Giáo trình Cây đậu tương

Đậu tương (Glycine max (L) Merr.) còn gọi là đậu nành là một cây trồng cạn ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Khó có thể có tìm thấy một cây trồng nào có tác dụng nhiều mặt như cây đậu tương. Sản phẩm của nó làm thực phẩm cho con người, thức ăn cho gia súc nguyên liệu cho công nghiệp, hàng xuất khẩu và là cây cải tạo đất tốt. Vì th ếcây đậu tương được gọi là "Ông Hoàng trong các loại cây họ đậu ". Sở dĩ cây đậu tương được đánh giá như vậy bởi lẽ cây đậu tương có giá trị rất toàn diện.

pdf96 trang | Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 4649 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Giáo trình Cây đậu tương, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TRẦN VĂN ĐIỀN GIÁO TRÌNH CÂY ĐẬU TƯƠNG NHÀ XUẤT BẢN NÔNG NGHIỆP HÀ NỘI – 2007 LỜI NÓI ĐẦU Đậu tương là một cây công nghiệp và thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng nông nghiệp ở Việt Nam và đặc biệt tà các tỉnh miền núi phía Bắc. Cây đậu tương được đưa vào chương trình giảng dạy hệ đại học thuộc các ngành trồng trọt, khuyên nông và phát triển nông thôn. Để đáp ứng nhu cầu về tư liệu học tập và nghiên cứu cho sinh viên và cán bộ giảng dạy, tác giả xin gửi đến bạn đọc cuốn sách "Giáo trình cây đậu tương". Cuốn sách này đã tổng hợp và hệ thông lại kết quả của các công trình nghiên cứu về đậu tương trong và ngoài nước. Chúng tôi hy vọng rằng tài liệu sẽ giúp ích cho học tập và nghiên cứu của sinh viên và các cán bộ nghiên cứu về đậu tương. Mặc dù với sự cố gắng cao trong quá trình biên soạn và được nhiều ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp, nhưng lần xuất bản đầu tiên này chắc chắn sẽ còn nhiều hạn chế. Tác giả rất mong nhận được những đóng góp của bạn đọc để giáo trình ngày càng hoàn thiện. Xin trân trọng cám ơn ! Tác giả Chương I GIÁ TRỊ KINH TẾ, TÌNH HÌNH SẢN XUẤT, NGUỒN GỐC VÀ PHÂN LOẠI ĐẬU TƯƠNG 1. GIÁ TRỊ KINH TẾ CỦA CÂY ĐẬU TƯƠNG Đậu tương (Glycine max (L) Merr.) còn gọi là đậu nành là một cây trồng cạn ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Khó có thể có tìm thấy một cây trồng nào có tác dụng nhiều mặt như cây đậu tương. Sản phẩm của nó làm thực phẩm cho con người, thức ăn cho gia súc nguyên liệu cho công nghiệp, hàng xuất khẩu và là cây cải tạo đất tốt. Vì thế cây đậu tương được gọi là "Ông Hoàng trong các loại cây họ đậu ". Sở dĩ cây đậu tương được đánh giá như vậy bởi lẽ cây đậu tương có giá trị rất toàn diện. Giá trị về mặt thực phẩm Hạt đậu tương có thành phần dinh dưỡng cao, hàm lượng prôtein trung bình khoảng từ 35,5 - 40%. Trong khi đó hàm lượng prôtein trong gạo chỉ 6,2 - 12%; ngô: 9,8 - 13,2% thịt bò: 21%; thịt gà: 20%; cá: 17 - 20% và trứng: 13 - 14,8%, lipit từ 15- 20%, hyđrát các bon từ 15-16% và nhiều loại sinh tố và muối khoáng quan trọng cho sự sống (Nguyễn Thị Hiền và Vũ Thi Thư, 2004). Hạt đậu tương là loại thực phẩm duy nhất mà giá trị của nó được đánh giá đồng thời cả prôtit và lipit. Prôtein của đậu tương có phẩm chất tốt nhất trong số các prôtein có nguồn gốc thực vật. Hàm lượng prôtein trong hạt đậu tương cao hơn cả hàm lượng prôtein có trong cá, thịt và cao gấp 2 lần so với các loại đậu đỗ khác. Hàm lượng axít quan có chứa lưu huỳnh như methionin và sixtin của đậu tượng cao gần bằng hàm lượng các chất này có trong trứng gà. Hàm lượng cazein, đặc biệt li sin cao gần gấp rưỡi lần chất này có trong trứng. Vì thế mà khi nói về giá trị của prôtein trong hạt đậu tương là nói đến hàm lượng prôtein cao và sự cân đối của các loại axít amin cần thiết. Prôtein của đậu tương dễ tiêu hoá hơn thịt và không có các thành phần tạo colesteron. Ngày nay người ta mới biết thêm hạt đậu tương có chứa lexithin, có tác dụng làm cho cơ thể trẻ lâu, tăng thêm trí nhớ, tái tạo các mô, làm cứng xương và tăng sức đề kháng của cơ thể. Hạt đậu tương có chứa hàm lượng dầu béo cao hơn các loại đậu đỗ khác nên được coi là cây cung cấp dầu thực vật quan trọng. Lipit của đậu tương chứa một tỉ lệ cao các axít béo chưa no (khoảng 60-70%) có hệ số đồng hoá cao, mùi vị thơm như axit linoleic chiếm 52-65%, oleic từ 25-36%, linolenolic khoảng 2-3% (Ngô Thê Dân và cs, 1999). Dùng dầu đậu tương thay mỡ động vật có thể tránh được xơ mỡ động mạch. Trong hạt đậu tương có khá nhiều loại vitamin, đặc biệt là hàm lượng vitamin B1 và B2 ngoài ra còn có các loại vitamin PP, A, E, K, D, C,v.v.... Đặc biệt trong hạt đậu tương đang nảy mầm hàm lượng vitamin tăng lên nhiều, đặc biệt là vitamin C. Phân tích thành phần sinh hoá cho thấy trong hạt đậu tương đang nảy mầm, ngoài hàm lượng vitamin C cao, còn có các thành phần khác như: vitamin PP, và nhiều chất khoáng khác như Ca, P, Fe v.v...Chính vì thành phần dinh dưỡng cao như vậy nên đậu tương có khả năng cung cấp năng lượng khá cao khoảng 4700 cal/kg (Nguyễn Danh Đông, 1982). Hiện nay, từ hạt đậu tương người ta đã chế biến ra được trên 600 sản phẩm khác nhau, trong đó có hơn 300 loại làm thực phẩm được chế biến bằng cả phương pháp cổ truyền, thủ công và hiện đại dưới dạng tươi, khô và lên men vv... như làm giá, đậu phụ, tương, xì dầu vv... đến các sản phẩm cao cấp khác như cà phê đậu tương, bánh kẹo và thịt nhân tạo vv... Đậu tương còn là vị thuốc để chữa bệnh, đặc biệt là đậu tương hạt đen, có tác dụng tốt cho tim, gan, thận, dạ dày và ruột. Đậu tương là thức ăn tốt cho những người bị bệnh đái đường, thấp khớp, thần kinh suy nhược và suy dinh dưỡng. Giá trị về mặt công nghiệp Đậu tương là nguyên liệu của nhiều ngành công nghiệp khác nhau như: chế biến cao su nhân tạo, sơn, mực in, xà phòng, chất dẻo, tơ nhân tạo, chất đốt lỏng, dầu bôi trơn trong ngành hàng không, nhưng chủ yếu đậu tương được dùng để ép dầu. Hiện nay trên thế giới đậu tương là cây đứng đầu về cung cấp nguyên liệu cho ép dầu, dầu đậu tương chiếm 50% tổng lượng dầu thực vật. Đặc điểm của dầu đậu tương: khô chậm, chỉ số iốt cao : 120- 127 ; ngưng tụ ở nhiệt độ : - 15 đến - 18oC. Từ dầu này người ta chế ra hàng trăm sản phẩm công nghiệp khác như: làm nến, xà phòng, ni lông v.v... Giá trị về mặt nông nghiệp - Làm thức ăn cho gia súc: Đậu tương là nguồn thức ăn tốt cho gia súc 1 kg hạt đậu tương đương với 1,38 đơn vị thức ăn chăn nuôi. Toàn cây đậu tương (thân, lá, quả, hạt) có hàm lượng đạm khá cao cho nên các sản phẩm phụ như thân lá tươi có thể làm thức ăn cho gia súc rất tốt, hoặc nghiền khô làm thức ăn tổng hợp của gia súc. Sản phẩm phụ công nghiệp như khô dầu có thành phần dinh dưỡng khá cao: N: 6,2%, P2O5: 0,7%, K2O: 2,4%, vì thế làm thức ăn cho gia súc rất tốt (Ngô Thế Dân và cs, 1999). - Cải tạo đất: Đậu tương là cây luân canh cải tạo đất tốt. 1 ha trồng đậu tương nếu sinh trưởng phát triển tốt để lại trong đất từ 30-60 kg N (Phạm Gia Thiều, 2000). Trong hệ thống luân canh, nếu bố trí cây đậu tương vào cơ cấu cây trồng hợp lý sẽ có tác dụng tốt đối với cây trồng sau, góp phần tăng năng suất cả hệ thống cây trồng mà giảm chi phí cho việc bón N. Thân lá đậu tương dùng bón ruộng thay phân hữu cơ rất tốt bởi hàm lượng N trong thân chiếm 0,05%, trong lá: 0,19% (Nguyễn Danh Đông, 1982). 2. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT ĐẬU TƯƠNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC 2.1. Tình hình sản xuất đậu tương trên thế giới Đậu tương là cây trồng lấy hạt, cây có dầu quan trọng bậc nhất trên thế giới, đứng hàng thứ 4 sau cây lúa mì, lúa nước và ngô. Do khả năng thích ứng rộng nên nó đã được trồng ở khắp năm châu lục, nhưng tập trung nhiều nhất ở châu Mỹ trên 70%, tiếp đến là châu Á. Tình hình sản xuất đậu tương trên thế giới trong những năm gần đây được thê hiện trong bảng Số liệu ở bảng 1.1 cho thấy diện tích gieo trồng và sản lượng đậu tương trên thế giới tăng rất nhanh trong vòng 5 năm qua. Hàng năm trên thế giới trồng khoảng hơn 91 triệu ha với nang suất bình quân khá cao 22-23 tạ!ha đã tạo ra một sản lượng đậu tương gấp hơn 2 lần so với 20 năm về trước. Các nước trồng đậu tương đứng hàng đầu trên thế giới về diện tích gieo trồng và sản lượng là Mỹ, Braxin, Achentina và Trung Quốc (bảng l.2) 2.2. Tình hình sản xuất đậu tương ở trong nước Một số tài liệu cho rằng cây đậu tương được đưa vào trồng nước ta từ thời vua Hùng và xác định rằng nhân dân ta trồng cây đậu tương trước cây đậu xanh và cây đậu đen (Ngô Thế Dân và cs, 1999). Ngày nay đậu tương đã trở nên quen thuộc với nhân dân ta. Các món ăn chế từ đậu tương trở thành những món ăn phổ biến thường ngày. Tuy nhiên đậu tương trồng ở nước ta chủ yếu là sử dụng làm thực phẩm mang tính tự cung tự cấp. Trong những năm gần đây, cây đậu tương đã phát triển khá nhanh cả về diện tích và năng suất góp phần tạo ra mặt hàng tiêu dùng nội địa quan trọng. Tình hình sản xuất đậu tương trong nước mấy năm gần đây được trình bày trong bảng 1.3. Về mặt diện tích: Diện tích gieo trồng đậu tương của nước ta mới chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng diện tích gieo trồng (khoảng l,5-l,6%). Xét về tốc độ thì tăng rất nhanh nếu lấy năm 1980 làm mốc thì đến năm 2004 diện tích đã tăng gấp 3,6 lần. Về năng suất: Năng suất đậu tương bình quân của nước ta rất thấp chỉ đạt khoảng trên 50% so với năng suất bình quân trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu chọn tạo giống và các biện pháp canh tác, năng suất đậu tương trong 5 năm gần đây đã có một bước nhảy vọt quân trọng, năng suất tăng 1,8 lần so với năm 1980 (Trần Đình Long và Andrew, 2001). Hiện nay, cả nước đã hình thành 6 vùng sản xuất đậu tương: vùng Đông Nam bộ có diện tích lớn nhất (26,2% diện tích đậu tương cả nước), miền núi Bắc bộ 24,7%, đồng bằng sông Hồng 17,5%, đồng bằng sông Cửu Long 12,4% (Ngô Thế Dân và cs, 1999). Tổng diện tích 4 vùng này chiếm 80% diện tích trồng đậu tương cả nước, còn lại là đồng bằng ven biển miền Trung và Tây Nguyên. Đậu tương được trồng ở vụ xuân chiếm 14,2% diện tích, vụ hè là 2,68%, vụ hè thu 31,3%, vụ thu đông 22,1% và vụ đông xuân 29,7% (Ngô Thế Dân và cs, 1999). Tuỳ theo điều kiện sinh thái của từng vùng mà đậu tương được gieo trồng trong các vụ chính khác nhau. Ví dụ ở các tỉnh miền núi phía Bắc đậu tương được gieo trồng chính trong vụ hè thu, những năm gần đây đậu tương cũng được phát triển mạnh trong vụ xuân. Về sản lượng, vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 60% sản lượng đậu tương cả nước. Đặc biệt vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm khoảng 12% diện tích nhưng năng suất bình quân cao nhất cả nước đạt trên 20 tạ/ha (Ngô Thế Dân và cs, 1999). Hiện nay cùng với nhịp độ tăng dân số và việc thay đổi tập quán tiêu dùng dầu thực vật thay mỡ động vật, thì nhu cầu dầu thực vật đặc biệt là dầu đậu tương sẽ tăng lên, như vậy sẽ tạo ra một cơ hội rất lớn cho việc phát triển sản xuất đậu tương trong nước. 3. NGUỒN GỐC VÀ PHÂN LOẠI 3.1. Nguồn gốc Đậu tương là một trong những loại cây trồng mà loài người đã biết sử dụng và trồng trọt từ lâu đời, vì vậy nguồn gốc của cây đậu tương cũng sớm được xác minh. Những bằng chứng về lịch sử, địa lý và khảo cổ học đều công nhận rằng đậu tương có nguyên sản ở châu Á và có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cây đậu tương được thuần hoá ở Trung Quốc qua nhiều triều đại tiền phong kiến và được đưa vào trồng trọt và khảo sát có thể trong triều đại Shang (năm 1700-1100 B.C) trước công nguyên. Những thông tin về nguồn gốc đậu tương được trình bày chi tiết trong tài liệu của trong Ngô Thế Dân và cs (1999). 3.2. Phân loại Đậu tương thuộc chi Glycine, họ đậu Leguminosae, họ phụ cánh bướm Papilionoideae và bộ Phaseoleae. Đậu tương có tên khoa học là Glycine Max (L) Merr. Do xuất phát từ những yêu cầu, căn cứ và tiêu chí phân loại khác nhau nên cũng có nhiều cách phân loại khác nhau. Nhưng đến nay, hệ thống phân loại căn cứ vào đặc điểm về hình thái, phân bố địa lý và số lượng nhiễm sắc thể được nhiều người sử dụng. Hệ thống phân loại căn cứ vào đặc điểm về hình thái, sự phân bố địa lý và số lượng nhiễm sắc thể do Hymowit và Newell (1984) xây dựng. Theo hệ thống này ngoài chi Glycine còn có thêm chi phụ Soja. Chi Glycine được chia ra thành 7 loài hoang dại lâu năm, và chi phụ Soja được chia ra làm 2 loài: loài đậu tương trồng Gtycine (L) Merr và loài hoang dại hàng năm G. Soja Sieb và Zucc (bảng 1.4). Chương II ĐẶC TÍNH SINH VẬT HỌC CỦA CÂY ĐẬU TƯƠNG 1. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT HỌC 1.1. Rễ Rễ cây đậu tương khác với rễ cây hoà thảo là có rễ chính và rễ phụ. Rễ chính có thể ăn sâu 30-50cm và có thể trên 1m. Trên rễ chính mọc ra nhiều rễ phụ, rễ phụ cấp 2, cấp 3 tập trung nhiều ở tầng đất 7-8 cm rộng 30-40 cm2 (Nguyễn Danh Đông, 1982). Trên rễ chính và rễ phụ có nhiều nốt sần. Bộ rễ phân bố nông sâu, rộng hẹp, số lượng nốt sần ít hay nhiều phụ thuộc vào giống, đất đai, khí hậu và kỹ thuật trồng. Quá trình phát triển của bộ rễ có thể phân ra làm 2 thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất: Phát triển lớp rễ đầu tiên, thời kỳ này rễ cái và rễ phụ đầu tiên phát triển mạnh kéo dài ra và sinh nhiều rễ con. Thời kỳ này thường kéo dài từ 30-40 ngày sau mọc. Thời kỳ thứ hai: Lớp rễ đầu tiên phát triển chậm dần, rễ con không nhú ra nữa thậm chí có một số rễ con khô đi. Lúc này gốc thân gần cổ rễ các rễ phụ nhỏ kéo dài ra và phát triển cho tới khi gần thu hoạch. Số lượng có thể 30-40 rễ phụ ăn ở phía gần mặt đất. Lớp rễ này có nhiệm vụ cung cấp đấy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thân, lá và làm quả. Trong kỹ thuật trồng nên chú ý thời kỳ này, cần vun đất sao cho lớp rễ này phát triển mạnh. Một đặc điểm hết sức quan trọng cần lưu ý là trên bộ rễ của cây đậu tương có rất nhiều nốt sần. Đó là các u bướu nhỏ bám vào các rễ. Nốt sần là kết quả cộng sinh của một số loại vi sinh vật có tên khoa học là Rhizobium Japonicum với rễ cây đậu tương. Trong một nốt sần có khoảng 3-4 tỷ vi sinh vật, mà ta chỉ có thể nhìn thấy chúng qua kính hiển vi phóng đại 600 - 1000 lần (Ngô Thế Dân và cs, 1999). Vi sinh vật thường có dạng hình cầu hoặc hình que. * Đặc điểm của nốt sần Nốt sần ở rễ đậu tương thường tập trung ở tầng đất 0-20cm, từ 20-30cm nốt sần ít dần và nếu sâu hơn nữa thì có ít hoặc không có. Nốt sần đóng vai trò chính trong quá trình cố định đạm khí trời cung cấp cho cây. Lượng đạm cung cấp cho cây khá lớn khoảng 30-60 kg/ha (Nguyễn Danh Đông, 1982). Nốt sần có thể dài lcm, đường kính 5-6 mm, mới hình thành có màu trắng sữa, khi tốt nhất có màu hồng (màu globulin có cấu tạo gần giống Hemoglobin trong máu có Fe). * Quá trình hình thành của nốt sần Trong đất luôn luôn có nhiều loại vi sinh vật thường tập trung xung quanh bộ rễ (để sử dụng các chất thải ra làm thức ăn), mặt khác xung quanh rễ do canh tác tạo điều kiện đất đai thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Có loại cộng sinh, có loại hoại sinh, ký sinh trong đó có loại có lợi có loại có hại với rễ. Cây họ đậu đều tiết ra các chất như gluxit, đường galacto v.v.. đã hấp dẫn các loại vi sinh vật trong đó có vi sinh vật nốt sần. Có nhiều quan điểm khác nhau về quá trình xâm nhập của vi sinh vật nốt sần vào rễ cây họ đậu. Có quan điểm cho rằng khi sống vi khuẩn Rhirobium Japonicum tiết ra chất axit andol 3 axêtic. Khi vi khuẩn tiếp xúc với lông hút dưới tác dụng của axit làm cho điểm đó trên lông hút khô cong lên, tạo nên khe hở làm cho vi sinh vật đi sâu vào lông hút. Quan điểm khác lại cho rằng vi sinh vật tiết ra men xelluoza phân huỷ tế bào lông hút để đi vào lông hút. Khi đi vào đầu lông hút vi sinh vật tiết ra chất nhầy, từ tổ chức biểu bì của đầu lông hút tạo thành tuyến xâm nhập hình dải. Sau một thời gian xâm nhập vào tế bào biểu bì, vào nội bì và sinh sản tại đó. Vi khuẩn chiết ra chất kích thích làm cho tế bào phân chia không bình thường và hình thành nốt sần. Nốt sần phát triển đến một giai đoạn nhất định thì cố định đạm. Bản thân nốt sần hút N còn vi sinh vật như một chất xúc tác. Khi cây già vi sinh vật đi ra ngoài. Quá trình hình thành nốt sần kéo dài 16-21 ngày. Trường hợp bình thường nốt sần bắt đầu xuất hiện sau mọc 14-15 ngày, phát triển nhiều và mạnh nhất vào lúc đậu tương ra hoa và làm quả tập trung nhiều nhất ở lớp rễ thứ nhất. Số lượng nốt sần nhiều hay ừ phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện đất trồng, các chất dinh dưỡng đối với đậu tương. Trồng đậu tương trên đất đã trồng đậu tương, thì nốt sần hình thành sớm hơn và nhiều hơn. Đất chua quá hoặc kiềm quá nốt sần hình thành kém. pH thích hợp cho sự hình thành của nốt sần là 6-7, vì vậy việc lựa chọn đất trồng đậu tương thích hợp rất quan trọng. Điều kiện dinh dưỡng cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nốt sần. Nhìn chung bón đầy đủ NPK thì nốt sần phát triển mạnh, bón P2O5 Có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của nốt sần, còn hiệu quả kali không rõ lắm (Trần Văn Điền, 2001). Bón đạm không thích hợp ức chế sự hình thành và phát triển của nốt sần. Quan hệ giữa vi sinh vật nốt sần với cây đậu tương là mối quan hệ cộng sinh: cây cung cấp chất dinh dưỡng cho vi khuẩn hoạt động, ngược lại vi khuẩn lại tổng hợp nitơ tự do của không khí chuyển sang dạng đạm hữu cơ cây có thể sử dụng được. Cây đậu tương cung cấp càng nhiều chất dinh dưỡng cho vi sinh vật hoạt động thì vi sinh vật càng phát triển và tích luỹ đạm được càng nhiều cho cây làm cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. 1.2. Thân • Hình thái và màu sắc của thân Thân cây đậu tương thuộc thân thảo, có hình tròn, trên thân có nhiều lông nhỏ. Thân khi còn non có màu xanh hoặc màu tím khi về già chuyển sang màu nâu nhạt, màu sắc của thân khi còn non có liên quan chặt chẽ với màu sắc của hoa sau này. Nếu thân lúc còn non màu xanh thì hoa màu trắng và nếu khi còn non thân có màu tím thì hoa có màu tím đỏ. Thân có trung bình 14-15 lóng, các lóng ở phía dưới thường ngắn, các lóng ở phía trên thường dài (vì những lóng phía trên phát triển từ ngày 35-40 trở đi vào lúc cây đang sinh trưởng nhanh nên lóng thường dài). Tuỳ theo giống và thời vụ gieo mà chiều dài lóng có sự khác nhau thường biến động từ 3 - 10 cm. Cây đậu tương trong vụ hè thường có lóng dài hơn vụ xuân và vụ đông. Chiều dài của lóng góp phần quyết định chiều cao của thân. Thân cây đậu tương thường cao từ 0,3 m - 1,0 m. Giống đậu tương dại cao 2-3 m. Những giống thân nhỏ lóng dài dễ bị đổ hay mọc bò thường làm thức ăn cho gia súc. Những giống thân to thường là thân đứng và có nhiều hạt và chống được gió bão. Toàn thân có một lớp lông tơ ngắn, mọc dày bao phủ từ gốc lên đến ngọn, đến cả cuống lá. Thực tế cũng có giống không có lông tơ. Những giống có mật độ lông tơ dày, màu sẫm có sức kháng bệnh, chịu hạn và chịu rét khoẻ. Ngược lại những giống không có lông tơ thường sinh trưởng không bình thường, sức chống chịu kém. Thân có lông tơ nhiều ít dài ngắn, dày thưa là một đặc điểm phân biệt giữa các giống với nhau. • Tập tính sinh trưởng của thân Căn cứ vào tập tính sinh trưởng và đặc điểm của thân người ta chia ra làm 4 loại: - Loại mọc thẳng: thân cứng, đường kính thân lớn, thân không cao lắm, đốt ngắn, quả nhiều tập trung thường là giống ra hoa hữu hạn. - Loại bò: thân chính phân cành rất nhỏ, mềm, phủ trên mặt đất thành đám dây, thân rất dài, đốt dài, quả nhỏ phân tán. - Loại nửa bò: là loại trung gian giữa 2 loại mọc thẳng và mọc bò trên. - Loại mọc leo: thân nhỏ rất dài, mọc bò dưới đất hoặc leo lên giá thể khác. • Tập tính phân cành của thân Thân đậu tương có khả năng phân cành ngay từ nách lá đơn hoặc kép. Những cành trên thân chính phân ra gọi là cành cấp 1, trên cành cấp 1 có thể phân ra cành cấp 2. Số lượng cành trên một cây nhiều hay ít thay đổi theo giống, thời vụ, mật độ gieo trồng và điều kiện canh tác. Trung bình trên 1 cây thường có 2-5 cành, có một số giống trong điều kiện sinh trưởng tốt có thể có trên 10 cành. Thường sau mọc khoảng 20-25 ngày thì cây đậu tương bắt đầu phân cành. Vị trí phân cành phù hợp là cao trên 15cm, nếu thấp quá không có lợi cho việc cơ giới hoá. Giống đậu tương có góc độ phân cành càng hẹp thì càng tốt cho việc tăng mật độ. Căn cứ vào tập tính sinh trưởng của thân cành và đặc điểm ra hoa người ta chia các giống đậu tương ra làm 2 loại: + Sinh trưởng hữu hạn: khi ngọn thân hoặc ngọn cành đã ra hoa, thì không tiếp tục sinh trưởng nữa hay cành không cao lên nữa, loại này thường trồng lấy hạt. + Sinh trưởng vô hạn: khi đậu tương ra hoa kết quả và cả khi sắp chín thân cành vẫn tiếp tục sinh trưởng, thường là loại mọc bò được trồng làm thức ăn cho gia súc. • Quá trình phát triển của thân: - Từ lúc mọc đến khi cây có 5 lá thật (3 lá kép) khoảng 25-30 ngày sau khi gieo, thân sinh trưởng với tốc độ bình thường. - Khi cây đã có 6-7 lá thật (4-5 lá kép) thân bắt đầu phát triển mạnh, tốc độ mạnh