Tóm tắt. Các giải pháp đổi mới, bồi dưỡng giáo viên phải được giải quyết một cách
đồng bộ hướng tới xác định hợp lí mục tiêu, nội dung, phương thức bồi dưỡng. Việc
xác lập các yếu tố cơ bản này phải theo nguyên tắc: Phát triển năng lực nghề nghiệp
giáo viên là một quá trình liên tục với logic quan hệ hữu cơ giữa đào tạo ban đầu
và tự đào tạo tại chức. Năm nguyên tắc được đề xuất trong bài báo này đáp ứng yêu
cầu và nguyên tắc nêu trên.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 210 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giải pháp đổi mới phương thức, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci., 2014, Vol. 59, No. 6A, pp. 3-8
This paper is available online at
GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC, BỒI DƯỠNG
NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN
Đinh Quang Báo
Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Các giải pháp đổi mới, bồi dưỡng giáo viên phải được giải quyết một cách
đồng bộ hướng tới xác định hợp lí mục tiêu, nội dung, phương thức bồi dưỡng. Việc
xác lập các yếu tố cơ bản này phải theo nguyên tắc: Phát triển năng lực nghề nghiệp
giáo viên là một quá trình liên tục với logic quan hệ hữu cơ giữa đào tạo ban đầu
và tự đào tạo tại chức. Năm nguyên tắc được đề xuất trong bài báo này đáp ứng yêu
cầu và nguyên tắc nêu trên.
Từ khóa: Giải pháp, phương thức, bồi dưỡng, năng lực nghề nghiệp giáo viên.
1. Mở đầu
Năng lực nghề nghiệp giáo viên được phát triển liên tục trong suốt quá trình hoạt
động sư phạm ở nhà trường phổ thông. Như vậy, đào tạo ban đầu ở trường Sư phạm chỉ là
sự chuẩn bị tiềm lực ban đầu nhưng có giá trị nền tảng cho giai đoạn tự bồi dưỡng trong
suốt cuộc đời lao động nghề nghiệp của một giáo viên. Để xác định giải pháp đổi mới
phương thức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phải tuân thủ nguyên tắc đó.
2. Nội dung nghiên cứu
Với sự phát triển của khoa học, công nghệ giáo dục phải thay đổi nội dung, hình
thức, phương pháp giáo dục. Tuy nhiên, có một nguyên lí không đổi: Giáo viên là yếu tố
quyết định chất lượng giáo dục. Cái thay đổi là cách thức kiến tạo kiến thức cho học sinh.
Thật vậy, cách thức đó phụ thuộc vào 4 yếu tố luôn luôn thay đổi, đó là câu trả lời
cho 4 câu hỏi: Dạy ai? Dạy để làm gì? Dạy cái gì? Dạy như thế nào? Lời giải đáp cho 4
câu hỏi đó cấu thành quá trình dạy học. Người giáo viên khi hành nghề luôn phải trả lời
4 câu hỏi đó. Và tất yếu, chất lượng, năng lực dạy học của giáo viên phụ thuộc vào chất
lượng đáp ứng 4 câu hỏi đó.
Ngày nay, câu hỏi DẠY ĐỂ LÀM GÌ? được loài người giải đáp là dạy để học sinh:
HỌC ĐỂ BIẾT, HỌC ĐỂ CÙNG CHUNG SỐNG VỚI NHAU, HỌC ĐỂ LÀM NGƯỜI.
Đó là triết lí giáo dục chi phối lời giải đáp cho 3 câu hỏi còn lại.
Tác giả liên lạc: Đinh Quang Báo, địa chỉ e-mail: baodq@hnue.edu.vn
3
Đinh Quang Báo
Lời giải đáp cho DẠY CÁI GÌ? trong xã hội hiện đại ngày nay là: DẠY CÁCH
HỌC. Câu trả lời này là hệ quả của nguyên lí giáo dục hình thành nhân cách có khả năng
‘’HỌC TẬP SUỐT ĐỜI”. Học thường xuyên suốt đời như là một chìa khóa mở cửa vào
thời đại kinh tế tri thức, hay thời đại văn minh trí tuệ. Do đó, cách học là cái cần có trong
hành trang của cuộc đời mỗi con người hiện đại. Thật vậy, ngày nay do sự phát triển vô
cùng nhanh chóng của khoa học, công nghệ làm cho tri thức của nhân loại tăng theo hàm
mũ. Gia tốc đó đã làm cho nếu như ở thập kỉ 70 thế kỉ trước tri thức nhân loại tăng hai
lần theo chu kì 8 năm, thì hiện nay chu kì đó chỉ còn 4 năm. Điều đó sẽ dẫn đến một mâu
thuẫn giữa một bên là tri thức khổng lồ, luôn biến đổi, bổ sung với một bên là thời gian
con người được giáo dục trong nhà trường luôn có hạn kì. Nếu không khắc phục được mâu
thuẫn đó thì sẽ dẫn đến một bi kịch là nếu như năm nay anh ta tốt nghiệp lớp 12 thì 4 năm
sau học vấn đó chỉ tối thiểu tương đương với học vấn của hoc sinh lớp 6 tại thời điểm đó.
Gia tốc tái mù là khủng khiếp mà cách chữa trị duy nhất là hình thành biện pháp tự học
suốt đời cho người học chứ không thể bằng cách tăng thời gian đào tạo trong nhà trường.
Thời gian dù tăng bao nhiêu mà vẫn theo phương pháp truyền thống là truyền kiến thức
sẵn có một chiều thì hi vọng kiến thức mà học sinh thu được trong nhà trường cũng chỉ là
đại lượng cực bé so với sự phát triển của tri thức khoa học, công nghệ. Con người không
thể học để làm với khối lượng và chất lượng kiến thức đó trong thời đại ngày nay. Đó là
điều khác biệt so với quá trình dạy học ở giai đoạn trước khi mà khoa học công nghệ phát
triển chậm. Ở thời đó, tri thức nhân loại biến đổi chậm cho nên đứa cháu có thể sống được
bằng kinh nghiệm mà người ông đã truyền cho cha, cha lại tiếp tục truyền cho nó. Do vậy,
phương pháp truyền thụ kiến thức có sẵn theo cách giáo điều, "chìa khóa trao tay" vẫn có
giá trị. Phương pháp dạy - học đó đã ngự trị trong nhà trường từ lâu, lúc đầu còn có giá trị,
dần dần giá trị bé đi, đến ngày nay giá trị không những thấp đi, mà còn trở nên nguy hại.
Tuy nhiên, phương pháp dạy đó đã trở thành động hình của người dạy cho đến bây giờ.
Cần phải có giải pháp thay đổi động hình đó. Thay đổi để chúng ta xây dựng và sử dụng
một hệ phương pháp dạy - học sao cho tạo được ở người học năng lực tự học, tự thích ứng
linh hoạt để giải quyết những vấn đề xuất hiện cần cho cuộc sống của của họ. Cách duy
nhất để giải quyết mâu thuẫn trên là nhà trường dạy cách học cho học sinh. Đào tạo trong
nhà trường chỉ nên coi là đào tạo ban đầu để có một trình độ học vấn nhất định mà trong
cấu trúc của học vấn đó, cách học là cốt lõi. Giáo dục, đào tạo phải chuyển từ học một lần
cho cả cuộc đời sang học một lần để thu được cách học nhiều lần, học thường xuyên cả
cuộc đời một con người.
DẠY AI? Câu hỏi liên quan đến đối tượng giáo dục - người học. Để có tác dụng
đến việc lí giải vì sao cần và có thể đổi mới phương pháp dạy - học trong nhà trường hiện
nay, lời giải đáp cho câu hỏi này đề cập đến đặc điểm phát triển trí tuệ của học sinh. Các
chỉ số phát triển về sinh lí, tâm lí, thể lực, trí tuệ của thế hệ trẻ ngày nay đều tăng và thuận
lợi cho việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục theo hướng phát triển cao hơn về
năng lực nhận thức. Có thể nói thế năng tiếp nhận tri thức của học sinh ngày càng cao hơn
trước nhiều, vì vậy hoạt động dạy - học có điều kiện tổ chức, khai thác tiềm năng đó với
hiệu suất cao hơn. học sinh ngày nay được tắm mình trong bể thông tin mà thông tin chảy
đến từ nhiều kênh, nhiều nguồn khác nhau. Và như vậy, học sinh cũng có nhiều công cụ,
4
Giải pháp đổi mới phương thức, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
nhiều cách khác nhau để thu thông tin khoa học. Nguồn thông tin, cơ hội, cách thu thông
tin phong phú, đa dạng đã làm cho nguồn thông tin đến từ lời giảng của giáo viên không
còn là duy nhất như trước nữa. Thông tin từ thuyết trình của giáo viên thậm chí nếu không
cải tiến, cập nhật thường xuyên có thể dẫn đến không chỉ nghèo về lượng mà còn lạc hậu
về chất. Tóm lại, học sinh thế hệ hiện đại vừa có khả năng, cơ hội thu nhận thông tin, vừa
có khả năng tự gia công trí tuệ các thông tin đó để biến thành tri thức của riêng mình. Đặc
điểm đó không chỉ cho phép, mà còn buộc giáo viên phải thay đổi phương pháp cung cấp
thông tin là trọng tâm sang phương pháp tổ chức người học gia công, xử lí thông tin bằng
các thao tác trí tuệ là bản chất của phương pháp dạy học mới. Cần phải nhấn mạnh rằng
hoạt động dạy - học ngày nay có lợi thế để tiết kiệm thời gian, công sức giáo viên bỏ ra cho
việc cung cấp thông tin, nhưng điều đó làm không làm giảm vai trò của giáo viên, trái lại
càng đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, có năng lực sư phạm cao hơn, mới
hơn. Thật vậy, thông tin khoa học người học có thể tự tra cứu, thu nhận từ nhiều nguồn, ở
nhiều cơ hội khác nhau, nhưng vấn đề khoa học đặt ra để định hướng người học thu thập
thông tin để giải quyết thường lại phần nhiều do người dạy. Vai trò người dạy trong nhà
trường hiện nay là định hướng tổ chức người học tự tìm kiếm tri thức bằng những vấn đề,
những bài toán nhận thức. Người dạy giao tiếp với người học bằng việc làm, bằng vấn đề
khoa học, thay cho sự giao tiếp chủ yếu bằng thuyết trình.
Những phân tích trên đây đã là lời giải đáp cho câu hỏi: DẠY NHƯ THẾ NÀO?,
gói gọn lại, nếu như hiện nay đang phổ biến phương pháp dạy truyền đạt kiến thức một
chiều, thì ngày nay phải chuyển sang phương pháp bằng giáo viên trao cho người học công
việc và dạy học sinh cách hoàn thành công việc đó để tự thu nhận kiến thức. Những phẩm
chất cần có của giáo viên nêu trên chính là mục tiêu chất lượng hiện nay của các trường
sư phạm [1]. Để đạt được mục tiêu chất lượng đó cần có những giải pháp đào tạo và bồi
dưỡng giáo viên một cách thích hợp.
Trước hết, cần tạo ra một logic để đào tạo và bồi dưỡng giáo viên là 2 giai đoạn kế
tiếp nhau. Trong 2 giai đoạn đó, đào tạo tạo ra tiềm lực ban đầu. Tiềm lực đó không chỉ
để họ đáp ứng yêu cầu trước mắt, mà còn như là nguồn năng lượng đủ để họ tự bồi dưỡng
liên tục đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển giáo dục. Ý nghĩa của giai
đoạn bồi dưỡng là vô cùng to lớn bởi mấy lí do sau đây [2]:
Thứ nhất, nếu như giai đoạn đào tạo được thực hiện trong khoảng 3 đến 4 năm, thì
giai đoạn bồi dưỡng, tự bồi dưỡng diễn ra suốt cuộc đời làm giáo viên của một người. Nếu
một người tốt nghiệp đại học sư phạm lúc 22 tuổi, công tác đến 60 tuổi thì họ phải bồi
dưỡng 38 năm liên tục. Hiện tại, tốc độ tăng tri thức của nhân loại theo tốc độ 4 năm tăng
gấp đôi thì tối thiểu họ phải 9 lần học đại học nữa trong quá trình công tác giáo dục mới
đáp ứng được yêu cầu của giáo dục các cấp.
Thứ hai, bồi dưỡng vừa để duy trì, không làm mai một đi những gì đã nhận được
trong giai đoạn đào tạo ở trường sư phạm, vừa bổ sung khiếm khuyết mà lúc đào tạo ở đó
để lại. Thực vậy, thực tiễn giáo dục ở các cấp học, các địa phương là vô cùng phức tạp với
nhiều tình huống đa dạng khiến cho sự đào tạo ở các trường sư phạm dù cố gắng đến đâu
cũng không phủ khắp được. giáo viên mới ra trường có sự lúng túng một phần vì kĩ năng
5
Đinh Quang Báo
sư phạm chưa thành kĩ xảo, một phần lớn hơn do va chạm với một ma trận các tình huống
thực tiễn mới mà họ chỉ biết nguyên tắc khái quát để giải quyết mà chưa có kĩ năng giải
quyết thích ứng ngay.
Như trên đã nêu, giai đoạn đào tạo trong nhà trường sư phạm tạo ra lực khởi động
với năng lượng dự trữ dùng cho 9 lần học đại học sư phạm sau tốt nghiệp lần đầu. Như
vậy, những năm đào tạo ở trường sư phạm là giai đoạn đào tạo ra thế năng của năng lực
giáo viên. Để có thế năng đó, việc đào tạo ở các trường sư phạm phải tạo cho sinh viên
khả năng tự học. Về yêu cầu này, hiện tại các trường sư phạm thực hiện chưa thật tốt, chính
vì vậy một số giáo viên sau khi ra trường phải được bồi dưỡng như là sự đào tạo lại. Xin
nhấn mạnh rằng, khái niệm ‘’bồi dưỡng giáo viên” phải phấn đấu để không bao hàm cả
nghĩa đào tạo lại, mà chỉ để cập nhật cái mới, phát triển năng lực cùng pha với yêu cầu
phát triển giáo dục trong dòng thác phát triển tri thức nhân loại với gia tốc ngày càng lớn.
Với yêu cầu như vậy, các trường sư phạm thực sự phải có sự chuyển biến cơ bản về phương
pháp đào tạo.
Từ phân tích trên có thể nêu một cách khái quát giải pháp có tính chất chiến lược
cho việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên là: Đào tạo phải đáp ứng được
việc tạo ra năng lực bồi dưỡng, vừa để ngăn chặn hao mòn cái được đào tạo, vừa quan
trọng hơn là để khuếch đại cái được đào tạo đủ để đáp ứng phát triển năng lực giáo viên,
đáp ứng sự tăng lên của yêu cầu phát triển của giáo dục các cấp học.
Muốn vậy, giải pháp cụ thể đầu tiên của đào tạo là giáo viên của tất cả các cấp học
đều phải được đào tạo có trình độ đại học sư phạm, nghĩa là họ phải được đào tạo ít nhất
4 năm, và tiến tới khi nền kinh tế cho phép phải 5 năm.
Giải pháp thứ hai: Cần có những chính sách ưu tiên, hấp dẫn hơn đối với nghề giáo
viên để thu hút người giỏi vào các trường sư phạm. Mấy năm gần đây khi miễn học phí
cho sinh viên sư phạm, khi lương giáo viên có phần cao hơn một số ngành đã thu hút được
nhiều người giỏi vào học ngành sư phạm. Tuy nhiên, nếu có chính sách tốt hơn, đặc biệt
chính sách trong khâu sử dụng sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm thì tình hình thu hút
người giỏi chắc chắn sẽ khả quan hơn.
Giải pháp thứ ba: Các trường sư phạm phải được đặc biệt quan tâm, đầu tư đúng
hướng nhiều mặt. Trước mắt, cần có sự đầu tư đào tạo bồi dưỡng để các trường sư phạm
có đội ngũ cán bộ mạnh với trình độ khoa học cao. Chẳng hạn, Trường ĐHSP Hà Nội đã
và đang xây dựng đội ngũ với những giải pháp mạnh dạn để ở đó có những nhà khoa học
cơ bản, khoa học giáo dục đầu ngành. Ở đây, chúng tôi đề nghị các cấp lãnh đạo phải thật
sự thấm nhuần quan điểm là làm sao cho các trường sư phạm phải có đội ngũ giáo viên
với trình độ cao cả ở khoa học cơ bản và khoa học giáo dục. Hai mặt này trong trường
sư phạm có quan hệ tương hỗ - nhân quả. Để được như vậy, việc xây dựng các trường sư
phạm về đội ngũ, về trang thiết bị kĩ thuật, công nghệ, về cấu trúc bộ máy tổ chức phải
hướng tới tạo ra sự tác động qua lại ở mức hiệu quả cao giữa nghiên cứu, đào tạo khoa học
cơ bản và khoa học giáo dục. Giải quyết vấn đề này cần từng bước tiếp cận hệ thống. Tiếp
cận hệ thống khi kiện toàn đội ngũ cán bộ, thiết kế cơ cấu tổ chức, khi đầu tư cơ sở vật
chất, khi xậy dựng nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo và nghiên cứu khoa học [3].
6
Giải pháp đổi mới phương thức, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
Giải pháp thứ tư: Các trường sư phạm khi tiến hành đào tạo và nghiên cứu khoa học
phải tắm mình trong thực tiễn phổ thông. Việc các trường đại học sư phạm trọng điểm có
các trung tâm, viện nghiên cứu khoa học giáo dục với biên chế hợp lí để có thể có những
sản phẩm nghiên cứu phục vụ cho đào tạo của chính trường đó, vừa phục vụ cả ngành sư
phạm, giáo dục phổ thông.
Giải pháp thứ năm: Phương pháp đào tạo ở các trường sư phạm phải đổi mới một
cách căn bản. Đặc điểm chủ yếu của sự đổi mới đó là tăng cường tổ chức sinh viên tự học.
Để có năng lực tự học cần rèn cho các kĩ năng đọc sách (tìm tài liệu, thu thập thông tin,
xử lí thông tin v.v. . . ); hình thành ở sinh viên thói quen phát hiện, giải quyết vấn đề; luyện
cho sinh viên các biện pháp logic: phân tích - tổng hợp, so sánh, thiết lập quan hệ nhân -
quả, hệ thống hóa, khái quát hóa. . . Kĩ năng tự học là phẩm chất vô cùng quan trọng vì đó
là tiềm năng cho sự bồi dưỡng trong suốt quá trình công tác của họ.
Những giải pháp nêu trên đây đều hướng tới tạo ra một chất lượng đào tạo đáp ứng
khả năng tự bồi dưỡng, tự đào tạo suốt đời cho giáo viên.
Về bồi dưỡng giáo viên, chúng tôi xin nêu một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất: Tổ chức tự bồi dưỡng là chủ yếu. Muốn vậy, việc tạo điều kiện để giáo
viên có tài liệu phong phú, kiểm tra, đánh giá kết quả tự bồi dưỡng, có chính sách khuyến
khích hợp lí thành tích tự bồi dưỡng v.v. . . là động lực quyết định hiệu quả bồi dưỡng giáo
viên.
Thứ hai: Việc bồi dưỡng giáo viên phải được tổ chức ngay tại trường mà họ công
tác. Muốn vậy, việc kiện toàn các tổ chuyên môn cả về cơ cấu chất lượng đội ngũ, cả về
nề nếp, nội dung sinh hoạt học thuật có ý nghĩa qua trọng. Trong tập thể giáo viên cần có
những giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng có trình độ cao để họ làm nòng cốt tổ chức các
xemina, sinh hoạt học thuật. Việc hình thành đội ngũ giáo viên cốt cán ở các trường phổ
thông của tất cả các môn học phải trở thành giải pháp có tính chiến lược của ngành giáo
dục [4].
Thứ ba: Để có các chủ đề định hướng cho giáo viên bồi dưỡng cần có sự nghiên
cứu, biên soạn tài liệu (có thể không cần chi tiết mà là các đề cương cụ thể). Viện nghiên
cứu giáo dục, các trường sư phạm phải đặt nhiệm vụ này thành trọng tâm, và tất nhiên
ngành giáo dục, đào tạo phải có những chủ trương tổ chức hoạt động này thành những
chương trình hành động. Nhưng điều quyết định nhất vẫn là tạo ra cơ chế kích thích các
trường sư phạm làm công việc này.
Thứ tư:Mỗi địa phương (tỉnh, huyện) cần có các trường điểm về tổ chức bồi dưỡng
giáo viên. Xây dựng các trường điểm, điển hình về các mặt hoạt động khác chúng ta đã
có kinh nghiệm, kể cả trường chuyên, lớp chọn, vậy tại sao chúng ta không thấy cần thiết
việc xây dựng trường điểm về công tác bồi dưỡng giáo viên. Trọng điểm về tổ chức, về
chính sách, về cơ chế (xin nhấn mạnh tạo cơ chế vẫn là quyết định nhất).
Thứ năm: Cán bộ quản lí giáo dục các cấp, các cơ sở trường học phải được lựa chọn,
bồi dưỡng, đào tạo để họ vừa là tấm gương cá nhân về tự bồi dưỡng, vừa là người có tâm
huyết, có kinh nghiệm tổ chức hoạt động bồi dưỡng trong đơn vị mà mình quản lí. Ở đây
nhấn mạnh vai trò, yêu cầu của Hiệu trưởng nhà trường, sao cho dần dần xuất hiện những
7
Đinh Quang Báo
vị hiệu trưởng các trường có khả năng xác định được giải pháp tổ chức phù hợp, xác định
được các chủ đề định hướng bồi dưỡng tập thể giáo viên của các đơn vị.
Chừng nào chúng ta chưa tổ chức bồi dưỡng thành chương trình hoạt động của cơ
sở trường học thì chừng đó hiệu quả bồi dưỡng giáo viên chưa cao, mà việc bồi dưỡng
giáo viên vẫn là hình thức, không biến thành hiệu quả trong thực tiễn giáo dục.
3. Kết luận
Từ sự phân tích quy luật tất yếu của sự phát triển năng lực, nghề nghiệp giáo viên
để xác định mục tiêu, nội dung, phương thức và cơ chế, chính sách bồi dưỡng đội ngũ
giáo viên. Từ các yếu tố cơ bản đó để xác định các giải pháp đổi mới bởi phương thức bồi
dưỡng, nâng cao năng lực nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu luôn đổi
mới, phát triển của giáo dục phổ thông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2004. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
[2] Nguyễn Thị Bình, 2013. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào
tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông. Đề tài khoa học Giáo dục cấp Nhà nước.
[3] Đinh Quang Báo, 2008. Nâng cao năng lực của hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên
đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục Việt Nam. Đề tài NCKHGD cấp Bộ 2008.
[4] Trần Bá Hoành, 2006. Vấn đề giáo viên - Nghiên cứu lí luận và thực tiễn. Nxb Đại
học Sư Phạm Hà Nội.
ABSTRACT
Innovative solutions in teacher training to improve teaching quality
Solutions in innovative teacher training should be implemented synchronously to
effect reasonable training goals, content and mode. The establishment of these fundamen-
tal elements should develop professional teaching competency in a continuous process
with an organic and logic relationship between initial training and in-service training.
The five principles proposed in this paper meet the requirements and principles outlined
above.
8