TÓM TẮT
Bài viết nhằm làm sáng rõ sự kết hợp sức mạnh từ hậu phương lớn miền Bắc và hậu
phương tại chỗ ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung và trong chiến
dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 nói riêng. Hậu phương miền Bắc có
vai trò quyết định nhất còn hậu phương tại chỗ ở miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp
trong thắng lợi vĩ đại đánh đuổi chủ nghĩa đế quốc, thống nhất đất nước của cách mạng
Việt Nam.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 391 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - Sự kết hợp sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc với hậu phương tại chỗ ở miền Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 3(28) - Thaùng 5/2015
76
CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MÙA XUÂN 1975 -
SỰ KẾT HỢP SỨC MẠNH CỦA HẬU PHƯƠNG LỚN MIỀN BẮC
VỚI HẬU PHƯƠNG TẠI CHỖ Ở MIỀN NAM
TRẦN THỊ THANH VÂN(*)
TÓM TẮT
Bài viết nhằm làm sáng rõ sự kết hợp sức mạnh từ hậu phương lớn miền Bắc và hậu
phương tại chỗ ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung và trong chiến
dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 nói riêng. Hậu phương miền Bắc có
vai trò quyết định nhất còn hậu phương tại chỗ ở miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp
trong thắng lợi vĩ đại đánh đuổi chủ nghĩa đế quốc, thống nhất đất nước của cách mạng
Việt Nam.
Từ khóa: hậu phương chi viện kháng chiến chống chủ nghĩa đế quốc, hậu phương lớn
miền Bắc, hậu phương tại chỗ ở miền Nam
ABSTRACT
The article aims to clarify the combination of power between the great rear in the
Northern Vietnam and the spot rear in the Southern Vietnam during the war against the
USA in general and The General offensive and uprising in the Spring of 1975 in particular.
The Northern rear played the most decisive role while the Southern rear played the direct
decisive role in the great victory over imperialism and for the national reunification of the
Vietnamese revolution
Keywords: rear assisted the front line against imperialism, great rear in the Northern
Vietnam, spot rear in the Southern Vietnam .
(*)Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa
Xuân năm 1975 đã diễn ra thần tốc, “một
ngày bằng 20 năm”. Chỉ trong vòng 55
ngày đêm, quân dân ta đã chiến thắng áp
đảo bằng các đòn tiến công chiến lược giải
phóng Tây Nguyên, giải phóng Huế - Đà
Nẵng và kết thúc thắng lợi bằng đòn tiến
công chiến lược giải phóng Sài Gòn - Gia
Định. Đúng như Đại hội IV của Đảng đã
đánh giá “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy
mùa Xuân 1975 là bước phát triển ở giai
đoạn chín muồi trong toàn bộ cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước; là kết quả hợp
(*)TS, Trường Đại học Sài Gòn
thành của tất cả những lực lượng, những
yếu tố làm nên sức mạnh tất thắng của
nhân dân ta trong cuộc chiến tranh yêu
nước vĩ đại” [8;20]. Một trong những yếu
tố có ý nghĩa quyết định tạo nên sức mạnh
tất thắng đó chính là sự kết hợp giữa hậu
phương lớn miền Bắc với hậu phương tại
chỗ ở miền Nam.
Theo quy luật của chiến tranh từ xưa
đến nay, chiến thắng sẽ thuộc về bên nào
có được sức mạnh tổng lực áp đảo. Sức
mạnh đó phải có ở cả tiền tuyến lẫn hậu
phương. Hậu phương được hiểu theo nghĩa
hẹp là “nơi đối xứng với tiền tuyến, có sự
phân biệt rạch ròi bằng yếu tố không gian,
77
là lãnh thổ ngoài vùng chiến sự, phía sau
chiến tuyến, có dân cư và tiềm lực mọi
mặt, nhất là về nhân lực, vật lực. Là nơi
xây dựng và huy động sức người, sức của,
đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang
ngoài tiền tuyến” [7; 231]. Nếu hiểu rộng
hơn, hậu phương là nơi cung cấp sức
người, sức của cho chiến tranh, là chỗ dựa
để tiến hành chiến tranh. Xây dựng hậu
phương hùng mạnh, phát huy sức mạnh chi
viện từ hậu phương là vấn đề có tính chất
chiến lược và mang tính quyết định sống
còn đối với một cuộc chiến. Lý luận cách
mạng của các nhà tư tưởng lỗi lạc K.Marx,
F.Engels, V.I.Lenin đều đã khẳng định vấn
đề này.
F.Engels đã phân tích: “Toàn bộ việc
tổ chức và phương thức chiến đấu của quân
đội và do đó thắng lợi, thất bại đều tỏ ra là
phụ thuộc vào những điều kiện vật chất,
(), nghĩa là vào chất lượng và số lượng
của cư dân và của cả kĩ thuật” [4;242].
V.I.Lenin nhấn mạnh rằng: “Trong chiến
tranh, ai có nhiều lực lượng hậu bị hơn, ai
có nhiều nguồn lực, ai kiên trì đi sâu vào
quần chúng nhân dân hơn thì người đó thu
được thắng lợi” [3;84]. “Muốn tiến hành
chiến tranh một cách thực sự phải có một
hậu phương có tổ chức vững chắc” [3;497].
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng chỉ rõ,
hậu phương thắng lợi thì chắc chắn tiền
phương sẽ thắng lợi; “khi có chiến tranh,
phải huy động và tổ chức tất cả các lực
lượng trong nước để chống giặc” [2;474].
Nắm vững lý luận cách mạng này,
Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ động,
sáng tạo, vừa kháng chiến vừa kiến quốc,
vừa đánh giặc vừa xây dựng chế độ mới,
chuẩn bị hậu phương cho chiến tranh giải
phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc. Cách
mạng Việt Nam dựa trên sức mạnh của ba
tầng hậu phương: hậu phương miền Bắc xã
hội chủ nghĩa, hậu phương tại chỗ ở miền
Nam và hậu phương do bạn bè quốc tế
viện trợ.
1. Ngay từ rất sớm, sau khi Hiệp định
Genève được ký kết, Trung ương Đảng
Lao động Việt Nam đã chủ trương xây
dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách
mạng, hậu phương lớn của cả nước; đồng
thời cũng tiến hành xây dựng các vùng căn
cứ, hậu phương tại chỗ ở miền Nam để
từng bước thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ
chiến lược ở hai miền Nam - Bắc. Xây
dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội
không những đáp ứng yêu cầu phát triển
khách quan của miền Bắc sau khi đã hoàn
thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ
nhân dân, mà còn là một đòi hỏi tất yếu của
cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.
Trong 10 năm đầu của cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1964) là
khoảng thời gian hoà bình mà miền Bắc đã
tận dụng để tập trung khôi phục và phát
triển kinh tế. Những thành tựu cơ sở vật
chất và kỹ thuật được tạo ra trong thời kỳ
này cùng với những thành công của phong
trào Hợp tác hoá đã tạo tiền đề và khả năng
để miền Bắc thực hiện vai trò hậu phương
của mình với tiền tuyến miền Nam. Nhiệm
vụ chi viện trực tiếp cho cách mạng miền
Nam được triển khai ngay từ khi có Nghị
quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương
(1959). Tuy vậy, phải đến tháng 1-1961,
khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết về “Phương
hướng và công tác trước mắt của cách
mạng miền Nam” thì công tác chi viện sức
người, sức của cho cách mạng miền Nam
mới được triển khai một cách đồng bộ và
toàn diện theo hướng đáp ứng những yêu
cầu cụ thể của các cơ quan, ban, ngành,
đơn vị, địa phương ở miền Nam. Thời kỳ
này, cùng với tuyến vận tải chiến lược trên
bộ được xây dựng từ năm 1959, tuyến vận
78
tải trên biển cũng bắt đầu được hình thành
để đáp ứng yêu cầu chi viện sức người, sức
của cho cách mạng miền Nam đang tăng
nhanh. Bộ Quốc Phòng triển khai thành lập
các đơn vị đi “B” (B là tên gọi chiến
trường miền Nam) và hình thành các trung
tâm huấn luyện cho lực lượng này. Cho
đến năm 1964, hậu phương lớn miền Bắc
đã chi viện cho các chiến trường ở miền
Nam trên 40.000 quân và 3.000 tấn vũ khí
các loại [12;154].
Đầu năm 1965, sau thất bại của chiến
lược Chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ
chuyển sang chiến lược Chiến tranh cục
bộ, ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân
Đồng minh vào trực tiếp tham chiến ở
miền Nam, đồng thời leo thang chiến tranh
ra phá hoại miền Bắc. Lúc này, miền Bắc
vừa sản xuất, vừa chiến đấu, lại vừa phải
dốc sức chi viện cho các chiến trường miền
Nam. Mọi hoạt động tại hậu phương lớn
miền Bắc đều được chuyển sang thời chiến
theo tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả
để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Nhân
dân miền Bắc đã phải hai lần chuyển
hướng, tiến hành động viên quy mô lớn về
sức người và sức của để chi viện cho cách
mạng miền Nam trong bối cảnh đang phải
gồng mình chiến đấu chống lại cuộc chiến
tranh phá hoại tàn bạo của không quân và
hải quân Mỹ.
Trong khoảng 10 năm (1965 -1975),
miền Bắc đã động viên hơn 2 triệu thanh
niên tham gia lực lượng vũ trang, tổng số
lao động ở miền Bắc được động viên
chiếm tới 11% dân số. Thậm chí vào các
năm 1968, 1972, 1975 số nhân lực được
động viên còn vượt quá số lao động xã hội
tăng lên hằng năm. Thời kỳ cao điểm (từ
năm 1965 đến năm 1972), hậu phương
miền Bắc đã chi viện cho cách mạng miền
Nam trên 670.000 quân (chiếm 43% tổng
số quân động viên ở hậu phương trong
trong thời gian đó). Chỉ tính riêng trong
năm 1968, miền Bắc đã đưa vào miền
Nam 141.081 quân và cán bộ dân chính
đảng cùng 72.499 tấn vũ khí và hàng hoá
các loại. Liên tiếp trong ba năm sau đó
(1969-1972), khi tình hình tại các chiến
trường miền Nam đang gặp nhiều khó
khăn, miền Bắc đã kịp thời chi viện tiếp
162.051 cán bộ, chiến sĩ và 111.045 tấn vật
chất các loại [10;177]. Sự chi viện kịp thời
và có hiệu quả này đã giúp cách mạng
miền Nam nhanh chóng phục hồi, vượt qua
được giai đoạn khó khăn sau Mậu Thân
1968. Trong 2 năm 1973 - 1974, miền Bắc
đã huy động được 25 vạn thanh niên nhập
ngũ thì 15 vạn trong số đó nhanh chóng
được tổ chức huấn luyện và bổ sung tăng
cường cho các chiến trường miền Nam
cùng với 379.000 tấn vật chất (bằng 54%
tổng khối lượng vật chất miền Bắc đưa vào
miền Nam trong 16 năm trước đó)
[10;178].
Trải qua hai cuộc chiến tranh phá hoại
tàn khốc của không quân và hải quân Mỹ,
hậu phương miền Bắc đã phải chịu tổn thất
nặng nề. Mặc dầu vậy, trước khi quân và
dân miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và
nổi dậy Xuân 1975, miền Bắc không
những đã vượt qua được khó khăn thử
thách tưởng chừng như không vượt qua
nổi, mà còn nhanh chóng khôi phục nền
kinh tế, tạo được sự phát triển đáng kể. So
với năm 1965 thì tổng sản phẩm xã hội và
thu nhập quốc dân của miền Bắc năm 1974
đã tăng 1,3 lần; sản lượng lương thực tăng
75 vạn tấn, công nghiệp tăng 1,5 lần; năng
lực vận tải tăng 1,5 lần Lúc này, miền
Bắc tiếp tục động viên được trên 1 triệu tấn
lương thực (chiếm 18% tổng sản lượng của
năm 1974), huy động 60% năng lực vận tải
hiện có để nhanh chóng đưa hàng vào các
79
chiến trường. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm
1974, miền Bắc đã chuyển vào các chiến
trường miền Nam trên 33 vạn tấn vật chất
các loại.
Sự chuyển biến mau lẹ của tình hình ở
chiến trường miền Nam và khả năng động
viên tối đa nguồn nhân tài, vật lực của hậu
phương lớn miền Bắc là cơ sở để Bộ Chính
trị hạ quyết tâm mở cuộc tiến công chiến
lược mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn
miền Nam, thống nhất đất nước.
Giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến
chống Mỹ (1974 - 1975), trong bối cảnh
không còn nhiều nguồn viện trợ từ các
nước xã hội chủ nghĩa, để thực hiện quyết
tâm của Trung ương Đảng Lao động Việt
Nam, quân và dân miền Bắc đã dốc toàn bộ
sức lực của mình chi viện cho các chiến
trường miền Nam. Chỉ trong 4 tháng đầu
năm 1975, từ hậu phương lớn miền Bắc đã
có hơn 110.000 quân và 230.000 tấn vật
chất các loại được đưa vào các chiến
trường ở miền Nam. Để kịp thời đưa nguồn
nhân lực và vật chất được động viên từ
miền Bắc vào các chiến trường phục vụ
tổng tiến công, ngoài 6.770 chiếc tô vận tải
chuyên trách của quân đội, các địa phương,
cơ quan, ban, ngành ở miền Bắc còn huy
động tới 60% các phương tiện vận tải dân
sự. Riêng về nhiên liệu, trong 2 năm 1973 -
1974, hệ thống đường ống xăng dầu Bắc -
Nam đã đưa vào các chiến trường gần
303.000 tấn [1;1121]. Khối lượng lớn binh
khí, kỹ thuật, nhiên liệu được miền Bắc
động viên và kịp thời chi viện cho các
hướng tiến công trên các chiến trường ở
miền Nam đã giúp cho các binh đoàn chủ
lực thực hiện cơ động thần tốc, hoàn thành
các mục tiêu chiến lược đề ra.
Những con số trên đây cho thấy rất rõ
vai trò to lớn và có ý nghĩa quyết định của
hậu phương lớn miền Bắc trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ nói chung và trong
cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân
1975 nói riêng. Không phải ngẫu nhiên mà
nhiều nhà nghiên cứu chiến lược quân sự
Mỹ đều cho rằng: Một trong những nguyên
nhân quan trọng nhất làm cho Mỹ thua ở
Việt Nam là do không triệt phá được tiềm
lực của miền Bắc và sự chi viện cho miền
Nam qua đường Hồ Chí Minh.
2. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa
Xuân năm 1975 là một cuộc tổng động
viên sức mạnh của cả nước, là sự kết hợp
sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc
với hậu phương tại chỗ ở miền Nam. Ngay
từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ,
song song với việc tập trung xây dựng
miền Bắc thành hậu phương lớn của cả
nước, Đảng ta cũng đã chủ trương xây
dựng các vùng căn cứ, vùng giải phóng
thành hậu phương tại chỗ cho chiến tranh
cách mạng ở miền Nam.
Cùng với sự phát triển của cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước, hậu phương tại
chỗ ở miền Nam không ngừng lớn mạnh và
ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng
của mình. Hậu phương tại chỗ ở miền Nam
vừa là nơi xây dựng thế trận chiến lược của
chiến tranh nhân dân; vừa đáp ứng được
yêu cầu của các chiến trường, giải quyết
vấn đề hậu cần tại chỗ cho các lực lượng
kháng chiến, nhất là tại những địa bàn xa
xôi cách trở, sự chi viện của hậu phương
miền Bắc thường vào chậm, hoặc vào rất
hạn chế.
Trong kháng chiến chống Mỹ, hệ
thống căn cứ địa, vùng giải phóng ở miền
Nam đan xen liên hoàn, nối từ miền Tây
Trị - Thiên qua Tây Nguyên vào miền
Đông và xuống tận miền Tây Nam Bộ. Sự
đan xen liên hoàn đó đã tạo ra mạng lưới
hậu phương tại chỗ rộng khắp. Thực tế ở
các chiến trường cho thấy, bên cạnh nguồn
80
vật lực được chi viện từ hậu phương lớn
miền Bắc, nguồn hậu cần khai thác từ hậu
phương tại chỗ ở miền Nam đã có những
đóng góp cực kỳ quan trọng. Từ sau phong
trào Đồng Khởi (1960) cho đến năm 1975,
hậu phương tại chỗ ở miền Nam đã bảo
đảm 22,5% nhu cầu vật chất cho các lực
lượng vũ trang. Nếu tính cả nguồn chiến
lợi phẩm và nguồn do bộ đội tăng gia sản
xuất được thì tỷ lệ đó lên đến 35%
[10;222]. Về nhân lực, chỉ riêng trong 2
năm (1973-1974), hậu phương tại chỗ đã
động viên được 12.000 thanh niên gia nhập
Quân giải phóng. Nếu như năm l973 hậu
phương tại chỗ ở miền Nam chỉ mới huy
động được 117.128 du kích thì năm 1975
đã huy động tới 296.184 người [6;34].
Trong Tổng tiến công mùa Xuân 1975,
hậu phương tại chỗ ở Trị - Thiên, Tây
Nguyên, miền Đông Nam Bộ đã trở thành
hậu phương trực tiếp cho các quân đoàn
chủ lực. Chỉ riêng ở Tây Nguyên, cuối
tháng 2-1975, các lực lượng vũ trang đã có
lượng dự trữ 54.000 tấn vật chất các loại,
trong đó có 7.286 tấn đạn, 28.600 tấn
lương thực, thực phẩm. Nguồn dự trữ này
đủ cho lực lượng vũ trang Tây Nguyên
hoạt động trong cả năm 1975 [9;362].
Chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch
sử, hậu phương tại chỗ đã huy động được
gần 10.000 tấn lương thực, thực phẩm, bảo
đảm hơn 50% nhu cầu của các cánh quân
tham gia chiến dịch. Động viên hơn 10.000
người thành lập các tiểu đoàn cơ động; huy
động gần 4.000 xe vận tải các loại, 656
thuyền máy, l.73 xe đạp thồ, 63.342 dân
công phục vụ chiến dịch [11;219].
Nhìn vào những số liệu đã được tổng
kết có thể thấy trong giai đoạn cuối của
cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên các chiến
trường miền Nam có hơn 80% quân, 81%
vũ khí, 60% xăng dầu, 65% thuốc men,
85% phương tiện vận tải cơ giới là do
nguồn bổ sung từ hậu phương lớn miền
Bắc; 77% lương thực, 90% thực phẩm,
61% quân trang là do hậu phương tại chỗ
cung cấp [12;165].
3. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa
Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch
Hồ Chí Minh lịch sử cho thấy sức mạnh áp
đảo về thế và lực của cách mạng đối với
thế và lực của đối phương. Có được sức
mạnh đó chính là nhờ sự kết hợp được sức
mạnh của hậu phương lớn miền Bắc với
sức mạnh của hậu phương tại chỗ ở miền
Nam. Mối quan hệ giữa hai hậu phương đã
được hình thành, không ngừng phát triển,
tác động và thúc đẩy lẫn nhau trong một
chỉnh thể thống nhất. Chúng ta không thể
chỉ nhấn mạnh đến một phía, như lâu nay
trong các nguồn tài liệu chủ yếu chỉ đề cập
nhiều đến “hậu phương lớn miền Bắc” mà
không đánh giá đúng mối quan hệ mật thiết
giữa hai hậu phương.
Xây dựng miền Bắc trở thành hậu
phương lớn của cả nước, đưa miền Bắc tiến
lên chủ nghĩa xã hội không chỉ để đáp ứng
nhu cầu phát triển về mọi mặt của nhân dân
miền Bắc, mà trong đó còn bao hàm nội
dung vì sự nghiệp giải phóng miền Nam,
thống nhất đất nước. Ngược lại, tiến hành
cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân
ở miền Nam (trong đó có nội dung xây
dựng hậu phương tại chỗ) ngoài mục đích
để giải phóng miền Nam, thống nhất đất
nước thì quá trình thực hiện cuộc cách
mạng này ở miền Nam cũng chính là góp
phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ và
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Những số liệu trên cho thấy vai trò đặc
biệt quan trọng mang tính quyết định của
hậu phương lớn miền Bắc và hậu phương
tại chỗ ở miền Nam trong kháng chiến
chống Mỹ nói chung và trong Tổng tiến
81
công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói riêng.
Điều này càng chứng minh cho sự sáng
suốt và tầm nhìn chiến lược của Đảng Lao
động Việt Nam 21 năm về trước khi xác
định xây dựng miền Bắc thành hậu phương
lớn của cả nước, đồng thời xây dựng các
vùng căn cứ ở miền Nam thành hậu
phương tại chỗ. Miền Bắc có vai trò quyết
định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp giải
phóng miền Nam, thống nhất nước nhà,
miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp
trong việc đánh đổ ách thống trị của đế
quốc và bè lũ tay sai hoàn thành cách
mạng dân tộc dân chủ nhân dân [5].
Thắng lợi vĩ đại và vẻ vang của cuộc
Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết
quả của chặng đường đấu tranh đầy gian
nan và thử thách của dân tộc Việt Nam, với
những hy sinh mất mát to lớn, đã phải
chiến đấu và chiến thắng kẻ thù bằng bản
lĩnh, trí tuệ và văn hóa giữ nước mang đậm
bản sắc Việt. Thắng lợi đó được hội tụ, kết
tinh bởi nhiều nhân tố, trong đó đặc biệt là
tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.
Thành công, thành công, đại thành công”
đã được phát triển lên một tầm cao mới và
trở thành biểu tượng của cuộc Kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước.
Đó là sức mạnh của đoàn kết toàn dân
kết hợp với sức mạnh thời đại để đưa dân
tộc tiến tới “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Đó
là sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân;
sự đoàn kết quân - dân; đoàn kết Bắc -
Nam, đoàn kết các lực lượng yêu nước và
tiến bộ cả ở trong và ngoài nước. Trong
suốt cuộc kháng chiến này, cả dân tộc vừa
thể hiện quyết tâm đánh đuổi quân xâm
xâm lược; vừa có cả tín tâm, tin tưởng vào
sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác
Hồ; tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của
cách mạng. Cả hậu phương lớn miền Bắc
ngày đêm đau đáu hướng về miền Nam,
dốc sức người, của cải vật chất cho sự
nghiệp giải phóng miền Nam. Quân và dân
miền Nam luôn hướng về miền Bắc với
niềm tin mãnh liệt vào Đảng, Bác Hồ, vào
công cuộc xây dựng hậu phương miền Bắc;
luôn coi miền Bắc là chỗ dựa, là đầu não
của cách mạng và kháng chiến.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Quốc Phòng – Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (2000), Đại thắng Mùa Xuân
1975 – sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Nxb Quân đội nhân dân, HN.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (1996), Nxb Chính trị Quốc gia, HN.
3. Lênin toàn tập, tập 30, Nxb Sự thật, HN.
4. Mác – Ănghen (1977), Về mối quan hệ giữa kinh tế hậu phương, chiến tranh và quân
đội, Nxb Quân đội nhân dân, HN.
5. Nghị quyết Hội nghị BCHTW lần thứ 7 (khoá II), tháng 3-1955.
6. Nguyễn Huy Thục (1995), “Tổng động viên sức mạnh cả nước giải phóng miền Nam
thống nhất Tổ quốc”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số (1), tr.34.
7. Từ điển Bách khoa Việt Nam (1998), tập 1, Nxb Từ điển, HN.
82
8. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 4 Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Sự
thật, HN.
9. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (1995), Đại thắng mùa Xuân 1975 - Nguyên nhân
và bài học, Nxb Quân đội nhân dân, HN.
10. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (1997), Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt
Nam, Nxb Quân đội nhân dân, HN.
11. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (1991), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
(1954-1975), Nxb Quân đội nhân dân, tập 2, HN.
12. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (1990), Trận quyết chiến lịch sử Xuân 1975, Nxb
Quân đội nhân dân, HN.
* Ngày nhận bài: 30/3/2015. Biên tập xong: 24/4/2015. Duyệt đăng: 04/5/2015.