Theo nhiều nhà phân tích, rủi ro chỉphát sinh khi có một sựkhông chắc chắn vềmất mát sẽxảy
ra (uncertainty about the occurrence of a loss). Với khái niệm vềrủi ro này, nếu xác suất mất
mát là 0 hoặc 1, thì không có rủi ro.
Ví dụ, nếu một người nhảy từtòa nhà cao 30 tầng xuống mặt đất thì cầm chắc cái chết. Mặc dù có
chuyện mất mát vềnhân mạng nhưng đây không phải là rủi ro vì hậu quả đã thấy trước. Tuy nhiên,
nếu một cascadeur nhảy từlầu cao xuống đất bằng dù thì người này có thểchết hay không chết.
Trong trường hợp này có sựkhông chắc chắn vềhậu quả, tức là có rủi ro trong hành động của người
diễn viên đóng thếnày.
7 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 1933 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Rủi ro là gì ?, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Rủi ro là gì ?
Theo nhiều nhà phân tích, rủi ro chỉ phát sinh khi có một sự không chắc chắn về mất mát sẽ xảy
ra (uncertainty about the occurrence of a loss). Với khái niệm về rủi ro này, nếu xác suất mất
mát là 0 hoặc 1, thì không có rủi ro.
Ví dụ, nếu một người nhảy từ tòa nhà cao 30 tầng xuống mặt đất thì cầm chắc cái chết. Mặc dù có
chuyện mất mát về nhân mạng nhưng đây không phải là rủi ro vì hậu quả đã thấy trước. Tuy nhiên,
nếu một cascadeur nhảy từ lầu cao xuống đất bằng dù thì người này có thể chết hay không chết.
Trong trường hợp này có sự không chắc chắn về hậu quả, tức là có rủi ro trong hành động của người
diễn viên đóng thế này.
Nói đến rủi ro không thể bỏ qua khái niệm về xác suất (probability) hay là khả năng xảy ra mất mát.
Xác suất khách quan (objective probability) - còn gọi là xác suất tiên nghiệm (a priori probability) được
xác định bằng phương pháp diễn dịch (deduction). Ví dụ như đồng tiền sấp hay ngửa thì xác suất của
nó là 50%. Tuy nhiên, xác suất khách quan có lúc không thể xác định bằng tư duy logic. Chẳng hạn
như không thể suy diễn rằng xác suất của một người đàn ông lái xe hơi có gây tai nạn hay không trong
năm tới là 50% bởi còn nhiều yếu tố liên quan khác như độ tuổi, xe cũ hay mới... Tuy nhiên, bằng cách
phân tích kỹ lưỡng những trường hợp tai nạn xe hơi trước đây, người ta có thể ước tính xác suất tai
nạn theo lối suy luận quy nạp (inductive reasoning). Ngoài xác suất khách quan, có thể kể thêm xác
suất chủ quan (subjective probability) là ước tính của từng cá nhân đối với khả năng xảy ra mất mát. Ví
dụ như nếu có 1 triệu vé số bán ra chỉ có 1 người trúng thì xác suất khách quan là 1 phần triệu. Mặc dù
vậy vẫn có nhiều người mua nhiều vé số vì xác suất chủ quan của họ cao hơn. Có nhiều yếu tố ảnh
hưởng đến xác suất chủ quan như tuổi, giới tính, trình độ học vấn và cả óc mê tín dị đoan...
Để hiểu thêm về rủi ro cần phân biệt sự khác nhau giữa hiểm họa (peril) và mối nguy (hazard). Hiểm
họa được hiểu như là nguyên nhân dẫn đến mất mát. Ví dụ một ngôi nhà bị cháy thì hỏa hoạn là hiểm
họa đã gây ra thiệt hại đối với ngôi nhà; hai xe hơi đụng nhau thì việc đụng xe là hiểm họa làm cho xe
bị hư hỏng. Trong khi đó, mối nguy được xem là tác nhân làm tăng khả năng xảy ra mất mát. Nếu như
hỏa hoạn được xem là hiểm họa thì dầu lửa trong khu vực hỏa hoạn được xem là mối nguy. Để tiện
phân tích, người ta chia mối nguy thành ba loại: mối nguy vật chất (physical hazard), mối nguy đạo đức
(moral hazard) và mối nguy tinh thần (morale hazard).
Mối nguy vật chất là tình trạng vật chất yếu kém làm tăng khả năng xảy ra mất mát. Tình trạng đường
sá ở Việt Nam ta là ví dụ sống động về mối nguy vật chất. Một số nơi đèn đường không đủ sáng, có ổ
gà, việc phân luồng phân tuyến cho xe chạy không hợp lý là những mối nguy làm cho tai nạn xảy ra
thường xuyên hơn. Mối nguy đạo đức là sự không trung thực của một cá nhân nào đó làm tăng khả
năng xảy ra mất mát. Ví dụ có người mua bảo hiểm cho căn nhà của mình rồi gây hỏa hoạn để lấy tiền
bồi thường, hay một người biết mình bị ung thư nhưng vẫn khai là sức khỏe của mình tốt để mua bảo
hiểm và được bồi thường. Mối nguy tinh thần là sự bất cẩn hay thờ ơ của một cá nhân dẫn đến mất
mát vì người này chủ quan cho rằng mình đã mua bảo hiểm. Ví dụ một người cứ nghĩ mình đã có bảo
hiểm nên cứ phóng xe ào ào giữa phố xá đông người mặc dù thỉnh thoảng trong người có hơi men.
Việc xác định mối nguy đạo đức và mối nguy tinh thần có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với các hãng
bảo hiểm khi ký hợp đồng với khách hàng. Để tránh mối nguy đạo đức, họ phải thiết lập một hệ thống
phân loại và đánh giá rủi ro trước khi bảo hiểm (underwriting) một cách hiệu quả. Mối nguy tinh thần thì
khó xác định hơn nên có khi công ty bảo hiểm không chịu bồi thường toàn bộ mà người mua bảo hiểm
cũng phải chịu trách nhiệm chi trả trong một hạn mức quy định (deductible) hoặc cùng công ty bảo
hiểm thanh toán một phần chi phí (co-insurance). Đến đây thì độc giả có thể thông cảm với công ty bảo
hiểm vì họ phải đối đầu với rủi ro ngay trước khi ký hợp đồng với khách hàng. Tuy nhiên, các công ty
bảo hiểm nắm rõ rủi ro hơn khách hàng nên “phần thắng” bao giờ cũng thuộc về họ. Từ đó chúng ta rút
ra được bài học: trong cuộc sống hay trên thương trường, ai hiểu biết về rủi ro nhiều hơn sẽ trở thành
người chiến thắng.
Nguyễn Hữu Huy
(Nguồn: TBKTSG số 27-2007)
Có tránh được rủi ro
Quản lý rủi ro (QLRR) bằng cách tránh né (risk avoidance) là cách đơn giản nhất: nếu Thái Lan
an ninh bất ổn, thì tốt nhất không nên du lịch sang đó; muốn không bị tai nạn giao thông thì
đừng bước ra ngoài đường; không muốn phá sản thì đừng kinh doanh...
Tuy nhiên, áp dụng phương cách QLRR này thì có lẽ không ai dám bước ra khỏi nhà, đi du lịch hay bỏ
vốn ra kinh doanh cả. Vì vậy trong cuộc sống mọi người trong chúng ta đều phải chấp nhận thực tế và
duy trì rủi ro (risk retention). Ví dụ có người mua một căn nhà vài tỉ đồng nhưng không chịu bỏ tiền mua
bảo hiểm vì cho rằng khả năng xảy ra hỏa hoạn là rất thấp. Cũng có khi người ta duy trì rủi ro vì thiếu
hiểu biết, thờ ơ, chần chừ hoặc cho rằng chuyện đó không muốn đến với mình. Chẳng hạn như ít ai
quan tâm đến rủi ro bị tật nguyền mặc dù nếu điều này xảy ra thì thiệt hại về tài chính sẽ khá lớn.
Nhưng cách QLRR thông thường nhất là ai cũng tìm cách giảm mức độ thiệt hại hay tần suất rủi ro
(risk reduction). Đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, buộc dây an toàn khi đi ô tô là cách giảm rủi ro
nếu tai nạn xảy ra. Không hút thuốc, bớt uống rượu, sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi... là những cách
giảm rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe.
Báo Thanh Niên mới đây có kể chuyện “khó tin” về những người nông dân ở huyện Điện Bàn - Quảng
Nam mỗi năm bỏ ra 150.000 đồng bảo hiểm mỗi con bò cho hợp tác xã (HTX) mà mình là hội viên. Bù
lại trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, tư vấn kỹ thuật trồng cỏ, bón phân lẫn tiêm vắc-xin phòng bệnh...
cho bò sẽ do cán bộ của HTX đảm trách. Khi phát hiện bò có dấu hiệu bị bệnh, cán bộ HTX sẽ khoanh
vùng, hạn chế dịch bệnh lây lan. Nhìn từ góc độ của nhà tư vấn, đây là phương pháp QLRR bằng cách
chia sẻ rủi ro (risk sharing). Trong kinh doanh, hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn là điển hình cụ
thể về chia sẻ rủi ro vì trong trường hợp mắc nợ hay phá sản, trách nhiệm chỉ giới hạn trong phần vốn
của từng cổ đông đóng góp.
Có thể QLRR bằng cách chuyển rủi ro (transfering risk) cho một người khác hay một bên thứ ba. Ví dụ
trong hợp đồng mua bán có thể quy định việc bồi thường cho người mua trong trường hợp hàng hóa
không sử dụng được: rủi ro đã được chuyển từ người mua sang người bán. Một ví dụ khác là hợp
đồng bảo hiểm theo đó một cá nhân trả bảo phí để chuyển rủi ro cho hãng bảo hiểm để bồi thường một
thiệt hại hay mất mát nào đó.
Thật vậy, kỹ thuật QLRR hiệu quả nhất trong thực tiễn cuộc sống và môi trường chính trị, kinh tế,
thương mại, xã hội hiện nay chính là bảo hiểm. Nhờ lợi ích của việc tính toán xác suất và phương
pháp tập trung nguồn lực để phân bổ và giảm thiểu rủi ro (risk pooling), bảo hiểm giúp xã hội sử dụng
tối ưu đồng tiền và từng cá nhân và toàn xã hội không nhất thiết phải để dành một khoản tiền dự trữ
quá lớn.
Ví dụ, trong một khu vực dân cư nào đó dễ bị dông bão có 2.000 căn nhà, mỗi căn trị giá 1 tỉ đồng và
đều đối phó với cùng một xác suất là bị bão tàn phá. Trong một năm nào đó, nếu thống kê cho thấy có
hai căn nhà bị bão tàn phá và điều này cho thấy từng căn nhà tương đối an toàn và xác suất rủi ro chỉ
là 0,1% (2-2000). Thiệt hại cho hai căn nhà này là hai tỉ và là cả một mất mát cho gia đình của họ. Tuy
nhiên, chỉ cần lập một quỹ chung, mỗi gia đình đóng góp 1 triệu đồng để huy động được 2 tỉ (1 triệu x
2.000) thì có thể giúp gia đình người này khắc phục hậu quả. Người dân chỉ bỏ ra 1 triệu đồng bảo phí
để mua được sự bình an. Khái niệm về quỹ chung này tương tự việc bảo hiểm nuôi bò như đã trình
bày ở trên và nếu nhân rộng ra, nó sẽ giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của chúng
ta.
Nhưng nói gì thì nói, học phải đi đôi với hành, trong cuộc sống thường nhật của chúng ta không thiếu
những tình huống và môi trường để áp dụng những phương pháp QLRR nói trên. Ví dụ bạn có một
đứa con trong lứa tuổi học trò thích đàn đúm với bạn bè và chat trên Internet. Để tránh rủi ro, bạn chỉ
cần nhốt con của mình trong nhà và không cho đi đâu hết. Tuy nhiên, vì sự phát triển tự nhiên của
cháu, bạn cần phải duy trì rủi ro để cháu có cơ hội giao tiếp trong môi trường học tập hay xã hội. Tuy
nhiên, bạn cần giảm thiểu rủi ro khi quy định thời gian đi chơi, thời gian sử dụng máy tính, giúp cháu có
thời gian biểu học tập, nghỉ ngơi hay vui chơi. Còn nếu có nhiều tiền, bạn có thể chuyển rủi ro cho
thám tử tư để quản lý và theo dõi cháu liên tục cả ngày lẫn đêm hoặc yêu cầu hãng bảo hiểm cung cấp
các sản phẩm hay dịch vụ có liên quan và trả cho họ bảo phí.
Lê Hữu Huy
Nguồn:TBKTSG
Rủi mà không rủi
Giả sử có 100.000 chiếc xe gắn máy được bảo hiểm trong khoảng thời gian tương đối dài và trung
bình mỗi năm có khoảng 10.000 chiếc gặp ít nhất một tai nạn và đòi bồi thường. Tuy nhiên, trong một
năm không hẳn số trường hợp đòi bồi thường có thể chính xác là 10.000. Theo một số giả định nào
đó, có thể chứng minh được rằng trong một khoảng thời gian dài, độ lệch (deviation) của số trường
hợp đòi bồi thường trong một năm từ 10.000, trung bình sẽ là 100.
Như vậy, có một sự biến thiên (variation) của 100 trường hợp đòi bồi thường (claims) từ con số dự
đoán ban đầu là 10.000, tức là 1% (100/10.000). Sự biến thiên tương đối của mất mát thực tế (actual
loss) so với mất mát dự kiến (expected loss) này được gọi là rủi ro khách quan (objective risk).
Rủi ro khách quan sẽ giảm khi số lượng xe tham gia bảo hiểm tăng. Trong ví dụ nói trên, số lượng xe
là 100.000 thì rủi ro khách quan là 1%. Như vậy, nếu số lượng xe là 1 triệu thì số trường hợp đòi bồi
thường sẽ tăng gấp mười lần, lên 100.000 (10% của 1 triệu).
Tuy nhiên, độ biến thiên của mất mát thực tế sẽ chỉ tăng 3 lần từ 100 lên 316 (căn bình phương của
100.000). Như vậy, độ biến thiên tương đối hay rủi ro khách quan thực tế giảm từ 1% (100/10.000)
xuống còn 0,316% (316/100.000).
Ví dụ này cho thấy người ta có thể tính toán được rủi ro khách quan và đây là công cụ cực kỳ hiệu quả
để quản lý rủi ro. Bởi lẽ khi số lượng bảo hiểm càng nhiều thì hãng bảo hiểm càng tính được xác suất
rủi ro chính xác hơn.
Ngược lại với rủi ro khách quan là rủi ro chủ quan (subjective risk), tức là sự không chắc chắn trong
nhận thức của một cá nhân nào đó. Ví dụ như một người uống rượu nhiều sau khi ăn tiệc và muốn lái
xe về nhà sẽ không chắc chắn về việc mình có bị cảnh sát thổi phạt hay không. Hai người khác nhau
sẽ có nhận thức khác nhau về rủi ro và cho thấy thái độ, phản ứng của họ đối với rủi ro.
Nhận thức về rủi ro cũng tùy thuộc vào kinh nghiệm bởi người nào đã từng bị cảnh sát phạt do uống
rượu sẽ cho rằng rủi ro bị cảnh sát phạt là cao và sẽ không dám tái phạm nữa.
Rủi ro còn được phân loại theo rủi ro thuần túy (pure risks) và rủi ro đầu cơ (speculative risk). Rủi ro
thuần túy phát sinh từ tình huống khi có mất mát xảy ra hay không ví dụ như rủi ro dẫn đến thiệt hại về
hỏa hoạn, thiên tai, tai nạn hay tật nguyền. Ngược lại, rủi ro đầu cơ phát sinh từ những tình huống có
hay không có lợi nhuận.
Chẳng hạn, một người khởi nghiệp kinh doanh có thể ăn nên làm ra nhưng cũng có khả năng lỗ, hoặc
một nhà đầu cơ có thể có lãi nếu giá cổ phiếu lên và lỗ nếu giá xuống.
Cách phân loại này rất cần thiết bởi lẽ chỉ có rủi ro thuần túy mới được bảo hiểm còn rủi ro đầu cơ đòi
hỏi những kỹ thuật phòng chống khác ngoài bảo hiểm như việc sử dụng hợp đồng tương lai về chỉ số
chứng khoán (stock index futures) để đối phó với sự biến động của giá cổ phiếu.
Trên bình diện xã hội, rủi ro đầu cơ cũng có ích: cạnh tranh trong kinh doanh có thể làm cho một số
doanh nhân trắng tay nhưng xã hội lại được lợi vì sản phẩm và dịch vụ được cung cấp với giá cả và
chất lượng hợp lý hơn trước.
Ngược lại, với những rủi ro thuần túy như động đất, lụt lội, hỏa hoạn... thì không ai có lợi cả.
Các nhà phân tích cũng phân loại rủi ro theo yếu tố tĩnh (static) và động (dynamic). Rủi ro tĩnh là những
rủi ro do hành động không đúng quy luật hay sai lầm hoặc việc làm có hại của con người. Nếu rủi ro
tĩnh tồn tại trong một nền kinh tế không thay đổi thì rủi ro động lại song hành với một nền kinh tế có
nhiều thay đổi.
Ví dụ về rủi ro động có thể nêu là sự thay đổi về thị hiếu tiêu dùng, tiến bộ khoa học kỹ thuật, những
phương thức làm việc và xử lý công việc hiệu quả hơn. Về lâu về dài, rủi ro động rất có ích vì nhờ nó
mà các tài nguyên và nguồn lực xã hội sẽ được điều chỉnh hợp lý.
Xét đến tương quan giữa cộng đồng và cá nhân, cần nói đến rủi ro xã hội (fundamental risk) là những
rủi ro tác động đến toàn bộ nền kinh tế hay một cộng đồng nào đó như lạm phát, thất nghiệp, chiến
tranh và động đất. Ngược lại với rủi ro xã hội là rủi ro ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân (particular
risk).
Ví dụ như một ngôi nhà của ai đó bị mất trộm. Phân biệt hai loại rủi ro này cũng cần thiết vì các rủi ro
xã hội như thất nghiệp, thiên tai, lụt lội cần có các chương trình bảo hiểm xã hội của nhà nước và cơ
quan công quyền phải tạo lập các cơ chế đối phó phù hợp.
Rủi ro là chuyện chẳng ai muốn nhưng xét về góc độ kinh doanh thì nó lại cần thiết. Câu châm ngôn
“Thừa nước đục thả câu” trước đây có thể mang ý nghĩa xấu về đạo đức nhưng nay các nhà kinh
doanh hay đầu tư phải nhìn nhận và vận dụng nó một cách tích cực.
Thật vậy, nếu mua bán chứng khoán mà giá cả được “chỉ đạo” từ trên xuống hay mọi việc đều rõ như
ban ngày thì chắc không còn rủi ro. Nhưng trên một thị trường mà thông tin còn mờ mịt và/ hay luật
chơi chưa sòng phẳng thì rủi ro không còn là chuyện rủi mà trở thành cơ hội kiếm siêu lợi nhuận cho
một nhóm người.
Nguồn: TBKTSG
Quản lý rủi ro: Cẩn tắc vô áy náy
Từ ngàn xưa, con người đã nghĩ ra nhiều cách thức để đối phó với rủi ro. Trong Kinh thánh có
đoạn viết về một vị hoàng đế Ai Cập được báo mộng rằng sau bảy năm được mùa sẽ là bảy
năm đói kém nên đã quyết định dành một phần năm thu nhập mỗi năm được mùa để dự phòng
cho nạn đói sẽ xảy ra.
Sử sách Trung Hoa cũng nói về những thương nhân đi buôn từ vùng thượng lưu sông Dương Tử vượt
qua bao ghềnh thác hiểm nguy và lắm khi hàng hóa của họ cuốn theo dòng nước. Thay vì chịu mất
trắng hàng khi thuyền của mình bị lật, những thương nhân này đã nghĩ ra một hệ thống quản lý rủi ro
theo đó mỗi thương nhân sẽ để một phần tài sản của mình sang thuyền của người khác trong nhóm.
Bằng cách đó, nếu có một chiếc thuyền lật trong cuộc hành trình, không có ai chịu mất trắng và rủi ro
được chia đều cho các thành viên tham gia.
Những cách thức quản lý rủi ro trên đây, tuy đơn giản nếu so với các công cụ bảo hiểm thời hiện đại
nhưng đều cùng có chung một mục đích là giảm thiệt hại bằng cách chia sẻ rủi ro của cá nhân trong
một tập thể.
Nhưng ngày nay, quản lý rủi ro không đơn thuần là bảo hiểm mà phát triển ở tầm mức cao hơn và
được hiểu như cách tiếp cận có tổ chức và hệ thống nhằm xác định môi trường rủi ro, định lượng mức
độ thiệt hại và sử dụng các phương pháp để xử lý các loại rủi ro. Thật vậy, những nguyên tắc căn bản
về quản lý rủi ro sẽ giúp chúng ta lựa chọn hợp lý hơn khi đưa ra các quyết định trong thực tế cuộc
sống. Trong nhiều trường hợp, bảo hiểm lại là sự lựa chọn cuối cùng.
Ví dụ như bạn có một chiếc xe gắn máy giá chỉ có vài triệu đồng mà bảo phí một năm cũng tròm trèm
từ phân nửa giá trị của xe thì thiết nghĩ bạn không cần bồi thường thiệt hại xe mà hãy sử dụng chiếc xe
đó cho đến khi không còn sử dụng được nữa. Điều này ứng với nguyên tắc đầu tiên về quản lý rủi ro là
chúng ta chỉ chấp nhận rủi ro khi có thể chịu được mất mát (Risk only what you can afford to lose).
Tuy nhiên, bạn có thể phải trả giá nếu áp dụng nguyên tắc này một cách cứng nhắc bởi di chuyển trên
một chiếc xe quá cũ kỹ cũng có nguy cơ tai nạn. Nếu không bảo quản xe tốt và có những biện pháp
phòng ngừa thì cái giá phải trả không chỉ là vài triệu đồng mà là cả sinh mạng của chính bạn.
Nguyên tắc thứ hai trong quản lý rủi ro là cân nhắc xác suất xảy ra mất mát (Consider the odds). Nếu
xác suất rủi ro cao quá thì bảo hiểm cũng không hẳn là giải pháp tối ưu vì tiền bảo phí cũng sẽ rất cao.
Ví dụ bạn muốn mở một cửa hàng mua bán vàng bạc đá quý trong một khu vực hay xảy ra các vụ án
hình sự thì không nên mua bảo hiểm vì chắc chắn bảo phí cũng rất cao. Cách tốt nhất là nên tìm một
nơi nào đó an toàn.
Tuy nhiên, nếu chi phí bỏ ra để quản lý rủi ro nhỏ hơn hậu quả của rủi ro, thì bạn nên mua bảo hiểm.
Ví dụ, nếu lệ phí bảo hiểm hỏa hoạn cho ngôi nhà của bạn không đáng là bao so với hậu quả có thể
xảy ra thì thiết nghĩ bạn không nên tiếc tiền đóng bảo hiểm phòng ngừa hỏa hoạn. Đến đây, chúng ta
lại vận dụng nguyên tắc thứ ba: Đừng vì mất mát nhỏ trước mắt mà mạo hiểm cái lớn hơn (Don’t risk a
lot for a little).
Nhưng các nguyên tắc nói trên không nên áp dụng riêng lẻ mà cần được phối hợp nhuần nhuyễn và
ứng dụng phù hợp trong thực tế cuộc sống. Ví dụ một người đàn ông lao động chính trong gia đình có
thể sức khỏe kém và như vậy phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức phí cao hơn. Khả năng tài chính
có hạn, bảo phí phải trả hàng tháng có thể ảnh hưởng đến chi tiêu hiện tại của gia đình. Ngược lại, nếu
không mua bảo hiểm nhân thọ, điều gì sẽ xảy ra nếu anh bị tai nạn hay vì một lý do nào đó phải giã từ
cõi đời này?
Do đó, một nhà tư vấn tài chính cá nhân chuyên nghiệp và có đạo đức phải đưa ra cái nhìn tổng thể và
nhiều giải pháp chọn lựa và giúp khách hàng của mình xác định những mục tiêu ưu tiên chứ không chỉ
tìm mọi cách chào bán sản phẩm hay dịch vụ tài chính.
Cuối cùng, người viết xin chia sẻ kinh nghiệm “đau thương” của Br., anh bạn đồng nghiệp người
Malaysia trong cơ quan cũ. Mặc dù có thẻ tín dụng nhưng mỗi lần đi công tác nước ngoài Br. chỉ cầm
tiền mặt bằng đô la Mỹ vì anh cho rằng như vậy sẽ không bị tốn phí ngân hàng nếu rút tiền mặt và thiệt
thòi về tỷ giá. Vả lại Br. cũng tự tin rằng mình đã đi công tác ở nhiều nơi trên thế giới mà cũng chưa
gặp “sự cố” gì.
Thế nhưng, trong chuyến công tác cách đây năm năm tại Nga, Br. bị móc túi hết số tiền 3.000 đô la
giấu kỹ trong người tại một ga tàu điện ở St Petersburg. Để có kiến thức trong trường học và kinh
nghiệm trong trường đời ai cũng đều phải trả giá nhưng quả thật học phí mà Br. phải trả là quá đắt,
thay vì chỉ tốn phí ngân hàng hay thiệt thòi một chút về tỷ giá.
Nguồn: TBKTSG [18-7-2007]