Trong phiên khai mạc hội nghị đã nói rằng các nghiên cứu của Bakhtin có ý nghĩa
liên bộ môn, vì th ế tôi xin phép l ưu ý những người tham dự đến một vài phương diện trong
di sản lý thuyết của Bakhtin liên quan đến các vấn đề của ký hiệu học hiện đại, hẹp h ơn là
đến các vấn đề của trí tuệ nghệ thuật. Trong thực tế không có trí tu ệ nghệ thuật, nhưng vấn
đề khoa học này thì có. Nếu chúng ta nói về di sản của Bakhtin thì sẽ nảy sinh câu hỏi về
quan hệ của nó đối với di sản của phái hình thức luận Nga mà vào thời đó đang là một thực
tế ngữ văn sống động chứ chưa trở thành lịch sử. Chúng tôi có đầy đủ cơ sở để lưu ý đến
những ý kiến mang tính luận chiến của M.M. Bakhtin. Tôi muốn đề cập ở đây hai vấn đề,
nhưng đây thậm chí không phải là nói về sự luận chiến của ông với phái hình thức Nga, mà
là về sự bàn luận và làm rõ ra quan ni ệm của Ferdinand de Saussure, người đã có lý thuyết
ngôn ngữ tạo ra một cuộc cách mạng thực sự không chỉ trong lịch sử ngôn ngữ học, m à
trong toàn bộ các khoa học nhân văn thời kỳ này.
7 trang |
Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 1442 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Di sản của Bakhtin và những vấn đề cấp bách của Kí hiệu học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Di sản của Bakhtin và những
vấn đề cấp bách của Kí hiệu học
Trong phiên khai mạc hội nghị đã nói rằng các nghiên cứu của Bakhtin có ý nghĩa
liên bộ môn, vì thế tôi xin phép lưu ý những người tham dự đến một vài phương diện trong
di sản lý thuyết của Bakhtin liên quan đến các vấn đề của ký hiệu học hiện đại, hẹp hơn là
đến các vấn đề của trí tuệ nghệ thuật. Trong thực tế không có trí tuệ nghệ thuật, nhưng vấn
đề khoa học này thì có. Nếu chúng ta nói về di sản của Bakhtin thì sẽ nảy sinh câu hỏi về
quan hệ của nó đối với di sản của phái hình thức luận Nga mà vào thời đó đang là một thực
tế ngữ văn sống động chứ chưa trở thành lịch sử. Chúng tôi có đầy đủ cơ sở để lưu ý đến
những ý kiến mang tính luận chiến của M.M. Bakhtin. Tôi muốn đề cập ở đây hai vấn đề,
nhưng đây thậm chí không phải là nói về sự luận chiến của ông với phái hình thức Nga, mà
là về sự bàn luận và làm rõ ra quan niệm của Ferdinand de Saussure, người đã có lý thuyết
ngôn ngữ tạo ra một cuộc cách mạng thực sự không chỉ trong lịch sử ngôn ngữ học, mà
trong toàn bộ các khoa học nhân văn thời kỳ này.
Không hề hạ thấp thành công và ý nghĩa các tư tưởng của de Saussure, chúng ta có
quyền nói về những vấn đề sau đó đã nảy sinh trước khoa học, bởi vì mỗi hệ thống khoa
học thành công đòi hỏi phải được tiếp tục phát triển, mà về mặt nào đó cũng cần đến một
thái độ phê phán ở giai đoạn phát triển tiếp theo của nó. Ở đây trong di sản của Bakhtin có
hai điều đáng chú ý.Thứ nhất, điều khẳng định của ông về tính động của ký hiệu ngôn ngữ.
Ký hiệu bộc lộ mình không phải như một hiện hữu cụ thể, mà là một quan hệ động giữa cái
được biểu đạt và cái biểu đạt, đồng thời cái được biểu đạt không phải là một quan niệm cụ
thể nào đó, mà chỉ là sự vận động về phía quan niệm(1). Bakhtin kiên trì điều này cả trong
sách của Voloshinov và trong sách riêng của mình(2). Thứ hai, đó là tư tưởng về đối thoại
học. Cần phải nói ngay rằng khái niệm “đối thoại” do Bakhtin đưa ra trong các công trình
của ông thường là mang tính ẩn dụ và vốn rất bất định. Khái niệm này chỉ dần dần được xác
định theo đà phát triển của khoa học. Lẽ dĩ nhiên ở đây cần luôn luôn lưu ý rằng Bakhtin
hoàn toàn không phải là người duy nhất nắm vững luận điểm cơ bản của F. de Saussure. Và
khi xác định vị trí của ông trong khoa học thời ấy chúng ta không nên quên rằng Yu.N.
Tynjanov cũng làm việc trong luồng mạch đó, nhiều công trình của R.O. Jakobson gần gũi
với khuynh hướng này, toàn bộ con đường khoa học của Jakobson là duyệt xét lại theo cách
của mình học thuyết của de Saussure. Còn có thể kể ra đây nhiều tên tuổi khác nữa(3).
Mỗi một nhà khoa học này tuyệt đối có lối đi riêng của mình, thường là không phải
không xung đột với các đồng nghiệp. Nhưng khuynh hướng chung thì đã được vạch trước,
và sự vạch trước đó không phải là ngẫu nhiên, mà là xuất phát điểm được đặt ra của một bộ
môn khoa học. Vì sao điều đó lại cần thiết đến vậy? Cần tính rằng Saussure (thiên tài của
nhà bác học này thì khỏi cần phải khẳng định) hiện ra trước chúng ta chỉ là qua các ghi chép
của học trò ông. Các học trò bao giờ cũng nhìn ông thầy của mình hơi lý tưởng hóa, do đó
ông thầy bị mất đi một phần không nhỏ giá trị của mình. Nhưng vấn đề không chỉ ở đó.
Trong tư tưởng ngôn ngữ học Saussure, tức là không phải qua chính các bản ghi bài giảng
của Saussure(4) mà trong hệ thống khoa học của ông xét như một chỉnh thể có một số điểm
tất yếu dẫn chúng ta đến những nghịch lý. Nghịch lý đầu tiên là ở chỗ nó đưa vào tay chúng
ta một hệ thống giao tiếp, một hệ thống ký hiệu với một người phát và một người nhận – và
một bộ mã chung cho cả hai người. Nhiệm vụ của hệ thống này là truyền đạt thông báo từ
người phát đến người nhận một cách chính xác và chân thực cao nhất. Nếu chất lượng
thông báo được truyền đi thay đổi thì chúng ta giải thích đó là tiếng ồn ở kênh liên lạc, là sự
méo lệch, là sai lầm, nghĩa là tất cả những thứ mà lẽ dĩ nhiên là không có trong hệ thống lý
tưởng được nghĩ ra. Nếu quả thực vậy thì câu hỏi đầu tiên đặt ra là: vì sao trong trường hợp
đó lại hiện diện nhiều hệ thống giao tiếp song hành đến vậy? Được rồi, chúng ta trả lời, một
số độ dư thông tin khi mã hóa sẽ bảo đảm độ tin cậy cho chúng ta. Vậy liệu chúng ta có
thừa nhận sự tồn tại của balê bên cạnh tiểu thuyết không: liệu balê có nâng cao tính chân
thực của tiểu thuyết không? Có thể, điều đó diễn ra mà không cần có balê chăng? Ta hãy
thử đặt mình vào địa vị không phải của một Chúa Trời, mà của một vị “tổng công trình sư”
đang tạo lập lại văn hóa nhân loại và đưa cho chúng ta chỉ những cái ông ấy thấy là thực sự
cần thiết. Ông ấy có cho ta xiếc hay không? Hay chẳng cần xiếc cũng được? Chúng ta cần
điện ảnh chăng? Balê chăng? Những vụ cãi cọ bất tận ngoài phố chăng? Cuộc trò chuyện
của hai người trên phố chăng? Nên bỏ hết tất cả những thứ đó hay không nên? Có thể liệt
tất cả những thứ đó vào gánh nặng ngôn ngữ mà vẫn không sợ bị thua chăng? Theo quan
điểm học thuyết cổ điển của de Saussure văn hóa là một cơ chế xa xỉ không thể tưởng nổi.
Hơn thế, nhà nghiên cứu văn hóa cũng còn biết rằng văn hóa có trong tay mình những cơ
chế ngày càng làm tăng thêm sự thừa thãi đó. Trước mắt chúng ta, trước mắt thế hệ tôi, điện
ảnh đã thành một nghệ thuật. Trước đây nó không phải là nghệ thuật. Khá lắm thì điện ảnh
cũng chỉ là một trò tiêu khiển mua vui, chỉ mới gần đây nó mới trở thành nghệ thuật. Số
lượng các nghệ thuật tăng lên không chỉ bằng cách tạo ra những sự hợp nhất mới; cho đến
thế kỷ XIX các chuyên gia mỹ học hàng đầu vẫn chưa xếp tranh thánh Nga vào nghệ thuật,
khá lắm thì họ cũng chỉ coi nó là thứ hội họa chưa hoàn thiện (y như tranh của Giotto hồi
trước bị coi là trò trẻ con). Hiện nay không còn ai đồng ý với điều đó nữa. Số lượng những
thứ chúng ta đưa vào kho thẩm mỹ của chúng ta tăng lên từng ngày. Vì sao? Cho đến nay
chưa ai trả lời được điều này.
Câu hỏi thứ hai: nếu mục đích của chúng ta chỉ là tìm cách truyền thông tin sao cho
đơn giản – mà vì thế mới có các hệ thống thông báo - vậy thì chúng ta sẽ định nghĩa thơ là
một thông báo bình thường với một loạt những giới thuyết bổ sung. Đó sẽ là một định nghĩa
hoàn toàn cụ thể. Nhưng khi đó lẽ tự nhiên chúng ta phải thừa nhận rằng trong văn hóa thơ
chỉ đóng một vai trò phụ, không bắt buộc phải có, mà thiếu đi cũng chẳng sao. Cần nên nói
thêm: có thể thử xem, nhưng cho đến nay chưa ai thành công. Rõ ràng vấn đề không đơn
giản thế. Hơn nữa, ở đây lại nảy ra những câu hỏi mới: khi nói về hệ thống ký hiệu học,
chúng ta trực tiếp vấp phải vấn đề khả biến - bất biến.
Những sự sai khác so với khuôn mẫu cần để làm gì? Phải chăng chúng là do sự
không hoàn thiện kỹ thuật của một bộ máy nhất định không có thể tạo ra một văn bản bất
biến? Chẳng hạn, do các thuộc tính cá nhân của bộ máy thanh quản nên cách cấu âm của
chúng ta khác nhau. Hay nói rộng ra lĩnh vực sinh học, chúng ta thấy tất cả mọi người ngồi
họp đây có những khuôn mặt khác nhau. Đấy có phải là do tự nhiên làm không đến nơi đến
chốn hay rộng tay hoang phí? Phải chăng điều đó có nghĩa là tự nhiên không thể tạo ra một
hình thức bề ngoài lý tưởng rồi sao nó ra theo kiểu dây chuyền? Do xã hội chấp nhận có sự
sai khác nhất định trong quan niệm về kỹ thuật nên chúng ta cho rằng việc sản xuất các mầu
vật giống nhau là thuộc tính không thể tách rời của máy móc. Nói đúng hơn, đó là thuộc
tính của những máy móc không hoàn thiện mà hiện thời chúng ta có thể tạo ra. Nếu những
máy móc được làm ra theo một thiết kế công nghệ thống nhất mà có sai khác nhau điều gì,
chúng ta coi đó là sự không hoàn thiện của chúng. Gán cho hiện tượng này các thuộc tính
tiên nghiệm của kỹ thuật sẽ là không đúng. Nhưng mọi con người là những cá nhân mang
tính ký hiệu học, do đó nảy sinh nhiều khó khăn.
Khó khăn thứ nhất là sự chân xác của việc truyền thông tin. Điều kiện cần để người
phát và người nhận có được cùng một thông tin, cùng một văn bản, là cách lập mã và giải
mã nó giống nhau. Nhưng điều giản ước lý thuyết này của chúng ta không thể thực hiện
được, bởi vì xen vào hệ thống mã này sẽ có kinh nghiệm cá nhân, tâm lý cá nhân và đủ loại
cách mã hóa khác nhau hoàn toàn không trùng với cách của chúng ta. Điều này nghĩa là
trong hành động giao tiếp thực tế chúng ta không hoàn toàn nhận được chính xác cái được
truyền đi. Thế tốt hay là xấu? Trong một số hoàn cảnh đó là xấu. Chẳng hạn nếu thông báo
đó là tín hiệu giao thông. Ở đây chúng ta dùng ngôn ngữ nhân tạo, cái hiển nhiên đảm bảo
cho chúng ta độ chân xác của thông điệp. Nhưng khi chúng ta tiếp nhận một văn bản nghệ
thuật, rõ ràng chúng ta không đạt được sự cảm nhận chân xác như vậy. Hơn thế, đập ngay
vào mắt là các cơ chế của văn hóa đều hướng tới việc gây khó cho sự chân xác khi truyền
tải. Các cơ chế văn hóa làm tăng tính cá nhân của toàn bộ hệ thống mã văn hóa, do đó gây
khó khăn cho sự hiểu biết tương tác của chúng ta. Điều này rất xấu, và lẽ tự nhiên chúng ta
đau khổ vì nó.
Bây giờ là một tình huống khác. Trước chúng ta lại có một người phát và một người
nhận. Giả sử cả hai đều nắm những mã giao tiếp tuyệt đối giống nhau. Điều này chỉ có thể
có trong trường hợp nếu một trong hai người là bản sao của người kia. Họ hoàn toàn hiểu
nhau, nhưng vậy thì mục đích của sự giao tiếp đó là gì?(5) Như vậy, hóa ra giá trị của thông
tin tỉ lệ nghịch với tính dễ hiểu của nó. Tất nhiên, không thể giải quyết vấn đề bằng nghịch
lý này. Tôi sẽ không kể thêm ra những tình huống nghịch lý khác mà chúng ta bất giác sa
vào nếu nghiêm chỉnh tuân theo học thuyết của de Saussure. Trong phạm vi học thuyết đó
không hề có văn hóa con người và chính ngay sự tồn tại của nghệ thuật. Nói riêng, thật khó
hiểu một thực tế mang tính phổ quát đối với văn hóa trái đất, đó là trong cơ chế ký hiệu học
của văn hóa có hiện diện tối thiểu hai hệ thống thông báo khác nhau. Sự tối thiểu cổ điển –
đó là ngôn từ và hình vẽ. Khi làm việc với những nền văn hóa cố tìm cách khép lại một
trong hai kênh này (chẳng hạn có những nền văn hóa cấm lời nói và hình vẽ) chúng tôi tin
chắc là điều tương tự không thể có. Nói cách khác, cái bị đuổi ra cửa chính thì nó lại nhảy
vào qua cửa sổ. Vì sao, bất giác một câu hỏi bật ra.
Những mâu thuẫn này đã gây nên sự phê phán kịch liệt mà chúng tôi tìm thấy trong
các công trình của M.M. Bakhtin. Nỗ lực của ông là nhằm mô tả hệ thống thông báo thông
qua tính động, sáng tạo của nó. Trong việc này Bakhtin hoàn toàn không đơn độc vì có cả
một loạt nhà khoa học, trong đó có V.V. Vinogradov, đã khẳng định rằng không phải ngôn
ngữ nghệ thuật là bộ phận của ngôn ngữ tự nhiên, tức của khẩu ngữ, mà ngược lại, khẩu
ngữ là bộ phận của ngôn ngữ nghệ thuật(6) và để hiểu được hiện tượng ngôn ngữ thì cần
phải hiểu nghệ thuật. Trong ý nghĩa này nhiệm vụ nghiên cứu nghệ thuật đã từ vấn đề ngoài
lề trở thành vấn đề khoa học cơ bản và trung tâm - lúc đầu trong lĩnh vực ngôn ngữ học, sau
đó trong lĩnh vực ký hiệu học văn hóa, và cuối cùng trong phỏng sinh học, nghiên cứu
những vấn đề trí tuệ nghệ thuật.
Những vấn đề này không chỉ có ý nghĩa lý thuyết. Quan điểm phổ biến về việc
nghiên cứu nghệ thuật như lĩnh vực giải trí của đời sống con người để những người nghiêm
túc thỉnh thoảng nghỉ ngơi rồi sau đó lại trở về những công việc quan trọng của mình đã
được thay thế bằng quan niệm về sự giao tiếp nghệ thuật như một vấn đề thực sự nghiêm
túc của khoa học hiện đại. Thiên tài khoa học của M.M. Bakhtin đã nhận thức được vấn đề
này từ những năm 1920-1930. Tôi nói ông thiên tài bởi vì vào những năm ấy cách đặt
những vấn đề đó chưa có thể dựa trên các cơ sở khoa học chắc chắn. Vì thế trong các công
trình của Bakhtin có thể nhận thấy cách trình bày theo lối ấn tượng. Điều này đôi khi dẫn
tới những mưu toan dùng quan niệm của Bakhtin để biện hộ cho sự ba hoa chiết trung rỗng
tuếch, mà những thí dụ như thế có rất nhiều.
Sự xuyên tạc như thế bắt đầu, chẳng hạn, khi từ “đối thoại” bị tước đi nội dung khái
niệm chính xác của nó, hoặc khi người ta dùng nó tuy không giáo điều hay thô thiển, nhưng
lại theo nghĩa rất rộng. Khi đó thuật ngữ này mất đi tính chặt chẽ khoa học của mình và ý
nghĩa quan niệm chứa đựng trong nó. Từ này thực sự có ý nghĩa chỉ dưới ánh sáng của một
số tư tưởng xuất hiện mãi về sau trong quá trình chúng ta chiếm lĩnh di sản lý thuyết của
Bakhtin. Đó là điều hoàn toàn tự nhiên.
Ý nghĩa của khám phá vĩ đại này không phải lộ ra ngay một lúc mà theo dòng thời
gian. Một trong những tư tưởng của nó tạo nên quan niệm chung về bản chất đối thoại của
ngôn ngữ. Nếu một thời gian dài quan niệm về cấu trúc độc thoại của ngôn ngữ ngự trị, thì
từ nay sự chú ý tập trung vào bản chất đối thoại của nó. Một ý nghĩa quan trọng khác là
quan niệm về sự thống nhất của văn hóa đòi hỏi phải có tồn tại tối thiểu hai kênh(7). Đã
mười lăm năm nay trong trường học mùa hè chúng tôi nêu câu hỏi: cái gì là mô hình tối
thiểu của văn hóa, mô hình làm cho văn hóa có thể thực hiện được? Tôi sẽ không dẫn ra lập
luận ở đây, nhưng người ta nói về mô hình văn hóa tối thiểu nếu có hai kênh khác nhau cho
một thông tin. Sau đây tôi xin chứng minh điều này.
Những tư tưởng này gần gũi một cách khá bất ngờ với quan niệm thứ ba, nó là một
trong những khám phá khoa học lớn nhất trong vòng bốn năm chục năm qua. Đây đang nói
tới giả thiết mô tả nguyên lý làm việc của não bộ con người trên cơ sở phối hợp hoạt động
của hai bán cầu độc lập. Bán cầu trái và bán cầu phải của não bộ hoạt động nhờ các cơ chế
ký hiệu học khác nhau, đồng thời giữa chúng có những quan hệ phức, chúng ta sẽ nói là
những quan hệ đối thoại, gắn với việc hoạt động của bán cầu này gợi sự kích thích, hoạt
động của bán cầu kia, - làm xuất hiện những quá trình kìm hãm các cơ chế truyền đạt và cứ
thế.
Trên cơ sở khám phá đó đã hình thành một quan niệm có thể tóm lược như sau: hệ
thống ký hiệu học, tức là tổ hợp các hệ thống giao tiếp của con người, không thể quy về cấu
trúc sơ đẳng của việc truyền văn bản “từ” – “đến”. Đây là một phương diện quan trọng của
vấn đề và cũng dễ nghiên cứu. Cách tiếp cận này cho rằng người phát và người nhận là
chân xác, cùng dùng một bộ mã và cùng nhận (tiếp thu) cái được truyền đi y hệt nhau. Bởi
mỗi ai nhận được bức điện tín đều muốn coi là nó sát đúng từng lời với bản gửi đi. Kiểu
thông báo này là đặc trưng cho một vỉa tầng lớn của văn hóa, nhưng nó không phải là duy
nhất. Trong thực tế ngôn ngữ song hành, một cơ chế mới đã được xây lên trên một nền tảng
ký hiệu học khác – cơ chế tạo lập thông tin mới.
Chúng tôi dùng cụm từ “thông tin mới” để chỉ thứ thông tin không thể lấy bộ quy
tắc được đặt ra từ trước mà tách ra khỏi văn bản được. Đến đây tôi nhớ lại câu nói nổi
tiếng của Vitgenstein rằng trong khuôn khổ của logic học không thể nói thêm được cái gì
mới nữa. Đúng quá! Trong khuôn khổ logic học, khi theo đúng các quy tắc của nó thì
không thể bước ra khỏi giới hạn của nó. Có thể, các vị sẽ nhắc tôi câu chuyện về Newton,
người không hiểu giải toán để làm gì nếu trong điều kiện của bài toán đã có sẵn lời giải và
chỉ cần tìm thấy nó thôi. Như vậy, bản thân sự xuất hiện của văn bản mới là do sự có mặt
của tư duy sáng tạo.