Tóm tắt: Bài viết xem xét vai trò của trật tự từ trong
câu tiếng Việt. Sự thay đổi trật tự từ được xem như là
phương thức ngữ pháp để biểu thị một số loại ý nghĩa
và chức năng ngữ pháp. Bằng cách nêu ra và phân
tích một số ví dụ tiêu biểu, bài viết chứng minh rằng
người nước ngoài muốn học tốt tiếng Việt thì phải có
hiểu biết sâu về vai trò của trật tự từ trong tiếng Việt,
một ngôn ngữ đơn lập điển hình.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 327 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu "Đây đi đây đây!”: Vai trò của trật tự từ đối với việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chin lc ngoi ng trong xu th hi nhp Tháng 11/2014
429
"ĐÂY ĐI ĐÂY ĐÂY!”: VAI TRÒ CỦA TRẬT TỰ TỪ
ĐỐI VỚI VIỆC GIẢNG DẠY TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Nguyn Văn Hip
Viện Ngôn ngữ học
Tóm t
t: Bài viết xem xét vai trò của trật tự từ trong
câu tiếng Việt. Sự thay đổi trật tự từ được xem như là
phương thức ngữ pháp để biểu thị một số loại ý nghĩa
và chức năng ngữ pháp. Bằng cách nêu ra và phân
tích một số ví dụ tiêu biểu, bài viết chứng minh rằng
người nước ngoài muốn học tốt tiếng Việt thì phải có
hiểu biết sâu về vai trò của trật tự từ trong tiếng Việt,
một ngôn ngữ đơn lập điển hình.
Abstract: The paper deals with the role of word
order in sentences of Vietnamese. The change of word
order is considered as the grammatical device in
expressing some kinds of grammatical meaning and
function. By using some funny examples, the author
has proved that the acquisition of Vietnamese as a
second language must be based on deep knowledge of
the role of word order in Vietnamese, an typical
isolating language.
1. Dẫn nhập
Nguyên lí về tính hình tuyến của ngôn ngữ dẫn
đến hệ luận là trong ngôn ngữ tự nhiên, sự thay
đổi trật tự cũng là sự thay đổi hình thức biểu đạt,
vì thế tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều sử
dụng sự thay đổi trật tự như một như một phương
thức biểu đạt, nghĩa là sự thay đổi trật tự sẽ dẫn
đến những thay đổi về nghĩa (meaning) và chức
năng (function) của đơn vị. Vấn đề chỉ là mức độ
dùng phương thức này ở các ngôn ngữ khác nhau
là khác nhau.
Về phương diện loại hình học, tiếng Việt được
xếp vào loại hình các ngôn ngữ đơn lập, phân tích
tính. Đối với các ngôn ngữ phân tích tính thì trật
tự từ đóng một vai trò cực kì quan trọng. Trong
giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, học
viên rất thích thú khi giảng viên yêu cầu họ thử
tìm cách thay đổi trật tự các từ “sao”, “bảo”, “nó”,
“không”, “đến” bởi số lượng các câu có thể được
tạo ra là rất lớn, có đến vài chục. Chẳng hạn:
Sao bảo nó không đến?
Sao nó bảo không đến?
Nó bảo sao không đến.
Không sao bảo nó đến.
Nó đến bảo không sao.
Không đến, nó bảo sao?
Đến nó, sao không bảo?
v.v..
Một cách khái quát nhất, có thể lập thức rằng
trong tiếng Việt sự thay đổi trật tự của từ sẽ dẫn
đến sự thay đổi về nghĩa và chức năng. Chẳng
hạn, cùng một từ “đây” nhưng sự khác nhau về
trong câu sẽ dẫn đến những sự khác biệt về nghĩa
và chức năng của nó, như có thể thấy ở câu:
“Đây (1) đi đây (2) đây (3)!”
Trong câu này, đây (1) là đại từ chỉ ngôi thứ
nhất, làm chủ chủ của câu, biểu thị người thực
hiện hành động; đây (2) là đại từ phiếm chỉ về địa
điểm, làm bổ ngữ của câu; còn đây (3) là tiểu từ
tình thái cuối câu, làm tình thái ngữ của câu (về
khái niệm này, xin xem Nguyễn Minh Thuyết và
Nguyễn Văn Hiệp 1998, Nguyễn Văn Hiệp 2009),
có chức năng đánh dấu một hành động sắp được
thực hiện.
Trong bài này, chúng tôi sẽ khái quát vai trò
của trật tự từ trong tiếng Việt như một phương
thức biểu đạt và ứng dụng vào việc dạy tiếng Việt
cho người nước ngoài. Vì bài viết hướng đến phục
vụ cho việc giảng dạy tiếng Việt có tính thực hành
nên chúng tôi không đặt ra vấn đề phân biệt đồng
âm hay đa nghĩa khi miêu tả các hiện tượng có
liên quan đến sự thay đổi trật tự từ trong câu và
trong các tổ hợp. Bất luận giải thuyết hiện tượng
là đồng âm hay đa nghĩa thì thực tế mà người
nước ngoài học tiếng Việt bắt gặp đều như nhau,
đó là: (i) có một sự khác biệt về trật tự; và (ii) có
một sự khác biệt về nghĩa và về chức năng.
Tiu ban 3: Đào to ting Vit nh mt ngoi ng cho ngi n c ngoài
430
2. Vai trò của trật tự từ trong tiếng Việt
2.1. Thay đổi trật tự từ là thay đổi chức
năng ngữ pháp và nghĩa biểu hiện
Chức năng ngữ pháp hiểu theo theo ngữ pháp
truyền thống, là chức năng làm các thành phần câu
như chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ v.v.
Nghĩa biểu hiện được là vai nghĩa (semantic
role), tức vai trò mà từ ngữ tham gia cấu tạo nên
sự tình (state of affairs) của câu.
Ở bậc câu, sự thay đổi trật tự kéo theo sự thay
đổi chức năng ngữ pháp và nghĩa biểu hiện là sự
thay đổi rất dễ nhận biết. Chẳng hạn, so sánh:
(1) Tôi (1) đánh nó
(2) Nó đánh tôi (2)
Trong câu (1), “tôi” là chủ ngữ (subject), chỉ
tác thể (agent) của hành động.
Trong cấu (2), “tôi” là bổ ngữ (object), chỉ bị
thể (patient) hay đối tượng của hành động.
Sự thay đổi trật tự còn phục vụ cho quá trình
“chủ đề hóa” (topicalization), tạo nên thành phần
được gọi là “khởi ngữ” của câu (Nguyễn Kim
Thản 1964, Nguyễn Văn Hiệp 2009).
Ví dụ: (3) Ông ấy không hút thuốc.
→Thuốc, ông ấy không hút Ø.
(4) Bà ấy có hàng dãy nhà ở phố, hàng mẫu
ruộng ở quê.
→ Nhà, bà ấy có hàng dãy Ø ở phố; ruộng, bà
ấy có hàng mẫu Ø ở quê.
2.2. Thay đổi trật tự làm thay đổi nội dung
ngữ nghĩa của từ trong tổ hợp
2.2.1. Thay đổi trật tự có liên quan ý nghĩa tình
thái và ý nghĩa về thời, thể
Ví dụ, ta có từ “được” với các ý nghĩa khác
nhau trong các câu sau:
(5) Nó được nhà, được vợ.
(6) Anh ấy được đi chơi.
(7) Quả này ăn được, không chết.
(8) Hôm qua, chị ấy mua được cái áo rất đẹp.
(9) Làm thế là được.
(10) Cô ấy được thầy khen.
Mặc dù các nhà nghiên cứu còn có thể tranh
luận, nhưng có thể cho rằng: Trong (5), “được” là
một vị từ chỉ sự thụ đắc, chiếm hữu; trong (6)
“được” là vị từ tình thái, chỉ sự “cho phép”, thuộc
tình thái đạo nghĩa (deontic modality); trong (7),
“được” là vị từ tình thái, chỉ “khả năng”, thuộc
tình thái nhận thức (epistemic modality); trong
(8), “được” là phó từ chỉ thể kết quả; trong (9),
“được” là một vị từ đánh giá; trong (10), “được”
có thể xem là hư từ dùng để cấu tạo câu bị động
(passive).
Sự thay đổi này có thể rất tinh tế, khó hiểu đối
với người nước ngoài. Chẳng hạn, từ “lại” thể
hiện nội dung khác nhau khi đứng trước vị từ và
đứng sau vị từ, ví dụ:
(11) Nó lại học.
≠ (12) Nó học lại.
Trong “Nó lại học”, bên cạnh ý nghĩa về thể tái
diễn, có tính khách quan, “lại” còn có nội dung
biểu thị một sự đánh giá chủ quan của người nói
(một loại tình thái, thuộc “lập trường” của người
nói): người nói cho rằng việc học của nó là không
mong muốn, là tiêu cực. Đây là nghĩa của “lại”
khi đứng trước vị từ nói chung, ví dụ: Nó lại hỏi
mượn tiền; Nó lại đánh vợ; Nó lại hút thuốc Có
khi, ý nghĩa khách quan là zero, “lại” đứng trước
vị từ chỉ còn biểu thị ý nghĩa đánh giá chủ quan,
thể hiện thái độ của người nói đối với hành động,
trạng thái được nêu trong câu. Ví dụ:
(13) Giữa lúc gia cảnh túng quẫn vì mẹ bỗng
ốm triền miên, anh con cả lại lấy vợ.
(14) Giữa lúc ông cần một trợ thủ để chống lại
nạn ăn cắp vật liệu tại công trường, con chó lại lăn
ra chết.
Trong “Nó học lại”, “lại” chỉ biểu thị ý nghĩa
thể tái diễn. Đây là ý nghĩa của “lại” khi đứng sau
vị từ nói chung, ví dụ: Nó làm lại bài toán; Cô ấy
nói lại câu đã nói hôm qua
2.2.2. Thay đổi trật tự có thể khiến tổ hợp có
Chin lc ngoi ng trong xu th hi nhp Tháng 11/2014
431
quan hệ C-V hay danh ngữ trở thành tính ngữ có ý
nghĩa đánh giá. Trường hợp này thường gặp ở các
tổ hợp có chứa bộ phận cơ thể người.
Ví dụ: “mặt vàng” ≠ “vàng mặt”
“mặt xanh” ≠ “xanh mặt”
“gan to” ≠ “to gan”
“bụng tốt” ≠ “tốt bụng”
“đầu to” ≠ “to đầu”
“mắt xanh” ≠ “xanh mắt” v.v..
3. Sự thay đổi trật tự từ và các quá trình
ngữ pháp hóa (grammaticalization) trong tiếng
Việt
Ngữ pháp hóa được hiểu là quá trình một thực
từ biến đổi thành hư từ, hoặc quá trình mà hư từ
với chức năng thứ nhất biến đổi để trở thành hư từ
có chức năng thứ hai, thứ ba v.v.
Trong tiếng Việt, có thể nêu giả thuyết về
những quá trình ngữ pháp đi từ các vị từ thực đến
hư từ. Trong công trình “Cơ sở ngữ nghĩa phân
tích cú pháp” (Nxb Giáo dục, 2008) chúng tôi đã
miêu tả một số tiểu từ tình thái cuối câu (modal
final particles) trong tiếng Việt được phát sinh từ
các vị từ thực, phản ánh một khía cạnh phát triển
của tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập điển hình.
Sau đây là miêu tả cụ thể của chúng tôi về quá
trình ngữ pháp hoá đã dẫn đến sự hình thành 7 tiểu
từ tình thái: mất, thật, nghe, xem, đây, đấy, đi, vốn
gốc gác là những vị từ thực hoặc từ chỉ xuất, mà
chúng tôi gọi chung là “vị từ ngôn liệu”. Chúng
tôi sẽ chỉ ra những thay đổi về trật tự đã dẫn đến
những thay đổi về ý nghĩa và chức năng của
chúng trong câu.
Mất:
Với tư cách là vị từ ngôn liệu, từ "mất" đứng
trước danh từ và có nghĩa là: "Không có, không
thấy, không tồn tại (tạm thời hay vĩnh viễn) nữa.
Ví dụ: Mất tín hiệu liên lạc" (Từ điển tiếng Việt,
Hoàng Phê chủ biên 1996, tr. 601)
"Mất" đứng sau vị từ là chỉ báo cho ý nghĩa
đánh dấu ý về "thể", có thể tạm gọi là thể "kết
quả", như được thấy trong các ví dụ sau:
(15) Cái áo này, tôi phải mua mất hai triệu.
(16) Tôi đợi mất 2 tiếng mới có tàu.
"Mất" ở cuối câu có nội dung là biểu thị một
sự đánh giá tiêu cực (không mong muốn, đáng lo
ngại) của người nói về một sự tình có thể xảy ra
nào đó, ví dụ:
(17) Trời như thế này thì mai mưa mất!
(18) Học như thế này thì ở lại lớp mất!
Nếu "mất" được dùng với ý nghĩa thể, như ở ví
dụ (15) và (16), ý nghĩa của nó vẫn còn liên quan
nhiều đến ý nghĩa thực (ý nghĩa của vị từ ngôn
liệu) ban đầu, là ý nghĩa của một vị từ thuộc nhóm
tồn tại-tiêu biến. Nhưng với tư cách là một tiểu từ
tình thái cuối câu, như ở ví dụ (17) và (18) "mất"
đã có một nội dung khái quát hơn rất nhiều, biểu
thị đánh giá tình thái của người nói đối với cả sự
tình được nói đến trong câu.
Thật
Với tư cách là một vị từ ngôn liệu, "thật" đứng
sau danh từ và có ý nghĩa cơ bản là:
"Hoàn toàn đúng với nội dung của khái niệm
hoặc đúng với tên gọi, không giả. Ví dụ: Hàng
thật" (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên
1996, tr. 895)
Tuy nhiên, “thật” ở cuối câu lại biểu thị sự
thừa nhận, sự khẳng định của người nói đối với sự
tình được nói đến trong câu, giả định trong thế
"xung đột" với một suy nghĩ trái ngược nào đó từ
phía người nghe hoặc với một điều suy nghĩ trái
ngược của chính mình trước đó, ví dụ:
(19) Tiền này là tiền giả thật!
(20) Cô ta không thể cải tạo được thật!
Xem
Với tư cách là một vị từ ngôn liệu, "xem" đứng
trước danh từ và có ý nghĩa cơ bản là: "Nhận biết
bằng mắt. Ví dụ: Xem phong cảnh" (Từ điển tiếng
Việt, Hoàng Phê chủ biên 1996, tr 1107)
Ở cuối câu, "xem" biểu thị ý chí của người nói
Tiu ban 3: Đào to ting Vit nh mt ngoi ng cho ngi n c ngoài
432
muốn người nghe thực hiện (hay cùng thực hiện)
hành động được nói đến trong câu. Với ý nghĩa
này, “xem” được coi là một trong những dấu hiệu
ngôn hành của các phát ngôn thuộc nhóm khuyến
lệnh (directives), theo cách phân loại của Searle
(1969). Ví dụ:
(21) Ăn quả táo này thử xem! Thấy vị có giống
táo Mỹ không?
(22) Nghe thử đĩa nhạc này xem! Có vẻ được
đấy!
(23) Ngửi cái này xem! Hình như có mùi oải
hương?
Đi
Với tư cách là một vị từ ngôn liệu, “đi” đứng
sau danh từ hoặc đại từ và có ý nghĩa cơ là:"Tự di
chuyển bằng những động tác liên tiếp của chân,
lúc nào cũng có chân tựa trên mặt đất, vừa có chân
giơ lên đặt tới chỗ khác. Ví dụ: Trẻ đi chưa vững"
(Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên 1996, tr
301)
Khi dùng ở cuối câu thì “đi” biểu thị ý chí có
tính áp đặt của người nói muốn người nghe thực
hiện hành động được nói đến trong câu, và như
vậy cũng được coi là một dấu hiệu ngôn hành của
các phát ngôn thuộc nhóm khuyến lệnh. Ví dụ:
(24) Đánh, đánh bỏ mẹ cái thằng mèo nhép kia
đi! (Nguyễn Đình Thi)
(25) Kìa, mình ăn đi. Có chịu khó ăn mới
chóng khoẻ chứ! (Nguyên Hồng)
Nghe
Với tư cách là một vị từ ngôn liệu, “nghe”
đứng trước danh từ, vị từ hoặc một kết cấu C-V và
có ý nghĩa cơ bản là: “Cảm nhận, nhận biết bằng
cơ quan thính giác. Ví dụ: Nghe có tiếng gõ cửa"
(Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên 1996, tr
653)
Ở vị trí cuối câu, “nghe” biểu thị ước muốn
của người nói đối với sự tình được biểu đạt trong
câu, ước muốn này không mang tính áp đặt mà
thiên về tình cảm. Tương tự như “xem” và “đi”,
“nghe” cũng được coi là dấu hiệu ngôn hành của
những phát ngôn thuộc nhóm khuyến lệnh. Ví dụ:
(26) Đi chơi nhớ về sớm nghe!
(27) Cẩn thận đừng sờ dây điện nghe!
Đây/Đấy
“Đây”, «đấy” mang bản chất trực chỉ (deixis)
không gian rõ ràng. “Đây” dùng để chỉ phạm vi
không gian gần người nói, còn "đấy” chỉ một
phạm vi không gian xa hơn. Khi được dùng theo
lối hoán dụ, hai từ này có thể được dùng để chỉ
người hay vật hiện diện trong những phạm vi
không gian đó. Ví dụ:
(28) Đây là bác sĩ Nam.
(29) Đây là chị tôi, còn đấy là em tôi.
Ở vị trí cuối câu, hoạt động như tiểu từ tình
thái cuối câu, hai từ trực chỉ này mở rộng dung
lượng nghĩa, trở nên khái quát hơn để chuyển tải
cả ý nghĩa trực chỉ về thời gian. So sánh:
(30) Tôi đi đây.
(31) Tôi đi đấy.
Phát ngôn (30) dễ được hiểu như một tuyên bố,
tức người nói sẽ thực hiện ngay lập tức hành động
“đi”. Còn với phát ngôn (31), dễ được hiểu như
một lời cảnh báo, việc thực hiện hành động “đi” là
có khả năng, nhưng ở một thời điểm xa hơn.
Theo hướng khái quát như vậy, đây/đấy còn
biểu thị những nội dung thuộc tình thái nhận thức
(epistemic modality), theo nghĩa là người nói biểu
thị những mức độ cam kết khác nhau về tính chân
thực của điều được nói đến trong câu, dựa vào sự
thể rằng các bằng chứng (evidence) là mang tính
tức thời hay đã có một “độ lùi”, «độ kiểm
nghiệm” về thời gian. “Đây” được dùng để biểu
thị cam kết của người nói trên cơ sở những dấu
hiệu, bằng chứng có tính tức thời, được người nói
trải nghiệm ở chính vào thời điểm nói hay ngay
trước thời điểm nói. Ví dụ, nếu lần đầu tiên trông
thấy một cầu thủ trẻ thực hiện những động tác đi
bóng điêu luyện, ta có thể nói:
(32) Cậu này đá được đây.
Nhưng nếu ta đã từng thấy cầu thủ trên đây
Chin lc ngoi ng trong xu th hi nhp Tháng 11/2014
433
chơi bóng một hoặc vài lần, ta sẽ nói:
(32) Cậu này đá được đấy.
Như vậy, với tư cách là một tiểu từ tình thái
cuối câu, "đấy" chỉ báo cho một cam kết nhận
thức dựa trên những bằng chứng đã có trong quá
khứ, tức là ở một thời điểm lùi xa hơn so với thời
điểm nói.
4. Kết luận
Từ những gì được trình bày, có thể khẳng định
rằng trong tiếng Việt trật tự từ đóng một vai trò
cực kì quan trọng. Nguyên tắc chung là: thay đổi
trật tự chính là thay đổi hình thức diễn đạt, và hệ
quả là kéo theo những thay đổi về ý nghĩa và chức
năng. Nếu giả thuyết về mối quan hệ bộ ba giữa
ngôn ngữ-tư duy-văn hóa là đúng thì sự thay đổi
linh hoạt của từ ngữ trong câu tiếng Việt dẫn đến
những sự thay đổi linh hoạt về nghĩa và chức năng
đã phần nào phản ánh cách tư duy Việt Nam, văn
hóa Việt Nam, đó là cách tư duy linh hoạt, thực tế,
giỏi biến báo. Người nước ngoài muốn học tiếng
Việt tốt, muốn sử dụng tiếng Việt thành thạo, phải
nắm được sự linh hoạt có qui luật của trật tự từ
trong câu tiếng Việt, như chúng tôi đã phần nào
chỉ ra trong bài viết này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cao Xuân Hạo 1991. Tiếng Việt-Sơ thảo ngữ pháp
chức năng, tập 1. Tp Hồ Chí Minh: Nxb Khoa học Xã
hội.
2. Diệp Quang Ban 2004. Ngữ pháp Việt Nam - Phần
câu. Hà Nội: Nxb Đại học Sư phạm.
3. Đinh Văn Đức 1986. Ngữ pháp tiếng Việt. H, Nxb
Giáo dục.
4. Đỗ Hữu Châu 1998. Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng.
Hà Nội: Nxb Giáo dục.
5. Frawley W 1992. Linguistic Semantics. Lawrence
Erlbaum Associates, Publisher, New Jersey.
6. Hoàng Phê (chủ biên) 1996. Từ điển tiếng Việt. Hà
Nội, Nxb KHXH.
7. Hoàng Tuệ 1988. Về khái niệm tình thái. T/c Ngôn
ngữ, Số phụ 1/1988.
8. Hopper P.J 1991. “On some principles of
grammaticization”. In E.C Traugott and B. Heine (eds):
Approaches to grammaticization, Volume I.
Amsterdam: John Benjamins publishing company.
9. Lý Toàn Thắng 2004. Lí thuyết trật tự từ trong cú
pháp. Hà Nội: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
10. Nguyễn Anh Quế 1988. Hư từ trong tiếng Việt
hiện đại. Hà Nội: Nxb KHXH.
11. Nguyễn Kim Thản, 1964. Nghiên cứu về ngữ
pháp tiếng Việt, tập 2. Hà Nội: Nxb KHXH.
12. Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp 1998.
Thành phần câu tiếng Việt. Hà Nội: Nxb Đại học Quốc
gia Hà Nội.
13. Nguyễn Văn Hiệp 2003a. “Những cơ sở nghĩa cho
việc phân tích cú pháp câu tiếng Việt”. Báo cáo đọc tại
Hội thảo nghiên cứu về Việt Nam học. Seoul, Hankuk
University of Foreign Studies, tháng 12/2003.
14. Nguyễn Văn Hiệp 2003b. Khái niệm tình thái
trong ngôn ngữ học. Tạp chí Ngôn ngữ, Số 7 và Số
8/2003. (Viết chung với Lê Đông)
15. Nguyễn Văn Hiệp 2003c. “Cấu trúc câu tiếng Việt
nhìn từ góc độ ngữ nghĩa”. Tạp chí Ngôn ngữ, Số 2-
2003
16. Nguyễn Văn Hiệp 2004. “Về một khía cạnh phát
triển của tiếng Việt” (Thể hiện qua hiện tượng ngữ
pháp hóa hình thành một số tiểu từ tình thái cuối câu).
Tạp chí Ngôn ngữ, Số 11-2004.
17. Nguyễn Văn Hiệp 2006. Nghĩa chủ đề và những
cách tiếp cận về nghĩa chủ đề. Tạp chí Ngôn ngữ, Số
11-2006
18. Nguyễn Văn Hiệp 2008. Cơ sở ngữ nghĩa phân
tích cú pháp. Hà Nội, Nxb Giáo dục.
19. Nguyễn Văn Hiệp 2009. Cú pháp tiếng Việt. Hà
Nội, Nxb Giáo dục Việt Nam.
20. Nguyễn Đức Dân 1998. Lô gic và tiếng Việt. Hà
Nội, Nxb Giáo dục.
21. Nguyễn Tài Cẩn 1975. Ngữ pháp tiếng Việt:
Tiếng-Từ ghép-Đoản ngữ. Hà Nội, Nxb ĐH&THCN.
22. Searle J.R 1969. Speech acts: an essay in the
philosophy of language. Cambridge University Press.
23. Tallerman M. 1999. Understanding Syntax.
London, Arnold Publisher.
24. Traugott E.C and Heine B. (eds) 1991:
Approaches to grammaticization, Volume I.
Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins publishing
company.