự khác biệt giữa trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ không khuyết tật trí tuệ. - Tiêu chí 1: Độ bền của trí nhớ Độ bền của trí nhớ đề cập đến khả năng giữ gìn thông tin đã ghi nhớ được của trẻ trong một khoảng thời gian nào đó. Khi tổ chức các hoạt động phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ cần tính đến việc tăng độ bền của trí nhớ cho các em. Do vậy, với mỗi hoạt động phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ, cần luyện tập nhiều lần, đặc biệt là sử dụng các chiến lược phát triển trí nhớ hợp lí để tăng độ bền của trí nhớ ở các em. Để biết về độ bền của trí nhớ ở trẻ, cần só sự kiểm tra thường xuyên bằng cách lặp lại các hoạt động trong đó yêu cầu trẻ cần sử dụng những gì đã ghi nhớ được. - Tiêu chí 2: Khái quát hóa Trẻ khuyết tật trí tuệ thường gặp khó khăn trong khả năng khái quát hóa, tức là khả năng áp dụng kiến thức đã học vào các tình huống mới khác nhau. Các em thường thực hiện tốt với những tình huống quen thuộc, trái lại với các tình huống mới các em thường tỏ ra bối rối thậm chí thực hiện không chính xác. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của việc dạy học và giáo dục cho trẻ khuyết tật trí tuệ là giúp trẻ có thể áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống. Do vậy, các hoạt động phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ cần được luyện tập nhiều lần và trong nhiều tình huống khác nhau. Khả năng khái quát hóa của trẻ cần là một trong những tiêu chí để đánh giá sự phát triển của trẻ trong các hoạt động phát triển trí nhớ. - Tiêu chí 3: Tối thiểu hóa sự khác biệt giữa trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ không khuyết tật trí tuệ Khi tham gia các hoạt động phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ, sự thể hiện của trẻ khuyết tật trí tuệ cần càng giống trẻ không khuyết tật trí tuệ càng tốt. Đặc biệt, khi ghi nhớ được nội dung kiến thức hoặc kĩ năng nào đó, trẻ khuyết tật trí tuệ cần phải được áp dụng các kiến thức và kĩ năng đó vào cuộc sống. Do vậy, sự thể hiện của trẻ trong các tình huống của cuộc sống lại càng phải giống trẻ không khuyết tật trí tuệ. Điều này sẽ giúp trẻ tự tin và tăng động cơ tham gia hoạt động của các em. Sự giống nhau trong cách thể hiện của trẻ khuyết tật trí tuệ với trẻ không khuyết tật trí tuệ cũng cần là một tiêu chí để đánh giá sự phát triển của trẻ trong các hoạt động phát triển trí nhớ. 371 Nguyễn Thị Hoa 3. Kết luận Phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ là việc làm rất cần thiết. Để có thể phát triển trí nhớ cho trẻ một cách hiệu quả cần áp dụng các chiến lược phát triển trí nhớ một cách linh hoạt. Tùy từng hoạt động phát triển trí nhớ mà vận dụng các chiến lược phát triển trí nhớ cho phù hợp. Hơn nữa cần có sự phối hợp và hiểu nhau giữa giáo viên và cha mẹ các em trong việc áp dụng các chiến lược phát triển trí nhớ, giúp cho việc phát triển trí nhớ cho trẻ khuyết tật trí tuệ mới hiệu quả. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Công Khanh, 2009. Phương pháp phát triển trí nhớ cho trẻ mầm non 2-3 tuổi. Tạp chí Giáo dục số 43, tr. 17-18. [2] Nguyễn Quang Uẩn (chủ biên), Nguyễn Văn Lũy, Đinh Văn Vang, 2007. Giáo trình tâm lí học đại cương. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [3] Nguyễn Thị Hoàng Yến, Đỗ Thị Thảo, 2010. Đại cương giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [4] Lucy Henrry, Morag Maclean, 2002. Working Memory Performance in Children with and without Intellectual Disabilities. American Journal on Metal Redartation, Vol. 107, No. 6, pp. 421- 432. [5] Robert Kail. The Development of Memory in Children, Third edition. [6] Lucy Henry, 2012. The Development of Working Memory in Children. Sage Publication. ABSTRACT Stimulating memory retention in children with intellectual disabilities Children with intellectual disability have many difficulties in many areas, one of the While children with intellectual disabilities have many difficulties in many areas, one of the most difficult areas is their memory deficit. This difficulty is thought to be an obstacle to other areas of development for the child. It is important to carry out practices that will help them improve their ability to remember. In this article, we propose some strategies that could help children with intellectual disabilities to improve their memory. 372
Tài liệu liên quan