Gạch Chăm của người thợ gốm

Thứ gạch đang được dùng để trùng tu, tôn tạo tháp E7, khu di tích Mỹ Sơn không phải là của một chuyên gia hay của một nhà khoa học, mà của một người thợ gốm

pdf8 trang | Chia sẻ: nyanko | Lượt xem: 1536 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Gạch Chăm của người thợ gốm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Gạch Chăm của người thợ gốm Thứ gạch đang được dùng để trùng tu, tôn tạo tháp E7, khu di tích Mỹ Sơn không phải là của một chuyên gia hay của một nhà khoa học, mà của một người thợ gốm. Ông Nguyễn Quá hướng dẫn công nhân làm gạch Chăm - Ảnh: Hoàng Sơn Ông là Nguyễn Quá (56 tuổi), trú tại thôn La Tháp Tây, xã Duy Hòa, H.Duy Xuyên, Quảng Nam - người đã tìm ra bí quyết làm gạch Chăm với những tính chất hóa lý tương tự với gạch có niên đại hàng trăm năm tại Thánh địa Mỹ Sơn. Để đáp ứng nhiều tiêu chí của UNESCO về thứ gạch trùng tu tháp cổ, ông Quá đã bỏ không ít thời gian để chọn nguyên liệu cũng như có lúc nếm thất bại. “Trước khi được đem vào trùng tu các nhóm tháp, gạch của tôi đã trải qua nhiều cuộc thí nghiệm do các chuyên gia Ý tiến hành. Họ đã thực hiện hàng loạt phân tích để đối chiếu với gạch gốc. Chỉ đến khi đạt yêu cầu, họ mới quyết định đặt hàng tôi”, ông Quá nói. Theo KTS Đặng Khánh Ngọc, Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH- TT-DL) - người đang trực tiếp thực hiện công tác bảo tồn tháp E7, gạch do ông Nguyễn Quá sản xuất là loại gạch trùng tu tốt nhất từ trước đến nay, đáp ứng nhiều thông số kỹ thuật do UNESCO đưa ra. Sinh ra trên vùng đất sét có tiếng ở phía tây H.Duy Xuyên, Nguyễn Quá khi còn là một thanh niên đã rất giỏi trong việc vo đất nặn gốm. Những năm trước 1993, ông là một nhân viên phụ trách kỹ thuật của lò gốm địa phương. Niềm đam mê mãnh liệt với những bức tượng kỳ bí, những đường nét độc đáo trên từng ngọn tháp đã dẫn ông đến với nghề làm gốm Chăm. Hơn thế nữa, ông còn làm các loại gạch mỹ nghệ có hoa văn liên quan đến mỹ thuật Chăm dùng làm vật trang trí trong xây dựng để bán. Đã hơn 20 năm với nghiệp gốm, gạch, ông Nguyễn Quá có thể sống được với nghề cũng nhờ những sản phẩm gốm Chăm. Nhưng điều mà ông ấp ủ là làm sao giải mã được bí ẩn chứa trong từng viên gạch Chăm xưa. “Là tháp được xây bằng gạch, thế nhưng những ngọn tháp Mỹ Sơn tại sao có thể sừng sững giữa đất trời, vĩnh cửu đến như vậy. Câu hỏi đó luôn trong đầu tôi cả khi ngồi một mình nặn gốm hay đến cả giấc ngủ”, ông Quá tâm sự. Gạch Chăm cổ Để có cơ sở cho việc tìm nguyên liệu và phụ gia, ông Quá đã bỏ nhiều thời gian đến vùng thánh địa thu thập từng viên gạch vỡ để tìm hiểu. Năm 2005, ông bắt tay vào làm mẻ gạch đầu tiên, tình cờ có đoàn khách của UNESCO ghé thăm xưởng của ông. Và giữa họ đã có thỏa thuận về việc vừa làm gạch trùng tu tháp cổ vừa tiếp tục thí nghiệm. Thời điểm này, số gạch đầu tiên được các chuyên gia Trường Đại học Milan (Ý) đưa về nước để phân tích các thông số “chiếu” theo gạch Chăm xưa. Thế nhưng, mẻ gạch đầu tiên do ông làm ra để trùng tu tháp G3 tại Mỹ Sơn (thuộc nhóm tháp G) bị lỗi nặng, trong đó, biểu hiện rõ nhất là gạch có dấu hiệu rời rạc, bề mặt gạch bị muối hóa rồi nát dần. Miệt mài nghiên cứu lại, sau đó “Gạch Chăm ông Quá” đã được cơ quan chức năng chính thức chọn để bảo tồn các tháp tại nhóm G. Theo ông, để có được một viên gạch Chăm đất sét sau khi được nghiền dẻo sẽ được ủ, luyện rồi mới cho vào khuôn. Sau 7 - 8 ngày, gạch ráo hẳn sẽ được đem mài sơ bộ rồi tiếp tục phơi cho khô hoàn toàn trong vòng 10 - 15 ngày. Công đoạn cuối chính là nung trong lò khoảng 6 - 7 ngày với cường độ nhiệt biến động qua từng giờ. Bí ẩn trong những viên gạch được ông Quá giải mã nằm ở hai yếu tố: phụ gia tăng độ kết dính và vật liệu gạch phục chế. Nếu những viên gạch bề mặt nứt, cong, không đúng theo các tiêu chí về nguyên liệu, yêu cầu trong công nghệ làm sẽ bị loại. Tùy theo kích cỡ mà giá cả biến động từ 40 - 50 ngàn đồng/viên. Hiện lò gạch của ông Quá khi nào cũng đỏ lửa để cung cấp lượng gạch cần thiết cho việc bảo tồn tháp E7 (thuộc nhóm E di tích Mỹ Sơn).