Tóm tắt. Xô-crát -một triết gia nổi tiếng của triết học Hi Lạp cổ đại, một nhà đạo đức
học tiêu biểu của nền đạo đức học phương Tây, người đã để lại một học thuyết đạo đức
mang tính thực tiễn sâu sắc. Bài viết sẽ trình bày những nội dung cơ bản nhất của đạo đức
học Xô-crát và làm rõ tính thực tiễn của đạo đức học Xô-crát trên các phương diện: thứ
nhất, nguồn gốc thực tiễn của đạo đức học Xô-crát; thứ hai, tính thực tiễn của đạo đức học
Xô-crát thể hiện trên những nội dung cơ bản trong học thuyết của ông; thứ ba, cuộc đời
Xô-crát là minh chứng thực tiễn sâu sắc cho những quan niệm đạo đức của ông.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 40 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đạo đức học thực tiễn của Xô-Crát, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
2014, Vol. 59, No. 6BC, pp. 60-64
This paper is available online at
ĐẠO ĐỨC HỌC THỰC TIỄN CỦA XÔ-CRÁT
Vũ Thị Hải
Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Xô-crát -một triết gia nổi tiếng của triết học Hi Lạp cổ đại, một nhà đạo đức
học tiêu biểu của nền đạo đức học phương Tây, người đã để lại một học thuyết đạo đức
mang tính thực tiễn sâu sắc. Bài viết sẽ trình bày những nội dung cơ bản nhất của đạo đức
học Xô-crát và làm rõ tính thực tiễn của đạo đức học Xô-crát trên các phương diện: thứ
nhất, nguồn gốc thực tiễn của đạo đức học Xô-crát; thứ hai, tính thực tiễn của đạo đức học
Xô-crát thể hiện trên những nội dung cơ bản trong học thuyết của ông; thứ ba, cuộc đời
Xô-crát là minh chứng thực tiễn sâu sắc cho những quan niệm đạo đức của ông.
Từ khóa: Đạo đức học, đạo đức học thực tiễn, đạo đức học Xô-crát, Xô-crát, biện chứng
pháp Xô-crát.
1. Mở đầu
Xô-crát - nhà triết học Hi Lạp nổi tiếng với những triết lí độc đáo và những đóng góp to lớn
đối với nền triết học Hi Lạp nói riêng và triết học phương Tây nói chung. Xô-crát đã sống cách
chúng ta hơn 2000 năm lịch sử nhưng những di sản mà ông để lại cho nhân loại đã khiến ông sống
mãi với thời gian, trong niềm kính ngưỡng sâu sắc của các thế hệ sau. Cho đến nay, đã có rất nhiều
học giả ở Việt Nam và trên thế giới nghiên cứu về triết học, triết lí nhân sinh, đạo đức học Xô-crát.
Học thuyết của ông và những giá trị, hạn chế của nó đã được trình bày một cách hết sức sâu sắc
thông qua nhiều công trình nghiên cứu như: Đạo đức học của G. Bandzeladze [1], Đại cương Lịch
sử triết học phương Tây của Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Thanh, Nguyễn Anh Tuấn [2], Nhập môn triết
học phương Tây của Samuel Enoch Stumpe và Donaldc Abel [5], Câu chuyện triết học của Will
Durant [7],... Trong bài viết này, người viết không dừng lại ở việc tái hiện lại những nội dung tư
tưởng đã được các học giả khác làm rõ mà mục đích lớn nhất của người viết là chỉ ra một giá trị rất
quan trọng chưa từng được khẳng định hoặc rất ít được đề cập trong đạo đức học Xô-crát - đó là
tính thực tiễn của học thuyết này. Học thuyết của ông không phải là một học thuyết chung chung,
xa dời hiện thực mà chính là một học thuyết bắt nguồn từ thực tiễn và trở về với thực tiễn. Đạo đức
học Xô-crát là sự thống nhất chặt chẽ giữa lí luận và thực tiễn. Con người của Xô-crát là sự thống
nhất giữa lời nói, suy nghĩ và hành động.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Đạo đức học Xô-crát - học thuyết bắt nguồn từ thực tiễn
Nếu như nhiều triết gia phương Tây bàn đến các vấn đề đạo đức từ góc nhìn lí luận thuần
túy thì Xô-crát lại gắn chặt đạo đức học của ông với thực tiễn xã hội đương thời. Có thể nói, thực
Liên hệ: Vũ Thị Hải, e-mail: vuhai100286@gmail.com
60
Đạo đức học thực tiễn của Xô-crat
tiễn xã hội đương thời chính là nguồn cội mà từ đó các quan niệm đạo đức của Xô-crát được sinh
thành và phát triển. Đúng như Mác nói: “Các nhà triết học không phải những cây nấm mọc trên
đất. Họ là sản phẩm của thời đại mình, dân tộc mình mà những tinh lực tinh tế nhất, quý giá nhất
và khó nhìn thấy nhất đã được suy tư trong các khái niệm triết học” [3;156]. Đạo đức học và triết
lí nhân sinh của Xô-crát là sự thăng hoa, sự thoát thai trên nền thời đại.
Xô-crát sống trong thời kì đất nước Hi Lạp có những bước chuyển lớn lao trong đời sống
kinh tế - xã hội. Đây là thời kì chế độ chiếm hữu nô lệ phát triển đến đỉnh cao, tạo ra những chuyển
biến to lớn về mọi mặt trong đời sống xã hội. Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ về cả nông nghiệp,
thủ công nghiệp và thương nghiệp. Sự phân công lao động xã hội giữa lao động trí óc và lao động
chân tay đã tạo điều kiện cho lĩnh vực văn hoá tinh thần phát triển mạnh mẽ. Đồng thời với sự phát
triển kinh tế, những mâu thuẫn nội tại trong lòng xã hội cũng nảy sinh: Mâu thuẫn giữa giai cấp
chủ nô và nô lệ; mâu thuẫn giữa chủ nô quý tộc và chủ nô dân chủ; mâu thuẫn giữa các lãnh địa
với nhau. Những mâu thuẫn ấy cũng chính là nguồn gốc của những biến động trong đời sống đạo
đức của nhân dân Hi Lạp lúc bấy giờ.
Sự xuất hiện chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa dân chủ cực đoan là vấn đề lớn nhất trong đời
sống đạo đức của xã hội Hi Lạp lúc đó. Chủ nghĩa cá nhân lan tràn trong nhân dân và đặc biệt
ảnh hưởng đến tầng lớp thanh niên. Tầng lớp thanh niên đánh mất niềm tin đối với các giá trị đạo
đức truyền thống, đánh mất sự kính trọng đối với các vị thần của người Hi Lạp. Họ nghi ngờ thần
thánh và những điều khoản luân lí dựa trên sự thưởng phạt của thần thánh. Platôn đã tái hiện lại
thực trạng đạo đức lúc bấy giờ: “Ở các tòa án chẳng ai biết chuyện đúng sai là gì cả, cái điều quan
trọng là thuyết phục”. Xô-crát coi đó là sự suy đồi đạo nền đạo đức quốc gia.
Đồng thời với sự suy đồi của nền đạo đức quốc gia là những bất ổn trong đời sống chính trị.
Chủ nghĩa dân chủ cực đoan đã mê hoặc nhân dân thành Athen và những quan niệm dân chủ đã
được hiện thực hóa một cách sâu sắc trong đời sống xã hội. Trên nguyên tắc dân chủ, những hoạt
động chính trị của thành bang được thực hiện quá phóng túng, thiếu tinh thần phê phán dẫn đến
những bất cập và những sai lầm tai hại. Nền chính trị vững mạnh trước đây bị tan rã, thay vào đó
là sự suy đồi, xuống cấp nghiêm trọng.
Những bất ổn trong đời sống đạo đức và chính trị đã đặt ra vấn đề là cần phải xây dựng một
nền đạo đức mới, một thể chế chính trị ổn định, vững mạnh. Xô-crát đã dành toàn bộ tâm sức cả
đời mình để tìm lời giải cho những vấn đề thực tiễn ấy.
2.2. Những nội dung cơ bản của đạo đức học thực tiễn của Xô-crát
2.2.1. Quan niệm của Xô-crát về cái Thiện, cái Ác, Đức hạnh và Hạnh phúc
Đạo đức học thực tiễn của Xô-crát đề cập đến hệ thống những phạm trù rất hiện thực của
cuộc đời con người: cái Thiện, cái Ác, Đức hạnh và Hạnh phúc. Đây là những phạm trù cơ sở để
ông kiến giải những khía cạnh khác nhau của đời sống đạo đức.
Cái Thiện là phạm trù căn bản của đạo đức học Xô-crát. Ông cho rằng, bản chất của cái
Thiện là tri thức, là lẽ phải, là sự thông thái. Sự thông thái, sự hiểu biết nói chung được thể hiện
ở ba phương diện: nói đẹp, nghĩ đẹp và làm đẹp. “Đẹp” là sự đúng đắn, là đạt tới chân lí khách
quan. Như vậy, cái Thiện đồng nghĩa với sự thông thái, hiểu biết và một con người đạt tới cái Thiện
là người thông thái, hiểu biết. Cái Thiện cũng chính là lí tưởng cao nhất mà người Hi Lạp cổ đại
hướng tới.
Đối với Xô-crát, cái Thiện cũng chính là Đức hạnh. Theo Xô-crát, có ba đức hạnh căn bản
mà con người cần hướng tới: Sự tự chủ (kiềm chế), sự dũng cảm và sự công bằng. Sự tự chủ là
tri thức để tự kiềm chế bản thân. Dũng cảm là tri thức để khắc phục những mối nguy hiểm. Công
bằng là tri thức để hiểu biết và tuân thủ luật pháp. Trong ba Đức hạnh đó, sự tự chủ là cơ sở cho
61
Vũ Thị Hải
các Đức hạnh còn lại. Như vậy, ở Xô-crát có sự thống nhất giữa các khái niệm: Sự thông thái, cái
Thiện và Đức hạnh.
Bên cạnh phạm trù cái Thiện, Đức hạnh thì phạm trù cái Ác cũng là một phạm trù căn bản
của đạo đức học Xô-crát. Theo lời của Điôgien Laécxơ: “Xô-crát nói rằng, chỉ mỗi điều thiện đó
là tri thức và mỗi điều ác đó là sự dốt nát” [6;184]. Bản chất của cái Thiện và cái Ác hoàn toàn
đối lập nhau, dựa trên một thước đo chung là tri thức, là sự thông thái của con người. Những phạm
trù cơ bản của đạo đức học Xô-crát đều được xác lập trên cơ sở lí tính. Đó là lí do mà các học giả
nghiên cứu về triết học Xô-crát đều đánh giá đạo đức học của ông là đạo đức học duy lí.
Bản chất của cái Ác là sự ngu dốt vì hai lí do: Thứ nhất, sự ngu dốt chính là nguyên nhân
dẫn con người tới những ham muốn, dục vọng không chính đáng và vì thế sẽ vi phạm các giá trị
đạo đức, luân lí; thứ hai, sự ngu dốt khiến con người bị phụ thuộc vào số đông, vào dư luận, không
có tinh thần phê phán, chọn lọc, vì thế dễ vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội. Xô-crát kết luận:
“Của cải và danh tiếng chẳng mang lại phẩm giá gì, ngược lại, chỉ đem đến những điều ngu xuẩn”
[6;182] và “Đối với con người, cuộc sống mà chưa được thẩm tra thì chưa đáng sống”[5;6].
Bên cạnh các phạm trù cái Thiện, cái Ác và Đức hạnh thì phạm trù Hạnh phúc cũng là một
phạm trù đạo đức được lưu tâm đặc biệt và không một nhà triết học nào lại không muốn truy tầm.
Hạnh phúc vốn là khát vọng lớn lao nhất mà nhân loại không ngừng theo đuổi, bất cứ ai hiện diện
trong cõi trần gian đều không ngừng vươn tới hạnh phúc. Theo Xô-crát, bản chất của Hạnh phúc là
phúc lợi và những khoái lạc mà mỗi người mong đợi trong cuộc đời. Cách bày tỏ của Xô-crát khiến
nhiều người xếp ông vào chủ nghĩa vị lợi, chủ nghĩa khoái lạc trong đạo đức học, song không phải
như cách hiểu thông thường trên bề mặt câu chữ mà thâm ý sâu xa của triết gia lại hoàn toàn khác.
Xô-crát không coi phúc lợi và khoái lạc là nguyên lí của đạo đức, không lấy chúng làm mục tiêu
của mọi hành động của con người. Với khát vọng hướng tới một nền đạo đức học thực thụ, ông coi
Đức hạnh mới là nguyên lí của đạo đức, là mục đích của mọi hành động và Hạnh phúc không phải
là cái đích mà con người đạt đến bằng mọi giá mà nó là thành quả đáng được hưởng của bất cứ con
người nào không ngừng nỗ lực vươn tới Đức hạnh và cái Thiện.
Trên đây là các phạm trù đạo đức căn bản nhất, quan trọng nhất được Xô-crát đề cập đến.
Đó là những vấn đề vừa mang tính lí luận sâu sắc, vừa mang tính hiện thực sâu sắc. Bất cứ một
học thuyết đạo đức nào cũng không tránh khỏi việc phải giải quyết những vấn đề đạo đức ấy. Đó
cũng là cơ sở để phân định các lập trường đạo đức học trong lịch sử.
2.2.2. Biện chứng pháp - con đường hướng tới một đời sống đạo đức
Biện chứng pháp là một nội dung đặc biệt quan trọng trong đạo đức học Xô-crát. Biện
chứng pháp chính là con đường nhằm đạt tới việc nắm bắt, thông hiểu các giá trị và các chuẩn mực
đạo đức. Đây cũng chính là một minh chứng sâu sắc cho tính thực tiễn của học thuyết đạo đức
của ông.
Theo Xô-crát, để sống một đời sống đức hạnh, mỗi con người cần có sự hiểu biết đúng đắn,
đầy đủvề các giá trị và chuẩn mực đạo đức như: cái thiện, cái ác, đức hạnh, hạnh phúc, công bằng,
dũng cảm,. . . Sự hiểu biết đúng đắn về những vấn đề luân lí là cơ sở để con người hành động đúng
đắn, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức. Để nắm bắt được các giá trị đạo đức, Xô-crát đưa ra
phương pháp đàm thoại, còn có cách gọi khác là “biện chứng pháp” hoặc là “phương pháp bà đỡ”,
bao gồm bốn bước: mỉa mai, đỡ đẻ, quy nạp và xác định:
“Mỉa mai” là thủ pháp đặt câu hỏi sao cho người đối thoại tự thấy mâu thuẫn với chính
mình, phát hiện ra những sai lầm của bản thân để rồi từ bỏ những quan niệm đó. Loại câu hỏi này
thường là những câu hỏi mẹo, mang tính châm biếm, dí dỏm, mỉa mai.
“Đỡ đẻ” là thủ pháp sau khi làm người tranh luận thấy được sự sai lầm trong quan niệm cũ
của mình thì giúp đỡ họ tìm ra lối thoát bằng cách đạt tới tri thức đúng đắn, chân lí khách quan.
62
Đạo đức học thực tiễn của Xô-crat
“Quy nạp” là thủ pháp từ những quan niệm riêng lẻ khái quát lên thành cái chung, phổ biến
về các phạm trù, các giá trị, chuẩn mực đạo đức. Từ những hành vi đạo đức cụ thể, riêng lẻ, phân
tích so sánh để tìm ra cái thiện phổ biến của mọi hành vi đạo đức.
“Xác định” là thủ pháp phân loại, chỉ ra hành vi đạo đức thuộc loại nào, chúng có phụ thuộc
và quan hệ với nhau ra sao.
Trên đây là bốn bước cơ bản trong phép biện chứng của Xô-crát. Bằng phép biện chứng,
Xô-crát đã dành phần lớn cuộc đời mình vào việc đàm thoại với nhân dân thành Athen về những
vấn đề đạo đức xã hội: cái thiện, cái ác, đức hạnh, can đảm, công bằng, kiềm chế,. . . Cuộc đàm
thoại được diễn ra theo bốn bước như trên và chỉ được kết thúc khi người đối thoại thừa nhận những
sai lầm trong những quan niệm trước đây của họ và đạt được chân lí khách quan. Tuy nhiên, trên
con đường truy tìm các chân lí đạo đức khách quan và tri thức nói chung, theo Xô-crát, mỗi người
cần phải bắt đầu với tinh thần, thái độ khiêm tốn, cầu thị, như ông nói: “Tôi biết rằng, tôi không
biết gì cả”. Không chỉ thế mà mỗi người cần phải: “Hãy tự nhận thức chính mình”, nghĩa là cần
phải hoài nghi toàn bộ những quan niệm của bản thân đã được xác lập từ trước tới nay. Và từ đây
mới nên bắt đầu đi tìm chân lí.
Như chúng ta đã biết, mục đích của toàn bộ phương pháp nhằm giúp con người nhận thức
được những chân giá trị của đời sống đạo đức. Tuy nhiên, không còn giới hạn trong mục đích ban
đầu của nó, phương pháp này không chỉ có ý nghĩa thiết thực trên con đường truy tìm các giá trị
đạo đức mà còn có ý nghĩa thiết thực trên con đường đi tìm chân lí nói chung. Vì thế phép biện
chứng là đóng góp to lớn của Xô-crát đối với đạo đức học nói riêng và nhận thức luận nói chung.
2.3. Cuộc đời Xô-crát - minh chứng của Đạo đức học thực tiễn
Đạo đức học Xô-crát - một học thuyết gắn bó chặt chẽ với thực tiễn xã hội, học thuyết của
ông khởi nguồn từ thực tiễn và quay về với thực tiễn. Đó là điều hiếm có trong lịch sử đạo đức học
phương Tây. Sẽ không thể nghi ngờ điều đó nếu chúng ta tìm hiểu về toàn bộ đời sống của ông.
Xô-crát (470 - 339TCN) sinh ra trong một gia đình nghèo, thuộc đẳng cấp cuối trong xã hội
Athenbấy giờ. Ông không phải là người giàu có về vật chất, nhưng lại rất cao trọng, đáng kính đối
với tầng lớp trí thức đương thời. Khi 40 tuổi, Xô-crát đã nổi tiếng khắp Athen và được tham dự hội
nghị 500 người (hội nghị của những người có uy tín để quyết định những việc trọng đại của thành
bang Athen), nhưng Xô-crát không mưu cầu một địa vị chính trị. Suốt cuộc đời, ông đã giành trọn
tâm huyết cho việc xác lập một nền đạo đức mới và ổn định nền chính trị quốc gia. Ông đã thực
hiện điều đó bằng cả sự sống và cái chết của mình.
Mong muốn lớn nhất của Xô-crát là giúp nhân dân thoát khỏi sai lầm trong những quan
niệm đạo đức hiện hữu, hướng tới những giá trị đạo đức khách quan. Để thực hiện mục đích ấy,
ông đã dành cả cuộc đời mình để truyền thụ tri thức và phương pháp giúp người dân Athen vươn
tới các giá trị đạo đức. Xô-crát thường đến những nơi công cộng: ngoài đường phố, chợ búa, sân
vận động, quán rượu,... để đàm đạo với mọi người, không phân biệt già trẻ, gái trai, người giàu có
hay người nghèo khổ, thợ thủ công hay nghệ sĩ, nhà ngụy biện hay những nhân vật trong chính
quyền, bạn bè hay những môn đệ,... Ông không để lại một cuốn sách nào cho hậu thế, bởi ông
quan niệm, lời nói trực tiếp, sinh động có sức sống lâu bền hơn tất cả những quyển sách được viết
ra và phương pháp mà ông sử dụng trong các cuộc đàm đạo là phương pháp đàm thoại. Bằng con
đường này, Xô-crát đã tiếp cận được với đông đảo quần chúng nhân dân Athen. Hoạt động của ông
dần dần thu hút sự quan tâm của nhân dân, từ đó đãảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần, đời sống
chính trị và đời sống đạo đức của xã hội đương thời.
Xô-crát không chỉ có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống chính trị, đời sống đạo đức xã hội
đương thời mà việc lập trường của ông còn đi ngược lại với lợi ích của giai cấp cầm quyền lúc đó
63
Vũ Thị Hải
đã khiến cho giai cấp cầm quyền vô cùng phẫn nộ. Bởi vậy, họ đã tìm mọi cách để giết ông.Người
tố cáo và viết đơn kiện Xô-crát là Milét, theo lời của Platôn, Xô-crát bị kiện với nội dung như sau:
“Xô-crát đã phạm pháp do làm hủ hóa thanh niên, không thuần phục các thần linh mà thành phố
thừa nhận, để thay vào đó các thiên tài mới nào đó” [2; 86]. Xô-crát bị tòa án Athen kết tội và đưa
ra hình thức trừng phạt là xử tử hình bằng uống thuốc độc. Các môn đệ của ông đã lo lót cai ngục
để cướp ngục, đưa ông ra khỏi nhà tù nhưng ông đã từ chối. Xô-crát đón nhận cái chết một cách
bình thản, nhẹ nhàng. Phải chăng đó là thái độ, bản lĩnh của những nhà hiền triết? Đối với Xô-crát,
việc khước từ bản án cũng có nghĩa là khước từ lập trường quan điểm của chính bản thân mình.
Chấp nhận cái chết đồng nghĩa với việc luôn giữ vững lập trường chính trị, lập trường đạo đức mà
ông đã lựa chọn.
Cái chết của Xô-crát đã đi vào lịch sử như một sự kiện quan trọng, nó chứng tỏ rằng, chân
lí nhiều khi phải được đánh đổi bằng chính cuộc đời của người truy tìm nó. Chúng ta còn biết đến
hình ảnh của chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây thập giá, Côpécníc trên giàn hỏa thiêu. Đó là những
biểu tượng tiêu biểu cho sự hy sinh vì chân lí. Sự hy sinh của các triết gia được đền đáp bằng một
phần thưởng xứng đáng, ấy là sức sống lâu bền của tư tưởng của các ông trong đời sống nhân loại.
3. Kết luận
Đạo đức học Xô-crát là một học thuyết đạo đức mang tính thực tiễn sâu sắc. Tính thực tiễn
sâu sắc của học thuyết không chỉ thể hiện trong những phạm trù đạo đức cơ bản được ông bày tỏ
mà đặc biệt được thể hiện trong việc ông lấy thực tiễn xã hội đương thời làm xuất phát điểm cho
toàn bộ học thuyết của ông và việc ông giành cả cuộc đời mình để triển khai học thuyết đạo đức
ấy. Vì tất cả những lí do đó, chúng ta không thể phủ nhận rằng, đạo đức học Xô-crát là đạo đức
học - thực tiễn.
Nhân loại vẫn không ngừng nghiên cứu và học tập Xô-crát bởi những bài học quý báu mà
ông đã để lại cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Xô-crát là hình mẫu tuyệt vời cho vẻ đẹp thời
đại của người Hi Lạp cổ đại, trongsự thống nhất giữa suy nghĩ, lời nói và hành động. Ông chính
là hình mẫu của một nhà triết học - hành động.Ông đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, chúng ta cần
một thứ triết học - thực tiễn chứ không phải một thứ lí luận suông, giáo điều, phi hiện thực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] G. Bandzeladze, 1985. Đạo đức học (Tập 1). Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[2] Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Thanh, Nguyễn Anh Tuấn, 2006. Đại cương Lịch sử triết học phương
Tây. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
[3] Mác và Ph.Ăngghen, 2000. Toàn tập tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[4] Mortimer J.Adler, Ph.D. Nghệ thuật giảng dạy.
[5] Samuel Enoch Stumpe và Donaldc Abel, 2004. Nhập môn triết học phương Tây. Nxb Tổng
hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
[6] Nguyễn Hữu Vui (chủ biên), 1998. Lịch sử triết học. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[7] Will Durant (Dịch giả: Trí Hải và Bửu Đính). Câu chuyện triết học.
ABSTRACT
Socrates’ practical Ethics
Socrates was a famous Greek philosopher whose philosophy was unique and a significant
component of Greek and Western philosophy. In this paper, the writer reconstructed Socratic
Ethics looking at its most basic elements and presents an assessment of the value and limitations
of Socratic Ethics as it is currently interpreted.
64