Ý nghĩa và cấu trúc ý nghĩa của từ
- Bình diện ngữ nghĩa của từ gọi chung là ý nghĩa của từ. Tuy nhiên, có nhiều cách
hiểu về ý nghĩa của từ. Cách hiểu phổ biến hiện nay là: Ý nghĩa của từ là một cấu
trúc gồm một số thành phần nhỏ hơn, mỗi thành phần trong cấu trúc ý nghĩa đó
tương ứng với một chức năng của từ. Chẳng hạn, từ có chức năng gọi tên sự vật,
hiện tượng và tương ứng với chức năng đó là thành phần ý nghĩa biểu vật của từ,
còn tương ứng với chức năng biểu thị quan hệ của từ với các từ khác là thành phần
ý nghĩa ngữ pháp của từ.
5 trang |
Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 3184 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đối chiếu cấp độ từ vựng – Bình diện ngữ nghĩa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đối chiếu cấp độ từ vựng – Bình diện ngữ nghĩa
1. Ý nghĩa và cấu trúc ý nghĩa của từ
- Bình diện ngữ nghĩa của từ gọi chung là ý nghĩa của từ. Tuy nhiên, có nhiều cách
hiểu về ý nghĩa của từ. Cách hiểu phổ biến hiện nay là: Ý nghĩa của từ là một cấu
trúc gồm một số thành phần nhỏ hơn, mỗi thành phần trong cấu trúc ý nghĩa đó
tương ứng với một chức năng của từ. Chẳng hạn, từ có chức năng gọi tên sự vật,
hiện tượng và tương ứng với chức năng đó là thành phần ý nghĩa biểu vật của từ,
còn tương ứng với chức năng biểu thị quan hệ của từ với các từ khác là thành phần
ý nghĩa ngữ pháp của từ.
- Có hai phạm trù ý nghĩa của từ: Ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp. Mỗi phạm
trù ý nghĩa lại bao gồm một số thành phần ý nghĩa nhỏ hơn. Xét về phạm trù ý
nghĩa từ vựng, người ta phân biệt các thành phần ý nghĩa sau:
* Ý nghĩa biểu vật: Đó là thành phần ý nghĩa liên quan đến các sự vật, hiện tượng
trong thực tế khách quan. Tuy nhiên, đó chỉ là hình ảnh chung chung (khái quát) về
sự vật hay hiện tượng chứ không phải là bản thân một sự vật hay hiện tượng cụ thể
trong thực tế khách quan. Ví dụ: Ý nghĩa biểu vật của từ (con) gà trong tiếng Việt
là hình ảnh về con gà chung chung, bị loại bỏ những đặc điểm cụ thể như màu
lông, giới tính, cân nặng, độ tuổi
* Ý nghĩa biểu niệm: Đó là thành phần ý nghĩa liên quan đến ý niệm hay khái niệm
về sự vật, hiện tượng. Chỉ có điều thành phần ý nghĩa này không trùng với khái
niệm trong lô gích học vì đó là ý niệm hay khái niệm gắn liền với đặc điểm của
ngôn ngữ. Ví dụ: Khái niệm “nước” trong tiếng Việt không trùng với khái niệm
“nước” trong tư duy lôgích. Chính vì vậy, người ta nói đến khái niệm dân gian và
khái niệm khoa học. Khái niệm dân gian là ý nghĩa biểu niệm của từ còn khái niệm
khoa học là khái niệm của tư duy lôgích. Liên quan đến sự phân biệt này là hai
khái niệm trong ngôn ngữ học tri nhận: bức tranh dân gian về thế giới, và bức tranh
khoa học về thế giới.
Một điều hết sức quan trọng trong đối chiếu ý nghĩa từ vựng của các từ là cấu trúc
của ý nghĩa biểu niệm: ý nghĩa biểu niệm bao gồm một số thành phần ý nghĩa nhỏ
hơn gọi là nét nghĩa hay nghĩa vị. Các ngôn ngữ có thể khác nhau về cách tổ chức
các nét nghĩa.
* Ý nghĩa ngữ dụng: Đó là thành phần ý nghĩa liên quan đến hoạt động của từ
trong các tình huống giao tiếp, do vậy, thường chỉ có thể dựa vào ngữ cảnh để xác
định thành phần ý nghĩa này. Ví dụ: Từ vịt giời trong tiếng Việt, ngoài ý nghĩa
“loài chim sống hoang dã trong tự nhiên, cùng họ với vịt nhà”, còn có ý nghĩa ‘con
gái’.
Ý nghĩa này mang đặc điểm văn hóa của mỗi dân tộc.
2. Những điểm cần lưu ý trong quá trình đối chiếu bình diện ngữ nghĩa
- Các từ có thể giống nhau (hoặc tương đồng) về hình thức và ý nghĩa. Thường thì
đó là trường hợp của các ngôn ngữ cùng họ hay cùng nhóm. Ví dụ: Từ stolica của
tiếng Ba Lan so với tiếng Nga.
- Các từ có thể giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về ý nghĩa. Đó có thể là
sự khác nhau một phần hoặc là sự khác nhau hoàn toàn. Ví dụ: Từ ‘bác sĩ’, ‘tiến sĩ’
trong tiếng Việt và tiếng Trung.
- Các từ giống nhau về ý nghĩa nhưng khác nhau về hình thức. Đây là những
trường hợp thường thấy nhất khi đối chiếu từ vựng giữa hai ngôn ngữ. Tuy nhiên,
thường không có sự giống nhau hoàn toàn về ý nghĩa giữa hai ngôn ngữ mà sẽ có
sự khác biệt về cấu trúc ý nghĩa của các từ: các từ có thể khác nhau về một thành
phần ý nghĩa hoặc một nét nghĩa nào đó. Ví dụ: so sánh cấu trúc nét nghĩa của từ
‘nước’ tiếng Việt và ‘water’ tiếng Anh; từ ‘nhà’ của tiếng Việt và từ tương đương
của nó trong nhiều ngôn ngữ chỉ giống nhau một phần, vì ‘nhà’ trong tiếng Việt
còn có ý nghĩa “chồng” hoặc “vợ”.
- Các từ khác nhau về cả hình thức lẫn ý nghĩa. Đối với những trường hợp này chỉ
cần chú ý đến những từ có thể gây nhầm lẫn hoặc làm cho người học ngoại ngữ
phạm lỗi.
- Các từ giống nhau về nghĩa gốc, nhưng khác nhau về nghĩa mở rộng (hay nghĩa
phái sinh). Ví dụ: từ ăn trong tiếng Việt có nghĩa mở rộng là “mua” (ví dụ: Ăn con
xe (máy) này đi!) mà nhiều ngôn ngữ khác không có.
3. Đối chiếu trường từ vựng-ngữ nghĩa
- Trước hết, cần phân biệt hai loại trường: Trường liên tưởng và trường tuyến tính.
- Đối chiếu trường liên tưởng là đối chiếu các nhóm từ có chung một nét nghĩa nào
đó. Các trường từ vựng thường được chọn để nghiên cứu đối chiếu là: Từ chỉ một
loại hoạt động (ví dụ: các động từ chuyển động, hoạt động nói năng), Từ chỉ
phương tiện hoạt động (ví dụ: công cụ sản xuất), Từ chỉ quan hệ giữa người với
người (ví dụ: quan hệ thân tộc), Từ chỉ màu sắc, Từ chỉ các bộ phận cơ thể (người
và động vật), Từ chỉ động vật (ví dụ: động vật nuôi), Từ chỉ cây cối, Từ chỉ cảm
xúc, Từ chỉ các món ăn
- Đối chiếu trường tuyến tính là đối chiếu về khả năng kết hợp của từ. Khả năng
kết hợp của từ liên quan đến cả cấp độ ngữ pháp, vì đó là khả năng thay thế nhau
về chức năng ngữ pháp của các từ trong trường.
- Trong đối chiếu trường từ vựng-ngữ nghĩa, có thể phân tích những khác biệt giữa
hai ngôn ngữ về:
+ danh sách các đơn vị thuộc trường: những từ có mặt trong trường của ngôn ngữ
này nhưng không có mặt trong trường của ngôn ngữ kia;
+ cấu trúc ngữ nghĩa của trường nói chung và của từng đơn vị nói riêng;
+ tần số sử dụng, đặc biệt là sử dụng trong các thành ngữ, quán ngữ;
+ giá trị tu từ. Ví dụ: sự khác biệt về ý nghĩa biểu cảm, khả năng sử dụng trong các
phong cách ngôn ngữ.