Qua 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hóa” trên địa bàn Hà Nội (2000 - 2005), việc xây dựng văn hóa ứng xử của người
Hà Nội trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, đã được các ban, ngành, đoàn
thể tham gia hưởng ứng. Phong trào xây dựng các gia đình, làng, khu phố, tổ dân phố văn
hóa đã góp phần tích cực vào việc hình thành văn hóa ứng xử của người Hà Nội từ cơ sở.
Từ năm 2001, tiêu chí xây dựng “Người Hà Nội: Văn minh - Thanh lịch - Hiện đại”
được triển khai tới từng ban, ngành, đoàn thể, xã, phường, thị trấn. Bước đầu đã có một số
ban, ngành, đoàn thể cụ thể hóa các tiêu chí này. Thí dụ: Thành đoàn Hà Nội đã xây dựng
tiêu chí: “Tuổi trẻ Thủ đô: sức khỏe, trí tuệ, đoàn kết, sáng tạo, thanh lịch, tình nguyện”
hay Hội Nông dân tổ chức thảo luận tiêu chí: “Người nông dân Thủ đô: Văn minh - Thanh
lịch - Hiện đại”...Hầu hết các đoàn thể Thành phố (Phụ nữ, Liên đoàn lao động, Cựu chiến
binh) trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình đã triển khai thảo luận xây dựng tiêu chí:
“Văn minh - Thanh lịch - Hiện đại” phù hợp đối tượng, đoàn viên thuộc tổ chức mình quản
lý . Đây là một cách làm hay để xây dựng văn hóa ứng xử người Hà Nội một cách cụ thể,
thiết thực gắn với đặc điểm lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa bàn cư trú, lao động và
công tác.
Nhưng hiện nay, về mặt nhận thức, vẫn chưa khắc phục được cách nghĩ có phần chủ
quan thể hiện ở chỗ: chưa thu hút sự tham gia rộng rãi của người dân vào việc cụ thể hóa
các tiêu chí xây dựng “Người Hà Nội: Văn minh - Thanh lịch - Hiện đại” phù hợp với môi
trường văn hóa của mỗi cộng đồng hay mỗi tế bào xã hội; trong xây dựng nếp sống văn
hóa người Hà Nội chưa tập trung vào mắt xích chủ yếu để làm chuyển động toàn bộ chuỗi
xích theo sự chỉ dẫn của V.I Lênin; đó là tập trung vào cách thức ứng xử, giao tiếp gắn với
môi trường văn hóa Thủ đô. Việc triển khai thực hiện đồng bộ chương trình xây dựng nếp
sống văn hóa người Hà Nội cũng còn hạn chế do chưa hoàn thiện được tiêu chí chung thể
hiện đầy đủ những phẩm chất tiêu biểu của người Hà Nội và do chưa cụ thể hóa tiêu chuẩn
các chuẩn mực văn hóa cho các đối tượng cụ thể (thanh niên, phụ nữ, cán bộ, công
nhân...).
Về mặt thực tiễn, khâu chỉ đạo xây dựng (hay cách làm) vẫn mang tính áp đặt xuống
cơ sở; nhiều phong trào chưa xác định rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm tham gia phối
hợp của các ban ngành, đoàn thể. Vì thế không ít phong trào văn hóa còn nghiêng nhiều về
bề nổi, nặng về hình thức, chưa đạt đến chiều sâu và chất lượng cần thiết.
Thực tế hiện nay ở Hà Nội tồn tại nhiều hành vi ứng xử, lời nói xô bồ, thiếu văn hóa,
nhất là ở giới trẻ. Một bộ phận người dân Hà Nội không tôn trọng những giá trị đạo đức
truyền thống và cách mạng. Cách thức ứng xử với môi trường thiên nhiên, với môi trường
xã hội và với bản thân ở một bộ phận người dân Thủ đô chưa hòa quyện thành một thể
thống nhất, mà đây lại là một trong những tiêu chí cơ bản của văn hóa ứng xử.
102 trang |
Chia sẻ: ttlbattu | Lượt xem: 2213 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Văn hóa ứng xử của người Hà Nội trong thời kỳ đổi mới hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬN VĂN:
Văn hóa ứng xử của người Hà Nội
trong thời kỳ đổi mới hiện nay
Mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Qua 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hóa” trên địa bàn Hà Nội (2000 - 2005), việc xây dựng văn hóa ứng xử của người
Hà Nội trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, đã được các ban, ngành, đoàn
thể tham gia hưởng ứng. Phong trào xây dựng các gia đình, làng, khu phố, tổ dân phố văn
hóa đã góp phần tích cực vào việc hình thành văn hóa ứng xử của người Hà Nội từ cơ sở.
Từ năm 2001, tiêu chí xây dựng “Người Hà Nội: Văn minh - Thanh lịch - Hiện đại”
được triển khai tới từng ban, ngành, đoàn thể, xã, phường, thị trấn. Bước đầu đã có một số
ban, ngành, đoàn thể cụ thể hóa các tiêu chí này. Thí dụ: Thành đoàn Hà Nội đã xây dựng
tiêu chí: “Tuổi trẻ Thủ đô: sức khỏe, trí tuệ, đoàn kết, sáng tạo, thanh lịch, tình nguyện”
hay Hội Nông dân tổ chức thảo luận tiêu chí: “Người nông dân Thủ đô: Văn minh - Thanh
lịch - Hiện đại”...Hầu hết các đoàn thể Thành phố (Phụ nữ, Liên đoàn lao động, Cựu chiến
binh) trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình đã triển khai thảo luận xây dựng tiêu chí:
“Văn minh - Thanh lịch - Hiện đại” phù hợp đối tượng, đoàn viên thuộc tổ chức mình quản
lý . Đây là một cách làm hay để xây dựng văn hóa ứng xử người Hà Nội một cách cụ thể,
thiết thực gắn với đặc điểm lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa bàn cư trú, lao động và
công tác.
Nhưng hiện nay, về mặt nhận thức, vẫn chưa khắc phục được cách nghĩ có phần chủ
quan thể hiện ở chỗ: chưa thu hút sự tham gia rộng rãi của người dân vào việc cụ thể hóa
các tiêu chí xây dựng “Người Hà Nội: Văn minh - Thanh lịch - Hiện đại” phù hợp với môi
trường văn hóa của mỗi cộng đồng hay mỗi tế bào xã hội; trong xây dựng nếp sống văn
hóa người Hà Nội chưa tập trung vào mắt xích chủ yếu để làm chuyển động toàn bộ chuỗi
xích theo sự chỉ dẫn của V.I Lênin; đó là tập trung vào cách thức ứng xử, giao tiếp gắn với
môi trường văn hóa Thủ đô. Việc triển khai thực hiện đồng bộ chương trình xây dựng nếp
sống văn hóa người Hà Nội cũng còn hạn chế do chưa hoàn thiện được tiêu chí chung thể
hiện đầy đủ những phẩm chất tiêu biểu của người Hà Nội và do chưa cụ thể hóa tiêu chuẩn
các chuẩn mực văn hóa cho các đối tượng cụ thể (thanh niên, phụ nữ, cán bộ, công
nhân...).
Về mặt thực tiễn, khâu chỉ đạo xây dựng (hay cách làm) vẫn mang tính áp đặt xuống
cơ sở; nhiều phong trào chưa xác định rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm tham gia phối
hợp của các ban ngành, đoàn thể. Vì thế không ít phong trào văn hóa còn nghiêng nhiều về
bề nổi, nặng về hình thức, chưa đạt đến chiều sâu và chất lượng cần thiết.
Thực tế hiện nay ở Hà Nội tồn tại nhiều hành vi ứng xử, lời nói xô bồ, thiếu văn hóa,
nhất là ở giới trẻ. Một bộ phận người dân Hà Nội không tôn trọng những giá trị đạo đức
truyền thống và cách mạng. Cách thức ứng xử với môi trường thiên nhiên, với môi trường
xã hội và với bản thân ở một bộ phận người dân Thủ đô chưa hòa quyện thành một thể
thống nhất, mà đây lại là một trong những tiêu chí cơ bản của văn hóa ứng xử.
Công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trên địa bàn Thủ đô đang đặt ra những
yêu cầu mới cao hơn đối với việc phát triển văn hóa, xây dựng “Người Hà Nội: Văn minh -
Thanh lịch - Hiện đại”, để người Hà nội vừa là người tham gia thực hiện, vừa là người
hưởng thụ các thành tựu của công cuộc đổi mới. Hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng
bộ thành phố Hà Nội và Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng, những yêu cầu mới, cao
hơn đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử của người Hà Nội, càng được đặt ra một cách
cấp bách hơn, rõ ràng hơn, nhất là từ cơ sở.
Xuất phát từ thực tế trên đây, tôi chọn đề tài “Văn hóa ứng xử của người Hà Nội
trong thời kỳ đổi mới hiện nay” làm luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Văn hóa học.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Trước thời kỳ đổi mới đã có một số công trình nghiên cứu liên quan đến văn hóa
ứng xử của người Hà Nội, thí dụ:
- Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội (1974), Người Hà Nội thanh lịch, Nxb Hà Nội. Công
trình tập trung phân tích đánh giá những giá trị văn hóa và biểu hiện chất thanh lịch ở người Hà
Nội trong lịch sử và trong cuộc sống hàng ngày lúc đó. Các tác giả đặc biệt nhấn mạnh nét đẹp
thanh lịch trong cuộc sống tập thể.
Trong thời kỳ đổi mới có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài của luận
văn, cụ thể:
- Nhiều tác giả (1993), Nhân cách văn hóa trong bảng giá trị Việt Nam, Nxb Khoa
học Xã hội, Hà Nội. Các tác giả tập trung làm rõ nhân cách văn hóa biểu đạt cho những giá
trị cơ bản trong bảng giá trị Việt Nam và cũng góp phần tích cực vào việc hình thành bảng
giá trị Việt Nam. Trong nhân cách văn hóa, tính cách, hành động văn hóa, môi trường văn
hóa có mối quan hệ thống nhất biện chứng.
- Vũ Khiêu, Nguyễn Vĩnh Cát (1991), Văn hóa Thủ đô hôm nay và ngày mai, Sở
Văn hoá - Thông tin Hà Nội. Thông qua việc phân tích, đánh giá văn hóa Thủ đô qua 45
năm xây dựng và phát triển (1945 - 1990), nhất là mục “Bộ mặt Thủ đô qua nếp sống ngày
nay”, các tác giả đã làm rõ sự biến đổi cách thức ứng xử trong sinh hoạt vật chất, tinh thần
và cuộc vận động xây dựng Nếp sống văn minh - Gia đình văn hóa khi mới bước vào đổi
mới. Các tác giả dự báo xu hướng phát triển nếp sống văn hóa tiếp theo qua mối quan hệ
ứng xử trong gia đình, giao tiếp xã hội và sinh hoạt cá nhân; tức là những nội dung cơ bản
trong văn hóa ứng xử với môi trường xã hội và với bản thân.
- Trần Ngọc Thêm (1997), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Cho
đến nay công trình đã được tái bản lần thứ hai. Trong đó tác giả dành hai chương để bàn về
văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Văn hóa ứng xử được tác
giả quan niệm gồm hai hàm nghĩa: tận dụng và ứng phó thông qua giao lưu và tiếp biến
văn hóa.
- Trần Văn Bính (chủ biên) (2000), Văn hóa Thăng Long - Hà Nội hội tụ và tỏa
sáng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Tuy không trực tiếp bàn về văn hóa ứng xử, nhưng
thông qua việc làm sáng tỏ các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội (văn học, kiến trúc,
mỹ thuật, giáo dục, lễ hội...), các tác giả đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về diễn trình
lịch sử, về đặc điểm chung của văn hóa ứng xử và mối tương quan giữa văn hóa Thăng
Long - Hà Nội với văn hóa các vùng, miền trên đất nước (Phú Xuân - Huế, Sài Gòn - TP
Hồ Chí Minh). Hội tụ và tỏa sáng là đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Thăng Long - Hà Nội,
trong đó có văn hóa ứng xử của nó.
- Nguyễn Viết Chức (chủ biên) (2001), Nếp sống người Hà Nội, Viện Văn hóa và
Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội. Tập thể các tác giả làm rõ khái niệm nếp sống, đánh giá
khái quát quá trình phát triển của nếp sống người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ
lịch sử và dự báo biến đổi nếp sống trong thời kỳ CNH, HĐH. Từ phân tích thực trạng nếp
sống hiện nay các tác giả đã chỉ ra những vấn đề tồn tại và đề xuất kiến nghị xâydựng nếp
sống người Hà Nội trong thời gian tới.
- Nguyễn Viết Chức (chủ biên) (2002), Văn hóa ứng xử của người Hà Nội với môi
trường thiên nhiên, Viện Văn hóa và Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội. Các tác giả tập trung
làm rõ mối quan hệ giữa môi trường thiên nhiên và văn hóa ứng xử đối với môi trường thiên
nhiên ở người Hà Nội, từ truyền thống đến hiện đại. Trước thách thức của toàn cầu hóa trong
quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH các tác giả đã đề xuất một số phương hướng, quan điểm, giải
pháp và điều kiện xây dựng văn hóa ứng xử của người Hà Nội với môi trường thiên nhiên.
Nhìn chung, cho đến nay chưa có công trình nào trực tiếp nghiên cứu chủ đề văn hóa
ứng xử của người Hà Nội trong thời kỳ đổi mới. Các công trình nêu ở trên là sự gợi ý và
cung cấp một số cơ sở luận cứ, luận chứng để hoàn thành việc nghiên cứu đề tài của luận
văn.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn
- Mục đích nghiên cứu của luận văn là: nghiên cứu làm rõ quan niệm, đặc điểm, vai
trò và thực trạng văn hóa ứng xử của người Hà Nội trong thời kỳ đổi mới; từ đó đề xuất
một số yêu cầu, giải pháp tiếp tục xây dựng văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện nay.
- Nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn này gồm:
+ Nghiên cứu làm rõ quan niệm, đặc điểm, vai trò văn hóa ứng xử của người Hà Nội
trong thời kỳ đổi mới.
+ Nghiên cứu làm rõ thực trạng văn hóa ứng xử của người Hà Nội trong thời kỳ đổi
mới, chủ yếu là những năm gần đây.
+ Nghiên cứu đề xuất một số yêu cầu và giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng văn hóa
ứng xử của người Hà Nội hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
- Đối tượng nghiên cứu của luận văn là: xây dựng văn hóa ứng xử, tức là xây dựng hệ
thống thái độ và cách thức giao lưu, tiếp biến văn hóa của người Hà Nội trong mối quan hệ
với môi trường thiên nhiên, xã hội và bản thân.
- Phạm vi nghiên cứu của luận văn là: xây dựng văn hóa ứng xử của người Hà Nội
trên địa bàn Thủ đô trong thời kỳ đổi mới, nhất là trong những năm gần đây.
5. Phương pháp nghiên cứu của luận văn
Trên cơ sở lý luận, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, đường lối văn hóa của Đảng, luận văn chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu:
lịch sử - logic, phân tích số liệu điều tra xã hội học, phân tích so sánh và phân tích hệ
thống trên cơ sở gắn lý luận với thực tiễn.
6. Đóng góp khoa học và ý nghĩa của luận văn
- Luận văn làm rõ đặc điểm văn hóa ứng xử của người Hà Nội trong thời kỳ đổi mới
và đề xuất một số yêu cầu, giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng văn hóa ứng xử của người Hà
Nội hiện nay.
- Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các học viên khi nghiên cứu về chuyên
ngành Văn hóa học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương,
6 tiết.
Chương 1
Quan niệm, đặc điểm, vai trò văn hóa ứng xử
và xây dựng văn hóa ứng xử của người hà Nội
trong thời kỳ đổi mới hiện nay
1.1. Quan niệm, đặc điểm văn hóa ứng xử và xây dựng văn hóa ứng xử của
người Hà Nội trong thời kỳ đổi mới hiện nay
1.1.1. Quan niệm về văn hóa ứng xử và xây dựng văn hóa ứng xử
Quan niệm về văn hóa ứng xử.
Trong công trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, tác giả Trần Ngọc Thêm không trình
bày một định nghĩa về văn hóa ứng xử, nhưng đã xác định những nội hàm của khái niệm
này. Tác giả cho rằng, các cộng đồng chủ thể văn hóa tồn tại trong quan hệ với hai loại môi
trường: môi trường tự nhiên (thiên nhiên, khí hậu...) và môi trường xã hội (các dân tộc, quốc
gia láng giềng…). Với mỗi loại môi trường đều có cách thức xử thế phù hợp là: tận dụng môi
trường (tác động tích cực) và ứng phó với môi trường (tác động tiêu cực) [43, tr.16-17]. Đối
với môi trường tự nhiên, việc ăn uống là tận dụng, còn mặc, ở, đi lại là ứng phó. Đối với
môi trường xã hội - tác giả xác định: “bằng các quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa,
mỗi dân tộc đều cố gắng tận dụng những thành tựu của các dân tộc lân bang để làm giàu
thêm cho nền văn hóa của mình; đồng thời lại phải lo ứng phó với họ trên các mặt trận
quân sự, ngoại giao...” [43, tr.17].
Theo tác giả, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội có hai
hàm nghĩa là: tận dụng và ứng phó. Có thể coi đó là thái độ ứng xử. Cách thức thể hiện
thái độ này là giao lưu và tiếp biến văn hóa.
Khái niệm “Văn hóa ứng xử” được tập thể tác giả công trình “Văn hóa ứng xử của
người Hà Nội với môi trường thiên nhiên” xác định “gồm cách thức quan hệ, thái độ và
hành động của con người đối với môi trường thiên nhiên, đối với xã hội và đối với người
khác”[7, tr.54]. Như vậy, văn hóa ứng xử theo các tác giả gồm 3 chiều quan hệ: với thiên
nhiên, xã hội và bản thân. Văn hóa ứng xử gắn liền với các thước đo mà xã hội dùng để
ứng xử. Đó là các chuẩn mực xã hội.
Cụ thể văn hóa ứng xử thông thường được chi phối bởi bốn hệ chuẩn mực cơ bản
của nhân cách: hệ chuẩn mực trong lao động; hệ chuẩn mực trong giao tiếp; hệ chuẩn mực
gia đình; các chuẩn mực phát triển nhân cách. Trong quá trình ứng xử, con người phải lựa
chọn giữa cái thiện và cái ác, cái đúng và cái sai, cái đẹp và cái xấu, cái hợp lý và cái phi
lý… trong một cộng đồng nhất định. Sự lựa chọn này bị chi phối cũng bởi bốn hệ chuẩn
mực là: hệ chuẩn mực đạo đức, hệ chuẩn mực luật pháp, hệ chuẩn mực thẩm mỹ và trí tuệ,
hệ chuẩn mực về niềm tin.
Đây là một công trình tập trung làm rõ văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên,
cho nên hai chiều quan hệ với xã hội và với bản thân con người không phải là đối tượng
nghiên cứu.
Ngoài hai công trình trên đây trực tiếp bàn về văn hóa ứng xử còn có thể kể đến
những công trình khác dưới dạng các chuyên đề khoa học, bài tạp chí, bài báo đề cập đến
một phương diện nhất định của văn hóa ứng xử. Chẳng hạn trong chuyên luận “Tình
người. Giao tiếp và văn hóa giao tiếp” thuộc công trình “Văn hóa và giáo dục. Giáo dục và
văn hóa”, tác giả Trần Trọng Thủy quan niệm, giao tiếp chính là phương tiện thể hiện của
tình người. Văn hóa giao tiếp của con người có liên quan chặt chẽ với các kỹ năng giao
tiếp đặc trưng, được hình thành ở họ, ví dự kỹ năng “chỉnh sửa” các ấn tượng ban đầu về
người khác khi mới làm quen với họ; tôn trọng các quan điểm, sở thích, thị hiếu, thói
quen… của người khác… [13, tr.123 - 124].
Như vậy, cho đến nay ở Việt Nam, khái niệm văn hóa ứng xử đã được gián tiếp, trực
tiếp làm rõ gồm: thái độ, cách thức quan hệ, hành động và cả kỹ năng lựa chọn nhằm tận
dụng, ứng phó và thể hiện tình người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và với
bản thân. Thái độ, cách thức quan hệ, hành động và cả kỹ năng lựa chọn đều bị chi phối
bởi các giá trị được biểu hiện dưới dạng chuẩn mực cơ bản của xã hội.
Đây là những tiền đề nhận thức cần thiết để xác định quan niệm về văn hóa ứng xử
và xây dựng văn hóa ứng xử ở Thủ đô Hà Nội.
Trước tiên, theo chúng tôi, văn hóa ứng xử được hình thành từ các khuôn mẫu ứng
xử; từ các hoạt động trong quan hệ của con người với môi trường thiên nhiên, môi trường
xã hội đã hình thành những khuôn mẫu ứng xử của con người đối với thế giới thiên nhiên,
xã hội và đối với nhau.
Khuôn mẫu ứng xử là các hành động ứng phó và xử lý được lặp lại một cách lâu bền
ở đa số cá nhân trong cộng đồng xã hội thuộc các cấp độ khác nhau, từ địa phương nhỏ
(làng, xã, huyện), đến vùng, miền, cả nước, khu vực và thế giới. Nó được tổng quát hóa,
tiêu chuẩn hóa và hợp thức hóa để làm mẫu mực chỉ dẫn cho các cá nhân và cả cộng đồng
xã hội đó.
Khuôn mẫu ứng xử gồm 4 tiêu chí [49, tr.37-38]:
- Sự lặp đi lặp lại của các ứng xử thông thường;
- ứng xử được đa số người trong cộng đồng cùng thực hiện thống nhất theo một
cách;
- Chuẩn mực xã hội hay quy tắc (quy chế) ứng xử;
- ý nghĩa xã hội của ứng xử.
Căn cứ vào các tiêu chí này có thể thấy trong các cộng đồng xã hội, nhất là ở các
cộng đồng “ làng” với lịch sử văn hóa dài hàng trăm năm, có bốn loại khuôn mẫu ứng xử
sau [49, tr.103-104]:
- Phong tục là những khuôn mẫu ứng xử đã được định hình, định tính hay được
phong hóa lâu dài, bất chấp những thay đổi lớn trong xã hội. Nó được cả cộng đồng chấp
nhận và tuân thủ mạnh mẽ. Vi phạm phong tục là xúc phạm giá trị tinh thần của cộng
đồng. Thí dụ các phong tục về chi họ trên dưới trong họ tộc, nam nữ trong các trực hệ
không được lấy nhau, phong tục cưới hỏi, giỗ chạp, thờ cúng tổ tiên và những người có
công giáo dưỡng, tục không ăn thịt bò ở các cộng đồng ấn Độ giáo,...
- Tập quán (hoặc tập tục) là các tục lệ hình thành từ thói quen và không chịu sức ép
lớn của xã hội. Việc vi phạm các tập quán này có thể không gây nên những xúc phạm lớn
về tinh thần trong cộng đồng và dư luận xã hội có thể cũng không điều chỉnh. Thí dụ tập
quán ăn bằng đũa hay bằng thìa, bắt tay, ôm hôn nhau khi gặp mặt và chia tay, sử dụng dao
cắt úp tay như ở Việt Nam hay cắt ngửa tay như ở châu Âu,...
- Thông lệ (hoặc thông tục) là khuôn mẫu ứng xử ít có tính cưỡng chế. Đó là một số
nghi thức xã giao trong ứng xử, như cách chào hỏi, cách biểu thị sự tán thưởng bằng vỗ tay
hay tung hoa,...
- Cấm kỵ (hoặc kiêng kỵ) là những chuẩn mực đạo đức nghiêm ngặt. Nó được quy
tắc hóa và mang tính bắt buộc mạnh mẽ nhất. Đây là hình thức cấm đoán có thưởng, có
phạt và mang tính luật lệ nghiêm minh. Thí dụ cấm không được loạn luân, cấm con gái
không được chửa hoang, cấm không được xúc phạm bề trên,...
Trong bốn loại khuôn mẫu ứng xử trên, thì sự phân loại hai dạng đầu là phong tục,
tập quán chỉ có ý nghĩa rất tương đối, vì chúng hay lẫn với nhau. Và trong cả bốn dạng
khuôn mẫu đó, đều có hủ tục. Chẳng hạn đó là những tục hèm của địa phương này, loại
người này nhưng có thể thành hủ tục đối với địa phương khác, loại người khác. Sự kéo dài
quá mức và không đúng chỗ, đúng lúc của phong tục, tập tục cũng sẽ bị coi là hủ tục.
Sau nữa, các khuôn mẫu ứng xử hay văn hóa ứng xử luôn có tính lịch sử - cụ thể;
nghĩa là nó luôn gắn với điều kiện, môi trường cụ thể nhất là điều kiện kinh tế - xã hội và
khi những điều kiện môi trường thay đổi thì nó cũng có sự điều chỉnh cần thiết cho thích
hợp. Điều kiện kinh tế - xã hội của văn hóa ứng xử, trước tiên và cơ bản, thể hiện ở trình độ
phát triển của nền sản xuất xã hội, cụ thể là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và
quan hệ sản xuất của xã hội. Trình độ của lực lượng sản xuất xã hội thể hiện trình độ đã đạt
được của con người trong mối quan hệ với tự nhiên; còn trình độ quan hệ sản xuất phản ánh
trình độ đã đạt được của con người trong mối quan hệ xã hội.
Từ đó có thể suy rộng ra rằng, văn hóa ứng xử phụ thuộc vào môi trường thiên
nhiên, môi trường xã hội và môi trường văn hóa.
Môi trường thiên nhiên gồm:
Thế giới tự nhiên hay gọi là thiên nhiên thứ nhất, tồn tại ngoài sự tác động của con
người và cần thiết cho sự tồn tại, phát triển của con người và mọi sinh vật. Đó là các dạng
vật thể (đất, nước, không khí...) và các dạng sinh vật, kể cả con người.
Thế giới thiên nhiên thứ hai: thiên nhiên có sự tác động của con người và do con
người tạo ra một bản sao từ thiên nhiên thứ nhất để làm thành một thế giới mới (nhà ở, kết
cấu hạ tầng nông thôn, đô thị, cây trồng, vật nuôi...). Thiên nhiên thứ hai này, kể cả con
người, là một bộ phận, hơn nữa là một bộ phận đặc thù của tự nhiên hay của thiên nhiên
thứ nhất [7, tr.13 - 14]. Thiên nhiên thứ hai bao gồm cả môi trường xã hội và môi trường
văn hóa, vì đều là môi trường mà con người đã thích nghi và biến đổi.
Môi trường xã hội là môi trường của các mối quan hệ và tác động qua lại giữa người và
người. Xã hội, theo C.Mác, “cho dù nó có hình thức gì đi nữa - là cái gì ? là sản phẩm của sự tác
động qua lại giữa những con người”[26, tr.657]. Từ các mối quan hệ và tác động này, đã hình
thành cơ sở hạ tầng của xã hội, trước tiên và cơ bản là phương thức sản xuất của xã hội và
tương ứng với nó là cơ cấu xã hội - giai cấp. Cùng với việc sáng tạo ra những giá trị vật
chất kinh tế, con người cũng sáng tạo ra các giá trị xã hội khác. Các giá trị này là cơ sở và
định hướng cơ bản cho việc phát triển các quan hệ xã hội và các mối tác động qua lại giữa
người với người. Các giá trị vật thể, phi vật thể này đã tạo ra một môi trường sống mới của
con người - đó là môi trường văn hóa.
Môi trường văn hóa là môi trường con người không chỉ đã thích ứng, mà còn đã
biến đổi môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Đặc trưng của môi trường văn hóa là
luôn vận hành theo một hệ thống các giá trị văn hóa được cả cộng đồng chấp nhận và làm
theo.
Có thể coi hệ thống giá trị là chỉ số đánh giá trình độ đã đạt được của môi trường
văn hóa. Giá trị, theo Các Mác quan niệm, gồm giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, để phân
biệt rõ các hàm nghĩa giá cả, phẩm giá, phẩm chất, ý nghĩa xã hội của phạm trù giá trị. Giá
trị có mặt khách quan và mặt chủ quan: mặt khách quan là những thực thể thiên nhiên và
xã hội cũng như mối liên hệ của chúng để tạo ra giá trị. Mặt chủ quan là thái độ, cách thức
lựa chọn giá trị v