1. Đặt vấn đề
Không tin vào những trạng thái “tĩnh”, bởi nó luôn có nguy cơ chứa đựng các
đại tự sự, các nhà hậu hiện đại thường đặt nhân vật của mình trên hành trình. Đối
với con người hậu hiện đại, mục đích của hành trình không bao giờ quan trọng bằng
chính hành trình. Do vậy, hành trình là tiêu chí tối thượng trong hành động nhân
vật. Nếu dừng lại, con người sẽ thỏa mãn và như thế ứng với mỗi chặng dừng trên
hành trình, rất có thể một đại tự sự được thiết lập. Do vậy, “đi” đồng nghĩa với tạo
lập những tiểu tự sự trên đời.
Truyện trinh thám đặt nền tảng trên “hành trình”, trên một tình huống một
sự việc li kì, bí ẩn nào đó, thường liên quan đến một vụ án. Do vậy những yếu tố
quan trọng của một truyện trinh thám sẽ là cốt truyện chứa đựng nhiều đột biến,
cùng một nhân vật thám tử thông thái. Do vậy, khi các nhà hậu hiện đại sáng tác
tác phẩm theo kiểu giả trinh thám, thì thực chất họ “giả cốt truyện”, hoặc “giả nhân
vật trinh thám”. Họ giữ nguyên mục đích truy tìm vốn là bản chất của truyện trinh
thám, nhưng lại thay đổi mục đích truy tìm bằng cách đan cài vào đó nhiều chủ đề,
nhiều tuyến cốt truyện. Mục đích là tái hiện sự hỗn độn của cuộc sống, sự mù mịt
không có lối thoát khi thám tử tham gia vào cuộc truy tìm, và trong đa số trường
hợp, trinh thám hậu hiện đại đặt mục tiêu là trinh thám ngay chính cái tôi bản thể
con người.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 209 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giả trinh thám trong tự sự hậu hiện đại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2011, Vol. 56, No. 2, pp. 39-45
GIẢ TRINH THÁM TRONG TỰ SỰ HẬU HIỆN ĐẠI
Lê Huy Bắc
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
1. Đặt vấn đề
Không tin vào những trạng thái “tĩnh”, bởi nó luôn có nguy cơ chứa đựng các
đại tự sự, các nhà hậu hiện đại thường đặt nhân vật của mình trên hành trình. Đối
với con người hậu hiện đại, mục đích của hành trình không bao giờ quan trọng bằng
chính hành trình. Do vậy, hành trình là tiêu chí tối thượng trong hành động nhân
vật. Nếu dừng lại, con người sẽ thỏa mãn và như thế ứng với mỗi chặng dừng trên
hành trình, rất có thể một đại tự sự được thiết lập. Do vậy, “đi” đồng nghĩa với tạo
lập những tiểu tự sự trên đời.
Truyện trinh thám đặt nền tảng trên “hành trình”, trên một tình huống một
sự việc li kì, bí ẩn nào đó, thường liên quan đến một vụ án. Do vậy những yếu tố
quan trọng của một truyện trinh thám sẽ là cốt truyện chứa đựng nhiều đột biến,
cùng một nhân vật thám tử thông thái. Do vậy, khi các nhà hậu hiện đại sáng tác
tác phẩm theo kiểu giả trinh thám, thì thực chất họ “giả cốt truyện”, hoặc “giả nhân
vật trinh thám”. Họ giữ nguyên mục đích truy tìm vốn là bản chất của truyện trinh
thám, nhưng lại thay đổi mục đích truy tìm bằng cách đan cài vào đó nhiều chủ đề,
nhiều tuyến cốt truyện. Mục đích là tái hiện sự hỗn độn của cuộc sống, sự mù mịt
không có lối thoát khi thám tử tham gia vào cuộc truy tìm, và trong đa số trường
hợp, trinh thám hậu hiện đại đặt mục tiêu là trinh thám ngay chính cái tôi bản thể
con người.
2. Nội dung nghiên cứu
Chúng ta đã biết, với một cốt truyện trinh thám, trung tâm của nó bao giờ
cũng bao gồm một vụ án bí hiểm, có thể đó là một tội ác. Tuy nhiên, các nhà trinh
thám không đặt nặng vấn đề tội ác mà chỉ lấy đó làm cớ để phát triển câu chuyện
dựa trên “sự điều tra”. Quá trình điều tra này đưa người kể, người đọc xâm nhập
vào vùng bí ẩn của tội lỗi, giúp con người nhận ra được chân tướng sự vật, biết được
ai là kẻ có tội. Và ai là người đáng ngợi ca... Một cấu trúc trinh thám hoàn chỉnh
về mặt nhân vật sẽ bao gồm: nạn nhân – thám tử – tội phạm, đương nhiên cả thời
gian và địa điểm cũng đóng vai trò quan trọng trong một câu chuyện trinh thám.
39
Lê Huy Bắc
Các nhà hậu hiện đại ưa thích cấu trúc này, bởi sự tương đồng của quá trình
đi tìm sự thật của truyện trinh thám cũng chính là quá trình xâm nhập cõi vô thức
đi tìm bản ngã của chính mình, thâm nhập vào bản chất ngôn ngữ của nhà văn
trong tái tạo hiện thực. Những tác phẩm nổi tiếng thuộc khuynh hướng giả trinh
thám thường được các nhà nghiên cứu nhắc đến là Tên của đóa hồng (Umberto
Eco), Thành phố thủy tinh (Paul Auster)...
Ngay khi Tên của đóa hồng (Name of the rose) ra đời, tờ New York Times đã
ghi nhận tính chất trinh thám của thiên truyện: “Hãy tưởng tượng một lâu đài thời
trung cổ, với các viên quản hầm, làm vườn, dược thảo sư và các tu sinh trẻ. Lần lượt
sáu tu sĩ bị ám sát bằng những cách hết sức kì quặc. Một học giả dòng Francisco
được phái đến để khám phá sự bí ẩn đó, nhưng rồi ông lại thấy mình vướng vào
những điều bí ẩn còn đáng sợ hơn nữa... Và thế là bắt đầu cuộc truy tìm điều bí
mật và ý nghĩa thực sự của các từ ngữ, biểu tượng, ý tưởng, tất cả những dấu hiệu
có thể nghĩ ra được mà thế giới hữu hình chứa đựng đằng sau bức màn bí mật đó”
(SachHay.com).
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Umberto Eco ngay lập tức đã trở thành “một
biến cố văn học”, “một cú sốc của tiểu thuyết đương đại”. Ra đời năm 1980, Tên của
đóa hồng là tác phẩm pha trộn nhiều thể loại. Trên nền của một câu chuyện trinh
thám, cuốn tiểu thuyết kết hợp trong nó lí thuyết kí hiệu học, lí luận về văn bản
mở, những nghiên cứu thời Trung cổ cũng như những chú giải thánh kinh... Tóm lại
đó là văn bản mang trong mình sự thách thức lớn lao đối với tri thức và cảm xúc
của con người.
Sử dụng hình thức truyện trinh thám đầy lôi cuốn, Umberto Eco đan cài vào
Tên của đóa hồng những vấn đề lịch sử, tôn giáo của thời Trung cổ. Tác phẩm đặc
biệt hướng đến vấn đề bản thể con người, một vấn đề mà chủ nghĩa hậu hiện đại
quan tâm. Trong cuộc kiếm tìm và hoài nghi chân lí liên tục, cái đích cuối cùng của
tác phẩm hướng đến là để trả lời câu hỏi thường trực trong truyện trinh thám: – Kẻ
thủ ác là ai? Nhưng câu trả lời thì chẳng dính dấp gì nhiều đến bản chất của thể
loại truyện hư cấu này mà lại liên quan đến vấn đề triết học muôn thuở: – Chúng
ta chính là kẻ có tội.
Nhan đề của tác phẩm là Tên của đóa hồng nhưng người đọc sẽ chẳng gặp
bất kì một bông hồng nào trong tác phẩm. Tất cả chỉ mang nghĩa ẩn dụ. Chính
điều này đã đưa Tên của đóa hồng vượt qua khuôn khổ của một cuốn tiểu thuyết
trinh thám, để hướng đến những ẩn dụ tuyệt vời về một hệ thống các kí hiệu và
biểu tượng: từ các vụ án, các bản thánh ca, nhà thờ, triết học Aristotle... nhằm đưa
người đọc vào một thế giới mê cung của xã hội Trung cổ và đồng thời là hình bóng
của mê cung hậu hiện đại, nơi lóe sáng những “đường dẫn” đến chân lí. Cái chân lí
không nằm trong những thuyết giáo định sẵn, mà nằm ngay trong chính bản thân
40
Giả trinh thám trong tự sự hậu hiện đại
nó, bản thân người truy tìm: “Có lẽ sứ mệnh của kẻ yêu nhân loại, là làm con người
biết cười vào chân lí, làm chân lí cười lên, vì chân lí duy nhất chính là việc học để
giải phóng chúng ta ra khỏi sự đam mê chân lí một cách mù quáng” (Tên của đóa
hồng, Ngày thứ bảy, đêm).
Câu chuyện thầy trò Guillaume truy tìm thủ phạm, gắn với quyển sách bí ẩn
của Aristotle, đã gợi ra một sự phản kháng rằng những lề luật thiêng liêng của giáo
hội không thể đày đọa, giam giữ con người. Chính sức mạnh của lí trí đã hướng con
người đến với chân lí, giúp họ niềm tin để vượt qua những chế định của Chúa. Tác
phẩm kết thúc khi thư viện rơi vào một cuộc đại hỏa hoạn, nhân vật thủ thư Jorge
de Burgo, hiện thân cho sự ngu muội tôn giáo, một kẻ bảo thủ, tàn ác, đã gây ra
những cái chết thảm khốc, chính y là người đã hủy hoại cuốn sách của Aristote và
tự thiêu chết mình.
Umberto Eco được bình chọn là một hai mươi nhà tư tưởng đương đại lớn
nhất thế giới, và cũng là ứng cử viên thường trực Nobel văn học từ mấy năm nay.
Ông chiếm một vị trí rất đặc biệt trong nền lí luận hậu hiện đại của thế giới. Là
một triết gia, một nhà kí hiệu học uyên bác, một tiểu thuyết gia và là giáo sư của
nhiều trường đại học, tư tưởng học thuật của Eco đã tác động mạnh mẽ, tích cực
đến đời sống trí tuệ của giới nghiên cứu trong suốt nhiều thập niên qua. Đặc biệt
là lí thuyết về văn bản mở.
Hai mươi năm sau khi Tên của đóa hồng ra đời, nhân loại lại được tiếp xúc
với một tác phẩm có cùng phương pháp sáng tác “giả trinh thám”. Đó chính là một
kiệt tác của nhà văn đoạt Nobel văn chương năm 2006 Orhan Pamuk. Người đọc dễ
nhận ra dấu ấn từ tác phẩm của Umberto Eco với Tên tôi là Đỏ của văn hào Thổ
Nhĩ Kì này.
Tên tôi là Đỏ xuất bản năm 2000, được xem là tác phẩm vĩ đại trong sự
nghiệp sáng tạo của Orhan Pamuk. Lấy bối cảnh Istambul ở thế kỉ XVI, dựa trên
sườn của một cốt truyện trinh thám liên quan đến cái chết của thợ cả Zarif, Pamuk
đã tái hiện những cuộc xung đột nảy lửa, những mâu thuẫn quyết liệt, những tâm
hồn không thể tìm ra tiếng nói chung để kết cục dẫn đến ba cái chết bi thảm của
thợ cả Zarif, Enishte Kính mến và thợ cả Zeytin.
Cốt truyện trinh thám của cuốn tiểu thuyết có những sự kiện chính sau: sau
gần bốn ngày mất tích, xác của thợ cả Zarif được tìm thấy dưới đáy một cái giếng
hoang cạn nước. Cái chết đó gây hoang mang trong giới tiểu họa Istanbul và dẫn
đến sự nghi ngờ lẫn nhau giữa các nhà tiểu họa. Ngay trong đêm dự đám tang của
thợ cả Zarif về, Enishte Kính mến – người được Đức vua bí mật giao cho trọng trách
làm một cuốn sách kỉ niệm năm thứ một ngàn lịch sử Hồi giáo và thể hiện sức mạnh
của vương quốc Ottoman – lại bị giết chết dã man. Ông bị kẻ thủ ác ra tay bằng
cách đập bình mực cổ vào đầu và mặt cho đến chết.
41
Lê Huy Bắc
Nàng Shekure xinh đẹp – con gái duy nhất của Enishte, bốn năm sau cái chết
của người chồng đầu tiên đang trong thời gian về ở nhà mẹ đẻ dưới sự bảo trợ của
cha mình – đã bí mật bàn chuyện kết hôn và điều tra thủ phạm với chàng Siyah
– người được Enishte Kính mến tin tưởng và có ý định giao phó lại việc làm tiếp
quyển sách bí mật.
Một đêm sau khi Enishte chết, cái chết của ông được công bố và Siyah, giờ
đây là con rể hợp pháp của Enishte đã vào cung xin gặp Trưởng ngân khố, nhân
vật quyền uy thứ hai của vương quốc, để trình báo sự việc. Lan tràn trong giới tiểu
họa lúc này là không khí hoang mang và nỗi sợ hãi trước những cái chết thảm khốc
xảy ra liên tiếp không rõ nguyên nhân.
Đức vua ra lệnh bằng mọi giá phải tìm ra kẻ sát nhân. Sư phụ Osman và Siyah
được giao trọng trách trong ba ngày phải tìm ra hung thủ, nếu không tất cả các nhà
tiểu họa sẽ phải chịu tội. Với manh mối duy nhất là bức phác thảo một con ngựa
đã nhàu nát và nhòe nước mà hung thủ để lại trên người nạn nhân thứ nhất, hai
người được phép vào Quốc khố hoàng cung để nghiên cứu những bức vẽ, tìm hung
thủ. Sau hai ngày ba đêm, với sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, cũng như các trường
phái hội họa cổ, sư phụ Osman đã tìm ra kẻ vẽ con ngựa kia. Đó chính là thợ cả
Zeytin tài hoa, xuất sắc nhất trong Xưởng vẽ Hoàng cung.
Sau khi tìm ra chân tướng thủ phạm, Siyah dùng cây kim có cán khảm xà cừ
đâm vào mắt kẻ sát nhân, buộc thủ phạm phải nhận tội, minh oan cho các nhà tiểu
họa và trả thù cho những nạn nhân đã chết. Thợ cả Zeytin sau khi mù mắt, đã lấy
dao găm đâm Siyah bị thương và trốn thoát. Trên đường chạy trốn khỏi Istanbul,
Zeytin bị Hasan – một tình địch của Siyah, cũng chính là em trai người chồng quá
cố của Shekure – chém đứt đầu do ghen tuông và nhầm lẫn.
Kết thúc tác phẩm, Siyah tài hoa sống hạnh phúc cùng người vợ Shekure trong
suốt hai mươi sáu năm còn lại của cuộc đời cho đến khi chàng từ giã cõi đời vì bệnh
tim vào một sớm mai bên bờ giếng.
Câu chuyện truy lùng thủ phạm được đan cài với chuyện tình lãng mạn Siyah
và Shekure. Đồng thời đó còn là câu chuyện lịch sử về nền tiểu họa Thổ Nhĩ Kì.
Chiếm khoảng bốn phần năm dung lượng tác phẩm là những sự kiện liên quan đến
nền tiểu họa này. Do vậy, đây mới chính là trọng tâm của tác phẩm. Nhưng do
nổi lên bề mặt văn bản là câu chuyện giết người và truy lùng thủ phạm, nên đã có
hiện tượng đan lồng ba cốt truyện trong tác phẩm. Đây chính là hiện tượng kép
cốt truyện. Tính chất kép cốt truyện này đã tạo nên hiện tượng phi trung tâm cốt
truyện, phi độc tuyến trần thuật,... tạo nên tính đa trị cho tác phẩm.
Thêm vào đó, nhà văn sử dụng hàng loạt điểm nhìn trần thuật. Các điểm nhìn
này, tự thân đã là những công cụ “gây rối” hữu hiệu trong tác phẩm. Chúng tạo
nên nhiều hệ giọng điệu cũng như các quan điểm về sự vật hiện tượng. Mở đầu tác
42
Giả trinh thám trong tự sự hậu hiện đại
phẩm người đọc kinh hoàng khi nghe thấy lời một tử thi thì thào về cái chết bất
ngờ của mình. Sau lời tử thi ở chương một là lời của một nhân vật khác biệt, xa lạ
nào đó ở chương hai, rồi nhảy sang lời của một con chó láu lỉnh ở chương ba... Cứ
thế những sự việc và trần thuật của tác phẩm luôn được trình xuất trong thế lưỡng
phân, đồng hiện nhiều nét nghĩa ngay cùng lúc mà suy luận thì luôn được đẩy về
phía người đọc.
Lời của tử thi, tức thợ cả Zarif Effendi, cho người đọc biết ông ta đã có vợ
con, chết cách đây bốn ngày trong tư thế ngâm nửa người dưới nước, bị giết bởi
một kẻ giết người dã man... Và người đọc được dẫn dắt vào ngay bầu không khí tội
phạm: “Kẻ sát nhân đó là ai mà chọc giận tôi đến thế? Tại sao hắn giết tôi theo
kiểu đầy bất ngờ như vậy?” với một giả thiết đầy chất trinh thám: “Cái chết của
tôi ẩn chứa một âm mưu ghê rợn nhắm vào đạo giáo của chúng ta, nhắm vào các
truyền thống và thế giới quan của chúng ta” [1;13]. Những giả thuyết theo kiểu này
thường là những định hướng để một câu chuyện trinh thám phát triển. Nhưng vấn
đề mang tầm khái quát cao đó lại không là điểm nhấn chính trong tự sự của Tên
tôi là Đỏ mà đúng hơn là nó đóng vai trò đánh lạc hướng người đọc, đưa người đọc
vào một mê lộ những sự kiện, vấn đề trùng phức. Để sau khi đi hết hành trình trinh
thám, người đọc bỗng nhận ra rằng có rất nhiều vấn đề người viết đặt ra chỉ cốt
để đối thoại, gợi mở nơi người đọc những hướng cắt nghĩa, hướng khai thác hình
tượng. Văn chương trinh thám hậu hiện đại biến quá trình trinh thám thành quá
trình tự trinh thám: trinh thám thế giới tâm hồn, bản ngã và khả năng tri nhận thế
giới khách quan hay tri nhận năng lực tri nhận của cá nhân.
Như thế đã có sự đánh tráo vai của các nhân vật trong cấu trúc trinh thám.
Tội nhân vừa là tội nhân vừa không phải là tội nhân. Thám tử vừa là thám tử
vừa là người chứng cho các hành vi thám tử của mình. Và đáng nói là kết cục của
một truyện trinh thám hậu hiện đại lại mở ra một quá trình trinh thám khác, đi
thẩm định sự trinh thám vừa được thực hiện kia. Quá trình truy tìm là của thám
tử những quá trình thẩm định lại là của người đọc. Cách cấu trúc văn bản mở của
trinh thám hậu hiện đại đã tạo nên một mê lộ cho những sự xâm nhập vào cắt nghĩa
hành động, tội ác và chân lí của con người.
Thành phố thủy tinh của Paul Auster tiêu biểu nhất cho cấu trúc trinh thám
hậu hiện đại này. Dường như người kể bài bố một mê lộ qua những cái tên trong
tác phẩm. Có một nhân vật nhà văn tên là Auster, một thám tử cũng tên như vậy.
Có một nhà văn khác tên là Daniel Quinn. Một hôm Quinn nhận được một cú điện
thoại nhờ giúp đỡ phá một vụ theo dõi để sát hại của người cha với đứa con trai
Stillman, người trước đó bị ông ta bạo hành đến tàn tật. Quinn cho rằng đó là sự
nhầm lẫn vì anh ta không phải là Auster thám tử, nhưng những cuộc điện thoại vẫn
tiếp tục xuất hiện, quấy rầy anh đến mức anh nghĩ anh nên đến gặp những người
đưa ra yêu cầu đó xem sao. Khởi đầu cho quá trình đi tìm kẻ nhầm lẫn mình là ai
43
Lê Huy Bắc
đồng nghĩa với khởi đầu của một sự trinh thám để tìm xem mình là ai.
Cuối cùng Quinn nhận làm thám tử cho vợ chồng Stillman. Nhiệm vụ của anh
là hằng ngày theo dõi sát sao, không rời mắt khỏi Stillman cha, nhằm phát hiện có
dấu hiệu nào báo thù để ra tay can thiệp. Cuối cùng Quinn lạc mất dấu vết của
Stillnam cha, sau đó anh cũng không tìm được chỗ ở mới của vợ chồng Stillman con.
Cuối cùng Quinn tìm đến gian phòng hoang nơi vợ chồng Stillman ở trước đây. Anh
cứ nằm đó, kiệt sức. Về sau, tình cờ Quinn được nhà văn Auster cứu sống. Hành
trình trinh thám đi vào ngõ cụt vì cả nạn nhân lẫn tội nhân đều biến mất không
tăm tích. Thám tử rơi vào nỗi hoang mang khi tự mình đối diện với chính mình.
Thám tử trở nên mù lòa trước sự biến mất đó và anh như thể đang trinh thám sự
trinh thám của mình.
Câu chuyện đầy chất trí tuệ. Đây chính là đặc thù của truyện trinh thám.
Người viết dùng năng lực phán đoán, dùng tư duy logic của trí tuệ để đưa người
đọc vào một mê lộ để hành trình cùng mình đi tìm lời giải đáp cho sự bí ẩn... Đấy
là kiểu trinh thám truyền thống. Sang trinh thám hậu hiện đại, vẫn chất trí tuệ đó
nhưng người đọc sẽ nhận thấy ở đây sự phá sản của trí tuệ. Con người càng cho
mình sắc sảo, càng kiên trì bao nhiêu với nhiệm vụ trinh thám của mình để cuối
cùng họ đối diện với một sự thật phũ phàng, tất cả đều biến mất và họ chẳng thể
nào có căn cứ để truy tìm và cắt nghĩa sự biến mất đó. Bi đát thay, đến đoạn cuối
họ chẳng thể nào cắt nghĩa được tại sao họ lại trở thành thám tử. Dường như thám
tử chính là hành trình mà bất kì một ai cũng phải theo.
Người đọc bị dẫn vào một lối đi vừa đủ sáng để nhận ra đường nhưng không
đủ ánh sáng để nhìn thấy mọi chuyện. Câu chuyện như thể một quá trình thăm dò
chính sự viết lách. Hành trình sáng tạo của nhà văn Paul Auster như được gửi vào
đây. Sáng tạo theo một cách nhìn nào đó, chính là sự thâm nhập vào thế giới bí ẩn
của vô thức. Đó chính là một hành trình trinh thám. Không phải ngẫu nhiên mà
nhà văn Auster lại có cậu con trai tên là Daniel, trùng với tên Quinn. Phải chẳng
Quinn là một nhân vật do chính Auster hư cấu nên mới có cái tên trùng theo kiểu
đó?
Giải đáp điều này, ta cùng theo dõi các tầng bậc phả hệ truyện. Nhà văn Paul
Auster ngoài đời có vợ và con trai tên là Daniel, khai sinh ra một nhà văn Paul
Auster, một thám tử Paul Auster (nhân vật này chỉ được nhắc đến) trong truyện,
đồng thời cũng khai sinh ra một Daniel Quinn nhà văn nữa. Quinn được vợ chồng
Stillman con thuê làm thám tử, vì người thuê nhầm Quinn là thám tử Paul Auster.
Như thế, phải chăng nhà văn muốn ám chỉ hành trình sáng tạo của nhà văn cũng
chính là hành trình của một nhà trinh thám, hành trình xâm nhập và khám phá
một tội lỗi hoặc một tội ác nào đó. Khi nhà văn Quinn thử nhận vai trinh thám thì
cũng đồng thời anh dấn thân vào một cuộc phiêu lưu sáng tạo mới. Nhưng rồi khi
44
Giả trinh thám trong tự sự hậu hiện đại
cả nạn nhân và tội nhân bỗng nhiên biến mất, Quinn đâu có việc gì để làm. Anh ta
hết vai trò, đang nằm chờ chết tại chính căn phòng chung cư bỏ hoang của vợ chồng
Stillman con. Nhân vật này được Paul Auster “cứu sống”. Chi tiết này càng ám gợi
việc Quinn là cái “tôi” nghệ sĩ hư cấu của Auster. Kết thúc tác phẩm, chỉ còn lại
nhà văn Paul Auster, người vừa hoàn thành câu chuyện trinh thám của mình.
3. Kết luận
Dưới tác động của cái nhìn đa trị từ triết học hậu hiện đại, nền văn học hậu
hiện đại đã có nhiều biến chuyển. Những cách tân lối viết xuất hiện mạnh mẽ và
ngày càng táo bạo. Văn học hậu hiện đại tạo nên những hình thức sáng tạo độc đáo,
những cách tri nhận thế giới bằng hình tượng sâu sắc... Tất cả nhằm giúp con người
nhận thức ra rằng những sáng tạo của con người là không giới hạn, những cái đẹp
cũng như chân lí trên đời là không nhất thành bất biến. Điều quan trọng là người
đọc có nhập cuộc và tham dự hành trình sáng tạo kia không.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Orhan Pamuk, 2007. Tên tôi là Đỏ, Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh
dịch. Nxb Văn học, Hà Nội.
[2] Jean–Franc¸ois Lyotard, 2007. Hoàn cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch. Nxb
Tri thức, tr. 15.
[3] David Harvey, 1989. Postmodernism, in The Condition of Postmodernity. Oxford,
Basil Blackwell.
[4] Marlies K. Danziger..., 1961.An Introduction to Literary Criticism, Mass, D.C.Heath
and Co.,
ABSTRACT
Pseudo–Detective in the post-modern narrative
One of the main tendencies of the post-modern narrative is the pseudo –
detective. By the concept of life being a journey, an endless mystery detection of the
soul, and there is also a beautiful journey of discovery, post-modern writers have
constructed a type of detective fiction. They still kept the basics of old detective
stories but having innovations in order to prevent readers from putting in a final
end. The end of this adventure is another detective story. This process has brought
the readers to become fans of the detective story.
45