Ngày nay, người Việt Nam trong các thành phố lớn đang bị bao vây tứ phía bởi
những tên gọi nước ngoài và những từ ngữ vay mượn không chính thức của các
thứ tiếng nước ngoài không được Việt hóa. Đi dọc theo các con phố của các thánh
phố lớn, nhiều người có cảm giác như lạc vào thành phố của một nước nào đó, với
nhan nhản những từ ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn
được giữ nguyên dạng gốc. Có rất nhiều những biển hiệu và từ ngữ bằng tiếng
nước ngoài mà người dân bình thường không đọc được và cũng không hiểu được ý
nghĩa của chúng.
6 trang |
Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 1588 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đừng đánh mất chủ quyền ngôn ngữ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỪNG ĐÁNH MẤT CHỦ QUYỀN NGÔN NGỮ
Lê Đình Tư
Ngày nay, người Việt Nam trong các thành phố lớn đang bị bao vây tứ phía bởi
những tên gọi nước ngoài và những từ ngữ vay mượn không chính thức của các
thứ tiếng nước ngoài không được Việt hóa. Đi dọc theo các con phố của các thánh
phố lớn, nhiều người có cảm giác như lạc vào thành phố của một nước nào đó, với
nhan nhản những từ ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn
được giữ nguyên dạng gốc. Có rất nhiều những biển hiệu và từ ngữ bằng tiếng
nước ngoài mà người dân bình thường không đọc được và cũng không hiểu được ý
nghĩa của chúng.
Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu biển hiệu hay từ ngữ nước ngoài là tên gọi của các
doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Trong trường hợp này,
việc sử dụng các tên gọi nước ngoài được coi là hiển nhiên, không ai cảm thấy khó
chịu, cho dù người ta không hiểu được ý nghĩa của các từ ngữ đó. Đấy không chỉ là
tên gọi mà còn là thương hiệu của các công ti hay doanh nghiệp đó. Chẳng hạn,
chúng ta không cần dịch tên gọi công ti DAEWOO của Hàn Quốc sang tiếng Việt
là Đại Vũ hay công ti HYUNDAI là Hiện Đại, vì đó không chỉ là tên gọi của các
công ti mà còn là thương hiệu quốc tế của các công ti đó. Trong những trường hợp
này, người ta không cần phải biết ý nghĩa của các tên gọi, bởi vì tên gọi của các
doanh nghiệp tự nó đã phản ánh phạm vi hoạt động hay sản phẩm của doanh
nghiệp đó.
Cũng sẽ chẳng có ai phản đối, nếu tên gọi của các cơ quan hay tổ chức nước ngoài
đang hoạt động tại Việt Nam được trương lên bằng tiếng nước ngoài. Tuy nhiên,
trong trường hợp này, tên gọi không phải là thương hiệu mà là sự mô tả ngắn gọn
lĩnh vực hoạt động của cơ quan hay tổ chức đó. Nói cách khác, tên gọi ở đây phản
ánh tính chất hay chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hay tổ chức mang tên gọi. Vì
vậy, sẽ là thiếu sót, nếu các tên gọi này không được ghi kèm với tên gọi tương
đương trong tiếng Việt, tức là không được dịch sang tiếng Việt. Mọi người Việt
Nam đều có quyền được biết các cơ quan hay tổ chức nước ngoài đó làm gì ở Việt
Nam, và dịch tên gọi nước ngoài sang tiếng Việt là cách duy nhất để mọi người có
thể hiểu được và hiểu đúng các tên gọi đó. Cũng chính vì hiểu được tên gọi mà mọi
người biết được lí do tại sao cơ quan hay tổ chức đó có mặt tại Việt Nam. Chẳng
hạn, nếu tên gọi của tổ chức SIDA (Cơ quan Hỗ trợ Phát triển của Thụy Điển)
không được dịch sang tiếng Việt thì có thể sẽ có nhiều người hiểu lầm đó là cơ
quan phòng chống AIDS (bệnh AIDS cũng được gọi là SIDA). Còn nếu có ai đó
cho rằng, đối với những người biết tiếng Anh, các tên gọi nước ngoài hoàn toàn
không gây khó khăn gì cho việc hiểu ý nghĩa của chúng thì điều đó không phải bao
giờ cũng đúng. Nếu không được dịch sang tiếng Việt hoặc không ghi dạng đầy đủ
của tên gọi nước ngoài thì ngay cả những người biết ngoại ngữ chưa chắc đã hiểu
đúng những tên gọi đó. Chẳng hạn, tổ chức EAST, có thể sẽ được hiểu là Phương
Đông (t. Anh: east = phương đông), trong khi nó là tên viết tắt tiếng Pháp của Tổ
chức Nước Nông nghiệp và Y tế Vùng Nhiệt đới. Ngay cả những tên gọi viết tắt
tiếng Anh của các cơ quan hay tổ chức Việt Nam như TCV, nếu không dịch sang
tiếng Việt thì nhiều người Việt cũng không biết đó là Hội Tim học Tôn Thất Tùng
–Việt Nam. Đối với những người không biết tiếng Anh (chiếm tuyệt đại đa số
trong xã hội ta), đương nhiên, khó khăn trong việc tìm hiểu ý nghĩa của các tên gọi
càng tăng lên gấp bội. Thế nhưng, rất tiếc là có nhiều tên gọi của các cơ quan, tổ
chức nước ngoài không có tên gọi tương đương trong tiếng Việt.
Sẽ khá khó chịu, nếu tên gọi của các doanh nghiệp hoặc cơ quan, tổ chức của Việt
Nam được ghi bằng tiếng Anh hay một thứ tiếng nước ngoài nào đó, bởi vì không
có lí do gì người Việt Nam lại không được biết tên gọi của các cơ quan, tổ chức
hay doanh nghiệp của nước mình. Người Việt Nam, nói chung, không có nhu cầu
phải biết Ngân hàng Quân đội có tên tiếng Anh là Military Bank hay Hội Chữ thập
đỏ Việt Nam có tên là Viet Nam Red Cross. Đối với họ, tên gọi tiếng Việt của các
doanh nghiệp, cơ quan hay tổ chức Việt Nam là hoàn toàn đủ để họ có thể tiến
hành các hoạt động giao dịch. Cho nên, tên gọi tiếng Anh chỉ có ý nghĩa đối với
người nước ngoài hoặc đối với người Việt Nam khi giao dịch với người nước
ngoài. Nếu tên gọi của các doanh nghiệp hay cơ quan, tổ chức Việt Nam chỉ được
ghi bằng tiếng nước ngoài thì người Việt Nam không biết tiếng nước ngoài sẽ có
cảm giác như mình bị chế nhạo, đơn giản là vì họ trở thành những người “vô tri”.
Việc trương các tên gọi của các doanh nghiệp hay tổ chức Việt Nam bằng tiếng
nước ngoài ở những vị trí cao nhất thường gây cảm giác khó chịu như vậy. Hơn thế
nữa, việc làm này còn gây nên cảm giác về sự mất chủ quyền của ngôn ngữ dân
tộc, nhất là khi tên gọi bằng tiếng Việt hoàn toàn bị loại bỏ. Song, thực tế này có
thể quan sát thấy ở khắp các thành phố lớn trên đất nước Việt Nam.
Tuy nhiên, gây cảm giác khó chịu nhất là sự tạp nham của các từ ngữ và/hoặc biển
hiệu nước ngoài được trương lên tùy tiện, không theo một nguyên tắc nào ở các
thành phố của ta. Điều đó tạo ra một cảm giác về sự lộn xộn, nhếch nhác của các
đường phố của ta. Thay vì cửa hàng hay hiệu, người ta thấy đầy rẫy những shop
với những biến tướng như shop men, Shop Fashion, shop Thủy, Baby’ shop. Thay
vì Giảm giá, người ta thấy vô số những Sale hay Sale off. Rồi nào là Shoes (giầy),
Veston (áo vét tông), Complet (com lê), leather (đồ da) được dùng để thay cho
các từ ngữ hay biển hiệu tiếng Việt, ngay cả ở những nơi mà, có lẽ, cả năm không
có người nước ngoài nào đến thăm. Hơn thế nữa, có nhiều biển hiệu hay từ ngữ
tiếng nước ngoài còn bị viết sai lỗi chính tả, nghĩa là ngay cả chủ nhân của những
biển hiệu đó cũng không phải là người thạo ngoại ngữ. Đó chẳng qua chỉ là thói
sùng bái từ nước ngoài chứ tuyệt nhiên không phải là biểu hiện của sự cố gắng để
tạo ra thương hiệu Việt Nam, bởi vì trong các cửa hàng đó, chủ yếu người ta bán
hàng hóa nước ngoài, có khi chỉ là hàng lỗi mốt của nước ngoài. Vì vậy, kết quả là
tiếng nước ngoài không làm cho đường phố của chúng ta trở nên sang trọng hơn
mà chỉ làm tăng cảm giác về sự nhếch nhác của các cửa hàng và vì thế, làm tăng
cảm giác nhếch nhác của các đường phố.
Vài năm trước, có một nhà sử học người Nhật Bản đã nói với tôi, đại ý: Việt Nam
đang phải đối mặt với một cuộc xâm lăng tệ hại nhất trong lịch sử của mình. Đó
không phải là một cuộc xâm lăng bằng gươm đao hay súng đạn. Đó cũng không
phải là một cuộc xâm lăng để giành chiếm đất đai hay lãnh thổ. Cuộc xâm lăng đó
cũng không có kẻ thù. Đó là một cuộc xâm lăng của một lực lượng hùng hậu các
doanh nghiệp nước ngoài được người Việt Nam mời đến để góp phần phát triển đất
nước. Cuộc xâm lăng này có sức tàn phá rất ghê gớm về lâu dài. Đó là sự tàn phá
về văn hóa, xã hội, về ý thức hệ và về môi trường. Chỉ có sự khôn ngoan và ý thức
dân tộc sâu sắc mới có thể chống lại cuộc xâm lăng đó.
Đi trên các đường phố Việt Nam, với đầy rẫy những biển hiệu và từ ngữ nước
ngoài được trương lên ở vị trí trang trọng nhất, lấn át hay thậm chí thay thế các
biển hiệu và từ ngữ tiếng Việt, chúng ta không khỏi nghĩ đến chủ quyền của dân
tộc mà biểu hiện ở đây là chủ quyền ngôn ngữ. Chúng ta đang đánh mất chủ quyền
ngôn ngữ. Không phải do một thế lực thù địch nào đó, mà là do chính chúng ta, do
sự vô ý thức, sự thiếu hiểu biết về hậu quả lâu dài của việc đánh mất chủ quyền
ngôn ngữ.