Tóm tắt: Hàm Rồng là một địa danh lịch sử - văn hóa đặc biệt của xứ Thanh, mang dấu
ấn linh thiêng và gắn liền với sự phát triển của diễn trình lịch sử dân tộc. Không gian văn hóa
Hàm Rồng không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng mà hiện nay còn góp phần
giáo dục, truyền bá cho thế hệ trẻ về truyền thống hào hùng của dân tộc nói chung và của xứ
Thanh nói riêng. Hàm Rồng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các học giả trong nước và
nước ngoài, nghiên cứu ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến
giá trị của Hàm Rồng trong văn học để bổ sung thêm vào kho tư liệu nghiên cứu về Hàm Rồng.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 203 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Dấu ấn Hàm Rồng trong văn học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
49
DẤU ẤN HÀM RỒNG TRONG VĂN HỌC
TS. Nguyễn Thị Thục1
NCS. Nguyễn Thị Hà
Tóm tắt: Hàm Rồng là một địa danh lịch sử - văn hóa đặc biệt của xứ Thanh, mang dấu
ấn linh thiêng và gắn liền với sự phát triển của diễn trình lịch sử dân tộc. Không gian văn hóa
Hàm Rồng không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng mà hiện nay còn góp phần
giáo dục, truyền bá cho thế hệ trẻ về truyền thống hào hùng của dân tộc nói chung và của xứ
Thanh nói riêng. Hàm Rồng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các học giả trong nước và
nước ngoài, nghiên cứu ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến
giá trị của Hàm Rồng trong văn học để bổ sung thêm vào kho tư liệu nghiên cứu về Hàm Rồng.
Từ khóa: Không gian văn hóa Hàm Rồng, lịch sử văn hóa, văn học về Hàm Rồng.
1. Đặt vấn đề
Không gian văn hóa Hàm Rồng bao gồm hệ thống di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử
cách mạng, với thế núi, hình sông có nhiều hang động độc đáo chứa đựng truyền thuyết kỳ bí
về sông Mã, Hàm Rồng. Vòng theo chân núi Hàm Rồng có động Tiên Sơn, nhũ đá tạo hình
tuyệt đẹp gắn với những truyền thuyết như tích Phật, tích Tiên, “Hoa quả sơn”, “Hội bàn đào
tiên”... Nghiên cứu dấu ấn Hàm Rồng trong văn học mang lại một giá trị mới, bổ sung cho
việc nghiên cứu không gian văn hóa Hàm Rồng dưới góc nhìn văn hóa.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Hàm Rồng trong văn học dân gian
Hàm Rồng là tên nôm của sơn danh Long Hạm, một vùng đất ghi dấu ấn lịch sử oai
hùng của dân tộc ta. Địa danh Hàm Rồng với dáng núi rồng thiêng uốn lượn 99 khúc bên
dòng sông Mã bắt nguồn từ triền núi cao xa xôi của tổ quốc, nổi tiếng với các loại hình thắng
tích núi Rồng - sông Mã, động tiên, giếng ngọc từ rất xa xưa cho đến ngày nay vẫn truyền
khẩu câu ca về vùng đất này:
“Thanh Hóa thắng địa là nơi
Rồng vờn hạt ngọc, Hạc bơi chân thành”.
Cái đẹp của vùng đất Hàm Rồng trước hết là vẻ đẹp tự nhiên của núi Rồng - sông Mã,
điểm nhấn là ngã ba Bông và ngã ba Giàng (còn gọi là ngã Ba Đầu). Ngã ba Bông - một vùng
mênh mông trời nước, có đền cô Bơ Thoải nổi tiếng linh thiêng, được dân gian tương truyền
“Đến đây ta hát với nàng/Hát lên năm huyện mười làng đều nghe”. Và ngã ba Giàng hùng tráng
nhưng thơ mộng “Làng Giàng trên chợ dưới sông/Vui người, vui cảnh đến không muốn về”.
Núi Rồng, sông Mã - “đôi lứa xứng đôi” như dải lụa mềm uốn quanh chân núi Rồng, núi
Ngọc, vươn ra đến vùng ngoại ô Nam Ngạn, Yên Vực. Điểm nhấn đẹp nhất là các bến đò với
những câu hò tình tứ theo thuyền, theo bến âm vang. Một trong những câu Hò sông Mã nổi
tiếng nhất là:
1
Phòng Đào tạo sau Đại học - Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
Khoa Luật - Quản lý Nhà nước, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
50
Thuyền tình bến đậu chùa Gia,
Một trăm con gái liếc qua thuyền tình!
Cùng với đó, dãy núi Đông Sơn hùng vĩ, cái nôi của nền văn hóa đồng thau Đông Sơn,
bắt nguồn từ làng Dương Xá men theo sông Mã uốn lượn tiếp nối thành 99 ngọn núi đất, như
một con rồng uốn mình vươn tới. Phía bắc núi Rồng là một ngọn núi nhỏ, trên đỉnh núi cao
vút như một ngọn lửa nên gọi là ngọn Phong Châu (thường gọi là núi Ngọc hoặc núi Nít)
cũng được văn học dân gian ghi lại rất sinh động qua câu ca:
“Ai đem núi Nít sang sông
Giữa dòng nước chảy bên Đông có chùa”.
Đoạn sông chảy cắt qua núi Rồng và núi Châu Phong tạo thành thế “Long Mã tranh
châu” mà theo truyền thuyết, ngựa và rồng đuổi ngọc đến đây, rồng vừa há miệng ra để đớp
lấy ngọc thì ngựa vội dùng đuôi quật ngang cho ngọc rơi xuống sông. Ca dao cổ cũng đã nhắc
đến 99 ngọn núi Rồng kì vĩ này với niềm tự hào mãnh liệt:
“Chín mươi chín ngọn bên đông
Còn ngọn núi Nít bên sông chưa về
Chín mươi chín ngọn đề huề
Còn ngọn núi Nít chưa về bên đông”.
Thực ra, con số “99” theo truyền thuyết không phải dành riêng cho dãy Đông Sơn -
Hàm Rồng, mà còn có sự tích 99 ngọn núi Hồng Lĩnh. Tuy nhiên, dân gian vẫn in đậm huyền
thoại cho rằng Đông Sơn ở vào thế đất có 99 ngọn núi hình con Phượng Hoàng nên cứ theo
đó mà đặt tên: núi Rồng, núi Phượng, núi Voi, núi Cánh Tiên
Không có tư liệu cụ thể về việc xây dựng cầu Hàm Rồng “Chỉ biết người ta đã phải
“cống” cho Long vương Hà bá đến người thứ 99 mà vẫn không xây nổi một cái trụ cầu. Quá
đau đớn và tuyệt vọng vì mất uy tín, viên kỹ sư trưởng người Đức đã nhảy xuống dòng sông
Mã để tự giải thoát về với chúa Trời” [3]. Không thể xây cầu trụ, người Pháp quyết định xây
cầu treo. Và dù chiếc cầu treo này chỉ rộng 9m với sức chịu tải kém thì người Pháp vẫn coi
đây như là một kỳ công. Điều đặc biệt là chiếc cầu sắt treo lơ lửng trên dòng sông Mã nối
ngọn Tai Rồng với chân núi Ngọc như nét bút xuất thần điêu luyện của người nghệ sĩ tài ba,
làm cho cảnh vật nơi đây trở thành bức tranh tuyệt tác như trong câu ca dao xưa:
Khen ai khéo bắc cầu vồng
Khen ai khéo đánh má hồng cho em
Khen ai khéo bắc cầu Lèn
Để ta ở mãi thành quen chốn này.
Tiếc rằng năm 1947 thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến, nhân dân Thanh Hóa đã
phải đánh sập cây cầu treo tuyệt mỹ này xuống lòng sông Mã. Sau khi kháng chiến chống
Pháp thắng lợi, từ những ngày hòa bình đầu tiên trên miền Bắc, nhân dân Thanh Hóa cùng
Đảng và Nhà nước đã nô nức bắt tay vào công trình xây dựng cầu Hàm Rồng mới, quyết tâm
xây dựng một cây cầu trụ với sức chịu tải lớn và đảm bảo sự bền vững lâu dài.
Mảnh đất Hàm Rồng còn chứa đầy ắp cả một kho huyền thoại sự tích mang dấu ấn tiến
trình văn minh lịch sử của dân tộc. Núi Đông Cương là nơi cư trú của người Việt cổ cách
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
51
ngày nay mấy chục vạn năm. Sự tích núi Rồng, sông Mã, núi Ngọc, núi Ngũ Phượng, núi
Bằng Trình, núi Miêu, động Tiên Bạch Y là tụ hội sự tích về chiến công của ông Lau, ông
Vồm (những nhân vật khổng lồ thần thoại xứ Thanh) hiện thân sức mạnh của người xưa đã
khai sơn, phá thạch, xây dựng giang sơn cho con cháu sau này. Nơi đây cũng là quần cư của
bộ lạc thời Hùng Vương dựng nước với bảo vật là trống đồng Đông Sơn, phát ra âm thanh
như tiếng sấm để gọi gió, gọi mưa vốn là khát vọng của cư dân lúa nước. Tiếng trống còn làm
kẻ thù xâm lược thời xưa bị ám ảnh khiếp sợ:
Chớp lòe gươm sắt tim muốn vỡ
Trống đồng khua vang khiếp bạc đầu.
2.2. Hàm Rồng trong văn học trung đại Việt Nam
Qua các thư tịch cổ, non nước Hàm Rồng đã được phát hiện như một cõi thần tiên. Trong
Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi “An Nam chí của Cao Hùng
Trưng (người Trung Quốc - TG) chép núi này cao và đẹp trông ra sông Định Minh, lên cao trông
xa thấy nước trời một màu sắc thật là giai cảnh”.Đời Lý Nhân Tông, niên hiệu Thái Ninh (1072 -
1075), trưởng lão Sùng Tín (Thiền sư Mãn Giác), thầy học của thái hậu Ỷ Lan, từ kinh sư đến
quận Cửu Chân hoàng dương Phật pháp, cùng thái úy Lý Thường Kiệt đi về các nơi tìm cảnh đẹp
để dựng chùa chiền. Hai người ngồi thuyền ngược dòng lên cửa Phấn Đại (sông Mã), dừng lại ở
núi Long Tỵ (núi Hàm Rồng) thấy phong cảnh nước non kỳ thú, xinh đẹp tuyệt vời “Đá trắng mà
tưởng như ngọc châu lấp lánh, thác nguồn lại tựa hồ xiêm áo lung linh”. Thái úy Lý Thường Kiệt
mến cảnh muốn dựng ngôi đoản đình ở chân núi và xây chùa lớn trên non cao. Trưởng lão Sùng
Tín nói: Núi này đẹp, nhưng người ta đã mở mang mất rồi! Hỏi còn nơi nào thanh u, nổi tiếng hơn
mà ông từng nghe nói thì xin dẫn tới xem...
Hàm Rồng nổi tiếng đầu tiên nhờ phong cảnh đẹp. Hùng Trưng trong sách An Nam chí
đã viết như sau: “Non cao mà đẹp, liền với sông xanh, từ trên nhìn xuống, nước với trời cùng
chung một sắc, thật là một giai cảnh”. Hàm Rồng càng thêm nổi tiếng khi được gắn với tên
gọi của một cây cầu kỳ diệu - cầu Hàm Rồng.
Năm 1478, vua Lê Thánh Tông sau lần bái yết Sơn lăng, thuyền ngự dừng chèo dưới
chân động Long Quang theo lối mòn ngược lên động, trước cảnh trời nước hữu tình của vùng
thắng tích nhà vua đã làm bài thơ “Đề động Long Quang” và cho khắc lên mái đá trong động
Long Quang, kí tên “Thiên Nam động chủ”: Đất này tươi tốt lạ lùng thay/ Vũ trụ dồn đong
khóe mắt đầy/ Bái biệt Sơn lăng thuyền ngự lướt/ Vào thăm động biếc thợ trời xây/ Mây rơi
đầy đất nhờ ai quét/ Nhà trống thấu trời mượn đá xây/ Đây núi kia rừng, tiên phật quá/ Như
mời du khách đến cùng say. Bài thơ thể hiện phong thái ung dung, chất lãng mạn bay bổng
bậc thánh đế làm chủ cả giang sơn gấm vóc.
Năm 1501, vua Lê Hiến Tông con vua Lê Thánh Tông đến động Long Quang đã làm
thơ đề vịnh, cũng khắc trên vách đá trong động Mắt Rồng, kí tên “Thượng Dương động
chủ”: Động xuyên lưng núi sáng trong ngoài/ Sức chứa muôn phương gió thổi hoài/ Bát ngát
cành xanh xuân gặp khách/ Bạt ngàn hoa thắm núi chờ ai
Vua Trần Nghệ Tông cũng dành cho chốn nước biếc non xanh này lời ngợi ca đẹp nhất:
“Ngồi trên bàn đá là muốn đặt thế nước yên ổn, cúi nhìn dòng nước trong là muốn bàn sâu
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
52
việc nước, nương dưới bóng cây là muốn mở rộng sự che chở cho dân, dựa vào khóm trúc là
muốn đến với nhiều hiền sĩ”[6]. Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất
năm 1430 tháp tùng vua Lê Lợi về thăm viếng quê Thanh, lúc trở ra Thăng Long, mới có dịp
đến thăm Hàm Rồng (lúc đó tên là Long Đại) ông rất chú ý đến cảnh sắc thiên nhiên của sông
núi ở đây và đã làm bài thơ bằng chữ Hán “Long Đại nham” chan chứa nỗi niềm tâm sự:
Khử niên hổ nguyệt ngạc tằng khuy
Long Đại kim quan thạch huyệt kỳ
Ngao phụ xuất sơn, sơn hữu động
Kình du tắc hải, hải vị trì
Hồ trung nhật nguyệt thiên nan lão
Thế thượng anh hùng thử nhất thì
Lê, Phạm phong lưu ta tiệm viễn
Thanh đài bán thực bích gian thỉ.
Tạm dịch:
Năm xưa mình đã dòm hang cọp
Nay ngó non Rồng cảnh lạ sao
Ngao nổi đội non, non có động
Kình bơi lấp biển, biển thành ao
Trong bầu ngày tháng còn vui mãi
Một thuở anh hùng trở lại đâu
Lê, Phạm phong lưu ôi đã vắng
Thơ đề vách đá nửa xanh rêu.
Ông đã khắc họa nét hùng vĩ của Hàm Rồng, xem đó là một kỳ công của tạo hóa từ thuở
khai thiên lập địa. Bài thơ còn nhắc đến những chiến công lẫy lừng trong quá trình dựng nước
và giữ nước như năm 1382, Hồ Quý Ly đã thắng quân Chiêm Thành trong một trận kịch chiến
ở đây.
Nhà thơ Phan Huy Ích qua bài “Long Hạm nham tức hứng” cũng cho chúng ta nhiều
dấu ấn thiêng liêng về Hàm Rồng, còn có tên gọi là Da Sơn: “Cửu du thang ấp tê phan
biến/Tân đắc Da Sơn tạo thiết kì” [2]. Ông như có duyên nợ với vùng đất này, mặc dù trong
vòng chưa đến 10 năm, Phan Huy Ích trải qua bao phen sóng gió, nhưng Hàm Rồng vẫn lôi
cuốn ông vào thiên nhiên vạn vật, đắm say trong cảnh thanh nhàn núi Rồng sông Mã. Tình cảm
của Phan Huy Ích thấm đẫm qua từng bài thơ “Giang cư tức sự”; “Tuế vãn đề thinh giải”, “Ất
Tỵ khai xuân thi bút”
Các nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc như Lê Quát (tiêu biểu là bài “Đăng Cao”),
Phạm Sư Mạnh (viết về “Chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi”), Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lê
Hiến Tông, Vương Duy Trinh, Ngô Thì Sỹ, Nguyễn Thượng Hiền... đã đặt chân lên đất Hàm
Rồng, thổi hồn cảm hứng thơ văn để tạo nên nhiều tác phẩm tuyệt tác với cảm xúc bất tận về
nỗi nhớ cảnh Hàm Rồng.
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
53
2.3. Hàm Rồng trong văn học Việt Nam hiện đại
Đi qua chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, đất và người Hàm Rồng càng sáng rực
với truyền thống anh hùng bất khuất, trở thành một biểu tượng văn hóa đặc trưng vùng miền
đậm đà bản sắc dân tộc. Ở nước ta, hiếm có cây cầu nào đi vào thơ nhiều như cầu Hàm Rồng,
đặc biệt trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có các thi phẩm: “Vịnh cảnh
Hàm Rồng”, “Đi thuyền trên sông Mã”, “Lên chùa Linh Sơn”, “Đêm trăng qua núi Hàm
Rồng” của các thi sĩ: Sầm Phố, Nguyễn Huy Khởi, Nguyễn Quang Khiêm, Lê Đình Thực
Thời kỳ thơ viết về cầu Hàm Rồng bừng rộ nhất là thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của
đế quốc Mỹ. Anh Ngọc có “Cao điểm”; Trinh Đường có “Đến Đông Sơn nghe tiếng trống
phòng không”; Nông Quốc Chấn có “Kính chào Thanh Hóa”; Xuân Hoàng có “Gửi Hàm
Rồng”; Huy Cận có “Giữa trưa”, “Nắng mưa, sấm sét sông Mã, sông Chu”, “Chào Đông Sơn”;
Mã Giang Lân có “Trụ cầu Hàm Rồng”
“Trụ cầu Hàm Rồng” được tác giả Mã Giang Lân sáng tác vào năm 1968. Bài thơ được
mở đầu bằng:
Đạn hai mươi li bắn thủng xi măng
Bom tấn ép bẻ tung cột sắt
Tên lửa nổ thép già thành nước
Trụ cầu Hàm Rồng chỉ làm bằng cốt sắt xi măng.
và kết thúc bằng:
Trụ cầu ung dung đứng đó
Bọn giặc lái bị bắt qua đây cúi đầu run sợ
Cứ thế suốt bốn năm
Trụ cầu Hàm Rồng chỉ làm bằng cốt sắt xi măng.
Bài thơ ấn tượng và sâu sắc nhờ cái tứ “đòn bẩy”, trong đó câu “Trụ cầu Hàm Rồng chỉ
làm bằng cốt sắt xi măng” được nhấn nháy tới 4 lần, được coi là “chìa khóa” của sự thành công.
Trong đó, thi sĩ núi Tản sông Đà đã từng ngao du nhiều nơi trong nước, nhưng ít khi lưu
lại đề thơ, vịnh thơ mặc dù “Túi thơ đeo khắp ba kỳ, lạ chi rừng biển thiếu gì gió trăng”, thế
nhưng điều đặc biệt là ông đã viết đến hai bài thơ tuyệt tác về Hàm Rồng, đó là: “Qua Cầu Hàm
Rồng hứng bút” (1932) và “Nhớ cảnh Hàm Rồng” (1933).
Hôm qua chơi ở Dương Quỳ
Trắng phau ngựa trắng xanh rì rừng xanh
Hàm Rồng nay lại qua Thanh
Dưới cầu nước biếc in hình thi nhân.
Còn trong bài “Nhớ cảnh Hàm Rồng”, hình ảnh Hàm Rồng biểu tượng đất nước trải dài
khắp bài thơ. Thi sĩ viết về nỗi nhớ qua việc phác họa khung cảnh Hàm Rồng bằng đôi ba nét
chấm phá mờ ảo trong ký ức:
“Ai xui ta nhớ Hàm Rồng
Muôn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây
Sơn cầu còn đỏ chưa phai ?
Non xanh còn đối, sông dài còn sâu ?
Còn thuyền đánh cá buông câu?
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
54
Còn xe lửa chạy trên cầu như xưa?”
Huy Cận, nhà thơ lớn, cũng đã nói về mảnh đất Hàm Rồng qua những câu thơ:
Nâng ta lên cánh én ngày nay.
Đánh quỷ Mỹ với bốn ngàn năm dựng nước
Đồng Đông Sơn là xương cốt núi sông này.
Và người dân Thanh Hóa thì không bao giờ quên hình ảnh ông Thứ trưởng Bộ Văn hóa
bấy giờ - nhà thơ Huy Cận đã đi thực tế sáng tác ở vùng chiến sự Hàm Rồng trong thời kỳ đầu
của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc mà Hàm Rồng được các nhà chiến lược quân sự Mỹ
xác định là điểm hủy diệt. Với cảm hứng sâu lắng, đa chiều, ông trải lòng mình bằng tình cảm
ưu ái cây cầu. Đọc lại trường ca “Cầu Hàm Rồng” để mỗi chúng ta được sống lại sự đĩnh đạc
của quân và dân ta trong giai đoạn hào hùng lịch sử của quê hương, đất nước, hình ảnh quê
Thanh hiện lên vừa bình dị mà chân thật, vừa như khúc trầm hùng bay bổng:
Và tiếng vút lên xanh ngời của lửa
... những giọng thấp, cao của
đủ các tầng cao xạ
Của những khẩu súng dân quân Yên Vực, Nam Ngạn, Đông Sơn
Và nghe những máy bay Mỹ gãy nát xương sườn
... Lòng mỗi người dân rạo rực
niềm vui
Góp mỗi người mỗi câu vào
bản đại cáo
Đánh Mỹ tuyệt vời
Người Hàm Rồng được nhân lên sức mạnh thắng Mỹ bởi truyền thống lịch sử, văn hóa
dân tộc Việt Nam như nhà thơ Huy Cận đã viết: “Đánh quỷ Mỹ với sức bốn ngàn năm đứng
dậy / Đồng Đông Sơn là xương cốt núi sông này”. Và khúc ca “Đây Thanh Hóa anh hùng và
dòng sông Mã mến yêu” hôm qua, hôm nay, mai sau còn ngân vang mãi.
Nhà thơ Xuân Diệu trong cuốn“Đi trên đường lớn” (1968) cũng phải thốt lên: “Tôi đã
nhiều lần qua cầu Hàm Rồng. Ai đi qua cầu ở đây mà không ngả nón cất mũ trông cầu, để
chào cầu sông Mã của ta và cũng để hứng gió ở trên cầu”
Đặc biệt, bài thơ “Cái cầu” của thi sĩ Phạm Tiến Duật sáng tác tháng 5/1964 đã để lại ấn
tượng sâu sắc về cây cầu bất tử hiện hữu như cầu nối tình cha - con:
“Cha gửi cho con chiếc ảnh cái cầu
Cha vừa bắc xong qua dòng sông sâu
...
Yêu hơn, cả cái cầu ao mẹ thường đãi đỗ
Là cái cầu này ảnh chụp xa xa;
Mẹ bảo: cầu Hàm Rồng sông Mã
Con cứ gọi: cái cầu của cha”.
Có thể nói, vẻ đẹp hùng thiêng của Hàm Rồng luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với
các danh sĩ. Hàm Rồng làm đẹp hồn thơ, làm phong phú đời sống tinh thần của các tao nhân
mặc khách. Ngày nay, Hàm Rồng văn hóa, lịch sử, một Hàm Rồng bất tử luôn là điểm đến du
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
55
ngoạn, khám phá cho những ai yêu quý Hàm Rồng. Và sức sống kì diệu của chiếc cầu bất tử
làm nức lòng cả nhân loại, trải qua bao mưa bom bão đạn, cầu Hàm Rồng vẫn đứng đó, bình
yên soi bóng thép xuống lòng sông Mã trong xanh, điểm tô cho sự hùng vĩ ngàn năm của núi
Rồng sông Mã.
Và mỗi du khách đến nơi đây, vãn cảnh Hàm Rồng hồi tưởng lại những năm tháng
chiến tranh bi hùng, khốc liệt đều cảm thấy ngôn ngữ của mình bỗng trở nên nghèo nàn khi
muốn tìm lời ngợi ca xứng đáng nhất với cây cầu kỳ diệu, Hàm Rồng hôm nay đang trên đà
khởi sắc. Đúng như một nhà thơ đã viết:
Đất này là đất Hàm Rồng
Đi qua bom đạn vẫn hồng sắc xuân.
3. Kết luận
Hàm Rồng, địa danh đã đi vào lịch sử như những trang chói lọi nhất trong cuộc kháng
chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Dấu ấn Hàm Rồng trong văn học không chỉ lưu giữ
hình ảnh về một biểu tượng văn hóa - lịch sử đặc trưng vùng miền mang đậm bản sắc dân tộc
mà còn lưu giữ về một miền ký ức hào hùng của đất và người Hàm Rồng xứ Thanh nói riêng,
dân tộc Việt Nam nói chung. Cho đến ngày nay, Hàm Rồng vẫn hiên ngang trường tồn cùng
với chiều dài lịch sử dân tộc như một biểu tượng bất tử.
Tài liệu tham khảo
[1]. Tản Đà toàn tập (2002), tập 1, Nxb Văn học.
[2]. Thơ văn Phan Huy Ích (1978), Dụ Am ngâm lục, Nxb Khoa học Xã hội.
[3]. Hoàng Tuấn Phổ (2008), Thanh Hóa ngàn xưa lưu dấu, Nxb Trẻ.
[4]. Hoàng Tuấn Phổ (2009), Hùng thiêng sông núi Hàm Rồng, Nxb Thanh Hóa.
[5]. Lê Huy Trâm, Hoàng Khôi (1975), Ca dao Thanh Hóa, Sở VHTT Thanh Hóa xb.
[6] Thơ văn Lý Trần (tập 3), Nxb Khoa học Xã hội, 1978.
IMPRINTS OF HAM RONG IN LITERATURE
Nguyen Thi Thuc, Ph.D
Nguyen Thi Ha, Ph.D student
Abstract: Ham Rong is a special historical cultural site imbued with sacred imprints of
the national history. The cultural space of Ham Rong not only contains the historical, cultural
and belief values but also contributes to educate young generation about national traditions.
Ham Rong has been paid much attention by Vietnamese and foreign scholars who have been
studying it in many different aspects. In this article, we analyzes values of Ham Rong in
literature in the hope of enriching research materials of this site.
Key words: cultural space of Ham Rong, historical and cultural site, literature on Ham Rong
Người phản biện: TS. Tạ Thị Thủy (ngày nhận bài 11/6/2018; ngày gửi phản biện
15/6/2018; ngày duyệt đăng 02/4/2019).