Đổi mới kiểm tra - Đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực

Tóm tắt. Phát triển năng lực người học là một trong những định hướng đổi mới trọng yếu của chương trình giáo dục phổ thông sau 2015. Trong bối cảnh hiện nay, kiểm tra - đánh giá được coi là trọng điểm đổi mới, góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, phát triển năng lực người học đồng thời tạo nên những chuyển biến tích cực, thực chất hơn chất lượng giáo dục phổ thông. Đối với môn Ngữ văn, ngoài việc hướng đến hình thành các năng lực chung, bộ môn tập trung hình thành và phát triển các năng lực chuyên biệt: đọc hiểu văn bản (nghe, đọc), tạo lập văn bản (viết, nói) và cảm thụ văn học (xúc cảm thẩm mĩ).

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 235 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đổi mới kiểm tra - Đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Interdisciplinary Sci., 2014, Vol. 59, No. 6, pp. 71-76 ĐỔI MỚI KIỂM TRA - ĐÁNH GIÁ MÔN NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC Phùng Thị Vân Anh Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo Tóm tắt. Phát triển năng lực người học là một trong những định hướng đổi mới trọng yếu của chương trình giáo dục phổ thông sau 2015. Trong bối cảnh hiện nay, kiểm tra - đánh giá được coi là trọng điểm đổi mới, góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, phát triển năng lực người học đồng thời tạo nên những chuyển biến tích cực, thực chất hơn chất lượng giáo dục phổ thông. Đối với môn Ngữ văn, ngoài việc hướng đến hình thành các năng lực chung, bộ môn tập trung hình thành và phát triển các năng lực chuyên biệt: đọc hiểu văn bản (nghe, đọc), tạo lập văn bản (viết, nói) và cảm thụ văn học (xúc cảm thẩm mĩ). Từ khóa: Kiểm tra - đánh giá, phát triển năng lực, năng lực Ngữ văn. 1. Mở đầu Giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học nói chung, kiểm tra - đánh giá theo định hướng phát triển năng lực nói riêng đã và đang trở thành một trong những xu thế tất yếu và phổ quát của giáo dục trên thế giới. Ở Việt Nam, theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI nhằm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, một trong những định hướng đổi mới trọng yếu của chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 là phát triển năng lực người học [4]. Theo định hướng đó, cần triển khai đổi mới một cách đồng bộ: chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học, kiểm tra - đánh giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của chương trình và sách giáo khoa hiện dùng, kiểm tra - đánh giá được coi là trọng điểm đổi mới, góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, phát triển năng lực người học đồng thời tạo nên những chuyển biến tích cực, thực chất hơn chất lượng giáo dục phổ thông [1, 2, 3, 5]. Trong xu hướng chung, chuyển kiểm tra – đánh giá từ “tập trung vào kiến thức” sang “tập trung vào năng lực”, bài báo giới thiệu những kết quả nghiên cứu có được về việc đổi mới kiểm tra - đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực. Ngày nhận bài: 2/12/2013. Ngày nhận đăng: 10/5/2014 Liên hệ: Phùng Thị Vân Anh, e-mail: ptvanh@moet.edu.vn 71 Phùng Thị Vân Anh 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Tiếp cận quan điểm đánh giá năng lực Trên thế giới, từ những năm cuối thế kỉ XX, các quốc gia châu Âu đã xây dựng dự án nghiên cứu về năng lực. “Năng lực là khả năng kết hợp các các kiến thức, kĩ năng (nhận thức và thực hành), thái độ, động cơ, cảm xúc, giá trị, đạo đức để thực hiện các nhiệm vụ học tập trong bối cảnh, tình huống thực tiễn một cách hiệu quả” [9]. Theo cách tiếp cận này, việc đánh giá năng lực phải đo lường được, “phải dựa trên cơ sở cá nhân người học thực hiện các nhiệm vụ mang tính thực tiễn hơn là so sánh họ thực hiện tốt thế nào so với người khác”. “Đánh giá năng lực người học là đo lường sự phát triển năng lực cá nhân của người học dựa theo chuẩn thực hiện. Ở đó chuẩn thực hiện là sự cụ thể hóa mục tiêu giáo dục đã quy định”, cơ sở để đánh giá năng lực người học là chuẩn đầu ra của chương trình, là “những kết quả mong muốn học sinh cần biết, hiểu và có thể làm được tại cuối cấp học, lớp học/nhóm lớp”. 2.2. Hệ thống năng lực chung và năng lực chuyên biệt môn Ngữ văn Với cách hiểu năng lực là khả năng “vận dụng những kiến thức, kĩ năng được học trong nhà trường kết hợp với những kinh nghiệm của bản thân thu được bên ngoài nhà trường để giải quyết những vấn đề trong tình huống, bối cảnh mang tính thực tiễn” [8], năng lực tồn tại dưới hai hình thức: năng lực chung và năng lực chuyên biệt. Hệ thống năng lực chung gồm 3 nhóm: (1) Nhóm năng lực làm chủ và phát triển bản thân: Năng lực tự học, Năng lực giải quyết vấn đề, Năng lực sáng tạo (Năng lực tư duy), Năng lực tự quản lí. (2) Nhóm năng lực về quan hệ xã hội: Năng lực giao tiếp, Năng lực hợp tác, hội nhập. (3) Nhóm năng lực công cụ: Năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Năng lực sử dụng ngôn ngữ, Năng lực tính toán. Trong đó, Năng lực tư duy (tư duy hình tượng), Năng lực sử dụng ngôn ngữ được hình thành, phát triển thuận lợi và có hiệu quả nhất ở môn Ngữ văn. Điều này xuất phát từ những nét riêng mang tính đặc thù của môn Ngữ văn: vừa là bộ môn khoa học vừa là bộ môn nghệ thuật. Với tư cách là một môn học, Ngữ văn là một thành phần cấu tạo của chương trình văn hoá cơ bản trong trường phổ thông. Môn Ngữ văn cùng với các bộ môn khác có nhiệm vụ cung cấp cho học viên những hiểu biết, những kĩ năng nhất định. Mục tiêu của môn Ngữ văn trong nhà trường ngoài việc cung cấp cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về ngôn ngữ (trọng tâm là tiếng Việt) và văn học (trọng tâm là văn học Việt Nam), phù hợp với trình độ phát triển của lứa tuổi và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hình thành và phát triển năng lực sử dụng tiếng Việt, tiếp nhận văn học, cảm thụ thẩm mĩ còn tập trung bồi dưỡng tinh thần, tình cảm như tình yêu tiếng Việt, yêu thiên nhiên, gia đình, lòng tự hào 72 Đổi mới kiểm tra - đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng... dân tộc. . . Ngữ văn còn là bộ môn nghệ thuật - nghệ thuật ngôn từ. Ngôn từ là chất liệu xây dựng tác phẩm văn học. Hình tượng là phương thức tồn tại của văn học, là yếu tố kết tinh tình cảm, ý đồ của tác giả, tư tưởng của tác phẩm. Trong quá trình tiếp nhận các tác phẩm văn học, muốn hiểu hình tượng nghệ thuật, trước hết phải giải mã, chiếm lĩnh ngôn ngữ nghệ thuật. Nhờ thế, người học từng bước được làm quen, trau dồi, nâng cao năng lực tư duy hình tượng và sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tạo tiền đề thuận lợi để sử dụng ngôn ngữ nước ngoài. Ngôn ngữ là phương tiện để giao tiếp và là công cụ để tư duy. Khi làm chủ được đội quân chữ nghĩa là người nói, người viết đã thể hiện được năng lực giao tiếp của bản thân. Do tính đặc thù bộ môn, ngoài những năng lực chung, môn Ngữ văn hướng đến việc hình thành các năng lực chuyên biệt: đọc hiểu văn bản (nghe, đọc), tạo lập văn bản (viết, nói) và cảm thụ văn học (xúc cảm thẩm mĩ). Tuy nhiên, năng lực và các thành tố của nó không phải là khái niệm nhất thành bất biến mà được hình thành và phát triển liên tục. Mỗi kết quả kiểm tra chỉ là một lát cắt. Vì vậy, để việc kiểm tra - đánh giá được chính xác, khách quan, khoa học, cần sử dụng nhiều kênh thông tin làm thước đo đánh giá. Lâu nay, vì tập trung vào kiến thức, việc kiểm tra - đánh giá môn Ngữ văn nói riêng và các bộ môn nói chung chủ yếu là chấm điểm phục vụ mục đích xếp loại. Môn Ngữ văn gồm ba phân môn: văn học, tiếng Việt, làm văn, hướng đến việc hình thành và phát triển kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và xúc cảm thẩm mĩ cho người học nhưng thực tế, theo Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT hiện hành, việc kiểm tra - đánh giá môn Ngữ văn chủ yếu là kiểm tra, chấm điểm bài viết, phần kiểm tra nói chủ yếu là kiểm tra thường xuyên, nhằm tái hiện những kiến thức đã ghi chép được trên lớp. Theo định hướng phát triển năng lực, cần quán triệt “triết lí đánh giá: đánh giá để phát triển học tập, đánh giá như là quá trình học và đánh giá kết quả học tập”. Theo đó, việc kiểm tra - đánh giá “chuyển từ một chiều thành đa chiều”, không chỉ giáo viên (giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn) đánh giá mà cả học sinh cùng tham gia đánh giá, tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau; “chuyển đánh giá từ một hoạt động độc lập với quá trình dạy học sang tích hợp đánh giá vào quá trình dạy học, xem đánh giá là một phương pháp dạy học” [7], đánh giá vì sự tiến bộ của người học. 2.3. Đề xuất đổi mới kiểm tra - đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo hướng phát triển năng lực Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kĩ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, cần tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kĩ năng, phát 73 Phùng Thị Vân Anh triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học”. Theo đó, việc đổi mới kiểm tra - đánh giá chất lượng học tập của học sinh nói chung, môn Ngữ văn nói riêng theo hướng “phát triển năng lực” được nhận định là “giải pháp mang tính đột phá” . Việc đánh giá kết quả giáo dục phải phản ánh mức độ đạt chuẩn chương trình (cấp học, môn học); phải cung cấp thông tin đúng, khách quan, kịp thời cho việc điều chỉnh hoạt động dạy, hướng dẫn hoạt động học nhằm nâng cao dần năng lực học sinh. Đối với môn Ngữ văn, để kiểm tra - đánh giá, phát triển tất cả các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và xúc cảm thẩm mĩ của học sinh, cần đa dạng các loại hình, phương pháp, kĩ thuật kiểm tra - đánh giá. Để tạo ra những chuyển biến tích cực hơn nữa việc kiểm tra - đánh giá trong môn Ngữ văn, để giúp học sinh tự so sánh, tự nhận ra sự thay đổi của mình trong quá trình thực hiện mục tiêu đặt ra, cần kết hợp kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì; phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kì, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của học sinh; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội; chú trọng sử dụng các hình thức, kĩ thuật kiểm tra - đánh giá mới. Trong đó, có thể kể đến một số hình thức, kĩ thuật kiểm tra - đánh giá sau đây: a) Quan sát và ghi chép: Đây là một hình thức đánh giá thường xuyên. Giáo viên quan sát, ghi chép những biểu hiện, biến đổi của người học sau mỗi giờ học: thái độ, hành vi học tập, phương pháp học, mức độ xử lí thông tin, khả năng hợp tác. . . b) Cùng đánh giá: Kết hợp tự đánh giá và đánh giá của người khác (giáo viên, bạn học) nhằm tạo ra không gian đối thoại giữa người học và giáo viên, tăng lượng thông tin thu thập làm cơ sở đánh giá khách quan, đa chiều. Bởi lẽ, trong quá trình học, người học không chỉ học từ thầy cô “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” mà còn học từ bạn bè “học thầy không tày học bạn”. Điều này thể hiện sự chủ động, tích cực của người học khi tích lũy kiến thức, kinh nghiệm,. . . Tuy nhiên, sự đánh giá cuối cùng vẫn thuộc về giáo viên. c) Bản đồ tư duy: công cụ tổ chức theo hướng đồ họa, giúp người học động não (áp dụng hiệu quả khi học tiếng Việt, khi học các bài khái quát hoặc ôn tập môn Văn học). d) Tập san/chuyên đề: Có thể sử dụng để đánh giá quy trình học tập và phát triển của người học. Giáo viên có thể gợi ý các câu hỏi, các vấn đề/bài tập lớn để người học trả lời. Điều này thường cung cấp những thông tin tổng hợp về việc học tập của người học (Ví dụ, trong chương trình Ngữ văn 10, giáo viên có thể gợi ý đề tài cho người học thiết kế các tập san/ chuyên đề phù hợp với nội dung bài học: Hình ảnh con cò trong ca dao, Chân dung Nguyễn Trãi trong thơ, Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến; trong chương trình Ngữ văn 11, có thể gợi mở các vấn đề: Quan niệm tình yêu trong thơ Mới; trong chương trình Ngữ văn 12 có thể đặt ra các câu hỏi: Người chiến sĩ trong thơ ca kháng chiến chống Pháp, Hình ảnh con người mới trong văn xuôi thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. . . ). e) Trình bày miệng: Tận dụng thời gian trong và ngoài lớp học, giáo viên tạo cơ hội 74 Đổi mới kiểm tra - đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng... để người học chia sẻ, trao đổi thảo luận kiến thức, suy nghĩ, chính kiến của mình. Ngoài việc kiểm tra viết (kiểm tra định kì), kiểm tra miệng (kiểm tra thường xuyên), có thể sử dụng hình thức thi vấn đáp (kiểm tra định kì) đối với học sinh trung học. g) Hồ sơ đọc: Giáo viên yêu cầu người học lưu trữ tất cả tài liệu đọc độc lập của học sinh. Hồ sơ chứa đựng tất cả các tác phẩm đã hoàn thành và cả những tác phẩm chưa hoàn thành: tên bài báo, cuốn sách, tác phẩm, những nhận xét, bình luận mang tính phản hồi cá nhân về các tác phẩm mà học sinh đã và đang đọc. Việc thảo luận định kì hồ sơ này giúp giáo viên đánh giá mức độ phát triển của người học với tư cách là người đọc độc lập, gợi ý các cách thức để giáo viên khích lệ, động viên học sinh. Hồ sơ đọc có thể đưa vào hồ sơ học tập của học sinh. h) Kể lại chuyện: Sau khi học sinh đọc một câu chuyện hoặc nghe ai đó đọc, giáo viên yêu cầu học sinh kể lại. Qua cách kể, có thể thu thập được thông tin: mức độ tiếp thu, ghi nhận của học sinh, thái độ, chính kiến của học sinh về nhân vật, sự kiện trong truyện, kết thúc câu chuyện,. . . Ngoài những hình thức, kĩ thuật kiểm tra - đánh giá trên, trong quá trình dạy học, tùy từng nội dung dạy học cụ thể, căn cứ vào điều kiện dạy học, đối tượng dạy học cụ thể, giáo viên chủ động, lựa chọn và phối hợp các hình thức kiểm tra - đánh giá khác như: Học tập theo dự án, phiếu đánh giá, tự đánh giá,. . . góp phần nâng cao giá trị khoa học của kết quả kiểm tra – đánh giá, trên cơ sở đó, điều chỉnh việc dạy và học, cải thiện chất lượng dạy học. 3. Kết luận Với định hướng và cách vận dụng đa dạng, linh hoạt các hình thức, kĩ thuật như trên, việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh nói chung và kiểm tra - đánh giá môn Ngữ văn nói riêng trong thời gian tới sẽ tránh được sự đơn điệu, hình thức, phiến diện. Kết quả đánh giá chất lượng học tập bộ môn được phản ánh và tiến hành từ nhiều bình diện nhằm bộc lộ những sáng tạo riêng của học sinh, phát huy tối đa tiềm năng, sở trường của học sinh, góp phần thực hiện thắng lợi đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Kỉ yếu hội thảo “Kiểm tra - đánh giá để phát huy tính tích cực của học sinh ở bậc trung học”. Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh, 6/2006. [2] Kỉ yếu hội thảo khoa học “Giáo dục vì sự phát triển bền vững trong thời đại toàn cầu hóa”. Đại học Sư phạm Hà Nội, 12/2005. [3] Nguyễn Công Khanh, 2004. Đánh giá và đo lường trong khoa học xã hội. Nxb Chính trị Quốc gia. [4] Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. [5] Leen Pil, 2011. Modul: Đánh giá dạy học tích cực. Tài liệu tập huấn. 75 Phùng Thị Vân Anh [6] Tài liệu tập huấn giáo viên: Dạy học, kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (Tài liệu lưu hành nội bộ, 6/2012). [7] Tài liệu hội thảo “Tổng kết nghiên cứu giáo dục phổ thông của Việt Nam và một số nước trên thế giới, đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo về đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015 của Việt Nam”, Hà Nội, 11/2012. [8] Tài liệu tập huấn chuyên môn về đánh giá giáo dục - Chương trình hỗ trợ giáo dục phát triển của Nga - tháng 4, 2014. [9] Nguyễn Thị Lan Phương, 2014. Quy trình xây dựng chuẩn đánh giá năng lực người học theo định hướng phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới. Tạp chí Khoa học giáo dục, số 101, tháng 2. ABSTRACT Literature testing and evaluation based on a competency approach Developing student/learner competency is a key approach in the innovation-oriented programs of general education that is to go into effect in 2015. Testing/assessment is one of the key innovations that is to lead to an innovation of teaching methods, increased stu- dents competence and an improvement in the quality of basic education. With regards to the subject of literature, in addition to increased competency, there is to be a focus on the creating and developing improved text comprehension (listening, reading), text creation (writing, speaking) and receptor literary (aesthetic emotion). 76