Số lượng sinh viên nước ngoài, đặc biệt từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đến Việt Nam học tiếng Việt và chuyên ngành ngày càng đông. Đây là hướng mới trong dạy học Việt ngữ - với tư cách là một ngoại ngữ với đối tượng người học và mục tiêu đào tạo hết sức đặc thù. Bài viết đề cập đến thực trạng lưu học sinh (LHS) Lào học tiếng Việt, những khó khăn thách thức và lý giải nguyên nhân từ hệ thống thuật ngữ khoa học tiếng Việt; từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể để nâng cao việc giảng dạy thuật ngữ khoa học tiếng Việt cho LHS Lào.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 115 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giảng dạy thuật ngữ khoa học tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chin lc ngoi ng trong xu th hi nhp Tháng 11/2014
501
GIẢNG DẠY THUẬT NGỮ KHOA HỌC TIẾNG VIỆT
CHO LƯU HỌC SINH LÀO
Đ! Thùy Trang
Trường Đại học Quảng Bình
Tóm t
t: Số lượng sinh viên nước ngoài, đặc biệt từ
các nước trong khu vực Đông Nam Á đến Việt Nam
học tiếng Việt và chuyên ngành ngày càng đông. Đây
là hướng mới trong dạy học Việt ngữ - với tư cách là
một ngoại ngữ với đối tượng người học và mục tiêu
đào tạo hết sức đặc thù. Bài viết đề cập đến thực trạng
lưu học sinh (LHS) Lào học tiếng Việt, những khó khăn
thách thức và lý giải nguyên nhân từ hệ thống thuật
ngữ khoa học tiếng Việt; từ đó đề xuất những giải pháp
cụ thể để nâng cao việc giảng dạy thuật ngữ khoa học
tiếng Việt cho LHS Lào.
Abstract: Scientific terminologies play an important
position in thevocabularyofa language. It is the key for
learners to accessspecializedknowledge. The paper
analyzes some difficulties that Lao students encounter
when they study inVietnam’s universities so as to find
out objective and subjective reasons for this reality.
The author also suggests some solutions to improve
the quality of teaching and learning Vietnamese
scientific terminologies for Lao students in Vietnam.
1. Đặt vấn đề
Cùng với việc thiết lập hành lang kinh tế Đông
Tây, sự gia tăng hợp tác chính trị, văn hóa và
thương mại, sinh viên các tỉnh miền Trung Lào
như Savanakhet, Khăm Muộn, các tỉnh vùng
Đông Bắc Thái Lan Khon Kaen, Mukdahan đến
các trường đại học ở miền Trung Việt Nam như
Đại học Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Đà
Nẵng ngày càng đông, trong đó chiếm số lượng
lớn là lưu học sinh (LHS) Lào. LHS sau khi học
dự bị tiếng Việt, phần lớn có nhu cầu học đại học,
sau đại học ở Việt Nam. Vì những điểm tương
đồng và gần gũi trong loại hình ngôn ngữ, văn hóa,
tâm lý,sau một năm học chương trình dự bị Tiếng
Việt và sống chung trong môi trường giao tiếp với
người bản ngữ, LHS nhanh chóng nói được tương
đối thành thạo tiếng Việt. Thậm chí có một số học
viên có khả năng dùng từ láy, thành ngữ, quán
ngữ phổ biến của tiếng Việt, hiểu được tiếng lóng,
các hàm ngôn trong giao tiếp hằng ngày.
Tuy nhiên khi bắt đầu học đại học, thậm chí
sau đại học, LHS gặp phải vấn đề khó khăn là hệ
thống thuật ngữ khoa học tiếng Việt. Chúng là rào
cản lớn, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của
LHS khi học ở Việt Nam. Đây là thực trạng kéo
dài nhiều năm, đối với nhiều khóa LHS mà chúng
tôi có điều kiện tiếp xúc, giảng dạy. Không giải
quyết được thực trạng này thì việc học đại học và
sau đại học ở Việt Nam của LHS khó đạt chất
lượng cao như mong đợi. Đây cũng chính là mối
quan tâm thường trực của nhiều người trực tiếp giảng
dạy ngôn ngữ cũng như chuyên ngành cho LHS.
2. Thực trạng và nguyên nhân
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát khoảng 300
LHS Lào để đánh giá năng lực tiếng Việt và vốn
tiếng Việt khoa học thực tế của LHS. LHS được
lựa chọn để khảo sát có trình độ từ tiếng Việt dự
bị đến đại học chuyên ngành, sau đại học. Kết quả
khảo sát cho thấy xét về năng lực tiếng Việt giao
tiếp, các LHS có sự trưởng thành rõ nét từ năm
học đầu tiên đến năm cuối cùng. Sau 4 năm học
đại học ở Việt Nam, năng lực giao tiếp tiếng Việt
đạt được mức độ hoàn thiện khoảng 5% (15/300),
tương đối hoàn thiện 20% (60/300), trung bình
khoảng 45% (135/300), chưa đạt khoảng 30%
(90/300). Trong đó mức độ hoàn thiện là những
LHS có khả năng sử dụng tiếng Việt nhuần
nhuyễn, linh hoạt để thấu hiểu và diễn đạt ý tưởng
của mình cho người khác thấu hiểu. Tuy nhiên
theo tiêu chí của ngôn ngữ học xã hội [3, tr. 115],
nhuần nhuyễn nghĩa là tư duy trực tiếp bằng ngôn
ngữ hai, không cần thao tác dịch ra ngôn ngữ một
thì hầu như không có LHS nào đạt được. Ngược
lại mức độ chưa đạt đánh giá những LHS sử dụng
tiếng Việt chưa thuần thục, chưa tự mình sử dụng
tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai trong nói
Tiu ban 3: Đào to ting Vit nh mt ngoi ng cho ngi n c ngoài
502
năng lẫn đọc hiểu, viết lách. Tuy nhiên kết quả
trên được đánh giá dựa vào tiêu chí tiếng Việt giao
tiếp thông thường. Còn xét về tiêu chí khả năng
hiểu và sử dụng thuật ngữ hầu thì như không có
LHS nào đạt được mức độ hoàn thiện (0%). LHS
tốt nhất cũng chỉ hiểu lờ mờ nội dung của một số
thuật ngữ khoa học chung và khoa học chuyên
ngành. Đặc biệt, LHS phải thực hiện một công
đoạn là dịch ra tiếng mẹ đẻ (Lào) hoặc tiếng Thái
mới có thể nhận biết một phần ý nghĩa của thuật
ngữ. Nhưng điều này cho ra kết quả cũng hết sức
mơ hồ, vì vốn khả năng am hiểu khái niệm, thuật
ngữ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của LHS cũng hạn chế
nên sau khi đã dịch ra thuật ngữ khoa học tiếng
Việt ra được một đơn vị ngôn ngữ tương đương
trong tiếng mẹ đẻ LHS cũng khó hiểu hết nội hàm
khái niệm đó.
“Vật chất là phạm trù triết học dùng để chỉ thực
tại khách quan được đem lại cho con người trong
cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại,
chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào
cảm giác”.
Chúng tôi đã thử làm một test để thử nghiệm
con đường tiếp nhận thuật ngữ “vật chất” của
Triết học Mác Lê-nin đối với LHS Lào. LHS được
chọn để kiểm tra là những học viên đã có chứng
chỉ Tiếng Việt dự bị, học xong năm thứ nhất đại
học ở Việt Nam. Có hai nhóm với hai phương
pháp xử lý thuật ngữ này. Một số thì tra từ điển
cho ra một từ tương đương trong tiếng Lào. Một
nhóm ít hơn tra từng từ một trong khái niệm như:
phạm trù, thực tại khách quan, cảm giác, phản ánh,
lệ thuộc. Sau đó lắp ghép lại để cung cấp một hiểu
biết chung về thuật ngữ “vật chất” bằng tiếng Việt.
Sau khi đối chiếu kết quả lại với nhau thì khó có
một hình dung chung cho định nghĩa phổ biến
nhất của Triết học Mác Lê-nin này.
Từ khái niệm này kéo theo khái niệm khác,
LHS học đại học ở Việt Nam trong sự mơ hồ về
thuật ngữ khoa học. Kết quả là dù kỹ năng giao
tiếp tiếng Việt tương đối thuần thục, việc học tập
ở Việt Nam của LHS vẫn vô cùng khó khăn.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thực
trạng này.
Trước hết, xuất phát từ bản chất của thuật ngữ
khoa học và đặc điểm đặc thù của hệ thốngthuật
ngữ tiếng Việt. “Thuật ngữ là một bộ phận từ ngữ
đặc biệt của ngôn ngữ. Nó bao gồm những từ và
cụm từ cố định là tên gọi chính xác của các loại
khái niệm và các đối tượng thuộc các lĩnh vực
nghiên cứu chuyên môn của con người” [2, tr. 270].
Là một lớp từ đặc biệt của ngôn ngữ, thuật ngữ
có những đặc điểm đặc thù khu biệt với các lớp từ
khác. Đặc điểm đầu tiên cần nói đến là tính chính
xác. “Mọi từ trong ngôn ngữ đều có liên quan đến
khái niệm nhưng thuật ngữ thường biểu hiện
những khái niệm chính xác của một khoa học nào
đó” [2, tr. 271].
Thuật ngữ không phải xuất hiện cá biệt, đơn
nhất mà nó luôn nằm trong một hệ thống nhất định.
Tính hệ thống là đặc điểm tiêu biểu thứ hai của
thuật ngữ. Ngoài sự bị quy định bởi trường từ
vựng như tất cả các từ khác trong ngôn ngữ thì
thuật ngữ còn bị quy định chặt chẽ hơn bởi trường
khái niệm. Đối với thuật ngữ, trường khái niệm có
tính chất tất yếu hơn và cũng chỉ riêng có thuật
ngữ mới bị quy định bởi yếu tố này. Mỗi lĩnh vực
khoa học đều có một hệ thống các khái niệm chặt
chẽ, hữu hạn, được thể hiện bằng hệ thống các
thuật ngữ của mình. Như vậy, mỗi thuật ngữ đều
chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống khái
niệm, thuộc về một hệ thống thuật ngữ nhất định.
Giá trị của mỗi thuật ngữ được xác định trong mối
quan hệ với những thuật ngữ khác cùng trong hệ
thống. Nếu tách thuật ngữ ra khỏi hệ thống thì nó
không còn giá trị nữa.
Một đặc điểm tiêu biểu nữa của thuật ngữ là
tính quốc tế. Thuật ngữ là một bộ phận từ vựng
đặc biệt biểu thị những khái niệm khoa học chung
cho những người nói các thứ tiếng khác nhau. Vì
vậy sự thống nhất của thuật ngữ là cần thiết và bổ
ích. Nó tạo nên tính quốc tế của thuật ngữ: điện
thoại, điện báo, điện tín, bưu điện, téléphon (Pháp),
telephone (Anh), telephone (Đức), radio (Anh,
Đức Pháp) Thuật ngữ tiếng Việt thường được
phân thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là các thuật
ngữ vay mượn qua con đường Hán ngữ: tế bào,
nguyên sinh, nhiễm sắc thể, di truyền, biến dị,
Chin lc ngoi ng trong xu th hi nhp Tháng 11/2014
503
phân bào, miễn dịch, kháng thể, kháng nguyên
(thuật ngữ Sinh học) [2, tr. 274]. Hệ thống những
thuật ngữ này đã hình thành từ lâu trong tiếng Việt.
Nhóm thứ hai là các thuật ngữ được vay mượn từ
các ngôn ngữ Ấn Âu, mà tiêu biểu là tiếng Pháp
và tiếng Anh. Đây đang là xu hướng phổ biến của
nhiều ngành hiện nay: menu, word, excel, power
point, slide, copy, paste, cut, file, insert, tools, edit,
view (công nghệ thông tin) Không những thuật
ngữ tiếng Việt mượn trực tiếp từ tiếng Anh, Pháp,
chúng còn có nguồn gốc trực tiếp từ tiếng Latinh,
như tên gọi các loài, chủng sinh vật, tên các bệnh,
các vi khuẩn, vi rút trong y học Vì vậy khi nói
đến hệ thống thuật ngữ khoa học tiếng Việt cần
phải nhắc đến tất cả kiểu thuật ngữ từ các nguồn
gốc khác nhau này, vì thực sự thuật ngữ khoa học
xuất phát từ lớp từ thuần Việt hết sức hiếm hoi.
Chính những đặc điểm đặc trưng của lớp từ thuật
ngữ khoa học là nhân tố khách quan quan trọng
chi phối khả năng tiếp thu của người sử dụng
không bản là người bản ngữ. Ngay chính cả đối
với người bản ngữ, phải có một trình độ tri thức
khoa họcnhất định mới có thể hiểu và sử dụng
đúng lớp từ này. Vì vậy, khó khăn đối với LHS
Lào khi học thuật ngữ khoa học tiếng Việt cũng là
tất yếu.
Một nguyên nhân khách quan khác tác động
lớn đến quá trình học tập của LHS là đặc trưng
kinh viện, hàn lâm của giáo dục đại học ở Việt
Nam. Chương trình giáo dục đại học ở Việt Nam
hiện nay đang rất nặng nề, đặc biệt đối với LHS
Lào. Tốt nghiệp phổ thông ở Lào, LHS mới hoàn
thành xong khóa học chỉ 10 năm với những kiến
thức khái quát, giản đơn về khoa học. Đến Việt
Nam, sau khóa học dự bị kéo dài từ 6-10 tháng,
LHS phải học trên 100 tín chỉ mỗi năm hai học kỳ,
với đầy đủ, đa dạng, phức tạp các nội dung từ đại
cương đến chuyên ngành. Có thể tưởng tượng số
lượng thuật ngữ đa ngành tỷ lệ thuận với thời
lượng trên 100 tín chỉ mà LHS phải tiếp thu và xử
lý khổng lồ như thế nào. Đồng thời, giáo dục đại
học ở Việt Nam chưa có những chương trình đào
tạo chuyên biệt cho LHS, những môn có tính chất
đại cương như Khoa học Mác Lê-nin, Pháp luật,
Xã hội học, Văn hóa học LHS phải học chung
với sinh viên bản ngữ. Cho nên xét từ góc độ thuật
ngữ, có thể nói việc học đại học còn khó hơn sau
đại học, nơi mà học viên chỉ cần tập trung chuyên
sâu vào lĩnh vực nghiên cứu của mình, làm quen
với một hệ thống thuật ngữ cô đọng, tập trung, có
định hướng. Trong khi đó, tài liệu tham khảo
chuyên ngành, đặc biệt là từ điển đối chiếu thuật
ngữ chuyên ngành Việt Lào, Lào Việt, Việt Thái,
Thái Việt hầu như không có. LHS chỉ sử dụng
những quyển từ điển phổ thông, đơn giản, do phía
Lào xuất bản, hoàn toàn vắng bóng mảng từ điển
đối chiếu hệ thống thuật ngữ khoa học. Để tìm
một phần mềm từ điển tiếng Anh-Việt, Pháp-Việt,
Nhật-Việt, đều không khó nhưng phần mềm từ
điển tiếng Lào-Việt hiện nay chỉ có duy nhất phần
mềm từ điển Việt-Lào (Lào-Việt) do bác sĩ Trần
Kim Lân, một Việt kiều đang sinh sống tại Lào
viết. Từ điển Việt-Lào, Lào-Việt gồm 50.000 từ
của tác giả được nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
xuất bản năm 2009. Các cuốn từ điển Việt-Lào,
Lào-Việt do Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ GD-ĐT
Lào hợp tác xuất bản hầu như không tìm thấy trên
thị trường sách thông dụng. Đây cũng là một nguyên
nhân khách quan khác tác động đến cơ sở, điều kiện
học tập, nghiên cứu của LHS Lào ở Việt Nam.
Chương trình đào tạo tiếng Việt dự bị ở Việt
Nam chủ yếu trang bị kiến thức tiếng Việt giao
tiếp chung, khiếm khuyết mảng đào tạo tiếng Việt
chuyên ngành, đặc biệt ở các trường đại học vùng
và đại học địa phương. Môn Tiếng Việt chuyên
ngành chủ yếu do giảng viên tiếng Việt đảm
nhiệm. Điều này chỉ có thể giải quyết được vốn từ
vựng chuyên ngành khái quát như chính trị, văn
hóa xã hội, chứ không thể đi sâu dạy chuyên
ngành như tiếng Việt kinh tế, sinh học, vật lý cho
lưu học sinh. Sao khi vào học chuyên ngành, môn
ngoại ngữ chuyên ngành LHS Lào lại học chung
với sinh viên Việt Nam nên sẽ được lựa chọn là
tiếng Anh hoặc Pháp chuyên ngành. Vốn tri thức
thuật ngữ khoa học tiếng Việt của LHS vì thế
không có điều kiện để được củng cố, trau đồi và
hoàn thiện.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu
trên thì nguyên nhân chủ quan xuất phát từ bản
Tiu ban 3: Đào to ting Vit nh mt ngoi ng cho ngi n c ngoài
504
thân LHS cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất
lượng tiếp thu vốn thuật ngữ khoa học tiếng Việt.
LHS Lào đầu vào còn thấp, chưa đồng đều, chỉ
học phổ thông 10 năm nên tri thức khoa học nói
chung còn hạn chế, tính thụ động, ỷ lại cao, chưa
thực sự chủ động học tập, nghiên cứu. Thực tế cho
thấy trình độ ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh của
LHS Lào chưa thực sự tốt. Hầu hết LHS Lào
không có khả năng sử dụng tiếng Anh như một
công cụ hỗ trợ trong quá trình học tập. Chỉ có
5/300 LHS Lào có thể nói, hiểu được tiếng Anh ở
mức độ trung bình. Cho nên vai trò trung gian về
thuật ngữ giữa Việt – Anh – Lào (Thái) không
được tận dụng tốt. Nếu LHS có khả năng Anh ngữ
tốt, hoàn toàn có thể dùng từ điển thuật ngữ
chuyên ngành thông qua vai trò trung gian là tiếng
Anh. Ví dụ có thể dùng từ điển Việt – Anh thương
mại, từ điển Việt – Anh xã hội học để dịch thuật
ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh, rồi từ Anh hiểu
sang tiếng Lào (Thái). Vì thế, vốn ngoại ngữ trung
gian hạn chế cũng ảnh hưởng to lớn tới việc tiếp
cận hệ thống thuật ngữ khoa học Việt ngữ của
LHS Lào.
3. Đề xuất và giải pháp
Những nguyên nhân khách quan và chủ quan
trên đã tác động nhiều mặt đến việc dạy và học
thuật ngữ khoa học của LHS Lào ở Việt Nam. Rất
nhiều giảng viên nhận ra thực trạng này nhưng
đành chấp nhận giải pháp xuê xoa, thể tất cho
LHS để LHS có thể hoàn thành khóa học trên tinh
thần “hữu nghị”. Hệ quả là chất lượng giáo dục
đối với LHS chưa đạt như mục tiêu. Để khắc phục
thực trạng này đòi hỏi phải có những giải pháp
mang tính tổng thể đối và toàn diện, kịp thời.
Thuật ngữ là chìa khóa dẫn vào cánh cửa các
ngành khoa học, là điều kiện tiên quyết để LHS có
thể hiểu được những vấn đề khoa học được đề cập
đến trong mỗi học phần. Chỉ khi nào hiểu và sử
dụng được thuật ngữ Việt ngữ thì LHS mới có thể
theo kịp nhịp độ đại học ở Việt Nam.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu sắc hơn với
các quốc gia khu vực Đông Nam Á, trong đó có
nước Lào láng giềng. Nhất thiết cần phải có từ
điển Việt Lào được biên soạn chỉnh chu, khoa học
từ các nhà ngôn ngữ học để có thể thúc đẩy quá
trình trao đổi ngôn ngữ, học thuật và văn hóa giữa
hai quốc gia; đặc biệt là từ điển thuật ngữ các
chuyên ngành hoặc nhóm chuyên ngành. Những
quyển từ điển này phải được xuất bản và phát
hành hướng đến đông đảo bạn đọc là LHS, giảng
viên dạy tiếng Việt, giảng viên chuyên ngành, làm
sao để những đối tượng thực sự cần có thể tìm
mua được.
Muốn đào tạo tiếng Việt cho LHS Lào thực sự
có hiệu quả, cần xây dựng một đội ngũ giảng viên
Việt ngữ học có ngoại ngữ là tiếng Lào, Thái.
Tăng cường trao đổi, hợp tác, giao lưu đào tạo để
giảng viên tiếp xúc, làm quen với các nền giáo dục,
văn hóa xã hội lân cận trong khu vực, từ đó tìm ra
phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc điểm của
LHS từng nước. Chính đội ngũ giảng viên này là
cầu nối quan trọng để có thể khắc phục được thực
trạng hiện nay.
Chương trình đào tạo đại học cần có sự cân
nhắc, điều chỉnh linh hoạt đối với đối tượng là
LHS. Đặc biệt là các môn học có tính chất đại
cương, nhập môn, cơ sở, cần biên soạn những
chương trình phù hợp với LHS, chú trọng đến việc
hình thành khái niệm, cung cấp thuật ngữ khoa
học làm nền tảng tiếp cận các môn chuyên ngành.
Tách bạch đào tạo các môn đại cương đối với
LHS và sinh viên bản ngữ. Có thể lựa chọn ngoại
ngữ chuyên ngành là Tiếng Việt dành riêng cho
LHS Lào thay cho các môn Anh ngữ hay Pháp
ngữ chuyên ngành. Thiết kế các học phần ngoại
ngữ bắt buộc và tự chọn ở đại học là Tiếng Việt để
hoàn thiện vốn tiếng Việt cho LHS.
Phát huy hơn nữa vai trò của người học, trong
đó có LHS Lào trong quá trình tiếp nhận kiến thức.
Nếu giảng viên đại học chỉ dùng phương pháp
thuyết trình là chủ đạo, người học chỉ thụ động
nghe và ghi chép thì việc học tập của LHS càng
trở nên khó khăn hơn. Nếu được giao công việc
nghiên cứu độc lập hoặc giải quyết vấn đề theo
nhóm, LHS sẽ chủ động chuẩn bị, làm bài luận,
xử lý tình huống tốt hơn với một hệ thống thuật
ngữ nhất định. Theo chúng tôi, đây là giải pháp cơ
bản, có giá trị quyết định đối với việc nâng cao
Chin lc ngoi ng trong xu th hi nhp Tháng 11/2014
505
chất lượng học tập cho LHS Lào. LHS Việt Nam
ban đầu bước vào môi trường giáo dục các quốc
gia khác, đặc biệt là phương Tây cũng gặp cú
shock về thuật ngữ như thế này (dù cho LHS có
thể có trình độ ngoại ngữ rất xuất sắc). Nhưng sự
cởi mở và chủ động của nền giáo dục đại học
phương Tây sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn rất
nhiều cho LHS Việt Nam so với giáo dục Việt
Nam đối với LHS Lào.
Một nhân tố quan trọng là ý thức tự học, tự
nghiên cứu của LHS. Giảng viên phải là những
người thúc đẩy, tạo động lực cho LHS chủ động
nắm bắt hệ thống thuật ngữ tùy theo từng giai
đoạn nhận thức của mình. Học tập thuật ngữ là
một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn, cần cù,
nhẫn nại của LHS. Thuật ngữ này sẽ là nền tảng
cho thuật ngữ khác. Vốn thuật ngữ sẽ được tích
lũy dần dần cũng với sự tích lũy kiến thức khoa
học. Nếu không kiên trì, LHS sẽ dễ dàng rơi vào
trạng thái phó mặc vì quá ngưỡng tiếp nhận trước
một số lượng thuật ngữ khổng lồ của nhiều
chuyên ngành khoa học khác nhau. Một khi LHS
phó mặc, giảng viên dù cố ý hay không cũng phải
buông lỏng, thả nổi, dạy học theo tinh thần “hữu
nghị”. Quá trình đào tạo đại học đối với LHS vì
vậy sẽ trở thành hình thức, không có chất lượng.
Vì vậy, học thuật ngữ tiếng Việt là một quá
trình học tập lâu dài của LHS để có thể học
chuyên ngành hiệu quả. Góp phần vào quá trình
này, phải kể đến vai trò của nhiều nhân tố, như
giảng viên tiếng Việt, giảng viên đại học chuyên
ngành, chương trình đào tạo dự bị tiếng Việt lẫn
cơ cấu chương trình đại học, cơ sở tài liệu tham
khảo ở Việt Nam. Và trên hết, đó là sự ý thức và
nỗ lực của mỗi LHS để ngày càng thông thạo
thuật ngữ, thực sự làm chủ “chìa khóa” mở cánh
cửa tri thức ở đại học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Hữu Châu (2004), Giáo trình Từ vựng học tiếng
Việt, NXB ĐHSP.
2. Nguyễn Thiện Giáp (2002), Từ vựng học tiếng Việt,
NXB Giáo dục.
3. Nguyễn Văn Khang (2012), Ngôn ngữ học xã hội,
NXB Giáo dục Việt Nam.
4. Viện Ngôn ngữ học (2000), Từ điển tiếng Việt,
NXB Đà Nẵng.
5. Nguyễn Như Ý (chủ biên) (2002), Từ điển giải thích
thuật ngữ ngôn ngữ học, NXB Giáo dục.